MƯA MÙA HẠ

Chương 24

Cơn bão Nan-xi tan.

Ngoài biển đông lại đang hình thành một vùng áp thấp nhiệt đới, có gió xoáy cấp bẩy, cấp tám.

Các cơn bão gối đầu nhau, kế tiếp nhau đổ vào đất liền, như có ác ý muốn tàn phá đến tận cùng sự sống trên đất nước còn mang bao vết thương đau sau mấy chục năm đằng đẵng chiến tranh này.

Chưa bao giờ có một mùa mưa bão dữ dằn và khốc hại đến vậy. Cơn bão số 4 ập vào vùng Đèo Ngang gây mưa lớn chưa từng có ở miền Trung. Đồng bằng sông Cửu Long chịu hậu quả của những cơn mưa lớn trên đất Lào, ngập lụt hàng trăm héc-ta. Bão số 7 phá phách suốt từ Thanh Hoá tới Tây Nguyên. Bão số 8 quét một vệt dài từ Nam Bình Trị Thiên đến Quảng Nam- Đà Nẵng. Bão số 10 gây thiệt hại lớn vùng bờ biển Quảng Ninh. Mưa lớn ở Tây Bắc, Việt Bắc. Mưa rất to ở trung du, ở đồng bằng Bắc Bộ, ở miền núi Trung Bộ. Nước sông Hồng lên cao, vượt thiết kế. Sông Hoàng, sông Yên, sông Bưởi, sông Cả, sông Mã, sông Chu, sông Gianh, sông La... vượt báo động cấp 3.

Đồng ruộng ngập úng. Vụ mùa thất bát. Công trình thuỷ lợi vỡ. Đường giao thông lở từng quãng dài. Cầu cống trôi. Núi đổ. Nhà sập. Của cải mất. Người chết.

Tất cả các triền đê đều tràn nước. Nhưng, cũng như quãng đê Nguyên Lộc, không một khúc đê nào bị vỡ hoàn toàn. Hiên ngang trước những thử thách nặng nề, những con đê, nỏ thần trừ thuỷ quái của dân tộc, vẫn vững vàng đối mặt với bão mưa, sóng gió phũ phàng!

Mùa mưa bão vẫn còn.

Thành phố tiêu điều sau mưa bão vẫn chưa kịp phục hồi các công trình bị tàn phá. Ngõ 401 lênh láng thứ nước cống đen nhánh. Điện thành phố mới khôi phục đã phải dành cho việc chống úng. Trong bóng tối lờ mờ của ngọn đèn dầu hoả trong căn buồng nhỏ vào những ngày này, có những giờ phút ông giáo Cần ngồi lặng như hoá đá. Trên chiếc bàn thờ nhỏ của ông, cạnh ảnh người vợ thân thương, giờ có thêm ảnh Trọng, con trai ông.

Trọng đã hy sinh vì kiệt sức lúc hàn khẩu. Ông nhận được tin đau đớn ấy khi cơn bão tan. Và lễ tưởng niệm Trọng tổ chức khi cơn bão tiếp theo bắt đầu khởi phát.

Trước bàn tang ngát hương hoa huệ, bạn bè ông, bạn bè Trọng đội mưa tới, kính cẩn nghiêng mình. Ông Chánh thay mặt cơ quan đọc điếu văn, một bài văn mang khí vị cổ xưa nhưng hết sức xúc động. Hai hôm sau, ông trưởng ban đi công tác xa về, vội vã đến cùng với ông Tiễu và một anh đeo kính trắng. Ông thủ trưởng cơ quan ân hận vì cho đến những ngày gần đây ông mới hiểu Trọng. Ông cho biết án kỷ luật của Trọng đã được xoá bỏ cùng với việc thi hành kỷ luật Hưng. Giờ mọi người mới thấy hết tội lỗi của Hưng. Người đeo kính trắng không nói, nhưng rưng rưng nhìn ông rồi đột ngột ôm choàng ông. Ông Tiễu nắm chặt tay người bạn già, mi mắt nhoèn nước, nhưng cố cứng rắn:

- Anh Cần! Chúng ta phải tự hào về Trọng. Không có những đứa như nó thì đời thật tồi tàn.

