Chỉ ban ngày mới có người đến, những đám người lộn xộn ở bên ngoài thành phố, xẻng vác lên vai, tản vào các tầng hầm tìm kiếm cướp bóc. Một trong số bọn chúng chọn ngôi nhà đổ nát của tôi. Chắc hắn không tìm ra tôi ở đây, không ai phát hiện ra được tôi. Lúc hắn xuất hiện ở cầu thang dưới chỗ tôi hai tầng, tôi gầm lên hung hãn, giọng doạ dẫm:
Có chuyện gì thế? Xéo ngay! Xéo!
Hắn vọt đi như một chú thỏ hoảng hốt, người cuối cùng của những kẻ cùng khổ, sợ cả tiếng nói của người bất hạnh cuối cùng còn sống sót ở nơi đây.
Cuối tháng Mười, nhìn từ tầng áp mái xuống, tôi thấy bọn Đức tóm được một trong nhóm trộm đạo này. Những tên trộm cố nói để thoát khỏi sự rắc rối. Tôi nghe thấy chúng nhắc đi nhắc lại:
Từ Pruszkóv, từ Pruszkóv.
Và chỉ về phía Tây. Bọn lính bắt bốn người trong bọn đứng dựa vào bức tường và bắn, mặt họ rên rỉ, van lơn xin tha mạng. Bọn Đức bắt những người còn lại đào một cái hố trong vườn của một biệt thự, chôn những cái xác rồi bỏ đi. Sau chuyện đó, bọn trộm tránh xa khu vực này. Giờ đây tôi là người sống sót duy nhất ở chốn này.
Ngày mùng một tháng Mười Một, trời bắt đầu lạnh, nhất là ban đêm. Cố giữ cho khỏi điên vì bị cách ly, tôi quyết tuân theo một cuộc sống kỷ luật hết mức có thể. Tôi vẫn còn cái đồng hồ Omega trước chiến tranh, tôi giữ gìn như giữ con ngươi trong mắt cùng cây bút máy. Chúng là của cải duy nhất còn lại của tôi. Tôi hết sức giữ gìn chiếc đồng hồ đã bị trầy xước, và nhờ nó, tôi lập được một thời khoá biểu cho mình. Tôi nằm bất động suốt ngày để giữ chút sức tàn, chỉ duỗi tay ra một lần vào ban trưa để nuôi sống bản thân bằng khẩu phần đạm bạc: một miếng bít cốt và một ca nước. Từ sáng sớm đến lúc ăn trưa, tôi chỉ nằm đó, nhắm nghiền mắt, ôn lại trong trí tất cả những bản nhạc tôi đã chơi từ quán bar này sang quán bar khác. Sau này, quá trình bồi bổ thần kinh kiểu này lại hoá ra có lợi: khi trở lại làm việc, tôi vẫn hiểu tiết mục của tôi, hầu như tất cả vẫn còn nằm trong đầu như thể tôi vẫn hành nghề liên tục trong suốt thời gian chiến tranh. Rồi từ ban trưa đến chiều tối, tôi ôn lại một cách có hệ thống những cuốn sách tôi đã đọc, nhẩm lại các từ tiếng Anh. Tôi tự học tiếng Anh, đặt ra các câu hỏi và cố trả lời thật đúng, thật chi tiết.
Khi trời tối hẳn, tôi ngủ. Tôi thường thức giấc vào lúc một giờ sáng, và kiếm thứ để ăn nhờ ánh sáng của que diêm, tôi đã tìm được diêm trong một căn hộ chưa bị hư hỏng hoàn toàn. Tôi ghé vào các tầng hầm và các đống cháy thành than trong các căn hộ, tìm được một ít bột yến mạch, nhiều mẩu bánh mì, ít bột mì ướt, nước trong các xô, bình, chậu. Tôi không biết đã bước qua cái xác cháy thành than trên thang lầu bao nhiêu lần trong những cuộc thám hiểm như thế này. Anh ta là người duy nhất có mặt không làm cho tôi sợ. Một hôm tôi tìm được một kho báu trong hầm: nửa lít rượu mạnh. Tôi quyết để dành đến cuối cuộc chiến tranh.
