Ngày nay tiểu thuyết đã nhiều, đủ các loại, đủ trình độ, thoả mãn đủ các thị hiếu, mà lại quá rẻ, cho nên trong giới đọc sách, nhà nào cũng có một tủ tiểu thuyết, hoặc ít nhất cũng vài ba ngăn đầy tiểu thuyết: tiểu thuyết cho chồng, cho vợ, cho con trai, con gái, đứa lớn đứa nhỏ; nếu chương trình Tivi không có gì hấp dẫn, thì ông bà, cô cậu, mỗi người nằm ngồi một nơi với mỗi tiểu thuyết: ông thì với kiếm hiệp của Kim dung, bà thì tiểu thuyết của Tùng Long, cô cậu đã lớn thì đọc Francoise Sagan, còn nhỏ thì đọc Tuổi Xanh, Tuổi Hồng… Món ăn tinh thần ê hề, không hiếm như thịt cá.
Nữa thế kỉ trước, chúng tôi đâu được sướng như vậy. Ngoài mấy cuốn Kiều, Nhị Độ Mai, Lục Vân Tiên, Thạch Sanh, Phạm Công Cúc Hoa… chỉ còn một loại là truyện Tàu. Thuê được một cuốn truyện Tàu (hai xu ở hiệu Cát Thành, đầu phố Hàng Gai – Hà Nội) thì phải đọc xong (100 trang khổ lớn chữ Romain 10) trong hai ba ngày và cả nhà đủ ba thế hệ, xúm lại nghe một một người đọc dưới ngọn đèn ba dây. Người đọc đó luôn luôn là tôi. Sướng mê đi. Được cả nhà cưng: chỗ ngồi sáng nhất, dĩ nhiên, được quấn chiếc mền nữa, nếu là mùa đông, có bình nước bên cạnh để nhấp giọng và đĩa lạc rang, đôi khi cam quít, bánh tai voi của chú Khách [1] đầu phố nữa. Đọc lớn tiếng [2] luôn hai giờ, hết bốn chục trang thì phải tẩm bổ chứ. Chỉ đọc vào lúc tối vì lúc đó mọi người mới rảnh việc, tụ họp nhau được. Càng đông người nghe lại càng vui.
Những khi sắp hết truyện thì mặt người nào người nấy cũng nửa hân hoan, nửa tiếc rẻ. Tôi ngừng lại, cố tình làm cho rềnh ràng một chút mà cũng không ai thúc: “Đọc tiếp đi”. Tới cái lúc bao nhiêu gút mắc trong truyện được cởi rồi đây, điệu nhạc sắp đưa vút lên tưng bừng rồi êm đềm hạ xuống đây, nhưng không ai vội vã. Mọi người đều biết chắc sắp được hưởng khúc vĩ thanh tuyệt thú ấy nên muốn kéo dài phút vui, cũng như cuối một bửa tiệc thịnh soạn, sắp tới món tráng miệng, người ta ngừng lại, hút một điếu thuốc thơm đã. Và tôi cũng ngừng lại, hớp một ngụm trà, ăn mấy hột lạc rang, đợi cho gần hết cái vị ngọt, béo, thơm trên lưỡi rồi mới đọc tiếp.
Vội vã làm gì? Vì biết trước thế nào rồi cũng ban sư hồi trào, thế nào cũng thưởng công phạt tội cho văn võ bá quan, thế nào rồi Tiết Đinh San cũng đẹp duyên với Phàn Lê Huê, con cháu đầy đàn, nối nghiệp ông cha trong cảnh non sông thịnh trị, ngôi báu vững vàng…
Cái lối kết đắc thắng khải hoàn, gia đình đoàn tụ, hể công tử mà lâm nàn thì nhất định sẽ đổ trạng nguyên, còn tiểu thư mà tiết nghĩa thì thế nào cũng được phong nhất phẩm phu nhân, phu quí, tử vinh…, cái lối kết có hậu đó, ngày nay chúng ta chê là sơ đẳng và tới chương kết chúng ta không thèm đọc nữa.
