Mưu Hèn Kế Bẩn Nơi Công Sở

KẾ BẨN SỐ 10

GỬI E-MAIL CHO THƯỢNG ĐẾ

Dùng e-mail để làm nhục hoặc gây sức ép với người khác. Thường thì những e-mail buộc tội này được gửi từ các đồng nghiệp, bao gồm cả thông tin đúng lẫn sai, đồng thời còn được gửi kèm cho sếp, giám đốc, khách hàng, nhà cung cấp v.v…

Đây là cách dùng e-mail để công khai làm nhục hay gây sức ép tới người khác, thường thì nó có dạng một e-mail buộc tội, khiển trách từ một đồng nghiệp, nhưng cũng được gửi kèm cho cấp trên, những nhân vật cộm cán thuộc ban giám đốc, khách hàng, thậm chí cho cả nhà cung cấp, để những người quyền lực trong tổ chức đều thấy được sự yếu kém của người kia.

Những kẻ cáo già trong chính trường kinh tế hiểu rõ điều này và luôn cẩn thận hết mức nhằm đảm bảo những e-mail họ gửi hay những hồi đáp của họ sẽ không chống lại bản thân sau này, nhưng cũng thật ngạc nhiên, nhiều người vẫn sai, hoặc xử lý vấn đề không mấy hiệu quả khi bị dính phải những email chơi bẩn. Rất nhiều kẻ sống sót xác nhận, người ta hung hãn hơn trong ngôn ngữ, nội dung thông điệp và phong thái khi giao tiếp qua e-mail khi trò chuyện trực tiếp, mặt đối mặt với nhau.

Do e-mail không thể chuyển tải cảm xúc – yếu tố hỗ trợ thông điệp – nên chuyện hiểu lầm và hồi đáp kém hiệu quả xảy ra như cơm bữa. Những chú cừu non chính trị nơi công sở bất cẩn, hoặc những tay chẳng có mấy xúc cảm rất hay hấp tấp và hung hãn trong buộc tội và đả kích người khác qua e-mail, mà không thèm suy nghĩ cho thấu đáo.

Trải nghiệm của nhiều người trong trò chơi này là lời buộc tội đó đúng hay sai, những yếu tố trong câu chuyện có bị thổi phồng lên hay không cũng chẳng vấn đề gì, bởi lẽ những e-mail như vậy chỉ khiến người ta thấy mục đích chính của nó là phá hoại chứ chẳng phải để giải quyết nan đề. Những kẻ phá hoại ham mê thủ đoạn này cũng biết rằng, khi đã đưa ra lời buộc tội, bất kể độ chính xác hay sự thật thế nào, và bất chấp bênh vực của dư luận ra sao, kiểu gì cũng có người bị mang tiếng và thanh danh theo đó cũng bị hủy hoại. Một khía cạnh khó ngửi nữa của trò bẩn này chính là cách mào đầu có thể “câu” mấy người ngoài cuộc tham gia vào câu chuyện, khiến cho sự vụ như lửa đổ thêm dầu và kích động thêm những trò lôi kéo, bẩn bựa nơi công sở vốn đã rối mù, khi các nhà quản lý trực tiếp hay các giám đốc nhảy vào và tung đòn. Tất cả những điều trên chẳng đóng góp gì cho tiến bộ hay thành công trong công việc của cả tổ chức, chúng chỉ là những “mưu ma chước quỷ” chính trị nơi công sở vô dụng.

Nếu muốn phát triển và thúc đẩy hiệu quả kinh doanh, chúng ta phải bài trừ những trò bẩn này ngay lập tức!

Qua câu chuyện ở trên, đòn khơi mào của kẻ châm ngòi chiến tranh thường là những lời khiển trách hay hạ nhục người khác, và e-mail đáp trả của người bị hại luôn là buộc tội ngược và trách mắng lại. Cách này cũng được coi như một lời kêu cứu khéo léo tới những người ngoài cuộc có chức có quyền. Những nhân vật thiếu quyết đoán thường dùng e-mail để gửi tới các vị thần, mà thực ra có thể chỉ là các hung thần, những lời kêu cứu, và chỉ trầm trọng hóa vấn đề hơn mà thôi.

Biến thể của thủ đoạn này là gửi Bcc cho người nhận. Phần vui nhất của trò chơi là khi người nhận thư chọn chức năng trả lời tất cả, toàn bộ các địa chỉ được ẩn trước đó, và sự man trá trong việc này đều sẽ bị hiển thị. Chuyện ngoài ý muốn này đã xảy ra ở nhiều công ty lớn. Cẩn thận đấy!

