Ỷ-Lan nhớ lại chuyện cũ: hồi nàng bị giam lỏng ở Thăng-long, một hôm nàng du kinh thành với nhà vua (bấy giờ giả làm nho sinh). Nhà vua bị công tử cháu tể-tướng Dương Đạo-Gia bắt về phủ thừa Thăng-long. Nàng tìm đến con thuyền thăm sư phụ, thì không thấy sư phụ đâu. Còn sư mẫu với đò phu bị giết, trong miệng tọng cái chân chó. Như vậy rõ ràng sư mẫu của nàng bị Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng giết. Hôm rồi sư phụ nhập hoàng thành thăm nàng. Nàng hỏi vụ ấy, thì người nói rằng người đúng là Trần Tự-An. Người giao đấu với Mộc-tồn Vọng-thê hoà thượng. Hòa thượng bị thua, người đuổi hòa thượng tới Thanh-hóa. Hôn nay nảy ra Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng lại là sư bá của nàng. Nàng hỏi:
– Bạch sư bá, đệ tử có một sư phụ, người cùng sư mẫu chuyên ở trên thuyền. Hơn năm trước, sư mẫu bị chết trên đò ở hồ Tây, miệng bị nhét cái chân chó. Phải chăng sư bá đã giết bà?
Viên-Chiếu, cùng Mộc-tồn cùng đưa mắt nhìn nhau, Ỷ-Lan thấy dường như trong cái nhìn ấy ngụ một điều gì bí ẩn. Mộc-tồn hòa thượng hỏi ngược lại:
– Phu nhân nhiều sư phụ quá. Ta làm sao mà biết được người là ai. Cái ông sư phụ mà phu nhân muốn hỏi đó tên là gì vậy?
– Sư phụ đệ tử xưng là một đại hiệp lừng danh Hoa-Việt, nhưng người cấm không cho đệ tử nói tên người ra. Sư bá ơi, người đang đi tìm sư bá để trả thù đấy. Sư bá phải đề phòng lắm mới được.
Mộc-tồn hòa thượng lắc đầu:
– Con ơi! Con đã gặp một ma đầu dơ bẩn nhất thiên hạ. Y mạo xưng là đại hiệp Tự-An, mà con không biết. Y chính là Đinh Kiếm-Thương. Hôm ấy ta tìm đến con đò định giết y, nhưng chỉ gặp vợ y. Vì những liên hệ quá khứ của vợ y với tiền nhân ta, ta không muốn giết mụ, nên điểm huyệt cho chân mụ tê liệt, rồi ngồi chờ y về. Con có biết vợ y là ai không?
Bây giờ Ỷ-Lan mới thực sự tin sư phụ của nàng là ma đầu Đinh Kiếm-Thương đội danh Tự-An:
– Con có nghe biết.
Nàng kể: chính sư phụ là vua Bà thuật cho con nghe. Vợ của người là một ca kĩ, tên Đào Hà-Thanh, lừng danh đất Việt tài sắc khôn bì, bà từng là vợ của đại hiệp Trần Tự-An. Sau đại hiệp Tự-An phóng thích cho đi theo sư phụ.
– Đúng thế. Cái con người như mụ, từ một cô gái ca kỹ, bỗng trở thành một đại phu nhân, như vậy còn không đủ sao? Thế mà khi chồng cho trở về với ma đầu cũng muối mặt ừ hự. Điều này thì tha thứ được, bởi cái tình là cái chi chi, không ai giải thích nổi. Nhưng y thị đã sống với chính đạo phái Đông-a gần hai chục năm, thế mà lại hỗ trợ ma đầu, ngang nhiên mạo danh chồng cũ, hỏi ai có thể tha thứ cho thị?
Ông chỉ Viên-Chiếu: ta với sư phụ người có lệ, bất cứ kết tội ai, chúng ta chỉ đánh có ba chiêu. Sau ba chiêu ấy, nếu chúng đỡ được, tránh được, thì coi như trắng án, suốt đời không bao giờ chúng ta truy lùng y nữa. Hôm ấy ta ngồi chờ Đinh Kiếm-Thương, lát sau y trở về, ta kể tội y rồi ra tay giết. Ta đánh một chiêu, y đỡ được, nhưng người bay xuống hồ. Ta đánh chiêu thứ nhì, y cũng đỡ được, nhưng người y bay bổng lên bờ, nằm bất động. Ta định đánh chiêu thứ ba, giết chết y, thì mụ Hà-Thanh dùng cái chầy đập vào lưng ta. Ta phải quay lại bắt cái chầy. Thế là đủ ba chiêu. Ta nổi giận hỏi y: mi lĩnh hai chiêu, con mụ này một chiêu. Ta chỉ muốn giết mi chứ không muốn gết mụ. Vậy bây giờ mi muốn chết hay để cho mụ chết? Kiếm-Thương chỉ vào mụ: mụ phải chết. Vì suốt bao năm ở với y, mà mụ cứ bắt y phải xưng là đại hiệp Tự-An, và gọi y là Tự-An. Như vậy chứng tỏ y thị xa Tự-An, mà lòng vẫn nhớ Tự-An. Ta quay lại hỏi mụ rằng: y nói có đúng không? Thị chưa trả lời thì y bỏ chạy mất. Ta nổi giận, giết chết mụ, rồi ra đi.
Trước đây mỗi khi Ỷ-Lan thấy người ta nói đến Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng là kinh hồn táng đởm. Nay nàng tiếp xúc với ông, chỉ thấy ở ông một người đầy tình cảm. Nàng tò mò:
– Sư bá. Trong thế gian, thiếu gì thực vật, mà sư bá cứ phải ăn thịt chó?
Viên-Chiếu đưa cặp mắt từ bi nhìn Ỷ-Lan, rồi nói nhỏ:
– Trước kia sư bá cũng ăn chay đấy chứ. Nhưng sau này người giao chiến với đại địch nức tiếng thiên hạ. Sư bá giết được y, nhưng rồi người cũng bị thương đến thập tử nhất sinh. Thái sư phụ tuy cứu sư bá thoát khỏi cái chết thực, nhưng cả đời sư bá cứ phải ăn thịt chó để trị bệnh. Nếu sư bá không ăn thịt chó, thì chỉ nửa tháng sau là chết mà thôi.
Ỷ-Lan đã từng nghe nói nhiều về việc ăn thịt chó để bồi bổ cơ thể. Nào là khi ăn thịt lợn, lỡ một mẩu thịt mắc vào răng, thì chỉ nửa ngày là có mùi hôi thối chịu không được. Nhưng khi ăn thịt chó, mà thịt mắc vào răng, thì dù ba ngày, năm ngày cũng không thấy có mùi hôi. Nào những người bị ợ chua, lạnh bụng, ăn thịt chó là khỏi ngay. Nào thịt chó có tính chất bổ dương cực mạnh... Những điều nàng nghe nói, bất quá là dân gian truyền khẩu, chứ nàng chưa từng biết sự thực ra sao. Hôm nay nghe sư phụ là Liên-Hoa hòa thượng, nức tiếng y học đương thời nói ra, nàng mới thực sự chú ý.
– Bạch sư phụ, thịt chó dùng để trị bệnh được ư?
Ỷ-Lan hỏi: công dụng của thịt chó ra sao? Con có nghe nói nhiều lần, nhưng không được đầy đủ. Xin sư phụ đừng tiếc công chỉ dậy.
– Thịt chó thuộc dương tính. Nó tác dụng vào tỳ, thận, vị kinh. Cho nên những người tỳ vị hư hàn, thận dương hư, thì dùng thịt chó trị được. Nhất là thịt chó còn ăn với gia vị như riềng, lá mơ, húng quế v.v. là những vị dương tính khá mạnh. Như sư bá người, bị trúng độc của đối phương, khiến tỳ, vị kinh bị tổn thương nặng. Cho nên người cần ăn thịt chó để điều trị.
Ỷ-Lan không chịu:
– Nếu như sư bá bị tổn thương hai kinh tỳ-vị, thì có thể dùng cáp-giới (tắc kè), nhân sâm, lộc nhung, phục-linh cũng được. Dùng thịt chó làm gì? Đệ tử nguyện dâng sư bá ít cân nhân sâm, lộc nhung thay thế thịt chó. Không biết sư bá có thu nhận không?
