Mùa lá rụng trong vườn

Chương 10

Bỗng dưng căn nhà khu vườn như có thêm một hơi thở sinh động của đời sống, kể từ ngày vợ con Cừ lên. Hai đứa trẻ phá vỡ cái nhịp sống bề ngoài có phần trầm lặng của khung cảnh. Chúng đuổi nhau, tranh nhau, đánh chửi nhau om sòm. Thằng Quân em học đâu cái thói cắn người làm thằng Quân anh nhiều khi khóc thét lên, khiến Phượng lắm lúc sợ hết hồn.

Hai đứa leo lên cây vải, cây nhãn, vặt quả non, không ăn được thì đập phá, rồi bắt tổ chim, đốt tổ bọ xít. Quả là những đứa trẻ quen lêu lổng và giỏi giang trong việc tìm thú vui chơi. Chúng mò mẫm trong các góc vườn bẩn thỉu, vớt nòng nọc, bắt cóc nhái chơi, và có lúc còn định rủ nhau leo lên hốc nhà để bắt chim sẻ.

Đã quen và nhờn với Phượng, chúng không hề nghe lời Phượng, lại có lúc còn doạ lại Phượng, nên các thói tật xấu ở môi trường mới cứ tiếp tục phát triển. Mỗi chiều đến lúc phải tắm rửa thì mới thật là một phen ầm ĩ. Mẹ chúng phải dùng hết sức để kéo, lôi chúng tới phuy nước, và chúng thì chống lại quyết liệt bằng cách cấu, cắn, đấm, đạp và chửi lại mẹ, cho kì tới lúc cả hai đứa lồng ra khỏi tay mẹ mới thôi.

Quả là hai đứa trẻ mất nết, hỗn láo quá! Mà lại tai ác. Cả đống đồ chơi quý của thằng Dư hồi trước Lý đã có ý thu vén giữ gìn, Đông liều đem xuống cho chúng chơi, chỉ được hai hôm đã lổng chổng lơ chơ, và bị quăng quật tanh bành. Con ngựa thì bị chúng lôi ra chặt gãy chân. Cái xe thì không hiểu bằng cách nào chúng tháo được cả ba bánh ra. Các đồ chơi bằng nhựa thì ôi thôi, chưa được một ngày, cái đã bị đập nát, cái bị đè bẹp rúm. Chúng lục lọi khắp gian buồng của Phượng, lại rình rập lên buồng Đông, thấy cái gì là lạ là lôi ra đập phá cho tan tành. Chúng rình con mèo đen, tóm được nó, bị con mèo cắn chúng mới chịu buông, chứ không thì chưa biết còn những tai hoạ gì sẽ xảy ra với con mèo.

Vợ Cừ âu sầu, ngày nào cũng khóc ba bốn bận. Cũng lại là nếp sống chểnh mảng việc dạy dỗ con cái đã quen, giờ thêm sự bối rối trong cảnh ngộ khốn cùng, nên cứ mặc cho hai đứa con muốn sao thì vậy, bực lắm thì quất chúng vài roi cho qua chuyện thôi.

Đi làm về, Phượng lại vất vả thêm vì cái gia đình nho nhỏ mới đến này. Mới chưa đầy tuần, số gạo mì dự trữ đã hết veo, hăm nhăm cuối tháng đã phải cắp sổ đến nói khó với cửa hàng lương thực xin mua trước dăm cân vào tiêu chuẩn tháng sau. Vất vả nữa vì bất lực trong việc bảo ban hai đứa trẻ. Ngọt, chúng khinh nhờn. Sẵng, chúng trơ lì. Cuối cùng

phải lôi Đông ra doạ: “Có đi rửa chân tay không bác mách bác Đông đang ra kia kìa!” Còn mẹ chúng mỗi khi thấy hai đứa đánh nhau lại réo khàn khàn: “Ới, bác Đông ơi ơi…”

