Bất luận sự ghi chép trên có đáng tin cậy hay không nhưng việc Doanh Chính gọi Lã Bất Vi là "trọng phụ” lại là sự thật. "Trọng phụ” nghĩa là gì? Nói chung, "trọng phụ” chỉ đứng sau phụ thân, có nghĩa là "thúc phụ”. Nhưng thời Xuân Thu, Tề Hoàn Công cũng từng tôn Quản Trọng là "trọng phụ”, ở đây có nghĩa là "phụng sự như cha" vị đại thần mà đế vương tôn kính. Vậy "trọng phụ” nghĩa là gì? Có lẽ cả hai ý nghĩa trên đều có một chút.
Năm Doanh Chính 21 tuổi, Lã Bất Vi cho xuất bản cuốn “Lã Thị Xuân Thu” do tập thể các thực khách dưới quyền ông ta biên soạn và do Lã Bất Vi xét định chủ biên. Lúc đó, ông ta hạ lệnh treo bộ sách này ở cửa thành Hàm Dương và tuyên bố "Ai có thể thêm hoặc bớt một chữ sẽ được thưởng 1000 lạng vàng". Điển cố "một chữ 1000 vàng" có lẽ ra đời từ đó. Nói thực, bài văn, tác phẩm nổi tiếng hay hơn thế này muốn sửa một chữ cũng có thể làm dễ dàng. Nhưng sau khi “Lã Thị Xuân Thu” được công bố, không có một ai dám đến sửa; có thể thấy ý nghĩa sâu xa của lệnh này không phải là muốn mọi người thật sự đến sửa chữa, chẳng qua chỉ muốn thể hiện một uy thế: Ai dám đến động vào chữ? Với uy thế này, Lã Bất Vi nói trong lời tựa của cuốn sách là ông ta trực tiếp học cách dạy bảo hoàng đế của Chuyên Húc trong truyền thuyết lịch sử, muốn Doanh Chính nghe theo sự dạy dỗ của mình. Dựa vào cái gì vậy? Có thể là dựa vào địa vị đặc biệt - "trọng phụ” - của ông ta chăng?
Nhưng với tính cách của mình, Doanh Chính không hy vọng bất kỳ một người nào bằng bất kỳ danh nghĩa gì can dự vào việc chấp chính một mình của ông ta. Doanh Chính từ nhỏ đã lớn lên trong hoàn cảnh lưu lạc cùng khốn, phiêu bạt nơi đất khách quê người, nếm đủ những cái nhìn khinh bỉ của người khác, sau khi lớn lên trở về nước lại chịu ảnh hưởng của tư tưởng thống trị mà nước Tần áp dụng từ biến pháp Thương Hưởng đến nay - "đồ gốm đen" của tư tưởng pháp gia khiến ông ta rất sùng bái vai trò của quyền lực và uy lực chính trị. Thử nghĩ xem, ông ta làm sao có thể dễ dàng chấp nhận để Lã Bất Vi chỉ bảo ông ta từng tí một từ sau lưng, nói ba nói bốn? Thế là, mâu thuẫn giữa hai người đã công khai nổ ra từ sau lễ lên ngôi của Doanh Chính năm 22 tuổi.
Ngòi nổ của sự việc bắt đầu từ một tin tức xấu xa trong cung điện. Nghe nói, mẹ của Doanh Chính - vị mỹ nhân tuyệt sắc năm đó - có quan hệ tư thông trong thời gian dài với Lã Bất Vi. Cùng với sự lớn lên từng ngày của Doanh Chính, Lã Bất Vi sợ bị phát hiện, liền tìm một thái giám giả tên là Lao ái thay thế mình. Việc tư tình giữa Lao ái và Thái hậu ngày càng sâu sắc, thế lực cá nhân của Lao ái cũng ngày càng bành trướng. Doanh Chính lên ngôi tự mình chấp chính, Lao ái để bảo vệ lợi ích hiện có của mình, phán đoán sai tình thế, phát động một cuộc binh biến nhằm lật đổ Doanh Chính. Không ngờ Doanh Chính đập tan cuộc binh biến một cách không nương tay.
Sự việc bại lộ, Doanh Chính trước sự gian tình của Thái hậu và Lao ái, nổi giận lôi đình. Nhân dịp này tiến hành truy cứu, cuối cùng điều tra ra Lã Bất Vi cũng dính dáng đến việc này.
Vốn là mâu thuẫn giữa hai người trong việc tranh đoạt quyền lực đã rất gay gắt. Nay có đầy đủ lý do đánh bại đối phương, Doanh Chính lẽ nào lại chịu để yên? Ông ta lập tức gửi thư cho Lã Bất Vi nói rằng: "Nhà ngươi có công lao gì với nước Tần mà được hưởng thuế tô của 10 vạn hộ? Ngươi có quan hệ thân thuộc gì với tông miếu nước Tần mà được tôn làm "trọng phụ”? Và ra lệnh cho Lã Bất Vi lập tức đi đày ở Ba Thục.
Lã Bất Vi thấy vị thế đã mất, đành uống thuốc độc tự vẫn.
Nắm được điểm yếu của đối phương, lợi dụng cơ hội đánh đổ triệt để, thẳng tiến đến thắng lợi. Đây là một mưu kế thường thấy trong đấu tranh chính tri thời cổ. Tính quyết liệt của nó là do tính tàn khốc của bản thân cuộc đấu tranh chính trị quyết định. Tính quyết liệt trong thương trường thời hiện đại so với cuộc đấu tranh chính trị thời cổ e rằng còn gay gắt hơn. Vì vậy, biện pháp nhân cơ hội đánh vào điểm yếu, dồn sức đánh đối thủ, hiệu quả của nó quyết không thua kém sự lợi hại mà Doanh Chính giành cho Lã Bất Vi.
