Những điều ước mơ của Văn Vương trong mấy chục năm qua đã lần lượt được thực hiện. Nhà vua biết công lao này là của Thái Sư Khương Tử Nha, ông cũng biết tuổi mình đã cao, vậy hoài bão to lớn tiêu diệt triều đình nhà Thương chắc không thể thực hiện được. Sứ mệnh trọng dại này chỉ có thể chuyển giao lại cho con trai là Cơ Phát để hoàn thành. Nhưng, nếu không có Khương Thái Công thì Cơ Phát cũng khó làm tròn được trọng trách nói trên. Cho nên nhà vua muốn tìm cách để thắt chặt mối quan hệ giữa Thái tử và Thái sư, làm cho Khương Tử Nha một lòng một dạ phục vụ nhà Châu đến cùng. Nhà vua biết Thái Sư có một người con gái tên gọi Ấp Khương, dung nhan xinh đẹp lại giỏi cả văn lẫn võ. Đến nay vẫn chưa hứa gả cho ai. Nếu hỏi Ấp Khương cho Thái tử làm vợ, thì chẳng phải Thái Sư đã trở thành nhạc phụ của Thái tử rồi đấy sao? Nếu Thái tử là con rể của Thái Sư, thì Thái Sư chả lẽ lại không dốc hết tâm sức để bảo vệ giang sơn cho con rể của mình? Suy nghĩ tới đây, nhà vua cảm thấy rất hài lòng, nên phá lên cười một cách hả hê.
Giữa lúc đó thì bà vợ của Văn Vương bước vào. Thái hậu bưng trà vào cho Văn Vương, hỏi tại sao nhà vua lại cười vui như vậy. Văn Vương bèn đem ý nghĩ trong lòng mình nói ra cho Thái hậu nghe. Thái hậu cũng ngỏ ý tán thành.
Văn Vương và Thái hậu bèn cho người gọi Thái tử Cơ Phát đến, nói rõ chuyện nhà vua định hỏi con gái của Thái Sư cho Thái tử làm vợ. Riêng Thái tử Cơ Phát từ trước cũng đã có ý muốn cưới Ấp Khương, nhưng vì chưa hiểu ý của Văn Vương ra sao, nên từ bấy lâu nay không dám đề xuất. Nay thấy phụ vương và mẫu hậu chủ động nêu ra việc này, đúng với ý muốn của mình, nên trong lòng hết sức mừng rỡ.
Qua ngày hôm sau, Văn Vương đích thân đến phủ riêng của Thái Sư, ngỏ ý với Khương Thái Công muốn cưới Ấp Khương cho Thái tử làm vợ. Thái công cũng vui mừng đồng ý. Nhưng Khương Thái Công không quên dè dặt, nói:
- Tiểu nữ là con gái quê mùa, không biết đại lễ, chỉ e sau này có điều xúc phạm đến sự tôn nghiêm của Thiên tử. Vậy mong sau khi kết hôn, nếu có chỗ sai sót, mong hoàng thượng và Thái hậu chỉ dạy cho nó.
Văn Vương đáp:
- Ấp Khương là một cô gái vừa có tài vừa có sắc, lại giỏi cả văn lẫn võ. Từ lâu tôi đã nghe tiếng, nếu được kết tóc xe tơ với Thái tử Cơ Phát, thì đúng là xứng đôi vừa lứa biết bao nhiêu.
Thế rồi nhà vua chọn ngày lành tháng tốt, cử đại phu Tán Nghi Sinh làm ông mai để đi nộp sính lễ, chờ ngày nghinh hôn.
Chỉ ít lâu sau, ngày lành tháng tốt đã tới, Văn Vương xuống chiếu chỉ ngỏ ý, đây tuy là một cuộc hôn nhân của hoàng gia, nhưng vẫn được tiến hành theo phong tục trong dân gian, để cho mọi người thấy nhà vua sẵn sàng hòa mình chung vui với bá tánh. Bá tánh ở Tây Kỳ nghe được tin này, đều truyền tụng nhau như một giai thoại.
Tháng tư năm đó là sinh nhật thứ tám mươi của Châu Văn Vương, đồng thời, cũng là sinh nhật thứ chín mươi của Khương Thái Công. Thái tử Cơ Phát và người trong hoàng gia quyết định mở một cuộc kháng chúc long trọng. Họ gộp chung hai ngày sinh nhật của hai cụ lại làm một, gọi là "Song ông thọ”.