Viên-Chiếu lắc đầu:
– Không được con ơi! Sư-phụ, sư-bá đâu phải không tiền mua nhân sâm, lộc-nhung? Mà dù chúng ta không có tiền mua, thì thập phương cũng cúng dường. Con phải biết rằng mỗi dược vật đều có đặc tính riêng, dù rằng cùng tác dụng vào những kinh mạch giống nhau. Như cùng bổ dương, nhưng nhân-sâm, lộc-nhung, can-khương, quế-chi lại có dược tính đặc biệt khác hẳn nhau. Thịt chó có đặc tính trị vết thương, làm liền vết thương mau chóng. Con không nghe người ta thường nói: xương gà, da chó sao? Con gà bị gẫy xương, thì chỉ ba ngày là liền. Vì vậy y học mới dùng xương gà bó bột cho người bị gẫy xương. Còn da chó thì khi bị rách, chỉ một ngày là liền, càc danh y mới dùng da chó để nấu cao trị thương.
Ông nhìn Ỷ-Lan, rồi đưa mắt nhìn Mộc-tồn hòa thượng:
– Huống hồ sư bá của con, trong khi giao đấu với đối phương, phải dùng nội công thượng thừa chống với Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng, một mặt dùng Thiên-vương chưởng đánh đối thủ, rồi bị đối thủ dùng răng cắn vào mặt... Cho nên dù sau đó người giết chết đối thủ, nhưng người bị độc tố nhập cơ thể, khiến cho tỳ-khí, thận-khí khó lưu thông, luôn bị hàn tà làm cho cực kỳ khổ sở. Chỉ duy có thịt chó là làm cho cơn hàn biến đi, cho nên người phải ăn thịt chó là thế.
Lời giải thích của đại sư Viên-Chiếu làm cho Ỷ-Lan tỉnh ngộ. Nàng lại càng phục sư bá: ông ăn thịt chó công khai, và tự nhận. Nhưng còn vọng thê thì sao? Không biết hồi trẻ sư bá đã lấy ai làm vợ, và tại sao lại xa cách nhau? Biết đâu bà chẳng chết rồi???
Mộc-tồn hòa thượng cười:
– Vả thịt chó rất đặc biệt, khi ăn thịt gà, thịt lợn nhiều người ta sẽ chán, chứ ăn thịt chó thì không bao giờ chán cả. A-Di Đà-phật, ăn thịt chó hay ăn thịt gà cũng đều là sát sinh, chứ có khác gì đâu?
Chi-hậu nội-nhân Nguyễn Bông từ ngoài vào cúi đầu:
– Tâu phu nhân, hai hoàng tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn xin cầu kiến.
– Mời hai hoàng tử vào.
Hoằng-Chân, Chiêu-Văn cùng Trinh-Dung, Ngọc-Nam vào bảo điện hành lễ với Ỷ-Lan, Viên-Chiếu. Khi hai ông thấy Mộc-tồn hòa thượng, thì kinh hoảng, tay chắp lại, miệng lắp bắp:
– Đệ tử kính... kính...
Mộc-tồn hòa thượng nói lớn:
– Bần tăng là người tu hành, là thầy chùa ăn thịt chó. Sau thời gian tu hành, quên hết cả anh em, họ hàng rồi. Hai hoàng-tử chẳng nên đa lễ.
Ỷ-Lan kinh ngạc nghĩ thầm:
– Đối với ta, thì Mộc-tồn là đại sư bá, ta phải hành lễ với người là lẽ thường. Còn trước mặt hai hoàng tử, thì sư bá chỉ là nhà sư. Đáng lẽ sư bá phải hành lễ với hai hoàng tử, chứ có đâu hai hoàng tử vừa thấy người đã líu ríu, cung cung, kính kính như vậy? Phải chăng sư bá là bậc trưởng thượng của hai hoàng tử?
Hai hoàng tử cúi đầu:
– Dạ...dạ... đệ tử nhớ rồi.
Mộc-tồn hoà thượng nói với hai hoàng tử như cha nói với con, như sư phụ nói với đệ tử:
– Ỷ-Lan phu nhân có một đạo tấu chương gửi về cho hoàng-thượng, trong tấu chương trình việc vinh quy. Phiền hai hoàng tử nhập hoàng-thành trao tận tay cho hoàng-thượng. Nếu trường hợp không trao tận tay cho hoàng-thượng thì trao cho Quốc-phụ cũng được. Hai hoàng tử có thể dẫn đám trẻ này cùng về Thăng-long một lúc.
Đến đây ông dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai hai người:
– Hai hoàng-tử nhớ nhé, đây là tấu chương tuyệt mật, liên quan đến quốc sự; tính mệnh hai hoàng tử có thể mất chứ tấu chương này không thể lộ ra ngoài.
Hai hoàng tử líu ríu lĩnh tấu chương cất vào bọc, hành lễ rồi lên đường.
Đến đó Nguyễn Bông cúi đầu trước Ỷ-Lan:
– Tâu phu nhân, trời về chiều. Xin phu nhân hồi gia cho.
Ỷ-Lan đứng dậy cung tay:
– Bạch sư bá, sư phụ, để tử lớn mật dám thỉnh sư phụ, sư bá về Thăng-long để thuyết pháp cho nội cung. Xin sư bá, sư phụ đừng tiếc công, di đại giá Phật-gia một phen.
Viên-Chiếu vui vẻ:
– Được chứ! Được chứ! Thuyết pháp thì sư bá với ta sẵn sàng.
Nói xong câu đó, Viên-Chiếu thấy dường như Ỷ-Lan còn điều gì muốn bạch, mà ngập ngừng. Ông vận nội nhãn giới để thầy trò đạt đến độ « nhân ngã tương thông » rồi hỏi:
– Minh-Đệ! Thầy thấy trong tâm con có điều gì thực trong sáng, thực thuần thành, mà chưa bầy tỏ ra hết. Con ơi! Thầy yêu thương con như đức Thích-ca Mâu-ni, như Khổng-tử yêu đệ tử. Vậy con còn điều gì chưa thỏa tâm nguyện, thì cứ nói ra.
Ỷ-Lan đỉnh lễ một lần nữa rồi trình bầy bằng giọng tha thiết:
– Bạch sư bá, bạch sư phụ. Từ ngày nhập cung đến giờ, hoàng thượng cực kỳ sủng ái con, ban cho con rất nhiều vàng bạc, châu báu, lương tiền. Nhưng... nhưng con coi những thứ đó như của phù vân, nên vẫn ăn tiêu dè sẻn như hồi còn hàn vi; vì vậy con có tâm nguyện rằng: Nhân chùa Từ-quang nhỏ hẹp, dựng đã lâu, gạch đã mủn, gỗ đã mục, không biết sẽ xụp đổ lúc nào. Con muốn... con muốn sư bá, sư phụ cho con dùng tiền bạc đó trùng tu lại, mà không dám bạch.
Mộc-tồn hòa thượng nói bằng giọng ôn nhu:
– Xây chùa là công đức lớn, ta với sư đệ lại yêu thương con, mà tại sao con không dám nói?
– Bạch sư bá, trước đây Tống thái tử cho con vàng, bạc, con xin dâng lên Tam-bảo, nhưng sư phụ không thuận. Lại nữa sư bá tịch thu vàng bạc của Viên-Hoa, mà sư phụ cũng truyền bỏ vào công khố. Vì vậy, con không dám nói đến việc cúng dàng xây chùa.
Nghe đệ tứ nói, miệng Viên-Chiếu cười mà không phải cười:
– Con ơi! Vàng bạc của Tống thái tử cho con là vàng bạc vô nghĩa, mưu chiếm nước, mưu hại thầy; vàng bạc mà sư bá con tịch thu của Viên-Hoa là vàng bạc gian dối cho nên thầy không nhận. Còn vàng bạc của con là vàng bạc do ân sủng của đấng nhân quân, rồi do lòng hiếu thuận, thuần thành dâng lên Tam-bảo, thì thầy nhận chứ?
Nghe sư phụ dạy, Ỷ-Lan mừng chi siết kể, lập tức nàng sai cung nữ về hành doanh mang cái tráp đựng vàng bạc đến, rồi kính cẩn dâng lên sư phụ. Viên-Chiếu cầm lấy tráp, rồi nói:
– Ngôi chùa này kiến tạo đã lâu đời quá rồi. Thầy sẽ cho phá đi, xây lại ngôi chùa mới. Thầy sẽ đổi tên là chùa Báo-ân, để ghi lại thời con đến đây, rồi nhờ nhân tốt mà hạnh sinh.
Ghi chú,
Sau khi Ỷ-Lan về Thăng-long, sư Viên-Chiếu cho họp chư Phật-tử chùa Từ-quang để tuyên công đức phu nhân. Nhân đó chư Phật-tử cũng góp thêm công, của, rồi ngôi chùa được dựng lên, và đổi tên là chùa Báo-ân. Chùa cũng có tên là chùa Siêu-loại. Trải 932 năm, cho đến nay (1995) chùa vẫn còn tại xã Phú-thị, huyện Thuận-thành, tỉnh Hà-Bắc.
