Tết, thời gian trọng đại nhất trong năm.
Và hôm nay, bước vào năm thứ mười một. Mái tóc thêm nhiều sợi bạc, nếp nhăn thêm nhiều ở đuôi mắt, và cuộc đời thêm nhiều nỗi buồn vui. Đôi khi chợt giật mình: "Mình đã từng ấy tuổi ấy sao?"
Thời gian cuối năm thường thì người ta hay nhìn lại quá khứ để đặt lại một hướng đi cho tương lai. Cũng có những người thích dành những giây phút cuối của một năm để tìm về kỷ niệm. Tôi cũng muốn được là một trong những người ấy để có giây phút sống lại dĩ vãng. Vàng son hay cùng cực thì cũng vẫn là hành trang cho mình trên bước đường đời. Nhưng bao năm qua, hoàn cảnh và thời gian ngày Tết trên quê người không cho phép. Có muốn cũng đành chịu thôi.
Nhưng sao hôm nay, kỷ niệm xưa, kỷ niệm của một thời con gái lại rộn ràng trở về?
Tôi đang biên soạn chương trình “Giờ Thơ Nhạc” mà tôi phụ trách trên Đài VOA và 974FM trên Đài Úc Châu, một chương trình nói về tình yêu cho Radio Bolsa. Tôi cần những bài thơ minh họa. Cuốn thơ cũ của thời đi học là một kỷ niệm tôi mang theo sang đây, vốn đã quí lại càng thêm quí. Tôi đã bỏ cả một buổi tối để đọc, để tìm những vần thơ phù hợp với chủ đề tôi biên soạn. Có một bài thơ của một người bạn học ngày xưa đã làm vương vấn tâm hồn tôi. Mặc dù tôi phải thú nhận rằng thời gian đã quá lâu, kỷ niệm khá mờ nhạt khiến ngày nay tôi quên cả tên thật của anh, và dáng anh trong trí tưởng tôi chỉ rất mơ hồ...
Cho đến lúc này tôi mới cảm thấy thấm thía với những vần thơ anh tặng cho tôi vào dịp làm báo Tất Niên của Trường Sư Phạm. Gần bốn mươi năm, một bài thơ
“Bây giờ hay mai sau..…..”
“Nếu em thích tình yêu ngọt ngào như trái cây mùa hạ
Thì mai anh về tìm kiếm tuổi hoa niên
Với anh - tháng ngày chỉ là vị đắng
Uống khổ đau môi mềm đã thành quen
Nên không thể vuốt ve hạnh phúc đẹp tròn
Nên không thể làm thơ thành nhã ca...
Mùa đông cô đơn mang nhiều rét mướt
Nếu tình anh không là áo em sưởi ấm
Thì anh về, hoa gạo nhặt từng bông
Không ấm tay em mà lạnh trong lòng
Và nếu tình anh không là vườn địa đàng
Cho em vào yên lành trú ẩn
Thì anh sẽ trở về quê hương
Như thuở còn thơ ấu...
Mùa thu anh sẽ đi tìm loài dã thảo
Nhắc tên em trên những cánh hoa rừng
Mùa xuân về anh sẽ hát bâng khuâng
Anh đào rụng lung linh như ngấn lệ
Anh sẽ bảo rằng người yêu nhỏ bé
Vẫn đi về trên lối nhỏ hồn anh
Mắt bồ câu vẫn dấu mộng yên lành
Qua năm tháng...
Môi vẫn đỏ, má vẫn hồng và tóc vẫn xanh
Thiên đường đó gót mềm chưa lạc bước
Tình yêu đến - khổ đau chưa từ khước
Khung trời nào hoa bướm chẳng thương nhau
Chừng nào em về...
Bây giờ hay mai sau?
Giấc hoàng hôn trên vai anh yên ngủ
Tháng năm và cuộc đời có gì trắc trở
Cho bước chân chim
Ngập ngừng vào khu vườn đó
Hạnh phúc nào lựa chọn đâu em?
