1. Kết Nghĩa Kim Lang
Thời Đông Châu tại Dương Thành có một sơn cốc (khe núi). Do núi cao khe sâu, rừng rậm nước nhiều, suốt ngày khói mây bao phủ, đâu đâu cũng nghe có tiếng chim hót vượn kêu, lại do nó cách xa thành thị, rất ít người lui tới, trùm kín một bầu không khí thần bí, nên người ta đặt tên nó là Quỷ Cốc. Trong sơn cốc này có một lão tiên sinh, râu tóc bạc phơ, nhưng da dẻ hồng hào, tài học cao sâu, được mọi người gọi là Quỷ Cốc Tử.
Quỷ Cốc Tử đi vân du khắp trong thiên hạ, không muốn ra làm quan. Khi tới sơn cốc này, ông thấy cảnh trí u tịch, xinh đẹp hấp dẫn, bèn đốn cây làm nhà, rồi sống luôn tại đây, chuyên tâm lo dạy môn đồ để bồi dưỡng nhân tài hữu dụng cho xã hội. Trong số học sinh có Tô Tần, Trương Nghi, Tôn Tẩn, Bàng Quyên, đều là những nhân vật nổi danh trong lịch sử. Đúng là thầy giỏi thì có môn đồ tài ba.
Vào buổi chiều của một mùa Hè, ánh thái dương chênh chếch đang soi sáng khắp cả vùng sơn cốc. Trên núi cũng như dưới núi cây cỏ xanh um, trăm hoa đua nở. Trên con đường dốc tại đây có hai người đàn ông tuổi chừng ba mươi đang từ trên đi xuống. Trên vai của mỗi người đều có gánh một cặp thùng còn trống không, đi về hướng bờ suối nằm trên sườn núi. Một luồng gió nhẹ lùa qua khuôn mặt đang đầm đìa mồ hôi của họ, làm cả hai đều cảm thấy rất phấn chấn. Người đi trước có làn da trắng trẻo, hơi gầy, quay về người da ngăm đen, râu quai nón, thân hình cao lớn hơn đang đi ở phía sau, nói:
- Này Bàng Quyên, hãy đi nhanh lên một tí nào, cậu đang suy nghĩ gì thế?
Bàng Quyên đáp:
- Tôi theo kịp anh ngay! Tôi theo kịp anh ngay! Này Tôn Tẩn, chân anh ngắn hơn chân tôi, thì tại sao anh lại đi nhanh hơn tôi như vậy?
Tôn Tẩn tươi cười, hỏi ngược lại:
- Thế chân anh dài hơn chân tôi, vậy tại sao anh lại đi không kịp tôi vậy?
Bàng Quyên hít mạnh vào một hơi, nói:
- Này, chúng ta đến đây học hỏi đã ba năm rồi, hiện giờ tôi muốn hạ sơn để đi tìm công danh phú quý.
Tôn Tẩn nói:
- Gấp chi chuyện đó? Sư phụ còn rất nhiều tài năng mà chúng ta vẫn chưa học được kia mà.
- Chuyện học mênh mông như biển, biết đâu là bờ bến, vậy học bao giờ mới hết được? - Bàng Quyên có vẻ rất đắc ý, ngước mặt lên cao nói tiếp - tôi đã học xong binh pháp, chuyên nghiên cứu về cách đánh địch để thủ thắng, tấn công chiếm lĩnh thành trì và đất đai. Như vậy cũng đủ cho tôi trở thành một tướng quân, một vị nguyên soái chỉ huy mấy mươi vạn binh mã rồi.
Hai người đã đi tới bờ suối, ai nấy đều múc đầy hai thùng nước suối trong, rồi cùng gánh lên vai đi trở về. Vì đường trở về là đường lên dốc, trên vai lại có hai thùng nước rất nặng, nên họ không còn đi thoải mái như lúc từ trên đi xuống nữa. Chiếc áo dài của hai người đã ướt đẫm mồ hôi, hơi thở hổn hển. Tôn Tẩn nói:
- Chúng ta hãy để xuống nghỉ một chốc đi nào!
Bàng Quyên nghe thế, liền để gánh nước xuống, rồi tới một gốc cây tòng cổ thụ ngồi bẹp lên mặt đất, nói:
- Đói bụng rồi, vậy chúng ta hãy đi tìm hái quả rừng ăn trước đã.
Tôn Tẩn cũng đặt gánh nước xuống đất, nói:
- Anh hãy ngồi nghỉ đi, tôi biết trèo cây, vậy để tôi đi hái quả.