Ban ngày, lúc tôi nằm dài trên sàn, bọn Đức và Ukraina hay vào nhà lục soát và cướp phá. Mỗi cuộc đến thăm của chúng lại làm cho thần kinh của tôi căng thẳng, vì tôi rất sợ chúng tìm ra tôi và giết dhết. Không hiểu vì sao chúng luôn để mặc tầng áp mái, dù tôi đã đếm được hơn ba chục cuộc đến thăm chớp nhoáng như thế.
Ngày 15 tháng Mười Một, bông tuyết đầu tiên rơi. Thời tiết lạnh lẽo ngày càng làm khổ tôi hơn dưới đống giẻ rách tôi đã nhặt nhạnh được khắp nơi để giữ ấm cho mình. Lúc này, buổi sáng khi thức giấc, tuyết đã phủ một lớp dày, trắng xoá, mềm mại. Tôi phải dọn giường trong góc nhà, dưới phần mái vẫn còn nguyên, nhưng rồi nó cũng bay nốt và tuyết từ tứ ohía bay vào. Một hôm, tôi trải mảnh vải bên dưới một tấm cửa sổ vỡ và được một bữa ngắm mình trong gương không chuẩn bị trước kia. Thoạt đầu tôi không thể tin cái cảnh tượng gớm guốc tôi đang nhìn thấy lại là tôi: tóc tôi không cắt đã nhiều tháng, tôi không cạo râu, không tắm rửa. Mái tóc trên đầu rất dày, bết vào nhau, mặt tôi bị bộ râu đen xì, nặng trĩu phủ gần hết, và chỗ nào không có râu, da của tôi cũng đen xỉn. Mí mắt tôi đỏ lừ, và trên trán có một nốt mụn to, đóng vảy khô khốc.
Nhưng điều hành hạ tôi duy nhất là không biết tí gì hết về các diễn biến của những trận chiến đấu, cả ngoài mặt trận lẫn các cuộc nổi dậy. Cuộc khởi nghĩa ở Warsaw đã xẹp xuống, tôi không ôm ấp nhiều ảo tưởng về điều này. Nhưng biết đâu vẫn có cuộc kháng cự bên ngoài thành phố, ở Praga bên bờ kia của sông Vistula chẳng hạn? Thỉnh thoảng tôi nghe pháo gầm và những quả đạn pháo nổ trong cảnh hoang phế điêu tàn rất gần chỗ tôi, vọng lên khắc nghiệt trong sự im lặng của các toà nhà cháy rụi. Còn những cuộc kháng chiến ở các nơi khác trên đất Ba Lan thì sao? Các đội quân Xô viết đang ở đâu? Đồng minh tấn công trên mặt trận phía Tây tới đâu rồi? Tôi sống hoặc chết tuỳ thuộc vào câu trả lời của những câu hỏi ấy, dẫu cho bọn Đức không tìm ra được nơi ẩn náu của tôi, thì tôi cũng sắp chết đến nơi rồi – không chết vì đói cũng chết vì rét.
Sau khi nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong gương, tôi quyết định dùng chút ít nước để tắm, vào lúc nhóm lửa trên một trong những bếp lò còn nguyên vẹn để nấu bột yến mạch. Tôi đã khổsở vì không ăn thức ăn nóng gần bốn tháng nay. Nếu muốn tắm và nấu ăn, tôi phải rời khỏi nơi ẩn nấp vào ban ngày. Tôi vẫn chưa làm được cho đến lúc đã ở trên đầu cầu thang thì chợt để ý đến một tốp lính Đức đang dựng hàng rào bằng gỗ bên ngoài quân y viện. Song tôi phải làm ấm lòng bằng một chút cháo nóng nếu không tôi sẽ quỵ. Tôi cảm thấy ốm đến nơi nếu không cho một chút gì nóng vào bụng ngay lúc này, ngay ở đây.
