hanh Ngân lách mình đến nắm tay xem mạch và chuyền chân khí vào người ông ta. Nhờ chân khí của Thanh Ngân cuồn cuộn trút vào người, Hoàng lão cảm thấy khoẻ ngay.
Thanh Ngân rụt tay lại than thở:
- Sư tổ bị hàn chưởng đả thương, nhờ nội công kềm chế nhưng không thể trục hết ra ngoài, lâu ngày hàn độc xâm nhập vào xương tủy, thật khó mà chữa trị. Tiểu tôn sẽ nghĩ xem có cách nào không, nhưng bây giờ sư tổ tuyệt đối không nên xử dụng võ công.
Hoàng lão thở dài:
- Hàn băng chưởng của nhị ma quả nhiên lợi hại, năm năm trước gặp chúng ở Động đình hồ, ta ra tay định trừ hại cho giang hồ, đánh chúng bị thương nặng, nhưng trong lúc sơ ý coi thường bị chúng đánh một chưởng mà trục mãi cũng không đưa hết khí hàn độc ra ngoài.
Ông ta vuốt râu cảm khái:
- Ma giáo hôm nay lại đến tận cửa, ta lại không thể xử dụng võ công, thì không có cái đáng tiếc nào hơn.
Giang Như Phong lo âu:
- Sức khỏe sư phụ là quan trọng hơn hết, hay là đệ tử cho hoãn buổi hợp quần hùng bắt đầu vào trưa nay?
Hoàng lão chau mày:
- Là con dân nhà Tống, việc đoàn kết đối phó với Mông Cổ là trên hết không thể vì ta mà hoãn được.
Thiên Trì quái hiệp:
- Lời nói của lão Hoàng thật đáng bái phục, nhưng có lẽ cũng nên để lão Hoàng điều tức trong một thời gian trước khi bắt đầu đại hội.
Như Phong đỡ sư phụ ngồi xuống ghế, thì Kiếm Hưng chạy vào báo:
- Giáo chủ Ma Giáo dẫn mấy chục thuộc hạ đến chúc thọ. Xin thỉnh ý sư tổ và gia gia, phải tiếp rước như thế nào?
Hoàng lão:
- Cứ đưa chúng vào đại sảnh, trà nước cho đúng lễ. Như Phong hãy ra thù tiếp bọn chúng rồi một khắc sau ta và ngũ lão sẽ ra đại sảnh đúng thời gian bắt đầu đại hội.
Như Phong lo sợ:
- Thời gian quá ít sợ e sư phụ chưa thể....
Hoàng lão khoát tay:
- Đừng cho ai biết tình trạng của ta hiện nay.
Ông ta hỏi Thanh Ngân:
- Ngân nhi có thể vào tịnh thất với ta trong giây lát?
Thanh Ngân cung kính:
- Ngân nhi xin phụ trợ cho sư tổ hành công.
Hoàng lão hoan hỉ:
- Ta cũng nghĩ như vậy và nhờ Ngân nhi ta sẽ có thể chu toàn đại hội, đó là điều ta vui nhất.
Hoàng lão tỏ lời cáo từ lục lão và các chưởng môn, rồi ra hiệu cho Tuyết Như đưa mình qua tịnh thất. Thanh Ngân bước theo sau. Qua mấy vườn hoa hồng bố trí theo cửu cung, mới đến tịnh thất là một căn nhà xây hoàn toàn bằng đá. Thanh Ngân thấy Tuyết Như đặt tay lên một viên đá đẩy mạnh và một cánh cửa được mở ra.
Hoàng lão được Tuyết Như đỡ ngồi lên thạch sàn, ông ta bảo nàng ra ngoài canh cửa, rồi ngồi lên thạch sàn vận công, Thanh Ngân ngồi phía sau hai tay áp lên lưng truyền công của mình tiếp trợ. Theo luồng chân khí lưu chuyển trong người Hoàng lão, Thanh Ngân thấy đường lối của Thái Dương không khác Thái Âm, nhưng một bên là dương, một bên là âm.
Thanh Ngân biết nếu truyền Thái âm thần công cho Hoàng lão, thì hàn độc trong người của ông ta được hoá giải tận gốc, nhưng Hoàng lão đã quá già không thể nào luyện thêm công phu được nữa.
Được luồng chân lực của Thanh Ngân truyền vào người tiếp trợ với công lực cả trăm năm của mình, chưa đầy nửa khắc thời gian, Hoàng lão cảm thấy khoẻ mạnh trở lại, xả công và khen ngợi Thanh Ngân:
- Nội công của Ngân nhi thật là một môn nội công thượng thặng.
Ông ta đăm chiêu:
- Bọn tà ma ngoại đạo ở Trung Nguyên vì sợ ta mà không dám đi theo Ma giáo, làm tay chân cho chúng. Ta biết mình không còn sống được bao lâu nữa và lấy làm lo âu.
Thanh Ngân an ủi:
- Sư tổ đừng khinh xuất dùng võ công, thì tôn nhi vẫn hy vọng có cách chữa trị cho sư tổ.
Hoàng lão lắc đầu:
- Ta sống đã trăm tuổi có theo ông bà cũng chẳng lấy gì làm tiếc, ngươi đừng phải phí công nhọc trí vô ích. Hai điều ta mong muốn nhìn thấy võ lâm Trung Nguyên có một minh chủ tài ba và chứng kiến hôn lễ của Tuyết Như với ngươi.
Ông ta cười:
- Ta chắc chắn là hai điều đó ta đều chứng kiến được!
Và nghiêm nét mặt:
- Sau đại hội, sẳn có mặt quần hùng đông đủ nơi đây, ngươi và Tuyết Như làm lễ thành hôn có gì trở ngại không?
Thanh Ngân thành thật:
- Thiên Kiều phải thành hôn với tôn nhi ở Miêu động trong tháng tới, không hiểu nàng có khó chịu gì không? Còn Bảo Ngọc thì cũng đã có lòng với tôn nhi từ lâu, tôn nhi cũng không muốn nàng phải buồn rầu..
Hoàng lão cười khà, vỗ vai thân mật:
- Ngươi là một võ học kỳ nhân, thì cũng là một đa tình quái khách. Những cô gái khác ta không giúp gì ngươi, nhưng với Thiên Kiều và Bảo Ngọc ta sẽ giúp ngươi xem sao.
Thanh Ngân cảm tạ:
- Xin nhờ ơn sư tổ.
Ông ta đứng lên nắm tay Thanh Ngân bước ra ngoài, Tuyết Như vâng lệnh tôn sư đứng canh, thấy Hoàng lão và Thanh Ngân song song bước ra, giống như gặp phải qủy vội quay lưng đi nơi khác.
