Chết nhiều lắm. Gìơi ạ. Người ở Khâm thiên chết như ngả giạ kia kìa.
- Nom nhà cửa bị đổ xập mới ghê chứ. Bom tấn chứ có phải xoàng đâu cơ chứ.
Thế kia à? Nhưng nghe đài bảo đâu như mười hai cái máy bay rơi. Cả một xâu phi công bị bắt đang rải qua những ngả đường bị chính bom đạn của chúng nó đánh phá làm tan nát kia kìa.
- Sao không cho những đứa độc ác ấy mỗi thằng một băng chứ để sống trên đời làm gì để tốn cơm, tốn gạo.
- Cái bà này. Cứ như bà thì ăn thua gì. Mình cần giữ chúng nó mai kia mình đổi lấy thứ mình cần chứ.
Vân suýt bật cười vì nghe rõ tiếng hai bà trong tổ đan len nói với vẻ thành thạo tin tức. Cô khẽ mở cửa trông ra đường. Đường phố vắng teo. Luồng gió mát lạnh đẩy nhẹ mấy chiếc lá bàng đỏ quạch lêt trên đường phố nhẵn nhụi một cách kì lạ. Tiếng trò chuyện bàn tán vẫn rộn lên như được phát ra từ những người vô hình. Sau này nhiều khi cô chợt nghĩ. Giá hôm đó cô không hiếu kì, tò mò để lọ mọ đến Khâm Thiên thì sẽ không bao giờ nối lại với Long được nữa. Bởi đơn giản hôm đó Long sẽ không gặp được cô trên nền nhà đổ nát, có cây hoa đại đổ gục nhưng mùi thơm của nó vẫn bay lên giữa mùi hắc xịt của khói bom còn đang phảng phất và mùi thuốc súng khét lẹt. Bầu trời tái xạm một màu hệt như mầu da bị thương đang xưng tấy lên. Vân cố cầm chiếc túi nhựa mà cô mới thay cho chiếc làn mây từ dạo máy bay địch cứ bất ngờ lao vào thành phố khiến thành phố của cô đang yên lành với những khắc khoải bình dị của cuộc sống muôn thủa trở thành thành phố của chiến tranh. Nhưng tiếng còi báo động ủ vang, tiếng chân người bất ngờ rầm rập toé đi khắp mọi ngả, tiếng trẻ con khóc và cuôí cùng là tiếng súng đạn. Ngày xưa chiếc làn mây đeo trên tay gần như dấu hiệu để nói rằng đó là các bà, các cô thuỳ mị, đảm đang của Hà nội một thời. Vậy mà bây giờ chiếc túi nhựa tết, hay móc nhẹ thoãng bám trên tay họ như một thứ thời trang bất đắc dĩ. Thứ thời trang thời chiến tranh này chẳng biết bao giờ mất đi nhường chỗ cho cái làn mây quen thuộc. Vân cúi đầu đi dọc theo hàng hiên nơi phố Nam bộ. Tiếng còi tầu hoả dường như vẫn phảng phất đâu đây. Có tiếng ngưòi nào đó xuýt xoa:
- Khổ thế. Chỉ ba ngày nữa thôi là chúng nó cưới nhau. Trông qua ảnh đã thấy hai đứâ đẹp đôi thế.
- Thôi thì số giời đã định. Làm thế nào được. Ngay như đài phát thanh nói oang oang như từ trên trời xuống chẳng bao giờ có thể ngừng được mà chúng nó còn ném trúng trụ sở khiến đang nói phải dừng đâu như hơn mười phút cơ đấy.
- Sai rồi. Vừa đúng chín phút không hơn không kém. Cả báo lẫn đài nói rành rành ra thế rồi.
