Nặng gánh cang thường

Chương 4

Tiếc dõng lược, Nhơn Trung xin thế tử

Nhớ ơn tình, Lệ Bích bắt kinh tâm

Bà Thân phu nhơn có một chút con trai, mà con trai của bà lại đích đáng, bởi vậy bà cưng hơn vàng hơn ngọc. Con đi du học gần một năm, bà ở nhà mỏi lòng trông đợi. Nay con trở về, bà mừng hết sức, ngặt vì bà vừa mừng, thì ông lại khiến con phải toan liệu mà trả thù cho ông; mà coi bộ con cũng hâm hở về sự rửa hờn, nó đã nói thà nó chết chớ nó không thể để cho người ta nhục tông môn nó được, nó làm cho bà lo sợ đêm ấy không ngủ an giấc.

Ðã biết bà cũng trọng danh dự của chồng, nghe người ta nhục chồng bà cũng nhục lắm. Ðã biết bà cũng nghe con bà võ nghệ siêu quần, dầu có tranh đấu với ai bà cũng không mấy gì sợ. Ngặt vì người thù là quan Thái úy Lê Niệm, là cha của nàng Lệ Bích, mà lại là một vị đường đường danh tướng tại triều. Ví như con của bà tranh đấu mà thắng được người thì việc oán thù càng thêm lớn nữa, tình thông gia chắc phải đứt, duyên con trẻ chắc là phải rã rời. Mà thắng làm sao cho nổi! Con của bà dầu có tài cao sức giỏi cho mấy đi nữa nó cũng là con nít, đường thương mũi kiếm sánh sao cho lại bực đại tướng của triều đinh. Ví như nó có sa cơ bị giết đi rồi, thì cái họa càng to, bao nhiêu sự vui vẻ của bà thuở nay, trong giây phút hóa ra sầu thảm hết thảy.

Bà nằm trằn trọc lo sợ như vậy nên bà ngủ không được. Ðến sáng bà có ý đợi Thanh Tòng vào hậu đường bái kiến đặng bà kiếm lời mà khuyên giải nữa. Bà ngồi đợi đến trưa mà cũng không thấy chàng vào. Bà bèn dạy một đứa thị tì ra đòi công tử vào nghe bà dạy việc. Cách một hồi thị tì trở vào bẩm rằng công tử cỡi ngựa đi chơi từ hồi sớm mai, nên không có ở ngoài tiền đường.

Thân phu nhơn nghe nói, bà sửng sốt. Bà hỏi:

- Con ta đi với ai, hay là đi một mình.

- Bẩm bà, chú Tô Hộ nói công tử đi có một mình.

- Úy! Còn hai anh em họ Ðinh ở đâu?

- Bẩm bà, hai người khách ngồi ngoài trước.

Bà chắc lưỡi lắc đầu, đứng dậy đi vào phòng kêu quan Tả Tướng mà nói rằng: „Con mình nó qua dinh Thái úy rồi ông à. Ông thấy chưa? Tại ông xúi nó, nên mới sanh chuyện như vậy đó! Làm sao bây giờ?“

Quan Tướng quốc bị té gãy răng nên miệng ông đau, song ông nghe bà kêu mà nói như vậy thì ông vội vã ngồi dậy mà bước ra ngoài. Ông thấy bộ bà kinh khủng khóc lóc thì ông nói rằng: ''Bà rộn ràng quá! Con nó đi thì đi chớ sao. Nó chết rồi hay sao mà bà khóc?''

Thân phu nhơn đã lo sợ hết sức mà bà còn nghe lời quở nữa, bởi vậy bà lấy làm phiền lòng. Bà không thèm đáp với ông; bà ngồi ra ghế rồi hối thị tì ra đòi Tô Hộ vào cho và dạy việc. Tô Hộ bước vào bà liền hỏi rằng:

- Cậu của con đi đâu?

- Bẩm bà, cậu con đi chơi, mà không có nói đi đâu.

