- Thôi thế là vợ Cừ trúng số rồi nhé. Không còn phải than thân trách phận gì nữa nhé. Thật là ăn mày được xôi gấc, mèo mù vớ cá rán chưa! Rõ là tự dưng nhé!
Buổi trưa mùa hạ, vườn cây im lặng, lách tách tiếng chim sâu chuyền cành. Tiếng Lý cất lên, khuấy động bầu không khí bằng lặng như chuỗi nghịch âm thật chói tai gai góc và đột ngột quá với Phượng.
Phượng mới từ phố về, đang ngẩn ngơ nhìn những nụ hoa mướp vàng suộm lay động trong những cánh ong bay. Phượng vừa phải bán cái nhẫn vàng duy nhất, vật kỉ niệm mẹ cho ngày lấy Luận, để lấy tiền bù thêm vào khoảng trống hụt trong việc chi tiêu của gia đình. Từ ngày vợ con Cừ lên, đời sống mỗi lúc một quẫn bách. Vợ Cừ vẫn chưa xin được việc làm.Trong tâm trạng hiu hiu buồn ấy, Phượng thấy Lý đi thẳng từ cổng vào, tay xách cái làn nhựa nặng toàn xoài chín, tới cạnh Phượng, và có những lời nói, cử chỉ bất thần như vậy.
Phượng còn chưa hiểu nguồn cơn thì hai con mắt người phụ nữ nọ đã toé lên những tia sáng chói gắt, vừa phớn phở vừa cay cú khác thường:
- Thật đúng là ngu si hưởng thái bình nhớ! Quả này hẳn to lắm đây. Cô Phượng này, tôi vừa gặp ông Luận nhà cô đi bán bộ áo vét cũ. Thôi, cũng chẳng đi đâu mà thiệt cô ạ!
Thôi, thế là Phượng hiểu bà chị dâu chồng, con người thính nhạy với các sự kiện, với cái giọng chao chát nọ, định nói gì rồi. Phượng muốn khóc quá. Cay đắng và trớ trêu đến thế là cùng! Người phụ nữ này mới từ Sài Gòn về, nghe hơi câu chuyện Cừ mới từ Canađa gửi thư về qua lời Luận lúc vội vàng, chưa hề biết đến nội dung bi thảm của câu chuyện, đã lập tức nổi cơn cuồng ghen tức, nhẫn tâm và vô lí đến thế kia ư?
Lý đang cháy lửa ghen trong lòng. Máu đổ dồn mặt, Lý hồng hộc thở như ngựa chạy đường xa.
Sau một tháng trời đi công tác trở về, Lý đã khác trước quá nhiều, từ giọng nói, điệu bộ, khuôn mặt. Khác đến nỗi Phượng có cảm giác trước mắt mình là một con người hoàn toàn xa lạ, đến nỗi không dám nói ngay với Lý cái sự thật phũ phàng là Cừ đã chết rồi, còn đâu nữa mà gửi tiền, gửi hàng về cho vợ con.
Mặt Lý tròn phính, bừng một màu men hồng bóng lọng của nắng gió phương Nam. Mắt Lý tô xanh, lẳng và táo tợn. Tóc Lý cuốn gọn trong cái mũ vải có lưỡi trai xoè to cum cúp che trước mặt. Cái mũ màu trắng sang trọng thường thấy những thiếu nữ nhởn nhơ đội ở ngoài bài biển. Cái quần côn đắp hai túi sau mông, thon bó dưới ống, màu sáng làm nổi bật cái may ô láng như sa tanh đỏ gắt nịt lấy người, tôn sự đầy đặn của đôi tay trần nuột óng và một bộ ngực nhô cao như đắp nặn, ngạo nghễ và thách thức.