Rồi mùa đông…... hoa rụng trắng bên thềm
Em sẽ khóc rất nhiều như một loài rêu câm nín
Nếu hôm nay em chẳng biết chăm nom
Bằng đôi tay búp măng
Vun quén cho loài hoa mới mọc
Bây giờ hay mai sau..?”
Dưới bài thơ ký tên là Thương Huyền. Cũng vì bút hiệu này của anh làm tôi ngần ngại, không muốn nói chuyện nhiều với anh như những người bạn trai đồng khóa khác...
Ngày xưa ở Saigòn, thời gian này là mùa xuân, cái thời gian rộn ràng nhất vì ai cũng chuẩn bị đón Tết. Nắng như tươi hơn. Cây cỏ hoa lá như đẹp hơn. Không khí Tết bên ngoài là hoa xuân, là mứt, bánh kẹo, là hạt dưa, là những quầy bán thiệp Xuân la liệt...Không khí Tết trong mỗi ngôi trường là rộn ràng tiếng hát, tiếng đàn tập dượt văn nghệ, làm bích báo, đặc san Xuân...Tôi và anh học cùng trường nhưng khác lớp, khác cả từng dãy hành lang và một khoảng sân rộng vì ngày ấy nam nữ không học chung. Anh làm quen tôi trong những ngày làm báo cho trường. Các bạn khác được quen, được nói chuyện với Trưởng ban báo chí toàn trường là anh thì có vẻ hân hạnh lắm. Riêng tôi mọi chuyện xảy ra tại ngôi trường mới này quá bình thường, nếu không nói là niềm vui gượng ép.
Lúc bấy giờ tôi vẫn còn nhớ tiếc quãng thời gian trung học, "đuổi bướm ép hoa vườn bách thảo".
Tôi vẫn còn nhớ nhiều những gương mặt học trò, bạn thân trong học vấn cũng như hoạt động văn nghệ trong trường như Hồng Thủy, Mộng Thúy, Ấu Oanh, Ngọc Trâm, Hương Kiều Loan, Hồng Hảo, Ánh Tuyết.... Nhớ những bước chân chạy rầm rập trên cầu thang gỗ, tiếng cười trong trẻo tan vỡ như pha lê, tiếng xuýt xoa vì ớt cay đỏ hồng trong muối, tiếng chí choé giành nhau cắn một miếng xoài tượng hơi ửng vàng.....nhớ cả những ánh mắt lườm yêu của cô Nguyệt Minh, Tổng Giám Thị, tiếng hầm hè, dọa nạt của những bà Giám Thị tuổi bằng mẹ của mình...
Những âm thanh ấy còn vang vọng, mời gọi trở về. Thời gian ấy, thuở còn cắp sách vui thật là vui. Tuổi đẹp nhất của một đời người. Làm bích báo, tập văn nghệ để được thoát ra khỏi bốn bức tường lớp học, không phải hồi hộp khi thấy ngòi bút của vị giáo sư lướt trên sổ điểm gọi đọc bài. Không phải đứng như trời trồng trước một phương trình toán khó trên bảng đen, không phải len lén bàn tay dưới gầm bàn chia nhau món quà ăn vụng, không phải nhỏ to trên mảnh giấy con con...
Học làm thầy thì phải người lớn, phải mô phạm. Tôi đang phải tập làm quen một cách miễn cưỡng. Tôi bước vào ngôi trường Sư Phạm theo ý muốn của cha tôi. Ông là một nhà giáo rất yêu nghề. Có lẽ muốn có một người con nối nghiệp mình, nên chính ông đã nộp đơn cho tôi. Đến ngày thi, chính ông đã đưa tôi đến tận phòng thi rồi ra ngoài quán để ngồi đợi đón tôi về. Tôi đã không phụ lòng cha tôi. Càng ở trong nghề, tôi càng yêu nghề và tận tụy với nghề. Học hỏi thêm, thăng tiến kiến thức. Tôi được học sinh yêu quí, phụ huynh tin tưởng suốt gần ba mươi năm cho đến ngày bước chân ra khỏi quê hương...
