Sau khi Triều Thác chết, Viên Anh trở thành quan Thái Thường của triều đình. Khi Viên Anh với tư cách là Thái Thường đi sứ Ngô quốc, Ngô Vương muốn ông làm tướng lĩnh của Ngô Vương. Làm như vậy, đương nhiên không thích hợp, nên Viên Anh từ chối. Ngô Vương rất phẫn nộ muốn tiêu diệt ông, điều một đoàn 500 người do một đô úy đứng đầu bao vây chỗ ông ở. Khi đó tên thuộc hạ trước kia, thật trùng hợp, là tư mã trong đoàn quân bao vây ấy. Anh ta thấy Viên Anh thường ngày rất tốt mình không nên chống lại. Thế là anh ta mang toàn bộ quần áo đổi lấy hai thạch rượu. Khi đó đang lúc rét buốt, vệ sĩ, binh lính đều rét và khát, anh ta liền chuốc rượu chúng. Chẳng mấy chốc chúng đều ngủ say như chết.
Vị tư mã này nửa đêm đánh thức Viên Anh dậy, nói "ngài có thể rời đi được rồi, sáng sớm ngày mai, Ngô Vương sẽ giết ngài". Viên Anh không tin, ông không hiểu tại sao người lính này lại vượt gió rét đến để báo tin cho ông, lại còn cứu ông nữa. "Đây có phải một cái bẫy không?" Trong lúc còn chần chừ, suy tính, vị tư mã bèn nói "Tôi chính là người tư thông với hầu gái của ông trước đây". Nghe vậy Viên Anh liền nhớ ra. Ông lạy anh ta một lạy biểu thị lòng biết ơn sâu sắc. "Ở đây anh còn có người thân, làm sao tôi để liên lụy đến anh được". Vị tư mã đáp "Chỉ cần ngài đi thì tôi cũng đi, người thân tôi đã cho đi trốn rồi, ngài còn lo gì nữa?".
Nói xong anh dùng dao rạch tấm lều bạt, mỗi người chạy một hướng. Viên Anh ôm phù tiết và cờ của triều đình chạy một mạch hơn 70 dặm, đến lúc trời sắp sáng mới biết mình đã thoát khỏi nước Ngô. ông lấy một con ngựa phi về triều đình báo cáo.
Tục ngữ nói có gió xuân mới có mưa mùa hạ. Ý là anh đối xử tốt với người ta thì người ta sẽ báo đáp lại anh. Trung Quốc rất coi trọng việc đáp lễ có đi có lại. Nếu Viên Anh lúc đầu không đối xử tốt với thuộc hạ như vậy, thì vị tư mã sau này làm sao lại có thể cứu mạng ông trong lúc nguy kịch. Trên thương trường hiện nay cũng vậy. Đối xử với cấp dưới, khách hàng tốt ra sao chính là điều quan trọng để xí nghiệp của mình đi được đến thành công.
Cửa hàng Baban của Nhật có hơn 50 năm lịch sử, tổng số vốn hiện nay là hơn 8 tỉ yên. Cơ sở gồm có 82 cửa hàng nhỏ trong nước, 12 thị trường nước ngoài. Bí quyết thành công của Baban là lấy sự chân thành phục vụ khách. Tháng 9 năm 1959 bờ biển phía đông của Nhật bị bão tàn phá. Khi bão sắp kéo đến, nhiều cửa hàng đều đóng cửa. Nhưng ông chủ của Baban vẫn cùng một nhân viên đội mưa gió lái xe đến nông trường thu mua rau xanh. Có lẽ các cửa hàng đều đóng cửa nên rau xanh của dân bị ế, nhìn thấy ông chủ của Baban lặn lội mưa gió đến mua rau thì rất cảm động, bán rau cho ông với giá rẻ nhất.