Nhưng hồi xưa người ta lại rất thích. Chẳng thắc mắc gì cả. Đọc tới chữ “Chung”, gắp truyện lại, mọi người hân hoan, đi ngủ ngon lành để đón một giấc mộng đẹp toàn những cảnh vinh qui bái tổ, giai nhân tài tử dạo gót huê viên. Đời thật sung sướng. Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân, có nhảy xuống sông Tiền Đường thì đã có Giác Duyên chờ sẳn để vớt, có đui mắt thì đã có thuốc tiên cứu lành, và có bị cọp tha thì cũng chẳng bị cọp ăn thịt mà chính là được cọp cứu sống; và nếu có chí học hành, bắt đom đóm bỏ vào cái vỏ trứng gà để đêm đêm đọc sách thì trong sách thế nào cũng hiện rõ một nàng “kì nhan như ngọc”.
Đời như vậy, thật tuyệt!
Người ta chê là ngây thơ? Nhưng tin tưởng nào mà chẳng ngây thơ? Và tin tưởng thời nào chẳng là một nhu cầu của con người? Trong một xã hội, một thế giới biến động bất thường như mặt biển, phẳng lặng đó mà phong ba nổi lên lúc nào không biết, thì lòng tin tưởng như một cái phao, mặc dầu có khi nó chỉ là đám bọt. Lúc này đây, chúng ta tin tưởng Nga Mỹ không mở nắp hồ lô nguyên tử ra mà đấu phép với nhau, thì có chắc là không ngây thơ không?
- Nhưng phải nhận rằng kỉ thuật ấy thấp kém chớ?
- Một kỉ thuật tạo được lòng tin tưởng của bao nhiêu người trong bao nhiêu thế hệ, làm cho người ta mơ mộng những cảnh tuyệt đẹp như trăm hoa trong vườn thượng uyển, kề vai dưới ánh trăng thu... mà chê là kỉ thuật thắp kém?
- Không thấp kém thì là dễ dàng? Trăm truyện như một, bị vây khổn rồi thì đắc thắng khải hoàn, li biệt kẻ Ngô người Sở rồi thì đoàn viên một nhà...
- Vậy kết theo lối bị vây rồi đầu hàng, li biệt rồi kẻ sống người chết lại khó khăn hơn chăng? Tôi nghĩ chính cái kết có hậu mới là khó viết. Còn thành công hay không là do tài của mỗi người. Tài thì có hơn có kém. Lối kết chỉ là nhân sinh quan. Lối kết có hậu hợp với với nhân sinh quan của những người tinh thần quân bình, già giặn, thời xưa cũng như thời nay, phương Tây cũng như phương Đông. Ít nhất nó cũng an ủi được chúng ta. Có đến ba chục năm nay tôi không đi coi phim nổ súng đoành đoành, nhưng thỉnh thoảng đi qua những rạp hát bình dân ở Tân Định, Đa Kao, gặp giờ vãn tuồng mà nghe bọn thiếu niên hò hét ầm ầm trong rạp, tôi mĩm cười nhớ lại những tuồng Tạc Dăng (Tarzan) coi hồi nhỏ ở phố hàng Buồm, cũng trung với nịnh (“trung” là Tạc Dăng là đồng bọn, “nịnh” là bọn mọi Phi Châu); trung cũng gặp đủ cảnh gian truân, cũng gan dạ cùng mình, mưu mô tuyệt diệu, rồi cũng bị bắt, bị trói ké, suýt bị thiêu sống thì bọn đàn em tới kịp, nổ mấy phát súng (hồi đó súng câm) rồi nịnh hoảng hốt chạy như chuột, còn các vị hảo hán được cởi trói, ôm nhau mừng mừng tủi tủi, trong tiếng vổ tay vang lên muốn rung rinh cả rạp. Người ra về khoan khoái kiếm một tiệm phở, kêu một bát tái năm xu, thấy đời đẹp vô cùng. Tây cũng như Đông, chỉ khác Tây ồn hơn thế thôi. Những tuồng có hậu đó xuất hiện từ thời loài người biết kể chuyện và loài người còn kể chuyện thì nó vẫn còn. Lúc này ở trên một phần ba thế giới, nó thịnh hơn bao giờ hết. Ông dư biết rồi chứ: tiểu thuyết và kịch các nước cộng sản kết rất có hậu. Còn các nước tư bản thì trẻ em và các ông già vẫn yêu những tuồng có hậu. Tôi còn nghĩ rằng ngày nào mà thiếu niên không ham tuồng, truyện có hậu nữa thì thực đáng ngại cho loài người.