Đến đời Trần, trước khi xuất gia (1293) vua Trần Nhân-tông từng đến đây để xem pháp thuật của nhà sư Trí-Thông. Sau khi Nhân-tông xuất gia, viên tịch ở núi Yên-tử, Trí-Thông đã lên Ngọa-vân am để trông coi xá lợi.
Trong khoảng thời gian cuối thế kỷ thứ 13 sang đầu thế kỷ thứ 14, chùa Báo-ân là nơi thiền phái Trúc-lâm dùng để giảng kinh. Niên hiệu Hưng-Long thứ 16 đời vua Trần Anh-tông Mậu-Thân, 1308) ngày mùng một tết, ngài Điều-Ngự Giác-Hoàng (Trần Nhân-tông) đã đến đây thị chứng buổi thuyết pháp của Pháp-Loa. Sau buổi thuyết pháp, ngài làm nghi thức trọng thể trao pháp y ủy cho Pháp-Loa kế tục ngài để trụ trì chùa Yên-tử và Báo-ân. Cùng năm đó vua Anh-tông cúng dàng 100 mẫu ruộng cho chùa. Năm 1313 vua Anh-tông cúng dàng gỗ, gạch, nhân công xây dựng chùa Báo-ân thành thiền viện có thể tổ chức những buổi thuyết pháp đến một ngàn tăng chúng.
Ỷ-Lan về tới hành doanh thì trời chập choạng tối. Bà Thiết bảo con:
– Trước đây con thường thích ăn canh cua nấu với rau đay. Hôm nay mẹ bảo chị Sửu nấu cho con ăn với cà pháo chấm mắm tôm. Mẹ nghe quan Chi-hậu Nguyễn Bông nói ở trong cung thì cá thịt không thiếu, nhưng món canh rau đay nấu cua đồng thì không ai làm cho con ăn. Có phải thế không?
Ỷ-Lan cảm động muốn run người lên. Vì từ ngày ra đời đến giờ, chưa bao giờ nàng được nghe mẹ nói một câu ngọt ngào như thế.
– Thưa mẹ vâng.
Ỷ-Lan giảng giải: trong hoàng cung thì cái gì cũng có. Nhưng không phải là vua, là phi rồi muốn ăn gì cũng được. Ngày nào ăn món gì, đều do viên tổng thái giám ty Thượng-thiện quyết định trước, rồi trình quan thái-y. Quan thái-y tùy theo tình trạng sức khỏe, âm dương của cơ thể vua, phi, quyết định phải thêm gia vị như thế nào đã, rồi mới đi mua sắm thực vật về nấu nướng. Những món bình dân như bún riêu, bún ốc, canh cua, mắm tôm thường không được ty Thượng-thiện trình quan thái-y, vì hầu như lần nào trình cũng bị bác. Con có hỏi quan thái-y, thì người tâu rằng, những món đó thường khó kiểm soát nếu bị người ta bỏ thuốc độc vào.
Lâu lắm, bây giờ cả nhà ông bà Thiết mới quây quần nhau trong một bữa cơm thân mật như thế này. Ỷ-Lan nghiệm thấy từ khi nàng quy gia đến giờ, Minh-Can không hề mở miệng nói năng. Suốt ngày mặt ả bí xị, lầm lỳ. Thỉnh thoảng ả liếc mắt nhìn trộm nàng, rồi cắm cúi ăn, không nói không rằng.
Sau khi ăn cơm xong, Ỷ-Lan cảm thấy buồn ngủ kỳ lạ. Cung nữ vội đưa nàng vào phòng tắm trong hành doanh. Nước tắm nấu bằng hương liệu đã pha sẵn, bốc hơi lên thơm ngào ngạt. Hai cung nữ múc nước dội, kỳ cho nàng. Xong việc Ỷ-Lan thay quần áo đi ngủ.
Nàng vừa nằm xuống thì cơn buồn ngủ díu mắt lại, chân tay cảm thấy tê liệt. Nàng vội vận công Đông-a chống lại, nhưng vô hiệu. Kinh hãi nàng tự nhủ:
– Tại sao ta lại có cảm giác thế này? Hay là ta bị trúng độc?
Nàng vội vận Vô-ngã tướng thiền công của sư phụ Bình-Dương đã dạy nàng. Nội tức chuyển theo vòng Tiểu-chu-thiên thực dễ dàng, chân tay lập tức hết tê liệt, cơn buồn ngủ cũng biến mất. Nàng nghĩ thầm:
– Ai đã đánh thuốc độc ta? Loại thuốc này không phải là tầm thường. Nội công ta đã đến mức thượng thừa mà còn bị tê liệt, nếu là người thường thì sao có thể chịu nổi?
Nàng nhớ lại từ chiều, trong bữa ăn, ngoài bố mẹ, các em, không có ai lạ cả. Nếu như ác nhân bỏ thuốc độc vào cơm canh, thì cả nhà nàng cũng trúng độc, chứ đâu phải mình nàng?
Nghĩ vậy, nàng rùng mình:
– Có lẽ gian nhân đang rình rập quanh đây, chứ không xa đâu?
Nàng vội thổi tắt ngọn đèn, lấy thanh kiếm ở đầu dường đeo vào lưng, rồi nhảy qua cửa sổ ra ngoài, ren rén đến phòng song thân. Tiếng ông bà đang nói chuyện nhỏ nhỏ vọng ra, nàng ghé tai nghe:
– Bây giờ con nó đã làm phu nhân, cả nhà đội hoàng ân, tổ tiên được phong tặng. Tưởng như vậy bà đã vui lòng, cớ sao bà lại còn cứ muốn hại nó? Bà có biết rằng bà hại nó, không những bao nhiêu ân huệ triều đình đành cho mình tan ra mây khói hay không? Ấy là không nói, việc đổ vỡ, thì cả nhà khó thoát khỏi họa sát thân.
Tiếng bà Thiết the thé, hai hàm răng nghiến vào nhau:
– Ông thì cái gì cũng sợ. Đàn ông mà sao nhát như thỏ vậy? Bây giờ tôi định như thế này: cứ bỏ thuốc độc giết quách nó đi. Nó chết rồi, trăm tội ta cứ đổ lên đầu hai gã hoàng tử, với hai thằng tướng hộ vệ. Nhà vua sẽ băm vằm chúng ra, việc gì đến mình mà sợ? Nhân đó ta đưa con Minh-Can vào thay thế. Ông thử nghĩ coi, với nhan sắc của nó, nhất định đức vua sẽ phong làm hoàng hậu, chứ đâu đến nỗi chỉ có cái chức phu nhân vô danh hữu thực kia?
– Cùng là con đẻ ra, sao bà lại ghét Yến-Loan quá như vậy? Nó có làm gì nên tội đâu? Từ bé đến giờ bà hắt hủi, đánh đập nó mãi như vậy cũng khôngđủ sao? Bây giờ bà định giết nó nữa?
Bốp một tiếng, rồi tiếng bà Thiết vọng ra:
– Im cái mồm ông đi. Tôi muốn làm gì, ông cũng không được nói, được bàn vào.
– Bà thực là con người lăng loàn, dám tát chồng ư?
– Tôi muốn ông phải im cái lỗ mồm ông lại, đừng xen vào chuyện của tôi, thế thôi.
Ỷ-Lan kinh hãi:
– Thì ra chính bà mẹ muốn giết mình! Hỡi ơi! Không biết bà đánh thuốc độc mình bằng cách nào?
Chợt nàng nhớ ra, hồi chiều, hai lần bà Thiết gắp bỏ vào bát cho nàng. Một lần là con cá bống mít, một lần là con tôm trứng đầu. Nàng ăn vào thấy có mùi cay cay lạ thường. Thì ra thuốc bỏ trong đó. Một cảm giác chán nản cùng cực dâng lên, nàng muốn gọi thị-vệ chuẩn bị ngay ngày mai lên đường, và vĩnh viễn không muốn về thăm nhà nữa.
Bỗng có tiếng người phi thân rất nhẹ ở phía sau. Ỷ-Lan thấy đó là một bóng đen, khinh công cực nhanh. Nàng vội theo bén gót. Bóng đen chạy ra cánh đồng, rồi chui theo lỗ hổng của lũy tre sang làng Phú-thụy. Đến một căn nhà ngói khang trang, bóng đen nhảy qua hàng rào vào trong, rồi hú lên một tiếng, cánh cửa nhà mở ra, bóng đen vào trong rồi đóng lại. Yến-Loan tung mình lên nóc nhà. Nàng hít hơi vận âm kình rồi dùng ngón tay chỏ đục thủng một lỗ, ghé mắt nhìn vào. Cảnh tượng khiến nàng rùng mình: trên một cái bàn lớn, ngồi đầu bàn là Thượng-Dương hoàng hậu, kế đó là sư phụ Đinh Kiếm-Thương, Chi-hậu Nguyễn-Bông, và cô em Minh-Can. Phía đối diện là Dư Tĩnh, Tiêu Chú, Lý Hiến, một người da hơi đen, nàng chưa từng thấy bao giờ. Cuối bàn là hai người giống hệt Đoàn Quang-Minh. Bóng đen khinh công vừa vào chính là Nguyễn Bông.