Ông Cần bật khóc khi nghe những câu nói ấy của ông Tiễu. Con ơi, đời con ngắn ngủi nhưng mỗi ngày là một ngày vàng chói lọi với cha. Con không nao núng ngã lòng trước cái xấu. Con gắn với cái đẹp, cái cao cả muôn đời. Con là một tài năng vì suy nghĩ của con lớn lao. Cuộc sống bao giờ cũng có tính khuynh hướng được biểu hiện ở những người như con, những người ấy đôi khi họ bị che lấp bởi những sự tầm thường, nhưng đã gọi là khuynh hướng thì không cái gì có thể cản ngăn được. Con soi đường tỏ lối cho cha. Có lẽ nào như vậy? Nhưng đó là sự thật. Bởi vì đời con vang lên lời kêu gọi với cha: Phải biết sống, biết chiến thắng, biết vượt qua thời kỳ khó khăn này.

Vợ chết vì bom giặc, con trai hy sinh vì chống giặc nước, bản thân mình chịu nhiều thiệt thòi, cay đắng, ông giáo Cần đau tê dại cả người.

Nhưng, ông không thấy mình suy mòn, khô kiệt sau cái chết của con. Cái chết của Trọng, lạ thay, lại như một nguồn sáng từ trên cao rót xuống tâm khảm ông. Đã có lúc ông thấy dường như đã xẩy ra sự huyền bí nào đó sau sự ra đi của Trọng. Ông như nghe thấy vẳng từ trên cao xanh xuống tiếng nói thân yêu của Trọng và ông đã có lúc chập chờn trong màn hư ảo: Nếu vậy thì Trọng đã về tới Thiên đường Đăng-tê dành cho những con người xứng đáng, nơi ấy chín thiên cầu lồng vào nhau, các linh hồn xếp thành hình hoa hồng bẩy cánh mênh mông.

Sau những phút đắm chìm ấy, ông Cần tỉnh táo. Nhất là sau khi nghe đài đọc bài báo của một anh nhà báo tỉnh viết về Trọng- một bài báo dựa trên những tư liệu phong phú do đội trưởng Ngoạn cung cấp, miêu tả lại toàn bộ câu chuyện và sự phát triển về tư tưởng của Trọng, một bài báo nói được cái phần quan trọng, cốt yếu nhất trong tâm hồn Trọng. Bài báo giúp ông càng hiểu con. Đọc lại những lá thư Trọng viết, nhớ lại những lời Trọng nói, tư duy một cách thấu triệt, những ý niệm ngờ ngợ về Trọng càng được ông khẳng định dứt khoát: Trọng đang hoàn thiện nhân cách mình.

Trong tuần lễ tang ấy còn có một người nữa đến thăm ông và thắp hương trên bàn thờ Trọng.

- Thưa bác, anh Trọng là một. Nhưng đối với cháu, anh ấy là một vạn, một triệu người. Vì anh ấy là con người ưu tú.

Người nói câu ấy đã lặp lại câu nói của danh nhân nhưng diễn đạt bằng cả tâm hồn mình. Đó là anh thủ kho hay văn sách.

Ông cảm ơn anh thủ kho.

Mỗi người tới với ông lại một lần giúp ông mở lối đi vào chiều sâu tận cùng của sự kiện. Trọng không chết. Trọng còn mãi. Sơn Tinh thắng Thuỷ Tinh. Cao cả thắng đê hèn. Hiện tại sáng tươi thắng tật bệnh quá khứ. Văn hoá thắng dã man. Tiến hoá thắng trì trệ. Huyền thoại thống nhất với hiện thực ở tính xu thế. Chiến thắng càng gian khổ càng đáng kiêu hãnh. Khuynh hướng chủ đạo của cuộc đời là vậy, không thể khác được. Cổ tích, thần thoại ngày xưa đã vậy. Huống hồ bây giờ!