Lối kết ấy có tên đàng hoàng: ta gọi là có hậu thì Mĩ gọi là happy end…
Lối trái ngược với nó cũng phổ biến, cũng xuất hiện từ hồi loài người biết kể chuyện, thì lại không có tên.
Các nhà phê bình bảo Hoàng Ngọc Phách đã chịu ảnh hưởng của phương Tây mà cho Tố Tâm có cái kết bi thảm như vậy: nàng thổ huyết mà chết đúng cái ngày lên xe hoa hay trước một ngày gì đó. Có thể họ Hoàng nghiền ngẫm Atala hay Werther, Graziella, Paul et Virginie, Roméo et Juliette, Manon Lescaut, La Dame aux Camélias, vân vân...; nhưng bảo lối kết đó là của phương Tây là sai. Từ hồi xửa hồi xưa, Trung Hoa đã có chuyện Ngưu Lang, Chức Nữ, và ở Việt
Thuật sử dụng lối kết đó mà tôi gọi là lối kết không hậu, phương Đông tỏ ra còn có tài hơn phương Tây nữa. Nổi tiếng nhất phương Tây là Tristan et Iseult và Roméo et Juliette, cả hai đều xuất hiện sau Dương Thái Chân ngoại truyện đời Tống của Trung Hoa; và đọc truyện sau tôi thấy hay hơn hai truyện trước nhiều. Truyện diễm tình đời Đường đó bi đát cùng cực: một ông vua mà phải để quí phi của mình tự ải trước mặt mình, do lệnh của mình nữa, mới chua xót chớ, cổ kim không có được một bi kịch thứ hai như vậy.
Đọc loại truyện không có hậu cứ tức anh ách lên, đâm giận, chán, muốn xé toạc sách đi. Đời gì mà khốn nạn: toàn những chia li, những huyết lệ, sầu tủi, những “yêu nhau chẳng lấy được nhau”, những “bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia”, kẻ quốc sắc, hiếu nghĩa đủ điều thì phải vào thanh lâu, kẻ tài hoa thì lận đận, kẻ trung quân ái quốc thì bị giam, bị chém, còn kẻ đầu trâu mặt ngựa, gian hùng phản quốc thì lại sống phây phây, ngựa xe võng lộng…
- Ấy, chính đời là như vậy đấy. Không thấy bọn sâu bọ lên làm người thời này ôm cả tỉ bạc đi du lịch thế giới đấy ư? Phải khen cái lối kết mà ông gọi là không hậu ấy. Nó ghi đúng chân tướng thế giới.
- Nếu đời mà chỉ có như vậy thì anh em Ngô Đình Diệm sao bây giờ lại nằm ở nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi [3]? Nếu đời mà chỉ toàn như vậy thì làm gì còn quốc gia, dân tộc, nhân loại nữa. Cũng chỉ là một khía cạnh của cuộc đời thì tại sao khen cái lối kết ấy mà chê lối trên?
- Nhưng ông mới nói rằng nó làm cho ông tức anh ách, nghĩa là ông phải thắc mắc, suy tư. Truyện có hậu, đọc xong ai cũng hoan hỉ, rồi hết; truyện không có hậu mới để lại cho ta một dư vị. Đọc Tố Tâm, ai mà không thương tiếc; phần hay nhất trong truyện Kiều đâu phải là phần tái hợp; mà bi kịch Đường Minh Hoàng Dương Quí Phi là đề tài cho biết bao tuồng bất hủ đời Nguyên, đời Minh.
- Khổ qua có nhiều dư vị thật. Mỗi lần tôi nể lời ai, ăn một miếng thì tôi vội ăn tiếp ngay một món khác để dằn cái vị của nó xuống. Không thể bảo loại truyện đó là tả chân hơn, có nghệ thuật hơn. Cũng chỉ là một nhân sinh quan hợp với một số người mà số người này tôi tin chắc không đông bằng số người ưa truyện có hậu.