Trong Quỷ Cốc đâu đâu cũng có rất nhiều cây rừng có quả ăn được. Mùa này lại là mùa trái cây chín, nên Tôn Tẩn nhanh nhẹn trèo lên cây chọn hái những quả ngon. Ông dùng vạt áo dài của mình để bọc đầy những quả đào, quả hạnh chín đỏ, đi tuột xuống, vui vẻ đi tới trước mặt Bàng Quyên, đổ ào lên mặt đá bao nhiêu là trái cây đã hái được. Đấy là những quả đào quả hạnh chín mọng. Chúng lăn lông lốc trên mặt đá sạch. Bàng Quyên nhìn thấy đã thèm rỏ dãi, chụp ngay quả đào to nhất đưa lên miệng.
- Khoan đã? - Tôn Tần ra hiệu ngăn lại không cho Bàng Quyên ăn.
- Thế nào? Bộ anh tiếc rẻ những trái cây này, không muốn cho tôi ăn hay sao?
- Không phải tiếc rẻ, mà chúng ta nên chọn những quả to nhất mang về dâng lên cho sư phụ.
Bàng Quyên bĩu môi, có ý không tán thành, nói:
- Những trái cây rừng này cũng không phải là vật chi quý, vậy cần chi phải làm thế?
Tôn Tẩn nói:
- Sao lại nói như vậy? Sư phụ là sư phụ. Một ngày là thầy của chúng ta, thì phải được xem là cha của chúng ta suốt đời. Kẻ làm đệ tứ bất luận làm chuyện chi, trong lòng bao giờ cũng phải nhớ tới sư phụ.
- Như vậy...
Bàng Quyên tuy bề ngoài có vẻ đồng tình, nhưng trong lòng thì chưa tâm phục. Ông ta không cắn quả đào đã đưa lên sát môi mà đặt nó trở xuống.
Tôn Tẩn chọn năm quả đào và năm quả hạnh to nhất để lại xong, hai người mới bắt đầu ăn ngấu nghiến. Chờ khi ăn quả đến no, họ lại cùng gánh hai gánh nước lên đường trở về. Tôn Tẩn đi trước, chẳng mấy chốc đã bỏ rơi Bàng Quyên ở lại phía sau thật xa. Ông quay đầu ngó lại, nói:
- Này Bàng Quyên, đi nhanh lên một tí nào!
Bàng Quyên có thân hình to béo, bình thường chỉ biết lo học hành, thiếu vận động cơ thể, nên thể lực không được dẻo dai như Tôn Tẩn. Ông ta lên tiếng đáp:
- Ôi chao! Gánh nước này nặng quá. Vậy để tôi đổ bớt nước ra được không?
- Không nên! Không nên! - Tôn Tẩn vội vàng để gánh nước xuống, nói tiếp: Anh hãy nghỉ tại chỗ đi, để tôi gánh thay cho.
Nói dứt lời, Tôn Tẩn quay trở lại gánh giúp gánh nước cho Bàng Quyên, để ông ta đi không theo phía sau. Cả hai đi được một đoạn đường, Tôn Tẩn mới trao gánh nước lại cho Bàng Quyên. Bàng Quyên cảm động nói:
- Này bạn, anh đúng là người lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ cho người khác, để lấy đó làm niềm vui.
Với phương pháp gánh thay từng đoạn đường như trên. Tôn Tẩn đã trở đi trở lại ba lần gánh giúp cho Bàng Quyên qua một đoạn đường lên dốc khá xa. Khi họ đi hết đoạn đường dốc, và lên đến một khu vực tương đối bằng phẳng, thì cách chỗ ở không còn xa nữa. Bàng Quyên bỗng nói:
- Tôn Tẩn, anh thật tốt. Tục ngữ có câu, ở nhà nhờ cha mẹ, ra ngoài nhờ bạn bè. Theo tôi, chúng mình nên kết nghĩa làm anh em khác họ, vậy anh bằng lòng không?
- Tốt lắm!
Tôn Tẩn đồng ý ngay, thế là hai người bẻ nhành cây làm cây nhang, lấy trái cây rừng làm lễ vật để cúng, rồi quỳ xuống đất ngó lên trời cao, cùng lạy tám lạy. Xong, họ cùng to tiếng thề:
- có trời cao chứng giám, chúng tôi là Tôn Tẩn và Bàng Quyên, hôm nay bằng lòng kết nghĩa làm anh em khác họ. Tôn Tẩn lớn hơn một tuổi nên làm anh, Bàng Quyên nhỏ hơn một tuổi nên làm em. Từ nay về sau, chúng tôi có phước cùng hưởng, có khó khăn cùng chịu, đôi bên giúp đỡ lẫn nhau, nắm tay cùng tiến bước lên con đường đời. Ai làm trái thì sẽ bị trời đánh, lửa thiêu, chết không tốt lành.
