Tuy nhiên, đấy chỉ là một bộ phận của quân Xích Mi. Một cánh quân chủ lực khác của Xích Mi, còn tới hơn 10 vạn đại quân, trong đó có không ít là vợ con đi theo. Tiểu hoàng đế Lưu Bồn Tử của quân Xích Mi cũng ở trong số đó. Chúng gian nan vượt qua đội quân chặn đánh của Lưu Tú, nhưng lại vừa đói vừa mệt, thật không thể tiếp tục gắng gượng được nữa. Mà trước mặt chúng, lại là đội quân do đích thân Lưu Tú thống lĩnh.
Làm thế nào đây? Không lẽ đem mạng sống của hơn 10 vạn quân ra làm trứng chọi đá sao? Suy đi nghĩ lại, chúng chỉ còn cách tìm đến Lưu Cung anh của Lưu Bồn Tử, để ông ta lấy thân phận tôn thất họ Lưu tới trước mặt Lưu Tú xin hàng. Lưu Tú chấp nhận cho họ đầu hàng, cũng đồng ý không giết Lưu Bồn Tử.
Thế rồi, Lưu Bồn Tử dẫn các nhân vật lãnh tụ chủ yếu của quân Xích Mi, tự trói mình, đến đại doanh của Lưu Tú, quỳ trước mặt Lưu Tú và các tướng lĩnh khác xin chịu tội, Lưu Bồn Tử hiến dâng ngọc tỷ truyền quốc đoạt được từ chỗ ông vua thế chỗ Lưu Huyền. Lưu Tú cũng dùng lễ đối đãi, long trọng tiếp nhận sự đầu hàng của chúng, tước vũ khí của chúng, sau đó để chúng tới huyện thành Nghi Dương ăn cơm.
Ngày hôm sau, trước đại quân hùng tráng của Hán quân, Lưu Tú tìm các lãnh tụ Xích Mi Lưu Bồn Tử, Phiên Sùng, Từ Tuyên đến nói chuyện, ông ta trước hết hỏi Lưu Bồn Tử:
Lưu Tú: Ngươi có đáng tội chết không?
Lưu Bồn Tử: Tội thần đáng chết vạn lần, nhưng xin bệ hạ có thể miễn xá cho thần.
Lưu Tú: Thằng bé này thật khéo ăn nói, người họ Lưu không ngốc.
Tiếp theo, lại hỏi tới bọn Sùng Phiên. Sau đó, Lưu Tú nói: "Các ngươi đã làm không ít việc xấu, những nơi đã đến, giết hại người già trẻ em, phá hủy đàn tế thần linh, còn phá hoại giếng bếp của người ta. Nhưng, các ngươi còn có mấy việc chưa đến nỗi tồi tệ là bất kể đánh đến đâu, chưa từng bỏ rơi mất vợ con, quân chủ lập nên vẫn là người họ Lưu, cuối cùng chọn con đường đầu hàng, không giống như một số bọn trộm cướp, giết quân chủ của mình để tranh công giành thưởng.
Lưu Tú có thể đối đãi với quân nông dân, đầu hàng khá rộng rãi độ lượng, không giết kẻ đầu hàng, hết sức được lòng người. Lưu Tú biết rằng mình còn chưa đến lúc sau cùng bình định được thiên hạ, còn có không ít thế lực cát cứ tranh hùng cần ông ta giải quyết, vì thế xử trí thế nào cho ổn thỏa mười mấy vạn quân Xích Mi, có quan hệ to lớn tới việc về sau này ông ta có thể đứng vững được hay không. Xử trí của Lưu Tú rất là đích đáng, ông ta không những không giết hàng quân Xích Mi, mà còn sắp đặt bố trí cho lãnh tụ của chúng, để cho họ có thể ở tại Lạc Dương, mỗi người đều được cấp đất cấp nhà. Đương nhiên, làm như thế cũng tiện khống chế những người đó. Các nông dân khác thì để họ trở về với ruộng vườn quê nhà. Như thế vừa có lợi cho sản xuất xã hội, lại vừa phù hợp với tâm nguyện bản thân họ.
