Nhà tâm lý học nổi tiếng B.F.Skinner đã từng viết rằng tất cả các hành vi của con người đều có thể được xem là thích nghi với cá nhân mình, hay hệ gien, hoặc với toàn xã hội nói chung[13]. Tuy nhiên, ba lực lượng này thường bất đồng với nhau và gây nên căng thẳng cho con người.Các quy tắc do xã hội đặt ra tồn tại rất nhiều trong cuộc sống chúng ta, gồm có các điều luật của chính phủ, các cộng đồng tôn giáo, các chủ lao động, trường học, hàng xóm và gia đình chúng ta. Bởi vì những nhóm xã hội này dệt ra những luật lệ rõ ràng quanh chúng ta, nên ta thường cảm thấy mình ở trong những tình huống được thôi thúc phải phá vỡ chúng để thỏa mãn nhu cầu cá nhân của mình hoặc những nhu cầu của đồng loại chúng ta. Các quy tắc và chuẩn mực xã hội được tạo ra với ý muốn làm cho thế giới xung quanh ta có tổ chức hơn và dễ dự đoán hơn, và ngăn ngừa chúng ta làm hại nhau.
Nhưng khi nào một quy tắc thật sự chỉ là một gợi ý? Và khi nào thì các gợi ý lại biến thành các quy tắc? Hằng ngày người ta ra hiệu để chỉ cho chúng ta biết phải làm gì, các hướng dẫn bằng văn bản chỉ dẫn chúng ta cách cư xử, và các chỉ dẫn xã hội thúc đẩy chúng ta hành động trong các giới hạn cụ thể. Thực ra, chúng ta cũng tự đặt ra rất nhiều các quy tắc cho chính mình, phần lớn là do được người khác khuyến khích. Các quy tắc này trở nên gắn liền với bản thể của chúng ta trong suốt con đường đời của mình. Chúng ta vẽ nên các đường tưởng tượng xung quanh những gì chúng ta nghĩ mình có thể làm – các đường ranh giới đó thường giới hạn chúng ta nhiều hơn là những quy tắc chung xã hội đặt lên chúng ta. Chúng ta định nghĩa bản thân bằng nghề nghiệp, thu nhập, nơi chúng ta sống, xe chúng ta lái, học vấn, và thậm chí bằng cả lá số tử vi của mình. Mỗi định nghĩa này khóa chúng ta lại trong các giả định cụ thể chúng ta là ai và chúng ta có thể làm gì. Điều này làm tôi nhớ đến một câu nói nổi tiếng trong bộ phim My Dinner with Andre (Bữa ăn tối với Andre), nói rằng người New York “đóng vai trò của cả người canh giữ và tù nhân nên họ không còn có... khả năng ra khỏi nhà giam họ tạo ra, hay thậm chí xem nó là một nhà giam.” Chúng ta luôn luôn tạo ra các nhà tù cho chính mình với các luật lệ mỗi chúng ta đặt ra cho mình, khóa mình vào các vai trò cụ thể và ra khỏi con đường vô tận của những điều khả thi. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thách thức những giả định cơ bản? Những kết quả (tốt và xấu) của việc thoát ra khỏi con đường đã được định sẵn là gì? Điều gì sẽ xảy ra với những người phá vỡ quy luật?
Larry Page, người đồng sáng lập ra Google, đã có một bài diễn thuyết trong đó ông khuyến khích các khán giả thoát ra khỏi những nguyên tắc chỉ đạo được thiết lập sẵn bằng cách biết xem nhẹ một cách hợp lý những điều được cho là không thể[14]. Nghĩa là hãy suy nghĩ càng lớn càng tốt. Ông lưu ý rằng thường thì thực hiện những mục tiêu lớn còn dễ dàng hơn là những mục tiêu nhỏ. Những mục tiêu càng nhỏ thì cần những phương pháp càng cụ thể để đạt được. Còn với những mục tiêu lớn, thường sẽ có nhiều nguồn tài nguyên hơn cho bạn và có nhiều cách hơn để đạt được chúng. Đây là một khám phá thú vị. Hãy tưởng tượng bạn đang cố gắng đi từ San Francisco đến Kabul. Có rất nhiều con đường khác nhau để đi, nên bạn có thể trao cho mình thời gian và nguồn lực để đến đó, và bạn sẽ linh động được nếu mọi việc không diễn ra như dự tính. Nhưng nếu mục tiêu của bạn là đi qua thành phố, thì con đường khá rõ và bạn mong đợi nó sẽ là một chuyến đi nhanh. Nếu đường bị tăc vì lý do nào đó, bạn sẽ bị mắc kẹt và cảm thấy bực mình. Một trong những lý do làm cho Google thành công đến như vậy là nhờ sự sẵn lòng dùng một con đường linh hoạt để giải quyết các vấn đề khó khăn.
Linda Rottenberg là một ví dụ xuất sắc về một người không xem bất cứ vấn đề gì là quá lớn để giải quyết và sẵn sàng bứt phá khỏi mong đợi của người khác để đến những nơi mình muốn đến. Cô tin nếu những người khác nghĩ rằng ý tưởng của bạn thật điên rồ, thì chắc chắn bạn đang đi trên một con đường đúng. Mười một năm trước Linda sáng lập một tổ chức đặc biệt có tên là Endeavor[15]. Mục tiêu của họ là thúc đẩy việc lập nghiệp ở các nước đang phát triển. Có vận hành tổ chức Endeavor ngay sau khi tốt nghiệp từ trường Luật của đại học Yale, trong khi tay mình dường như không có gì hơn là một niềm đam mê kích thích sự phát triển kinh tế ở vùng khó khăn. Chẳng gì khiến Linda dừng bước trên con đường đạt được những mục tiêu đề ra, trong đó có cả việc lẽo đẽo theo chân những nhà lãnh đạo kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn mà sự giúp đỡ của họ rất cần thiết cho cô.