Hoàng lão cười khà, nói:
- Tuyết Như! Các trận hồng hoa con lập chung quanh trang viện có thể có nhiều sơ sót, hãy đưa Nam Thiên Đại Hiệp đi một
vòng coi thử có chỗ cần phải bổ túc hay không, rồi đúng ngọ sẽ cùng sư tổ ra sảnh đường. Ồ! mà nếu có phải tốn nhiều thời gian, thì con đưa đại hiệp vào đại sảnh sau cũng được.
Tuyết Như dậm chân, lí nhí:
- Sư tổ! con...
Hoàng lão cười lớn, đôi chân đã như lưu thủy hành vân đi mất dạng!
Thanh Ngân bị bỏ một mình với Tuyết Như cũng cảm thấy bối rối. Giây phút im lặng kéo dài giữa họ. Thanh Ngân phải hít một hơi chân khí trấn tỉnh, mở lời:
- Tại hạ vì vô tình mà làm cho cô nương bị khuất tất thật áy náy không an.
Tuyết Như đôi vai chợt run run, rồi nghẹn ngào:
- Tại sao ngươi không đến sớm một chút hay đến trễ một chút để ta khỏi phải chịu cảnh bẽ bàng thế này?
Thấy nàng khóc và đau khổ như vậy, Thanh Ngân thấy lòng bấn loạn, thở dài não nuột:
- Cô nương hỏi tại hạ, thì tại hạ biết hỏi ai bây giờ? Hỡi ôi! Tại hạ đã làm nên tội, thì cô nương muốn trách phạt như thế nào, tại hạ cũng nhất quyết không chút cau mày. Cô nương không đánh giết tại hạ mà lòng sầu khổ thì tại hạ càng xốn xang hơn.
Tuyết Như đưa tay áo gạt lệ, ngồi xuống thềm đá, im lặng một lúc rồi hỏi:
- Vết thương trên ngực ngươi có sâu lắm không?
Thanh Ngân thở nhẹ:
- Cũng không sâu lắm..
Nàng bâng quơ:
- Ta không thể nào tin được cây tử vi kiếm chém sắt như chém bùn lại không thể đâm chết một người bằng xương bằng thịt.
Thanh Ngân bắt chuyện:
- Đối với cao thủ võ lâm, vũ khí sắc bén đến đâu cũng chỉ có thể hỗ trợ thêm uy lực phần nào mà thôi. Những người luyện công đến mức tam hoa tụ đỉnh, ngũ khí triều nguyên, nội công sẳn sàng tự động phản chấn mọi sức tấn công. Đêm hôm qua, nếu cô nương không vận hết nội lực ra chiêu, kiếm chưa đến nơi, kiếm khí đã xung vào người tại hạ, thì tại hạ đã bị cô nương đâm chết.
Tuyết Như hừ nhẹ:
- Phải chăng ngươi đã biết rõ nguyên lý này nên đứng yên một chỗ?
Thanh Ngân buồn rầu:
- Lúc bấy giờ lòng dạ tại hạ rối như tơ vò, chỉ muốn chết đi cho rảnh mà thôi.
Bụi hồng vừa tầm tay Tuyết Như vô tội vạ, nhưng bị nàng vặt hết lá này đến lá khác vò nát trong tay, giây phút im lặng lại kéo dài ra giữa họ.
Thanh Ngân lại thở dài:
- Tại hạ mang nhiều tình nghiệp, gây cảnh bất đắc dĩ cho cô nương, không hiểu tại hạ phải làm sao để cô nương có thể vui lòng?
Tuyết Như đứng rột lên, u oán:
- Ta bị ngươi nhìn...thấy, cả giang hồ ai cũng biết. Sư tổ tuyên bố gã ta cho ngươi ai cũng biết, thì ta biết làm gì bây giờ? Hừ! Ngươi có quá nhiều người xinh đẹp, thì có để ta vào mắt!!
Nàng tung mình vào mật thất đóng cửa lại hét:
- Ngươi hãy đi đi, ta chẳng còn mặt mũi nào gặp ai nữa!
Thanh Ngân ngẩn ngơ chẳng biết làm gì cho phải, nghĩ Hoàng lão đã tuyên bố gã nàng cho mình và nàng cũng không phản đối lúc đó, thì bây giờ tại sao nàng lại tức giận? Thanh Ngân tìm ra câu giải đáp, thở dài, rồi bấm nút mở cửa mật thất. Thấy Tuyết Như đang ngồi gục đầu lên thạch sàn khóc rấm rức, bước qua, đặt tay lên vai nàng:
- Như muội! Tiểu huynh tự thấy mình không xứng đáng với Như muội chút nào cả. Dù mới đặt chân đến đây, tiểu huynh cũng biết hào khách hiệp sĩ cả đất Trung Nguyên này ai được Như muội để mắt xanh tới là cả một trời diễm phúc cho họ. Vì trời xuôi đất khiến, hay là duyên tiền định của chúng ta mà tiểu huynh do vô tình lại được diễm phúc này. Theo lời sư tổ vài ngày nữa chúng ta sẽ làm lễ thành hôn. Như muội không thông cảm và tha thứ cho tiểu huynh sao?
Tuyết Như nói trong tiếng khóc:
- Ta không thể giết ngươi, không thể tự xử để tròn danh tiết. Trời đã bắt ta phải lấy ngươi.. nhưng ngươi có coi ta vào đâu?
Thanh Ngân thật buồn:
- Tiểu huynh đã có vợ, có nhiều hồng nhan tri kỷ, ai cũng là người quốc sắc thiên hương cả. Với ai tiểu huynh cũng thấy mình mang nợ quá nặng. Như muội sắc nước hương trời, nếu không có duyên tiền định với tiểu huynh, thì thử hỏi tiểu huynh làm sao vói tới? Như muội không ruồng rẫy, khinh chê tiểu huynh, thì tiểu huynh nào dám...
Lại than thở:
- Hỡi ôi! Tiểu huynh biết làm sao bây giờ!
Và qùy gối xuống sàn:
- Tiểu huynh qùy xuống đây. Như muội biết lòng dạ và thông cảm cho tiểu huynh thì đừng sầu hận nữa, còn không thì cứ giết quách tiểu huynh đi cho xong.
Thanh Ngân qùy gối bên nàng, Tuyết Như khóc thêm một lúc rồi gạt lệ, hỏi:
- Ta là vợ thứ mấy của ngươi?
Thanh Ngân thành thật:
- Tiểu huynh có tất cả tám người yêu thương mình, nhưng một người đã mất, còn chính thức làm lễ thành hôn chỉ có Thanh Lan hiền muội.
Tuyết Như lại hỏi:
- Họ đều đẹp như cô gái đi với ngươi?
Thanh Ngân:
- Họ đều đẹp, so với tiểu thư Nam Hải đại trang cũng đều một chín một mười.
Tuyết Như bỉu môi:
- Ngươi miệng lưỡi trơn như mỡ, ngọt như đường nên dụ dỗ không biết bao nhiêu cô gái..!
