Khởi nguyên của cái gọi là "vu cổ chi ngục” là do vào những năm cuối đời Hán Đế sức khỏe sa sút, bệnh tật, khốc sử Giang Sung tâu rằng sở dĩ vua hay đau yếu là do trong cung có "cổ khí" (khí độc). Vua bèn lệnh cho đi tìm. Giang Sung dẫn một toán binh đi lục soát, cuối cùng tìm thấy rất nhiều hình nhân chôn trong cung của Vệ hoàng hậu và thái tử Lưu Cứ. Giang Sung liền tâu rằng: "cổ khí từ đây mà ra".
Giang Sung từ xưa đã nổi tiếng là kẻ hay dùng mưu kế thâm hiểm để hãm hại quan thần, hoàng tộc. Y vốn là môn khách của Triệu Vương Lưu Bành Tổ, sau đó vì có công tìm ra chứng cớ loạn luân của con Lưu Bành Tổ là Lưu Bàn mà được Hán Đế để mắt đến. Sau này nhờ vậy mà tiến thân. Bản thân Giang Sung và Vệ hoàng hậu từ lâu đã có mâu thuẫn.
Thái tử Lưu Cứ bị vu cáo hãm hại, nhưng không thanh minh được, thế là bèn tìm cách bắt giam Giang Sung lại. Có kẻ đem sự việc đó tâu lên vua, lại còn nói rằng thái tử muốn làm phản. Hán Đế lệnh cho Thừa tướng Lưu Khuất Mao đi bắt thái tử. Thái tử Lưu Cứ đành chạy trốn, dọc đường gặp quân của Thừa tướng, hai bên đánh nhau ba ngày ba đêm, thái tử cho bọn vệ binh chặn đường để giữ chân Thừa tướng hai ngày còn mình thì trốn vào thành Trường An. Nghe tin này, Hán Đế nổi cơn thịnh nộ, bắt Vệ hoàng hậu tự vẫn, gia tộc nhà họ Vệ kẻ thì tự sát, kẻ thì bị bắt, thương tổn rất lớn. Thái tử Lưu Cứ thấy thế biết mình đã không còn đất sống bèn tự sát trên đường chạy trốn.
Một thời gian sau, có tin đồn rằng, anh trai của Lý phu nhân, người được Hán Đế rất mực sủng ái là tướng quân Lý Quảng Lợi, trên đường chinh phạt Hung Nô đã đầu hàng. Việc này khiến cho Hán Đế bắt đầu để ý đến thế lực của Lý phu nhân. Sau đó lại có kẻ tâu rằng Thừa tướng Lưu Khuất Mao, Giang Sung đều là người của Lý phu nhân và Lưu Khuất Mao đang âm mưu lập Xướng ấp Vương làm thái tử, lại nói thêm rằng vụ "vu cổ chi ngục” năm xưa hoàn toàn là do Giang Sung dựng lên để hãm hại Vệ hoàng hậu và thái tử Lưu Cứ. Hán Đế nghe vậy tỏ ý hối hận, nhưng việc đã qua rồi chẳng có cách gì cứu vãn.
Đang trong lúc đó đô úy Tang Hoành Dương dâng kế sách mở rộng thêm 5000 đồn điền ở biên thùy Tây Bắc để giải quyết vấn đề lương thực cho quân chinh phạt, mở rộng chiến tranh. Hán Vũ Đế nghĩ đến một loạt các biến cố vừa xảy ra, nghĩ đến những cuộc khởi nghĩa của nông dân, dân tình lưu lạc đói khổ triều chính rối ren, nếu mở rộng chiến tranh thì chỉ làm cho tình hình càng thêm đen tối. Thế là vua hạ lệnh không cho phép bàn đến việc chiến tranh chinh phạt. Trước mắt phải cho dân nghỉ ngơi, sản xuất. Quyết định này của Hán Đế có hơi muộn nhưng thể hiện quyết tâm sửa đổi đường lối sai lầm trước đây. Thừa nhận trách nhiệm, kịp thời sửa đổi đó chính là dũng khí lớn mà không phải hoàng đế nào cũng làm được.