- Con phải mau mau bắt ngựa cỡi qua dinh Thái úy mà kiếm cậu con. Hễ gặp thì thưa với cậu con phải lập tức trở về cho bà biểu. Ði cho mau đi con.

Tô Hộ vừa mới xá mà lui ra, thì công tử Thanh Tòng bước vô, lưng còn đai cây độc kiếm. Thân phu nhơn ngó thấy con thì bà mừng quýnh, nên bà la lên một tiếng rồi lật đật chạy lại nắm tay con. Thanh Tòng thấy cha mẹ thì chàng nói rằng: ''Thưa cha con đã báo thù... cho cha rồi!'' Tiếng nói rất nhỏ, mà giọng lại buồn thảm lắm. Quan Tướng quốc ngước mặt nhìn con rồi ông gặt đầu nói rằng: ''Con như vậy mới phải là con nhà tướng''.

Còn Thân phu nhơn nghe con nói mấy lời thì bà sửng sốt, bà ngó con trân trân mà hỏi nhỏ nhỏ rằng: ''Té ra con đã giết quan Thái úy rồi hay sao?'' Thanh Tòng cuối đầu lặng lẽ, hai hàng nước mắt nhễu giọt.

Quan Tướng quốc biết con vì trọng chữ hiếu mà phải khổ nỗi tình, bởi vậy ông không dám hỏi cho con cặn kẽ việc đấu tranh, ông liền khuyên con ra tiền đường mà hầu chuyện với khách.

Thanh Tòng bái cha mẹ mà lui ra rồi, thì Thân phu nhơn bèn hỏi quan Tướng quốc rằng: ''Nó trả thù nhà được rồi, bây giờ căn duyên nó mới liệu làm sao đây?''

Ông ngồi lặng thinh không trả lời. Bà hỏi tiếp rằng: ''Quan Thái úy là một vị trụ quốc công thần. Con mình nó giết đi, thì làm sao mà khỏi tội?'' Quan Tướng quốc nghe phu nhơn hỏi tới câu đó thì ông đã không đáp mà ông lại đứng dậy bỏ đi vào phòng mà nằm.

Chiều có chiếu vua đòi ngày mai các quan văn võ phải vào chầu vua trước An Thái điện. Quan Tướng quốc biết vua đòi chầu đây chẳng có việc chi khác hơn là việc quan Thái úy Lê Niệm. Nhưng mà ông không lo sợ chi hết, ông cứ tịnh dưỡng tinh thần, nghỉ an thân thể đặng dầu vua có bắt tội, thì ông sẽ kể hết mọi việc cho vua nghe.

Sáng bữa sau, trời mới vừa mờ mờ đất thì quan Tướng quốc mặc triều phục mà đi chầu vua. Ðến trước An Thái điện thì thấy bá quan văn võ đã tề tựu đủ mặt, ai cũng chào ông, nhưng mà không ai dám hỏi thăm việc của ông với Lê Niệm.

Mặt trời ló mọc, hướng đông một vùng đỏ lòm. Vua Thánh Tôn ở trong cung chậm rãi bước ra, leo lên ngai vàng, bá quan thảy đều quì trước điện mà tung hô vạn tuế.

Vua bèn phán rằng: 'Trẫm nghe hôm qua quan Tả tướng Quốc Thân Nhơn Trung xúi con là Thanh Tòng lén vào hoa viên mà thích tử quan Thái úy Lê Niệm. Việc đó quả thiệt như vậy hay không? Quan Hình bộ Thượng thơ hãy tấu cho trẫm nghe tường tất thử coi''.