Năm 1874, nước giải khát Coca Cola nổi tiếng thế giới ra đời ở Mỹ. 12 năm sau, một loại nước giải khát khác là Pepsi Cola vừa bước ra thị trường đã giành được danh tiếng, trở thành đối thủ mạnh của Coca Cola. Từ đó, hai hãng sản xuất cạnh tranh với nhau, quyết liệt đến nỗi không phân giải được. Cho đến hôm nay tình hình vẫn không thay đổi.
Lúc đầu, sự cạnh tranh giữa hai bên chỉ là về phương diện giá cả. Kết quá, cạnh tranh mấy chục năm, Pepsi Cola không ngừng hạ giá, nhưng cuối cùng vẫn không địch nổi với Coca Cola.
Tổng giám đốc Kendall một ngày bỗng nghĩ ra, muốn làm cho Pepsi Cola vượt qua được Coca Cola, chỉ có thể nhờ vào suy nghĩ của công chúng, tự nhiên thay đổi cách nhìn đối với Pepsi Cola. Muốn mọi người tự nhận thức được thì Pepsi Cola phải mạnh hơn Coca Cola. Chỉ có như vậy, Pepsi Cola mới có thể thành công. Nhưng Coca Cola đã có một vị trí vững chắc không dễ lung lay từ trước trong ấn tượng của mọi người, làm sao có thể làm cho mọi người thay đổi? Xem ra, đối với thế hệ đi trước đã không còn có hy vọng gì, chỉ có thể hướng tầm nhìn vào thế hệ thanh niên, xây dựng hình tượng một Pepsi Cola mạnh hơn Coca Cola trong suy nghĩ của họ. Đó chính là thành tựu phi thường. Thanh niên mãi mãi là hy vọng của nhân loại, chỉ cần trong trái tim các thế hệ thanh niên có Pepsi Cola thì không lo không thắng được Coca Cola. Thế là cuộc chiến quảng cáo rầm rộ bắt đầu.
Đầu tiên, họ đưa ra hình tượng thị giác đẹp nhất của Pepsi Cola trong quảng cáo đại chúng - một thanh niên với tư thế oai hùng hiên ngang vừa phóng xe nhanh như chớp, vừa uống Pepsi Cola. Quảng cáo của họ dày đặc những lời hứa mang tính cổ động "Pepsi Cola là đồ uống ưa thích của người trẻ tuổi, phàm là những người trẻ tuổi không thể không uống Pepsi Cola", "Nào, bạn là thời đại mới của Pepsi Cola".
Sau đó họ lại đưa quảng cáo Pepsi Cola bước lên tầm cao mới nhờ vào hiệu ứng danh nhân. Trước tiên là mời những nhân vật nổi tiếng trên thế giới, ví dụ ngôi sao Sukelin, mời thành công cựu thủ tướng Liên Xô Khrisep nâng cốc Pepsi Cola. Tiếp theo họ lại mời ứng cử viên chức phó tổng thống nước Mỹ, một nhân vật nổi tiếng bà Flalo quay một đoạn quảng cáo quy cách cao cho Pepsi Cola.
Sau khi Pepsi Cola nghiên cứu chế tạo ra phương pháp pha chế mới, họ tiến hành so sánh khẩu vị hỗn hợp của hai loại nước giải khát. Các nhà sản xuất để khách hàng nhắm mắt uống thử Pepsi Cola và Coca Cola. Kết quả, phần lớn mọi người đều nói thích uống Pepsi Cola.
Những thủ đoạn mới này đã làm cho lượng tiêu thụ của Pepsi Cola và Coca Cola có sự thay đổi rất lớn. Thập kỷ 50, lượng tiêu thụ của hai hãng Pepsi Cola và Coca Cola là 1 so với 5, đến thập kỷ 60 thì ngược lại, 2,5 so với 1. Hãng Coca Cola lâu nay không cho là như vậy đã bị vỡ thế trận, họ thật sự cảm thấy "sói đã đến". Nhưng họ ngăn cản không nổi. Cuối cùng, một hôm họ đã đưa ra thông báo hãng Coca Cola quyết định thay đổi cách pha chế truyền thống. Biện pháp này ý là muốn đổi mới tốt hơn, đến với công chúng bằng tư thế mới. Không ngờ, nó lại trở thành cơ hội tốt để Pepsi Cola đánh bại địch thủ của mình.
Chủ nhiệm bộ phận tiêu thụ quốc tế của công ty Pepsi Cola Anlike liền cho đăng một bài phát biểu trên báo nói rằng. "Sau 87 năm cạnh tranh không nhường nhau một bước, hai hãng cuối cùng đành phải giương mắt nhìn. Hãng Coca Cola tung ra thị trường sản phẩm của mình, thay đổi cách pha chế để sản phẩm tiếp cận được với Pepsi Cola. Không còn nghi ngờ gì nữa đây là do những thành công từ trước đến nay Pepsi Cola đạt được trên thị trường đem lại..." Mọi người đều biết, nếu một vật mà không xảy ra sự cố gì thì không cần phải tiến hành bất kỳ sự thay đổi nào". Sau đó Anlike cho xuất bản cuốn sách "Kẻ khác đang giương mắt nhìn".
Lợi dụng cơ hội đánh vào điểm yếu, đánh cho đối phương trở tay không kịp, khiến cho lòng dạ chúng đại loạn. Doanh Chính nhờ thế mà đánh bại Lộ Bất Vi, hãng Pepsi Cola nhờ vào điểm yếu của Coca Cola nên giành được nhiều địa bàn và thị trường.