Endeavor bắt đầu nỗ lực của mình ở Mỹ Latin và từ đó mở rộng sang các khu vực khác trên thế giới, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi. Endeavor thực hiện một tiến trình tỉ mỉ để nhận diện những người có tiềm năng lớn để lập nghiệp, sau đó chọn lựa những người có ý tưởng xuất sắc và lòng nhiệt huyết để thực hiện kế hoạch của họ và trao cho họ những nguồn tài nguyên cần thiết để thành công. Tổ chức này không trao tiền cho những người lập nghiệp, mà giới thiệu họ tới những người trong cùng lĩnh vực để được hướng dẫn. Họ cũng được trang bị các chương trình giáo dục lớn, và có cơ hội gặp những doanh nghiệp khác trong vùng, những người cũng đã lèo lái trên con đường quanh co của mình trước đây. Khi đã thành công, họ trở thành những tấm gương sáng, tạo ra nghề nghiệp cho người dân ở các cộng đồng địa phương, và thậm chí trao lại cho Endeavor những thế hệ doanh nhân tương lai hữu ích.
Một ví dụ tạo nên nhiều cảm hứng là của một doanh nhân Endeavor ở Brazil, Leila Velez. Leila sống trong khu ổ chuột trên những ngọn đồi nhìn ra Rio de Janeiro, thường được biết đến với tên gọi favelas. Kế sinh nhai của cô là nguồn thu thập chỉ vừa đủ sống từ việc đi lau nhà cho người khác. Tuy nhiên cô ấy có một ý tưởng rằng có rất nhiều phụ nữ ở Brazil thật sự muốn có tóc mềm và ít quăn hơn. Cùng với chị dâu Heloisa Assis, Leila đã phát minh ra một sản phẩm có thể biến tóc xoăn thành tóc gợn sóng. Sản phẩm này đã phải trải qua nhiều năm trời thử nghiệm va gặp phải nhiều thất bại to lớn trong suốt quá trình đó. Nhưng khi đã tìm ra được giải pháp, Leila mở một tiệm uốn tóc ở Rio. Việc kinh doanh của cô phát đạt và Leila có một giấc mơ tạo lập một franchise. Endeavor đã đến và giúp cô thực hiện được ước mơ của mình. Doanh nghiệp ngày có tên là Beleza Natural hiện nay đã tạo công ăn việc làm cho một ngàn người và có doanh thu mỗi năm lên đến hàng triệu.
Đây chỉ là một trong hàm trăm câu chuyện thành công từ Endeavor. Tôi đã tham dự hội thảo một năm hai lần của tổ chức Endeavor hai năm trước và thực sự choán ngợp trước không khí tràn đầy nhiệt huyết trong khán phòng. Mỗi doanh nhân đều mang ơn Endeavor đã cung cấp cho họ những công cụ cần thiết để lập nghiệp cũng như nguồn cảm hứng để thành công. Điều này sẽ không bao giờ xảy ra nếu Linda đã nghe lời những người nói với cô ấy rằng các ý tưởng của cô là điên rồ.
***
Một trong những trở ngại lớn nhất của việc thực hiện “những điều bất khả thi” là nhiều người khác thường nói với bạn ngay rằng những việc đó không thể đạt được. Người ta có thể cho rằng rất khó để tiến đến thực hiện một vấn đề lớn. Nhưng một khi bạn đã quyết định làm điều đó, việc bứt phá khỏi những cách tiếp cận vấn đề truyền thống để giải quyết nó cũng khó không kém. Đây là một ví dụ khác cho thấy sự hữu ích của việc phá vỡ một số quy tắc. Bài tập tiếp theo buộc mọi người làm điều này theo một cách rất đáng ngạc nhiên. Đầu tiên hãy nêu ra một vấn đề liên quan đến một nhóm cụ thể nào đó. Ví dụ, nếu đó là nhóm gồm các nhà quản trị trong ngành kinh doanh dịch vụ tiện ích thì chủ đề có thể là phương thức làm cho các công ty tiết kiệm năng lượng. Nếu đó là nhóm về sân khấu thì vấn đề có thể là làm sao để thu hút được lượng khán giả nhiều hơn. Còn nếu với nhóm sinh viên kinh doanh thì thử thách có thể là việc tìm ra một ý tưởng kinh doanh mới và độc đáo. Bây giờ hãy chia từng nhóm ra thành các đội nhỏ và yêu cầu mỗi đội tìm ra ý tưởng hay nhất và ý tưởng dở nhất để giải quyết vấn đề đã được đặt ra[16]. “Ý tưởng hay nhất là những gì mỗi đội nghĩ sẽ giải quyết được vấn đề một cách xuất sắc. Còn ý tưởng dở nhất sẽ là ý tưởng không hiệu quả, không có lợi nhuận, họ viết từng ý tưởng lên một mảnh giấy riêng, một mảnh đặt tên HAY NHẤT và một mảnh sẽ có tên DỞ NHẤT. Khi cho làm bài tập này, tôi yêu cầu những người tham gia cũng chuyển cho tôi, và tôi xé vụn các ý tưởng HAY NHẤT. Sau quãng thời gian tập trung hết mình để tạo ra những ý tưởng tuyệt vời đó, họ cảm thấy vừa ngạc nhiên vừa phật ý với hành động của tôi.
Sau đó tôi bắt đầu phân phát lại các ý tưởng DỞ NHẤT. Giờ thì mỗi đội cầm trong tay một ý tưởng mà một đội khác nghĩ rằng rất tệ. Họ được yêu cầu phải chuyển ý tưởng dở này một ý tưởng kiệt xuất. Họ xem ý tưởng tồi tệ được chuyển qua cho mình và nhanh chóng nhận ra nó thật sự chẳng tệ chút nào. Thực ra họ lại thường nghĩ rằng chúng rất tuyệt. Cứ sau vài giây là có ai đó lại nói: “Ê, ý tưởng này khá đấy!”
