Đoạn đường như con sông thắt eo, hẹp lại, bỗng chốc nghẽn ứ người. Chiếc barie mới đẩy ra chắn được một phần ba mặt đường đứng khựng, không nhích thêm được một phân nào nữa. Mặc tiếng còi gắt gỏng của người gác đường, người, xe đạp, xe máy cứ tranh đua dấn lên, tranh thủ lúc tàu chưa vượt sang bên kia con đường sắt. Lại thêm nghềnh ngàng ở giữa lòng đường một chiếc xe bò chở cát nặng. Đoạn ấy hơi dốc. Con bò kéo xe đã già, nhoài cổ lưng nổi cục từng đốt xương, cố gắng lắm mà móng cứ trượt lên mặt đường nhựa, trong khi ấy, trên càng xe, gã đánh xe vẫn ngồi, tay cầm cái xẻng cán dài, miệng chửi liên hồi con vật khốn khổ nọ.
Phượng len tới chiếc xe bò. Có tiếng một người la to. Rồi nghe thấy tiếng còi tàu rúc ở khúc đường ngoặt. Con bò già, dáng chừng sợ, nhây nhớt mũi rãi, đã gắng sức kéo chiếc xe lên được vài chục phân, chân lẩy bẩy, sắp bước vào đường ray. Nó yếu quá. Nếu nó tới được đường ray thì nó cũng không đủ sức kéo chiếc xe qua được hai thanh ray. Huống hồ nó có thể tụt lại theo chiều dốc. Phượng không đành vượt lên trước con bò. Cô ấn bàn tay vào thành xe, giúp con bò một lực đẩy và lòng hết sức lo sợ. Con bò có thể rụi xuống ngay bây giờ. Kìa, nó chệnh choạng, chân nó run bần bật. Kìa… Phượng hét lên một tiếng kinh hoàng. Con bò không còn hơi sức để bước cho ngay ngắn nữa, nó thụt một chân trước xuống cái khe hẹp giữa hai thanh ray kép. Chiếc xe mất thăng bằng, nghiêng về một bên, hất gã đánh xe xuống. Và không thể tưởng tượng được, cái kẻ gọi là con người, là gã đánh xe kia, mặt bỗng đỏ hằn lên, vung cái xẻng, nện tới tấp xuống lưng con vật lúc này sắp đổ nghiêng vì một chân trước đã thụt xuống bị kẹp cứng vào cái khe hẹp của hai thanh ray và cái càng xe đè ép vào một bên sườn. Mấy người đàn ông quay cả lại quát gã đánh xe. Tiếng la ó, sợ hãi nổi lên rầm rầm. Phượng cảm thấy như chính bàn chân mình bị kẹp, đau chói lên tận óc, vội đưa hai tay đỡ cái càng xe đã nghiêng xuống mặt đường. Không cứu được nữa rồi. Nghe thấy khặc một tiếng xương gãy, cái cổ chân con bò bị kẹp vặn chéo một vòng, con bò đổ nghiêng, kéo theo cái càng xe rơi đánh ịch, đè hẳn lên cổ
nó. Gã đánh xe bước lên, ngoạc miệng: “Đ.mẹ mày, mắt mù à!”. Con bò trợn một bên mắt, thở phào phào.
Đầu tàu hoả phì phịt khói, lừ lừ hiện ra, Phượng cùng mấy người nhảy ra đường ray, khua tay, gào thét như điên dại. Rất may, cái đầu tàu đã kịp hãm lại. Và bấy giờ mọi người mới có thể xúm lại để nhắc con bò khốn khổ đã gãy chân dậy.
Rời khỏi nơi vừa xảy ra tai nạn kinh khủng này Phượng đi như chạy, trong một cảm giác mù mịt, u ám, nặng nề. Cô về tới cái cổng sắt nhà mình, dừng lại hồi lâu, mệt rã và buồn nản đến mức không muốn bấm chuông gọi người ra mở cổng.
Dạo này, theo yêu cầu của Lý, cổng phải khoá bên trong để phòng trộm cắp. Luận đi công tác vắng nhà luôn, mỗi lần Phượng gọi cổng là một lần phiền. Ông Bằng thì già cả, ốm yếu, lịch kịch chống cái ba toong từ gác xuống, ra được tới cổng là vất vả. Đông thì lần nào cũng mắt nhắm mắt mở, có hôm tìm chìa khoá mất hàng giờ. Chẳng mấy khi Lý ra mở cổng, chị vắng nhà luôn vì bận rộn công việc chạy vật tư cho xí nghiệp; mấy hôm nay Lý lại đi chơi hội. Cực chẳng đã phải nhờ Lý ra mở cổng thì mặt Lý nặng như chì. Hôm rủ đi ăn bún mọc thì cậu cậu tớ tớ là thế, vài hôm sau đã lại đổi mặt lạnh nhạt: Phượng cứ như một kẻ ăn nhờ ở đậu, gây phiền hà cho Lý vậy.