Nàng chửi thầm:
– Không ngờ Thượng-Dương hoàng hậu mà dám trốn từ Hoàng-thành ra đây hội họp với bọn Tống. Còn tại sao lại có hai tên Đoàn Quang-Minh?
Chợt nàng hiểu ra:
– Trước kia mình nghe nói Minh có người anh song sinh tên Quang-Mẫn, theo học tại Trung-quốc. Thì ra thế. Cái tên mình thắng nó ở dinh Trung-tín với dinh An-vũ sứ là tên Minh thực. Còn cái tên Minh mình đánh bại hôm chúng đến nhà mình là tên Mẫn. Hèn gì hôm ấy mình thấy võ công y cao hơn gấp bội.
Thượng-Dương hoàng hậu đang nói:
– Trong chúng ta ắt có gian tế, vì vậy tất cả kế hoạch đã bị lộ. Bá phụ của tôi cùng thuộc hạ bị cách hết chức tước, đuổi về thôn ấp. Tài sản bị sung công. Chính tôi với Thái-hậu cũng suýt lâm nguy. Bây giờ có Dư thượng thư cùng hai vị đại thần Tiêu, Lý đây, xin định liệu thế nào?
Dư Tĩnh hướng về Nguyễn Bông:
– Trung-tín hầu! Đức Nhân-tông vừa băng hà. Trị-bình hoàng đế lên kế vị. Ngài được tin báo toàn bộ kế hoạch Nam-biên bị phá vỡ, nên vội sai bản sứ sang đây ngay để duyệt xét. Vậy quân hầu thuật lại chi tiết cho bản sứ nghe, để còn làm tấu chương về triều.
Ỷ-Lan kinh hãi nghĩ thầm:
– Trước mình cứ nghĩ Nguyễn Bông là gian tế phe đảng của Dương-gia mà thôi. Nào ai ngờ y lại làm gian-tế cho Tống, tước phong tới Trung-tín hầu. Hỡi ơi! Cũng may hôm nay mình khám phá ra kịp.
Nguyễn Bông tỷ mỷ thuật tất cả biến cố từ khi thái-tử Triệu Thự cùng vương phi sang Đại-Việt bị lộ tung tích, sau đó đến việc Ỷ-Lan được tiến cung, rồi U-bon vương xuất hiện ra sao, vua bà Bình-Dương, tiên-nương Bảo-Hòa làm những gì. Kinh-Nam vương Tự-Mai với Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng xử tử người v.v. Cuối cùng triều đình cách chức tể tướng Dương Đạo-Gia cùng phe đảng, tịch thu điền sản.
Tiêu-Chú cau mày:
– Cái tên Mộc-tồn Vọng-thê hoà thượng này tung hoành khắp Hoa-Việt trên hai mươi năm qua, mà không ai biết căn cước y ra sao. Chính hồi đức Nhân-Tông còn tại thế đã ra lệnh cho Khu-mật-viện Vân-Nam, Quảng-đông, Quảng-tây tìm kiếm, mà vô phương. Bản sứ sang đây kỳ này với chủ ý tìm cho ra nguồn gốc của y. Bởi muốn trị y thì phải biết căn của y. Vậy có ai biết y thuộc gia nào, phái nào, tên thực là gì không?
Mọi người đều đưa mắt nhìn Thượng-Dương hoàng hậu. Hoàng-hậu lắc đầu:
– Họ Dương tôi khốn khổ, cay đắng với hai người. Bao nhiêu thất bại, chết chóc đều do chúng gây ra cả, đó là Trần Tự-Mai với cái tên trọc ăn thịt chó này.
Bà chỉ Nguyễn Bông với Đinh Kiếm-Thương:
– Chính tôi với Trung-tín hầu ra công tìm tòi, mà vô phương. Ngay nhà vua cùng triều đình Đại-Việt cũng không biết y là ai. Người ta chỉ biết rằng y cùng với một nhà sư nữa được tặng danh hiệu Đại-từ Liên-hoa, thành một cặp. Một ác, một thiện. Khi y xử ai, thì chỉ đánh có ba chiêu thôi, nếu người đó đỡ được, thì coi như trắng án. Nhưng trên thế gian này, chỉ một mình Cửu-chân vương, quốc-phụ Chiêm-thành là Đinh tiên sinh đây đỡ được hai chiêu của y, còn chiêu thứ ba thì y đánh chết vương phi.
Mọi người bật lên tiếng « ủa » kinh ngạc. Vì trước đây họ chỉ biết rằng vợ Đinh là Đào Hà-Thanh bị giết chết trên con thuyền ở hồ Tây khi y đi vắng, chứ không ai ngờ do bàn tay của Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng.
Dư Tĩnh hỏi:
– Cửu-chân vương gia! Vụ này ra sao. Bản sứ tưởng rằng công lực vương gia bậc nhất trời Nam, mà sao không cứu được vương phi? Tại sao y lại giết vương phi?
Hai giọt nước mắt Đinh Kiếm-Thương từ từ lăn trên má. Y thở dài:
– Nói ra thực xấu hổ. Hôm đó tên hòa thượng thối tha thình lình xuất hiện, rồi kể tội cô gia. Sau đó y nói rằng y chỉ đánh ba chiêu, nếu cô-gia đỡ được thì coi như trắng án. Y đánh chiêu thứ nhất, cô gia vận đủ mười thành công lực đỡ, nhưng vẫn bị bay lên bờ hồ. Y đánh chiêu thứ nhì, cô gia nghiến răng đỡ, thì người bay xuống nước. Y định đánh chiêu thứ ba, thì tiện thê đứng sau y dùng chầy đập vào lưng y cứu cô-gia. Y quay lại bắt chầy, cô gia nhân đó tẩu thoát được. Y hèn hạ giết chết tiện thê, giết người không biết võ.
Tự nhiên Ỷ-Lan thấy thương hại lão:
– Theo lão nói, hồi ở Thăng-long lão gặp Đào Hà-Thanh, rồi say mê liền. Hai người có ước hẹn với nhau. Nhưng sau đó Đào Hà-Thanh bị tiến cung, rồi thành vợ đại hiệp Trần Tự-An. Lão bị thất tình, nhưng cứ đeo đuổi trong tuyệt vọng, đến nỗi phải xin vào làm tôi tớ ở trang Thiên-trường, để ngày ngày được thấy bóng dáng người yêu đang hạnh phúc bên một anh hùng. Thế rồi sau đó, Tự-An khám phá ra mối tình của lão, cho Hà-Thanh về với lão. Nhưng xác Hà-Thanh sống với lão, mà hồn Hà-Thanh để ở anh hùng Tự-An. Nàng bắt lão phải xưng là Tự-An, lão cũng phải chịu. Không may cho lão, Hà-Thanh bị sư bá Mộc-Tòn giết chết.
Lý Hiến lắc đầu tỏ vẻ không tin:
– Thế chiêu số, nội công của y ra sao?
– Chiêu đầu tiên hơi giống chiêu Phong-đáo sơn đầu của Đông-a. Chiêu thứ nhì lại hơi giống chiêu Ác-ngưu nan độ của phái Tản-viên. Cái vung tay bắt chầy thì đúng là chiêu cầm nã của phái Tiêu-sơn. Còn công lực của y thì bao gồm cái ác-liệt như sấm nổ của Sài-sơn, cái sát thủ kinh người của Đông-a, lại có có cái dũng mãnh của Tản-viên. Thực trọn đời cô-gia chỉ thấy một mình sư phụ là Nhật-Hồ lão nhân có công lực mạnh như vậy mà thôi.
Nguyễn Bông đứng dậy cung tay:
– Tâu hoàng-hậu, khải vương gia cùng chư vị. Thần đã tìm ra được một chút manh mối về hai tên thầy chùa này rồi.
Y ngừng lại nuốt nước bọt rồi tiếp: hồi trưa nay thần theo hầu Ỷ-Lan đến chùa Từ-Quang, thình lình tên thầy chùa ăn thịt chó xuất hiện. Trong cuộc đối đáp giữa y với Viên-Chiếu thì biết rằng Đại-từ Liên-hoa hòa thượng chính là sư Viên-Chiếu. Bản lĩnh của Viên-Chiếu do tên Mộc-Tồn truyền thụ.