Nhìn hai đứa trẻ, những bóng hình của một tai biến gia đình, mà não cả lòng. Kể cả khi chúng không lếu láo, không đánh chửi nhau, lúc có mặt Đông. Nhác thấy bóng Đông là chúng lủi. Chúng sợ cái thân hình hộ pháp của Đông hay Đông có cái dị tướng ẩn uy hiếp chúng? Không hiểu, nhưng hai đứa như đã kí một hợp đồng ngầm, hễ thấy Đông là lẻn ra rìa nhà, cùng tặc tặc lưỡi và vênh mặt đi ra cổng. Chúng không biết chào hỏi, cũng không nói với ai một lời, ngoài mẹ chúng.

Một hôm Phượng mua cam về, cho mỗi đứa một quả.

- Cảm ơn bác đi! - Phượng nhắc hai đứa.

Thằng anh không nói, điềm nhiên bóc cam ăn. Thằng em bị Phượng thúc một lần nữa, liền giấu cam ra sau lưng, nghênh mặt lên nhìn Phượng, rồi nhoai cái cổ gầy:

- Ông đ. cám ơn, làm gì nào!

Vợ Cừ đang ngồi khâu, thét giật:

- Tát chết bây giờ! Không cho nó ăn nữa! Có cảm ơn bác không?

Thấy con vẫn ương, vợ Cừ liền bỏ kim chỉ, chạy lại, giơ tay tát nó một cái. Thằng bé lạng người đi, không khóc, dẩu mỏ chửi mẹ và bác một câu rất tục, rồi văng ra cổng:

- Ông đ. thèm ở nhà này nữa.

Mẹ nó chỉ tay hét:

- Có giỏi mày cứ đi đi! Rõ đồ vô phúc chưa!

Phượng vội đuổi theo thằng bé, nó đã mất hút. Đông phải đi tìm. Tận chiều mới lôi được nó về nhà. Nó cào rách cả vạt áo sơ mi của Đông. Đông quát:

- Hư, bác gửi chúng mày vào trại trẻ!

Câu doạ thường tình ở hoàn cảnh này không ngờ gây hậu quả tệ hại. Vợ Cừ đang giọt ngắn giọt dài, quay phắt lại, gào:

- Nó không có bố dạy, mất dạy lắm rồi. Bác cứ cho nó vào trại trẻ mồ côi đi! Giời ơi là giời!

Đông đứng lặng, cảm thấy mình có lỗi, lát sau bỏ đi.

Phượng rơm rớm nước mắt, đi đến bên vợ Cừ, khe khẽ:

- Cô Cừ, cô phải bình tĩnh chứ!

- Chị ơi. - Vợ Cừ úp mặt vào người Phượng, nức nưởi. - Em chẳng thiết gì nữa đâu. Em muốn chết quách đi cho nó nhẹ đời, chị ạ…

*

Người phụ nữ đã quẫn. Cay cực càng nghĩ càng bị đẩy tới chân tường. Chồng bỏ. Con hư. Thân mình bơ vơ. Chị bị dồn ép từ ba bốn phía. Và bây giờ, trước mắt là cái vực sâu vô vọng, rỗng không.

Phượng lo sợ quá! Đêm nằm không dám ngủ, chốc chốc lại ngoái nhìn xem vợ Cừ có còn nằm đó không. Vườn có nhiều cây cành là là mặt đất, chị sợ vợ Cừ phẫn quá hoá liều, đêm ra đó thắt cổ tự tử. Đã tính lên bảo Đông thức canh chừng hộ, nhưng buồng Đông khoá trái cửa. Đông đã lại đi chơi tổ tôm. Mấy hôm nay, Đông lầm lì hẳn đi, lại có ý né tránh. Lý đi đã gần tháng, biền biệt không tin tức. Đông nghĩ ngợi về việc đó, hay không muốn giây vào câu chuyện phức tạp và nan giải này.