Quan Hình bộ Thượng thơ Trịnh Công l.ộ liền tâu rằng: ''Muôn tâu Bệ hạ, số là hôm bữa tại triều Bệ hạ gia phong cho ông Thân Nhơn Trung làm Tả Tướng quốc. Khi bãi chầu, bá quan lui ra tới Ngọ Môn, ông Lê Niệm cung hạ ông Thân Nhơn Trung, song ông có nói chơi một hai tiếng mà ghẹo nhau, chớ ông không có ý kiêu ngạo hay là ganh ghét chi. Ông Thân Nhơn Trung nhột nhạt nên ông đáp lại có nặng lời một chút, rồi hai ông gây với nhau. Kẻ hạ thần với quan Thượng thơ Bộ Lại xúm lại can gián, rồi chúng tôi chia nhau mà đưa hai ông về dinh. Quan Thái úy đã êm rồi, không hờn giận chi hết. Quan Tướng quốc lại cố oán, ông về nhà xui công tử, là Thanh Tòng, xách gươm qua dinh Thái úy lén chun vào hoa viên mà núp, đợi quan Thai úy thừa nhàn đi xem hoa, Thanh Tòng trong bụi bèn nhảy ra thình lình mà thích quan Thái úy''

Vua Thánh Tôn nghe tâu như vậy thì châu mày, liền hô hộ vệ quân phải đi bắt Thanh Tòng dẫn đem trước bệ rồng đặng vấn tội. Mấy mươi hộ vệ quân đồng dạ một tiếng rồi rần rần kéo nhau đi ra.

Quan Tả Tướng quốc thung dung quì ngay trước điện mà tâu rằng: ''Muôn tâu Bệ hạ, cái tội giết quan đại thần, thì lão phu cam chịu dầu Bệ hạ dạy chết cách nào thì lão phu cũng vưng hết thảy. Nhưng mà trước khi chết, lão phu mong ơn Thánh thượng cho phép lão phu tâu hết mọi việc cho Thánh thượng tường, chớ lấy lời của quan Hình Bộ mới tâu đó thì không thiệt chút nào hết. Vả lão phu với quan Thái úy có tình thông gia, có lẽ nào khi không mà lão phu lại xúi con giết cha vợ nó. Vả lại con của lão phu tuy niên thiếu, nhưng mà nó cũng là con nhà tướng, có lẽ nào nó lại rình mò mà giết người.

“Số là quan Thái úy có tánh lỗ mãng mà lại háo thắng nữa. Người thấy lão phu được Thánh thượng gia phong quyền tước thì người ganh, nên khi bãi chầu, người đón lão phu nơi Ngọ Môn mà nhục mạ lão phu, có trước mặt quan Lại Bộ và Hình Bộ đều nghe thấy. Lão phu nhịn nhục hết sức mà người cũng không nghĩ tình, cứ mắng nhiếc hoài, rồi ỷ sức mạnh lại đánh đạp lão phu té gãy hết một cái răng. Tang còn đây, chứng có đó, xin Thánh thượng thẩm xét lại cho lão phu nhờ. Ở đời ai cũng có danh dự nấy. Lão phu là văn thần mà lại già yếu, lão phu bị nhục mà không thể rửa nhục được. Con của lão phu tự nhiên nó phải thay thế cho lão phu mà báo cừu đặng giữ danh dự cho tông môn nó. Nó đến ra mắt quan Thái úy, cha vợ chàng rể phân phải trái với nhau minh bạch; tại quan Thái úy không biết lỗi nên tự nhiên con của lão phu nó phải tranh đấu. Sự đánh nhau, ai giỏi thì sống, ai dở thì thác. Tại quan Thái úy dở nên chết thì chịu. Nếu con của lão phu nó dở nó chết thì nó cũng chịu. Theo luật nước hễ giết quan đại thần thì có tội, vậy lão phu xin chịu cái tội ấy, bởi vì Thanh Tòng nó là con nít, nó không thông phép luật triều đình. Lão Phu là cha, lão phu đã không biết dạy con, mà lại còn xúi con phạm luật nước, ấy vậy lão phu chết thế cho con thì là phải. Mong Thánh thượng thẩm xét lại cho trẻ thơ nhờ'“