- Ồ! Hai người làm gì ở đây vậy?
Bỗng có một giọng nói to từ sau lưng vọng đến. Hai người quay sang mặt nhìn, thầy Quỷ Cốc Từ, sư phụ của họ, râu tóc bạc phơ, tay chỏi gậy đầu rồng từ xa bước tới. Tôn Tẩn vội vàng cúi mình thi lễ, rồi nói rõ sự thật cho sư phụ nghe:
- Kính bẩm sư phụ, đệ tử Tôn Tẩn cùng với Bàng Quyên đi xuống núi để gánh nước trở về, trong khi tạm nghỉ, chúng con cùng lạy trời đất kết nghĩa làm anh em khác họ.
Quỷ Cốc Tử đưa bàn tay phải lên vuốt nhẹ hàm râu bạc, tươi cười nói:
- Tốt lắm! Tục ngữ bảo một sợi tơ thì không thành chỉ, một cây độc mộc thì không thành rừng kia mà.
- Thưa sư phụ, xin mời sư phụ dùng trái cây.
Bàng Quyên vội vàng lấy những quả đào, quả hạnh to dâng lên cho thầy. Quỷ Cốc Từ ngồi xuống mặt đá, vui vẻ ăn một quả đào, cảm thấy nó vừa ngọt vừa giòn, nên lên tiếng khen:
- Đào rất ngon? Đào rất ngon!
Bàng Quyên nhìn thấy sư phụ vui vẻ, bèn lên tiếng khen ngợi tư cách cao thượng của Tôn Tẩn. Vì trong đời sống hằng ngày cũng như trong vấn đê học hỏi, lúc nào Tôn Tẩn cũng chiếu cố tới mình. Bàng Quyên khen đến đỗi Tôn Tẩn cảm thấy ái ngại. Quỷ Cốc Tử nói:
- Này Bàng Quyên, hai ngươi vừa là bạn học, lại vừa là anh em kết nghĩa, vậy từ nay về sau cần phải học hỏi nhiều với Tôn Tẩn đấy nhé!
Bàng Quyên gật đầu liên tiếp, đáp:
- Đệ tử xin nghe theo lời dạy của sư phụ.
Về sau, Tôn Tẩn và Bàng Quyên quả nhiên đã trở thành đôi bạn thân mật, luôn chiếu cố giúp đỡ lẫn nhau. Một hôm, người bạn thân của Quỷ Cốc Tử là Mặc Tử, dẫn Câm Hoạt, một môn đồ của mình đến Quỷ Cốc Tử. Hai người bạn thân đã lâu mới gặp nhau, cùng ngồi uống rượu và luận đàm đến những đại sự trong thiên hạ. Cả hai nói chuyện tỏ ra rất hợp ý nhau. Mặc Tử cho biết, hiện nay Ngụy Huệ Vương đang trương bảng cầu hiền khắp mọi nơi, có ý muốn dùng người hiền tài để đưa đất nước trở thành giàu mạnh.
Bàng Quyên nghe được tin đó, ngay trong đêm đã đến gõ cửa phòng của thầy, đề xuất ý định xuống núi của mình:
- Đệ tử theo học với thầy đã ba năm nay, học xong nhiều sách lược chiến tranh trong binh pháp, nay được nghe Mặc Tử tiên sinh cho biết, hiện Ngụy Huệ Vương đang chiêu hiền đãi sĩ, đúng là một cơ hội tốt. Cho nên đệ tứ muốn trở về quê hương cửa mình, để thi triển tài năng đã học.
Quỷ Cốc Từ nhíu môi, châu mày trầm tư suy nghĩ. Bàng Quyên thấy thế lại nói thêm:
- Bẩm sư phụ, xin sư phụ nên rộng lòng để cho đệ từ trở về quê được không?
Quỷ Cốc khẽ gật gật, nói:
- Được! Nơi đây của thầy, từ bấy lâu nay không từ chối ai đến, mà cũng không giữ lại ai muốn đi.
Bàng Quyên nghe thế, vui mừng nói:
- Xin đa tạ tôn sư! Đệ tử đi lần này, nếu được vinh hóa phú quý, thì nhất định sẽ trở về báo đáp.