Chưa bao giờ Phượng mong chồng về đến như thế. Phượng dạt dào yêu thương. Phượng sẵn sàng hỉ xả. Phượng cứng cỏi, dám đứng mũi chịu sào, nhận trách nhiệm. Nhưng, một người đàn bà rất cần một người đàn ông trong sự hiệp nhất; và Phượng rất cần một người tri kỉ đồng tâm, đồng hành, có một tầm hiểu biết đủ sức chỉ dẫn, biết khích lệ khi gặp trắc trở - một người bạn mà có thì luôn yên lòng. Người đó, không ai khác là Luận. Một lần nữa, Phượng hiểu Luận là quý giá như thế nào đối với mình.

May quá, đêm ấy Luận về.

Lần này Luận đi ôtô về, không phải do phát sinh một trạng thái cảm hứng mãnh liệt như lần trước mà do bỗng cảm thấy sốt ruột một cách khác thường. Lúc Luận về, vợ con Cừ đã ngủ. Hai vợ chồng ra vườn nói chuyện.

Sáng hửng, Phượng nhóm bếp dầu nấu mì. Luận ngồi pha trà, chờ vợ Cừ rửa mặt xong, gọi lại. Vợ Cừ vừa ngồi xuống ghế đã lấy khăn tay chấm mắt, sụt sịt:

- Bác mới về đêm qua ạ.

Luận gật đầu, vẻ đăm chiêu hằn rõ trên gương mặt mảnh dẻ, có đôi mắt trầm tĩnh, và những đường nét rắn rỏi:

- Tôi về đêm qua. Đã nghe Phượng kể hết mọi chuyện rồi. Ý kiến tôi thế này. Lúc này mà cô quẫn trí là hỏng hết mọi việc. Chúng tôi ở trên này đã dự tính tình hình này nên đã viết thư cho cô. Bây giờ, chuyện cũ bỏ đấy đã. Trước mắt là lo việc làm và nuôi dạy hai đứa trẻ.

Hai đứa trẻ đã dậy. Không hiểu sao thấy Luận cả hai đứa đều nem nép, ngồi im thin thít. Có lẽ vì cặp mắt sâu nhiều nghĩ ngợi của Luận và giọng Luận khúc chiết, mạch lạc.

- Hai đứa trẻ là hai cái mầm sống kia kìa. Tôi, cô Phượng, cô, phải lo cho chúng. Đừng để chúng bị thiệt thòi. Cô có hiểu ý tôi nói không?

- Dạ.

Phượng đang quấy nồi mì nghe tiếng dạ của vợ Cừ, lòng yên tĩnh hẳn đi. Luận, chỉ có Luận mới toả ra được niềm tin cho người khác đến như thế. Chỉ có Luận mới có được cái cốt cách vững vàng và tươi sáng như thế trong hoàn cảnh bế tắc này. Chị nhìn hai đứa trẻ ngồi chồm hỗm trên giường, cười:

- Quân anh, Quân em nghe bác Luận nói chưa? Ngoan, tối bác đưa đến cơ quan xem ti vi.

- Chủ nhật cho đi xem bách thú, đi tàu bay nữa. - Luận quay lại, thêm. - Đã cháu nào được đi tàu bay chưa nào?

Vợ Cừ sụt sịt:

- Em cũng biết tấm lòng của anh chị, nhưng lắm lúc em thấy tủi quá, nhục quá!

- Cô chỉ nghĩ vớ vẩn. - Luận nói quả quyết. - Chuyện xảy ra không phải lỗi tại cô, tại sao cô lại chuốc lấy cái tủi, cái nhục. Lúc hoạn nạn này mới cần nhờ nhau. Tôi biết cô còn ngại cái gì. Tất nhiên là bọn tôi không giàu có. Sống bằng đồng lương thôi. Nhưng, với cô Phượng thì cô không lo. Tôi cũng không tốt bằng cô ấy đâu! Tóm lại, khó thì tìm cách gỡ dần. Tôi đang nghĩ cách. Nhưng cô phải bình tĩnh, chứ rối bời lên là không giải quyết được gì đâu.