Cảm giác tinh tế của Phượng đã được xác nhận đúng. Vẻ ngoài của Lý phản ánh trung thực những đổi thay bên trong. Chuyến đi, thoạt đầu như một hành vi bất mãn, dần dần đã tạo được hứng thú. Những dùng dằng, do dự, sau một tháng trời gặp lối sống ăn chơi đã có thêm cơ sở quyết định dứt khoát. Tất nhiên, Lý không phải là kẻ dễ bị sai khiến, lung lạc. Chị vốn tinh khôn, giỏi tính toán. Nhưng, như vậy đời Lý cũng đã xuất hiện một bước ngoặt. Gã trưởng phòng vô lại đã tìm mọi cách lôi kéo người phụ nữ rừng rực ước muốn cả tốt lẫn xấu mà chưa được thoả nguyện này; gã hiểu những thiếu thốn về mặt tinh thần của Lý, gã chết mê chết mệt người phụ nữ đa tình không thoả nguyện trong cuộc sống với chồng này; lần này chưa đạt được ước muốn, nhưng gã đã đưa Lý tiếp cận sát sạt lối sống hưởng thụ, tiêu xài và kiếm chác phi nhân cách, một khía cạnh tiêu cực của thành phố khổng lồ, mới giải phóng này. Chuyến đi công tác kết hợp với buôn lậu của gã đã tạo thêm một cơ sở vật chất nữa cho quan hệ của họ. Cơn hứng dục được tăng cường vì có thêm liên minh lợi lộc. Còn lưỡng lự, nhưng những khát muốn trong Lý đang rắp ranh rỡ lồng chui ra rồi. Trên khuôn mặt đẹp của Lý, chuyến đi đã để lại những nét tráo trơ, vô sỉ. Và nhìn khuôn mặt ấy, Phượng gai gai cả người. Khuôn mặt ấy có cái tinh thần hết sức giống khuôn mặt mụ đàn bà ngồi mua vàng ở cái ngõ Phượng đến bán nhẫn sáng nay. Một gã cò mồi đón Phượng, dẫn Phượng đi. Quanh quanh một lúc lâu, gã đưa Phượng vào căn nhà kiệt cùng của cái ngõ hẻm bẩn thỉu, tối tăm nọ. “Đưa đây!” Trong bóng tối mờ mờ, phát ra một tiếng nói hết sức trịch thượng. Và khi cái đèn cồn phụt lửa đốt cái nhẫn cháy đỏ lên để thử độ vàng thì hiện ra trong ánh lửa xanh xanh vàng vàng một cái mặt đàn bà trắng bự, có cặp môi vén như môi ngựa và hai con mắt tinh quái, nanh ác như mắt quỷ. "Vàng chín!" mụ phán. Phượng kinh hoàng. Sao giữa cuộc đời tốt đẹp này lại có các xó xỉnh tởm lợm thế? Nhận tiền xong, Phượng cắm cổ đi như chạy.
Không cần để ý đến Phượng, Lý nhấc làn xoài, đi vào nhà, mặt vênh như mặt kẻ sẵn sàng gây chuyện.
Vợ Cừ xách cái cuốc, từ buồng Phượng ló ra, suýt chạm vào Lý, vội thụt đầu vào, rụt rè chào:
- Chị đã về rồi ạ?
Sững lại, Lý nghiêng mặt nhìn người phụ nữ trẻ đang gằm mặt lo lắng, cười một tiếng cụt lủn:
- Thế nào, sửa soạn mà ra bưu điện nhận tiền, nhận hàng thằng Cừ nó gửi về chứ?
Vợ Cừ ngẩng lên, ngơ ngác, rồi chợt hiểu, nước mắt vòng quanh:
- Chị ơi em đang đứt từng khúc ruột đây.
- Thôi mà… - Lý cười nhạt. - Cứ vui lên, cô ạ. Thằng Cừ tiếng thế nó cũng là đứa có tình, có nghĩa đấy! Có thế nào đừng quên chị nhé.
Không cần biết vợ Cừ phản ứng thế nào, Lý quay ngoắt, thoăn thoắt leo lên gác. Chị xộc vào buồng ông Bằng, mở cửa, đóng cửa thình thình. Rồi chạy huỳnh huỵch về buồng mình.
- Ông Đông! Ông Đông!
Đông đang ngủ giật mình choàng dậy đã thấy Lý sập tới lù lù trước mặt, giật giọng đùng đùng:
- Ông Đông, ông ở nhà mà cũng như không! Có phép đâu mà lại như thế được!
Đông giụi mắt, vẫn chưa hiểu tình thế, lờ ngờ:
- Cái gì mà ầm ầm thế?
- Còn cái gì à! Tỉnh chưa? Giỏng tai mà nghe tôi hỏi. Tại sao ông để vợ con thằng Cừ chiếm cái buồng của ông cụ? Cả cái buồng khách, chiếu nhà Phượng nó trải đầy sàn, nó rắp tâm chiếm cái buồng nhãn tiền mà chịu, hả? Đống đồ chơi của thằng Dư con tôi đâu hết rồi? Trời ơi, có ai ngu dại đến như thế không? Không hiểu tôi ăn phải bùa mê thuốc lú nào mà lại đâm đầu lấy ông, hả ông Đông?