Quỷ Cốc Từ cười lơ đểnh, nói:
- Thầy là người quy ẩn, từ lâu đã hiểu thấu hồng trần. Với tài học của ngươi nếu xuống núi thì chắc chắn sẽ được làm quan to và hưởng nhiều bổng lộc. Đến chừng đó, thầy không mong mỏi gì hơn là ngươi nên giúp đỡ cho người nghĩa huynh của mình là Tôn Tẩn. Được vậy là thầy đã mãn nguyện lắm rồi.
Bàng Quyên liền lên tiếng hứa:
- Đệ tử nhất định sẽ giúp! Đệ tử và Tôn huynh là anh em kết nghĩa, từng thề có phước cùng hưởng, có hoạn nạn cùng chịu kia mà!
Sáng sớm ngày hôm sau, trời quang mây tạnh, đúng là thời điểm tốt để lên đường. Tôn Tẩn đi cùng Bàng Quyên tới cáo biệt sư phụ, rồi phụ quảy hành lý của Bàng Quyên cùng xuống núi. Hai người đi hết ngọn đồi này sang ngọn đồi khác, hết khúc quanh này lại sang khúc quanh khác, quyến luyến không nỡ chia tay. Bàng Quyên cảm động, nói:
- Xin Tôn huynh hãy dừng lại. Đệ đi lần này nếu có chỗ đứng chân vững, thì sẽ gởi thơ đến báo cho Tôn huynh hay. Anh em chúng ta đồng tâm hợp lực để cùng xây đựng cho nhau, không phải là điều vui sướng hay sao?
Tôn Tẩn hoàn toàn tin ở lời nói của Bàng Quyên, đáp:
- Rất tốt! Chúc đệ vạn sự được như ý, có một tương lai không bờ bến. Ngu huynh sẽ ở đây chờ đợi tin vui của hiền đệ!
Hai người tuy còn không biết bao nhiêu lời lẽ để trao đổi với nhau, nhưng thấy mặt trời đã đứng bóng, nên đành ôm siết nhau, rồi gạt lệ chia tay. Bàng Quyên đi một khúc đường thật xa, quay lâu ngó lại, vẫn thấy Tôn Tẩn đứng trên sườn núi cao dõi trông theo mình, và không ngớt vẫy tay từ biệt.
Sau khi Tôn Tẩn trở về tới núi, Quỷ Cốc Tử thấy trên mặt ông hãy cỏn vết lệ, bèn hỏi:
- Có phải con đã khóc để giã biệt Bàng Quyên đấy không?
Tôn Tẩn bèn nói thực:
- Con và Bàng Quyên vừa là bạn học, vừa là anh em kết nghĩa, nên thực không nỡ chia tay với cậu ta.
Quỷ Cốc Tử hỏi:
- Con nói thử xem, với tài năng của Bàng Quyên có thể trở thành một vị đại tướng hay không?
Tôn Tẩn đáp:
- Bàng Quyên là người rất thông minh, có tài cán lại được sư phụ tận tâm dạy dỗ suốt ba năm, vậy theo con thì tương lai Bàng Quyên sẽ trở thành đại tướng, hoặc trở thành tể tướng, tên tuổi vang đội khắp bốn biển là chuyện tất nhiên.
Quỷ Cốc Tử gật đầu tỏ vẻ đồng ý, nhưng sau đó lại lắc đầu nói:
- Theo thầy thì Bàng Quyên vị tất mọi việc đều được như ý cả.
Tôn Tẩn vội vàng hỏi:
- Thưa thầy, tại sao vậy.
Quỷ Cốc Từ chỉ cười mà không trả lời. ông thò tay lấy thanh bảo kiếm treo trên tường, rồi bắt đầu múa.
Vào một buổi chiều trời trong gió mát, Quỷ Cốc Tử sau khi giảng bài xong cho môn đồ dưới một gốc tùng to, nhánh xòe như một cây dù, nói:
- Trong phòng ngủ của thầy có quá nhiều chuột, suốt đêm làm ồn ào không ngủ được, vậy các đệ tử có thể đến phòng thầy để trực luân phiên, đuổi chuột giúp thầy.
- Vâng! - Mọi người đều đồng thanh đáp.