Quan Tướng quốc tâu vừa dứt lời, kế có hai con thể nữ dắt nàng Lệ Bích vào trước sân chầu, Lệ Bích đến trước điện nằm lăn mà khóc và xin vua lấy luật nước mà trị tội quan Tướng quốc, là người không biết dạy con và xúi con loạn luân tranh đấu với nhạc phụ. Vua dạy Lệ Bích ngồi dậy, lấy lời chánh đáng mà an ủi rồi khuyên nàng hãy về dinh mà lo báo hiếu. Lệ Bích vung lịnh vua, nàng vừa đứng dậy mà trở ra, thì hộ vệ quân dắt Thanh Tòng về tới. Nàng thấy Thanh Tòng thì châu mày rồi dần dà đứng lại, có ý lóng tai nghe thử coi vua phân đoán lẽ nào.

Quân dắt Thanh Tòng đến qùy trước điện. Vua phát nộ, quở trách Thanh Tòng sao cả gan dám giết một vị trụ quốc công thần, không kể mạng vua, không tuân phép nước. Vua khoát nạt một hồi rồi truyền lịnh cho hộ vệ quân dẫn Thanh Tòng ra ngoài thành mà chém.

Hộ vệ quân rút đao áp lại bắt Thanh Tòng mà dẫn đi. Lệ Bích dòm thấy thì biến sắc; chừng quân dẫn Thanh Tòng đi ngang qua trước mặt, thì nàng té xỉu, hai thể nữ phụ đỡ nàng rồi để ngồi dựa cửa cho nàng nghỉ.

Quan Binh bộ Thượng thơ Lê Thọ Vực chạy theo kêu hộ vệ quân mà nói rằng: ''Quân bây đừng có tháo thứ. Thánh thượng nóng giận ngài phán như vậy đó thôi. Bây đem ra cửa thành rồi chờ ta tâu đi tâu lại một đôi lời đã chớ đùng có hạ sát. Nếu bây bất tuân lịnh ta thì ta chém đầu hết thảy''. Binh bộ Thượng thơ dặn như vậy rồi, ông bèn trở vô qùy mà tâu với vua rằng: ''Muôn tâu bệ hạ, luật của triều đình lập ra thì để mà chế trị muôn dân. Ai phạm luật thì phải thọ tội theo luật. Thanh Tòng giết quan đại thần, theo luật thì phải chém đầu mà đền tội. Nhưng mà kẻ hạ thần xem trong buổi nầy người Trung Quốc đương chống gươm mà ngó, hầm hầm muốn nuốt nước ta; dân Chiêm Thành chưa chịu qui hàng, nghe tin đã xâm lăng bờ cõi. Thanh Tòng tuy nhỏ tuổi nhưng thiệt là đệ nhứt anh hùng. Cái tài nầy là tài hữu dụng của nước nhà; nếu Thánh thượng gia hình, thì uổng mất một trang hào kiệt. Ngửa mong Thánh thượng vì giang san xã tắc mà rộng suy xét lại, dầu cho Thánh thượng có chém Thanh Tòng đi nữa, thì quan Thái úy cũng đã mất rồi''.

Vua nghe tâu thì châu mày, còn đương bàng hoàng thì quan Tả Tướng quốc quỳ mà tâu rằng: ''Muôn tâu Thánh thượng lời tâu của quan Binh bộ thiệt rất phải. Quan Thái úy là một đứng đại anh hùng trong nước, Thanh Tòng nó thắng được, thì tài của nó là tài hữu dụng có ngày. Người ta thường nói gà già nuôi tốn thóc, phụng con quí nhờ lông. Lão phu đây là một con gà già, còn Thanh Tòng đó là một con phụng nhỏ. Vậy lão phu xin thọ tội thế cho con, đặng lưu cái tài hữu dụng mà bồi đấp xã tắc giang san. Ngửa mong Thánh thượng nhận lời nếu được như vậy thì lão phu hạnh thậm[1], mà nước nhà cũng hạnh thậm''.

