ậy là đã nửa năm trôi qua kể từ ngày anh mất. Em bỏ lại căn nhà của chúng ta, chuyển tới chỗ khác và đã tìm được việc làm. Mới chỉ nửa năm thôi mà có quá nhiều chuyện xảy ra, giờ nhìn lại, em thấy như mình vừa ngủ một giấc rất dài. Anh cũng biết đấy, em là người vô tâm và lơ đễnh, nhưng không hiểu sao gần đây em thậm chí còn đãng trí hơn nhiều so với ngày trước. Chiaki nhờ em khâu lại chỗ rách trên bộ quần áo thể dục của nó mà em cũng quên mất. Vậy là con bé phải mặc bộ đồ rách suốt hai tuần liền, tội nghiệp con quá.
Em đã trở nên như vậy, là vì lúc nào em cũng tự ép mình trong trạng thái căng thẳng, chính em cũng biết điều đó. Nhưng cứ hễ cho phép bản thân lơi lỏng một chút, em lại hối hận và đau đớn hết mức, đến nỗi chân tay cũng đờ ra. Rồi em lại bắt đầu vòng luẩn quẩn tự trách mắng và nguyền rủa bản thân. Rằng có lẽ em đã không đủ dịu dàng, và rằng mọi chuyện hẳn đã khác đi nếu ngày đó em gọi anh lại…
Thậm chí em đã nghĩ, nếu có thể, em muốn xóa hẳn anh khỏi kí ức của em. Nhưng em càng làm theo cách đó, Chiaki càng tỏ ra bất ổn, dù có cố gắng thế nào em cũng không làm nổi…
Có lẽ em hơi quẫn quá mất rồi. Chiaki lén em viết thư cho anh. Khi biết chuyện của con bé mang những lá thư ấy đến chỗ bà cụ chủ nhà, em đã phàn nàn bà cụ. Mong bà đừng xúi giục làm rối loạn tâm lý trẻ con nữa. Em thật là vô lối quá.
Trước cơn phẫn nợ đùng đùng của em, bà cụ lẳng lặng mời em vào nhà rồi đưa em đọc những lá thư mà Chiaki viết. Trong thư, con bé cố gắng bằng mọi cách để mang anh, người cha đã mất của nó, trở về một lần nữa. Nó đã ép cái tâm hồn nhỏ bé trong cơ thể nhỏ bé của nó quá mức có thể. Sự dũng cảm ấy của con khiến em không cầm được nước mắt, đến nỗi em quên rằng em đang ở trước mặt bà cụ. Nhưng có một điều quan trọng hơn, với trách nhiệm làm mẹ, em không thể làm ngờ.
Chiaki thực sự giống anh. Đọc thư của con, em cảm nhận rõ điều đó. Con bé không vô tâm như em, kiểu chỉ cầu mong mọi thứ luôn được cân bằng. Chắc chắn một ngày nào đó Chiaki sẽ phát hiện ra em nói dối con về cái chết của anh, nghĩ đến đây bất giác em rùng mình.
Có lẽ càng lớn lên con sẽ càng giống anh hơn. Giống như anh, ít nói nhưng nhạy cảm trước nỗi đau của người khác, chính vì thế con bé sẽ ưa cô đơn, nhưng hẳn nó chẳng thể nào không sống vì người khác. Con mình sẽ trở thành một người như thế. Dần dần, những xung đột nội tâm trong con bé chắc chắn sẽ đầy ắp lên. Và càng giống anh bao nhiêu, con sẽ càng cần anh bấy nhiêu. Nhưng tất cả những điều đó chỉ có ý nghĩa khi con còn sống thôi.