Họ đã ăn riêng từ hôm chị Hoài về. Ông Bằng ăn với vợ chồng Đông - Lý. Cái sự tất nhiên nó phải vậy, nó nên vậy, mà cũng lắm điều buồn phiền. Bởi vì, cái bếp còn dùng chung. Bữa cơm, nhà nào ăn gì, nó bày cả ra đấy. Lý có cái đùi gà, miếng thịt bò, khúc ba tê, cứ phải giấu giấu giếm giếm, nghĩ mà não cả lòng. Người phiền muộn nhất trong việc này là Phượng và ông Bằng. Ông Bằng bỏ bữa luôn, dự cảm thấy việc chia rẽ đau lòng hơn sẽ có lúc xảy ra. Tuần lễ này Phượng chuyển việc nấu nướng ăn uống lên buồng ở, nhượng lại cái bếp cho Lý. Nhà chỉ có hai người lớn, ăn uống cũng giản tiện.
Mở cửa cho Phượng chiều nay là Đông, Đông có vẻ mệt mỏi, hai mắt trũng sâu, má phải sưng vều, mấy hôm nay chuyển thời tiết, kêu nhức răng.
Thấy cô em dâu, Đông nhệch một cái cười như mếu mà mặt vẫn ngơ ngơ như vừa ngủ đậy:
- Ơ, xe đạp đâu mà cô đi bộ về?
Phượng ậm ừ và thấy mình mệt rã rượi.
Đẩy cửa bước vào, khi sau lưng cánh cửa buồng đã khép, tựa lưng vào đó, Phượng thở đều đều, có cảm giác rất rõ mình đang tươi tỉnh lại.Căn buồng có một bầu không khí riêng, thân mật và yêu đời.
Buồng hẹp, ghép hai giường cá nhân thành một giường đôi, chỉ còn hở một lối vừa người đi. Khoảng trống phía trong là nơi làm việc, bếp núc. Gần cửa sổ là cái tủ nhỏ để sách cơ quan thanh lí Luận mua được. Cũng là đồ thải loại, một cái bàn nhỏ và một cái ghế đẩu kê ở góc buồng. Luận thích viết và đọc sách ở nơi kín đáo. Cửa sổ dành làm nơi đứng ngắm khu vườn cây.
Bếp dầu, rổ bát, xô nước đặt cạnh chân bàn. Một cái mâm gỗ đặt trên nền nhà, thế là có thể ngồi ăn ngon lành rồi. Một cuộc sống còn hết sức đơn sơ, như sự đơn sơ của các tiện nghi trong nhà. Chưa có gì đáng gọi là đồ đạc ngoài cái đài con chỉ có sóng trung đặt trên bàn.
Đã quen sống như vậy từ lâu rồi, Phượng không có mặc cảm mình nghèo. Còn Luận xưa nay vốn coi nhẹ vật chất, sống như kẻ mộng du, mê say theo đuổi sự làm giàu về một phương diện khác: trí tuệ, tình cảm, đạo đức. Họ đã qua thời yêu đương tuổi trẻ. Họ đã là một gia đình hoàn chỉnh. Nhưng, sau chín năm xa cách, Luận đi bộ đội, Phượng về tỉnh nhỏ, đây là lần đầu tiên họ được sống lâu bên nhau. Gần Luận, Phượng mới hiểu ra rằng, trước kia chị chưa thật hiểu anh. Chị mới chỉ thấy cái phần anh bộc lộ, chỉ thấy căn nhà tầng gác mà chưa hiểu cái phần nền móng của công trình. Luận là một kẻ say mê, nồng nhiệt đến cực điểm và thẩm mĩ hướng hoàn toàn về vẻ đẹp tinh thần, vẻ đẹp bên trong. Coi năng lực là lạc thú trường cửu của con người, coi sự phong phú về tình cảm, tư tưởng là giá trị căn bản của con người, Luận tham lam ngốn ngấu các kiến thức đủ loại, miên man trong các khu rừng học vấn, thích đào sâu suy nghĩ, để phát hiện ra chiều sâu của sự kiện và tự mình bồi bổ tư cách mình. Luận có một bộ óc thật khoẻ, anh có thể theo đuổi nghiền ngẫm một vấn đề gì suốt mấy đêm liền. Luận đối lập với thói dung tục, nhưng anh nhuần nhuỵ uyển chuyển không cứng nhắc, một chiều. Luận là sự dồi dào, giàu có và năng động. Anh lôi cả Phượng đi theo chiều hướng mình vạch ra. Anh bảo Phượng ổn định công tác xong là phải đi học tiếng Nga, và cả tiếng Anh nữa. Và chỉ trong vòng chưa đầy tuần lễ, anh đã giúi cho cô gần chục cuốn sách, cuốn nào cũng “em nhất thiết phải đọc”. Sống một cách có ý thức, đầy tinh thần trách nhiệm, Luận khác với Đông ở điều căn bản ấy. Luận là người trong cuộc, người đương thời thực sự. Về mặt này, nghề làm báo bồi bổ cho anh cái ý thức bám chặt vào cuộc đời, sống với nó và hết lòng vì nó. Về mặt này, may mắn thay, Phượng hài hoà với chồng.
