Khu vườn vào mùa này có vẻ đẹp thanh nhã riêng biệt. Đã có khu vườn hoa cổ nào xúc động vì điệu múa của đạo sĩ Ấn Độ mà ra hoa sớm hơn thường lệ? Còn khu vườn này chưa có ai nghiền ngẫm về sự kì diệu của cây cối trong mối quan hệ của nó với những con người trong nhà. Nhưng, hình như đã là hiện thực cái điều lạ lùng ấy. Hay ít ra thì cây vẫn nhớ rằng nó đã chở che, chứng kiến nhiều sự kiện nhiều kỉ niệm thiết tha của con người. Ông bà Bằng đã ngồi trò chuyện dưới bóng cây. Tường và Hoài cũng vậy và cây còn nhớ, bàn tay chăm sóc, vuốt ve âu yếm của chị Hoài trong hoài niệm bâng khuâng. Dưới bóng cây, Luận vẫn hằng tâm tình với Phượng. Cây là chứng nhân có linh hồn, cây rung động với những tấm lòng chân thật. Và là sự thật mà phảng phất như có sự linh diệu thường thấy trong các câu chuyện cổ, táo trong vườn năm nay ra hoa sớm hơn thường lệ rất nhiều. Từ độ thu sang, hoa táo đã nở bung, trắng ngà cả một góc vườn. Những đêm thu trong vườn khuya thanh vắng, ngồi tình tự với người yêu, khi đứng dậy, Cần vẫn hay đưa tay vuốt nhẹ tóc cô và thầm thì: "Hoa táo rụng đầy tóc em. Chúng trang điểm cho em, mặc dầu em không cần trang điểm”.
Vân không cần trang điểm. Vì chính Vân xinh tươi, vì chính đoạn đời vừa qua của Vân ngời ngời vẻ đẹp của tình yêu sắt son, quả cảm. Cây táo chứng nhận điều đó. Nó đã nghe thấy họ tỏ tình với nhau khi cả hai vừa học xong lớp 10. Nó nghe thấy lời hẹn hò của họ, khi họ chia tay nhau.
Chia tay nhau, Cần đi học ở Liên Xô. Vân thi vào Đại học Sư phạm. Thầy mẹ Vân quyết định gả chồng cho cô để tìm nơi cậy nhờ. Chú rể được lựa chọn là một ông cán bộ goá vợ, bốn chục tuổi, có nhà riêng, có thế lực. Một năm liền vật vã, giằng co, phá vỡ việc thi cử. Ông bố quyết định công bố tối hậu thư: “Một là, nghe lời cha mẹ thì trong ấm ngoài êm, có nhà cửa gia đình và được tiếp tục thi vào đại học. Hai là, cưỡng lại thì không còn nơi cấp dưỡng, cậy nhờ".
Bảo vệ tình yêu tự do và đích thực đến cùng, Vân chọn con đường khốn khó. Cô cậy cục xin vào làm thợ ở xí nghiệp Nhuộm - Giặt - Là. Xí nghiệp Nhuộm - Giặt - Là! Cái tên lòng thòng, nghe đã thấy tính chất xuềnh xoàng thủ công của nó. Cái xí nghiệp thuần các bà có con mọn. Một dãy chảo cỡ đại, căn nhà xưởng lênh khênh, chống chếnh như cái lều tạm. Hàng dẫy sào phơi. Cái sân lổn nhổn than xỉ. Nhưng, xuềnh xoàng vậy mà nó đã lo việc vệ sinh, làm đẹp cho dân toàn thành phố, trang phục áo quần cho ngoại giao đoàn, y phục của các cuộc duyệt binh, từ cái mũ của ông Đại tướng tới cái áo của anh binh nhì. Nó là người nội trợ của nhiều gia đình. Buồn cười, một lần giặt áo cho một ông khách, thấy túi áo cồm cộm, giở ra, hoá ra là thư của con gái ông. Tò mò một tí, đọc thử mấy dòng đã thấy giật mình. "Ba ơi, ba mua cho con cái đồng hồ Longin nhé. Cái cũ có hai kim phải lên dây, con không thích. Ba ạ, hè năm nay, ba, con và mẹ đi Sầm Sơn hay Nha Trang nghỉ, hả ba? Con thích đi Vũng Tàu kia, bạ ạ!" Có những kẻ sung sướng như thế. Lại có những người con gái vất vả cực nhọc như Vân. Cả một ngày dài ngột ngạt trong hơi nước, mùi thuốc nhuộm, hơi than lửa. Lương bậc một, năm mươi đồng. Ăn chắt hà tiện một tháng không đủ. Quần áo may theo phiếu, không dám nghĩ tới téc, tới xoa, tới mốt nọ, kiểu kia.