- Nhưng nhân sinh quan đó sâu sắc hơn. Tài mệnh tương đố. La douleur est notre maître [4]…
- Tài mệnh tương đố để rồi thuận thiên an mệnh: “Trời kia đã bắt làm người có thân...”; “La douleur est notre maître” để rồi “Con xin theo ý Chúa, Chúa bắt sao con chịu vậy”; nhân sinh quan ấy với nhân sinh quan thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, chung qui cũng là tin ở Thượng Đế hết, một đằng tin được báo ngay ở cỏi trần này hoặc trong đời con cháu mình, một đằng tin sẽ được báo khi lên Thiên Đường, ở kiếp vị lai. Thế thì lối nào tốt hơn?
° °
°
Nếu lấy sự tự nhiên, đúng với đời thực làm tiêu chuẩn thì phải nhận lối kết thứ ba, lối của Tolstoi trong Chiến tranh và hoà bình là hơn cả.
Một bộ truyện dài hai ngàn trang tả xã hội Nga trong một giai đoạn nhiều biến cố lịch sử vĩ đại nhất – từ 1805 đến 1812 – mấy lần nữa triệu quân Tây Âu tiến tới rồi lại lùi về như những làn sóng ngất trời dâng lên rồi hạ xuống, lần cuối cùng tràn ngập Moscou, lôi cuốn biết bao nhân mạng, gây biết bao tàn phá – trọn thành Moscou ngùn ngụt khói lửa – rồi kết thúc một cách tầm thường, bằng một cuộc hội hợp gia đình gần như vô vị. Pierre và Natacha đã gặp bao nhiêu cảnh đứt ruột: Chàng bị bạn và vợ phản, bị bắt làm tù binh, rồi vợ chết; nàng có lần gần như mất hồn vì một lỗi lầm nặng, rồi phải thấy người yêu chết trong tay mình, gia đình phá sản; tới đoạn kết Pierre và Natacha sống chung với nhau, có hai con, chàng thì bao nhiêu hoài bảo tày trời – như ám sát Napoléon để giải thoát Châu Âu – giờ đã tiêu tan hết; nàng thì không còn một chút duyên dáng thời trẻ đã làm xiêu lòng bao kẻ, bây giờ ăn mặc lôi thôi, nói năng cục cằn, ghen tuông, quạo quọ. Họ yêu mến nhau đấy nhưng trời! Sao mà tệ thế!
Cặp Nicolas và Marie thì cũng vậy: anh chàng Nicolas hào hoa phong nhã, vũ rất giỏi, phi ngựa rất tài, nay thành một chủ điền chỉ lo đong lúa, tậu ruộng để cho “bầy con sau này khỏi khổ”; còn vợ chàng, Marie, đã chịu bao nỗi chua xót bên cạnh người cha già lẩm cẩm, khắc nghiệt, rồi cha chết, anh chết, có lần muốn nhập bọn khất sĩ hi sinh cho Chúa, cho người nghèo, mà bây giờ cũng lo những cái lặt vặt: mình có mang, xấu xí, anh Nicolas có chán mình không, sao hôm nay anh ấy có giọng không âu yếm với mình…
Chúng ta có cảm tưởng mấy lớp sóng ồ ạt của chiến tranh không để lại một dấu vết gì trong tâm hồn họ cả, bao nhiêu cảnh tàn phá, phân li, chết chóc, phản phúc họ đã mục kích, đã sống trong bảy năm đó không giúp họ rút kinh nghiệm mà thay đổi nhân sinh quan được một chút gì cả. Thật là tầm thường tới mức bi đát! Bản anh hùng ca ầm ầm tiếng đại bác, tiếng kèn, tiếng trống, tiếng ngựa hí người reo, mà khúc vĩ thanh chỉ là một điệu ru con “à ơi…” xen với tiếng bà già ho xù xụ, tiếng trẻ khóc, tiếng vợ chồng ngầy ngà nhau hoặc nói chuyện nhà cửa ruộng nương với nhau. Có tài như Tolstoi mà sao lựa lối kết buồn nản, quá tầm thường ấy?