Bắt đầu từ đêm hôm đó, các đệ tử luân lưu nhau đến phòng ngủ của Quỷ Cốc Tử để trực đêm. Ban đầu mọi người còn làm việc nghiêm chỉnh, nhưng sau một thời gian dài thì làm qua loa, hoặc đến trễ đi sớm, hoặc ngủ gà ngủ gật tại chỗ. Chỉ riêng có Tôn Tẩn là lúc nào cũng làm việc đường hoàng, chẳng những đến trực đuổi chuột rất đúng giờ, mà còn có sáng kiến làm ra bẫy chuột để bắt chúng. Do vậy, cứ mỗi lần đến phiên trực của Tôn Tẩn thì lũ chuột sợ hãi, không dám bò ra khỏi hang. Nhờ vậy mà Quỷ Cốc Tử ngủ rất ngon giấc, ngày hôm sau có đầy đủ tinh thần để giảng bài.
Lại một đêm tới phiên trực của Tôn Tẩn, ông đến phòng ngủ của thầy vừa lo việc bẫy chuột, vừa cầm trong tay một cây gậy, thức suốt đêm để xua đuổi chúng. Đến giữa khuya, Quỷ Cốc Tử thức giấc, từ trong màn thò đầu ra, nói:
- Này Tôn Tẩn, con hãy tới đây.
Tôn Tẩn vội vàng bước tới trước giường của thầy.
Dưới ánh sáng lù mù của ngọn đèn đầu, ông thấy sư phụ đang nhắm mắt ngồi xếp bằng trên giường, bèn cúi mình thi lễ, hỏi:
- Bẩm sư phụ, phải chăng đệ tử đã làm ồn nên thầy không ngủ được?
Quỷ Cốc Tử đáp:
- Không phải đâu. Cứ mỗi lần tới phiên con trực, thì thầy ngủ rất ngon. Bây giờ giữa khuya không có ai, nên thầy muốn tặng cho con vật này. Vậy hãy cầm đi.
Tôn Tẩn thò tay nhận lấy, thấy đó là một cuộn sách bằng thẻ tre, nhưng không biết nội dung nói gì.
Quỷ Cốc Tử nói:
- Đây là mười ba chương binh pháp của Tôn Tử, do cụ cố của con sáng tác. Trước đây ta và ngài có mối tương giao rất thâm hậu. Trước khi ngài lâm chung, đã tặng cho ta quyển sách này. Ta đã dùng một thời gian trên mười năm để chú thích. Bên trong toàn bộ là bí quyết đối với việc hành binh từ trước tới nay. Thầy không hề truyền nó lại cho ai, nay thấy con là người trung hậu, siêng năng học hỏi, nên mới truyền cho con!
Tôn Tẩn nói:
- Đệ tử ngay từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, nhưng có nghe nói cụ cố từng viết binh thư. Sư phụ giữ được quyển sách này, tại sao không truyền dạy cho Bàng Quyên, mà chỉ truyền lại cho một mình con như thế?
Quỷ Cốc Tử đáp:
- Đây là một quyển sách quý vô giá. Trước kia cụ cố của con đã dùng nó đánh bại quân Sở và giúp cho nước Ngô xưng bá tại Trung Nguyên. Ai được quyển sách này, nếu vận dụng tốt thì sẽ giúp ích cho đời rất nhiều, nhưng nếu vận dụng không tốt, thì cũng sẽ làm hại đời không ít. Bàng Quyên thì làm sao so sánh được với con.
Tôn Tẩn nhận lấy binh thư, quỳ xuống lạy tạ sư phụ, rồi trở về phòng riêng của mình. Ông khêu đèn ngồi lẳng lặng đọc suốt đêm. Càng đọc càng thấy hứng thú, ngay đến trời sáng mà cũng không hay. Trong vòng ba hôm, ông đã đọc xong toàn bộ quyển sách, kể cả phần chú thích. Đêm đến, ông chủ động đề nghị đến trực đuổi chuột tại phòng ngủ của thầy sớm hơn, chờ đến khuya không còn ai lui tới, bèn quỳ xuống hoàn trả quyển sách lại cho sư phụ. Quỷ Cốc Tử bèn đặt nhiều câu hỏi để hỏi Tôn Tẩn, ông đều đối đáp trôi chảy. Chẳng những ông có thể trả thuộc lòng toàn bộ pho sách, mà còn phát huy được nhiều sáng tạo của cá nhân qua sự học hỏi pho sách trên. Quỷ Cốc Tử hết sức vui mừng, vỗ nhẹ bàn tay xuống cạnh giường nói:
- Tốt! Tốt! Con có thể chuyên tâm học hỏi như vậy thực chẳng khác nào cụ cố của con được tái sinh!