Dư Tĩnh để tay lên bàn đập sẽ ba cái, khiến mọi người chú ý:
– Thế thì chắc chắn Khu-mật-viện Đại-Việt biết gốc tích y. Khu-mật viện biết thì Nhật-Tông (Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế), Bình-Dương, Bảo-Hòa, phải biết. Vậy xin hoàng-hậu, cùng Trung-tín hầu tìm cách nào theo sát những người này hay nhập vào Khu-mật-viện thì tìm ra lý lịch y. Chỉ nguyên cái vụ khi y tuyên án tử hình ai, mà Yên-vương vương phi, hoặc Bảo-Hòa lên tiếng xin tha, thì y tha ngay. Ta có thể đoán y là đệ tử hay sư đệ của hai người này. Không lẽ y là U-bon vương Lê Văn?
Hoàng-hậu lắc đầu:
– U-bon vương là Phật-tử rất thuần thành, không bao giờ ăn thịt chó, cùng giết người tàn bạo như vậy. Chính hôm triều đình luận tội Dương-gia chúng tôi, Vương cực lực xin ân giảm. Vương còn đưa ra lý luận: từ khi lập quốc, chưa bao giờ gia hình tới quốc-mẫu. Do vậy thái-hậu với tôi mới thoát khỏi bị truất phế. Cứ như vụ này, thì Vương không thể là tên hòa thượng ác đức kia được.
Lý Hiến đứng lên chỉ vào Dư Tĩnh:
– Thưa các vị, Trị-bình thiên tử cử Dư đại nhân làm mật sứ sang gặp các vị để truyền chỉ dụ của người. Người mới tiếp ngôi trời, chưa quen việc triều chính, trăm việc ngổn ngang; lại nữa trên có thái-hậu buông rèm thính chính, hợp cùng bọn Văn Ngạn-Bác, đem Nho ra để thuyết những gì là nhân nghĩa, những gì là Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang. Vì vậy người đã hội ý với Khu-mật viện rồi ban chỉ: tất cả kế hoạch Nam biên tạm thời ngừng lại năm năm.
Người da ngăm đen, mắt sâu, mũi cao ngồi cuối bàn dơ tay xin nói. Dư Tĩnh chỉ y giới thiệu:
– Vị này là thái-úy tổng-lĩnh binh mã Chiêm-quốc, tước phong Thi-bì quốc công, đệ tử đắc ý của Cửu-chân vương Đinh, tên Bố-Bì-Đà-Na. Hôm nay quốc-công đại diện Chiêm-vương đến đây hội với chúng ta, để cùng duyệt xét một lượt những gì đã xẩy ra, và thiết kế mới cho hợp với tình thế.
Bố-Bì-Đà-Na đứng lên cung tay nói:
– Trước đây, thời hoàng-thượng còn là Thái-tử, người đã cùng các vị thiết lập kế Ngũ-lôi để đánh Đại-Việt. Trong kế này, khi Dương gia dấy bên trong, thì nước Chiêm chúng tôi đem chiến thuyền đổ lên đánh cắt ở Thanh-hóa, cùng lúc đó hạm đội Thiên-triều đánh vào Hạ-long; quân Vân-Nam, Quảng-Tây vượt biên tràn qua. Khi diệt được triều Lý, đưa Dương gia lên làm vua, quân Chiêm rút về tiến vào Nam đánh Chân-lạp, quân Đại-Việt, Thiên-triều tiến theo giúp chúng tôi. Nhưng nay nỗ lực chính là Dương gia không còn nữa, trong khi chúng tôi trót gây hấn với Chân-lạp, tỏ ý bất thần phục Lý triều. Chúng tôi đã lâm thế cỡi cọp mất rồi, không biết nước tôi sẽ bị Lý Nhật-Tông san bằng bất cứ lúc nào. Chúa tôi sẽ đi con đường như đức vua Sạ-Đẩu, thân bị giết, hoàng hậu bị đem làm trò chơi mất thôi. Hỡi ôi! Chúng tôi trở thành cá trên thớt đây!
Thượng-Dương hoàng hậu xua tay:
– Quốc-công đừng sợ. Tôi biết Nhật-tông lắm, y tự hào là người nhân từ, chắc không dám gây chiến đâu. Đại-Việt mạnh là nhờ bọn Ngũ-long công chúa, vợ chồng Tôn Đản, Thân Bảo-Hòa và sáu đại môn phái. Nhưng bọn Ngũ-long công chúa, Bảo-Hòa thì trấn ở Bắc rồi. Tại Thăng-long chỉ còn mười hai đạo Thiên-tử-binh, tôi với Trung-tín hầu Nguyễn Bông ở ngay trong tim, trong gan y, nhất cử nhất động của y chúng tôi đều rõ. Khi y khởi binh, chúng tôi sẽ báo tin cho Quốc-công biết. Vả y không giám rời Thăng-long đi xa đâu, vì sợ binh biến. Nếu y có can đảm đem binh Nam xâm, thì chúng tôi sẽ báo cho Chiêm vương biết trước để kịp thời đối phó. Một mặt tổ chức binh biến ở Thăng-long. Thái-hậu sẽ họp tôn thất đại thần truất phế y, rồi lập một ấu quân lên thay. Bấy giờ, thái-hậu buông rèm thính chính. Vô tình y tự đưa đầu cho ta chặt. Hà! Đó là điều chúng ta cầu mà không được.
Cử tọa vỗ tay hoan hô.
Lý Hiến hỏi:
– Nhược bằng Nhật-Tông không đem quân Nam xâm, thì sao?
Hoàng hậu nghiến răng vào nhau:
– Y có lột da sống mãi được đâu? Rồi y cũng phải chết. Y chết mà không có con trai, thì tôi sẽ lập một đứa trẻ trong hoàng tộc lên thay, sau đó buông rèm thính chính. Bấy giờ ta không còn cần đến Ngũ-lôi nữa.
Dư Tĩnh cẩn thận hơn:
– Lỡ ra Ỷ-Lan hay một phi tần nào sinh con trai thì sao?
Nguyễn Bông cười khành khạch:
– Từ lâu rồi, hoàng-hậu đem tôi nhập cung với mục đích sao cho Nhật-Tông không có con trai. Y không có con trai, thì sau khi y băng hà, hoàng-hậu sẽ lập một ấu quân lên thay, và người đương nhiên buông rèm thính chính. Bấy giờ thì ta muốn gì mà chẳng được. Hồi đầu tôi định bỏ thuốc vào thức ăn, khiến tinh khí của y tuyệt. Tinh khí tuyệt thì sao y có con được nữa? Nhưng ngặt vì ngự y lại chính là thái-sư Dương Bình, một đại y tiên Nam-phương, kiểm soát thực phẩm rất gắt, nên tôi đành bó tay. Vì vậy y chỉ có con gái. Mộät lần y trốn đi chơi ngoài thành với Thường-Kiệt. Hai người ăn qùa ở chợ. Người của tôi trộn thuốc vào bún riêu, y ăn phải. Từ đấy y liệt dương. May cho y, hôm y đi cầu tự ở chùa Tiêu-sơn, được Khất đại sư dùng Thiền-công thượng thừa trị khỏi. Rồi trên đường về y gặp Ỷ-Lan.
Dư Tĩnh trầm tư:
– Bây giờ khó có dịp thuốc y nữa. Chỉ có cách thuốc bọn phi tần của y mà thôi.
– Điều đó tôi đã làm. Từ sau khi y có ba con gái. Tôi bỏ thuốc vào thức ăn của những phi tần y sủng ái, để họ tuyệt đường sinh đẻ. Vì vậy từ ngày đó y không có con nữa. Nhưng đối với Ỷ-Lan tôi bỏ thuốc mà vô hiệu.
Dư Tĩnh kinh ngạc:
– Y thị khám phá ra ư?
– Không, vì y thị là học trò vua bà Bình-Dương, đã luyện Vô-ngã tướng Thiền-công, bách độc không làm gì được.
Y chỉ vào Đinh Kiếm-Thương: Hoàng hậu phải cho mời Đinh vương gia đây giúp một tay. Vương gia là sư phụ của y thị, người biết y thị rất kỹ. Vương chế ra thứ thuốc bỏ vào thức ăn. Y thị ăn vào thì khiến cho lớp ngoài của da bị ẩm ướt, y học gọi là bì thủy, để khi ta tung phấn độc vào, Vô-ngã tướng thần công không phản ứng ra da được nữa. Sau đó da thịt thị bị trúng độc. Cuối cùng vương gia phải xuất hiện, giả kiểm tra võ công thị, rồi truyền độc tố vào người. Vụ này chỉ cần trong sáu tháng không khám phá ra, ba độc tố sẽ làm cho thị sinh bạch-đới, thế là thị không thể có con được. Nay đã ba tháng rồi. Chỉ cần ba tháng nữa thôi, bấy giờ dù thái-sư Dương Bình có tìm ra bệnh y thị thì cũng đến bó tay.