Mặt vợ Cừ hưng hửng. Phượng bưng mâm mì đặt xuống đất, tươi tỉnh:

- Nào, ăn mì đã. Cô Cừ, Quân anh, Quân em, anh Luận.

Luận bưng bát mì, cảm thấy cái nhìn sung sướng, trân trọng của vợ với mình, lại đặt xuống, thanh thoát:

- Đã chết ngay đâu mà cuống. Phụ nữ các cô là cạn nghĩ lắm. Đã là trẻ con thì tất nhiên là nó nghịch, nó dại. Có gì mà hết hồn, mà rầm rĩ cả lên.

Phượng lườm yêu chồng:

- Thế mới cần có nam giới, mới cần có anh chứ!

Vợ Cừ hỉ mũi, nhìn hai đứa trẻ đã bắt đầu ăn, ngượng nghịu:

- Nghe anh nói em yên dạ được vài phần. Hai đứa nghe rõ lời bác chưa? Hư là bác rối trí, bác ghét, bác không cho xem ti vi, bách thú nữa đâu đấy.

Buổi chiều. Đông ngủ trưa dậy, ngó qua cửa sổ xuống thấy một phụ nữ ăn mặc quần áo bảo hộ lao động xanh bạc đang cặm cụi rẫy cỏ, cuốc đất ở khoảng đất cạnh giàn mướp hương. Chung quy lại, vấn đề là ở chỗ: có thái độ đúng, có năng lực tổ chức, trên một cơ sở là có tinh thần trách nhiệm cao với con người. Đông biết: Luận đã về.

Đông đi xuống nhà tìm Luận. Xuống đến giữa cầu thang, anh gặp ông Bằng:

- Ba… ba đi hội về rồi ạ?

- Ờ, ba đi Đền Hùng về. Luận nó vừa gặp ba ở cổng nó nói chuyện ba mới biết vợ con Cừ nó lên. Có lẽ ba, anh và Luận, ta phải bàn bạc, Đông à.

Nghe thấy tiếng một đôi giày gót nhỏ cậm cạnh ở chân cầu thang, Đông nhìn xuống. Một người phụ nữ nhỏ nhắn áo trắng, quần đen, tay cắp cái ô, tay xách làn đang đi lên. Người phụ nữ đó là bà lang Chí.

*

- Ông có bộ trúc quân tử quý quá, ông ạ. Thế nào ông đã bớt mệt chưa? Ấy ấy… để bộ ấm chén đó tôi súc cho. Được rồi… được rồi, để tôi quét. Ông ngồi đây rồi tôi xem lại mắt cho.

Lại như những lần trước, vào tới buồng, bà Chí treo ô, đặt làn, lại bắt tay làm những việc trong nội thất một cách thành thạo và tự nhiên. Người phụ nữ này cũng như ông Bằng, khát khao một tình bạn, khi tuổi đã xế tàn. Ông muốn có bạn tâm tình, mong có người đỡ đần. Bà, thêm tấm lòng từ mẫu lương y, coi đỡ nâng người khác như một nhu cầu tự thân.

Giờ thì họ đã quen thân, nhất là từ sau Tết, qua mùa lễ hội cổ truyền của dân tộc. Cái Tết mở ra một chuỗi hội hè nơi làng quê. Ông Bằng không bỏ sót một hội nào. Không phải chỉ do ý thức của một người đang nghiên cứu về dân tộc. Hành hương về nơi cội nguồn ông muốn tìm lấy cái nền tảng căn bản để vững tin trong những ngày sóng gió này. Dẫu ngoài miệng phủ định, trong thâm tâm, ông vẫn lo sợ khôn nguôi về một sự đổ vỡ tinh thần trong gia đình mà tiêu biểu là sự kiện thằng Cừ. Lòng không yên ổn, ông phải tìm sự yên ổn tự nơi nguồn cội.