Thanh Ngân:
- Tiểu huynh chỉ được trời thương hay kiếp trước khéo tu mà thôi. Như muội thấy rõ dù tiểu huynh có miệng lưỡi như Tô Tần cũng không thể nào thuyết phục sư tổ gã Như muội cho tiểu huynh được.
Thanh Ngân nắm tay nàng tha thiết:
- Như muội! Dù sao sư tổ cũng đã tuyên bố và chúng ta sắp nên nghĩa vợ chồng, tiểu huynh mong Như muội hãy thương tưởng đến tiểu huynh.
Tuyết Như cúi đầu, lí nhí:
- Tiểu muội chỉ sợ.. Ngân ca chẳng thương yêu gì tiểu muội.
Thanh Ngân lại tha thiết:
- Tiểu huynh có làm điều gì không phải với Như muội, nhất định sẽ qùy gối mãi như thế này để Như muội trách phạt.
Tuyết Như liếc mắt nhìn, thấy trên ngực áo trắng còn rỉ máu tươi, quay lại lo âu:
- Ngân ca không băng bó vết thương?
Thanh Ngân mỉm cười:
- Như muội quan tâm đến tiểu huynh như vậy, tiểu huynh thật không có sung sướng nào bằng.
Thanh Ngân đặt nhẹ bàn tay lên vai nàng âu yếm:
- Như muội!
Tuyết Như chợt run run dưới bàn tay nhẹ nhàng. Nàng nhắm mắt và tấm thân ngã nhẹ vào người chồng sắp cưới.
Sự gần gũi trong giây lát, một nụ hôn phớt qua, một bàn tay siết chặt đã xoá tan hết những sự xa lạ của hai kẻ mới gặp nhau mà mới tối hôm qua Tuyết Như chỉ muốn giết bằng một đường gươm trí mạng. Bàn tay cầm lưỡi tử vi kiếm ấy của nàng bây giờ lại mâm mê lên vết thương, biểu lộ sự xót xa, lo lắng:
- Ngân ca về phòng, tiểu muội băng bó vết thương và thay áo khác. Ai lại mặc chiếc áo dính đầy máu thế này!
Thanh Ngân ngoan ngoản:
- Tiểu huynh hoàn toàn vâng theo lời Như muội, nhưng tiểu huynh hiện chỉ có bộ quần áo này mà thôi.
Tuyết Như:
- Tiểu muội đôi khi cũng giả nam trang, nhưng áo quần của tiểu muội có lẽ không vừa Ngân ca. Tiểu muội giặt chiếc áo cho Ngân ca vậy.
Họ giắt tay nhau ra khỏi mật thất, xuyên qua nhiều trận hồng hoa, Tuyết Như giải thích trận pháp của mình cho Thanh Ngân nghe, Thanh Ngân đã học trận pháp từ Đoàn phu nhân và Tú Anh, nhưng cũng cứ chăm chú nghe Tuyết Như giải thích thêm, luôn miệng khen ngợi. Bước chân đến cửa phòng nàng chợt e thẹn ngần ngừ không dám mở cửa bước vào. Cũng may con tiểu tỳ của nàng đã thấy ra mở cửa cho họ. Nhờ con tiểu tỳ, Tuyết Như lấy lại tự nhiên, đưa Thanh Ngân vào phòng khách và vào trong lấy thuốc.
Con tiểu tỳ mang ra một chiếc áo khoác thưa:
- Xin tướng công thay áo.
Thanh Ngân thay áo. Con tiểu tỳ lấy chiếc áo dơ đem vào trong thì Tuyết Như mang vật liệu trị thương ra, nhưng rồi nàng lại đứng yên một chỗ. Thanh Ngân quay lại nhìn, mặt nàng chợt đỏ như gấc, bối rối đánh rơi tất cả thuốc men, tô nước muối, vải băng xuống sàn nhà, chạy vụt vào trong.
Thanh Ngân mỉm cười, cúi xuống lượm lên, nhưng chưa biết lấy gì để rửa vết thương thì Tuyết Như lại hiện ra, ấp úng:
- Tiểu muội...
Thanh Ngân than thở:
- Hồng hoa tiên tử có thể đâm người, nhưng băng bó vết thương thì không đủ can đảm. Thôi thì xin cho chút nước muối để tiểu nhân tự lo liệu lấy!
Tuyết Như dậm chân:
- Ngân ca!
Thanh Ngân bước lại, Tuyết Như đấm vào ngực:
- Ngân ca lại trêu ghẹo tiểu muội!
Nàng đấm lại trúng nhằm vết thương. Cảm thấy tay mình bị ướt biết là máu, hốt hoảng vạch áo choàng ra xem. Thấy miệng vết thương rất dài, bị cái đấm nhẹ của mình làm máu bắn ra. Sự thẹn thùng bỗng bay biến. Nàng hấp tấp lấy nước, đẩy Thanh Ngân ngồi lên ghế, ngồi xuống vạch áo tỉ mỉ rửa và dịt thuốc băng bó. Thanh Ngân ngoan ngoản để nàng săn sóc mình, mắt lim dim nhìn làn tóc mây óng ả, tưởng nhớ mông lung, bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu cô gái chập chờn trước mắt.
Tuyết Như băng bó vết thương xong, đứng lên thấy Thanh Ngân như thất thần đâu đâu, hỏi:
- Ngân ca đang nghĩ gì?
Thanh Ngân trở về thực tại mỉm cười:
- Tiểu huynh đang tưởng nhớ đến một người con gái thật đẹp..
Nghe nói, Tuyết Như biến sắc mặt, một cái giận chợt đến làm nàng như run lên, thì Thanh Ngân hóm hỉnh:
- Tiểu huynh đang nhớ đến một cô gái đẹp đang thay xiêm trút áo trước tấm gương đồng..
Mặt Tuyết Như đang tái, lại chợt đỏ hồng, nàng dậm chân:
- Ngân ca...
Và vụt chạy, nhưng nàng chạy vào phòng thì Thanh Ngân đã có mặt từ lúc nào và ôm gọn nàng trên hai tay cứng như sắt.
Tưởng Thanh Ngân muốn nhìn xem cho mãn nhãn những gì mà đã nhìn thấy, Tuyết Như lấp bấp:
- Ngân ca! Không thể được...Ngươi..Ngươi...
Thanh Ngân không trả lời, tự nhiên ngồi xuống chiếc giường êm ái, thơm tho của nàng và thì thào:
- Chúng ta sắp thành hôn, tiểu huynh đâu có thể vô lễ như vậy được.. Như muội yên tâm.
Rồi nàng cuống quít và ngất lịm trong những nụ hôn, muốn thời gian kéo dài bất tận, nàng muốn Thanh Ngân đi xa hơn và sẳn sàng buông thả, nhưng rồi Thanh Ngân nâng nàng lên nói:
- Trời đã quá ngọ, chúng ta phải đến sảnh đường kẻo sư tổ trông đợi.