Thánh Tôn còn dụ dự, bỗng có người dưng biểu của quan Ðô Tổng binh đạo Thuận Hóa tâu rằng: ''Trà Phi với Trà Na là con của vua Chiêm Thành Trà Toàn, dẫn hơn hai vạn binh ròng đánh phá đạo Thuận Hóa. Vì binh ít, quan Ðô Tổng binh Thuận Hóa chống cự không nổi, nên phải rút chạy về Nghệ An, và xin triều đình chọn tướng phát binh xuống Nghệ An cho gấp mà bình giặc.

Vua xem biểu xong rồi, liền trao cho quan Binh bộ Thượng thơ Lê Thọ Vực mà hỏi bây giờ phải sai tướng nào đi bình giặc Chiêm Thành.

Ông Lê Thọ Vực tâu rằng: ''Quan Thái úy Lê Niệm khi còn sanh tiền thì tài đã cao mà danh lại lớn, bởi vậy khi ông cầm binh đi đến đâu thì giặc khiếp oai bỏ giáo qui hàng. Nay ông đã mất lộc rồi, trong triều coi chẳng còn ai đủ tài cầm binh dẹp loạn được. Vả Thanh Tòng tuy nhỏ tuổi và có tội song người ấy vẫn có lược thao gồm đủ, văn võ toàn tài. Vậy xin Thánh thượng rộng lượng lấy nghĩa làm oai, miễn tử cho chàng và sai chàng cầm binh dẹp giặc mà đái công thục tội''.

Vua Thánh Tôn khen phải, liền hạ lịnh đòi Thanh Tòng trở vào chầu vua. Khi Thanh Tòng vào quì trước điện rồi, vua mới phán rằng: ''Thanh Tòng, tội của ngươi là tội trọng, lẽ thì trẫm phải chém bêu đầu, mà răn chúng. Nghĩ vì quan Binh bộ Thượng thơ kiệt lực can gián, lại trong lúc có giặc nếu chém tướng thì bất lợi, nên trẫm thứ tha cho ngươi một phen. Vậy ngươi phải thống lãnh hai vạn quân vào Thuận Hóa mà dẹp giặc Chiêm Thành. Nếu ngươi thắng trận trở về thì trẫm sẽ xá tội và cho phép ngươi kết duyên cùng Lệ Bích. Còn nếu ngươi thất bại, thì trẫm sẽ chiếu luật thi hành, không dung thứ nữa. Ngươi phải thân ý trẫm''.

Thanh Tòng khấu đầu lạy tạ và nguyện sẽ bắt Trà Phi và Trà Na đem về chuộc tội. Vua phát ấn lịnh rồi bãi chầu. Bá quan lật đật lui ra ai cũng vui mừng, duy có quan Hình bộ Trịnh Công Lộ một mình đi đằng sau, lòng bất bình lộ ra ngoài sắc mặt.

Bá quan về hết rồi mà nàng Lệ Bích hãy còn ngồi trân trân dựa cửa. Hai con thể nữ của nàng là Xuân Lan và Thu Cúc bèn đỡ nàng đứng dậy và mời nàng về, Lệ Bích đứng ngó dáo dác rồi hỏi Xuân Lan rằng:

- Bãi chầu rồi hay sao con?

- Thưa, đã bãi chầu rồi.

- Bệ hạ dạy chém Thân công tử vậy mà đã chém rồi chưa?

- Thưa công nương, có chém giết chi đâu mà công nương hỏi. Lịnh Bệ hạ đã tha Thân công tử rồi, vậy chớ công nương ngồi đây mà công nương không thấy sao?

- Hả? Bệ hạ tha công tử rồi. Ðã dạy chém mà sao lại tha đi? Té ra bệ hạ tha Thân công tử mà chém quan Tướng quốc phải hôn con?

- Thưa, không có chém ai hết. Quan Tướng quốc nài xin thế mạng mà Bệ hạ không chịu.

- Ủa? Vậy chớ giết người ta rồi bây giờ cha con đều khỏi tội hết sao. Cha chả là ức nầy! Cái thù của cha tôi, tôi biết làm sao mà trả đặng...