Ngày hôm đó, tại Phong Đô mở tiệc mừng, trống kèn ồn ào náo nhiệt. Văn Vương cảm thấy rất vui sướng, nên cùng Thái Công nâng ly uống rất hả hê. Sau ba tuần rượu, Thái tử Cơ Phát, Châu Công Đản, Triệu Công Thích và phu nhân của họ lần lượt bước ra dâng rượu chúc mừng hai cụ già. Kế đó, những người em của Thái tử Cơ Phát như Thúc Tiên, Thúc Độ, Thúc Võ, cũng lần lượt bước ra dâng rượu chúc thọ cho Văn Vương và Thái Công. Khi Văn Vương tiếp nhận ly rượu chúc thọ của Thúc Tiên, thì bỗng nhớ lại một chuyện cũ trước đây, nên tự nhiên đầu óc choáng váng, xây xẩm mặt mày, không còn ngồi vững, và đã ngả quỵ sang một bên. Thái tử Cơ Phát hốt hoảng bước tới đỡ lấy Văn Vương, dìu vào giường nằm nghỉ. Ngự y trong triều đình cũng vội vàng bắt mạch lo việc chữa trị. Sau khi bắt mạch xong, ngự y bước ra nói với Khương Thái Công và số người của Thái tử Cơ Phát:
- Đại vương khí huyết đều suy nhược, mạch nhảy yếu lại bị tắc nghẽn, vậy phải dùng toa thuốc "hoạt huyết hóa ứ, lý khí chỉ thống” để trị liệu. Nhưng vì nhà vua tuổi đã cao, tim rất yếu, nên cũng cần phải chuẩn bị chuyện bất trắc, không nên xem thường.
Dứt lời, ngự y viết toa bốc thuốc, cho người mang đi sắc.
Văn Vương sau mấy ngày liên tiếp nằm thiêm thiếp, giờ đây đã bắt đầu tỉnh lại. Khương Thái Công thấy Văn Vương hồi tỉnh, thở phào nói:
- Đại vương đã tỉnh lại rồi! Tỉnh lại rồi! ôi! Làm lão thần khiếp sợ quá!
Văn Vương mở mắt nhìn, thấy Khương Thái Công, Thái tử Cơ Phát và Thái hậu đều có mặt trước giường, bèn chỏi tay muốn ngồi dậy. Thái tử Cơ Phát vội vàng ngăn Văn Vương, bảo ngự y có dặn là tuyệt đối không được cử động, phải nằm yên để tịnh dưỡng. Văn Vương không nghe, nhất định đòi ngồi lên. Thái tử Cơ Phát đành phải đỡ phụ vương ngồi dậy, rồi dùng một chiếc mền dầy chêm ở sau lưng, để Văn Vương tựa lưng với tư thế nửa nằm nửa ngồi.
Văn Vương ra hiệu cho Thái hậu và Thái tử Cơ Phát rời đi. Nhà vua muốn nói chuyện riêng với Thái Công. Thái hậu và Thái tử Cơ Phát bèn lẳng lặng bước ra ngoài.
Văn Vương nắm lấy một cánh tay của Thái Công, nói:
- Này Thái Công ơi, e rằng tôi sắp phải đi gặp phụ vương Quý Lịch rồi. Kể từ khi gặp Thái Công tại Bàn Khê cho tới nay, triều nhà Châu của tôi đã ngày một cường thịnh. Thái Công đã phụ tá cho tôi Đông chinh Tây phạt, trước sau đánh bại được các nước như Sùng Quốc, Lê Quốc, Hình Quốc... và hàng phục được Mật Tu Quốc. Nay ba phần trong thiên hạ thì hai phần đã thuộc về nhà Châu. Tất cả những sự thắng lợi đó đều do mưu kế tuyệt vời của Thái Công. Giờ đây, trời già bắt tôi phải rời đi, không thể tiếp tục cộng sự để hoàn thành sự nghiệp lớn là tiêu diệt triều nhà Thương với Thái Công nữa. Gánh nặng này tôi đành phải để lại cho Thái Công và Thái tử chung sức hoàn thành. Nhưng hiện nay có một điều khiến tôi lo lắng nhất, là sau khi tôi chết, con cháu của tôi sẽ nổi loạn vì vấn đề kế thừa ngôi vua. Do vậy, tôi muốn cùng thương lượng việc truyền ngôi của nhà Châu với Thái Công, vậy xin Thái Công nên dốc hết tâm sức để ủng hộ tôi. Nếu bọn Thúc Tiên nổi loạn, thì Thái Công có thể thẳng tay diệt trừ chúng. Còn như Thái tử tỏ ra là người bất tài, thì Thái Công nên thay thế nó ở ngôi vị Thiên tử.
Nói dứt lời., Văn Vương thở hào hểnh tỏ ra rất mệt nhọc.