Trở lại người bạn có bút hiệu Thương Huyền, người đã tặng tôi những câu thơ mượt mà nhưng không kém phần già dặn, ý tình sâu xa mà ngày ấy tôi chưa hiểu hết, như một lời tâm tình, như một lời dặn dò, một lời khuyên. Rồi mùa đông hoa rụng trắng bên thềm, em sẽ khóc thật nhiều như một loài rêu câm nín. Nếu hôm nay em chẳng biết chăm nom bằng đôi tay búp măng vun quén cho loài hoa mới mọc, “Bây giờ hay mai sau...". Lẽ ra ngày ấy tôi phải coi anh như một người anh mới đúng.
Anh điềm đạm và rất ít nói. Ngay cả khi cả bọn làm bích báo. Nói chuyện vừa đủ không đùa giỡn. Thỉnh thoảng cũng buông một câu dí dỏm hòa theo không khí vui tươi của những người đang học làm thầy. Hình như anh hơn tôi khoảng vài ba tuổi. Nhưng anh có vẻ già dặn hơn nhiều. Anh cũng không tỏ vẻ khó chịu khi thấy một vài ông giáo sư trẻ độc thân lâu lâu lại tìm cách xuống phòng sinh hoạt để tìm cớ nói chuyện với tôi. Anh chỉ có một đề nghị bài thơ "Bây giờ hay mai sau..." của anh do chính tay tôi viết trong một góc khiêm nhường trên bích báo. Ngày ấy tập vở của tôi sạch sẽ lắm, viết bằng màu mực nâu, bút Pilot. Chữ của tôi mọi người bảo không đẹp nhưng rõ ràng, nắn nót. Các giáo sư phụ trách thường mượn lại để dạy những lớp sau. Nhưng khi viết trên bảng, vì phải chạy theo thời gian của một tiết học, nên tôi viết chữ "xấu như ma", thầy Tăng Xuân An dạy môn thực hành đã chê như thế! Nhất là ngày học tiểu học, thường thì làm luận văn, bên cạnh có cả khung điểm chữ viết nữa. Có lẽ chữ tôi được xếp vào loại xấu nhất. Được điểm trên trung bình một chút, chỉ vì cô giáo thương, nâng đỡ mà thôi. Chính cô giáo Hồng đã khuyến khích tôi nên tập viết bằng cách chép lại những bài đã học trong ngày vào một quyển vở khác. Mỗi tuần đưa cho cô xem để cô theo dõi và góp ý. Bằng cách đó mà chữ viết của tôi có tiến bộ. Sau này vì tôi chép thơ nhiều nên chữ càng đẹp hơn, nhưng nếu có ai khen, bao giờ tôi cũng nghĩ đến cô giáo cũ dạy tiểu học Trần Thị Hồng.
Tôi, đã nhận lời anh viết bài thơ trên bích báo. Biết sẽ có nhiều người xem nên nét chữ hơi run. Trong lúc làm báo, tôi hỏi anh hoa gạo màu gì? Chắc là hoa giống như hạt gạo? Anh lắc đầu. Tôi cứ thắc mắc tại sao người ta lại đặt tên là hoa gạo. Anh mỉm cười bảo rằng anh cũng không biết gì về "lịch sử" tên loài hoa này. Nếu biết ngày nay có người hỏi, lại là một người bạn gái học cùng trường thì ngày ấy anh đã hỏi mẹ anh rồi. Anh chỉ nhớ tới một cách mơ hồ về làng quê miền Bắc của anh…Cây hoa gạo thường mọc ở ngoài cánh đồng. Mùa xuân hoa nở tung những bông hoa màu đỏ thắm. Thôn quê rực rỡ thêm trong những ngày lễ hội mùa xuân. Những cây gạo nở hoa màu đỏ, đẹp như những mâm xôi gấc.