Căn buồng có một không khí hài hoà hiếm có như thế.
Nơi đây, họ sống cần kiệm, giản dị mà không thô sơ, nghèo nàn. Phượng không tài hoa, khéo léo như Lý, Luận cũng không câu nệ đến mức phải bỏ việc để xách nước cho vợ tắm và coi đó là đạo đức tuyệt đỉnh của người chồng. Đây là vũ trụ thu nhỏ, ở đó sống chung hai con người hiểu nhau, tôn trọng nhau và dắt dìu nhau. Ở đây có cả hạnh phúc chăn gối thân mật mà không suồng sã thô bạo. Ở nơi đây, chị là sự dịu dàng, êm ái, bản năng nhân từ, tinh tế, bền bỉ, sâu kín. Anh, thông minh, khách quan, ý chí, duy ngã, mạnh mẽ. Chị cụ thể hơn, anh trừu tượng hơn. Trên cái nền chung, hai người đắp đổi, bù trừ cho nhau, tạo nên một mối liên hệ bền vũng hơn tất cả các hợp đồng, khế ước ràng buộc, chi phối nhau; tới mức tình trạng tinh thần người này quyết định âm điệu cuộc sống người kia.
Chiều nay, Phượng rất tha thiết được gặp chồng, chị muốn được kể cho anh nghe tất cả những điều chị đã thấy, những ý nghĩ chị đang manh nha. Chị sẽ kể về bà trưởng phòng và hỏi anh: nên đánh giá bà thế nào, quan hệ của bà đối với ông giám đốc là thế nào và có phải vì thiếu năng lực mà các thói tật, như tính ưa quyền hành ở bà, phát sinh? Chị sẽ kể lại cái ấn tượng ghê rợn: con bò già khuỵu ngã, gã đánh xe đánh con bò bằng cái xẻng, và như vậy thì gã là con người như thế nào? Anh sẽ phân tích, biện giải say sưa. Khi không vượt qua được chính mình, anh thường nói: Đời là một hàm số phức, giải đoán nó khó khăn đấy. Cuộc sống luôn luôn là đối tượng suy nghĩ khắc khoải của anh. Chị cảm thấy được an ủi, khích lệ rất nhiều sau những lần trò chuyện với anh. Cuộc sống muôn vẻ, chị là một vẻ đẹp chắc chắn, chị sẽ sống như vẫn hằng sống, không một hoàn cảnh nào có thể đổi thay.
Chín năm xa chồng, sống ở một huyện miền núi heo hút, làm một công việc không phù hợp với trình độ, năng lực, một mình vất vả nuôi con nhỏ và trông nom mẹ già, trong chị, dường như đã xuất hiện một cơ chế tự động, luôn luôn nhẫn nại, cứng cỏi và nhịn nhường.
- Anh Đông, em mời anh với ông vào xơi cơm.
Phượng ra sân, nhìn Đông, nhỏ nhẻ mời. Đông gãi cái gáy rậm, ngập ngừng:
- Ông đi chơi hội bên Bắc Ninh sáng nay. Hồi này nghe đâu ông ăn ở cửa hàng ăn.
- Chết, thế mà em không biết. Anh vào ăn với em vậy.
- Tôi… tôi ăn rồi.
- Anh ăn lúc nào! Thôi, vào ăn với em cho vui đi.
Lại gãi gãi gáy, mặt Đông ngô nghê hẳn đi:
- Phiền quá nhỉ? À, nhưng mà cô có nấu cơm tôi đâu.
- Em nấu, nấu cả phần anh mà.
Vào bữa, khi đã vui. Đông mới nói thật: dạo này, bữa nào Lý vắng nhà, anh nhịn luôn. Phần vì ngại nấu, phần vì không có thức ăn. Đêm đói, không ngủ được, có hôm phải mở cổng ra phố ăn phở. Hết tiền thì rang mấy củ lạc ăn cho đỡ cồn cào.
- Chết thôi, lần sau chị đi vắng, anh cứ bảo em nhé.
- Chậc! Nhưng như thế thì phiền cô quá.
- Có gì mà phiền. Anh cứ hay nghĩ thế!