Nhiều người biết Vân sống và làm việc như thế, từ lúc mười chín tuổi, nay đã hăm ba, bốn năm trời gan góc để bảo vệ tình yêu chân chính của mình.
Cần dựa cái xe cuốc ở bờ tường, đứng dưới gốc táo chờ người yêu. Dưới gốc cây này, họ đã hứa hẹn và bây giờ, sau năm năm trời xa cách, họ mới lại gặp nhau.
Sự thật là Cần đã vượt lên trước thời gian, đúng hơn là gạt bỏ cái thời gian bỗng dưng dôi ra, để trở về đúng thời hạn đã hẹn hò khi chia tay. "Năm năm nữa chúng mình sẽ cưới nhau". Năm năm học qua, vì đỗ xuất sắc, Cần được ở lại học tiếp ba năm nữa. Ba năm, vẫn còn trẻ. Nhưng như thế là phụ lòng Vân, và tự cảm thấy như vậy là xử sự một cách ích kỉ.
Và Cần đã trở về dưới gốc táo này đúng như lời hẹn.
Tình yêu cao quý của Vân không cho phép anh sai lời. Kể cả việc hàng tuần đạp xe từ Công trường Thuỷ điện Sông Đà hơn trăm cây số về đây, đứng ở dưới gốc táo này, đúng lúc đồng hồ chỉ 8 giờ 30.
Tám giờ ba mươi phút, trăng gác mái nhà. Tám giờ ba mươi phút, tiếng cổng mở như trong mơ và bóng Vân bước vào khu vườn, nhẹ tênh như không thật, trong một không gian, thời gian ảo mờ. Rõ ràng họ ở bên nhau, rõ ràng gương mặt Vân đây, mà vẫn như là chiêm bao.
Mặt Vân thon nhỏ, trắng mịn. Đôi mày uốn mềm, thanh nhẹ. Cái cổ như cái cọng hoa. Đôi mắt to vời vợi, hơi ngơ ngác. Cái áo vét ngắn từ thời học sinh còn lại. Tất cả vẫn giữ nguyên vẻ tươi mát, dẫu đã qua bao dập vùi, khổ ải.
- Anh đạp xe từ ba giờ chiều, lúc tan ca. - Cần kể. - Đạp theo tốc độ xe đua. Chỉ ít lâu nữa, anh sẽ thành tuyển thủ xe đạp đua. - Cần cười. - Chiều mai, anh lại có mặt ở công trường, bọn anh sửa soạn lấp sông. Bao giờ em lên đó xem, em sẽ thấy một cảnh tượng hết sức hùng vĩ. Đó là giang sơn của bọn anh.
- Còn nếu anh đến xí nghiệp em, - Vân tủm tỉm, - Anh sẽ thấy một cảnh tượng hết sức nhỏ bé, xoàng xĩnh.
- Không, nhỏ bé xoàng xĩnh chỉ là bề ngoài thôi. Còn thực sự nó cũng hết sức lớn lao. Vì ở bên trong nó, có những người như em.
Vân cười, Vân đã quen cái cách nói hơi khoa trương vì chỉ có cách đó mới diễn đạt được niềm say mê lớn của Cần. Tất cả những gì Cần yêu quý, tự hào đều được phóng đại lên với những kích thước bất ngờ, thú vị. Và những buổi trò chuyện của hai người dường như bao giờ cũng bắt đầu từ khung cảnh rộng lớn của cuộc sống, từ công việc của mỗi người rồi thu hẹp dần lại, đến tâm điểm là cuộc tình của họ.