Vậy mà Somerset Maugham, sau năm chục năm luyện kĩ thuật viết tiểu thuyết lại khen lối kết của Tolstoi là một phát minh kì tài. Chính ông cũng dùng lối kết ấy trong cuốn Kiếp người: anh chàng Philip có hoài bảo, có tâm hồn nghệ sĩ, đã gặp nhiều nỗi gian truân; bị nhân tình và bạn phản một cách nhơ nhuốc, có lần đói, ngủ bờ ngủ bụi, sau nhờ kiên nhẫn, đậu được bằng bác sĩ y khoa, hí hửng tưởng sắp thực hiện được cái mộng ấp ủ từ lâu: du lịch Y-Pha-Nho [5], Đông Á, Thái Bình Dương, mà rốt cuộc bỏ hết dự định, cưới một cô gái may thuê, tầm thường – nàng Sally – và an phận một đời y sĩ vườn.
- Maugham đã quá ca tụng Tolstoi chứ sự thực đoạn kết Chiến tranh và Hoà Bình chỉ làm cho tôi thất vọng.
- Nhiều người thất vọng. Người ta chờ đợi một khúc khải hoàn xứng đáng với bản anh hùng ca vĩ đại ấy. Nhưng sau chín năm chống quân xâm lăng Pháp, sau một cuộc xáo trộn cực điểm trong lịch sử, làn sóng tạm hạ xuống, chúng ta về thành và đời sống chúng ta cũng y như đời cặp Pierre-Natacha và cặp Nicolas-Marie, chứ khác gì. Trong những năm 1955-1960, chúng ta quên hết những hoài bảo, nhiệt tâm hồi 1945, quên hết những gian lao ở Bắc Việt, ở Cao nguyên, Đồng Tháp… và cũng chỉ nghĩ tới chuyện lặt vặt, nhỏ nhen trong gia đình, như chưa hề trải qua một biến cố lớn nhất của dân tộc. Cũng chỉ lo mua được lon sữa cho con, kí đường cho vợ, lấn được vài tấc đất qua bên ông hàng xóm. Thì ra lòng người đâu đâu cũng vậy. Tolstoi thấu được tâm lý đó mà lại có sáng kiến tả cái tâm trạng tầm
thường đến bi đát đó trong đoạn kết mà nghệ sĩ nào cũng muốn cho thật đặc sắc, phi thường, đập mạnh vào đầu óc độc giả, vì vậy mà Maugham cho là kì tài.
Ở Trung Hoa, ít nhất là ở đời Đường, trước Tolstoi khoảng ngàn năm, đã có một thi sĩ là Nguyễn Chấn, bạn thân của Bạch Cư Dị, cũng đã dùng lối kết tự nhiên, bình thường của Tolstoi. Ông viết chuyện ngắn Hội chân kí, sau làm đề tài cho tuồng Tây sương kí của Vương Thực Phủ đời Nguyên. Trương Quân Thuỵ cứu Thôi Oanh Oanh, bà mẹ Oanh Oanh hứa gã nàng cho Quân Thụy rồi nuốt lời. Quân Thụy buồn rầu, uất ức, ốm tương tư, Oanh Oanh đêm lén qua thăm, ái ân với nhau, lúc đó tưởng trăm năm sống chết có nhau. Nhưng rồi chàng lên kinh thi. Cái buổi biệt li sao mà thảm: “Lệ tràn chín khúc Hoàng Hà, hận đè ba ngọn Hoa Nhạc”. Tưởng như vậy rồi họ sẽ chung thủy với nhau, chàng đậu trạng vui chữ vinh qui, nếu không vậy, nếu phải chia rẽ, kẻ Ngô người Sở, thì phải có một kẻ chết vì sầu tủi mới là đúng phép. Không, Nguyên Chẩn bỏ cả phép tắc, cho Quân Thụy đổ đạt rồi quên Oanh Oanh mà Oanh Oanh cũng vui vẻ sống với người khác, khiến nàng Kiều mỉa mai cặp đó: “Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi, Trương…!”