Đông cười hiền lành, chân thật. Cái nét cười ấy, chưa bao giờ Phượng thấy. Đông thật chất phác, lành mạnh. Trông Đông ăn cũng thấy tính nết con người anh. Ăn hết một bát, đưa Phượng xới lại “xin cô”, đỡ bát lại “cảm ơn”, rất ý tứ. Và miếng nào gọn miếng đó, bát cơm ăn hết sạch bong. Lại vừa nhai vừa gật gù, trông vừa ngồ ngộ, vừa tội nghiệp.
- Ơ kìa, cô không ăn cứ nhường tôi mãi.
- Đâu nào, em chia đôi đĩa trứng đấy chứ. Phần em đây. Còn đây là phần anh. Ơ kìa, răng đau, anh đừng ăn cháy.
- Thôi, thôi, tôi chỉ cần dưa và nước mắm là có thể ăn đủ bảy bát cơm. Cô có ớt cho tôi một quả.
- Đấy, em đoảng thế đấy, ớt có mà không lấy cho anh.
- Cảm ơn cô.
- Anh Đông ạ, anh Luận em y như anh, gắp cho miếng thịt, miếng trứng là cứ giãy nảy lên. Về sau anh ấy mới nảy ra sáng kiến: Chia khẩu phần. Dưa rau thì thôi. Anh ấy bảo: Anh cần ăn mà em cũng cần ăn để làm việc. Ít thì chia ít, ăn theo khẩu phần là hợp lí nhất trong hoàn cảnh hiện nay.
- Thế có bao giờ Luận nó xin thêm không?
Ra ông Đông này cũng hóm hỉnh ra dáng. Phượng bật cười:
- Không, nhưng cũng quá trẻ con. Em ngoảnh đi là gạt luôn thêm sang phần của em. Em biết thì kêu: Đây là của tôi tặng cô, cô không nhận là thiếu tình nghĩa. Có hôm gắp cho em, em rụt lại, miếng thịt rơi tọt xuống đất. Thế là càu nhàu: Cô này bất lịch sự thật.
- Khá lắm.
- Anh Đông này, anh Luận em thế mà không biết nấu cơm đâu nhé.
- Nó lười thì có. Bộ đội mà không biết nấu cơm có chết. Nó lười đấy. Đã thế phân công cho rửa bát.
- Kể ra nấu thì cũng được, nhưng vừa nấu vừa chúi vào quyển sách, cơm khét cũng không biết. Lại có hôm xào rau, có một mớ mà lúc múc ra đầy ụ một bát, hoá ra xào cả cái giẻ rửa bát. Còn rửa bát ấy à, khoắng mấy cái là xong, lại còn lí sự: Cơm gạo chứ gì mà bẩn!
- Há! Thằng này khá!
Đông cười, nhưng môi vẫn mím, hai má phồng miếng cơm đang nhai. Đông nhai rất ngon. Miếng dưa giòn rau ráu, ngon như miếng thịt. Rồi dịch ra đầu nồi đòi xới lấy. Đĩa trứng hết, lại xẻ nước dưa sang, tráng rất khéo, rồi trút cả vào bát cơm.
- Sao? Cô cười gì thế! Lính thì phải tráng mà.
- Trông anh ăn ngon quá. Đến cuối bữa vẫn thấy ngon.
- Nhưng ai nuôi tôi thì sạt nghiệp đấy.
- Anh cứ nói thế. Anh Luận em mà ăn được như anh, giả dụ có thiếu, em cũng nhường hết cho anh ấy ăn. Anh Đông ạ, em ấy mà, không hiểu sao em ăn nhiều cũng được, ít cũng được. Hồi ở Hoàng Liên Sơn, nhiều bữa thiếu gạo em chỉ ăn một bát thôi cũng đủ. Còn sắn, khoai, em ăn trừ cơm bao nhiêu ngày cũng được.
Đông gật gật đầu. Không hiểu anh nghĩ gì. Nhưng rõ ràng là anh vui. Bữa cơm đạm bạc mà ngon, vui. Có lẽ vì thái độ ân cần của Phượng.
Nhưng, đột nhiên Đông đặt bát cơm xuống mâm:
- Cô Phượng ạ, có lẽ tôi sắp đi làm đấy.
- Anh lại vào bộ đội à?
- Ba mươi năm bộ đội rồi còn gì! Tôi định xin vào một hợp tác xã thủ công chẳng hạn.
- Nhưng anh có nghề gì mà định xin vào hợp tác xã.
Câu hỏi hết sức thật thà của Phượng không ngờ làm Đông ngớ người. Anh nhấc bát cơm, ngắc ngứ, và một miếng rồi ngẩn ra:
- À ừ ừ… những thằng lính bọn tôi là thế đấy. Hừ, nhưng tôi bây giờ, làm công tác chính trị, tuyên huấn… thì được. Còn nghề khác thì… Nhưng, cô Phượng này, tôi có thể làm kế toán được chứ. Trước cách mạng, tôi học đến đệ nhị đấy.
- Kế toán có nghiệp vụ kế toán. Phải học mới làm được. Nhưng anh không làm được đâu!