Vũ Đế là người chứ không phải thần thánh, không thể tránh khỏi những sai sót. Vấn đề là phải nhận ra cái sai đó để kịp thời sửa chữa sao cho hậu quả giảm xuống mức thấp nhất. Đó cũng được coi là một cơ mưu trong đấu tranh chính trị. Trên thương trường ngày nay, cơ mưu này vẫn được sử dụng như một bí quyết của thành công.
Hãng xe hơi General của Mỹ là một trong những hãng xe lớn. Năm 1981, Smith nhận chức chủ tịch hội đồng quản trị công ty. Vừa nhận chức ông đã bày tỏ thái độ phê phán đối với những gì các bậc tiền bối đã làm. Mục đích của ông là biến công ty thành một điểm sáng hàng đầu về kỹ thuật khoa học trong thế kỷ 21. Để thực thi kế hoạch của mình ông cần thời gian 5 năm, tiêu một khoản tiền 80 tỉ đô la, ngoài ra ông còn huy động một số vốn lớn để đầu tư mua các công ty con, ví dụ công ty vệ tinh và điện tử quân dụng của hãng phi cơ, công xưởng người máy...
Những việc làm của Smith gây một ảnh hưởng lớn trong nước Mỹ, mọi người khen ngợi ông là anh hùng, vĩ nhân. Tháng 7 năm 1985 tổng thống Mỹ Reagan đến thăm công ty và nói rằng: "Tôi đến đây định khuyên anh nên dũng cảm, không ngờ anh còn dũng cảm hơn những gì tôi nghĩ".
Những việc làm của Smith có phù hợp với thực tế của công ty hay không. Tình hình thực tế là công ty không phát triển được. Ngược lại lợi nhuận lại có xu thế giảm xuống. Thị trường chủ yếu là xe hơi từ 47% giảm còn 33%, lợi nhuận 3 năm giảm 35%. Tại sao lại như vậy? Thực tế chứng minh tư tưởng của Smith quá xa rời thực tế. Công ty phi cơ mà ông mua lại vốn trước đây được hưởng ưu đãi của nhà nước trong kinh doanh. Thế nhưng ông dùng cái giá gấp năm lần vốn của công ty đó để mua lại. Ông cho xây dựng công xưởng người máy thì lại nảy sinh vấn đề phải có công nhân kỹ thuật phục vụ cho mỗi người máy làm việc, người nhân công này phải theo dõi và sửa chữa mọi biến cố cho người máy, nhưng Smith lại không có chính sách quan tâm với người lao động, ngược lại ông còn chủ trương cắt giảm nhân lực, hạ tiền lương để bù đắp cho việc nâng cao hiệu suất. Hơn 600 cán bộ quản lý cao cấp của công ty chỉ nhận được bình quân 50.000 đô la/năm.
Tất cả kế hoạch, biện pháp của Smith đều đem đến một hậu quả chẳng tốt đẹp gì. Trong hội đồng quản trị của công ty có nhiều người lên tiếng phản đối nhưng ông không tiếp thu, mà ngược lại còn cấm đoán mọi người phát ngôn, và qui định rằng ông cho phép ai người đó mới được phát biểu ý kiến. Sở dĩ ông làm được vậy là vì số cổ phiếu của công ty hơn một nửa nằm trong tay ông. Nhìn bề ngoài thì im lặng, nhưng bên trong thì ai cũng thấy rõ mối hiểm họa đang đến gần.
Thương trường như chiến trường, kế hoạch sản xuất kinh doanh xa rời thực tế của Smith khiến ông phải ăn trái đắng. Đứng trước hiện thực bức bách ông buộc phải nhìn lại những sai phạm của mình, buộc phải tiến hành hàng loạt các biện pháp sửa đổi, "thay đàn, đổi dây". Sau những năm 1988 nhờ kịp thời cải cách sửa đổi và dựa vào thế mạnh vốn có, công ty xe hơi General dần hồi phục lại và phát triển đi lên giữ vững danh hiệu một trong những công ty lớn nhất thế giới.