Nhưng người sau khen Nguyên Chẩn là “quét một nhát sạch cái tác phong đại đoàn viên trong trong tiểu thuyết cũ”. Vương Thục Phủ khi viết thành tuồng, cho kết thúc ở sau lúc hai người chia tay nhau; đêm đó trong quán trọ, Trương nằm mê thấy Thôi, thế là bỏ lửng. Quan Hán Khanh viết tiếp, cho Trương đậu thám hoa cưới Thôi, làm sai hẳn ý của Nguyên Chẩn.
- Nhưng ông đã nói nhân sinh quan. Hai lối trên, có hậu và không có hậu, có chứa một nhân sinh quan thật, còn lối thứ ba này chỉ ghi chép chuyện thường tình trong xã hội thì nhân sinh quan ở đâu?
- Nhiều nhà phê bình khen Chiến tranh và hòa bình là một khúc âu ca, mà cũng có người khen Kiếp người là một bản Chúc phúc. Nhân sinh quan trong hai truyện đó, André Maurois khen là chân chính trong Thư ngõ gởi tuổi đôi mươi. Ông viết: “Đời sống chân chính (…) ở trong những em bé âu yếm nhìn mẹ, trong những tình nhân ghì chặt lấy nhau, trong tất cả những căn nhà nho nhỏ kia tại đó vợ chồng con cái ráng kiếm ăn, yêu nhau và du hí”. Không có gì quan trọng bằng những kiếp sống tầm thường đó. Ai nấy đều đủ ăn, đủ mặc, có thuốc uống khi đau, trong nhà có già có trẻ, trong sân có con gà què, có dàn mướp, luống rau, thực là tầm thường, vậy mà từ trước tới nay, bao nhiêu triết gia, chính trị gia vẫn chưa thực hiện được cho nhân loại. Người ta thích cái rực rỡ của sự cao cả, nhưng anh hùng hoài thì cũng lố bịch, mà đạo đức hoài thì không ai chịu nổi. Cặp Pierre-Natacha, cặp Nicolas-Marie, cặp Philip-Sally đều tìm thấy ý nghĩa chân chính của nhân sinh trong cuộc đời tầm thường đấy.
- Thế còn cặp Thôi-Trương ông cũng cho là chân chính?
- Thưa, tôi đâu dám nghĩ vậy. Nhưng tôi tưởng hạng thường nhân chúng ta, ít ai đủ tư cách để ném cục đá đầu tiên vào họ. Họ yêu nhau say mê và rất thành thực, tới khi quên nhau thì cũng rất hồn nhiên, thành thực, không ai oán ai, gây lụy cho ai, mà cũng lưu được những kĩ niệm tuyệt đẹp cho nhau, như vậy tôi tưởng cũng được chứ. Mà thái độ của người viết, của Nguyên Chẩn cũng đạt quan chứ, không trách họ, thấy sự đời như vậy thì nhận như vậy rồi trung thực chép lại, ai nghĩ sao thì nghĩ.
- Còn lối kết thứ tư, xin ông cho nghe nốt.
° °
°
- Lối này là lối lưng chừng. Đúng ra là lối không kết. Mỗi năm tôi chỉ được đọc vài tiểu thuyết hiện đại của ta và của ngoại quốc. Nhận xét của tôi e phiếm diện, không đúng. Tôi có cảm tưởng rằng ngày nay người ta có xu hướng viết truyện không có kết.
Chẳng hạn một ông lớn vì chán phè phởn mà buồn tình, đi yêu một cô gái đã thô kệch lại câm, mướn một chỗ lén lút gặp nhau rồi cô ả có mang thì ông lớn đổi lên thủ đô, lãnh nhiệm vụ lớn hơn nữa. Thế là hết. Mối tình đó hậu quả ra sao, không ai biết.
Hoặc một bọn trẻ nghịch ngợm như bầy tiểu yêu, đến khi thôi học, kẻ đăng lính, kẻ ở nhà lang thang, vẫn giao du thân mật với nhau, có tiền thì rũ nhau đi “nhót”, rồi một kẻ chết, để lại bà mẹ, họ xúm lại lo đám tang rất tươm tất. Tới đó cũng hết. Chẳng biết tương lai họ ra sao, họ có ý hướng gì không. Chắc họ cũng lại hợp nhau nữa, lâu lâu đi nhót, tối tối lại quán cà phê ngó người qua đường, đấu láo với nhau cho hết buổi để đến lúc lại có một kẻ chết nữa vì bom đạn.