Khương Thái Công nghe xong, nước mắt giàn giụa, quỳ xuống trước giường bệnh của Văn Vương vừa khóc vừa nói:
- Xin Đại vương hãy an tâm. Lão thần sẽ dốc hết tâm trí của mình phụ tá cho Thái tử Cơ Phát lên nối ngôi, tuyệt đối không dám dựa vào binh lực mà làm điều trái đạo. Chỉ cần lão thần còn khỏe mạnh, thì dù cho tim óc có phơi ra đất, cũng nhất quyết phụ tá cho triều đình nhà Châu, không bao giờ có ý phản trắc, làm hành động mà trời đất đều không thể dung tha?
Nói đoạn, Khương Thái Công dập mạnh đầu xuống đất đến trán chảy máu.
Văn Vương vừa thở vừa nói:
- Tôi biết Thái Công là người quân tử, nhân đức nên mới bàn riêng chuyện quan trọng này với Thái Công. Tôi tuyệt đối không bao giờ có lòng nghi ngờ Thái Công phản trắc cả. Tôi chỉ mong Thái Công hãy nói rõ, phải làm thế nào mới có thể giải quyết vấn đề truyền ngôi vua một cách thuận lợi đây.
Khương Thái Công đáp:
- Chuyện truyền ngôi là chuyện nhà của Đại vương, còn lão thần là người ngoài, vậy làm sao dám lạm bàn về việc này?
Văn Vương rơi lệ, nói:
- Thái công là nhạc phụ của Thái tử, lại là Sư Thượng Phụ, tình cảm như tay chân, vậy làm sao bảo là người ngoài được? Nếu Thái công không nói thì tôi chết không thể nhắm mắt đấy!
Khương Thái Công nói:
- Không phải lão thần không muốn góp ý với Đại vương. Chẳng qua việc truyền ngôi là chuyện quốc gia đại sự, chỉ có thể do Đại vương tự quyết định. Nếu người ngoài tham dự, e rằng sẽ để lại hậu quả khó lường. Nhưng, nếu Đại vương nhất định vấn kế nơi lão thần, thì lão thần xin mạo muội nói lên ý kiến của mình, mong Đại vương bảo mật đừng bao giờ nói cho ai biết.
Văn Vương lộ sắc vui mừng, nói:
- Đó là điều tất nhiên rồi.
Thái Công nói:
- Thái tử Cơ Phát là người trung hậu, nhân đức, vũ dũng kiên cường, thao lược hơn người nếu được lập làm Thái tử, thì đó là cái phúc của Đại vương, điểm lành của nhà Châu vậy. Đại vương có thể viết di chiếu nói rõ, lập Thái tử Cơ Phát lên làm "Trữ Quân” (vua chờ lên ngôi - ND). Đồng thời, tuyên bố bãi bỏ chế độ “anh chết thì em nối ngôi". Phải chỉ rõ đấy là nguyên nhân gây rối loạn của các triều đại Ân Thương, đồng thời, cũng ra lệnh nói rõ chế độ thừa kế của nhà Châu từ nay về sau là chế độ “đích trưởng thừa kế”. Tức sau khi Cơ Phát qua đời, thì con trưởng nam của Cơ Phát sẽ lên nối ngôi vua. Cứ thế mà kéo dài mãi, thì có thể tránh được nhiều chuyện rắc rối trong vấn đề nối ngôi. Riêng nhóm Thúc Tiên, Thúc Độ, Thúc Xứ... thì có thể phong cho họ làm chư hầu ở một vùng đất xa, khiến họ phân tán, không cho họ tham gia việc triều chính. Như vậy thì họ sẽ khó gây ra những cuộc biến loạn. Riêng hai người em của Thái tử là Đán và Thích, đều là những người quân tử, hoàn toàn có thể tin dùng. Vậy hãy để cho họ cùng phụ tá Thái tử. Sắp xếp như thế thì tuyệt đối không xảy ra điều gì đáng tiếc cả.
Văn vương cả mừng, nói:
- Những lời nói trên đúng là những lời nói từ tâm can, những lời nói quý giá, vậy xin Thái Công nói lại cho Thái từ biết, ngày mai hãy thiết triều rồi mời tất cả các thành viên trong vương thất, cũng như các văn võ đại thần hội họp để tôi có lời tuyên cáo.
Dựa theo ý chỉ của Văn Vương, triều đình nhà Châu tổ chức một buổi họp triều cuối cùng của nhà vua, để giải quyết vấn đề người nối ngôi, công bố chế độ kế thừa ngôi vua sau này, cũng như việc phong đất cho các con.
Văn Vương ngồi tựa lưng trên một tấm chăn dầy, còn Khương Thái Công thì đứng bên cạnh, phía dưới có Thái tử Cơ Phát và đại phu Tán Nghi Sinh.