Tôi bảo Tết này anh về thăm nhà ở thành phố nhỏ ven sông, hỏi mẹ về lịch sử tên loài hoa gạo dễ thương này, có muộn gì đâu? Khói sương như đọng trên đôi mắt cương nghị của anh…Vô tình tôi đã khơi dậy nỗi đau buồn trong anh. Khi di cư vào Nam, bố mẹ anh đã ở lại vì ông bà nội không muốn rời xa quê hương đất Tổ. Rồi sau đó, tất cả đã dần dần chết vì uất ức, vì bị đấu tố. Anh một thân một mình vào Nam vừa đi làm vừa đi học.
Thấy tôi buồn, anh chuyển qua kỷ niệm thời thơ ấu. Anh vẫn thường ra chơi ở cánh đồng cùng lũ bạn chạy nhảy, thả diều, la hét và cùng tranh nhau nhặt những bông hoa gạo để ném vào nhau. Tôi cười vui: lũ bạn của anh toàn là con trai hay còn có con gái nữa? Anh nói ở quê anh, bọn con gái chỉ chơi nhảy dây, chơi ô ăn quan, nhảy lò cò hay giả bộ bán hàng. Anh không thích chơi với mấy đứa con gái, vì mấy cô ấy bé mà chơi cứ thích đóng vai chị, vai mẹ mà thôi. Chúng tôi cười vui vẻ, tiếp tục hoàn thành tờ bích báo.
Rồi những ngày xuân rộn rã trôi đi. Chúng tôi lao vào học tập để chuẩn bị thi tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên mỗi khi nghỉ để chuyển tiết, tôi vẫn biết từ hành lang bên kia đang có một ánh mắt nhìn…
Tuổi trẻ thường thích bay bổng. Trong đơn chọn nhiệm sở, tôi đã ghi thành phố Đàlạt, Nha Trang trên thành phố Sàigon. Hơn nữa cũng chẳng có hy vọng đậu cao để được dạy ở Saigòn. Thầy Tổng Giám Thị xem xét lại hồ sơ lại là bạn thân thiết nhất của cha tôi “phát hiện” ra điều đó. Ông vội vàng điện thoại về trường nói chuyện với cha tôi. Thế là tôi phải làm đơn lại với hai chữ Sài Gòn vào bên cạnh con số 1. Tuy nhiên hai thành phố nghỉ mát của Miền Nam Việt Nam mà tôi yêu...vẫn hiện diện trong tờ đơn chọn nhiệm sở của tôi, không Chợ Lớn mà cũng chẳng Biên Hoà.
Vì kinh nghiệm giảng dạy của cha tôi truyền cho, vì tôi có điều kiện thực hành nhiều tại những lớp học trường cha tôi phụ trách nên điểm thực hành của tôi rất cao. Thế nhưng tôi chỉ đứng thứ hạng 21 trong kỳ thi tốt nghiệp. Tôi bị lọt ra khỏi danh sách 20 người được dạy ở Sài Gòn. Anh Nguyễn Ngọc Tú (hiện nay là chủ nhân hiệu Bolsa Fabric trên đường Bolsa thuộc Sài Gòn nhỏ) là Thủ Khoa đã nhường chỗ cho tôi.
Anh nói anh là con trai có đi xa một chút cũng không sao. Thế là tôi được dạy ngay một trường gần nhà với "ca" sớm nhất trong ngày. Sau đó có cả một buổi sáng và buổi chiều, tôi đi học tiếp, vừa học vừa chơi. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, đang bước vào những năm cuối của thời kỳ thái bình an lạc. Đồng tiền có giá. Hàng hóa rẻ. Một thời hoàng kim của chế độ Cộng Hòa.