Một truyện nữa: nhân vật chính gồm hai cặp. Cặp thứ nhất: chàng và nàng quen nhau từ lâu, có hồi ở chung nhà, mến nhau; người chung quanh đều tưởng chàng sẽ cưới nàng trước khi đi quân dịch, nhưng không, chàng cứ lừng khừng, và ngày sắp vô trại, nàng đãi chàng một bữa cơm có chả giò hay bì bún gì đó. Chàng ăn xong ra về, chẳng hứa hẹn gì cả mà cũng chẳng từ biệt nhau nữa. Cặp thứ nhì cũng mến nhau. Chàng bị Việt cộng bắt, nàng buồn rầu rồi vô Vũng Tàu theo học một khóa tu nghiệp, khi hay chàng được quân đội Mĩ giải thoát, nàng mừng, viết thư hẹn Tết sẽ về thăm chàng. Nhưng gần tới Tết thì chàng vô Sàigòn ăn Tết với cha mẹ, không đợi được gặp nàng. Hết. Chẳng biết mối tình của hai cặp đó ra sao, cũng chẳng biết họ có yêu nhau không nữa.
Thượng đế đã chết, hi vọng ái tình cũng chết nốt. Đương tuổi dạt dào nhựa sống mà thanh niên ngày nay chẳng hề vui ồ ạt, cũng chẳng hề khổ thấm thía, chẳng dự tính việc gì, cơ hồ chỉ thích ăn phở, uống “ba ba” và hút Salem. Chán nản kinh khủng.
Một cặp nữa trong truyện dưới đây cũng vậy: chàng mới ở trường ra, độc thân, tới nhận chức ở một tỉnh nhỏ, ở trọ một nhà có một thiếu nữ nghèo, xinh, ngoan, thông minh, dí dỏm. Họ chẳng ra mặt yêu nhau (nàng săn sóc cho chàng khi ốm, chàng tận tình giúp đỡ gia đình nàng), rồi nàng chán đời sống ở nhà, thôi học, vô Sàigòn, trước khi đi đưa chàng một bức thư dặn nàng lên phi cơ rồi mới mở ra đọc. Nàng đi, chàng không hỏi han, dặn dò gì cả, cũng không ra phi trường tiển đưa, tới giờ phi cơ cất cánh, chàng nhớ tới nàng, nhưng cũng chẳng mở bức thư ra đọc. Bức thư đó nói gì, chẳng ai biết, và chính mối tình của họ với nhau ra sao, độc giả cũng không đoán được. Họ như anh em với nhau mà gọi nhau bằng chú cháu, có vẻ quí mến nhau lắm mà chẳng bao giờ tỏ tình với nhau. Cứ lơ lơ, lững lững, phất phơ, tà tà vậy thôi. Chẳng có gì dứt khoát, chẳng ham muốn mạnh mẽ mà cũng chẳng bao giờ rầu rĩ đến thở dài, mất ngủ.
Nghĩ cho cùng, biết kết làm sao bây giờ? Kết có hậu ư? Nhưng chàng là một công chức nhỏ, sống độc thân vừa đủ ăn, nàng còn tuổi đi học, cưới rồi mà chàng phải vô Thủ Đức, ra trận thì cầm bằng như thành quả phụ. Kết có hậu như vậy sẽ như không hậu mất. Cũng không thể kết tự nhiên như Nguyên Chẩn được. Chiến tranh không bao giờ chấm dứt, tương lai họ mù mù mịt mịt thì kết thế nào cho tự nhiên được?
Chẳng những việc cá nhân, việc nhà việc nước, đến việc thế giới lúc này cũng đều kẹt, không sao giải quyết nỗi. Bi kịch Đức, Đại
Thế giới bất ổn, nhìn về phía nào cũng thấy ngõ cụt, ngay những kẻ lãnh đạo các cường quốc cũng không biết giải quyết cách nào, đi tới đâu.