- Sao, khó thế cơ à?
- Khó thì không khó. Cái chính là phải có tính nguyên tắc.
- Tôi có tính nguyên tắc.
- Nhưng cũng phải biết vận dụng… Anh làm thì sẽ rối tinh hết lên ấy chứ.
Phượng cười, Đông bật cười theo và công nhận rằng mình đuểnh đoảng, không quen tỉ mẩn, cụ thể. Nhưng Phượng đã thôi cười, mặt nghiêm hẳn đi:
- Em nói đùa thế thôi. Mà sao anh lại phải đi làm kế toán? Nói thế không phải là em coi thường việc ấy. Nhưng sao anh lại phải đi làm khi anh đã được quyền nghỉ?
- Thế thì tôi sẽ có cách. Nhàn mà vẫn sinh lợi.
- Chăn nuôi à?
- Không! Tôi sẽ chơi xổ số!
Lần này thì Phượng phì cười thật sự. Quả là ông anh chồng nhiều lúc dí dỏm ra trò. Nhưng, Phượng biết ngay là mình lầm. Đông hơi cúi xuống, mặt bất thần, ngắc ngứ một lát rồi như bị thúc ép, tọt ra một câu nói nghe như một người khác vậy:
- Phải có cách sinh lợi, cô Phượng ạ.
Lúc ấy, thật bất ngờ, cánh cửa buồng bị một hơi gió đẩy, két một tiếng, he hé mở và từ từ ló vào một cái đầu mèo đen tuyền.
Phượng vội đứng dậy, rón rén bước ra, nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh ngưỡng cửa, chúm môi hồi hộp gọi: Miu miu… Nghe tiếng gọi âu yếm ấy, con mèo bạo dạn lọt cả thân mình vào. Đó chính là con mèo đen đêm ba mươi bị Lý trừng phạt bằng cú đá trời giáng.
- Anh sẻ cho em ít cơm ra cái đĩa, anh Đông.
Phượng rối rít, khe khẽ gượng nhẹ, chỉ sợ làm kinh động, con mèo sẽ sợ hãi chạy mất. Nhưng, không, nhìn đĩa cơm nhỏ Phượng đặt xuống trước mặt, nó ngước lên kêu meo một tiếng như cảm ơn và cúi xuống. Thì ra cô nàng đói. Khốn khổ chưa, lông thì xác xơ, xương sườn thì nổi từng dẻ, cái đuôi thì trụi thùi lụi như bị lửa sém.
- Thôi, ăn xong thì ở lại đây bắt chuột nhé.
Phượng định giơ tay vuốt lưng con mèo, nhưng sợ nó hãi lại rụt tay, quay về phía Đông:
- Anh Đông ạ, hôm nay lúc đi làm về, qua chỗ đường tàu hoả, em gặp một chuyện rất thương tâm. Có một con bò già kéo chiếc xe cát rất nặng, thế mà…
- Chào hai người! Có gì mà vui vẻ thế!
Cùng với tiếng đẩy cửa là tiếng Lý lảnh lót từ ngoài vẳng vào và đã đột ngột cắt đứt dở chừng câu chuyện Phượng đang kể.
Phượng đứng dậy niềm nở, tự nhiên:
- Chị Lý! Chị mới đi hội chùa Hương về à?
Lý, vai đeo cái túi thổ cẩm, bước vào, không đáp, khủng khỉnh lướt qua mặt Phượng, môi dưới thưỡi một cái cười lững lơ và hai con mắt khim khíp lia ngang mặt Đông một cái nhìn có ẩn ý giễu cợt:
- Biết ngay là ông Di Lặc xuống đây ăn chực mà! Ơ kìa!
Chính là sự có mặt của con mèo đen đã khiến Lý kêu lên hai tiếng kinh ngạc khi chị vừa xoay người lại.
Con mèo đã trở thành một nhân tố ngẫu nhiên trong câu chuyện của con người. Nhận ra có tiếng người lạ, nó ngừng ăn, ngửng phắt lên. Nó đã nhận ra Lý, kẻ đã tặng nó một cú đá chí tử bữa nào. Nó chun mình lại, thoắt giữ thế thủ, mắt loé xanh. Không chịu nổi cái nhìn hằn thù của con vật, Lý giậm mạnh guốc, quát một tiếng: con mèo nhanh như cắt, nhún chân tót lên bậu cửa sổ, vọt ra ngoài sau khi ngoeo một tiếng căm giận.
- Em cho nó ăn để dụ nó về bắt chuột cho nhà mình, chị Lý ạ. Sao hồi này chuột ở đâu vỡ tổ ra lắm thế. Chị đi hội chùa Hương có vui không?
- Vui, vui nhất là gặp ông cụ nhà này và bà lang Chí. Già rồi mà leo núi khoẻ ra phết.