Tuyết Như bỉu môi:
- Sư tổ hay là Thiên Kiều và Bảo Ngọc?
Thanh Ngân cười lì lợm:
- Vậy thì để tiểu huynh nằm đây ngủ một giấc cho vết thương mau lành.
Và nằm xuống giường nhắm mắt.
Tuyết Như nép lên ngực:
- Oan gia! Thôi đừng bắt nạt nữa, dậy thay áo đến sảnh đường kẻo trễ.
Thanh Nhân lại nì nèo trả gía, Tuyết Như lại đê mê với cái giá đòi hỏi trong vài phút nữa, rồi mới chịu thay áo và sánh vai nàng thả bộ đến đại sảnh.
Đến đại sảnh, Tuyết Như bảo Thanh Ngân chờ giây lát, nhưng rồi nàng biến mất. Một trung niên tiến ra chào Thanh Ngân giới thiệu mình là Hạ Hầu Khởi, sư huynh của Tuyết Như và mời vào đại sảnh.
Thanh Ngân thấy hôm nay người ngồi chen chúc, có thêm rất nhiều khuôn mặt mới. Chiếc bàn của lục lão đặt ở giữa, bên phải là người Ma giáo, và bên tả là bàn dành cho Thiên Kiều, Bảo Ngọc,giữa hai nàng là chiếc ghế trống. Có lẽ đã thấy võ công bọn Ngạc Lan rất cao nên bàn của bọn họ bây giờ được xếp ngồi phía dưới bàn của Thiên Kiều và sát nhau. Thanh Ngân chào hỏi bọn Ngạc Lan, Cao Thừa Minh rồi mới ngồi vào bàn mình. Thanh Ngân vừa ngồi xuống thì hai bàn tay của Bảo Ngọc và Thiên Kiều, không ai bảo ai đã nắm bấp vế hắn cấu mạnh. Thanh Ngân nắm hai bàn tay êm mát đó cười, nói nhỏ:
- Tiểu đệ về phòng băng vết thương và giặt những vết máu trên áo.
Bây giờ mọi người đã ăn uống gần xong. Thanh Ngân không để ý đến hai cặp mắt liếc xéo của Bảo Ngọc, Thiên Kiều, bóp nhẹ bàn tay hai nàng, rồi nhấc bình rượu rót đầy một chung lớn uống cạn và cúi xuống ăn ngấu nghiến.
Sau khi đã dùng trưa, người Nam Hải trang đi thu dọn chén đĩa, lau sạch các bàn, bày ra rượu mới, thì trang chủ Giang Như Phong đứng lên lần nữa cảm tạ quần hùng đến chúc thọ Hoàng lão, nhấn mạnh việc chúc thọ chỉ là việc phụ, mục đích là qui tụ hắc bạch lưỡng đạo, nhằm tìm thế đoàn kết võ lâm để chống lại tay sai Mông Cổ. Giang Như Phong cũng trình bày là để có thể qui tụ nhau theo đuổi một mục đích chung, thì phải có người lãnh đạo, chỉ huy, hôm nay lục lão sẽ lắng nghe ý kiến quần hùng về vấn đề này.
Thiết Kiếm Trương Thanh, chưởng môn phái Thiết Kiếm đứng lên:
- Theo tại hạ thấy Hoàng lão tiền bối, Tiền bang chủ, Nga Mi thần ni, Thiên Trì đại hiệp, Chung Nam đạo trưởng là những người võ công cực cao, uy đức mấy chục năm nay trên giang hồ không ai không biết, không tôn kính. Thiếu Lâm là thái sơn bắc đẩu của võ lâm. Vậy, ngũ lão và Giác Không đại sư, phương trượng chùa Thiếu Lâm hay Giác Minh đại sư cùng đứng ra lãnh đạo quần hùng, thì tại hạ thấy rất hợp tình hợp lý, và mới có thể đoàn kết võ lâm.
Một hai người nữa cũng đứng lên tán đồng ý kiến của Trương Thanh, rồi gần như cả hội trường cùng hoan hô ý kiến đó, thì một lão già khoảng bảy chục, gầy như que củi, ngồi phía sau nhóm người ma giáo, cười khẩy, tiếng cười làm những kẻ yếu võ công cảm thấy máu huyết nhộn nhạo. Lão nói giọng ngạo mạn:
- Giang hồ Trung Nguyên kỳ nhân dị sĩ thiếu gì? Võ công của Tiền Trang, mụ Khương Hạ Vân, tên Lý Phụng Hào đã có gì xuất sắc? Theo lão phu, lục lão cũng chỉ có hư danh mà thôi. Võ lâm chỉ có thể lãnh đạo bởi những người thực tài, không thể lãnh đạo bằng những kẻ chỉ có tên tuổi.
Thiên trì quái khách cười ha hả:
- Tên Du Lượng kia! Tại đại mạc năm xưa nếu ngươi không mau chân chạy trốn, thì ngày nay ngươi có thể đứng đây lớn lối?
Ông già gầy gò lại cười âm trầm:
- Lý Phụng Hào! Ngươi đừng tự đắc. Năm ấy nhà ngươi có thể thắng ta, nhưng bây giờ thì e rằng ngươi khó giữ được mạng.
Cái tên Du Lượng được Thiên trì quái hiệp nói ra, trong sảnh đường có nhiều tiếng kêu lên:
- Thì ra lão là Sa Mạc Nhất Hùng!
Tiền bang chủ nhìn Sa Mạc Nhất Hùng:
- Sa Mạc Nhất Hùng! Ngươi đi theo Tam Nhãn Thần Quân làm chó săn cho Mông Cổ còn dám đến đây?
Một trung niên mày rậm, mắt sâu, ngồi bên Sa Mạc Nhất Hùng, đứng rột dậy, hét:
- Tiền Trang! Ngươi đã gần trăm tuổi sao còn hàm hồ như thế? Sư phụ ta là chưởng môn phái Thiên Sơn. Lúc Thành Cát Tư Hãn chiếm Đại Hạ đã tàn sát hàng trăm đệ tử Thiên Sơn, thù hận giữa chúng ta và Mông Cổ không thể đội trời chung. Sư phụ ta đang khuông phò hoàng tử và công chúa Tây Hạ mưu toan phục quốc, thì ngươi lại tuyên bố xằng bậy sư phụ ta làm tay sai cho Mông Cổ là ý gì?
Người trung niên ấy chỉ mặt Chung Nam đạo trưởng:
- Tên đạo sĩ thúi Mã Khởi kia! Đêm qua ngươi đã bày đặt ra một câu chuyện mà cả Hoàng lão anh hùng cũng bị ngươi phỉnh gạt. Ta hỏi ngươi giang hồ từ trước đến nay có ai nghe nói đến Ba Đại Xích?