Tôi đang bận bịu bên bếp lò thì nghe tiếng bọn SS sải chân trên cầu thang. Tôi vội rời căn hộ và chuồn lên tầng áp mái nhanh hết mức mà tôi có thể. Tôi đã làm được! Một lần nữa, bọn Đức chỉ đánh hơi quanh quất rồi bỏ đi. Tôi lại xuống bếp. Muốn nhóm được lửa, tôi phải dùng con dao rỉ cùn cạo những miếng vỏ bào từ một cánh cửa, và trong lúc làm tôi bị một cái dằm gỗ dài một centimet đâm vào dưới ngón tay cái bên phải. Cái dằm cứng và sâu đến mức không rút ra được. Tai nạn bé xíu này có thể gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm: tôi không có thuốc khử trùng, lại đang sống giữa bao nhiêu thứ dơ dáy cho nên rất dễ nhiễm trùng máu. Sau khi thử nhìn sự việc theo một khía cạnh sáng sủa khác, và giả sử ngón tay tôi không bị liệt vì nhiễm trùng máu đi nữa, chỉ cần nó biến dạng là cũng đi đời sự nghiệp nhạc sĩ dương cầm của tôi rồi, nếu tôi còn sống cho đến lúc chiến tranh kết thúc.
Tôi quyết đợi cho đến hôm sau và nếu cần, sẽ cắt qua móng tay bằng con dao cạo.
Tôi đang đứng rầu rĩ ngắm ngón tay cái thì lại nghe thấy tiếng chân. Tôi sợ cứng người và định lên tầng áp mái nhưng đã quá trễ. Tôi thấy mình đối mặt với một tên lính đội mũ sắt, mang khẩu súng trường. Trông mặt mũi hắn đờ đẫn, chẳng có vẻ gì tinh khôn cho lắm.
Hắn hốt hoảng vì bắt gặp tôi ở đây một mình trong đống đổ nát này, nhưng cố tỏ vẻ doạ dẫm. Bằng thứ tiếng Ba Lan ngọng nghịu, hắn hỏi tôi làm gì ở đây. Tôi nói hiện giờ tôi sống bên ngoài Warsaw và trở lại đây để tìm kiếm ít đồ dùng. Trông bộ dạng của tôi thì câu trả lời này thật đáng nực cười. Tên Đức chĩa súng vào tôi và bảo tôi đi theo hắn. Tôi nói tôi sẽ đi, nhưng cái chết của tôi sẽ ám ảnh lương tâm hắn, và nếu để tôi lại đây, tôi sẽ cho hắn nửa lít rượu mạnh. Hắn có vẻ ưng thuận cái giá chuộc mạng này, nhưng nói rõ rằng hắn sẽ trở lại và tôi phải cho hắn nhiều rượu mạnh hơn nữa. Ngay lúc còn một mình, tôi trèo vội lên tầng áp mái, rút thang và đóng cánh cửa sập lại. Không còn ngờ gì nữa, mười lăm phút sau hắn trở lại thật, lần này hắn đi cùng với mấy tên khác và một tên hạ sĩ quan. Nghe tiếng bước chân của chúng, tôi trèo ra khỏi tầng áp mái lên chỗ nóc nhà còn nguyên, dốc đứng. Tôi nằm ép chặt bụng xuống, hai chân quắp cái ống máng. Nếu nó oằn và rời ra, ắt tôi sẽ tuột khỏi mái nhà và rớt từ tầng năm xuống đường phố bên dưới. Nhưng ống máng rất vững,và một ý nghĩ mới mẻ và thực sự ghê gớm: nơi ẩn náu thật đáng kể và tôi lại được cứu sống thêm một lần nữa. Bọn Đức tìm kiếm khắp ngôi nhà, lật đổ bàn ghế, cuối cùng chúng leo cả lên tầng áp mái, nhưng không ngó lên mái nhà. Chắc chúng nghĩ không người nào có thể nằm trên đó. Chúng bỏ đi tay không, chửi bới om sòm và gọi tôi bằng đủ thứ tên.
Cuộc chạm trán với tên Đức làm tôi rất run, và tôi quyết định ban ngày sẽ nằm trên mái nhà, chỉ bò xuống tầng áp mái vào ban đêm. Lớp kim loại làm tôi lạnh thấu xương, tay chân tôi cứng lại, toàn thân đờ đẫn vì tư thế căng thẳng không thoải mái này. Nhưng tôi đã chịu đựng quá nhiều, nó cũng đáng để chịu đựng thêm một chút nữa dù một tuần sau tốp lính Đức biết tôi ẩn náu ở đâu đây mới xong công việc ở bệnh viện và rời khỏi khu phố này.