Tán Nghi Sinh chịu trách nhiệm ghi chép, còn những người tham gia họp triều khác như Thúc Tiên, Thúc Đán, Thúc Độ, Thúc Võ, Thúc Xứ, Thúc Chân Đạc, Thúc Khang, Thái Tôn Kiếm, Bá Cầm, Thứ Tử Thích, Nam Cung Thích, Quần Thiên, v.v... thì đứng theo thứ tự.
Văn Vương đưa mắt ngó quanh các con cháu một lượt, rồi từ từ nhìn về Thái Công, nói:
- Ta phó thác chuyện quốc gia đại sự cho Thượng Phụ Khương Thái Sư, vậy nếu có ai trong số các ngươi trái lệnh, thì sẽ do Thượng Phụ bàn bạc để xử phạt.
Các con đều lên tiếng tuân lệnh.
Văn Vương lại nói tiếp:
- Sau khi ta chết, sẽ cho Thái tử Cơ Phát lên nối ngôi vua, còn các con cháu thì phải đồng tâm hợp lực giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành sự nghiệp lớn của triều đình. Về sau, chế độ kế thừa ngôi vua sẽ bãi bỏ chế độ anh chết em lên nối ngôi, mà áp dụng phép “đích trưởng kế thừaa”. Chế độ “anh chết em nối ngôi” của các triều đại Ân Thương, chính là nguồn gốc tạo ra sự loạn lạc. Vậy, người Châu ta tuyệt đối không thể bắt chước theo họ. Từ nay về sau, nếu có ai dám chống lại chế độ "đích trưởng kế thừa”, thì được xem như phản nghịch, cả tông thất đều không thừa nhận.
Sau khi nghe qua những lời nói này, Thúc Tiên, Thúc Độ, Thúc Xứ, v.v... đều buồn thiu, cúi mặt nhìn xuống đất.
Văn Vương tiếp tục nói:
- Con cháu trong tông thất của triều nhà Châu, đều được phong đất để kiến tạo quốc gia, để làm phên giậu cho Vương thất. Thúc Tiên có thể phong ở đất Quản, Thúc Độ có thể phong ở đất Thái. Thúc Võ có thể phong ở đất Thành. Thúc Xứ có thể phong ở đất Hoắc, Chấn Đạc có thể phong ở đất Tào, Thúc Khang có thể phong ở đất Vệ.
Nói đến đây hơi thở của Văn Vương hết sức dồn dập. Nhà vua dừng lại một chốc rồi mới nói tiếp:
- Những lời nói trên được xem như là di chúc của. ta. do Đại Phu Tán Nghi Sinh ghi chép, và do Thái Công Vọng chấp hành những điều di chúc này. Nếu ai cãi lệnh thì sẽ do Thái Công xử trí.
Văn Vương nói xong cảm thấy hai mắt tối sầm, hơi thở khó khăn, và cuối cùng đã ngất lịm. Các con thấy thế đều hốt hoảng. Khương Thái công bèn xuống lệnh cho mọi người lui ra, rồi mời ngự y vào để đổ sâm cho nhà vua. Không mấy chốc sau, Văn Vương tỉnh trở lại, nói với Thái Công:
- Hãy mau truyền cho Cơ Phát vào yết kiến.
Thái tử Cơ Phát vội vàng vào gặp phụ vương. Ông thấy phụ vương sắc mặt hồng hào, có vẻ rất phấn chấn, hoàn toàn khác hẳn khi nãy, biết phụ vương đang ở trong tình trạng hồi dương, vội vàng quỳ xuống trước giường bệnh, chờ nghe nhà vua chỉ dạy.
Văn Vương đưa tay sờ nhẹ lên lưng của Thái tử Cơ Phát, nói:
- Ta sắp chết rồi, vậy xã tắc của nhà Châu ta ủy thác lại cho ngươi và Thái Công. Sau khi ta chết, Thái Công là á Phụ của ngươi. Mọi việc ở bên ngoài ngươi phải bàn bạc cùng Thượng phụ, còn mọi việc ở bên trong thì ngươi phải bàn bạc cùng hai em là Đán và Thích.
Thái tứ Cơ Phát vừa khóc vừa đáp.
- Con xin ghi nhớ! Con xin ghi nhớ!
Khương Thái Công đang đứng bên cạnh cảm động trào lệ ướt cả đôi má, và nghẹn ngào không thể khóc được.
Lúc bấy giờ, Văn Vương cảm thấy lồng ngực của mình đau nhói, đôi mắt tối sầm. Nhà vua thở hổn hển một lúc, rồi mỉm cười nhìn Thái Công và Cơ Phát, chừng như muốn nói "Bây giờ thì ta an tâm rồi!”. Sau đó nhà vua từ từ khép kín đôi mắt lại.