Tác giả bài thơ được trở về một ngôi trường thuộc thành phố nhỏ ven sông, nơi mà cô chú anh, những người đã nuôi nấng anh, đã chọn làm quê hương thứ hai khi di cư vào Nam năm 1954. Một thành phố hiền hoà, bình dị, tươi mát. Trong khi mọi người tíu tít tụ họp nhau nơi sân trường để trao nhau lưu bút, hình ảnh, địa chỉ...thì anh vẫn điềm đạm nói lời từ biệt với tôi bằng bài thơ ghi trong tập thơ mà tôi đã chuyển đến mọi người chép và ghi cho tôi một vài kỷ niệm.
Tôi quên anh ngay sau buổi họp mặt cuối cùng ấy cho đến hơn mười năm sau, thời gian đó chiến tranh Việt Nam leo thang. Tôi đã có rất nhiều em học sinh cũ lên đường cầm súng "xếp bút nghiên theo việc đao cung " chiến đấu bảo vệ Miền Nam thân yêu. Trong đó có Nguyễn Đức Hạnh, một học sinh nghèo học rất giỏi, lại rất ngoan của tôi. Cho đến hôm nay hơn một phần tư thế kỷ, tôi vẫn không thể nào quên được gương mặt thông minh của cậu học trò ấy, cùng vẻ điềm đạm của em. Cuối năm học, ngoài phần thưởng của Sở Giáo Dục, tôi đã mua riêng cho Hạnh một cuốn tự điển Anh Việt với dòng chữ đề tặng của tôi. Cuốn tự điển ấy, Hạnh luôn luôn mang theo dùng, ngay cả khi vào lính. Tình cờ người chỉ huy đơn vị của Hạnh lại là người bạn có bài thơ ký tên Thương Huyền. Anh nhận ra nét chữ quen thuộc của tôi. Hạnh đã kể chuyện nhiều về cô giáo cũ và người đơn vị trưởng thì lại rất muốn nghe nên vẫn cho là ít...
Lần về phép đầu tiên, Hạnh "bay" vội đến thăm tôi tại trường DTH. Bộ quân phục tác chiến còn vương mùi thuốc súng. Hạnh chuyển lời thăm của người đơn vị trưởng tới tôi. Tôi được biết người bạn học sư phạm cũ đã có gia đình. Vợ của anh cũng là cô giáo và hai người có hai con nhỏ. Vợ con anh vẫn ở thành phố ven sông.
Đó là lần cuối cùng tôi gặp Nguyễn Đức Hạnh. Người học trò cũ, người chiến sĩ trẻ. Cả đơn vị của anh đã hy sinh gần hết trong một trận giao tranh ác liệt với Việt Cộng vào mùa hè đỏ lửa. Sau này có dịp ghé qua thành phố ven sông ấy, tôi có tìm thăm vợ con người bạn cũ thì được biết anh cũng đã hy sinh. Tôi thẫn thờ nhìn từng kỷ vật của anh. Một mảnh gỗ khắc hai câu thơ được đặt trên mặt tủ:
"Mùa thu anh sẽ tìm loài dã thảo
Nhắc tên em trên những cánh hoa rừng"
Chị ngậm ngùi nói rằng đó là kỷ vật cuối cùng khi anh về phép. Lần cuối và không bao giờ trở lại. Vĩnh viễn đi xa... Lặng lẽ, tôi nhìn chị, những ánh mắt thương cảm gặp nhau, không hiểu chị có biết bài thơ ngày đó anh đã tặng cho tôi? Mảnh gỗ này có lẽ tự tay anh đã đẽo gọt rồi khắc lại những vần thơ xưa, sau khi nghe Hạnh kể chuyện về cô giáo cũ.
Tôi xoa đầu hai cháu bé, một trai, một gái Chúng nép vào tôi như muốn được che chở. Tôi ôm chặt hai bé thơ tội nghiệp như ôm cả nỗi đau thương vào lòng.