Sao giọng Lý lại bỡn cợt, mai mỉa thế! Phượng cúi xuống, nhấc đĩa cơm mèo. Ngồi phịch xuống giường nhìn Đông cầm đôi đũa gạt chéo qua miệng, mắt Lý kéo một vệt nguýt sắc lẻm:
- Để sẵn thịt gạo đấy, chỉ có việc nấu mà cũng lười!
Phượng ngoảnh lại dàn hoà:
- Em phải mời gãy đũa vỡ bát anh ấy mới chịu ăn cho đấy.
- Ăn thì thủng nồi trôi rế ra, ai mà chịu được. Hừ, không hiểu sao tôi lại lấy phải ông nhỉ, ông Đông.
Trời, sao Lý lại có thể sỗ sàng, tàn tệ đến thế! Sao Lý lại ngang nhiên xúc phạm một người chồng hiền lành, thật thà như thế. Và Đông, sao lại im lặng?
Đông chống tay, đứng dậy, cười khì một tiếng ngắn ngủn:
- Thôi, bà ơi. Hỏi thế làm gì? Nó là cái duyên cái số mà.
Lý trợn trừng:
- Ông tin là có số, hả? Vậy thì hôm nay là ngày lành tháng tốt, ông đã đến hỏi ông chủ nhiệm hợp tác xã thủ công phường chưa? Lại chưa? Sao mà lần khân thế. Nếu người ta không nhận, nếu sợ luỵ người ta thì ra ngay cổng này mà lập cái quán bán nước chè đi. Sĩ mãi! Khối ông uý ông tá cũng làm thế cả đấy.
Có một cái gì đó vừa vỡ ra trong Phượng. Phượng đã hiểu ra nguồn cơn câu chuyện rồi. Cô cúi gầm xuống thu dọn bát đĩa rếch, tới lúc nghe thấy tiếng tay Lý gạt sạt sạt trên chiếu, cô mới ngẩng lên. Lý vừa nghiêng túi thổ cẩm đổ ra chiếu một đống mơ Chùa Hương vàng ửng và đứng dậy:
- Cho ít mơ đấy. Này, cô Phượng, tôi hỏi: Sao chưa làm đơn xin xí nghiệp phân phối nhà ở cho là thế nào nhỉ?
Phượng đứng dậy, vốn không quen nghĩ lắt léo, không thể đoán ra được ý tứ gì nữa ẩn chứa trong câu hỏi vừa rồi của Lý. Thấy Đông tặc lưỡi đánh vào chân răng và nhìn quanh, Phượng vội rút cái ngăn kéo bàn:
- Anh Đông lấy tăm này.
- À… cảm ơn cô Phượng! Cái răng sâu tệ hại quá!
Đông vui vẻ nhót một cái tăm, vô tư như quên hết những gì vừa xảy ra, nhưng anh vừa cắm que tăm vào miệng, chưa kịp xỉa, Lý đã đẩy vai anh, gắt:
- Lần chần mãi. Đi thì đi dứt đi. Cưa đứt đục suốt đi. Hay là để tôi cầm tay dẫn đi nữa. Tháng sau tôi không còn ở nhà đâu!
- Sao?
- Tôi sắp đi Sài Gòn một tháng. Nhưng đừng lo. Tôi sẽ gửi gạo, tiền cho ông ăn ở đây. Mãn nguyện chưa?
Cái giọng đùa cợt ác ý của Lý, Phượng đã nhận ra.
Quãng đường phải vượt dài gần ba mươi cây số hoàn toàn không phải là một khoảng cách ngắn với đôi chân. Anh nhà báo bỗng muốn ôn lại kỉ niệm thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước? Không! Thử thách những năm đánh giặc chỉ là để tin hơn vào năng lực tiềm tàng và ý chí của mình. Sự thực là, đã xuất hiện một trạng thái hưng phấn đột khởi, một cơn hứng bất tử của sức sáng tạo, ở một trái tim đàn ông nồng nhiệt và đầy tràn nghị lực.
Mười hai giờ đêm, con người ấy đi tới mục tiêu mà vẫn cảm thấy sung sức. Luận đứng ở cổng ngắm căn buồng nhỏ nơi chỉ có tình yêu, nơi sống ngoài quy luật đồng tiền, sung sướng hít thở hoa nhãn non về đêm thoảng như hơi sữa mẹ. Quyết định không bấm chuông điện, Luận trèo cổng vào. Đứng một lát ở vườn cây, tiếp nhận hơi mát từ các vòm lá toả, thấy buồng Phượng mở cửa sổ, anh bỗng nảy ra ý nghĩ nghịch ngợm và nồng nàn. Nhẹ nhàng bám tường, anh leo lên cửa sổ, nghĩ tới cùng lúc thiên tình sử Kim Trọng vượt tường sang vườn Thuý Kiều và gã trai nổi loạn Pétsôrin trong truyện Một anh hùng thời đại của Lecmôntốp.
