Sau vài ngày, Văn Đế không yên tâm bèn đích thân đến các doanh trại kiểm tra. Đầu tiên là đến Bá Môn, sau đến Thượng Môn, Văn Đế đi thẳng vào doanh trại, không cho báo trước. Lưu và Đồ tướng quân, mãi tới lúc biết hoàng thượng đến mới vội vã hốt hoảng nghênh tiếp. Văn Đế không trách cứ, chỉ dặn dò mấy câu rồi đi.
Sau đó xa giá của Văn Đế tiến về doanh trại Tế Liễu của Chu Á Phu. Từ xa nhìn lại, cổng doanh trại có giáp binh xếp hàng chỉnh tề, cầm đao, cầm khiên, giương cung như chuẩn bị đánh nhau. Thấy vậy Văn Đế trong bụng đã vui. Đến cổng doanh trại cho người tiên phong đưa tin xa giá hoàng thượng đến. Vệ binh canh cổng không nhúc nhích, không cho bước vào lại còn mắng rằng: "Ở đây chỉ nghe lệnh tướng quân không nghe lệnh thiên tử".
Tiên phong báo lại, Văn Đế tự mình chỉ huy quân đến cổng, doanh trại, lại bị vệ binh chặn lại. Văn Đế không biết làm gì bèn lôi phù tiết ra, đưa cho tùy tùng để chúng vào thông báo.
Sau khi tiếp sứ giả, Chu Á Phu cho mở cổng. Vệ binh tuân lệnh vừa mở cổng vừa dặn: Tướng quân có lệnh, xa giá trong doanh trại không được đi nhanh. Văn Đế nghe vậy đành cho xe chạy chậm lại. Đến trước cổng doanh, thấy Chu Á Phu ung dung ra tiếp. Ông ta mặc áo giáp, tay cắp gươm, vừa thi lễ vừa nói: "Mặc áo giáp không quỳ được, làm chậm xa giá, mong bệ hạ thứ tội”. Văn Đế cảm động trước sự nghiêm túc và hết lòng trong trị binh của ông bèn quay người, tay vịn vào thành xe đáp lễ, cho người truyền lệnh: "Hoàng đế kính lão tướng quân", Chu Á Phu dẫn toàn bộ binh lính, sắp hàng hai bên khom lưng cảm tạ.
Văn Đế lại dặn dò đôi câu rồi trở về. Chu Á Phu không tiễn. Sau khi xe đi xa, cổng doanh trại đóng lại, như chưa có chuyện gì xảy ra.
Trên đường đi Văn Đế nghĩ "Đây mới đúng là tướng quân, Tướng ở Bá Môn, Thượng Môn thật không sao bì được. Nếu như địch tấn công, chẳng phải dễ dàng bị bắt sao? Nghiêm khắc, cẩn trọng như Chu Á Phu mới gọi là không có lỗ hổng”.
Khi tướng quân đã nhận lệnh chỉ huy, toàn bộ phải tuân theo quy định của quân đội. Doanh trại của Lưu Lễ và Đồ Lịch ra vào tùy tiện, như thế là không tuân theo quy định. Bất kể là ai khi muốn vào cũng phải cẩn trọng như Chu Á Phu vậy. Khi tướng tại ngoại, quân vương có lệnh cũng không nghe, tất cả chỉ nghe tướng quân. Chỉ có như vậy khi lâm trận người chỉ huy mới có hiệu lực, có quyền lực và mới tùy cơ ứng biến, đánh thắng được. Trên thương trường ngày nay, nếu có trường hợp tương tự, nên mạnh dạn tin vào người phụ trách ở nơi xa, để cho họ có quyền xử lý các trường hợp cần kíp, như thế mới đảm báo thành công trong những thời điểm quyết định.
Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty thực nghiệp Quang Đại Trung Quốc tên Vương Quang Anh nổi tiếng là một nhà yêu nước. Có lần trong đống tài liệu ông phát hiện ra có kế hoạch chuyển nhượng một số xe ô tô, nhưng cỡ và số lượng, giá cả nơi sản xuất thì không ghi rõ. Ông nghĩ rằng phải nhanh chóng nắm lấy cơ hội này. Ông lập tức cử người đi điều tra nguồn tin. Đây là hàng của một công ty khai quặng sắp phá sản. Chủ nhân vừa mua một lượng lớn các xe hiệu "Đạo Kỳ, Bôn Trì" của Mỹ, Đức... tổng cộng 1500 chiếc. Để lấy tiền bù vào công nợ, chủ nhân quyết định đem chúng bán đấu giá. Lúc đó các thương gia của Hương Cảng, Trí Lợi và một số nước khác cũng biết tin này. Lúc đó Vương Quang Anh tổ chức một bộ phận nhân sự đi mua xe. Ông nhanh chóng tìm ra một số nhân viên kỹ thuật và nghiệp vụ, cho họ toàn quyền quyết định trước khi đấu giá, khích lệ họ: "Tướng ở ngoài, không cần nghe lệnh vua, tin tưởng vào họ nhất định vì công ty, vì tổ quốc sẽ thắng trong vụ này”.
Đó quả là thời điểm gấp gáp, sau khi nhận nhiệm vụ bộ phận này hỏa tốc lên đường, họ tạo mối quan hệ với chủ doanh nghiệp trước. Sau đó họ đến hiện trường, xem kỹ từng chiếc xe, sau khi xác định chất lượng xe rất tốt họ tổ chức một cuộc đàm phán gấp với chủ doanh nghiệp. Trong đàm phán họ vừa khôn khéo, kiên quyết, sau cùng thỏa thuận: 1500 chiếc xe tải trọng lượng từ 7 - 30 tấn bán lại toàn bộ cho công ty thực nghiệp Trung Quốc - Quan Đại với giá bằng 38% giá ban đầu. Thành công này mang lại cho công ty 2500 vạn đô la. Nếu Vương Quang Anh không nhạy bén, đặt niềm tin ở nhân viên, không giao quyền để họ tự tìm cách và quyết định mọi việc thì chắc không có thành công này. Có thể thấy lòng tin vào người của mình dù họ đang công tác ở xa và sự nghi ngờ vào nhân viên của mình bao giờ cũng cho những kết quả đối lập, thú vị.