Tuần lễ sau lễ tưởng niệm Trọng, một hôm ông giáo Cần đóng cửa, ra phố. Chiều, ông mới trở về. Từ hôm đó ông bắt đầu ngồi soạn bài. Tuy đã muộn, nhưng ông cứ trở lại với trường đại học- ở đây đã có nhiều sự đổi thay. Ông nghe lời Trọng: gắn mình với cơ chế cuộc sống luôn luôn chuyển động. Ông nhận ra những sai sót, những phút lạc đường của mình. Ông đã vượt qua những do dự, mặc cảm uỷ mị. Ông đã có tuổi, nhưng ở tuổi ông đâu chỉ là quá trình thoái hoá. Trong ông còn có một quá trình hồi phục, phát triển.

Nhưng, hôm nay, đã có một lúc ông giáo Cần phải ngừng công việc soạn bài.

Ngõ 401 và cái sân chung nhiều hộ ầm ầm ĩ ĩ. Bà Nhuần đi chợ về, vứt tạch cái thúng không xuống sân, ngồi bệt trên đất, vò đầu bứt tai, hờ thê thảm giữa tiếng cốc cốc chôông chôông cúng lễ của nhà Năm Sắt.

- Ôi các ông các bà, ối trời cao đất dày, ối cao tằng tổ phụ ơi! Cái lão Hảo nó lừa tôi. Nó bảo tôi ngồi nó đọc cho nghe câu chuyện Tây, rồi nó tán tỉnh mân mó tôi, tôi u u mê mê đưa cho nó hai nghìn đồng để nó để lại cho cái máy khâu. Giờ, nó đem cả cái con Loan chạy đi rồi. Giời ơi là giời!

Ông Nhuần đang ngủ trên cái xích lô chồm dậy, rít.

- Thế nào! Thế nào!

- Còn thế nào nữa! Nó rủ rê con Loan nay đi xem phim, mai đi xem hát cải lương. Rồi nó bảo nó đèo con bé đi hội chùa Thầy, nó bắt con bé đem hết cả tiền đi, cả một nghìn bạc con bé vay của tôi làm vốn nữa.

- Rồi sao nữa, hả đồ đĩ dại!

- Rồi... người ta bảo... nó thuê khách sạn ăn ở dầm dề cả tuần với con bé như vợ chồng, rồi nó dẫn con bé chạy vào sứ quán Tây để cùng nhau sang Ba-di. Giời ơi là giời! Thế là mất cả con lẫn tiền! Thế này, thì tôi còn sống làm sao được, hở giời?

Ông xích lô nhảy xuống đất, nghiến răng, chửi:

- Đ. mẹ tiên sư mày, ngữa nghề như đĩ, ngu như chó, chết là phải còn kêu ca nỗi gì!

- Mày bảo ai là đĩ, là chó? Mày rủa ai? Cha tiên nhân mày. Mày tưởng bà cần đến cái thứ nhà mày, hả!

Bà Nhuần chuyển luôn nỗi đau tiếc vào cơn tức giận ông chồng, vỗ đồm độp bụng dưới, nhảy chồm chồm, trên sân.

Lúc ấy, thằng Lùng đi làm về. Mới một năm trời vào công việc lao động tập thể, nó đã lớn vượt và ra dáng con người trưởng thành. Nó đội cái mũ vải lưỡi trai bạc, mặc bộ quần áo xanh dính đầy vôi vữa, đứng ở giữa sân, khuỳnh tay, lừ mắt nhìn bà Nhuần mẹ nó, rồi cất giọng khàn khàn, nghiêm nghị:

- Thôi... thôi... đừng làm ầm ĩ như thế. Bác Cần bác ấy đang có chuyện buồn!

Ông Nhuần lườm bà vợ, lầm bầm:

- D.M. thằng nguyễn tuấn ở văn tuyển ăn cắp truyện. Động một tí là sồn sồn lên! Cái thằng cha Hảo ấy có mà đi thoát. Mẹ tiên nhân quân phản quốc. Cháy nhà ra mặt chuột là thế!