Ỷ-Lan ớn da gà. Những lời sư phụ Viên-Chiếu với Mộc-Tồn hòa thượng nói cùng nàng hồi chiều quả không sai. Thì ra vụ này không do mình Dương gia, mà còn có bọn Tống, bọn Chiêm nhúng tay vào. Hỡi ôi! Hoàng thượng cực kỳ tin tưởng Nguyễn Bông. Nhưng chính y là người đánh thuốc độc hại mình. Rồi chính Đinh Kiếm-Thương ra tay nhập Hoàng-thành phóng độc, cùng dồn độc công vào người mình. Cũng may sư bá Mộc-Tồn đã khám phá ra, và cho mình phương cách điều trị kịp thời.
Nguyễn Bông thở dài:
– Nhưng bao nhiêu công trình của Cửu-chân vương với tôi sắp thành tựu thì lại vỡ, dường như hóa ra một trường ảo mộng mất rồi. Vì như các vị biết, Viên-Chiếu là bản sư của Ỷ-Lan, Mộc-tồn là sư bá của y thị. Hai người ấy là đại tôn sư về y học Hoa-Việt hiện nay. Hồi chiều, dường như Mộc-tồn khám phá ra tình trạng bệnh lý của thị. Ông ta đã cho thị phương thuốc điều trị, rồi nói rằng nội trong nửa tháng thì khỏi, và có thể thụ thai.
Ỷ-Lan kinh hãi vô cùng, vì rõ ràng khi khám phá rõ chân tướng Nguyễn Bông, Mộc-tồn đã bảo nàng đuổi hết cung nga, thái giám ra ngoài, mà sao Nguyễn Bông lại biết được chuyện này? Nhưng nàng chợt hiểu ra: lúc nàng sắp lên kiệu rời chùa, bấy giờ có cung nga, thái giám đứng hầu quanh nàng; Mộc-tồn trao cho nàng tờ giấy ghi phương thuốc, và dặn rằng:
« Con về uống mỗi ngày một thang, trong mười lăm ngày thì khỏi hẳn ». Câu này khiến Nguyễn Bông đoán ra. Nàng nhủ thầm:
– Mình đang sống giữa rừng gai, phải cẩn thận lắm mới được.
Đinh Kiếm-Thương cười nhạt:
– Đừng có sợ. Kiến trong miệng chén, dù bò đâu cũng không thoát khỏi tay ta. Mộc-tồn chữa trị cho Ỷ-Lan rồi, thì ta lại đầu độc tiếp. Lần này thì dễ thôi, ta cho quân hầu một phương thuốc, cứ mỗi tháng nấu lên, pha vào nước cho y thị tắm một lần, thì y thị lại bị bệnh như thường.
Mọi người vỗ tay hoan hô.
Ỷ-Lan trấn động tâm thần:
– Cũng may ta khám phá ra vụ này. Từ nay mỗi khi tắm bằng nước nóng có hương liệu, ta phải đề phòng mới được.
Đoàn Quang-Minh đứng dậy chắp tay xá Dư Tĩnh, tay chỉ Minh-Can:
– Trình thiên-sứ, có biến cố mới. Hồi chiều thân mẫu Minh-Can đã bỏ thuốc độc vào canh cho Ỷ-Lan ăn. Tiểu nhân nghĩ rằng giờ này y thị chết rồi. Y thị chết rồi, tội lỗi ta cứ đổ lên đầu hai tên Bùi Hoàng-Quan và Nguyễn Căn, chứ có ai ngờ mẹ giết con, em giết chị đâu?
Dư Tĩnh kinh hãi hỏi:
– Có việc ấy ư? Tại sao bà lại làm thế?
Đoàn Quang-Minh trình bầy tất cả những biến cố của gia đình ông bà Lê Văn-Thiết từ đầu đến cuối. Trí nhớ y tốt, nên y không bỏ sót một chi tiết nào. Cuối cùng y kết luận:
– Dưới mắt bà Thiết thì chỉ Minh-Can mới xinh đẹp nết na. Chỉ Minh-Can mới xứng đáng địa vị của Ỷ-Lan. Bà nghĩ rằng khuôn mặt, tiếng nói của Ỷ-Lan với Minh-Can có đôi phần giống nhau, nên bà đánh thuốc độc cho Ỷ-Lan chết, rồi dấu xác đi, đem Minh-Can thay thế vào.
Mọi người đưa mắt nhìn Minh-Can, rồi cùng gật đầu tỏ vẻ tán thành lý luận của Quang-Minh.
Đinh Kiếm-Thương lắc đầu:
– Vô ích! Vì Ỷ-Lan đã luyện Vô-ngã tướng Thiền công, thì thuốc độc bình thường không làm gì được đâu.
Đoàn Quang-Minh chỉ vào người anh em sinh đôi ngồi cạnh:
– Người anh của tôi đã dùng thứ thuốc độc của tộc Miêu bên Vân-Nam rất mạnh. Y thị khó thoát nổi.
Thượng-Dương hoàng hậu xua tay:
– Bà Thiết là thứ đàn bà quê mùa, dốt nát nên mới nghĩ rằng tráo em làm chị được. Ví dù Minh-Can có giống Ỷ-Lan như hai giọt nước đi nữa, thì còn tướng đi, cử chỉ, kiến thức... trăm thứ; sao có thể được. Bây giờ thế này, tôi đem Minh-Can về làm cung nữ, rồi tìm cách cho gặp hoàng-thượng. Biết đâu Minh-Can chẳng được hạnh ngộ. Bấy giờ ta sẽ có cách làm thay đổi tình thế.
Đến đây tiệc rượu bầy ra. Thấy không còn gì để nghe, Ỷ-Lan định bỏ về, thì bỗng có người khẽ vỗ vào vai nàng một cái. Ỷ-Lan kinh hãi quay lại, thì một bóng đen đã bỏ chạy khá xa. Vốn can đảm, Ỷ-Lan vội dùng khinh công đuổi theo. Bóng đen chạy ra giữa đồng, rồi ngừng lại ngồi trên một ngôi mộ. Ỷ-Lan đến gần, thì ra đó là một người nữ. Tuy trong bóng đêm mờ mờ mà nàng cũng nhận rõ người ấy là công chúa Thiên-Ninh. Công chúa cung tay:
– Xin phu nhân miễn tội.
Nàng nói nhỏ vừa đủ nghe:
– Phụ hoàng nhận được tấu chương của phu nhân rồi. Đọc xong, người trao cho Quốc-phụ. Quốc-phụ truyền con giả làm dân dã đến Siêu-loại để trao mật thư cho phu nhân. Trong khi đi đường, con khám phá ra tung tích bọn Dư Tĩnh. Con theo dõi chúng tới đây từ chiều. Cho nên phu nhân tới dò xét chúng, con biết liền.
Ỷ-Lan hỏi:
– Theo ý công-chúa bây giờ mình phải hành động ra sao?
– Phu nhân với con khẩn trở về hành doanh, một mặt dùng chim ưng gửi tấu trình cho Khu-mật viện để viện biết tình hình hầu đối phó. Một mặt báo cho tướng quân Nguyễn Căn để người sai thị-vệ theo sát bọn chúng.
Hai người dùng khinh công trở về hành doanh. Khi bước vào phòng ngủ, Minh-Đệ thấy các cung nữ chầu hầu đều ngủ cả. Nàng lấy bút mực cho công chúa viết tấu chương. Tấu chương viết xong, thì trời vừa sáng. Đội nữ binh của Thiên-Ninh cũng vừa tới. Nàng cho chúng thay cung-nga, thị-vệ hầu cận quanh Ỷ-Lan. Nàng bảo một nữ binh:
– Em mời Đinh-viễn tướng quân Nguyễn Căn cho ta.
Ỷ-Lan với Thiên-Ninh rửa mặt, súc miệng rồi ra ngoài sảnh đường. Bà Thiết với Minh-Can thấy Ỷ-Lan vẫn khoẻ mạnh, tươi tỉnh như thường thì kinh ngạc vô cùng. Bà hỏi Ỷ-Lan:
– Đêm qua con ngủ ngon chứ? Trong người có gì khác lạ không?
Nghe mẹ hỏi mình, mà nàng cảm thấy tê tái trong lòng. Nàng trả lời lơ mơ:
– Đêm qua con bị trúng độc chết rồi, hồn xuống địa phủ. Diêm-vương mời con vào điện đãi nước trà. Người bảo con bị người thân bỏ thuốc độc của tộc Miêu vào bụng cá bống với đầu tôm, con ăn phải, nên chết oan. Nhưng số con sống đến bẩy mươi tuổi, nên sau đó người sai quỷ sứ đưa con về trần. Người nói thêm rằng người sẽ cho quỷ sứ canh chừng con suốt đời, hễ ai hại con thì quỷ sứ sẽ vật chết liền.