Em định cứ tiếp tục nói với con rằng anh qua đời vì tai nạn giao thông. Có lẽ giấu một đứa trẻ chuyện bố nó tự tử là điều khá hiển nhiên, nhưng em nghĩ, với Chiaki, bí mật ấy cần phải được giữ giấu kín lâu hơn nữa. Nếu con bé biết về cái chết của anh, rằng cơ thể anh còn nguyên vẹn như một kì tích dù anh đã rơi xuống từ trên độ cao như thế, chắc hẳn một ngày nào đó, con bé sẽ không thể cưỡng lại cái cảm giác thôi thúc làm theo hành động đó của anh. Bởi, Chiaki có tâm hồn giống anh biết
E rằng sẽ có ngời bảo em làm vậy chỉ vô ích thôi. Bởi Chiaki biết sự thật hay không cũng có gì khác đâu, sự thôi thúc trong trái tim con bé đã có từ bẩm sinh rồi, giống như thủy triều lên xuống bởi lực hút của mặt trăng vậy. Cũng có thể có người sẽ nói như họ đã hiểu hết, rằng giấu giếm như thể là sai. Rằng em hãy tâm sự hết, tuôn hết những điều chất chứa trong lòng, nói ra cả những gì không vừa ý, khuyên bảo con bé không bao giờ được nảy sinh ý định tự tử, rằng thật tốt biết bao nếu có thể ràng buộc được con… nhưng rõ ràng là không thể. Chừng đó là quá nhiều với con bé. Chẳng có dấu hiệu nào cho thấy rằng, con bé sẽ an toàn nếu em khuyên bảo nó đủ nhiều, và vì vậy mà ít nhất, điều em có thể làm được là tiếp tục giữ kín bí mật này. Chỉ vậy thôi. Có lẽ con bé sẽ giận em, và nổi loạn nữa. Em rất lo.
Bây giờ, khi viết về những kỉ niệm, em vẫn quá chừng đau xót. Em chất đầy ấp trong lòng lời oán trách dành cho anh, như choàng lên mình tấm áo giáp để tự vệ trước những đau đớn, tấm áo giáp mà tới giờ em vẫn chưa thể bỏ ra. Anh khư khư nỗi đau của riêng mình, không nói năng gì và tự ý ra đi. Anh giả bộ ra ngoài lang thang, cũng như mọi khi, như anh vẫn thường làm những lúc đòi hỏi phải có quyết định trong các việc khó xử, anh để lại thư cho người tình cũ rồi tự tử… Hẳn anh biết rất rõ, điều này khiến em đau đớn đến đâu, vậy mà…
Bà cụ chủ nhà bảo, nếu muốn em cứ viết thư cho anh rồi mang đến. Những lá thư, dù gửi đi theo cách nào, qua đường bưu điện, hay trong cái chai trôi dạt trên biển, đều có thể giải tỏa tâm tư của người viết. Nghe như chuyện lừa để dỗ trẻ con, nhưng thật lạ lùng, khi bà cụ nói với em, em cảm thấy những gì trước đây bóp nghẹt tim em bỗng nhiên được nới lỏng. Lá thư này em định chờ Chiaki mang hộ đến chỗ bà cụ. Nhưng lý do duy nhất, là bởi em biết làm vậy chắc chắn Chiaki sẽ vui mà thôi.
Có lẽ từ đây về sau em sẽ chăm viết thư cho anh hơn. Em phải viết, hàng chục, hàng trăm lá nữa. Những lá thư ấy, em sẽ giữ chúng cho riêng mình. Tại sao anh chết, em sẽ viết nhiều về điều đó, em sẽ hiếm khi đọc lại những điều viết ra và sẽ tiếp tục sống, ôm trong lòng câu hỏi không lời đáp kia, đó là cách riêng để em giữ anh. Dù sao, em cũng không thể xóa sạch những gì gắn em với anh. Nếu đã chạy trốn mà vẫn không thể quên, thì em còn cách nào khác được.
Một ngày nào đó, khi em thấy Chiaki đã thực sự lớn khôn, đã làm chủ được cuộc sống của mình, em sẽ cho con bé biết sự thật. Bấy giờ, không biết liệu em có thể kể hết mọi chuyện, về những niềm vui và nỗi buồn mà em đã trải qua?
Chừng nào ngày đó chưa tới, xin anh hãy bảo vệ Chiaki. Tuy vẫn chưa thể chấp nhận điều anh đã làm nhưng em sẵn sàng tha thứ cho anh, vì đã được gặp anh, yêu anh và được ban tặng Chiaki, cô con gái có tâm hồn giống hệt anh.
Tsukasa
Tôi lặng đi, bất động chìm vào suy tư. Bố đã chọn cái chết cho mình, thôi thì đành vậy. Dù sao cũng đã trôi qua một khoảng thời gian dài. Và người cho tôi khoảng thời gian trọn vẹn đó… chính là mẹ.