Hắn hướng vào quần hùng:
- Tại hạ xin hỏi qúy vị câu chuyện Mã Khởi nói đêm qua qúi vị có thể tin được không? Nếu pháp sư Cốc Chu bị Thành Cát Tư Hãn hãm hại, thì cha Cốc Chu, em Cốc Chu có còn được Thành Cát Tư Hãn trọng dụng? Tại hạ xin hỏi chư vị, Trường Xuân Tử một người được vua Mông trọng đãi, trên con đường mà quân Mông đưa rước Trường Xuân Tử từ Yên Kinh đến miền viễn tây nước Tây Liêu trên mười ngàn dặm, đến đâu cũng được quan tướng vua Mông đón rước như hoàng đế. Khi trở về Yên Kinh được ban cho ngôi đạo viện nguy nga, thì Trường Xuân Tử có thể là người chống lại vua Mông? Đệ tử của Trường Xuân Tử là tên đạo sĩ thúi Mã Khởi kia trong người có mang đặc bài của vua Mông muốn đi bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Mông Cổ cũng được tiếp rước hầu hạ, quan binh không được làm khó dễ, thì hắn là người chống Mông Cổ? Tại hạ xin hỏi chư vị, ngoài câu chuyện bịa đặt của tên đạo sĩ thúi Mã Khởi nói đêm qua, thì ai trong qúi vị đã nghe, đã chứng kiến sư phụ tại hạ đang phục vụ cho Mông Cổ? Qúy vị tin người được vua Mông trọng đãi là chống Mông Cổ, hay qúy vị thấy rằng một võ phái có hàng trăm, hàng ngàn đệ tử bị vua Mông sát hại là làm tay sai cho chúng? Tại hạ và Điền Nam Long, đại đệ tử của ân sư, yêu cầu qúy vị suy xét cho ra lẽ kẻo bị tay sai Mông Cổ làm cho chúng ta bạn thù bất phân, Thiên Sơn và chư vị lại đối đầu, đánh chém nhau, bọn tay sai Mông Cổ lại gật đầu thích thú.
Điền Nam Long nội công sung mãn, tiếng nói oang oang, lý luận sắc bén làm cho mọi người trở nên phân vân không hiểu ai đúng ai sai, đại sảnh vang lên tiếng xầm xì.
Chung Nam đạo trưởng bình tĩnh:
- Sự thật bao giờ cũng là sự thật! Võ công, đức độ của sư phụ ta, Trường Xuân Tử chân nhân trên giang hồ ai mà không biết; còn Tam Nhãn Thần Quân, đức độ như thế nào cũng không thể che dấu được ai. Ngươi bảo sư phụ ngươi đang chống Mông Cổ, võ công của hắn đã đến độ xuất thần nhập hóa, đồ đệ Thiên Sơn có hàng ngàn. Từ ngày Tây Hạ mất đến nay đã mấy chục năm đã có cuộc khởi nghĩa nào chống quân Mông Cổ, hay Thiên Sơn nhà ngươi đã tiêu diệt, đã giết những cao thủ Mông Cổ nào? Phải chăng các ngươi không giết hại Mông Cổ mà nay đánh Cái Bang, mốt tiêu diệt Miêu cung, mai ức hiếp võ phái khác?
Điền Nam Long cười lớn:
- Khi chưa đủ sức, chưa đủ quân lương, phải hành tung bí mật để tránh bị kẻ thù tiêu diệt là chuyện thường của binh gia. Uổng cho ngươi tuổi đã trên bảy mươi mà vẫn ngớ ngẩn như vậy. Còn ngươi, ngươi bảo ngươi chống quân Mông thì ngươi đã tiêu diệt cao thủ nào của Mông Cổ? Ta không hiểu vì sao giữa sư phụ ta và Tiền bang chủ, Miêu động có hiềm khích, nhưng thù oán trên giang hồ là chuyện thường. Hôm nay chúng ta đến đây để cùng quên thù cũ, đoàn kết chống quân Mông hay là khơi lại thù oán, đưa đến hơn thua sát phạt lẫn nhau?
Một ông già ngồi trong bàn Phương Chính âm trầm:
- Thù oán giang hồ chồng chất, đôi khi chỉ vì một việc hiểu lầm, hay do ganh tị ác ý. Hừ! Tôn chỉ Minh giáo chúng ta dạy tín đồ ăn chay làm lành, phù thiện trừ ác, nhưng bọn tự mang danh võ lâm chính phái lại gán cho danh từ ma giáo, muốn đuổi tận giết tuyệt. Cả trăm năm qua đã biết bao nhiêu người chết oan vì việc này. Hừ! Hoàng lão muốn đoàn kết võ lâm đối phó với kẻ thù chung, nhưng đến đây chỉ nghe lời khích bác, buộc tội lẫn nhau, thì còn làm nên được việc gì? Ta hỏi lão Hoàng, năm xưa vô cớ ngươi đã chận đánh anh em ta, bây giờ chúng ta nên đòi lại món nợ cũ, hay gát thù riêng cùng lo việc chung?
Hoàng lão chưa kịp trả lời, thì Nga Mi Thần Ni hét:
- Thiên Ma! Chuyện võ lâm Trung Nguyên không cần những hạng người tà ác như ngươi dính líu vào. Hôm nay ta phải trả thù cho đồ đệ của ta.
Bà ta dứt tiếng, thì thân thủ bốc lên cao, lưỡi kiếm như ánh sao sa nhắm Thiên Ma đánh xuống, nhưng Thiên Ma chưa ra tay, thì Thiên Trì quái hiệp với chiếc chảo sắt bay lên không đón đỡ chiêu kiếm. Khi hai người rơi xuống đất, thì Giác Minh cũng phi thân ra chận bà ta lại.
Nhà sư niệm Phật hiệu:
- Xin Thần Ni bớt phẩn nộ, chuyện đâu còn đó. Thần Ni nóng lòng trả thù, sẽ biến đại hội hôm nay thành trường náo nhiệt mất!
Dưới hội trường cũng nhiều tiếng phản đối:
- Muốn chủ trì đại hội đoàn kết võ lâm mà chưa chi lại định giết người thì còn thể thống gì nữa?
Nga Mi Thần Ni mặt biến sắc đến xanh xám, hai mắt nhìn Thiên Ma như đổ lửa. Hoàng lão cũng lên tiếng can ngăn, bà ta mới kéo ghế ngồi lại chỗ mình.
Thiên Ma cười ha hả:
- Khương Hạ Vân! Ngươi tưởng chúng ta giết Tô Tố Mai hay sao? Ngươi cũng biết rõ nó thực sự là con của ai kia mà! Tam đệ của ta chỉ có chút máu huyết đó, thì chúng ta làm sao có thể giết nó được?
Thần Ni lại đứng lên hét:
- Tên dâm tặc Khổng Chí Bình còn sống hay đã chết? Trốn tránh ở đâu?