Thấy bảo máy bay chúng nó…
Vân cứ lẳng lặng đi. Sự hiếu kì thúc đẩy cô. Chân bước nhưng cô thầm ứơc "giá bây giờ có Diệu Thuần đi cùng". Nhưng ngay lập tức cô gạt ngay ý nghĩ đó đi. Cô nàng đang bụng mang dạ chửa ộ ệ thế thì đi đâu được. Đến đầu phố Khâm thiên, Vân sững người lại khi thấy lố nhố rất nhiều những anh, chị mặc quần áo bộ đội, đội mũ cứng có gắn những mảnh sao vuông trên đầu. Những người cùng chung sự tò mò như Vân cố làm ra vẻ bình tĩnh, thậm chí như không nhìn thấy những gì đổ nát, tan hoang xung quanh. Những làn khói từ trong những đống vôi gạch vỡ vụn phảng phất, vu vơ bay lên. Tiếng rên rỉ mơ hồ cùng tiếng khóc hờ phảng phất đâu đây. Những bức tường đổ ngang nham nhở vẫn hằn lên dấu tích những chữ đỏ rực của những khẩu hiệu. Vân theo chân những người tò mò, hiếu kì đi thẳng vào giữa đường phố lổn nhổn. Cô bỗng rùng mình. Ngay trước căn nhà Vạn Lý trước đây nghe me nói đã từng là nhà cô đầu. Bác Cả Biển bố anh Lâm công an đã từng đưa bố của Vân đến. Cái tên Vạn lý ấy cô nhớ được vì lần Vân tình cờ được bố cho mấy xu để rủ bạn ra bờ hồ ăn kem và uống nước gạo bất ngờ khi về, mới đến ngoài cửa đã nghe thấy me cô trách bác Cả:
- Nghề của bác em chả nói làm gì. Làm ăn như thế thì muốn gì thì gì cũng phải giao dịch. Còn nhà em, tính tình hiền lành củ mỉ cù mì, lại ngại va chạm nay, bác rủ đi như thế nhỡ nhà em quen sinh hư, rồi đổi tính đổi nết thì…
Giọng me của Vân có vẻ giận nhưng vẫn cố giữ sự nhẹ nhàng, ngoan ngoãn.
- Thím nói thế là không được. Chú Hai là em giai tôi. Vợ chồng là xiêm y Anh em là cốt nhục. Đấy là chưa kể quyền huynh thế phụ. Bố mẹ mất rồi thì phải trong cậy vào anh. Tôi là anh cả, tôi tự cảm thấy là có trách nhiệm để chú ấy biết mọi thứ, dậy chú ấy biết nhiều điều. Ngoài thiên hạ bây giờ nhiều mánh, nhiều ngón. Em tôi mà ngu ngơ quá dễ bị lừa. Có lúc cơ sự xẩy ra thì hối không kịp, chứ đừng tưởng cứ ngồi yên trong nhà là được đâu. Đã là đời người, nhất là ở trên đất Hà Thành này không thể như ở làng quê, cứ tự hưởng kì thành mà được
Vâng, vâng em biết vậy. Nhưng… đấy là nhà săm.
- Thím lo thế là đúng. Chỉ có điều thím lại nhầm. Vạn Lý là nhà cô đầu hát. Chỉ có hát thôi. Đàn ông chúng tôi vào đấy để thưởng ngoạn. Tôi nói rồi làm thằng đàn ông sống trên đời thì phải biết đủ điều. Giao du, chơi bời. Uống trà mạn hảo ngâm thơ Thuý Kiều, chứ không có ra thiên hạ rút lại chỉ là thằng cù lần không hơn, không kém. Đứa nào cũng bắt nạt, lừa bịp, xỏ mũi được.
- Đúng rồi. Vạn Lý chỉ có thế thôi. Tôi ngồi gõ phách… Mà thôi mình vào xem có cái gì cho anh em tôi uống rượu không. Giọng bố Vân nhũn nhặn rụt rè.