Khi bài tập này được thực hiện ở một công ty dịch vụ tiện ích, một trong những “ý tưởng dở nhất” để tiết kiệm năng lượng là đưa cho mỗi nhân viên một chỉ tiêu về lượng năng lượng họ có thể sử dụng được cho phép. Họ đã nghĩ rằng ý tưởng này khá là ngốc nghếch. Tuy nhiên, đội nhận được ý tưởng này lại biến nó trở thành một ý tưởng đáng được quan tâm, trong đó các nhân viên được trao cho một chỉ tiêu về mức năng lượng mình được phép sử dụng. Nếu họ sử dụng ít hơn thì sẽ lấy lại được tiền, còn nếu sử dụng vượt mức thì bị phạt thêm tiền. Hơn thế nữa, họ còn có thể bán tín dụng năng lượng cho các đồng nghiệp của mình, tạo cho họ sự khích lệ còn lớn hơn nữa để tiết kiệm điện.
Tôi cũng tiến hành bài tập này với các nhân viên phụ trách thực hiện các sự kiện nghệ thuật ở trường Stanford. Với nhiệm vụ thu hút được càng nhiều khán giả càng tốt, một trong các đội này đã nghĩ ra ý tưởng “tồi tệ” là thực hiện một cuộc thi tài năng của các nhân viên. Điều này có vẻ hoàn toàn trái ngược với những gì họ đang làm hiện tại – mang đến đây các tài năng hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới. Đội kế tiếp đã đảo ngược hoàn toàn ý tưởng này. Họ nhìn nhận nó một cách sâu sắc hơn và đưa ra một cuộc gây quỹ lớn, nơi mà các Khoa và nhân viên trong toàn trường sẽ trình diễn các tài năng đa dạng của mình. Điều này rất có khả năng sẽ thu hút rất nhiều người đến dù họ thường không tham dự các sự kiện nghệ thuật biểu diễn, đồng thời giúp xây dựng nhận thức về các chương trình khác của họ.
Khi thử thách là tìm ra ý tưởng kinh doanh tồi tệ nhất thì các đề xuất là vô hạn. Một nhóm đề xuất bán các bộ áo tắm hai mảnh (bikini) ở Nam Cực, một nhóm khác gợi ý mở một gian hàng bán sushi gián, còn một nhóm nữa thì đưa ra ý xây dựng một viện bảo tàng về đột quị. Trong mỗi trường hợp trên, các ý tưởng dở này được chuyển thành những ý kiến khá thú vị đáng để suy nghĩ. Chẳng hạn, nhóm phải thực hiện ý tưởng bán bikini ở Nam Cực tạo ra câu khẩu hiệu “Bikini hay là chết”. Ý tưởng của họ là mang những người muốn có thân hình cân đối lên một chuyến hành trình đến Nam Cực. Đến cuối chặng hành trình, họ phải mặc vào vừa vặn các bộ bikini của mình. Còn nhóm bị buộc phải bán sushi gián thì nghĩ ra là một nhà hàng tên là La Cucaracha bán mọi loại sushi lạ lùng sử dụng những nguyên liệu không truyền thống nhưng giàu dưỡng chất và hướng đến các khách hàng mạo hiểm. Và nhóm được giao thử thách mở một viện bảo tàng đột quỵ đã sử dụng ý tưởng này là khởi điểm để xây dựng một viện bảo tàng cống hiến toàn bộ cho sức khỏe và y tế phòng ngừa. Tất cả các nhóm đều nghĩ ra những tên gọi, khẩu hiệu, và phim quảng cáo hấp dẫn cho các ý tưởng kinh doanh này.
Bài tập này là một cách tuyệt vời để mở rộngt ầm nhìn của bạn về giải pháp cho các vấn đề. Nó chứng minh rằng hầu hết các ý tưởng, dù thoạt nghe có vẻ ngớ ngẩn hay ngốc nghếch thế nào đi chăng nữa, ít nhất vẫn mang trong mình một hạt giống tiềm năng. Nó cũng cho thấy quan niệm về việc đánh giá ý tưởng hay hay dở không hoàn toàn chắc chắc, và chứng tỏ rằng với một khung nhận thức đúng đắn bạn có thể tìm được thứ có giá trị từ hầu hết các vấn đề hay tình huống. Chẳng hạn, ngay cả khi bạn không thực hiện chuyến thám hiểm Nam Cực có tên “Bikini hay là chết”, đây vẫn là điểm khởi đầu cho các ý tưởng có thể thực tế hơn.
***
John Stiggelbout, một người bạn cũ của tôi, đã làm cho mọi người nghĩ hoàn toàn khác về một ý tưởng hay khi anh nộp hồ sơ xin học sau đại học. Anh đã làm điều mà bất kỳ người bình thường nào cũng cho rằng đó là một ý tưởng tồi tệ. Nhưng cuối cùng nó lại trở nên một thứ giơi cảm hứng. Anh quyết định ở phút chót rằng anh muốn vào học trường kinh doanh. Vì đã trễ hạn, anh chọn một cách độc đáo làm cho hồ sơ xin nhập học của mình nổi bật so với các đơn khác. Thay vì khoe ra những thành tích ấn tượng của mình, anh thêm vào hồ sơ xin nhập học thông thường của mình một lá thư viết bởi một cựu giáo sư tự xưng là bạn thân nhất và là bạn tù của John. Lá thư này mô tả John ở những khía cạnh kỳ lạ nhất mà bất kỳ hội đồng xem xét nhập học nào từng biết, trong đó có khả năng mở một lọ đựng thực phẩm bằng tiếng ợ của mình. Thay vì loại John ra khỏi cuộc lựa chọn, văn phòng xét nhập học cực kỳ tò mò muốn gặp John nên họ mời John vào trường. John cũng rất tốt bụng tìm lại lá thư này cho chúng ta đọc.