Thiên Ma cau mặt nhìn Thần Ni, nói như than thở:
- Thì ra bốn chục năm nay ngươi vẫn hồ đồ. Thôi thì ta kể hết câu chuyện ra đây để mọi người xem chúng ta là tà ma ngoại đạo làm việc sằng bậy hay ngươi vì cố chấp mà đã làm cho bao kẻ phải chết oan! Sư đệ ta năm ấy gặp ngươi ở Mân giang đem lòng say mê điên đảo, dù hắn nhỏ tuổi hơn ngươi, hắn đã quấn quít theo ngươi không rời rồi cầu hôn với ngươi. Biết ngươi đã hứa hôn với Từ Châu kiếm khách Tô Hiểu Phong, cũng như thấy ngươi đã tỏ ra khi dễ khi biết hắn là người của Minh giáo, hắn quyết lòng quên ngươi. Nhưng hỡi ôi! lý trí của Khổng sư đệ đã không thắng được lý lẽ của con tim, ngươi đi đến đâu, hắn chẳng ra mặt nhưng vẫn âm thầm mang mối tình si lẻo đẻo theo sau. Tuy nhiên việc xảy ra ở đỉnh núi Vu Sơn là vì ngươi đã bị trúng dâm dược của tên Thần Hành Thái Bảo Hạ Hầu Vưu có mặt trên chiếc thuyền chở ngươi đi qua Vu Giáp. Khi thấy ngươi bị Thần Hành Thái Bảo mang lên đỉnh núi, sư đệ ta mới đuổi theo giết hắn cứu ngươi. Lúc bấy giờ ngươi bị độc quá nặng nếu không chữa trị kịp sẽ bị đứt mạch máu mà chết. Sư đệ ta một phần vì mạng sống của ngươi, một phần cũng không thể nào tự chế trước người con gái mà hắn đã yêu say mê mệt, nên đỉnh Vu Sơn cũng đã mở đầu giây oan nghiệt giữa ngươi và hắn. Sau khi ngươi bình phục, sư đệ ta nhắm mắt xuôi tay cho ngươi giết, nhưng ngươi đã bỏ đi, thì đáng lẽ ngươi phải kể cho đúng mọi việc với Tô Hiểu Phong khi thành hôn với hắn. Nhưng không, ngươi đã khóc kể là sư đệ ta đã cưỡng bức ngươi, làm cho Tô Hiểu Phong điên tiết xách gươm đi tìm sư đệ ta trả thù. Võ công của sư đệ ta lúc bấy giờ cao hơn anh em ta rất xa, ba mươi tuổi đã trở thành một trong tam vương của Minh giáo còn chúng ta chỉ ở hàng ngũ tướng, thì võ công của Tô Hiểu Phong làm sao mà địch lại sư đệ ta? Tô Hiểu Phong đi tìm sư đệ ta đã nhủ lòng là đi tìm chết, nhưng khi hắn gặp sư đệ ta ở Tuyết Sơn, sư đệ ta đã đứng yên cho hắn đâm một gươm xuyên thấu từ ngực ra lưng. Quá ngạc nhiên, Hiểu Phong đã gặn hỏi và sư đệ ta nói hết sự tình với hắn. Sư đệ ta trước khi nhắm mắt cũng đã yêu cầu Hiểu Phong thông cảm hoàn cảnh của ngươi, săn sóc để cho ngươi hạnh phúc và năn nĩ hắn chiếu cố đến bào thai trong bụng ngươi. Hà! Hiểu Phong cũng là một nam tử hán, một đại trượng phu, biết mình lầm lẫn đã mang xác sư đệ ta đến cửa Quang Minh đại viện, rồi tung kiếm đâm vào cổ tự vẫn. Trên tay hắn cầm lá thư tuyệt mạng gởi cho ngươi.
Thần Ni hét:
- Ngươi bịa chuyện nói nhăng nói càn, ta phải liều chết với ngươi!
Thiên Ma cười khẩy, rút trong người hai tấm vải bạc thếch giơ cao. Hai tấm vải được hắn dùng công lực trương ra thẳng băng, nói:
- Ngươi nhìn xem đây có phải là chữ viết của Hiểu Phong và Chí Bình? Đọc rồi ngươi sẽ hiểu vì sao mấy chục năm nay ngươi giết không biết bao nhiêu giáo chúng mà chúng ta vẫn làm ngơ để ngươi tự tung tự tác.
Chữ viết trên tấm vải không lớn, nhưng những cao thủ ngồi mấy hàng bàn trên đều có thể đọc rõ ràng. Đại ý lá thư Chí Bình gởi giáo chủ Ma giáo nói mình đi phó hẹn với Hiểu Phong và cam tâm chịu chết, xin đừng trả thù trả oán, hãy giúp cho gia đình người yêu có hạnh phúc, thì hương hồn nơi chín suối sẽ mỉm cười và hàm ân rất nhiều. Còn lá thư của Hiểu Phong thì nói vì nghe lời Thần Ni mà hồ đồ đã giết một người chí tình chí nghĩa, nên chỉ có thể lấy cái chết để đền tội. Đọc những giòng chữ trên hai tấm vải, Nga Mi Thần Ni sắc mặt biến đổi không ngớt, rồi cặp mắt trở nên thất thần, bà lẩm bẩm:
- Khổng Chí Bình! Tô Hiểu Phong!
Rồi bà ta thét to:
- Bình đệ! Phong ca! ta đã hại hai ngươi!
Bà bất ngờ tung lên không, đánh thủng nóc đại sảnh vọt mình bay đi, tiếng kêu Bình đệ, Phong ca thống thiết, đau khổ của bà vọng lại nhỏ dần rồi mất hẳn.
Cả sảnh đường khi thấy Nga Mi Thần Ni thần sắc hoang mang, im lặng đến nghẹt thở, và khi bà đã đi khỏi, đó đây nhiều người buông tiếng thở dài.
Thiên Ma cất hai tấm vải vào áo, nói:
- Câu chuyện bữa nay lão phu phải kể ra đây để quần hùng chúng ta thấy rằng ân oán trên giang hồ không thể nghe một bên mà quyết định ai đúng ai sai được. Hôm nay muốn nói đến chuyện đoàn kết chống Mông Cổ tưởng cũng không nên tranh cãi về những chuyện oán thù.
Giác Minh thiền sư niệm Phật hiệu:
- Chẳng hay Thiên Thánh có ý kiến gì để chúng ta có thể dễ dàng đoàn kết võ lâm?
Thiên Ma âm trầm:
- Muốn chống quân Mông phải có người hùng tài đại lược lãnh đạo. Lão phu đề nghị giáo chủ của bản giáo làm minh chủ thì hẳn đại sư và các môn phái cũng không bằng lòng. Ngược lại, nếu phương trượng Giác Không hay Hoàng lão tự nhiên làm minh chủ thì Thiên Sơn và bản giáo cũng chẳng cam tâm. Chúng ta là người giang hồ, chọn lựa minh chủ bằng cách chứng tỏ công phu võ học thì mới làm cho lòng người tâm phục.
