Năm 81 trước Công nguyên, sau khi Hán Đế băng hà, năm thứ sáu trị vì của Hán Tuyên Đế, triều đình mở một cuộc hội nghị bàn về cái được và mất của những chính sách thời Hán Vũ Đế hay gọi một cách thông thường đó là hội nghị muối, sắt. Thành phần tham gia bao gồm hơn 60 văn sĩ, các bậc tài đức của các quận và nước chư hầu (đa phần trong số họ là nho sĩ). Về phía triều đình có Thừa tướng Điền Thiên Thu, ngự sử đại phu Tang Hoành Dương...
Thời Hán Vũ Đế, người nắm thực quyền là Hoắc Quang - ông là một trong những trọng thần mà Hán Đế lúc lâm chung truyền lệnh phò tá chính triều và thái tử. Hoắc Quang vốn là đại tư mã, đại tướng quân. Sau khi phò tá Triệu Đế lên ngôi, ông cho thực thi chính sách giảm bớt chiến tranh, chú trọng sản xuất và cho nông dân nghỉ ngơi lấy sức. Hoắc Quang và Tang Hoành Dương lại là hai thế lực đối địch nhau kịch liệt và trên thực tế thì thế lực của Hoắc Quang đã nắm phần thắng. Chính ông là người tổ chức hội nghị muối, sắt lần này. Bản thân ông không tham dự nhưng lực lượng "văn sĩ", "bậc tài đức, là phía đại diện cho tư tưởng của ông.
Hội nghị xoay quanh ba vấn đề nóng bỏng, một là chiến tranh đối ngoại, hai là quan lại kinh doanh muối và sắt, ba là quốc gia khống chế, lũng đoạn thị trường. Khi thảo luận thì không được tập trung cho lắm, tuy lấy ba vấn đề trên làm chủ chốt nhưng lại liên hệ tới các mặt như chính trị, quân sự, học thuật v.v... Vấn đề trọng tâm là kinh tế thì lại bình luận nhiều ở cái phải trái, được mất của chính sách "độc quyền".
Trong hội nghị, phái "văn sĩ" và "bậc tài đức” đứng về phía quần chúng nhân dân, thương nhân. Họ đả kích kịch liệt chính sách "độc quyền", nhưng trong lý luận, thì lại không giấu được cách suy nghĩ tiêu cực, mơ ước và mục đích không thực tế, họ muốn quay trở lại chế độ chưa có tông pháp trước đây. Tang Hoành Dương thì đứng về phe ủng hộ chính sách "độc quyền", ông phản bác luận điểm của phái "văn sĩ". Đứng trên lập trường và lợi ích triều đình, quốc gia ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách này, và mọi chính sách khác phải cải biến theo xu hướng thích nghi với nó.
Lần hội nghị này, kết quả chẳng thu được điều gì cụ thể, nhưng từ đó có thể thấy đường lối tư tưởng Tây Hán đã phân chia thành hai nhánh đối lập nhau qua trục là chính sách "độc quyền". Tuy là hội nghị chỉ thông qua được một quyết định là loại bỏ việc kinh doanh buôn bán rượu chuyên nghiệp còn những cái khác vẫn giữ nguyên, nhưng nhìn từ tổng thể con đường phát triển tư tưởng kinh tế có thể thấy nó đi theo xu hướng bảo thủ. Do đó có thể nói rằng nhóm "văn sĩ", "bậc tài đức”, cũng có vai trò đóng góp không nhỏ.
Bất luận sự phát ngôn của các bậc này có tác dụng như thế nào đối với các chính sách kinh tế, chính trị Tây Hán, nhưng cách để cho mọi người được phát biểu ý kiến, khích lệ tiếng nói từ dân gian đến hội nghị triều đình là một phương pháp đáng đề cao. Dù là trong lĩnh vực nào, kinh tế hay chỉnh trị, biết lắng nghe ý kiến mọi người vừa là sự thể hiện tác phong của người lãnh đạo, quản lý, lại vừa là một mưu kế trong việc quản lý lãnh đạo quốc gia, khu vực hay công ty xí nghiệp.
Năm 1980, hãng xe hơi General, một trong những hãng xe lớn nhất thế giới lâm vào cảnh suy thoái cùng cực. Thế mà trước đây, ngoài sản phẩm xe hơi ra, công ty còn đứng hàng đầu thế giới về sản xuất các đồ dân dụng như điện khí, máy X quang, thiết bị trạm điện v.v.. Thậm chí trong các lĩnh vực đòi hỏi khoa học, kỹ thuật cao như sản xuất đầu đạn tên lửa, thiết bị hàng không... công ty cũng đạt được những thành tựu khiến nhiều người phải ao ước. Không ngờ thời gian, hoàn cảnh đã làm đảo lộn tất cả.
Trong lúc nguy nan ấy, John waki nhận chức chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng quản công ty. Lúc đó ông 44 tuổi. ông thực hiện những cải cách lớn đối với những mặt sai lầm, hạn chế của công ty. Trong số các biện pháp cải cách là biện pháp phát động công nhân tự giác nêu ý kiến, quan điểm của mình được xem trọng nhất. Ông muốn biến công ty trở thành "một công ty không có giới hạn". Cái gọi là "không có giới hạn" chính là "không ngần ngại phát biểu ý kiến". Lúc đầu những lời nói của công nhân có vẻ khó lọt tai, có công nhân còn nói thẳng vào mặt giám đốc "Tôi muốn biết ở chỗ này đến khi nào mới có cái gọi là quản lý thực sự đây?" Lời nói tuy khó nghe, nhưng Waki không hề phê bình, khiển trách, mà ông còn nghe theo lời người công nhân này tới tận hiện trường để tận mắt tìm hiểu cách quản lý ở đó, vài tuần sau ông cho giải tán đội ngũ quản lý ở đó.
Sau này, công ty có tới hàng chục ngàn người tham gia phong trào "mọi người đóng góp ý kiến". Mỗi lần họp có từ 50 đến 150 ý kiến của công nhân, thời gian phát biểu ngắn gọn về những nội dung mới. Mỗi năm vào tháng 1, tầng lớp quản lý mở một cuộc họp tương tự như vậy. Hơn 500 vị chủ quản cao cấp phải họp hai ngày rưỡi. Tháng 10 trong năm, 100 vị quản lý họp hai ngày rưỡi. Trên cơ sở đó, 30 vị tai to mặt lớn của công ty họp lại với nhau lần cuối cùng trong vòng hai ngày rưỡi để phân tích những phản ánh, ý kiến của các cấp, kịp thời đưa ra những chính sách đối phó. Waki thường chăm chú lắng nghe các ý kiến mà không bày tỏ quan điểm, thái độ gì. Phong trào "mọi người đóng góp ý kiến" mang lại cho công ty một luồng sinh khí mới. Nó vừa mang lại những hiệu quả rõ rệt về kinh tế, lại vừa khiến cho lực lượng công nhân thấy được tầm quan trọng của mình, dốc sức làm việc. Tất cả những điều đó đã làm thay đổi diện mạo công ty. Năm 1985, công ty giảm 110.000 nhân lực, lợi nhuận và hạn ngạch kinh doanh lại gặt hái được những kỳ tích. Năm 1988, công ty được liệt vào danh sách các công ty lớn nhất trên thế giới và 5 công ty lớn nhất nước Mỹ.