Tôi gặp John Stiggelbout khi cùng đi trên xe buýt Greyhound. Chắc hẳn lúc đó cậu ấy đã bất tỉnh trên sàn ở sau xe. Tôi thấy cậu ấy gần như một chiếc cốc Styrofoam và chiếc giấy gói kẹo, xung quanh toàn là các mẩu thuốc lá, và cầm một chai MD 20/20 rỗng. Tôi là bạn thân nhất của cậu ấy. Và sau khi bị bắt trong khi cướp cửa hàng 7/11 thì chúng tôi trở thành bạn tù.
Sau một bữa ăn thịnh soạn ở Salvation Army, chúng tôi từng đến một buổi lễ Phúc âm nơi cả hai đã cố gắng cua cùng một cô gái. (Cậu ấy rất khá trong việc chấp nhận thất bại và bị chế nhạo; rõ ràng đây là một người từng trải.)
Cậu ta có các phẩm chất ấn tượng mà bất kỳ chương trình Junior Achievement Company hay một hiệu giặt gia đình cũng có thể sử dụng tốt. Cậu ấy che hàm răng màu vàng của mình khi ngáp, mở cửa sổ khi nhổ nước bọt. Cậu ta có thể huýt sáo to bằng cách sử dụng các ngón tay, và có thể làm bể một lọ thủy tinh đựng thực phẩm bằng tiếng ợ của mình. Cậu ta chỉ tắm có một lần mỗi tháng và lúc nào sử dụng được xà phòng thì cậu ta đều sử dụng.
Cậu ta cần một nơi ở để không phải ngủ trong nhà vệ sinh ở trạm xe buýt. Cậu ta cần tìm một việc làm ở một công ty lớn nơi họ sẽ không sa thải cậu ngay ngày đầu tiên đi làm vì thói quen nghiện rượu và sự ham hố các giống chim lạ.
Bất cứ ai có lòng ham hố các giống chim lạ đều vừa nguyên tắc vừa độc lập khỏi suy nghĩ. Thật ra cậu ấy quá độc lập khỏi suy nghĩ đến mức chẳng có suy nghĩ gì. Anh chàng này sẽ làm bất cứ thứ gì để được nhậu, thậm chí đi làm việc.
Giờ thì Stiggs đã ra khỏi tù, nên tôi chắc rằng sĩ quan tha tù cho cậu ấy cũng chẳng nề hà gì nếu trường đại học có thể trông chừng cậu một chút. Cậu ấy là thủ lĩnh xuất sắc của băng mô tô Hells Angels (Các thiên thần địa ngục), và tất cả những chàng trai tôi quen biết đều nghĩ rằng cậu ấy sẽ là địa ngục của giới nhân viên văn phòng.
Trong tất cả những kẻ tôi từng thấy nằm bất tỉnh trên sàn xe buýt, đây là anh chàng tốt nhất.
Ấn tượng chung của tôi về anh chàng này là cậu ta chẳng tốt bằng những gì tôi đã nói. Hãy thả tôi ra khỏi tù để tôi có thể đến Chicago thay cho cậu ấy.
Buford T. Morton, Inmate #335342
Walla Walla Federal Penitentiary
Walla Walla, Washington
Khi John đến phỏng vấn, mọi người trong văn phòng đều lẻn ra khỏi phòng mình để được xem là người đã nộp một cái hồ sơ xin học điên điên. Anh ấy rất lịch sự và điềm đạm trong suốt cuộc phỏng vấn, và đã được nhận vào học.
Quan niệm không có ý tưởng nào là dở là một dấu hiệu tốt cho việc động não suy nghĩ. Trong quá trình động não, việc nói rõ quan niệm này là rất quan trọng. Bạn cần phải thoát ra khỏi suy nghĩ thông thường rằng các ý tưởng có tính khả thi mới là có giá trị. Khi khuyến khích mọi người có những ý tưởng lạ kỳ, bạn phổ biến khuynh hướng chuẩn bị kỹ các ý tưởng của mình trước khi chia sẻ chúng. Đôi khi các ý tưởng có vẻ điên rồ nhất và dường như không có tính khả thi mới được đưa ra rốt cuộc lại trở nên thú vị nhất. Ban đầu chúng có thể không thực hiện được, nhưng với sự chỉnh sửa đoi chút chúng có thể trở thành những giải pháp tuyệt hảo có tính khả thi trên thực tế.
Cần phải có nhiều kỹ năng và sự rèn luyện để quá trình động não trở nên có hiệu quả. Quan trọng nhất là phải đặt ra những nguyên tắc nền tảng ngay từ đầu và luôn củng cố chúng. Tom Kelly, tổng giám đốc hãng thiết kế IDEO và là anh của David Kelly, đã viết cuốn sách The Art of Innovation (Tạm dịch: Nghệ thuật sáng tạo) trong đó có mô tả các nguyên tắc động não ở công ty mình. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất là phát triển và mở rộng trên cơ sở những ý tưởng của người khác. Với cách tiếp cận này, ở cuối một buổi động não có hiệu quả, sẽ có rất nhiều người cảm thấy họ đã tạo ra hoặc đóng góp cho những ý tưởng hay nhất tổng hợp được từ buổi làm việc. Và bởi vì tất cả mọi người đều có cơ hội tham gia và chứng kiến sự hình thành và phát triển của các ý tưởng, họ sẽ dễ dàng cùng thống nhất ủng hộ cho các ý tưởng khi tiến đến quá trình thực hiện.