Hoàng lão cả cười:
- Lão phu tán đồng ý kiến của Thiên Thánh. Việc chọn minh chủ phải dùng võ công kén chọn mới đúng lề luật xưa nay.
Ông ta hỏi quần hùng:
- Chẳng hay chư anh hùng có ý kiến gì khác không?
Cả hai phe chính tà đều im lặng, mặc nhiên họ tán đồng ý kiến tỷ thí võ công.
Hoàng lão thấy không ai có ý kiến gì nói:
- Cuộc thi triển võ công không thể định ngày quá xa làm mọi người phải chờ đợi. Trong Nam Hải trang cũng không có nơi nào để những cao thủ thượng đẳng có thể thi triển công phu mà không gây ra đổ vỡ, thiệt hại. Cách Nam Hải trang ba dặm có một hòn núi nhỏ quanh năm mọc nhiều hoa nên cũng được gọi là Hoa Sơn, có một vùng bằng phẳng chứa được mấy trăm người, và một nền đá cao rộng vài chục trượng, cao vài thước dùng làm võ đài thiên nhiên rất tốt. Đệ tử của Nam Hải trang sẽ cố gắng dọn phát cây rừng cỏ dại, đóng xếp ghế ngồi trong vòng ba ngày và xin chư vị anh hùng lưu lại đây thêm ba ngày để tham dự thịnh hội.
Thiên Ma:
- Lão phu thật kính phục quyết định nhanh chóng của Hoàng lão. Một điều lão phu muốn được biết ai là người chủ trì cuộc chọn lựa minh chủ?
Hoàng lão vuốt râu:
- Tùy quần hùng chọn lựa, nhưng những người đứng ra chủ trì không thể tham dự cuộc tỷ võ mới có thể giữ sự vô tư.
Thiên Trì quái hiệp:
- Lão phu đề nghị Hoàng lão, Giác Minh thiền sư và Phương giáo chủ hy sinh đứng ra chủ trì đại hội.
Phương Chính cả cười:
- Bản nhân chưa được năm mươi, huyết khí còn phương cương e rằng không thể đảm đang trọng trách. Bản nhân đề nghị Hoàng đại vương, Tiền bang chủ, Giác Minh đại sư tuổi cao tác lớn, giang hồ trọng vọng đứng ra chủ trì cuộc thi tài là tốt đẹp hơn hết.
Hoàng lão:
- Lão phu tuổi đã đầy trăm chẳng muốn giành chức minh chủ làm gì. Chẳng hay Tiền bang chủ và Giác Minh đại sư như thế nào?
Tiền bang chủ:
- Lão phu cũng gần đất xa trời, nếu quần hùng không dị nghị, thì sẳn sàng cùng Hoàng lão đóng vai trọng tài.
Giác Minh:
- Bần tăng và chùa Thiếu lâm rất quan tâm đến thịnh suy của võ lâm, nhưng kẻ tu hành không thể giữ ngôi minh chủ nhiều lo âu, và trách nhiệm nặng nề nên chư vị không chê bỏ thì bần tăng cũng tình nguyện giúp Hoàng lão một tay.
Sự tình nguyện của Hoàng lão, Tiền bang chủ và Giác Minh đại sư làm cho nhiều người thuộc cánh Nam Hải trang và chính phái lo âu, thì nhóm Thiên Sơn và ma giáo vỗ tay ầm ỉ.
Sa Mạc Nhất Hùng cười khoái trá:
- Tại hạ rất vui mừng cuộc thi tài được đặt dưới sự chủ trì của Hoàng lão, Tiền bang chủ và Giác Minh đại sư.
Điền Nam Long lớn tiếng:
- Tại hạ đại diện phái Thiên Sơn ca tụng tinh thần vì võ lâm của Hoàng lão tiền bối, Tiền bang chủ và Giác Minh đại sư.
Hoàng lão, Tiền bang chủ và Giác Minh đại sư đứng lên.
Hoàng lão hỏi quần hùng:
- Ba người chúng tôi chủ trì đại hội tuyển chọn minh chủ võ lâm Trung Nguyên có bang phái nào chống đối hay không?
Hội trường im lặng phăng phắc.
Hoàng lão cười lớn:
- Vậy thì ba cái mạng gìa chúng tôi xin cảm ơn chư vị đã tín nhiệm.
Hội trường lại vỗ tay rầm rộ, đợi không khí lắng dịu, Giác Minh niệm Phật hiệu:
- Lão nạp cảm ơn chư vị đã tín nhiệm, lão có vài ý kiến cũng xin chư vị suy xét cho. Đó là minh chủ phải do chính mình thi thố võ công đoạt lấy không ai có thể đại diện cho ai trong cuộc tranh tài. Thứ hai, khi chức minh chủ đã định, mọi bang phái ở Trung Nguyên đều phải tuân lệnh minh chủ mà hành sự. Hai ý kiến này chư anh hùng thấy có thể chấp nhận không?
Địa Ma của Ma giáo:
- Dĩ nhiên phải như vậy. Không thể có chuyện Giang Như Phong đánh bại quần hùng rồi nhường chức minh chủ cho sư phụ. Cũng như đã chọn minh chủ mà không tuân lệnh ông ta thì chọn làm gì cho mất công.
Giác Minh:
- Nếu Minh giáo không phản đối, thì hẳn cũng không ai phản đối ý kiến của bần tăng. Chúng ta coi như đã ước định xong và đại hội trong ba ngày nữa sẽ bắt đầu.
Hoàng lão:
- Nam Hải đại trang thật có vinh dự đón tiếp Giáo chủ Minh giáo và chư anh hùng phái Thiên Sơn. Trong trang chật hẹp xin giáo chủ và chư vị lượng thứ sự đón tiếp bất ngờ không được chu đáo. Trong ba ngày qúy vị lưu lại nơi đây, Nam Hải trang có điều sơ xuất xin lượng thứ.
Phương Chính cười lớn:
- Đa tạ Hoàng tiền bối xem trọng bản nhân. Chúng tôi đến đây nhân sự khá đông, ăn ở không muốn xa rời nhau, nên sẽ đóng trại cách trang viên vài dặm cho được riêng tư và Nam Hải trang khỏi phải nhọc lòng, xin Hoàng tiền bối và trang chủ thể lượng việc này.
Hoàng lão:
- Nếu giáo chủ đã quyết định như thế thì lão phu chẳng biết nói sao. Hàng ngày Nam Hải trang sẽ mang thực vật đến cung cấp, và khi nào giáo chủ rảnh rỗi xin mời quá bước để lão phu được nghe lời cao nhã. Mong giáo chủ không từ chối.
Phương Chính đứng lên cảm tạ:
- Bản nhân thay mặt giáo chúng cảm tạ lòng tri ngộ của Hoàng tiền bối.