Hôm nay bọn SS đưa một nhóm người mặc thường phục đến làm trong bệnh viện. Lúc mười giờ sáng, tôi đang nằm ép trên mái nhà dốc đứng thì nghe một tràng tiếng súng quét rất gần tôi, bằng súng trường hoặc súng lục, âm thanh ấy vang rền giữa tiếng ríu rít, líu lo của đàn chim sẻ bay trên đầu tôi, các vỏ đạn rơi rất gần tôi. Tôi nhìn quanh: hai tên Đức đứng trên mái nhà của bệnh viện đang nhắm bắn tôi. Tôi tụt xuống tầng áp mái và chạy chúi đến cái cửa lật. Những tiếng hô “Đứng lại! Đứng lại!” đuổi theo tôi, đạn bay chíu chíu trên đầu. Nhưng tôi đã xuống được cầu thang an toàn.
Không còn thời gian mà dừng lại nghĩ ngợi: chỗ ẩn náu cuối cùng trong ngôi nhà đã bị phát hiện, tôi phải rời khỏi ngay lập tức. Tôi chạy vội xuống cầu thang, vọt ra phố Sedziowska, chạy dọc theo phố này và chúi và giữa đống hoang phế của những căn nhà gỗ, một thời là khu bất động sản Staszic.
Một lần nữa, tình hình của tôi lại vô hy vọng như thường thấy trước đây. Tôi lang thang giữa các bức tường của các ngôi nhà cháy trụi, không còn chút nước hay thức ăn nào, thậm chí chẳng có chỗ mà nấp. Lát sau tôi nhìn thấy một ngôi nhà cao ở xa xa, đối diện với Aleja Niepodleglosci và ở đàng sau phố Sedziowska, ngôi nhà có nhiều tầng duy nhất còn lại trong vùng. Tôi lên đường. Xem xét kỹ càng, tôi thấy phần giữa của ngôi nhà bị cháy rụi, nhưng các cánh nhà hầu như nguyên vẹn. Trong các căn hộ vẫn có đồ đạc, và các bồn vẫn còn đầy nước kể từ khi cuộc nổi dậy bắt đầu, và những tên cướp để sót một ít đồ dự trữ trong các tủ thức ăn.
Tôi lên tầng áp mái theo thói quen hàng ngày. Mái nhà còn nguyên vẹn, chỉ có vài lỗ hổng do mảnh bom đạn gây ra. Nơi đây ấm áp hơn chỗ ẩn náu cũ của tôi nhiều, dù không thể trốn thoát từ chỗ này. Tôi không thể thoát chết bằng cách nhảy khỏi mái nhà. Trên tầng lửng cao nhất có một cửa sổ nhỏ lắp kính cáu bẩn, qua đó tôi có thể quan sát vùng lân cận. Tuy thoải mái về môi trường chung quanh, song ở đây tôi vẫn không cảm thấy dễ chịu, có lẽ vì tôi đã quen với ngôi nhà kia rồi. Đồng thời tôi không còn sự lựa chọn nào khác: tôi phải ở đây thôi.
Tôi xuống tầng lửng và nhìn qua cửa sổ, chung quanh có tới hàng trăm biệt thự bị tiêu huỷ, một phần trọn vẹn của thành phố đã chết hẳn. Trong các khuôn viên nhỏ, có vô khối các ngôi mộ. Một tốp công nhân dân sự vai vác xẻng và cuốc chim đang đi xuống phố Sedziowska, đi thành hàng bốn. Không có một tên lính Đức nào mặc quân phục đi kèm. Vẫn còn căng thẳng và tức mình vì cuộc chạy trốn vừa qua, tôi bỗng thèm nghe tiếng người đáp lại tiếng nói của tôi. Liệu tôi có thể trao đổi vài lời với những người này không nhỉ, tôi chạy nhanh xuống cầu thang và lao ra phố. Lúc này tốp công nhân đã đi hơi xa, tôi chạy đuối theo họ.
Các anh là người Ba Lan?
Họ đứng lại và nhìn tôi sửng sốt. Người nhóm trưởng đáp:
Đúng thế.
Các anh làm gì ở đây? – thật khó nói chuyện sau bốn tháng hoàn toàn im lặng ngoài mấy lời trao đổi với tên lính Đức tha mạng tôi bằng rượu mạnh, và tôi thật sự cảm động sâu sắc.