Nếu bạn đã từng tham gia vào các buổi họp động não, chắc hẳn bạn cũng biết không phải lúc nào chúng cũng diễn ra như vậy. Thật khó để tránh khỏi khuynh hướng tự nhiên của mỗi người muốn nắm giữ riêng cho mình quyền sở hữu của các ý tưởng mình đưa ra,và cũng rất khó để kêu gọi những người tham gia phát triển ý trên cơ sở những đề xuất của người khác. Tác giả của cuốn Improv Wisdom (Tạm dịch: Cải thiện trí khôn), Patricia Ryan Madson, đã tạo ra một bài tập khởi động tuyệt vời mang đến cho cuộc sống hai quan điểm này: không có ý tưởng nào là dở và hãy xây dựng từ ý tưởng của những người khác. Bạn hãy chia một nhóm thành các cặp đôi. Mội người cố gắng lập kế hoạch cho một bữa tiệc và đề xuất với người kia. Người kia không đồng tình với bất kỳ ý tưởng nào và phải nói ra một lý do tại sao ý tưởng đó sẽ không thực hiện được. Ví dụ, người đầu tiên có thể nói: “Chúng ta hãy lập kế hoạch cho một bữa tiệc vào tối thứ Bảy nhé.” Và người thứ hai sẽ nói: “Không được đâu, tôi phải gội đầu rồi.” Cuộc trò chuyện cứ tiếp diễn như thế trong vòng vài phút, đến lúc người thứ nhất càng ngày càng bực mình thì cô ấy hay anh ấy sẽ cố gắng nghĩ ra bất cứ ý tưởng nào có thể làm người thứ hai đồng ý. Sau đó đến lượt người thứ hai đổi vai và trở thành người lập kế hoạch cho buổi tiệc. Người thứ nhất bây giờ phải chấp thuận mọi ý kiến và phải xây dựng dựa vào các ý tưởng đó. Ví dụ: “Chúng ta hãy lập kế hoạch cho một bữa tiệc vào tối thứ Bảy nhé.” Câu trả lời có thể là: “Ừ, tôi sẽ mang bánh đến nhé.” Cuộc trò chuyện tiếp diễn và các ý tưởng có thể đi xa hơn. Chẳng hạn buổi tiệc có khả năng sẽ diễn ra dưới nước hoặc trên một hành tinh khác, và có thể gồm nhiều loại món ăn và các thú tiêu khiển lạ lùng. Nguồn sinh lực trong phòng tăng lên, bầu không khí tràn đầy nhiệt huyết, và một số lượng khổng lồ các ý tưởng được tạo ra.
Đây là nguồn sinh lực nên hiện diện trong suốt một buổi động não có hiệu quả. Đương nhiên là ở một thời điểm nào đó bạn cần phải quyết định được cái gì là khả thi, nhưng điều đó không nên xảy ra trong giai đoạn “hình thành ý tưởng”. Động não là bứt phá khỏi những cách tiếp cận thông thường trong việc giải quyết một vấn đề. Bạn nên tự do lật ngược các ý tưởng, đưa chúng từ trong ra ngoài, và hành động bừa bãi khác thường. Ở giai đoạn cuối của buổi động não bạn sẽ thấy ngạc nhiên bởi hàng loạt các ý tưởng được hình thành. Và trong hầu hết các trường hợp, ít nhất một vài trong số chúng sẽ là hạt giống cho những cơ hội to lớn đang chín muồi cho những khám phá xa hơn.
Một điều rất quan trọng cần ghi nhớ là sự hình thành ý tưởng bao gồm sự khám phá bối cảnh của các khả năng. Chẳng tốn kém chút nào khi tạo ra những ý tưởng lạ lùng, và không cần phải bó buộc mình vào bất cứ ý tưởng nào trong số chúng. Mục tiêu là nhằm phá vỡ các luật lệ bằng cách hình dung ra một thế giới nơi các quy luật của tự nhiên rất khác và những giới hạn đều bị triệt tiêu. Khi hoàn tất giai đoạn này thì đã đến lúc chuyển sang giai đoạn “khai thác”. Ở đây bạn sẽ lựa chọn một số ý tưởng để khám phá sâu hơn. Đến lúc đó bạn có thể nhìn nhận các ý tưởng dưới ánh mắt phê bình, đánh giá.
***
Sự phá vỡ quy luật có thể xảy ra ở khắp các phòng ban của mỗi tổ chức và trong mọi tiến trình. Một ví dụ điển hình là Cooliris, một công ty còn non trẻ đã sáng lập một trình duyệt Web kiểu mới. Về cơ bản, Cooliris biến các trang web phẳng truyền thống chúng ta thấy trên mạng thành một bức tường bac hiều, làm cho việc lướt web nhanh chóng và dễ sử dụng hơn. Các hình ảnh hiện ra ngay trước mắt bạn, làm bạn cảm thấy như thể mình đang lướt qua một phòng tranh.
Hai sinh viên trường Stanford, Josh Schwazapel và Austin Shoemaker, đã cùng sáng lập Cooliris với Souyanja Bhumkar, một doanh nhân dày dạn kinh nghiệm của mình, được một quỹ nhỏ để bắt đầu việc kinh doanh của mình, nhưng họ đã gặp nhiều khó khăn khi tuyển mộ nhân sự cho công ty. Đó là một vấn đề lớn. Họ biết rằng sẽ khó có thể đạt được các mục tiêu to lớn trong phát triển sản phẩm của mình nếu không tìm được hàng chục nhân tài cho công ty. Vậy nên họ phải làm được điều đó bằng một cách khác.