Căn buồng lặng tờ.
Phượng thính ngủ, giật mình choàng dậy. Nhận ra tiếng Luận, Phượng vẫn chưa hết bàng hoàng. Đèn không bật, khuôn cửa sổ đón nguồn sáng mờ ảo của cả một trời sao và bóng Luận đi tới, như trong một giấc mơ kì lạ.
- Em đang mơ về con. Em thấy răng của con có một chiếc bị sâu, em sợ quá. Có lẽ là buổi chiều em thấy anh Đông đau răng. Sao anh về khuya thế? Trời, anh đi bộ? Còn nhớ hồi anh sắp vào mặt trận, anh đi bộ ba ngày liền lên thăm em ở Lục Yên Châu. Anh có mệt lắm không?
Không đáp, Luận kéo Phượng lại gần mình, sát cửa sổ. Sao bỗng dưng anh có cảm giác rất quái quỷ: Anh sắp phải xa cách Phượng, y như hồi anh lên cái huyện miền núi xa xăm ấy chia tay Phượng. Chiến tranh đang độ ác liệt. Anh không còn ý niệm về không gian, thời gian và quên hết những điều định nói.
Phải một lúc sau tâm trí Luận mới trở lại yên tĩnh. Anh nghĩ, mình vừa sống lại những giây phút gặp gỡ Phượng thời yêu đương sôi nổi đã cách đây mười năm. Mười năm trước, khi ấy Luận học ở trường Tổng hợp và Phượng học ở bên Kinh - Tài. Mới đó mà hai người đã trải qua một chặng đường dài kinh khủng. Ý nghĩ ấy làm anh xốn xang.
- Anh nhớ ra rồi, anh phải về với em ngay đêm nay, không thể chậm hơn, Phượng ạ. - Giọng Luận đã thật hơn, - Anh muốn nói chuyện với em. Anh vừa ở một xã đồng bằng Bắc Bộ. Anh không nói toàn bộ, toàn cảnh. Anh nói một khía cạnh nhỏ, rất nhỏ của cuộc sống ở đó cho em nghe.
Dừng lại, nhìn vợ thiết tha, Luận tiếp:
- Phượng à, cuộc sống thật kì lạ vì con người vẫn là một cái gì bí ẩn. Dân mình cũng có cái gì đó bí ẩn lạ lắm, em ạ. Anh kể em nghe một chuyện khiến anh vô cùng xúc động. Có một ông cụ, một lão đồng chí.
Phượng hơi ngước lên và nghe thấy trong tiếng nói của chồng tích tụ bao tâm tư của chính anh. Anh đang kể cho chị nghe chuyện một lão đồng chí; bây giờ là lão đồng chí, còn năm 1930, khi được đoàn thể giao nhiệm vụ ra nước ngoài hoạt động tạm biệt người vợ trẻ ra đi, thì còn trẻ hơn Luận bây giờ.
Khi ấy hai vợ chồng họ đã có một con. Biền biệt mười lăm năm trời xa cách đến năm 1945, cách mạng thành công, đồng chí ấy đã là một cán bộ cao cấp của Đoàn thể. Trở về thăm lại gia đình, đồng chí ấy thấy cảnh tượng gia đình mình khác hẳn lúc mình ra đi. Người vợ đã có thêm ba con nữa với người chồng khác vừa chết bệnh xong.
- Em có hiểu không, đồng chí ấy có thể bỏ người vợ cũ của mình mà hoàn toàn không ngại dư luận lên án và lương tâm cắn rứt. - Luận trở lại giọng luân lí khúc chiết thường khi. - Không ai trách ông cả. Ông có thể lấy một người vợ khác, trẻ hơn, đẹp hơn. Vậy mà không. Ông về với bà vợ cũ và săn sóc ba đứa con của vợ y như với đứa con duy nhất của mình. Tới nay, cả bốn người con đều đã trưởng thành. Đến thăm ông cụ, anh hỏi, ông cụ điềm nhiên đáp: “Tôi vẫn thương bà ấy, chứ tôi không giận. Hoàn cảnh nước mình nó đã vậy, biết làm sao được!” Anh trào nước mắt, ngay lúc ấy muốn phục xuống chân ông, lạy ông. Em ạ, dân mình khổ quá. Những chuyện tình xưa như Tống Trân - Cúc Hoa, Phạm Công - Cúc Hoa… truyện nào cũng đẫm nước mắt cơ cực! Cơ cực quá! Có lẽ không có dân tộc nào khổ như dân tộc mình! Trong hoàn cảnh ấy, con người muốn sống được phải có tình yêu thương lớn lao, cao thượng lắm, em ạ.