Thương chiến hiện đại, đương nhiên không thể có vấn đề đối đãi thế nào với một đội quân đầu hàng. Tuy nhiên, trong mỗi xí nghiệp đều có một số đông nhân viên, khi công ty có sự sa sút, làm thế nào để ổn định tinh thần của nhân viên, tranh thủ sự ủng hộ của họ, đấy cũng là mưu trí trong quản lý xí nghiệp. Trên ý nghĩa này mà nói, lòng dạ rộng rãi và đức độ cao được thể hiện qua việc Lưu Tú không giết kẻ đầu hàng, là cái mà mỗi nhà lãnh đạo xí nghiệp nên cần có.
Nhật Bản có một công ty đồ chơi, do kinh doanh không tốt, đã xuất hiện cảnh sa sút, thu nhập tài chính tụt thẳng xuống. Đúng lúc đó, giám đốc điều hành của công ty bị bệnh nằm viện. Sự trùng hợp này khiến trong công ty trên dưới lòng người phấp phỏng, những lời đồn đại rất nhiều. Tất nhiên, nhiều nhất là loại lời đồn rằng "công ty sắp sụp đổ rồi", một số nhân viên nôn nóng đã thành chim sợ cành cong, chuẩn bị tìm đường khác mưu sinh. Dưới bầu không khí đó, ai còn muốn yên tâm làm việc.
Làm thế nào ổn định tinh thần nhân viên đây? Một vị phó giám đốc điều hành của công ty ra mặt, triệu tập đại hội nhân viên toàn công ty, ông ta nhiều lần rêu rao rằng công ty không thể sụp đổ, mong mọi người cùng công ty dựa vào nhau vượt khó khăn. Cho dù ông ta nói rách cả miệng, mọi người đều bán tín bán nghi, luôn cảm thấy vị phó giám đốc điều hành này lúc đó "không có nổi 300 lạng, cố ý làm ra vẻ", lời ông ta nói không đáng tin.
Vị phó giám đốc điều hành này thất bại, công ty trên dưới vẫn như cũ. Chính vào lúc đó, giám đốc phòng quan hệ công cộng, ông Bản Điền đi công tác trở về. ông ta vừa nghe thấy chuyện này, không hề nói gì, lập tức tìm các vị "phê bình lãnh tụ" trong nhân viên tới.
Nguyên ông Bản Điền là một nhân viên quản lý giàu kinh nghiệm về quan hệ công cộng, ngày thường rất chú ý nghiên cứu tình trạng của công ty, ông ta dựa trên kinh nghiệm ước đoán rằng, nhân viên công ty tinh thần phấp phỏng nhất định có liên quan với ý kiến dẫn đường của mấy vị "phê bình lãnh tụ”. Ông ta trước hết cẩn thận, nhẫn nại lắng nghe ý kiến của họ, tìm ra nguồn gốc căn bệnh lo lắng trong tư tưởng của họ, rồi dẫn họ tới bệnh viện thăm vị giám đốc điều hành đang bệnh nặng. Ông Bản Điền không nói gì nhiều, mà chủ yếu dùng sự thực để nói, để cho mấy vị "phê bình lãnh tụ” hiểu được tình hình thực tế. Tiếp theo, ông ta lại phá lệ để họ tới phòng tài vụ công ty xem các bảng báo cáo tình hình kinh doanh thực tế của công ty.
Những hành động này, thu được hiệu quả kỳ diệu. Mấy vị phê bình lãnh tụ đó bị sự thành thực của ông Bản Điền đánh động, sự thật khiến họ càng tin tưởng hơn vào giới quản lý công ty. Quả nhiên, không bao lâu, tinh thần trên dưới toàn công ty đã được ổn định. Vấn đề mà ban đầu vị phó giám đốc điều hành kia phí rất nhiều công sức đều không giải quyết nổi, ông Bản Điền đã thông qua các vị “phê bình lãnh tụ” giải quyết xong.
Dắt bò phải dắt mũi bò, nắm vấn đề phải nắm vào điểm then chốt. Tất nhiên, cái đó phải lấy lòng dạ rộng rãi làm tiền đề.