Ông đã tìm được sự yên ổn. Có lẽ sự yên ổn còn toát ra từ bà bạn già cùng đi, người hàng xóm ngày xưa, bà lang nhân từ, người bạn tri kỉ của ông. Hai người đã nhích lại gần nhau, nhờ cùng nhập vào cuộc trẩy

hội mùa xuân và trong sâu xa, cả hai đều hiểu: nhờ tấm lòng, sự chắp nối của chị Hoài. Đến hội Đền Hùng thì họ thật sự cảm thông với nhau về mọi phương diện. Hướng về lịch sử, cả hai đều bồi hồi những cảm nghĩ yêu thương đất nước trong những ngày gian khó. Tràn trề cảm hứng, cả hai lắm lúc như trẻ thơ, ngẩn ngơ trong hoài cảm tri ân và trước sự tráng lệ, huy hoàng của nền văn hoá dân tộc.

- Ông ngồi ra đây, để tôi xem lại mắt cho nào. Sao, mặt ông mất thần sắc thế? Ông có mệt không?

Như bao lần ông ngoan ngoãn như đứa trẻ, nghe lời bà, ngồi trên chiếc ghế gần cửa sổ và bà Chí lại bắt đầu những công việc của một bà lang nhân hậu. Bà nhỏ nhắn, da trắng, phúc hậu. Từng cử chỉ của bà, như từ tâm hồn bà toả ra, là sự dịu dàng nhân ái. Đời bà là một chuỗi ngày chịu nhận những mất mát thiệt thòi. Bà không được hưởng cái hạnh phúc thiêng liêng và giản dị như rất nhiều người. Ba lần lấy chồng, ba lần để tang chồng, không một người con. Người chồng thứ nhất chết ở nhà lao Đế quốc năm 1944. Người thứ hai hi sinh ở Điện Biên Phủ. Và người thứ ba ngã xuống trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

- Kìa, mặt ông sao nhợt xám như thế? Ông có mệt lắm không?

Đáp lại tiếng bà Chí, ông Bằng lắc lắc đầu. Ông cố cưỡng lại hiện trạng. Nhưng rõ ràng ông thấy mình không có cảm giác an toàn, bình ổn và may mắn như mọi lần.

Mắt lờ đờ, ông nhìn bốn bức trúc quân tử treo song song trên tường. Trúc dẫu đốt cháy vẫn ngay thẳng. Trúc mọc trên đá: với một số mùn nghèo nàn, trúc vẫn sống mạnh mẽ. Gió lay, trúc chỉ nghiêng ngả chứ không đổ, không gãy.

Không! Tinh thần của bộ tranh cũng không an ủi được ông. Sự thực là phũ phàng, ông lẩn tránh không được. Vợ con Cừ đã có mặt ở đây, thế nghĩa là mọi sự đã rõ ràng rồi.

- Ông làm sao thế, ông Bằng?

- Không, không sao đâu.

- Thế mà tôi tưởng. A, ông Bằng này. - Người phụ nữ khẽ khàng ngồi xuống cái ghế nệm, thở một hơi dè sẻn. - Ngày mai là ngày giỗ nhà tôi. Anh ấy hi sinh ở nhà lao Quảng Trị năm 1944, dạo đó tôi mới mười tám… Tôi muốn mời ông và các cụ tổ hưu…

Đôi tay khô héo của ông Bằng vội bập lấy thành ghế. Ông cảm thấy hơi bị choáng. Ông cố cưỡng lại. Đầu ông lắc lắc. À ra vậy, những tình cảm sâu xa luôn luôn chỉ hướng cho con người. Bà Chí là vậy. Và ông, bối rối của ông từ lúc Luận báo tin vợ Cừ lên chứng tỏ là mối quan hệ của ông với thằng Cừ, dẫu nó đã lớn và hư, vẫn không hề mất đi.

Ông mở mắt vì nghe thấy tiếng gõ cửa khe khẽ và tiếng bước chân thong thả của bà Chí ra mở cửa.