Vậy mà bây giờ nhà Vạn Lý đổ xập xuống. Bộ tràng kỉ gụ đen bóng bị bức tường vùi kín chỉ còn nhô lên mấy đường vai uốn lượn loang lổ. Cái tủ chè khắc chùm nho con cáo gục hẳn trong đống bụi bạc phếch. Chân Vân gập ghềnh bước thấp bước cao trên nền hè lổn nhổn, mấp mô. Vân rất muốn ngẩng lên nhìn cho kĩ căn nhà ăn chơi nổi tiếng một thời, Vậy mà… Chỉ còn lại một đống hoang tàn, đổ nát, giữa một dẫy phố Khâm Thiên đã từng là nơi xầm uất vui vẻ. Vân bất chợt nhớ đến lần bố cô đưa cô về quê. Trên đường trở về nhà tay tài xế cũng đưa qua phố Khâm thiên. Trời hôm đó nóng, bố Vân bảo chú tài hạ hết cửa kính xuống. Lúc đó đã hơn bẩy giờ tối. Giờ mọi nhà của Hà nội đã quây quần quanh bữa cơm gia đình. Chiếc mâm đồng sáng loáng được Sen Nhi bưng lên, trên đó bát nước rau luộc vắt chanh xanh ngắt, bát nước mắm mầu nâu có điểm những miếng ớt cắt đỏ rực. Đĩa đậu rán rim nước mắm, hành vàng rộm… Vậy mà khi đó đường phố Khâm thiên như đang trong ngày hội. Tiếng đàn, phách réo rắt, tiếng hát, tiếng cười râm ran. Ánh đèn điện đường cùng với đèn từ trong các dẫy nhà hắt ra sáng chói đến độ bố Vân vẫn phải đeo kính dâm như đang đi dưới nắng. Vậy mà bây giờ. Những đống đổ nát án ngữ trên mặt đường và hiển hiện ra nỗi tang thương, mất mát không tài nào gắn lại, xoa dịu đi. Thế mới biết con người trông thế thôi nhưng thật là độc địa, ác độc đối với nhau. Miệng lưỡi thì lúc nào cũng làm ra vẻ nhân từ, hiền lành, thương xót thông cảm với ngưòi khác nhưng khi trong tay cầm một trong những thứ có thể giết ngưòi được… Hà nội đang tự nhiên tự lành, sáng dậy quanh hồ Gươm, hồ Thiền quang nhất là vào buổi sang thu, gió heo may nhè nhẹ mang làn hơi mát dìu dịu từ mặt hồ bốc lên cùng làn sương trắng mờ mỏng mảnh. Những đám người cả đàn ông, đàn bà hiền lành vươn vai, hít thở không khi ban mai. Mặt hồ tây mênh mông còn hiện lên xa gần nhưng chấm đen nổi trên mặt nước hoặc dát trên bầu trời. Đó là những con sâm cầm từ trời phương Bắc bay về trốn rét. Cả người, cả vật có làm hại gì ai đâu. Vậy mà… Những trách móc, giận dữ nào có ích chi khi lũ người độc ác ấy lại ở tận đẩu tận đâu. Mắt xanh lè, mũi dài nhọn như dùi. Nghe thấy bảo lũ người ấy cũng đọc kinh, cầu Chúa. Thế mà họ lại dã man án độc đến thế kia sao? Bất ngờ Vân cố ngoảnh mặt đi chỗ khác, tránh nhìn vào nơi đó khi cô vừa nhác thấy hai người đàn ông, mặt mũi đen xạm, lấm lem đang khấp khểnh khuân chiếc com măng ca, trên đó là thân hình người đàn bà nát bấy. Trên ngực người đàn bà nằm một khoảng máu hình như vẫn đang loang ra, chẩy nhuộm đỏ rực cả chiếc áo màu xanh có thêu mấy chấm hoa trắng. Lạ một nỗi không biết từ chiếc cáng chòng chành hay quanh đâu đây một tiếng êm êm cất lên giống như tiếng hát của người mẹ đã quá mệt mỏi vì thức ru con nên cũng bị tiếng ru của chính mình làm chìm vào giấc ngủ chỉ còn cất lên những âm thanh vô nghĩa, bản năng.
- Ngày mai thì nhà trai sẽ sang xin cưới con bé. Khổ nó vừa xinh vừa lành nhất phố. Thế mà ông trời nỡ bắt nó đi giữa lúc này.
- Ông trời nào. Lũ quỉ tha ma bắt, cái bọn giặc trời thần nanh đỏ mỏ không tim, không lòng dạ gì thì có.
Kìa nhìn tinh vào không lại vấp ngã thì khổ con bé.