Josh nhận nhiệm vụ phụ trách bộ phận nhân sự. Anh đã bắt đầu với hàng loạt các phương thức tuyển mộ nhân sự thông thường, như đăng tuyển việc làm trên các bảng thông báo việc làm và rao vặt trên mạng, quảng cáo trên các mạng xã hội như LinkedIn và Facebook, và thậm chí thuê cả những nhân viên săn đầu người chuyên nghiệp. Nhưng tất cả đều không mang đến kết quả khả quan nào. Vì thế họ đã quyết định nhìn nhận toàn bộ vấn đề chiêu mộ nhân sự một cách khác đi, và thoát khỏi những cách tiếp cận truyền thống. Thay vì cố gắng thuyết phục những người trẻ tuổi tài năng gia nhập công ty, họ quyết định tập trung vào việc làm cho Cooliris trở thành một nơi thực sự hấp dẫn để làm việc đến mức các sinh viên sẽ nài nỉ để được vào làm. Họ muốn nó trở thành “bữa tiệc” cuốn hút nhất ở thành phố. Họ tổ chức các sự kiện đặc biệt cho sinh viên, làm cho gian hàng của mình luôn độc đáo nhất ở các hội chợ việc làm, hoàn thành những bản giới thiệu hấp dẫn về sản phẩm của mình trên các màn hình plasma lớn, và phát những chiếc kính râm đời mới cho tất cả những ai ghé thăm gian hàng của mình.
Họ cũng thuê hai sinh viên trường Stanford, Jonah Greenberg và Matt Wahl, làm thực tập sinh. Nhiệm vụ của hai sinh viên này là phổ biến từ Cooliris khắp trường Stranford, và tìm ra những sinh viên tốt nhất họ có thể, không phụ thuộc vào độ tuổi hay ngành học. Jonah và Matt được biết đến nhiều và có quan hệ rộng rãi, nên họ dễ dàng tận dụng vòng tròn các quan hệ xã hội của mình để phổ biến từ Cooliris. Họ làm cho Cooliris trở thành nơi tuyệt vời để làm việc, và cuối cùng Cooliris đã thực sự trở thành một ước muốn của các sinh viên.
Giờ thì Cooliris tràn ngập các hồ sơ xin việc, vậy họ đã quyết định lựa chọn các sinh viên nào vào làm? Thay vì đi qua một tiến trình chọn lọc hồ sơ cặn kẽ, họ quyết định không quyết định gì cả. Họ thuê hầu hết tất cả mọi người làm thực tập sinh. Điều này trao cho họ cơ hội để thấy từng cá nhân làm việc, và tạo điều kiện cho các sinh viên trải nghiệm trong môi trường của công ty. Từ đó, không chỉ Cooliris có cơ hội kiểm tra năng lực của các sinh viên thực tập, mà các sinh viên còn trở nên quá hào hứng về các sản phẩm đến nỗi họ trở thành người quảng bá cho cả các sản phẩm và công ty, mang bạn bè của họ đến thực tập cũng như làm khách hàng của công ty. Điều đó giúp tuyển mộ nhân tài và tạo dựng đà phát triển cho việc kinh doanh của công ty.
Giờ đây Coolliris đang làm ăn thành công và họ vẫn tiếp tục bứt phá khỏi các quy tắc. Họ hủy bỏ sự phân cấp giữa các thực tập sinh và các nhân viên chính thức. Họ trao cho các thực tập sinh và các nhân viên chính thức. Họ trao cho các thực tập sinh những dự án lớn và phải chịu toàn bộ trách nhiệm về các kết quả. Dĩ nhiên vẫn có sự giám sát, nhưng các thực tập sinh rõ ràng được quyền đưa ra các quyết định quan trọng. Ví dụ mục tiêu có thể là gia tăng số lượng các trang web được Cooliris hỗ trợ thực hiện. Các thực tập sinh không được bảo phải làm gì mà mỗi người đều được khuyến khích tự thực hiện dự án của mình. Bằng cách này họ có thể dễ dàng thấy được mỗi cá nhân có thể làm được điều gì và thưởng cho những ai làm việc xuất sắc.
Nhưng họ không dừng lại ở đó. Họ cũng nhận ra rằng cách tốt nhất để tìm ra những người phù hợp nhất cho công ty là phải trực tiếp thấy được họ làm việc. Để làm được điều đó, họ mời hàng trăm sinh viên đến để thử sản phẩm với vai trò khách hàng. Đây là hoạt động thông thường để đánh giá các tính năng mới của dự án. Trong suốt quá trình tiếp xúc với mỗi người tham gia thử nghiệm sản phẩm, họ có thể thấy được cách suy nghĩ của từng người và sự nhiệt tình của họ đối với sản phẩm, và cuối cùng để nhận ra các sinh viên nào phù hợp nhất với công ty. Ít ra là họ có được phản hồi hữu ích từ khách hàng, còn tốt nhất là họ tìm được một nhân viên mới.
Có thể bạn sẽ nghĩ rằng đối với một cá nhân hay một công ty nhỏ mới thành lập thì việc thách thức các phương thức truyền thống và phá vỡ những quy tắc thì dễ dàng hơn. Nhưng thật ra bạn cũng có thể bứt phá khỏi những quy tắc gây cản trở từ bên trong một công ty lớn. Một cựu sinh viên của tôi, Tricia Lee, đã kể với tôi về sự ra đời của Zune ở Microsoft. Được thiết kế để cạnh tranh với iPod của hãng Apple nên sản phẩm này được thực hiện theo một kế hoạch phát triển nghiêm ngặt. Đến khoảng nửa thời gian thực hiện dự án, một điều hiện ra rõ ràng là họ sẽ không thực hiện được mục tiêu to tát của mình. Phần mềm này còn chưa hoàn thành được một nửa, và ở thời điểm đó nó sẽ tốn nhiều thời gian hơn dự tính để hoàn thành. Nhằm giải quyết vấn đề này, một trong những nhóm nhỏ của dự án tách mình ra khỏi đội dự án và làm việc cật lực. Họ hoàn tất một mảng quan trọng của mã phần mềm, làm cho dự án quay lại hướng đi đúng, khích lệ tinh thần làm việc của mọi người, và giúp sản phẩm hoàn thành đúng tiến độ.