Đào công sự. Còn anh làm gì ở đây?
Tôi đang trốn.
Người nhóm trưởng nhìn tôi hơi động lòng, tôi nghĩ thế.
Đi với chúng tôi – Anh ta nói – Anh có thể làm việc và sẽ được phát súp.
Súp! Chỉ nghĩ đến có cơ được một bát súp nóng bỏng đã làm dạ dày của tôi quăn thắt vì đói, đến nỗi lúc ấy tôi sẵn sàng đi với họ, dù rằng lát nữa có bị giết chết. Tôi muốn có bát súp ấy, tôi muốn được ăn đầy đủ ngay lập tức. Nhưng lương tri lại thắng!
Không – tôi nói – Tôi không làm việc cho bọn Đức.
Người nhóm trưởng cười nhăn nhở, nửa chỉ trích, nửa nhạo báng:
Ô hô, tôi không biết đấy – anh ta nhạo báng – Người Đức không tệ đến thế đâu.
Chỉ đến lúc này tôi mới nhận ra điều tôi quên không chú ý từ trước: chỉ có người nhóm trưởng nói chuyện với tôi, những người khác đứng im lặng. Anh ta đeo một cái băng tay sặc sỡ, có đóng một con dấu. Trên mặt anh ta có một vẻ gì đấy khó chịu, quỷ quyệt và đê tiện. Anh ta không nhìn thẳng vào mắt tôi lúc nói chuyện mà cứ nhìn qua tôi, qua phía trên vai phải của tôi.
Không – tôi nhắc lại – Cám ơn anh nhưng không đâu.
Tuỳ anh thôi – anh ta lẩm bẩm.
Tôi quay người bước đi. Lúc cả nhóm đi tiếp, tôi gọi với theo họ:
Tạm biệt.
Như một linh tính, hoặc có lẽ do bản năng tự vệ đã được mài sắc sau bao nhiêu năm trốn tránh, tôi quyết định không trở lại tầng áp mái nơi tôi tính ở lại. Tôi rẽ vào biệt thự gần nhất, làm như là tầng hầm là nơi tôi sẽ trú ẩn. Lúc đặt chân đến ngưỡng cửa đã cháy thành than, tôi ngoảnh đầu lại: cả đội đã đi nhưng người nhóm trưởng vẫn ngoái đầu nhìn lại xem tôi đi đâu.
Họ chưa khuất mắt, tôi đã chạy vội về tầng áp mái của tôi hay đúng hơn là tầng lửng để nhìn qua cửa sổ. Khoảng mươi phút sau, tên nhóm trưởng đeo băng tay quay trở lại với hai tên cảnh sát. Hắn chỉ vào ngôi biệt thự nơi tôi đã đi vào. Chúng lùng sục trong đó rồi sang cả mấy ngôi nhà chung quanh, nhưng không bước vào ngôi nhà của tôi. Có lẽ bọn chúng sợ quân khởi nghĩa hãy còn ẩn nấp đâu đó ở Warsaw. Trong chiến tranh, có một số người thoát chết nhờ tính nhát gan của bọn Đức, chúng chỉ tỏ ra có can đảm khi cảm thấy đông hơn kẻ thù gấp bội.
Hai ngày sau tôi đi kiếm thức ăn. Lần này tôi định sẽ cất giữ một số kha khá để không phải ra khỏi nơi ẩn nấp quá thường xuyên. Tôi phải đi lùng kiếm lúc ban ngày vì không biết rõ ngôi nhà này để nhận ra đường vào ban đêm. Tôi tìm ra nhà bếp và sau đó là tủ đồ ăn chứa nhiều đồ hộp, vài cái bao và hộp. Phải kiểm tra cẩn thận từng thứ ở bên trong. Tôi cởi dây và mở bao. Mải tìm kiếm tôi không nghe thấy gì, cho đến lúc một tiếng nói ngay sau lưng tôi:
Anh làm cái quái gì ở đây hả?
Một sĩ quan Đức cao, tao nhã, đứng dựa lưng vào tủ bếp, hai tay khoanh lại trước ngực.
Anh làm gì ở đây? – viên sĩ quan nhắc lại – Anh không biết là đơn vị biệt động bảo vệ pháo đài Warsaw sẽ vào nhà này vào bất cứ lúc nào sao?