Nghe con gái nói, bà Thiết cảm thấy bở vía. Bà tin là thực. Còn Minh-Can, thị biết Ỷ-Lan có Vô-ngã tướng Thiền-công nên bách độc không hại được. Cung nữ dâng đồ điểm tâm. Ỷ-Lan sợ mẹ đánh thuốc độc mình nữa, nàng có ăn vào cũng vô sự, nhưng nếu để công chúa Thiên-Ninh ăn vào thì thực là nguy tai. Muốn thử mẹ, nàng đưa khay bánh cho bà Thiết với Minh-Can:
– Mẹ với em ăn đi. Con chưa muốn ăn vội.
Không ngần ngại, bà Thiết cầm bánh ăn liền. Minh-Can định cản mẹ, nhưng thị thấy mắt Ỷ-Lan sắc như dao cau đang nhìn ả. Ả vội cầm lấy cái bánh, nhưng không ăn. Ỷ-Lan vờ quay đi, ả thấy vậy, vội bỏ bánh vào túi. Hành động này của ả, cho Ỷ-Lan biết bánh có thuốc độc, mà thuốc này do bọn Đoàn Quang-Minh mới trao cho Minh-Can, chưa kịp thông báo với bà Thiết, nên bà ăn liền. Ỷ-Lan vội cầm lấy tay bà, nàng vận khí hóa giải chất độc cho mẹ. Nhờ vậy bà Thiết vẫn tỉnh táo như thường.
Ỷ-Lan chửi thầm:
– Thương cho mẹ mình, suốt đời coi cái con khốn nạn kia như gan như ruột, thế mà nay, nó thấy mẹ sắp chết vì thuốc độc của nó, mà nó không cứu.
Trong khi Minh-Can nghĩ:
– Hôm qua Quang-Minh trao thuốc độc cho mình để giết con chị tử thù này, mà nó không sao. Sáng nay y trao thuốc nữa, bảo rằng thuốc độc hơn, thế mà mẹ mình ăn vào lại vô sự. Không chừng tên này phản mình rồi cũng nên. Mình cũng ăn bánh, để có cớ chửi vào bộ mặt phản bội của y.
Ả cầm tấm bánh nữa ăn. Ỷ-Lan chỉ chung trà:
– Em uống nước đi!
Không ngần ngại, Minh-Can lại cầm chung trà uống.
Công chúa Thiên-Ninh tuy đói, nhưng theo lễ nghi cung đình, Ỷ-Lan chưa ăn, nàng không dám ăn. Ỷ-Lan nhìn ra sân, thấy nữ binh đang chia nhau ăn xôi ngô (bắp). Nàng vẫy tay gọi:
– Đem vào cho ta với công chúa cùng ăn.
Nữ binh dạ ran, rồi xới hai đĩa dâng lên. Ỷ-Lan chỉ nước chè tươi của nữ binh:
– Ta với công chúa muốn uống nước như các em.
Nữ binh lại lấy gáo múc nước chè dâng cho Ỷ-Lan với Thiên-Ninh. Vừa lúc đó thì cặp vợ chồng Nguyễn Căn, Thanh-Thảo; Bùi Hoàng-Quan, Ngọc-Huệ tới hành lễ quân cách:
– Nguyễn Căn, Bùi Hoàng-Quan xin chờ chỉ dụ của phu nhân.
Công chúa Thiên-Ninh mỉm cười nói với Nguyễn Căn:
– Phu-nhân không mời tướng quân đâu. Tôi mời tướng quân đấy. Tôi mới làm một « bài thơ Đường-luật » vậy muốn gửi về cho anh tôi là thái-bảo Thường-Kiệt sửa dùm (độc giả đừng quên rằng Thường-Kiệt đánh cuộc với vua Thánh-Tông bị thua, phải gọi ngài bằng nghĩa phụ. Nên Thiên-Ninh gọi ông là anh). Vậy tướng quân hãy đọc đi, rồi sai chim ưng gửi liền.
Nguyễn Căn là đại tướng quân, nên ông biết tiếng lóng của Khu-mật viện « bài thơ Đường-luật » tức biểu tuyệt mật và hỏa tốc. Ông vội tiếp tờ biểu đọc. Đọc xong, ông cung tay:
– Khải công chúa điện hạ, thần xin gửi ngay và xin « chạy thực nhanh ».
Tiếng lóng « chạy thực nhanh » có nghĩa rằng « hiểu lệnh, xin thi hành ». Ông hành lễ rồi ra ngoài sai chim ưng mang tấu chương đi, cùng điều động thị-vệ tổ chức theo dõi bọn Tống, Chiêm, với bọn gian tế.
Thanh-Thảo, Ngọc-Huệ thấy công chúa Thiên-Ninh xuất hiện, thì hơi nhạc nhiên đôi chút. Nhưng không dám thắc mắc.
Rõ ràng Ỷ-Lan với Thiên-Ninh truyền lệnh, điều động thị-vệ ngay trước mặt bà Thiết với Minh-Can, mà hai người không biết. Thình lình Minh-Can ôm bụng, cúi gập người xuống, mồ hôi vã ra chứng tỏ đau đớn cùng cực. Biết thuốc độc đã ngấm, Ỷ-Lan vờ hỏi:
– Gì vậy em?
Bà Thiết tỏ vẻ xót xa:
– Sao? Con làm sao vậy?
Minh-Can chỉ vào đĩa bánh rên:
– Con bị trúng độc!
– Làm sao mà trúng độc được. Mẹ cũng ăn bánh mà có việc gì đâu?
Ỷ-Lan biết thuốc độc này phải một ngày mới chết, nàng vờ nói với em trai là Lực:
– Em hãy gọi thầy lang đến ngay. Để chị cho nữ binh đưa Minh-Can về phòng.
Nói rồi nàng điểm vào huyệt Nội-quan, Thái-khê, Thái-xung, Thái-uyên, Công-tôn của ả, để ngăn không không cho chất độc chạy vào tạng phủ. Nàng vẫy tay cho nữ binh đem ả về phòng. Bà Thiết theo sát phiá sau.
Minh-Can còn nói vọng lại:
– Chị Ỷ-Lan, chị cứu em với.
Trong khi Ngọc-Huệ ra lệnh cho thị-vệ, cung-nga thái giám chuẩn bị xa giá hồi cung, thì Ỷ-Lan vẫy công chúa Thiên-Ninh theo nàng vào phòng Minh-Can. Minh-Can rên:
– Mẹ ơi! Con bị trúng độc. Thứ độc này thầy lang trị không được đâu. Phải có thuốc giải của sư huynh Đoàn Quang-Minh.
Tuy ghét Ỷ-Lan, nhưng bà Thiết đã đẻ ra nàng, nên hành-động không ăn bánh, không uống trà mà ăn xôi bắp, uống nước chè tươi của nữ binh đã khiến bà nghi ngờ. Bây giờ thấy Minh-Can đau đớn khốn khổ, lại khai ra rằng phải có thuốc giải của Đoàn Quang-Minh, thì bà nghi chính Minh-Can đã đánh thuốc độc Ỷ-Lan, nhưng Ỷ-Lan biết trước, nên bằng cách nào đó, Ỷ-Lan làm cho thuốc độc quay lại làm Minh-Can bị trúng độc. Bà hỏi Minh-Can:
– Bây giờ Đoàn Quang-Minh ở đâu?
Minh-Can run run, quằn quại:
– Hiện Đoàn sư huynh ẩn ở đâu chính con cũng không biết.
– Vậy thì làm sao mẹ tìm được nó?
Thói quen từ xưa, bất cứ khó khăn, bất cứ đau khổ gì của Minh-Can bà Thiết cũng đổ lên đầu Ỷ-Lan. Bà quay lại hỏi nàng:
– Làm thế nào bây giờ? Mày đi tìm Đoàn Quang-Minh về cho nó ngay. Nó mà chết thì mày cũng phải chết, rồi tao cũng chết theo chứ sống sao được?
Công chúa Thiên-Ninh vốn đã biết những uẩn khúc trong gia đình Ỷ-Lan, nay sự việc xẩy ra, nàng đã đoán đến tám phần vụ đầu độc này rồi. Nàng thấy bà Thiết vô lý quá thì không chịu được, nàng chỉ vào Minh-Can:
– Thưa bà, tuy phu-nhân do bà đẻ ra được, nhưng nay là một mẫu nghi thiên hạ. Xin bà giữ gìn lời nói. Bà không thể dùng ngôn từ đầu đường xó chợ với phu-nhân. Nếu bà mà còn nói nửa lời vô phép với phu nhân thì tôi khoét một mắt con ác phụ này. Bà nói hai câu, thì tôi khoét hai mắt nó. Bà nói ba câu thì tôi chặt đến hai tay nó.
