Nhưng, Khương Thượng trong lịch sử là một con người như thế nào?
Phải chăng là người có thể đằng vân giá vũ, hô phong hoán võ, và đoán biết trước mọi việc sắp xảy ra như trong truyền thuyết đã nói? Cho dù sử liệu không đầy đủ, khiến hiện nay chúng tôi không có cách gì để tìm hiểu thật tường tận về cuộc sống của Khương Thượng, nhưng với tư liệu hiện có, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy được một phần nào về tư tưởng trác tuyệt và tài hoa siêu nhân của Khương Thượng. Ông quả không hổ danh là vị "Tỵ tổ khai sơn" của các nhà mưu lược Trung Quốc.
1. Sinh Vào Thời Loạn
Cuối triều nhà Thương, tại Doanh Khưu (nay là địa phương nằm về phía đông Tri Bác, thuộc tỉnh Sơn Đông), có một bộ tộc Đông Di quần cư ở đấy. Người thủ lĩnh của bộ tộc này họ Khương, tên Thượng, tự Tử Nha, tục gọi Khương Thái Công.
Lúc tuổi trẻ, Khương Thượng là người khỏe mạnh, thông minh, học giỏi lại rất yêu binh pháp. Lúc bấy giờ là cuối đời nhà Thương. Ông vua cuối cùng của triều đại này là Trụ Vương, hết sức tàn bạo, suốt ngày chỉ biết rượu chè và tìm mọi thú vui, phung phí tiền bạc như rơm rác. Để thỏa mãn cuộc sống xa hoa và hoang dâm trụy lạc, Trụ Vương đã sử dụng hằng vạn công thợ xây cất "Lộc Đài" dài ba dặm, cao hằng nghìn xích, tại Bồi đô Triều Ca (nay là Kỳ Huyện, thuộc tỉnh Hà Nam) để làm nơi vui chơi riêng cho mình.
Trụ Vương còn cho đào một cái ao vuông trong khu vực "Lộc Đài”, dưới ao đo đầy rượu ngon, gọi là “Tửu Trì". Nơi khu rừng bên cạnh Tửu Trì, Trụ Vương cho treo rất nhiều thịt, gọi là "Nhục Lâm", có mục đích làm cho người phi tần xinh đẹp của mình là Đắc Kỷ được vui. Nhưng sau khi mọi việc đã hoàn thành mà Đắc Kỷ vẫn không nở một nụ cười. Nhà vua bèn ra lệnh cho rất nhiều nam nữ, cởi bỏ hết y phục, rồi rượt đuổi nhau đùa giỡn dưới Tửu Trì để làm trò cười cho Đắc Kỷ.
Trong khi Trụ Vương ngày đêm lo yến ẩm, hoang dâm vô độ, thì đông đảo những người nô lệ và bình dân áo không đủ mặc, cơm không đủ ăn. Để trấn áp những cuộc nổi dậy chống đối của nô lệ và bình dân, đồng thời, cũng để trừng trị những vị đại thần dám chống đối trước những thú vui của Trụ Vương, ông ta ngoài những hình phạt sẵn có trong ngũ hình như Kình (tội xâm mặt), Nhị (tội cắt mũi), Nguyệt (tội chặt chân), Cung (tội thiến), Tịch (tội tử hình), Trụ Vương còn bày ra những hình phạt tàn khốc mới, như cho thợ làm một ống đồng rỗng ruột, bên trong đốt lửa, bắt các “phạm nhân" cởi bỏ hết y phục, rồi trói vào trụ đồng nóng bỏng đó để giết chết, gọi là "Bào Lạc".
Vì không thể chịu đựng được những bạo hành ngang ngược của Trụ Vương, đông đảo những người nô lệ và bình dân đã nổi dậy chống đối. Nhưng, vì lực lượng giữa đôi bên chênh lệch quá xa, tất cả những cuộc nổi dậy đều bị quân đội của Trụ Vương đàn áp thẳng tay và đẫm máu.
Cùng lúc đó, Trụ Vương cũng tiến hành một cuộc chinh phạt đối với bộ tộc Đông Di, bị xem là không phục tùng “vương mệnh". Bộ tộc Đông Di được Khương Thượng, vị thủ lãnh của bộ tộc Lử Thị kết hợp với các họ Ngư, họ Tang, họ Lâm, họ Lang, họ Điền, họ Loan, họ Khởi Lương, họ Bạc Cô, đứng lên chống lại quân đội của Trụ Vương một cách ngoan cường.
Nhưng dù Khương Thượng là người túc trí đa mưu, dũng cảm phi thường, nhưng do thế cô sức yếu, đã bị quân đội của Trụ Vương trấn áp một cách tàn khốc. Căn cứ địa của Lữ Thị là Doanh Khưu, bị Trụ Vương phóng hỏa thiêu hủy thành bình địa. Khương Thượng nhờ có võ công cao cường lại rất dũng mãnh, nên đã mở con đường máu thoát ra khỏi vòng vây đông đến mười vạn quân của Trụ Vương. Sau mấy tháng lẩn trốn, rốt cục Khương Thượng đã lưu lạc đến Triều Ca, và lấy nghề mổ bò để sinh sống.