- Con chào ông ạ, con chào bà ạ. Hai cháu chào ông, chào bà đi.

Phượng như hiện ra ở giữa khuôn cửa, hai tay dắt hai đứa bé. Ông Bằng nhận ra ngay chúng là con Cừ, là cháu ông.

Ông quên phắt bà Chí, dứt cơn hoang mang, bỏ lại tất cả mệt nhọc, như lao ra cửa, đón hai đứa cháu.

*

- Kìa Đông, con trông chữ hai đứa nhỏ nó tô. Cái đuôi chữ y hệt nét chữ các con hồi nhỏ.

Ông Bằng ngồi ở bàn nước với Đông, hất hàm về phía bàn làm việc, ở đó thằng Quân anh và thằng Quân em đang tập làm quen với bút sách.

Hai đứa trẻ được Phượng đưa lên trình diện ông Bằng hôm ấy, nhưng hai hôm sau chúng mới chính thức bước vào học tập. Chúng có vẻ sợ sệt và tâm tính khác hẳn hôm mới đến. Có lẽ là vì sống với những người đàn ông lớn tuổi. Còn ông Bằng thì hào hứng thật sự. Đó là điều bất ngờ với chính ông. Đây không phải là cuộc vật lộn của nghị lực với hoàn cảnh bất như ý như thường khi vẫn xảy ra trong ông. Đây là cảm hứng chứa chan từ trong tâm khảm. Chính là hai đứa trẻ đã nâng đỡ ông già, đem lại sự cân bằng tâm lí cho ông.

- Đúng là không có ai dạy dỗ nên hư lắm. - Ông Bằng nhìn hai đứa trẻ. - Mẹ thì bận công bận việc. Lêu lổng quen thân rồi. Đủ hết các thứ tiếng lóng. Nói tục ghê người. Cơm ăn không mời. Thấy ông là lảng.

Đông uể oải:

- Bố chúng nó thế thì dạy gì!

Câu nói bình thường mà vô tình tàn nhẫn với ông Bằng. Ông lặng đi một lát rồi chép miệng:

- Khổ! Người lớn còn có bao nhiêu chuyện rắc rối thì trẻ con khó mà tránh khỏi hư hỏng. Nhưng mà… còn dạy được. Mà xem ra cũng sáng dạ. Hát có giọng ra dáng.

- Giả ông cái bút chì đây, ứ ừ.

- Của ông chứ! Của ông chứ của mày à!

Hai đứa trẻ bỗng nhảy nhồm lên, kêu thét và díu vào nhau. Ông Bằng đập cạch cái thước vào cạnh bàn, điệu bộ, giọng nói y hệt ông giáo ngày xưa:

- Trật tự nào! Không được xưng ông. - Giọng ông mềm lại. - Bút chì gãy thì đưa ông vót. Có gì phải thưa ông. Nhớ chưa? Nào, có việc gì?

Thằng Quân anh chẳng nói chẳng rằng rút cái bút chì đã gãy đang ngậm ở mồm ra, vứt tạch lên mặt bàn.

- Thôi được, lần này ông tha. Lần sau phải nói: thưa ông, bút chì cháu gãy. Không thì ông phạt quỳ. Nhớ chưa?

Chẳng đứa nào đáp.

Ông Bằng nhặt cái bút chì, mở ngăn kéo, lấy con dao díp.

Ông vót lại chiếc bút chì bị gãy ngòi.

Ông lại vót bút chì, không phải cho các con: Tường, Đông, Luận, Cừ, Cần. Ông vót bút chì cho hai đứa cháu nội. Ông lại cầm tay uốn nét chữ cho mỗi đứa. Lại uốn nắn từng lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành vi cho mỗi đứa. Một đời người, những việc ấy, đã bao lần lặp lại.

Ông Bằng vót bút chì.