Đúng như mẹ đã dự đoán, ở tuổi thiếu niên, sự ngưỡng mộ tôi dành cho “người bố không còn ở đó” đột ngột trở nên ám ảnh đến bất thường. Hồi cấp II, mẹ quở trách tôi hết lời vì có một dạo thành tích của tôi thụt lùi, tôi đã cãi mẹ: “Sao mẹ không nhìn lại cuộc sống của mẹ ấy? Mẹ không thấy bố thật đáng thương sao?” Đó là lần duy nhất tôi thốt ra những lời kiểu đó.
Bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in tình cảnh lúc ấy. Mẹ không nổi cáu, không bật khóc. Và đương nhiên, cũng không tiết lộ sự thật. Buồn rầu, mẹ chỉ chậm rãi nói, bằng cái giọng thấu hiểu đến kỳ lạ: “Con rất giống bố con đấy.”
Sau đó, nhiều lần tôi hỏi mẹ: “Con giống bố ở điểm nào?” Câu trả lời của mẹ tuy không tránh né, nhưng rất mông lung, đại loại là “khó tính”, hay “nội tâm, thực khó để biết hai bố con đang nghĩ gì”, và dù tôi có vặn hỏi thêm mẹ cũng sẽ không nói gì khác. Cũng có khi tốt hơn hết không nên chạm tới những gì mình không biết, không cố đào bới mổ xẻ làm gì, nhưng tôi không làm được thế. Tôi cứ cố suy diễn theo chủ quan của mình rồi tự nhủ: “Vì mình giống bố cho nên mẹ ghét mình”.
Ý nghĩ đó không chỉ khiến tôi có cảm giác đang gánh vác một sứ mệnh ngọt ngào, rằng chỉ tôi mới có thể an ủi bố, đồng thời nó cũng giúp tôi dễ chấp nhận mọi chuyện hơn. Dượng tôi là típ người sôi nổi, ưa hoạt động, cả ngoại hình lẫn tính cách đều hoàn toàn khác bố. Bởi vậy nếu tôi vì “giống bố” nên bị mẹ lạnh nhạt thì tôi có thể yên tâm rằng không có bất cứ điều gì giả tạo trong hạnh phúc của mẹ khi tái hôn với dượng. Trong gia đình mới, mẹ lại trở về là một người điềm nhiên, bình thản như xưa. Nhưng trên hết, liệu có phải căn nguyên của việc tôi nổi loạn vì không thể chấp nhận sự lựa chọn của mẹ - bất chấp thiện chí từ phía dượng - có liên quan đến bí mật mẹ vẫn giấu kín đó. Tận sâu trong lòng tôi ương ngạch khư khư bám giữ một lời nguyện cầu. Cùng với nỗi nhớ thương dành cho người bố đã mất, tôi cũng mong mẹ luôn hạnh phúc, thứ hạnh phúc không gợn chút mây mờ, hoàn hảo đến mức sáng chói. Ước mong ấy mạnh mẽ và quyết liệt tới mức đôi khi làm tôi đau đớn.
“Con rất giống bố đấy”.
Khi thốt ra điều đó, chính mẹ cũng rất đau lòng. Không được để mất tôi, có lẽ tất cả nỗi đau mà trái tim mẹ nên chịu đều là vì thế. Vậy là, trong lòng mẹ cũng có một ước mong vô cùng mãnh liệt.
Nếu hôm nay, mẹ không cho tôi xem lá thư này, e rằng cả đời mẹ không bao giờ có cơ hội nói ra sự thật nữa. Có lẽ mẹ biết tôi đang phải trải qua thời kỳ khó khăn nên mới quyết định như vậy. Hay… phải chăng mẹ thực sự tin rằng, tôi đã trở thành người lớn, chín chắn và đang sống vững vàng?
Tôi lấy ngón tay quệt hai má ướt đẫm cho đến khi khô hẳn. Đang lau nước mắt, tôi bất giác bật cười. Nếu đúng là mẹ nghĩ tôi thực sự đã trưởng thành, thì đó quả là một phán đoán sai lầm. Thực sự sai lầm, mẹ ơi.
Tôi bỏ thư vào bao, ngón tay lần theo nét chữ rất nữ tính của mẹ. “Cám ơn mẹ!” tôi thì thầm.