Vì vậy mà người ta hoang mang, bất bình, thấy đời là phi lí và những tiểu thuyết mới nhất ngày nay có đầu mà không có đuôi, có khi không đuôi mà cũng không đầu, như chuyện một người điên nói bậy nói bạ. Tôi có cảm tưởng người ta dọn cho tôi một bửa thịnh soạn - vì truyện nào cũng phong phú, kĩ thuật rất khá – nhưng mới cho nếm sauce mayonnaise thì đưa ra món mắm ruột để nhắm với whisky soda rồi bổng ngưng lại và chúng ta đành ngó nhau, đứng dậy ra về. Đúng
như Malraux nói, tiểu thuyết ngày nay chỉ phô diễn cái bi thảm của lịch sử chứ không giảng cho người ta hiểu con người.
- Vậy ông cho là tại xã hội, thời đại mà tiểu thuyết ngày nay có lối kết không kết như vậy? Nhưng tổ tiên ta ở thế kĩ XVIII cũng đã biết một thời đại như thời đại chúng ta như bây giờ. Hồi đó các cụ cũng chịu cảnh phân tranh Nam Bắc như chúng ta ngày nay (các cụ không biết tình hình thế giới hồi đó, giá biết thì cũng lắc đầu, cho nó là phi lí vì cả Châu Âu như một nồi súp-de muốn nổ), vậy mà tiểu thuyết các cụ vẫn “nghiêng bình phấn mốc mà nhồi má nheo”, để “phòng khi động đến cữu trùng” thì “giữ sao cho cho được má hồng như xưa”, còn chinh phụ thì bặt tin chồng đã mấy thu mà vẫn còn mong khi về, “xin vì chàng xếp bào cởi giáp, xin vì chàng rũ lớp phong sương”. Tâm trạng con người, chứ đâu tại xã hội, thời đại?
- Chính vậy, tại nhân sinh quan đã thay đổi. Ngày xưa các cụ còn vững lòng tin tưởng. Ngày nay trái lại, người ta tuyên bố “Chúa đã chết”. Nhìn xung quanh còn cái gì? Chỉ có hạch tâm là quyền năng mạnh nhất. Chỉ có hưởng thụ là khôn nhất. Nhưng tiếng nói của tiểu thuyết gia đâu phải là tiếng nói của cả một xã hội. Cho nên thời xưa có những nhà tin tưởng như tác giả Cung Oán và Chinh phụ thì cũng có người chán nản buông xuôi như tác giả Sơ kính tân trang và ngày nay có một số nhà kết theo lối mới thì cũng còn nhiều nhà kết theo lối cũ. Nhân sinh quan trong tiểu thuyết chỉ là nhân sinh quan của cá nhân, hợp với một số độc giả độ năm mười ngàn. Đại đa số quần chúng vẫn mong rồi sẽ có hòa bình, sẽ có trật tự nào đó để được sống một cuộc sống tầm thường mà chân chính như André Maurois đã nói, một cuộc sống gồm những thú vui giản dị, chẳng hạn như ăn lạc rang mà đọc tiểu thuyết.
- Nhưng ông đã nói rằng tin như vậy là rất đổi ngây thơ?
- Ngây thơ nhất là các em bé, mà sung sướng nhất cũng là các em bé. Vả lại đã phải sống thì cần có một tin tưởng, thiếu tin tưởng thì sống làm quái gì nữa?
- Ông kết có hậu lắm.
- Vâng. Tôi mê truyện Tàu từ hồi chín mười tuổi mà.
Chú thích:
[1] Huê kiều
[2] Ở một làng quê An Giang, cách đây khoảng 50 năm, tôi có dịp được nghe “đọc truyện” đôi lần. Cách đọc khá lạ: to, chậm, đều đều, kéo dài từng tiếng một. Đọc một hơi dài, ngưng lại một chút để lấy hơi rồi đọc tiếp, cũng đều đều như thể trong sách không có các dấu ngắt câu. [Goldfish]
[3] Nay là công viên Lê Văn Tám. [Goldfish]
[4] Tạm dịch: “Sự đau khổ là ông thầy của chúng ta”. [Goldfish]
[5] Tức Tây Ban Nha. [Goldfish]
[6] Nước Đức đã tái thống nhất từ ngày 3-10-1990. Hồi Quốc nay gọi là