Bà Thiết tưởng Thiên-Ninh cũng dễ bắt nạt như Ỷ-Lan, bà nhảy choi choi lên, mồm rống như trâu, như bò:
– Con tôi đẻ ra, tôi muốn chửi, muốn đánh, muốn làm gì thì làm, cô không được xen vào. Cô tưởng...
Thiên-Ninh chụp Minh-Can, nhắc bổng lên ném ra sân. Vì công lực nàng khá cao, nên Minh-Can bay ra ngoài đến vù một cái cạnh Nguyễn Bông. Nguyễn Bông bắt lấy, để xuống đất. Nàng ra lệnh cho đội nữ binh:
– Khoét mắt nó ngay tức thời.
Ỷ-Lan biết Thiên-Ninh chỉ dọa bà Thiết, nên nàng đứng im, mặc Thiên-Ninh hành động.
Nữ binh dạ ran. Một người xách Minh-Can ra giữa sân, một người khoa thanh đoản đao sáng loáng lên hỏi Thiên-Ninh:
– Tâu điện hạ, khoét mắt phải hay mắt trái ạ?
Minh-Can bở vía, kêu thảm thiết:
– Mẹ ơi! Mẹ cứu con với.
Bà Thiết vẫn cứng đầu, miệng bà thét lên the thé, tay chỉ mặt Ỷ-Lan:
– Mày nỡ lòng nào đứng nhìn em mày bị khoét mắt hở con diều tha, con quạ mổ kia?
Công-chúa Thiên-Ninh nổi giận, nàng vẫy tay ra lệnh:
– Trói nó lại, khoét cả hai mắt nó, rồi xẻo từng miếng thịt một.
Nữ binh kéo Minh-Can lại gốc cau. Y thị vùng vẫy, rời khỏi tay nữ binh, rồi chạy đến bên Ỷ-Lan, quỳ gối xuống rập đầu binh binh:
– Em cắn cỏ em lạy chị, chị cứu em với. Từ nay em xin làm thân trâu ngựa cho chị.
Thiên-Ninh rút kiếm ra chỉ vào cổ ả, tay túm ả đem vào tẩm phòng Ỷ-Lan, rồi nói với bà Thiết:
– Kể từ lúc này, tôi truyền bà phải cấm khẩu, bằng không tôi xẻo thịt nó.
Bà Thiết vừa mở miệng định nói, Thiên-Ninh thích mũi kiếm vào cổ Minh-Can, lập tức máu chảy ra liền. Bà Thiết vội ngậm miệng, nhắm mắt lại. Rồi ra khỏi tẩm phòng.
Thiên-Ninh chỉ mặt Minh-Can:
– Mi muốn được tha, thì phải khai thực tất cả những gì đã làm từ mấy hôm nay. Nào đi họp với bọn Tống, bọn Chiêm, với Thượng-Dương hoàng hậu. Nào việc mi bỏ thuốc độc định giết Ỷ-Lan phu nhân hôm qua, cùng hôm nay. Nếu mi chỉ khai sai một câu, thì ta sẽ xẻo thịt mi liền.
Minh-Can kinh hoàng, vội cầm bút viết. Thị cũng muốn dấu diếm đôi chút, nhưng thấy mắt Thiên-Ninh sắc như dao cau, mũi kiếm luôn kề cổ, thì thị bở vía, lại phải khai thực. Đợi cho thị khai xong, Thiên-Ninh đọc một lượt, rồi truyền nữ binh trói thị lại, giải về Thăng-long.
Ỷ-Lan hỏi Thiên-Ninh:
– Này Ninh! Ninh bảo trước hoàn cảnh này mình phải hành động như thế nào?
Thiên-Ninh bàn:
– Cháu cũng đang định hỏi cô câu đó. Đối với cô cháu mình, như tướng ngoài trận, cần phải có quyết định mau chóng, chứ không phải mỗi sự, mỗi việc lại tấu về triều. Triều đình là gì? Là phụ hoàng, là đại thần. Thì cô cháu mình cũng có thể là phụ hoàng, là đại thần được. Như khi cô biết chân tướng Nguyễn Bông, một mặt cô nhờ sư Viên-Chiếu, Mộc-tồn theo dõi y, một mặt cô gửi tấu chương về. Với tấu chương của cô gửi về hôm trước, phụ hoàng đã bàn với đại-ca Thường-Kiệt cùng một vài đại thần. Tất cả cùng đi đến quyết định rằng: không nên bắt giam Nguyễn Bông vội. Vì Nguyễn Bông ẩn vào cung làm việc e không phải mình y mà còn có phe đảng của y. Y cũng không khác gì con rết có hàng trăm chân. Nay ta mới thấy cái thân thì đừng ra tay vội. Đợi đến khi nào tất cả chân của chúng phơi bầy ra, rồi đập chết cũng chưa muộn.
Nàng nói nhỏ hơn: Bây giờ tới vụ hoàng-hậu với bọn Tống. Cô cháu mình đã ban chỉ cho Nguyễn Căn điều động thị-vệ mật theo dõi bọn chúng, lại tấu về triều rồi. Bất biết triều đình quyết định ra sao, cô cháu mình cũng phải có phản ứng ngay.
Những lời của Thiên-Ninh làm Ỷ-Lan nhớ lại chuyện cũ chép trong Thái-tổ thực lục (xin đọc Anh-hùng Tiêu-sơn, Thuận-thiên di sử, cùng tác giả). Bấy giờ công chúa Bảo-Hòa, Bình-Dương cùng ra ngoai làm việc. Hại vị đã tự quyết hầu hết mọi việc, để đối phó với biến cố xẩy ra, chứ không nhất thiết tâu về triều. Nay nghe Thiên-Ninh nói, Ỷ-Lan nổi hùng tâm tráng trí lên:
– Mình với Thiên-Ninh phải quyết định một phần.
Nghĩ vậy, nàng kéo Thiên-Ninh, làm như ra bờ ao ngắm đồng ruộng, rồi nói:
– Vụ này mình nên chia làm ba. Một là đối phó với Chiêm, hai là đối phó với Tống. Ba là đối phó với gian tế trong cung. Trước hết với Chiêm, ta để cho Khu-mật viện, vì vụ này không khẩn. Nhưng chủ trương của cô là ta phải nhân Tống ở xa, Trị-bình hoàng đế mới lên ngôi vẫn còn kinh hãi qua việc Nam du. Ta nên đánh Chiêm, rồi lập lên một triều đình do dân Việt bên ấy cầm đầu. Đối với Tống, ta phải tạo cho phe thái-hậu, Văn Ngạn-Bác với phe Hàn Kỳ và bọn chủ Nam xâm... tranh quyền nhau càng quyết liệt càng tốt. Có như vậy họ mới để ta yên.
Thiên-Ninh góp ý:
– Hai tấu chương vừa gửi về, thì một là của cô, hai là của cháu. Dù biết rằng Dương hậu, Nguyễn-Bông làm gian tế cho Tống, nhưng triều đình thế nào cũng nghĩ rằng cô cháu mình muốn hạ Dương hậu. Nên mình phải kiếm cách khác.
Nàng thở dài: còn vụ nội gián này thì có đấy, vì Thượng-Dương hoàng hậu dính vào. Cứ như ý cháu, thì mình làm gì chăng nữa, triều đình cũng không thể xử tử Hoàng-hậu. Nếu vụ án họ Dương, làm cho Dương đảng tan nát, thì vụ này ta làm cho Dương hậu hết quyền. Ta cần gài cho Dương-hậu với Nguyễn Bông phạm pháp quả tang, rồi đem đảng của chúng ra chặt đầu. Bấy giờ Dương hậu sẽ mất quyền mẫu-nghi thiên hạ.
Ỷ-Lan nắm lấy tay Thiên-Ninh, nàng ghé miệng vào tai cô công chúa thông minh nói nhỏ:
– Mình phải làm như thế, như thế... là được.
Một thiếu phụ, một thiếu nữ, chưa ai tới hai mươi tuổi, nắm tay nhau, miệng cười tươi như hoa, giữa cánh đồng làng Siêu-loại, bàn quốc sự. Có ai ngờ trong khoảnh khắc đó, sau này làm rung chuyển giang sơn Tống, Việt, Chiêm, và muôn đời sử sách ghi lại những trang sáng chói của tộc Việt. Đó là chuyện sau.