KẾ BẨN NÀY ĐE DỌA GÌ ĐẾN TỔ CHỨC

Cảnh báo về lợi nhuận – điều này đe dọa thế nào tới lợi ích của tổ chức?

Ảnh hưởng ở đây là máy chủ, băng thông của bạn sẽ bị nghẽn với những e-mail và tệp đính kèm không cần thiết. Bạn cũng phải luôn lưu tâm đến những ảnh hưởng bất lợi mà trò này gây ra. Mọi người còn làm được gì để phát triển những giá trị cốt yếu của tổ chức nữa?

Độ mẫn cảm của tổ chức – công ty sẽ điêu đứng ra sao với những hành vi này?

Chịu áp lực bởi kết quả, cố gắng lôi kéo người khác bằng những e-mail có sức cám dỗ rất lớn. Ở đây có ai không phải hứng chịu chuyện này không? Có bạn nào ở đây nhận được những e-mail như thế mà không hồi âm không?

Đe dọa văn hóa – điều này ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp và tinh thần nhân viên như thế nào?

Trò này không đe dọa nghiêm trọng gì đến văn hóa doanh nghiệp nếu nó không trở nên ác ý và những người bị lôi kéo không nhúng tay vào. Tuy nhiên, lạm dụng e-mail thực sự gây nguy hiểm cho truyền thông nội bộ lành mạnh các công ty.

Tỷ lệ rủi ro của kẻ chơi bẩn – mức độ rủi ro và khả năng bị vạch trần là bao nhiêu?

Bị vạch mặt là kết quả chắc chắn khi chính tay bạn thực hiện trò này. Chưa cần cuốn sách này trở thành một cuốn bestseller, thì tất cả mọi người cũng nhanh chóng nhận ra việc bạn đang làm và lòng tôn trọng họ dành cho bạn cũng theo đó mà vỡ tan như bong bóng xà phòng.

Cảnh báo về an nguy cho nạn nhân – nạn nhân có thể gặp phải những rủi ro nào khi kế bẩn được tung ra?

Bị buộc tội trước bàn dân thiên hạ theo kiểu này hẳn cũng ê chề lắm. Việc cân nhắc ngôn từ cẩn thận khi hồi đáp cũng choán hết thời gian làm việc khác của bạn mất rồi. Nếu bạn cắn câu, nhân số điểm nạn nhân với số điểm mạo hiểm của kẻ chơi bẩn, bạn sẽ thấy mình đang trên bờ vực thất bại.

THUỐC GIẢI CHO KẾ BẨN SỐ 10

Bạn có thể chặn trò này bằng e-mail, nhưng chúng tôi tha thiết đề nghị, bạn nên cố gắng hết mức có thể để nói chuyện với họ mặt đối mặt, hoặc tệ lắm cũng phải qua điện thoại. Gửi e-mail tới Thượng đế là một chiến lược hung hãn để gây ảnh hưởng, và sức mạnh của việc đối thoại trực tiếp lại nằm ở chỗ, bất kỳ ai tham gia trò chơi này đều trông đợi bạn trả đũa hoặc đầu hàng với cùng kênh giao tiếp với họ. Họ chỉ chầu chực bạn hạ thấp mình nổ súng cho “cuộc chiến e-mail” mà họ sẽ vin vào cớ đó để gây trở ngại cho bạn sau này. Nhớ nhé, “lời nói gió bay” còn “bút sa gà chết”, e-mail có thể sẽ bị lấy làm bằng chứng chống lại bạn đấy.

Trở lại với tình huống trên, cứ qua mỗi e-mail, gạch đá họ ném nhau lại nhiều hơn một ít, cứ như thế cho đến khi một người “rửa tay” (nhưng chưa hẳn đã gác kiếm). Người ta làm như vậy với cố gắng khiến đối phương thêm xấu hổ và cố mồi chài sao cho những người hậu thuẫn chú ý và đứng về phía họ

Gặp mặt trực tiếp, hoặc nói chuyện qua điện thoại, chứng minh sự tự tin và uy lực cá nhân, ngay cả khi bạn không cảm thấy có thiện chí giải quyết vấn đề chuyên nghiệp. Điều này mang lại lợi thế tinh thần cho bạn, và nếu bạn có thể quyết đoán (ví dụ như bảo vệ vị thế mà không cần phải xâm phạm quyền của họ), bạn sẽ tăng cơ hội thành công lên đáng kể. Chúng tôi cũng khuyên bạn nên gặp họ trên “sân khách” và coi như không phải hẹn hò công việc. Bằng cách này, bạn cho họ thấy sự tự tin và mong muốn được hành động nhanh chóng, dứt khoát của mình. Vì bất ngờ, có thể họ chưa kịp trở tay để dùng các phương án dự phòng, hoặc tung các chiêu khác.