Các công ty như Microsoft sắp xếp các tiến trình làm việc leo thang, có nghĩa là họ phải làm việc trong các nhóm lớn xuyên suốt cả tổ chức khổng lồ này. Nhưng đôi khi các tiến trình leo thang này không hẳn là luôn có hiệu quả. Khi có một cuộc thực tập chữa cháy và vấn đề phải được giải quyết nhanh chóng, như với Tricia và đội dự án Zune ở Microsoft, thì các công ty phải bứt phá khỏi bộ máy hành chính thông thường. Trên thực tế, rất nhiều công ty quyết định thành lập các dự án nghiên cứu và phát triển chỉ để làm điều này: họ kéo một nhóm ra khỏi công việc thường ngày, cho phép họ phá vỡ các quy tắc, và giải phóng họ ra khỏi lối suy nghĩ thông thường để họ có thể nghĩ và làm việc khác đi.
Các quy tắc thường được tạo ra để bị phá vỡ. Ý tưởng này được thể hiện trong câu nói chúng ta thường sử dụng: “Đừng yêu cầu sự cho phép, nhưng hãy van nài sự tha thứ.” Đa số các quy tắc được đặt ra như mẫu số chung thấp nhất để chắc chắn rằng những ai không có một gợi ý nào về những gì cần phải làm vẫn luôn giữ mình trong các ranh giới. Nếu bạn hỏi ai đó cách làm một bộ phim, thành lập một công ty, đi học cao học, hay muốn vào làm ở văn phòng chính trị thì bạn sẽ thường có được một công thức dài, trong đó có việc tăng cường tìm kiếm càng nhiều sự hỗ trợ càng tốt từ những người đã làm việc trong các lĩnh vực này.
Số đông mọi người chọn cách làm theo các quy tắc này... còn những người khác thì không. Điều quan trọng cần nhớ là vẫn thường có những cách sáng tạo để đi vòng qua các quy tắc, nhảy qua các rào chắn truyền thống, và đạt đến mục tiêu của mình bằng một con đường khác. Khi đa số mọi người đợi trong một hàng dài bất tận các phương tiện giao thông trên đường chính đi tới quốc lộ, thì có những người mạo hiểm hơn cố gắng tìm một con đường khác để đến đích của họ nhanh hơn. Đương nhiên một số quy tắc được tạo ra để bảo vệ sự an toàn của chúng ta, để giữ gìn trật tự, và để tạo ra một quy trình phục vụ cho phần lớn mọi người. Nhưng việc đặt nghi vấn về các quy tắc trên suốt con đường chúng ta đi cũng có giá trị của nó. Đôi khi các con đường vòng qua những quy tắc có thể đưa bạn đến mục tiêu của mình ngay cả khi các con đường truyền thống dường như bị tắc nghẽn.
Linda Rottenberg, người sáng lập tổ chức Endeavor, đã kể với tôi về một cuộc trò chuyện của hai sinh viên học làm phi công về những gì họ đã học được từ các giáo viên của mình. Phi công thứ nhất nói: “Tôi học được một ngàn quy tắc lái máy bay.” Còn phi công thứ hai nói: “Tôi chỉ học được ba quy tắc.” Phi công thứ nhất có vẻ hài lòng vì nghĩ rằng mình được học nhiều thứ và có nhiều lựa chọn hơn bạn. Nhưng người bạn nói: “Thầy tôi chỉ nói với tôi về ba điều tôi không bao giờ nên làm, còn những điều còn lại thì tùy ở tôi thôi.” Câu chuyện này nhấn mạnh ý tưởng rằng tốt hơn chỉ nên biết một số ít thứ thật sự trái với các quy tắc hơn là tập trung vào quá nhiều thứ bạn nghĩ mình nên làm. Đây cũng là lời nhắc nhở về sự khác nhau giữa các quy tắc và những gợi ý. Một khi bạn bớt dần những gợi ý ra khỏi tư tưởng của mình, thường bạn sẽ thấy có ít quy tắc hơn bạn nghĩ. Đây là cách Linda lãnh đạo Endeavor: mỗi doanh nghiệp được cho biết về ba điều họ không được làm – phần còn lại thì tùy ở họ.
Một cách khác để phá vỡ các quy tắc là bứt phá khỏi những điều bạn thường mong đợi ở chính mình và những gì người khác mong đợi ở bạn. Armen Berjikly, một chuyên gia máy tính, luôn mong rằng sự nghiệp của đời mình là làm việc cho một công ty công nghệ cao. Ông học cử nhân công nghệ thông tin và học cao học ngành khoa học quản lý. Sau khi ra trường, ông làm giám đốc sản xuất tại công ty Echelon. Mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp với ông, ông được nể trọng trong công ty, và con đường của ông đã hiện ra rõ ràng. Tuy nhiên, một người bạn thân của ông mắc phải bệnh da xơ cứng. Quá xúc động với căn bệnh của bạn, ông muốn làm tất cả những gì mình có thể để giúp cô ấy. Trong thời gian rảnh sau khi đi làm về và vào những ngày cuối tuần, ông đã xây dựng một trang web có tên “This Is MS” (Đây là bệnh da xơ cứng – multiple sclerosis). Trang web này cung cấp các thông tin hữu ích về bệnh đa xơ cứng và cách chữa trị, đồng thời tạo ra một diễn đàn để những người mắc bệnh này chia sẻ kinh nghiệm của họ. Trang web này nhanh chóng có sức thu hút mãnh liệt vì những người tham quan trang web đều khao khát kể câu chuyện của mình. Armen nhận ra ông đã đánh trúng tâm lý của nhiều người. Ông quyết định xây dựng một trang web lớn hơn nữa cho phép bất cứ ai cũng chia sẻ được kinh nghiệm của mình một cách ẩn danh.
Trang web mới này có tên là The Experience Project (Dự án Trải nghiệm), nhanh chóng thu hút được nhiều người khao khát chia sẻ các trải nghiệm của mình với căn bệnh này. Và cũng từ đó Armen phải có một quyết định khó khăn: Ông nên tiếp tục giữ công việc ổn định với mức lương đáng tin cậy của mình và một con đường sự nghiệp rõ ràng, hay là nhảy vào nơi không biết trước bằng cách quyết định dành toàn bộ thời gian cho Dự án Trải nghiệm?