Câu cuối cùng diễn đạt nỗi ấm ức quen thuộc với sắc thái cay uất quyết liệt hơn, xốc vào tâm khảm Đông. Đông tỉnh hẳn. Đông đang nóng lòng chờ Lý về. Những ngày qua, Lý đã trở thành nỗi bất an trong tâm tưởng của Đông. Và đây là lần thứ hai anh thấy mình bị xúc phạm; lần thứ nhất là câu nói của Luận sau khi đọc thư thằng Cừ. Lúc ấy, Đông nổi cơn tự ái. Còn bây giờ, Đông bình tĩnh hơn. Bình tĩnh hơn, Đông nhìn Lý, và nhận ra vợ mình đã thay đổi quá nhiều. Có một cái gì đó đã vượt ra khỏi con người Lý hôm qua, đã trở nên quá xa cách với anh.
Không để Đông nói, người phụ nữ như bị ma ám này đẩn cái làn xoài vào góc nhà, rồi vùng ra cửa. Chị lại xộc sang buồng ông Bằng. Cái mành trúc này. Cái thảm đay này. Cái gương này. Bộ trúc quân tử này… Giật. Cuốn. Tháo. Cái bếp điện này, cuộn dây lại. Cái vỏ chăn này, kéo mạnh. Hai thằng Quân anh, Quân em đang ngủ trưa cạnh cái chăn mỏng
theo một thói quen mới được ông nội rèn cặp, giật bắn mình ngồi dậy, nhảy phịch xuống đất, kêu "mẹ ơi" và chạy tót ra cửa. Cùng lúc, từ bên hai đứa trẻ, tót lên cửa sổ một bóng đen mềm mại. Con mèo nhung! Nó đứng ở bậu cửa sổ, chun cái lưng gù lên, định thần và lập tức phóng hai con mắt xanh lét giận dữ về phía kẻ gây chuyện. Chợt nhớ lại những ám ảnh ghê rợn đêm nào có tiếng mèo kêu trên mái ngói, Lý hốt hoảng ném mạnh cái gối vào nó. Con mèo ngoău một tiếng bực tức rồi nhảy vót ra ngoài.
Đông quay lại đã thấy ở giữa buồng một đống đồ đoàn linh tinh. Và Lý đứng cạnh đó, cái mũ đã bỏ ra, mái tóc xoã ngang vai, hai tay chống sườn, mặt hằm hè nhễ nhại mồ hôi.
- Không thằng nào, con nào được phép bén mảng đến cái buồng ấy của tôi.
Đông lừ mắt:
- Cô này ăn nói hay nhỉ?
- Buồng này là của tôi! Là của tôi! Là của thằng Dư! Vểnh tai lên nghe rõ chưa, hả!
Đông quay lại, trống không:
- Tự ý ông cụ bảo hai đứa trẻ lên ở với ông cụ đấy!
- Tự ý! Ông ơi, ông còn ngu đến bao giờ mới thôi! Đó là cái mưu mô của thằng Luận và cô em dâu quý hoá của ông đấy, ông ạ. Rồi nó còn đưa con nó, đưa mẹ nó về đây nữa kia. Đã mở mắt ra chưa. Con nặc nô ghê gớm thế. Hừ, cả vợ thằng Cừ nữa, nó được phép ai mà dám bước chân vào cái nhà này? Đây là nhà vô chủ, hả? Đây là quán chợ, hả? Giời, cái buồng bây giờ hoả hồng không dưới năm chục ngàn đâu.
Trong Đông, lúc này thực sự đã xảy ra một cuộc đổ vỡ. Lần trước, khi Lý nói: Luận và Phượng bày mưu mất xe đạp, anh chỉ nghĩ: Bà này tai quái, nông cạn kiểu đàn bà cũ kĩ. Còn lần này thì không phải vậy.
Nhưng, Đông nói thế nào bây giờ? Đông xưa nay không có thói quen chăm sóc mọi mặt, kể cả mặt tinh thần, cho bất cứ ai. Đông trách Lý thì cũng là trách mình. Đông không có thói quen trao đổi, bàn luận với vợ.
Mặt đỏ bứ, Đông ngắc ngứ:
- Cô quái ác quá. Có gì phức tạp lắm đâu. Mới đi về chưa hiểu đầu cua tai nheo thế nào, thì phải hỏi đã. Vợ Cừ nó lên khi cô đi vắng, làm sao nó nói với cô được!
- Dào ôi, lí sự. Ờ, cứ lí sự đi. Cứ nhiếc đi!
- Ăn nói lạ nhỉ.
