Bọn Di hay tin Ngu Hử lên đường nhậm chức lập tức cho tập trung hơn ngàn binh mã đón chặn ở Trần Thương. Ngu Hử hay tin, trong bụng nghĩ: ta chỉ đem theo có số ít binh lính, cách đối phó duy nhất là dùng kế phô trương thanh thế để mê hoặc đối phương.
Ngu Hử cho dừng xe, thở khoan thai nói với bọn chặn đường: "Ta đã bẩm việc này với triều đình, chẳng bao lâu nữa chi viện binh sẽ tới". Bọn Di cho là thật bèn cho quân đi cướp bóc vùng lân cận, không gây khó dễ nữa. Ngu Hử nhân cơ hội ấy đi tắt đường nhỏ, cố gắng đi thật nhanh. Bọn Di thấy Ngu Hử bỏ đi, biết mình mắc lừa bèn lệnh cho quân truy đuổi. Ngu Hử lệnh cho thuộc hạ mỗi người làm hai cái bếp, cách một ngày lại tăng gấp đôi, cách hai ngày tăng gấp bốn, lại dùng khói bôi đen cứ như là đã dùng để nấu ăn vậy. Đồng thời đều tăng tốc độ hành quân, lúc đầu là 30 dặm, sau tăng lên 200 dặm một ngày. Người Di thấy số bếp của Ngu Hử không ngừng tăng lên, trong lòng càng thêm nghi hoặc, không biết Ngu Hử thực ra có bao nhiêu binh, không dám truy đuổi. Ngu Hử đã dùng biện pháp này mà uy hiếp khiến quân phản loạn phải rút lui, đến được nơi chậm chức. Chỉ với hơn 3.000 quân mà ông đã thắng thế hơn 1 vạn quân của bọn Di bằng trò chơi ú tim đó.
Ngu Hử lệnh cho quân thu lại tất cả những nỏ có tầm bắn xa, chỉ dùng nỏ ngắn. Khi hai bên vừa chạm trán, người Di thấy đối thủ sử dụng loại cung nỏ, mũi tên quá đơn gián, chẳng có gì đáng sợ bèn khinh địch, cho quân thẳng tiến. Khi quân của bọn Di đã tiến vào đúng phạm vi định sẵn, Ngu Hử lệnh cho tướng sĩ lấy nỏ dài ra, bắn tên như mưa xuống quân địch, khiến chúng thương vong cực lớn, buộc phải rút lui.
Ngày hôm sau Ngu Hử lại dùng một chiêu khác. Ông lệnh cho quân đội từ cửa thành phía đông diễu về cửa thành phía bắc, sau đó thay đổi quần áo và lại ra ngoài thành diễu hành. Cứ tuần hoàn nhiều lần như thế, quân của bọn Di bối rối không hiểu trong thành có bao nhiêu binh sĩ, không dám động binh tiến công. Ngu Hử đoán nếu địch không tiến thì sẽ rút, nên cho bố trí sẵn phục binh, quả nhiên quân của bọn Di bắt đầu phân tán, rút lui. Ngu Hử bèn hạ lệnh, quân mai phục xông ra như bầy ong, khiến cho chúng không kịp xoay xở, bị đánh tơi bời. Qua mấy lần dùng mưu kế, Ngu Hử đã diệt được mầm loạn, ổn định biên thùy. Những năm đầu của thời kỳ chiến quốc, khi Ngụy - Tề giao tranh ở Mã Lăng, quân sư nước Tề là Tôn Tẩn dùng cách giảm đi số bếp quân mà đại thắng quân Ngụy. Thời Đông Hán, Ngu Hử dùng kế tăng số bếp quân mà lừa được người Di. Thế mới biết binh pháp không ngừng thay đổi, chỉ cần giỏi phép biến hóa thì có thể từ cái hư thực bất định mà biến hoá ra trăm ngàn mưu kế. Biến pháp hư thực tuy là linh hồn của mưu lược binh pháp, nhưng lại được vận dụng trong rất nhiều lĩnh vực.
Giám đốc Sơn Bản Thôn Thạch của công ty D nước Nhật khi tham gia đàm phán một vụ làm ăn với một công ty xuyên quốc gia của Mỹ thì phía công ty Mỹ biết được công ty D đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản, thế là họ cố tình ép giá, đòi mua toàn bộ sản phẩm của công ty với giá rẻ chưa từng có. Công ty D lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu không đồng ý công ty sẽ không có vốn để chu chuyển, nếu bán công ty sẽ bị thiệt lớn, sau này khó mà hồi phục lại được. Giám đốc Sơn Bản Thôn Thạch là người giỏi kiềm chế tâm lý mâu thuẫn. Sau khi đối phương trả giá quá thấp, ông cố làm ra dáng vẻ thờ ơ, bất cần gọi nhân viên đứng bên lại hỏi xem đã chuẩn bị vé máy bay đi Hàn Quốc chưa, lại nói thêm rằng: "Nếu đã chuẩn bị xong thì ngày mai tôi sẽ đi Hàn Quốc, ở đó còn có vụ làm ăn lớn cần giải quyết, còn việc mua bán ở đây có thành hay không, không quan trọng, tôi cũng không cảm thấy hứng thú lắm". Câu nói hư hư, thực thực này khiến phía Mỹ lo lắng, họ vội gọi điện thoại về Mỹ xin ý kiến. Thực ra sản phẩm của công ty D là mặt hàng thiết yếu của Mỹ, nhưng chẳng qua thấy công ty D đang lâm vào cảnh khó khăn nên muốn ép giá mà thôi. Nay thấy tình hình có vẻ thay đổi, hàng đến tay lại có nguy cơ tuột mất nên phía Mỹ quyết định mua hết số hàng với giá ban đầu.
Như vậy, dựa vào thủ pháp này mà công ty D hồi sinh trở lại lãnh đạo và đồng nghiệp trong công ty không ngớt lời thán phục tài mưu cao thủ của Sơn Bản Thôn Thạch.