2
Ngày hôm sau. Hình như đâu đó có hội thao, từ sáng sớm đã mấy lần nghe tiếng pháo nổ giữa trời quang, cứ như chúng được bắn lên vì bà cụ. Trong lễ tang, nhiều người có vẻ là cựu sinh viên của chồng bà cụ cũng tới dự, tất cả đổ ra vườn nghe đọc kinh. “Thời tiết đẹp nhỉ!” “Vâng, đẹp thật!” “Không thể tin nổi, tới tận hôm qua trời vẫn còn mưa dầm dề” “Khó tin thật” “Khớp gối tôi yếu rồi, nếu thời tiết không đẹp thế này thì tôi không ra khỏi nhà nổi”. “Tôi cũng vậy. Chà, chắc chắn bà cụ đã dàn xếp với thần linh mới được thế này”. Những mẫu hội thoại kiểu đó rầm rì truyền đến tai tôi.
Tôi đứng cạnh cây dương nghe kinh cầu. Giữa tán lá thưa ẩn hiện thấp thoáng ba trái qua lâu nhàn nhạt, cả một cái tổ chim nữa. Tôi nhặt một cái lá rụng, định nhét vào túi nhưng rồi lại thôi. Nếu khu căn hộ cho thuê này không còn cây dương sẽ ra sao, tôi tự hỏi, nhưng bất kể thế nào, tôi sẽ không bao giờ quên nó, như vậy là đủ.
Sắp xếp giờ đưa tang, bất ngờ xuất hiện một chiếc xe buýt to, bóng loáng, thành xe vẽ hoa anh đào lác đác. Chiếc buýt đỗ xịch trên con đường ven bờ sông.
“Xin mời lên xe nhanh lên nào. Xe buýt đang chắn đường đấy, làm ơn nhanh lêêên!”
Bác tài đeo găng tay trắng và mặc tang phục chỉnh tề, vừa lớn giọng nhắc nhở vừa nhanh nhẹn giúp các ông bà cụ lên xe.
“Bác Nishioka!”
“A…”
“Cháu là Chiaki, Hoshino Chiaki đây bác”.
“Chi… Chiaki đấy ư?”
Bác Nishioka hơi mập ra, mái tóc chải hất ra sau đã nhiều màu trắng hơn, nhưng cái vẻ hơi nhút nhát và giọng nam cao the thé không hề thay đổi so với ngày xưa.
“Ôi, cháu đã lớn thế này rồi cơ à, thành người lớn rồi đây”.
Tôi không ngờ có thể gặp bác Nishioka ở đây. Vì bác rời trang viên Cây dương trước cả mẹ con tôi. Hẳn là có nguyên nhân, nhưng tôi cũng chỉ đoán thôi. Ba tháng trước khi chuyển nhà, có lần bác Nishioka gọi cô Sasaki đang trên cầu thang của khu căn hộ đi xuống: “Cô, cô có muốn đi xem buổi biểu diễn thường kỳ của Shi… Shichou không?” nhưng bị từ chối thẳng thừng: “Tôi không thích tấu hài…” Lúc đó tôi đang ở dưới tầng, chui trong ngôi nhà đồ chơi yêu thích dựng từ hộp bìa các tông, nghe rõ cả tiếng thở dài rất lớn của Nishioka.
Bác Nishioka nói liến thoắng, đôi lông mày thì rung rung, vẫn hệt như hồi nào. Nghe nói mười năm trước, bác cùng với một người bạn mở công ty Dịch vụ lái xe.
“Không, không, không phải xe của bọn bác đâu. Cả cái xe hoành tráng thế này, nếu là của mình thì oách quá. Đây là xe đi mượn đấy. Vì cô Sasaki dặn là phải chọn loại xe to nhất. Lại không được chọn cái xập xệ nữa”.
Bàn tay đeo găng trắng của Nishioka vỗ binh binh vào thành xe buýt.
Cô Sasaki đóng hai cánh cổng sắt, tiếng kêu kèn kẹt, rồi chạy lại phía chúng tôi.
“Tán gẫu sau đi! Tôi sẽ đi cùng xe với bà cụ, mọi người đi xe sau nhé!”
Không đợi nghe trả lời, cô Sasaki leo ngay lên xe chở linh cữu.