- Chẳng có gì là lạ cả. Đây cứ quái ác đấy! - Quá mù ra mưa rồi, mắt Lý đã giần giật tia lửa man dại. Chị nhảy vào giữa đống chăn màn đồ dùng mới đem từ buồng ông Bằng xuống, châm giẫm đạp liên hồi và giọng giật từng hồi, đành hanh và trợn trạo:
- Này, nói cho mà biết. Đây chẳng phải luỵ thằng nào con nào hết! Đây tay trắng lập nên cơ đồ. Đây phải có quyền. Đạo đức giả mãi! Đời chỉ là một chữ T thôi. Ôi trời ơi, sao tôi lại lấy phải cái con người như thế nhỉ? Ông Đông, ông sống không cần cái gì, không ước ao gì. Còn tôi, tôi không thể sống như thế được! Tôi cần sung sướng! Tôi không chịu kém đứa nào! Tôi cần ti vi, tủ lạnh, xe máy! Tôi không phải là vàng để trang trí cho kẻ nào hết. Tôi làm ra tôi phải hưởng… Ôi giời ôi, cứ nhiếc đi. Sống lâu mới biết đêm dài là thế! Khổ nhục cái thân tôi. Thế là tôi mất hết. Mất hết rồi, có biết không? Rồi con mẹ khọm Chí nó còn kéo về đây đú đởn nữa, có biết không!
Chưa bao giờ Đông gặp cái cảnh tai ngược đến như thế! Không quen ứng xử, lúc này anh chỉ có thể quát to một câu thật thô lỗ, rồi bỏ đi thôi. Và câu nói cuối cùng Lý vừa xổ ra thật sự đã đưa anh vào tình huống ấy.
- Câm ngay! Tôi cấm cô động đến chuyện ông cụ và bà Chí. Đồ vô đạo đức!
Đấm mạnh vào bậu cửa, Đông quát to rồi đi ra khỏi phòng, xuống thang. Lần thứ hai Đông cáu bột phát, kể từ hôm anh bất thình lình túm cổ áo Luận. Còn lại trong buồng là Lý với cơn ghen tức, nỗi xót của và lòng phẫn nộ mỗi lúc một tăng thêm.
- Quỷ sa tăng hiện hình ở nhà này rồi!
Vợ Cừ mưng mưng nước mắt:
- Khổ quá! Chỉ tại mẹ con em…
- Cô đừng nghĩ lẩn thẩn nữa! - Luận khẽ gắt.
Phượng quay sang chồng:
- Anh Luận ạ, hôm qua em đã viết thư cho chị Hoài, hỏi xem chị ấy có thể giúp gì cho cô Cừ được không? Còn từ hôm nay, cô ấy sẽ phụ đan len với em. Cô ấy đã học được khối kiểu đan rồi. Chịu khó, ngày cũng được chục bạc, anh ạ.
Vợ Cừ lại sập sùi:
- Em làm anh chị vất vả quá! Thật em đâu muốn thế!
Luận nhìn hai đứa trẻ đang ngây ra nghe chuyện người lớn, bảo chúng ăn đi, rồi xếp đũa vào mâm.
- Cô cứ yên tâm. Tôi đã làm đơn gửi Liên hiệp Công đoàn tỉnh và Ban thanh tra, khiếu tố Tổng công đoàn về việc họ buộc cô thôi việc vô lí. Một mặt tôi đã gặp Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ và nhờ cơ quan báo của tôi can thiệp. Còn cô, không việc gì phải sợ bà Lý. Bà ấy là cái gì? Mà có là gì đi nữa thì cũng không thể chi phối, doạ nạt, ăn hiếp ai được!
Luận chống tay đứng dậy. Cơn tức sôi âm ỉ. Anh đi ra cửa. Thấy Đông ngồi thẫn thờ ở cái ghế đá và nghe thấy tiếng dép phụ nữ đi xuống cầu thang, anh liền chống tay lên háng, quát:
- Quỷ nó về ám cái nhà này rồi nên giờ nó mới suy đồi đốn mạt đến thế này!
Nghe tiếng chồng quát, Phượng vội buông bát, chạy ra, định bụng kéo chồng vào. Xưa nay, Luận là sự nồng nhiệt nhiều khi thái quá.Nhưng, đã không kịp rồi!
Lý vừa xuống hết cầu thang, lệt xệt đôi dép tông màu đỏ gạch, vừa đi vừa xoắn mớ tóc rối, tới cửa, đứng lại ngay đằng sau Luận.