Rồi cái sân im lặng. Ông giáo Cần buông bút, thở một hơi dài nhè nhẹ. “ Kết cục là ông ta đã đóng chiếc tàu chạy lụt theo kiểu Nô-ê và đi như thế đấy! Thảm hại!”. Ông nghĩ về ông thợ vẽ và những chuyện vừa xảy ra, tự dưng thấy buồn tênh. Trước mặt ông là sự đổ nát không sao gượng lại được của một quan niệm sống, một lối sống nghèo nàn về tinh thần, và ngập chìm trong ham muốn vật chất tầm thường. Thời đại nào cũng có những tệ lậu và những cái vĩ đại. Có điều là những cái vĩ đại sẽ ngày càng tăng lên, giữa những cái xấu xa đang long lở ầm ầm, sụp đổ một cách khủng khiếp và cái mới, cái lớn lao đã ra đời với những đớn đau không tả xiết nhưng vô cùng kiêu hãnh, ở khắp mọi nơi, ở trong mỗi con người.

Lát sau, đã tĩnh trí, định cầm bút viết tiếp, ông giáo bỗng cảm thấy một hơi mát vừa tràn vào căn buồng nhỏ của mình. Quay lại, ông vội đứng dậy. Một phụ nữ trẻ mặc áo trắng cổ bẻ, dáng đậm, mặt tròn, dung dị, hai con mắt đằm thắm, chân thật, đứng ở cửa rụt rè nhìn ông:

- Thưa bác, đây có phải là nhà bác Cần?

- Vâng. Tôi là Cần đây.

- Thưa bác, cháu là Thuận, chủ tịch xã Nguyên Lộc, nơi anh Trọng xuống công tác. Xã cháu sẽ có một đoàn đại biểu sắp đến kính thăm bác. Cháu vội vì còn...

Người phụ nữ trẻ cúi xuống, chấm kẽ mắt và mở cái túi vải. đó là những kỷ vật cuối cùng của Trọng: Tập tài liệu tổng kết công trình tìm, diệt mối trong thân đê, cái đồng hồ, chiếc bút máy Trường Sơn. Và một tờ giấy khổ lớn gập tám.

- Thưa bác- Cô chủ tịch nghẹn ngào- Giờ cháu phải đi họp ở tỉnh để bàn về sản xuất vụ Đông. Cháu đại diện cho bà con, Đảng uỷ, uỷ ban Nguyên Lộc xin với bác một điều: Anh Trọng đã hy sinh vì nghĩa lớn, xã cháu muốn được lập đền thờ anh ấy.

Ông Cần trào nước mắt và khi cô chủ tịch đã đi, ông còn đứng run rẩy vì xúc động hồi lâu. Vẫn còn mãi mãi, với dân tộc này, những giá trị thiêng liêng. Sẽ còn mãi mãi cho đời sau những di sản tinh thần cao quý. Làm sao, có cái gì có thể thay thế được?

Sực nhớ, ông vội đeo kính, giở tờ giấy gấp tám của Trọng. Đó là lá đơn Trọng xin vào Đảng lúc nào Trọng cũng để ở túi áo bên ngực trái. Nước sông và nước mưa đã làm nhoè nhiều nét chữ. Tuy vậy, ông vẫn còn đọc được những hàng chữ ở đầu trang giấy: “ Giữa những ngày gian khổ, khó khăn và có những kẻ dao động này, tôi tự nguyện và tha thiết bày tỏ niềm tin của tôi”.

Ông vuốt phẳng lá đơn của con, để trên bàn rồi đặt tấm kính đè lên trên, cố định ở vị trí trước mặt ông; lá đơn, biểu trưng của sự thăng hoa nhân phẩm, khát vọng vươn tới nấc thang cao nhất trong giá trị tinh thần của Trọng.

Cả chiều hôm đó, ông giáo bỏ công việc soạn bài. Ông ngồi lặng lẽ nghĩ suy giữa bộn bề những cảm xúc, ấn tượng, ý nghĩ, hình ảnh đã khắc sâu vào ký ức.

Hà Nội 1980

M.V.K

Hết