Nước mắt tôi ràn rụa, những giọt nước mắt khóc cho anh, người bạn học cũ, khóc cho chị, người vợ trẻ thời chinh chiến, khóc cho hai bé mồ côi mất cha, khóc cho Nguyễn Đức Hạnh, học trò ngoan và giỏi của tôi, khóc cho cả quê hương đất nước Việt Nam triền miên khói lửa, khóc cho một dân tộc đang bị thảm cảnh chiến tranh đầy đọa, trong đó có những người tôi quí mến.
Hôm nay một phần tư thế kỷ rồi, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh người thiếu phụ trẻ ấy với hai đứa con nhỏ dại, ánh mắt ngây thơ vô tội ngơ ngác nhìn tôi, trong ngôi nhà nhỏ đơn chiếc ở ven sông...
Đã nhiều năm nay, tôi thường cùng bạn hữu kêu gọi trên các làn sóng đài phát thanh (hay các báo chí mà tôi cộng tác) hãy giúp đỡ các thương phế binh, cô nhi quả phụ chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Công việc này được thính giả, độc giả hưởng ứng rất nhiệt tình. Có đến hàng trăm hồ sơ từ khắp các tỉnh miền Nam gởi cho chúng tôi.
Tôi vẫn thường hy vọng nhận được thư chị, được ghi tên chị vào danh sách cô nhi quả phụ, được ghi tên hai cháu vào danh sách cô nhi để được các hội đoàn ở đây quan tâm giúp đỡ.
Riêng tôi, hàng bao năm nay, tôi muốn gởi cho chị và hai cháu một chút quà. Thế nhưng tôi không có địa chỉ và chắc gì chị cùng hai cháu còn ở nơi cũ hay không? Gần ba mươi năm rồi, cuộc đời biết bao nhiêu là dâu bể...
Mùa xuân ở nơi đây hình như chưa vội đến, mà Tết lại đã trở về. Người dân Việt tị nạn đón Xuân, đón Tết trong hoàn cảnh xứ người. Có nơi trong tuyết rơi giá lạnh. Nơi tôi ở, trời Cali đã bước vào mùa mưa. Có những ngày mưa tầm tã, chạnh nhớ hàng ngàn, hàng vạn đồng bào các tỉnh miền Nam nạn nhân bão lụt, nhà cửa bị tàn phá. Giờ đây người còn sống chưa hết nỗi hãi hùng, chưa vơi được niềm đau người thân yêu vĩnh viễn ra đi. Giờ đây còn biết bao nhiêu người dân nghèo còn sống trong cảnh màn trời chiếu...nước. Mọi giúp đỡ trong khả năng, ở hải ngoại ai cũng rất nhiệt tình chia sẻ, chỉ mong sự cứu trợ được đưa tận tay đến các nạn nhân.
Nơi tôi ở, vẫn còn đang ở vào những ngày lạnh cuối đông, những ngày cuối cùng của một năm âm lịch, hờ hững đón Tết nơi xứ người. Trong lòng tôi vẫn mang một niềm mơ ước được trở về quê hương. Nhưng không phải để vui Tết với xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa mà chỉ muốn có một số tiền để được giúp người nghèo khổ, người hoạn nạn, để được thắp lên những nén hương thơm trên mỗi mộ phần người thân yêu cũng như mộ phần những người nằm xuống vì cuộc chiến. Và tôi cũng muốn thăm lại người thiếu phụ với hai đứa bé mồ côi cha ấy. Tôi nghĩ họ là một trong số nhiều gia đình bất hạnh thiệt thòi nhất sau cuộc chiến tranh triền miên và thảm khốc trên đất nước ta.
Tôi thầm hy vọng ngày trở về của tôi, không xa, chị và hai con vẫn còn sống nơi thành phố nhỏ ven sông ấy ….