Trong gió bão lái xe rất nguy hiểm, ông chủ và người nhân viên dò dẫm men theo bờ biển, gặp không biết bao nhiêu là khó khăn trên đường. Họ về đến nhà vào lúc 12 giờ hơn. Ngày hôm sau, mưa ngớt, trời hửng nắng. Các cửa hàng đóng cửa trước đó một ngày không có rau bán, thị trường hàng họ khan hiếm. Mưa bão làm hỏng hoa màu ngoài ruộng, đường sá bị tàn phá, trong ba, bốn ngày liền, rau vẫn còn hiếm.
Baban trải qua nguy hiểm mới có được nguồn hàng, có thể lợi dụng cơ hội này kiếm lời. Nhưng ông chủ vẫn cho bán rau với giá bình thường như mọi ngày, thái độ phục vụ ân cần, thành thật làm khách hàng cảm động. Tin tức nhanh chóng được truyền đi, chưa đầy vài tiếng toàn bộ thành phố đều biết.
Vài ngày sau, hết bão, nhưng rất nhiều chị em vẫn thích đến cửa hàng này mua rau, thậm chí có người còn đi đường xa đến. Sau này cửa hàng có thêm một lượng lớn khách thường nhật. Đây quả là tác dụng lớn do uy tín và lòng thành thật mang lại.
Ông trùm của tàu thuyền Hồng Kông tên là Bao Ngọc Cương, năm 1976 trên bục giảng trường đại học Havard ở Mỹ phát biểu "Kiên trì phương châm cho thuê tàu với giá thấp nhưng thời gian ký hợp đồng dài. Cố gắng giảm những rủi ro, tránh tính đầu cơ nghiệp vụ”.
Năm 1955, Bao Ngọc Cương mới bắt đầu nghề vận tải bằng thuyền, thành lập "công ty Hoàn Cầu”, đến Anh mua chiếc tàu chở hàng trọng tải hơn 8000 tấn, đã dùng 28 năm với giá 77 vạn đô la. Ông cho một công ty đường biển của Nhật thuê lại để vận chuyển than từ ấn Độ tới Nhật. Nhiều người chế giễu ông là không hiểu gì về ngành vận tải. Ông vẫn kiên trì phương châm cho thuê giá rẽ. Kết quả là năm thứ hai vì chiến tranh vận tải đường bộ Suyshi đóng cửa, tạo ra sự thịnh vượng của nghề cho thuê tàu. Vận tải gia tăng, ông kiếm được khoản tiền lớn. Ông thà cho thuê giá thấp, dài hạn còn hơn là giá cao, ngắn hạn, như thế ông lấy được lòng tin đối với khách làm ăn lâu dài. Có thời gian vận tải đường biển gặp khó khăn, cho thuê thuyền rất khó kiếm lời, thế nhưng với chính sách "thuê lâu dài", "giá thuê thấp" ông không chỉ vượt qua cửa ải đó mà còn thu về lợi nhuận. Dựa vào số lợi nhuận đó mua thêm 7 thuyền nữa.
Có thời kỳ xăng dầu trở thành mặt hàng bán chạy, những người vận chuyển xăng dầu nâng giá vận chuyển lên cao, nhưng Bao Ngọc Cương vẫn áp dụng chính sách cũ để vận chuyển cho một công ty dầu khí ở Mỹ. Năm 1973, ngành xăng dầu không hưng thịnh như trước, trong khi người khác phá sản thì ông vẫn giữ được ổn định mà lại có phần phát triển nữa.
Con mắt nhìn xa trông rộng, không ham cái lợi trước mắt đã gây cho ông nhiều tiếng thơm trong bạn hàng. Đối xử tốt với khách hàng họ sẽ đáp lại bạn nhiều hơn. Một tờ báo ở Anh viết: Bao Ngọc Cương là một người có bản lĩnh thần kỳ, thông minh và có đầu óc nhìn xa trông rộng. Bí quyết của ông là lấy "phương pháp kiếm lợi lâu dài hoàng đế trên biển". Lãi suất ngân hàng rất thấp nhưng đảm bảo uy tín lâu dài, cái uy tín này sẽ thu hút vô số khách hàng và tất nhiên tiền của sẽ cuồn cuộn như nước đổ về.