Vào đúng mạch nguồn những suy nghĩ đã nấu nung, những cảm xúc đã tích luỹ, giọng Luận lại chứa chan, dạt dào:
- Em ạ, anh cũng đã gặp trong một xóm nhỏ xã ấy, ba cặp vợ chồng. Ba chị đều khá xinh lấy ba anh thương binh: anh thì cụt cả hai tay, anh cụt hai chân, anh thì cụt một tay một chân. Thấy các chị ấy săn sóc chồng mà anh không cầm được nước mắt. Anh nhớ tới đời chị Hoài, lại như nhìn thấy đôi gót chân nứt nẻ của chị. Phượng ạ, còn một chuyện riêng của anh, chưa bao giờ anh nói với em. Anh ra mặt trận, chiến đấu bảy tám năm trời và đã trở về với em như một điều kì diệu. Thật là kì diệu đấy, em ạ. Một lần anh và một đồng chí nữa trên đường tiến quân phải qua một cây cầu địch chiếm giữ. Có bao điều nguy hiểm bí mật ở cây cầu ấy, ai mà biết được! Một trong hai người, anh hoặc đồng chí đó phải vượt qua cầu trước. Anh tự nguyện. Nhưng đồng chí ấy dằn anh xuống: “Tôi đi. Đồng chí có vợ con, rủi có hi sinh, vợ con đồng chí sẽ cực lắm!” Đồng chí ấy băng lên cầu. Và đã hi sinh ngay sau đó mấy giây. Thằng địch vì thế lộ hết hoả điểm… Anh trở về đơn vị, như một kẻ mất hồn. Sau mới biết: đồng chí ấy có vợ và hai con vừa bị bom Mỹ giết chết ở Hải Phòng.
Nước mắt từ một nơi sâu thẳm đã dồn ra, ứ đầy hai mắt Phượng. Run cầm cập, chị ôm chặt chồng và nép vào ngực anh.
Xoa vai vợ nhè nhẹ, Luận hơi cúi xuống:
- Phượng à, có nhà thơ nói: tình yêu là cái phép lạ hàng ngày. Anh không biết các dân tộc khác họ thế nào. Nhưng anh nghĩ, dân tộc mình thật sự là một dân tộc có cái phép lạ hàng ngày đó. Dân tộc mình sống có nghĩa, có tình sâu sắc, một nghĩa tình gừng cay, muối mặn, tao khang, vì đã qua lửa đạn, gian truân. Em cứ nghĩ mà xem: không có lòng nhân hậu, vị tha, sự hi sinh và nhẫn nại thì làm sao mà có tình yêu được, làm sao biết sống làm người được! Bây giờ, trong những ngày đất nước đang khó khăn này, nghĩ sâu về điều đó anh thấy mình như được bồi bổ thêm sức mạnh từ bên trong.
Đưa tay lau mắt, Phượng có cảm giác vừa được toả rạng trong nguồn sáng phát ra từ Luận. Chị nhớ lại gần đây, ở những phút gần chị, anh thường hỏi chị: vì sao em yêu anh và chị thường đáp vui rằng: Vì anh hay lí sự. Chị đã nói mà chưa nói hết. Anh gắn liền với cái cao đẹp trong cuộc sống bằng tất cả lí trí và tâm hồn, anh thích khám phá và sau đó truyền đạt tất cả những thu nhận của mình cho chị. Và dần dần một mối đồng cảm đã được thiết lập giữa hai người.
Hai người đứng với nhau thật lâu, cho tới lúc nghe thấy tiếng lá chuyển ở vườn cây, Phượng mới như sực nhớ:
- Thôi chết, em đoảng quá. Để em nấu cơm nếp cho anh ăn nhé.
- Thôi, để sáng mai anh ăn cả thể. Mấy hôm rồi, công việc của em vẫn bình thường chứ?
- Em định xin nghỉ phép để đi thăm vợ con Cừ mà chưa được, anh ạ.
- Để anh viết thư cho cô ấy đã. Có gì anh sẽ đi. Anh viết ngay bây giờ đây.
Luận bật đèn ở bàn viết. Có những lúc không thể không bắt tay vào làm ngay một việc nào đó, mặc dầu nhanh chậm không thật có ý nghĩa trên thực tế. Tính Luận vậy.
Luận ngồi vào bàn viết.
Hình như có tiếng sấm xa và lộp độp tiếng hạt mưa rắc trên mái nhà. Cuối xuân rồi, trời đêm ấm áp đang chuyển sang phần sáng.
- Anh à, thế nào em cũng đi đón con về, em nhớ nó quá.
- Ờ, thế em muốn để con mất một năm học à?
- Kìa anh! - Chợt, Phượng kêu khe khẽ.
Luận quay lại, tay vẫn cầm bút. Như một sự kì lạ của đời thường, trên cửa sổ vừa nhảy lên một con mèo đen. Nó nhìn căn buồng rồi thu mình ngồi im như thể đây là nơi nó vẫn hằng ăn ở vậy.