Điền Nam Long cũng nói:
- Phái Thiên Sơn tại hạ cũng thích được sống với thiên nhiên nên cũng mong Hoàng tiền bối và trang chủ lượng thứ sẽ tìm nơi trú ngụ để được thích thú ngắm cảnh trời nước quanh đây.
Hoàng lão:
- Điền đại hiệp đã có lời, thì lão phu cũng chẳng thể cưỡng cầu.
Giang Như Phong đứng lên:
- Làm sao để tuyển chọn minh chủ võ lâm, ai chủ trì, và qui luật ước định, nhờ tinh thần đoàn kết của chúng ta mà đã có kết quả. Thay mặt Nam Hải trang tại hạ xin mời chư anh hùng tiếp tục tiệc rượu nơi đây, hay có thể về phòng riêng gọi đệ tử, người nhà của Nam Hải trang mang đến. Sư phụ tại hạ tuổi hạc đã cao phải về phòng tĩnh dưỡng và trong ba ngày tới đệ tử Nam Hải trang rất bận rộn chuẩn bị Hoa Sơn đại hội xin chư vị tự nhiên, xem Nam Hải trang như nhà mình và tha thứ mọi thiếu sót của chúng tôi.
Giang Như Phong đã lên tiếng bế mạc, bọn người Ma giáo lục tục đứng lên. Phương Chính tỏ lời từ giã rồi bước ra, người của hắn nối bước theo sau. Bọn Điền Nam Long cũng đứng dậy. Thanh Ngân thấy Thiên Kiều nhìn bọn người Thiên Sơn mắt long lên, nắm tay nàng truyền âm vào tai:
- Tỷ tỷ không nên nóng giận, còn ba ngày nữa tiểu đệ sẽ có cách để tỷ tỷ trừng trị tên ấy.
Thiên Kiều thở nhẹ trút nỗi tức giận ra ngoài. Bàn tay dưới bàn quay lại xiết nhẹ bàn tay của người yêu.
Thấy buổi hợp cũng đã bế mạc. Khi Hoàng lão bọn Giác Minh đứng lên. Cao Thừa Minh hỏi Thanh Ngân:
- Đảo chủ có bận việc gì không? Mời đảo chủ, Nùng cung chủ và Lam động chủ đến chỗ tại hạ chúng ta đàm đạo.
Ngạc Lan cũng nhìn Thiên Kiều và Bảo Ngọc thân mật:
- Lam tỷ và Nùng tỷ chẳng lẽ hai vị chê bỏ tiểu muội hay sao?
Bảo Ngọc thấy bọn Cao Thừa Minh ai cũng tướng mạo phi phàm. Uyển Lan đoan trang, qúi phái, xinh đẹp vô cùng, nên sốt sắng:
- Sáng nay thật là thất lễ với Lan cô nương, bây giờ chúng tôi đến quấy phá Lan cô nương vậy.
Họ cùng đứng lên, Cao Thừa Minh và bọn đàn ông cùng Thanh Ngân sóng bước, thì Ngạc Lan dịu dàng nắm tay Bảo Ngọc và Thiên Kiều ríu rít chuyện trò. Khi về đến phòng ba cô gái đã như thân mật với nhau từ lúc nào.
Bọn Thừa Minh bây giờ được dành cho hai căn phòng lớn, một dành riêng cho Ngạc Lan và một cho bọn bọn đàn ông. Anh em Cao Thừa Minh gồm chín người là Cao Thừa Minh, Gia Luật Cao Củng, Khả Đại Minh, Đa Nhĩ Thái, Đàm Thừa Khang, Mộ Dung Trí, Trương Đại Vệ, Phác Trí Hưng, Kim Nhất Cổ. Hầu hết đều có vẻ phóng khoáng, võ phu nhưng Gia Luật Cao Củng lại có vẻ thư sinh và ăn nói rất văn hoa. Vào phòng, Cao Thừa Minh đá dẹp bàn ghế sang bên mang hũ rượu lớn đặt xuống sàn, vui vẻ:
- Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu, đêm nay chúng ta phải say khước để kết bạn với Lê đảo chủ.
Gia Luật Cao Củng cười nói:
- Anh hùng kết bạn trong căn phòng nhỏ hẹp như thế này thật chẳng nên chút nào. Đêm nay trời trong trăng sáng sao chúng ta không lên một đỉnh núi nào quanh đây, vừa uống rượu vừa luận cổ suy kim chẳng phải thoái mái và phóng dật hơn không?
Thừa Minh cười lớn:
- Nhị đệ bao giờ cũng cao kiến hơn người, vậy thì chúng ta còn chờ gì nữa mà không đi ngay?
Thừa Minh không hỏi Thanh Ngân có bằng lòng không, qua gõ cửa Ngạc Lan. Ba cô gái bước sang, thì bọn Thừa Minh mang mấy hủ rượu, xách vài túi nhỏ, kéo Thanh Ngân theo họ. Khi họ ra gần tới cổng, tình cờ Kiếm Hưng và Tuyết Như lại từ ngoài đi vào. Thấy Thanh Ngân đi với bọn Cao Thừa Minh và Thiên Kiều, Bảo Ngọc, Tuyết Như định tránh mặt, thì Bảo Ngọc đã mừng rỡ:
- Như muội! Gặp Như muội thật hay quá. Hãy đi chơi với chúng ta.
Tuyết Như từ chối:
- Xin cung chủ tự nhiên. Tiểu muội đang lo công việc với ca ca không thể nào đi được.
Bảo Ngọc:
- Thật là đáng tiếc! Nếu được Như muội hướng dẫn cho thì hay biết mấy.
Bọn Cao Thừa Minh không để ý đến Kiếm Hưng và Tuyết Như chân vẫn bước ra cổng. Còn Thiên Kiều, Bảo Ngọc và Ngạc Lan dắt tay nhau đứng đợi khi Thanh Ngân bước qua mời Kiếm Hưng và Tuyết Như.
Kiếm Hưng rất thân mật và cũng lộ vẻ tiếc rẻ:
- Được uống rượu với Ngân đệ và những cao thủ như Cao anh hùng thật không có gì vui bằng, nhưng ngặt tiểu huynh đang phải lo quá nhiều công việc.
Kiếm Hưng nhìn em:
- Như muội hãy đi làm hướng đạo cho Ngân đệ, công việc tiểu huynh có thể lo liệu được.
Tuyết Như dùn dằn:
- Sợ quá nhiều việc ca ca không thể lo hết.
Kiếm Hưng hướng về bọn Bảo Ngọc:
- Không thể làm hướng đạo cho Lam động chủ, Nùng cung chủ và Triệu cô nương du ngoạn, Kiếm Hưng này thật đã bỏ lỡ dịp may. Như muội còn rành địa thế quanh đây hơn tại hạ sẽ đưa các vị đi quang lãm vậy.