Vân kể cho anh nghe cuộc sống và công việc của cô. Cô nói sắp có duyệt binh lớn nhân ngày quốc khánh nên bọn cô bận lắm. Năm ngoái xảy ra một chuyện đến giờ cô còn nhớ. Cái mũ ông Đại tướng đội để duyệt binh do bọn cô giặt là đó. Mười giờ tối, mũ ông giặt xong mới phát hiện ra: Thợ may độn miếng vải màu làm lót nên khi giặt, vải màu thôi ra, làm lem nhem hết cả màu trắng của cái mũ. Năm giờ sáng hôm sau, phải có mũ cho Đại tướng đội duyệt binh rồi. Thế là thợ may cấp tốc may cái mũ khác. Ba giờ rưỡi xong. Đến phần giặt là của cô. Cô lo quá. Đại tướng nhất định phải có mũ đội chứ. Cả nước nhìn, hàng trăm phóng viên thế giới chĩa ống kính vào Đại tướng, vào cái mũ của cô. May mà xong, và cái mũ đẹp ghê cơ. Còn một chuyện vừa xảy ra tuần trước, bọn cô nhuộm một cái áo cho một bà. Thế nào mà cửa hàng trả nhầm. Thế là bà đến làm om sòm lên: "Lấy cái áo của tôi để đặt lên bàn thờ ông bà ông vải các cô à!…" "Thế là chúng em đành góp tiền đền cho bà ấy. Anh à, nghề chúng em có trách nhiệm làm đẹp cho mọi người”.
Vào lúc Cần say đắm nhất và trăng đã lên cao, khuất sau mái nhà, một lần nữa, anh kéo sát Vân vào mình. Lâng lâng vì sự tráng lệ, huyền ảo của mối tình đầu gian nan nhiều thử thách, Cần cúi xuống, đắm say và mơ màng.
- Vân, Vân à, cho anh cưới em nhé.
Nói ra câu đó, anh nhận ra anh cũng như cô ngột thở vì sung sướng. Vì quả thật, từ lâu lắm rồi, cả hai đều đã chờ đợi cái ngày trọng đại và tươi đẹp nhất ấy trong đời họ. Tuy nhiên, sau một lát im lặng, cô bỗng nép vào ngực anh, khe khẽ và ngạt ngào:
- Anh à, thời gian đi vừa lâu, vừa chóng. Trưa nay, em xem lại sổ lưu niệm hồi chúng mình học lớp 10. Bạn em, chúng nó ghi: Vân ơi, Vân cà chua ơi, vì hồi đó má em đỏ hồng! Cái bóng ma chia tay nó lù lù kia rồi. Mình sợ cái bóng ma ấy quá. Vân ơi, chúng mình lập một hội với nhau, năm năm nữa gặp nhau xem lúc ấy mỗi đứa đã thế nào. Có đứa nào lấy chồng chưa? Đứa nào có gia đình trước, đứa ấy được gọi là… bác. Em có ba đứa bạn thân lắm, một đứa bị gọi là mắc bệnh đao. Vì nó chẳng có trí nhớ gì hết. Nó về làm thợ may và lấy chồng, đã có hai con…Õ kìa, em vừa nói gì nhỉ? Em huyên thuyên quá ư? Không đâu, anh à. Để em nói nhé, bác vừa mới mất chưa được bao lâu. Mà sao em thấy em cứ như vừa học lớp 10 xong ấy. Việc hệ trọng, em cần thêm thời gian để chuẩn bị, anh à.
Cần nới vòng tay sau lưng người yêu, áp mặt trên vai cô, lòng anh vang thầm niềm quý trọng cô. Anh nhớ hôm ba ngày ông Bằng, cô đến thắp hương và đặt lên bàn thờ một mâm xôi với một con gà. Ai bảo cho cô biết cái lễ nghi rất thích hợp với vị trí lúc này của cô như thế?
Họ ngồi với nhau ở dưới cây táo đang đơm quả rất lâu, sung sướng, mãn nguyện về nhau, cho tới lúc có một tiếng động thật nhỏ và êm, lướt qua bên mình.
Vân quay lại, chợt kêu nho nhỏ:
- Con mèo, anh!
Một con mèo đen từ hàng tường nhà ông thợ mộc nhảy xuống, chạy qua sân, tới rìa căn nhà, thì dừng lại. Nó cúi xuống, nhả cái gì cặp ở trong miệng ra, quay lại, ngoău một tiếng dữ tợn.
- Nó cắp con nó, anh ơi.
Vân chạy lại, reo. Vừa lúc Phượng mở căn buồng, ngó ra, chúm môi, âu yếm gọi: miu miu… Rồi chợt ngẩng lên, Phượng reo:
- Kìa cô Vân, chú Cần! Nga ơi, cô Vân, chú Cần!
Nghe tiếng Phượng gọi, con mèo đen liền tha con qua cánh cửa sổ mở, tót vào buồng. Đó là con mèo đen quen thuộc đã ở hẳn với Phượng từ ngày Lý đi. Mấy hôm nay, nó đi đẻ ở đâu, giờ mới đem con về.