Những tiếng người lao xao, rập rềnh vượt qua đống tường đổ. Trùm lên tất cả là bầu trời thâm xịt với những tảng mây cuối thu cuồn cuộn như chính bầu trời cũng vừa trải qua trận tàn phá, oanh tạc. Vân vẫn lần mò đi. Trong cô không biết đang nảy sinh ra những cảm xúc gì. Nhưng chỉ thấy lòng xót xa, sự nuối tiếc và nỗi đau đớn chộn rộn, đan chéo vào nhau. Mắt cô bỗng loé lên khi nhìn thấy từ trong đống vữa vụn đầu chiếc kim đan tre nhô lên. Một con chuồn chuồn ớt đậu im lìm trên đó. Đôi mắt to thô lố của nó lờ đờ đảo quanh nửa như cảnh giác nửa như coi thường. Những ngày còn bé. Vào những chiều trời có cơn mưa. Đường phố Phủ Doãn nhà Vân không rõ chuồn chuồn vỡ tổ từ đâu bay ra mà nhiều thế. Chúng bay rợp trời như đám mây đặc quánh. Những lúc đó cậu Vũ thích cầm một gióng nan đan thừa mà bố cô dùng để khuôn cây hồng bên góc bể, đuổi theo đàn chuồn chuồn đập lia lịa. Anh Phong đi đâu về chống xe đạp xuống nhìn theo. Mấy lần anh định chạy ra ngăn Vũ lại nhưng nghĩ thế nào anh lại thôi. Khi chiếc que trên tay cậu bé đập trúng một con chuồn chuồn tội nghiệp nào đó. Anh Phong lại làm như vô tình đi chầm chậm lại nhặt con chuồn chuồn đứt cánh lên nhìn nó chăm chú rồi nhắc lại khe khẽ cậu ru của me cô hồi nhỏ hay ru ba anh em cô "chuồn chuồn có cánh thì bay. Kẻo ông Ba Bị bắt ngay bây giờ". Thế mà lúc này. Con chuồn chuồn hình như ngủ quên trên đuôi cây kim đan. Khấu đuôi nhọn hoắt của nó chồng ngược lên. Không biết lúc bom Mỹ trút xuống nổ ran phá vỡ làm đổ nát những ngôi nhà và giết chết con ngưòi thì con chuồn chuồn ở đâu? Vậy mà bây giờ nó có thể bình thản thế này. Hoá ra bom đạn Mỹ ác độc dữ tợn là thế nhưng có khi chẳng làm nổi điều gì trước con vật nhỏ bé thế này. Nó cứ đậu như thế cho đến lúc nào nhỉ… Vân mấy lần từ bỏ ý định rón rén đi lại và thò tay ra bắt chú chuồn chuồn vô tư kia. Bàn tay cô cầm lấy nó, cảm giác được sự mềm mài, mượt mà trên thân hình dài thon của nó rồi thả đi. Nghĩ vậy nhưng rồi cô vẫn giữ vẻ bình thản bước đi. Vân chợt nghe thấy tiếng ồn ào, cô ngẩng mặt lên thì thấy trước mặt cô là một đám đông đang đứng túm tụm, hơi có vẻ động đậy xung quanh một cái gì đấy. Vân lấy làm tò mò lắm nên cô cố len vào. Thế là thêm một lần nữa cô rùng mình khi vật trông thấy đầu tiên lại là khuôn mặt xanh xao, nhợt nhạt của đứa trẻ bị thương. Toàn thân nó như được nhuộm thứ phẩm đỏ xậm. Đôi môi gọn gàng xinh xinh của nó ngáp ngáp. Hai giọt nước mắt đang sùi ra to dần lăn xuôi xuống gò má hoen đất. Người đàn bà có khuôn mặt tròn vành vạnh đang vừa ôm đứa trẻ vừa gào lên thật to "ai cứu lấy con tôi". "Ngay lập tức có tiếng ai đó hét lên thật to "tránh ra, tránh hết cả ra". Liền sau tiếng thét là một người đàn ông cao lớn, da xạm đưa cả hai cánh tay lực lưỡng có những bắp tay nổi cuồn cuộn ra gạt đám người xong vào. Ngưòi đàn ông chẳng nói chẳng rằng giằng phắt đứa trẻ trên tay người đàn bà rồi chạy ào đi. Hai tay ngưòi mẹ chới với cùng tiếng kêu như muốn phá vỡ cổ họng "con ơi là con ơi". Vân đang ngây người nhìn không hiểu sự thể ra sao thì có bàn tay nắm nhẹ vào bắp tay cô. Vân giật mình ngoảnh lại và gần như buột miệng thốt lên:
- Kìa anh. Anh, sao anh…
Trước mặt cô hiển hiện ra là Long. Khuôn mặt anh chàng như vừa thoát khỏi một điều gì đó cần nghĩ ngợi lắm nhưng có Vân nên anh cố xoá đi tất cả. Trên môi Long đọng nhẹ nụ cười mơ hồ.
- Em lại đi đâu mà lại lạc vào đây thế này? Chỗ này đang nguy hiểm lắm Nào đi với anh đi. Đi đi không nhỡ một cái thì lại khổ.