Trên chiến trường phải biết tính toán tương quan lực lượng. Vị hoạn quan thấy quân Hung Nô không đông, bèn dũng cảm dẫn mấy chục kỵ binh xông lên. Bên Hung Nô chỉ có ba tên ra nghênh chiến. Nhưng ba tên này có tài bắn tên trăm phát trúng cả trăm. Vị hoạn quan này cũng bị trúng tên bèn rút chạy, số kỵ binh thì đa phần bị thương, không đánh mà bại.
Lý Quảng lập tức dẫn hơn 100 quân phi ngựa đuổi theo ba tên Hung Nô này. Đuổi được mấy chục dặm, Lý Quảng lệnh cho bộ hạ đánh úp từ hai bên, còn mình thân chinh giương cung bắn chết hai tên, bắt sống tên còn lại. Hỏi ra mới biết ba tên này là xạ thủ giỏi nhất Hung Nô.
Nào ngờ vừa trói xong tên giặc lên lưng ngựa, mấy ngàn quân Hung Nô từ đâu xông tới đen cả một vùng. Bọn này xông lại gần thấy Lý Quảng chỉ có chừng hơn 100 quân thì kinh ngạc lắm. Cho là đây là đám nghi binh, bèn cho ngựa chạy lên núi bài binh bố trận, sợ nếu lâm trận ngay sẽ bị lừa.
Lý Quảng lúc đó lo sợ, hốt hoảng lắm, 100 quân làm sao đối chọi lại được với mấy ngàn kỵ binh Hung Nô. Đang tính tới chuyện rút lui, chợt ông kêu lên: "Không được? Kỵ binh Hung Nô đột nhiên chạy lên núi vì cho rằng ta là nghi binh, vậy tại sao ta không dùng kế này."
Lý Quảng nói: "Chúng ta nay ở cách xa đại binh mấy chục dặm. Nếu bỏ chạy toàn bộ chúng ta sẽ bị bắn chết. Nếu chúng ta cứ ở đây bọn Hung Nô sẽ tưởng ta là nghi binh, không dám lại gần." Thế là ông hạ lệnh cho binh lính tiếp tục tiến về phía trước, đến khi chỉ còn cách quân Hung Nô chừng 2 dặm Lý Quảng ra lệnh: "Tất cả xuống ngựa, cởi yên ngựa ra". Bọn thủ hạ đều không hiểu gì vội hỏi "Cách Hung Nô gần thế này, nếu chúng tiến công thì làm sao chống đỡ nổi?", "Không vấn đề gì, bọn chúng tưởng là ta sẽ đi, ta cho tháo yên ngựa ra, bọn họ sẽ nghĩ gì?" Quả thật quân Hung Nô không dám tiến lại gần, cũng không dám tấn công, có một tên tướng già Hung Nô định dẫn bộ hạ xông ra tấn công, Lý Quảng liền giương cung bắn, bọn Hung Nô không dám làm gì.
Lý Quảng cùng hơn 100 quân xuống ngựa, tháo yên cương, nằm dài trên mặt đất. Lúc đó mặt trời sắp lặn, Hung Nô vốn không dám tiến công, nửa đêm thì rút quân vì sợ triều đình có phục binh, nửa đêm sẽ chặn đánh. Và thế là khi trời sáng Lý Quảng và đám binh sĩ trở về binh trại an toàn. Mọi người đều biết kế "thành trống" của Gia Cát Lượng khiến cho một người đa nghi như Tư Mã Ý không dám tấn công. Tuy trong lòng Gia Cát Lượng lúc đó hoang mang cực độ, nhưng ông vẫn cố giữ bộ mặt thản nhiên khiến cho Tư Mãn Ý bị quang cảnh "thành trống giả" đánh lừa mà rút quân. Lý Quảng và hơn 100 binh mã cũng dựa vào kế này mà đẩy lui bọn Hung Nô, đó gọi là: "giả thành trống mà thắng thật".
Thương chiến này, nay cũng có nhiều thủ thuật tương tự, chẳng hạn như thoạt nhìn thì không phải là tiếp thị, nhưng kỳ thực hiệu quả lại gấp nhiều lần tiếp thị.
Công ty xe hơi Toyota rất giỏi trong việc tận dụng cơ hội để quảng cáo, tuyên truyền cho mình. Trong đó, mọi người nhớ nhất là sự kiện "hộp diêm thần kỳ".
Hai bên bàn chuyện làm ăn, thường xuyên dùng diêm đánh lửa cho nhau. Sau khi châm thuốc xong, bao diêm thường được tặng lại cho đối phương. Trên bao diêm có in tên của hãng Toyota, địa chỉ, điện thoại. Đây là quảng cáo chăng, đúng vậy. Hay nói cách khác không phải quảng cáo mà còn hiệu nghiệm hơn quảng cáo.
Không ít người có thói quen hút thuốc trong lúc vui hoặc ngược lại trong lúc đầu óc có việc suy nghĩ, lúc đó nhìn thấy hộp diêm, ấn tượng thường là rất sâu sắc. Người thiết kế ra việc "quảng cáo trên bao diêm" nói: "Đừng xem thường hộp diêm nhỏ bé bởi tác dụng nó mang lại rất lớn. Một hộp diêm có 20 que, để 10 hộp diêm ở một nơi nào đó thì tên tuổi, địa chỉ, hình ảnh của công ty sẽ được xuất hiện 200 lần ở nơi đó. Nếu cho ra 100 hộp diêm thì số lần xuất hiện đó sẽ là 2000 lần. Cách này tiết kiệm hơn nhiều so với quảng cáo mà kết quả thu được sẽ khả quan hơn. Sử dụng những hộp diêm đặc biệt này, khách hàng sẽ có cảm giác được tôn trọng.
Trên thực tế rất nhiều khách hàng từ việc nhìn thấy số điện thoại công ty trên bao diêm mới nảy ra ý định gọi điện để nghe tư vấn và thăm dò, sau đó mới đi tới quyết định mua xe. Như vậy, thoạt nhìn thì không phải là đàm phán mà thực tế lại hiệu quả như đàm phán, không phải tiếp thị mà lại như tiếp thị, không phải là tiền mà thực ra đang kiếm một khoản tiền lớn.
Có những lúc tưởng chừng như "lùi" mà thực ra lại là cách để "tiến". Ví dụ, hãng Coca Cola sau khi đưa ra một cách pha chế Coca mới liền nhận được những cơn sóng phản đối của thị trường. Nhiều khách hàng lâu năm đã quen với hương vị của loại Coca cũ, bởi nó gắn liền với sự trưởng thành của một thế hệ người Mỹ, là một bộ phận của văn hóa tinh thần, tự hào nước Mỹ. Thế là mỗi ngày công ty nhận được vô số đơn kháng nghị, hơn 1500 cuộc điện thoại bày tỏ sự phản đối.
Hiệu quả của "bước lùi" xuất hiện thì cũng là lúc mở đầu cho bước "tiến". Hãng Coca Cola tuyên bố giữ lại cách pha chế và hương vị của Coca và lấy tên là "Coca cổ điển". Đột nhiên, lượng tiêu thụ của hãng tăng lên nhanh chóng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Vậy là phương án pha chế mới đã trở thành biện pháp quảng cáo hữu hiệu cho việc tiêu thụ của hãng.