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Armen quyết định phá vỡ tất cả những kỳ vọng của gia đình và của chính mình về sự nghiệp của ông để theo đuổi công việc này. Đó quả là một lựa chọn cực kỳ khó khăn. Nhưng đến tận bây giờ khi vài năm đã trôi qua, Armen vẫn không hối tiếc về quyết định của mình dù chỉ một lần. Công việc này thật khó khăn, nhưng phần thử thách nhất chính là việc ông đã quyết định hoàn toàn đổi mới chính mình.[17]
Bây giờ chúng ta hãy ra khỏi thế giới công nghệ cao và xem bạn có thể phá vỡ các quy tắc bằng cách nào để tạo ra những điều có giá trị lớn lao ở một lĩnh vực hoàn toàn khác. Trong một vài năm gần đây đã xuất hiện sự quan tâm ngày càng tăng về những nhà hàng có cách nhìn hoàn toàn mới về thức ăn, nấu nướng, và bữa ăn. Thay vì sử dụng các kỹ thuật nấu nướng truyền thống, rất nhiều đầu bếp dã thử nghiệm “ẩm thực phân tử”. Thuật ngữ này dùng để chỉ việc mở rộng các giới hạn trong nấu ăn theo tất cả các hướng không phổ biến. Các nhà hàng này sử dụng thiết bị và vật liệu như trong các phòng thí nghiệm và kích thích các giác quan của bạn theo những cách lạ lùng. Tại nhà hàng Moto ở Chicago[18], nhà bếp chất đầy bong bóng, ống tiêm, đá khô, và mục tiêu là để tạo ra những món ăn trông khá sốc nhưng lại rất ngon. Họ có một “thực đơn ngon”, nghĩa là bạn có thể ăn luôn cả cái thực đơn, ví dụ thực đơn có mùi vị như chiếc sandwich panini Ý. Moto nỗ lực phá vỡ các quy tắc trong từng món ăn của mình, từ việc “giao hàng” đến bàn ăn của khách món ăn trông như đậu phộng đóng gói trong các gói hàng FedEx, đến việc làm món tráng miệng giống bánh khoai tây rán nhưng thật ra chúng được làm từ socola, xoài cắt vụn đông lạnh, và bánh kem phô mai. Bằng cách biến hóa các món ăn thành những hình dáng và khuôn mẫu khác nhau, Moto muốn đẩy lùi những ranh giới mà người ta thường hình dung về hình thức và mùi vị của thức ăn. Một trong những đầu bếp của họ, Ben Roche, cho biết mục tiêu của họ là tạo ra một rạp xiếc cho các giác quan của bạn thưởng thức. Họ thách thức mọi quan niệm truyền thống về cách chuẩn bị và trình bày món ăn, phát triển các kỹ thuật nấu nướng mới toanh, và thậm chí thiết kế các dụng cụ làm theo ý khách hàng để thưởng thức món ăn. Đây là một minh chứng rõ ràng rằng trong bất kỳ lĩnh vực nào bạn cũng có thể thoát ra khỏi những quan niệm truyền thống; mặc dù chúng thường làm mọi thứ dễ chịu và quen thuộc nhưng khá giới hạn.
Tôi đã gặp khá nhiều các học trò hiện tại cũng như trước đây của mình và hỏi họ về những chuyện thoát ra khỏi những gì được mong đợi ở họ như thế nào. Sau khi nghe tất cả những chuyện của họ như vượt qua các chướng ngại vật trong trường học, ở công sở, và khi đi du lịch, Mike Rothenberg, một sinh viên tốt nghiệp hai năm trước, tóm tắt lại những gì anh nghe được bằng câu này: “Tất cả những thứ hay ho sẽ xảy ra khi bạn làm những điều không giống như bước tự động tiếp theo trong quy trình.” Con đường cũ truyền thống luôn ở đó cho tất cả mọi người bước đi. Nhưng điều thú vị thường xảy ra khi bạn mở rộng đầu óc mình để bước những bước không đoán trước được, thử làm điều gì khác biệt, và khi bạn sẵn lòng đặt nghi vấn với những quy tắc người khác đã đặt ra cho bạn. Tất cả mọi người đều đồng ý rằng thật dễ để đi trên con đường được vạch trước, nhưng thường sẽ thú vị hơn rất nhiều khi khám phá thế giới những điều đáng ngạc nhiên đang ẩn nấp ngay quanh đây.
Biết được rằng bạn có thể nghi ngờ các quy tắc mang đến cho bạn rất nhiều quyền lợi. Nó nhắc nhở bạn rằng con đường truyền thống chỉ là một lựa chọn có sẵn cho bạn. Bạn luôn có thể làm theo một công thức, lái trên con đường chính, và bước theo những dấu chân của những người đi trước. Nhưng thật ra thì có vô số các lựa chọn khác đang chờ bạn khám phá nếu bạn sẵn lòng nhận dạng và thách thức các giả định truyền thống, và bứt phá khỏi những mong đợi mà những người khác và chính bạn đặt ra cho mình. Đừng sợ khi phải ra khỏi cuộc sống dễ chịu thường ngày của bạn, biết xem thường một cách đúng đắn những điều bị cho là bất khả thi, và biến những ý tưởng cũ kỹ thành hoàn toàn mới. Các sinh viên kể trên đã học được rằng cần phải luyện tập nhiều để có thể làm được những điều không phải là “bước tự động tiếp theo.” Càng trải nghiệm nhiều hơn, bạn càng thấy được rằng phạm vi của các lựa chọn thì rộng hơn nhiều so với những gì bạn thường hình dung. Quy tắc duy nhất ở đây là bạn chỉ bị giới hạn bởi năng lượng và trí tưởng tượng của bạn mà thôi.