Lệ Bích nói tới đó rồi ngồi xuống ôm mặt mà khóc. Thu Cúc lật đật lấy khăn lau nước mắt cho nàng, khĩ khằm nói rằng:

- Hôm qua sao công nương không chém phứt Thân công tử cho rồi, ai biểu công nương tha làm chi. Người thù mà vị tình nỗi gì.

- Nầy con, Thân công tử đành lòng thích tử phụ thân ta, người như vậy thì còn tình gì mà vị. Hôm qua ta muốn giết phứt cho rồi, ngặt vì lúc đưa gươm lên ta thấy người đã biết lỗi nên quì mà chịu chết, trong lòng ta bất nhẫn, nên ta không nỡ hạ thủ chớ phải ta vị tình vị nghĩa chi đâu.

- Nếu công nương không vị tố sao công nương đến đây không xin với Bệ hạ chém Thân công tử mà lại nài xin làm tội quan Tướng quốc, rồi chừng Bệ hạ truyền chém công tử, thì công nương lại bất tỉnh nhơn sự té xỉu trong mình con?

- Không phải ta vị tình. Ta đến đây, ta không muốn buộc tội Thân công tử ấy là tại ý ta muốn cho Thánh thượng thấy cái lý mà phân đoán. Thân công tử với phụ thân ta có thù oán chi nhau đâu. Tại quan Tướng quốc xúi con nên mới sanh sự. Vì vậy nên ta mới xin Thánh thượng làm tội Tướng quốc chớ. Còn sự ta nghe xử tử Thân công tử mà ta kinh tâm đó, là tại ta có lòng nhơn từ ta thấy quân rút đao áp bắt một người thì ta động lòng đó mà thôi. Con nói Bệ hạ tha Thân công tử, thiệt như vậy hay không con?

- Thưa công nương, tha mà chưa tha thiệt.

- Sao vậy?

- Số là khi bệ hạ dạy chém Thân công tử, thì có quân ngoài ải đem biểu về dưng lên nói rằng: ChiêmThành cử đại đội hùng binh đánh lấy châu quận nhiều lắm. Quan Binh bộ Thượng thơ tâu sao đó không biết, mà lịnh Bệ hạ bắt Thân công tử trở lại, rồi Bệ hạ truyền cho công tử phải đem binh đi dẹp giặc, nếu thắng thì Bệ hạ sẽ xá tội và cho kết duyên tơ tóc với công nương, còn như thua thì Bệ hạ sẽ trảm quyết về cái tội giết đại thần và tội cầm binh để thất bại.

Lệ Bích vừa nghe nói nàng vừa đứng dậy, rồi vịn vai hai thể nữ lần bước về dinh. Nàng và đi và nói rằng: ''Giặc Chiêm Thành là giặc dữ, Thân công tử còn nhỏ tuổi quá không biết có đủ tài mà dẹp nổi hay không''?

Xuân Lan bèn đáp rằng:

- Thân công tử là người bạc tình bội nghĩa, đi đánh giặc có chết cũng đáng, công nương lo mà làm chi?

- Ðã biết Thân công tử bây giờ là người thù của ta. Nhưng mà không lẽ ta vì cái thù riêng mà trù cho người bị hại. Huống chi cái thù của phụ thân ta, ta chưa trả đặng nếu người ra trận mà chết thì còn đâu ta báo thù...

- Công nương có lòng nhơn, công nương không nỡ cầm gươm mà giết. Ví như giặc nó giết giùm cho công nương thì là may, chớ có hại gì?

- Con đừng có nói dại như vậy. Thân công tử là người thù riêng của ta, còn quân Chiêm Thành là bọn nghịch với triều đình. Thà ta giết công tử, chớ lẽ nào ta lại ước mong quân ấy giết thế cho ta.

Hai thế nữ không còn lời mà cãi nữa. Ra tới ngọ môn bèn đỡ Lệ Bích lên kiệu mà về.