Khi chuẩn bị, chú ý cảm xúc của bạn trước tình hình này và hãy cam kết với chính mình dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, bạn vẫn phải điềm tĩnh, tập trung và không được để cảm xúc làm lu mờ thông điệp cần chuyển tải. Hãy nhớ, cãi vã kịch liệt chỉ tổ mua thêm rắc rối và khiến cơ hội thành công bị đẩy xuống mức thấp hơn. Nếu họ nổi cơn tam bành, đập bàn, quát tháo, chửi thề và la hét, nhưng bạn vẫn bình chân như vại và tập trung, dù cho còn chuyện gì khác xảy ra đi nữa, thì bạn sẽ bảo toàn được danh dự và lòng tự trọng của mình.

Trước khi tới gặp họ, bạn phải làm rõ quan điểm và lập trường. Đọc kỹ các e-mail, chú ý những từ ngữ về sự bất mãn họ dùng và đối phó cho phù hợp. Có thể viết ra những ý chính cần nói để trình bày rõ ràng hơn. Dùng những câu hỏi với đầy uy lực mà chúng tôi sẽ đưa ra sau đây để tăng thêm cơ hội về một cuộc đối thoại hiệu quả.

Khi soạn xong thông điệp, hãy tìm một người bạn tin cậy và một góc yên lặng nào đó và tập nói thật to! Đây không phải trò chơi nhập vai, mà là tập dượt cho đời thật, cho tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” đang đòi hỏi tất cả kỹ năng và sự chuẩn bị của bạn. Hãy chia sẻ với bạn bè trước khi bắt đầu vì bạn sẽ cần những phản hồi từ họ. Hãy nhờ họ chú ý sự rõ ràng trong thông điệp bạn chuẩn bị và hỏi họ về cách bạn thể hiện. Nhớ nhé, bạn cần phải đàng hoàng, đĩnh đạc chứ không phải là hung hăng. Giờ hãy đi gặp kẻ đang chơi trò bẩn vẫn nghĩ rằng hạ nhục người khác qua e-mail là cách hữu hiệu để ứng phó hiệu quả với các mối quan hệ làm việc kia đi!

NHỮNG CÂU HỎI CẦN NÊU RA

– Anh nghĩ gì khi gửi những e-mail này?

– Tình hình đã thay đổi thế nào khi những e-mail của anh được gửi đi?

– Anh trông chờ điều gì khi gửi e-mail này cho cả sếp tôi, sếp anh, v.v…?

– Anh nghĩ chuyện này sẽ ảnh hưởng gì tới những nhân vật được anh gửi cùng như thế?

– Anh nghĩ thế nào về tình hình thực tế lúc này?

– Kết quả lý tưởng anh muốn nhận được từ tình trạng này là gì?

– Chúng ta nên làm gì để tránh việc này xảy ra lần nữa?

Tin tốt là, nếu bạn đủ mạnh dạn để đối đầu với trò bẩn này một cách thích hợp, mọi người sẽ ghi nhận kỹ năng chính trị nơi công sở của bạn, họ sẽ hiểu rằng cần phải suy nghĩ kỹ càng trước khi gửi e-mail tới các “hung thần” một lần nữa. Khi giải quyết được chuyện này một lần, bạn sẽ tự tin hơn và vấn đề này gần như không còn xuất hiện với bạn nữa, và bạn có thể chuyên tâm vào những việc quan trọng hơn.

Mẹo vặt

TẬP DƯỢT

Đằng sau những buổi diễn tuyệt vời là những ngày đổ mồ hôi sôi nước mắt cho tập luyện. Những vận động viên đẳng cấp, những minh tinh màn bạc, và cả những chính trị gia lão luyện đều hiểu rõ sức mạnh và tầm quan trọng của tập dượt. Buổi biểu diễn hoàn hảo không thể chỉ do may mắn, đó là sự thể hiện một cách tự nhiên những kỹ năng đã được tập luyện và tập dượt hàng trăm lần để đạt đến sự hoàn hảo. Hy vọng đối mặt với phái Gian hùng chỉ thành công khi bạn đã nỗ lực rèn luyện hết mình.