“Ôi, cô ấy làm bác bất ngờ quá!” bác Nishioka nhìn theo xe chở linh cữu vừa đi qua, lẩm bẩm vẻ thích thú.
“Mười năm… à không, mười sáu năm rồi bác với cô ấy chỉ gửi thiệp qua lại. Rồi đột nhiên cô ấy điện thoại cho bác, vì việc này.”
Vẫn dõi theo hướng chiếc xe chở linh cữu, bác Nishioka nheo mắt. Chợt, bác hạ thấp giọng để những người già đang lần lượt lên xe không nghe thấy.
“Chiaki, những người này có quan hệ với bà cụ như thế nào? Họ hàng à? Hay bạn bè?”
“À… bạn bè ạ.”
“Tất cả ư?”
“Vâng, tất cả.”
Bác Nishioka gật gù. “Bà cụ đúng là không đơn giản chút nào.”
Chạy về hướng nhà hỏa táng nằm trên đèo, chiếc xe buýt tắm mình trong nắng mùa thu. Ghế ngồi rất êm và có thể ngửa ra phía sau.
“Ôi, thoải mái thật, dễ chịu như trên thiên đường ấy.”
Tiếng bà cụ ngồi cùng bác Yamane reo lên. Cứ như là chuẩn bị đi dã ngoại vậy.
“Anh Osamu khỏe không bác?”
Từ hàng ghế trên cùng, tôi nhoài người về phía trước bắt chuyện với bác Nishioka.
“Khỏe khỏe. Nhưng nó bị nghiện.”
“Nghiện ư?”
“Ừ, nghiện leo núi.”
“Anh ấy leo núi hả bác?”
Cậu bé Osamu gò ngày nào giờ đã trở thành một vận động viên leo núi, nhất thời tôi chưa thể hình dung ra điều này.
“Ừ, và nhiếp ảnh. Kiếm tiền kiểu gì chứ như vậy thì nguy hiểm quá. Bác bảo nó đừng đi một mình, nhưng nó qua cái tuổi biết nghe lời bố mẹ rồi.”
Mất một lúc, tôi mải mê nghĩ về Osamu. Về chuyện anh một mình leo núi, một mình nhóm lửa chuẩn bị bữa ăn, một mình làm việc giữa mây gió, dưới ánh nằng và trập trùng là những ngọn núi mà tôi chưa được chiêm ngưỡng bao giờ.
“Lần tới, bác cho cháu xem ảnh anh ấy chụp nhé!”
“Cháu nói thật chứ? Thằng bé chắc mừng lắm đấy! Bác… bác sẽ bảo nó liên lạc với cháu.”
Chỉ nhìn thấy lưng bác Nishioka, nhưng tôi biết bác đang mỉm cười. Tôi thu người sâu hơn vào ghế. Trên bầu trời xanh ngắt, một dải mây hình thành sau đuôi máy bay chạy dài mãi về phía trời xa tít tắp. Tôi dự tính, sau khi về nhà, có lẽ tôi nên cùng mẹ làm một chuyến du lịch ngắn ngày. Sau đó, tôi sẽ tìm một bệnh viện tốt để quay trở lại làm việc. Chắc chắn, những ngày tươi đẹp sẽ lại tới. Bởi vì: tôi còn sống.
Chợt một giọng nói vẳng vào tai tôi:
“Nhưng trước hết, cháu phải quét lá rụng cho bà đã. Còn phải xin lỗi hàng xóm vì đã để lá rụng nhiều thế này…”
Tôi sực tỉnh, nhìn lên trời thấy dải mây dài sau đuôi máy bay vẫn còn đó. Ở ghế bên cạnh, một bà cụ nhuộm tóc tím khe khẽ xuýt xoa. Tiếng xe buýt chạy êm ru, không xóc chút nào.
Tôi sẽ quét lá rụng, đốt cỏ khô, rồi sau đó nướng thật nhiều khoai. Bọc khoai trong giấy báo ướt và giấy bạc. Bà cụ sẽ không phàn nàn gì chứ?
“Sắp đến nơi rồi!”
Bác Nishioka bấm còi xe thật nhịp nhàng. Chẳng mấy chốc, dải mây sau đuôi máy bay đã tan, nhưng tôi vẫn mải mê nhìn bầu trời cao thăm thẳm.
Hết