- Anh Luận! Anh chửi ai đấy mà chõ mồm ra ngoài sân? Việc gì phải thế. Anh cứ nói thẳng vào mặt tôi đây này có hay hơn không?
Như chỉ chờ có thế, Luận quay phắt lại, gằn:
- Tôi nói thẳng với chị đấy!
- À, thế thì tôi cũng xin nói thẳng vào cái mặt anh, rằng: các người cũng chẳng tốt đẹp, mĩ miều gì đâu.
Bỏ tay xoắn tóc, rút hai bàn tay lên sườn, môi Lý vênh cong đầy vẻ thách đố và ngực chị nhô hẳn về phía trước, như sẵn sàng lao vào trận chiến sinh tử, nhưng giọng đay đả lại trơn tru, mát mẻ vô cùng. Luận sững người. Anh không ngờ cơn bùng nổ của các các mối mâu thuẫn vốn đã âm ỉ trong gia đình lại bắt đầu là cuộc đụng độ giữa anh và bà chị dâu. Anh vốn có thiện cảm với người chị dâu này, chị sống không đơn giản, pha trộn ở chị cả vẻ đẹp sắc sảo của giới tính lẫn những nét thô kệch phàm trần do thiếu hụt một cơ tầng văn hoá căn bản, và như vậy là có thể cảm thông, chấp nhận được. Tuy nhiên, lúc này những gì là đáng quý và có thể thể tất ở chị đã hoàn toàn tan biến, còn lại trên gương mặt chị, chỉ rặt là những nét trâng tráo, vô xỉ và hoang rợ thôi.
Quả thật, hai con mắt Lý lúc này bỗng giống như hai tụ điểm kính lồi phát ra những tia chói gắt. Và sau vài giây yên lặng, chị như bỗng hoá
thân, biến thành một kẻ khác, trong động tác nhảy chồm chồm về phía Luận hết sức dữ tợn và những câu rủa xả trôi chảy, tựa như những câu học thuộc lòng:
- Vểnh tai mà nghe cho rõ nhé. Tiên trách kỉ, hậu trách nhân. Anh có biết rằng, con vợ anh nó có được chỗ chui ra chui vào là nhờ ở cái con quỷ sa tăng nào không? Và vợ anh cùng với anh đã ăn cháo đái bát như thế nào không? Định mồi chài ai? Định chiếm đoạt cái gì? A, cứ vỗ ngực ta đây là cao thượng, là tốt đẹp nữa đi! Tốt đẹp thì về nhà đóng cửa dạy con vợ của anh đã nhé. Đối xử với anh chồng phải đứng đắn nhé. Đừng nên có cơm rồi lại muốn ăn quà nhé! Đừng khỏi vòng cong đuôi nhé!
Tồi tệ đến thế là cùng. Đối đáp bốp chát, ăn miếng, trả miếng, chửi vỗ mặt nhau, đanh đá hàng tôm hàng cá, thơn thớt dựng chuyện, vu khống đê tiện một cách nanh ác, trơ tráo như thế này thì thật không còn gì để đáng nói nữa. Luận cố ghìm mình, gầm một tiếng gì đó, rồi quay đi, nhổ bọt:
- Thật là xấu hổ!
Phượng từ nãy đứng sau Lý, run bần bật, mặt tái mét, vừa ức vừa ngượng thay cho Lý khi nghe Lý đặt điều ê chệ cho mình, nhưng vừa thấy Lý xắn tay áo, lồng lên, liền nén nỗi riêng, chạy lên, nắm tay Lý nghẹn ắng:
- Thôi, chị Lý, em xin chị.
- Mày bỏ tao ra! - Lý giãy giụa. - Nó nhổ bọt ai? Tao phải sòng phẳng với nó. À, cả con vợ thằng khốn nạn Cừ kia nữa, mày cũng định bênh thằng nhà báo đểu giả kia phải không? Mày lên đây có giấy tờ gì không? Mày có trình báo với ai ở cái nhà này không? Bỏ tao ra! Đồ chó ghẻ có mỡ đằng đuôi! Nó cậy nó là thằng nhà báo, hả? Chúng mày không sống nổi với tao đâu! Ôi giời ơi, sao thân tôi khổ thế này, hả giời!
Lý lăn đùng ra đất, mắt sặc tiết, chân đạp, tay đấm, rồi ôm mặt khóc hức hức một cách rất oan uổng, xót xa.
Ngoài sân, Đông rời cái ghế đá, lẳng lặng cúi đầu, đi ra cổng.