Ôi, cái kiểu vót bút chì của ông! Lưỡi dao bén chạy khoanh một nét vòng quanh cái đầu bút. Rồi lưỡi dao dưới sức tì của ngón cái, bấm nhẹ một cái. Mảnh gỗ cong vênh như được hớt nhẹ và cái ngòi chì lộ ra, không quá tày, không quá nhọn, ngậm chum chúm trong lớp gỗ vân vân.

- Kìa, Quân em, ngồi thẳng lên. Thế! Cao đầu lên! Cách vở hai gang tay, nhớ chưa, cháu?

Bước lại chỉnh thế ngồi cho thằng bé, ông Bằng đặt hai tay vào sườn nó, xốc nhẹ người nó lên. Cử chỉ rất quen thuộc ấy gây xôn xao cho chính ông. Phải, bằng lí trí khước từ thằng Cừ, nhưng trong ông vẫn lai láng tình máu mủ ruột rà.

Đông có nhận ra trong động tác vót bút chì và cử chỉ vừa rồi của cha ẩn chứa một nét vẻ quen thuộc sâu xa và xúc động. Nhưng, thoáng qua ấy tan biến ngay. Năm mươi rồi, tiếp nhận cái gì mới là khó. Đông đã cố định, đã qua rèn đúc để ổn định. Đông khó thích nghi với hoàn cảnh mới. Đông không quen với sự phức tạp. Anh lại có tâm lí của người đã được quyền ngơi nghỉ, vô lo, mãn nguyện vì trở về cư trú ở một gia đình đầy đủ về vật chất và nhìn bề ngoài, thật yên ổn về tinh thần.

Đông phản ứng với việc thằng Cừ hư đốn rất rành mạch. Đông thờ ơ với nỗi bất hạnh của vợ con Cừ. Hai biểu hiện tiêu biểu ấy chứng tỏ Đông là con người giản đơn và thụ động. Với Lý, trong ứng xử, thái độ thụ động còn được bổ sung bằng sự nhịn nhường trong quan hệ vợ chồng. Vả chăng, ở cái nhà này, xưa nay Đông chỉ là người hưởng thụ chứ chưa hề phải lo toan một trọng trách nào, từ việc nuôi dạy con cái tới việc lo kiếm miếng ăn sát sạt hàng ngày ở một gia đình. Dù có xuất sắc, Đông

cũng mới chỉ gánh vác cái trách nhiệm nặng nề được xã hội giao phó mà thôi.

Ông Bằng đã đưa hai đứa trẻ vào việc thi vẽ con gà và hứa có thưởng cho cháu nào vẽ đẹp. Ông vẫn mơn man sung sướng trong nguồn mạch yêu thương.

Nhìn Đông cầm cái díp bằng sácgiơ đạn nhổ râu, giọng ông thật sáng tươi:

- Đông này, anh có biết là tháng nào thì em Cần nó về nước?

- Nghe đâu là… tháng bảy, ba ạ.

“Nghe đâu là…”, lời Đông đay lại một lần nữa trong ông Bằng, ông có vẻ khó chịu.

- Ba không hiểu tại sao nó lại bỏ dở việc học sau đại học để về nước, chỉ vì một con bé. Nó đỗ xuất sắc, được chọn ở lại học tiếp cơ mà?

Đông gãi gãi gáy:

- Bây giờ lớp trẻ nó thế đấy, ba ạ. Con cũng không hiểu nó nghĩ thế nào. Đời thì giản dị mà chúng cứ làm rối tinh lên. Được ở lại học thì phải ở lại học chứ sao lại thế được.

Ông Bằng mím môi, ngập ngừng:

- Thế… việc thằng Cừ…

- Con tin chắc là nó đã trốn ra nước ngoài rồi. Thằng này, con nghiệm ra, nó có cái mầm phản bội, ích kỉ từ lâu rồi, ba ạ.

- Con nói nó nặng quá. Ba không tin nó bỏ trốn ra nước ngoài. Ba chắc nó chỉ vì yêu đương mà bỏ đi đâu đó thôi.

- Loại như nó bỏ đi là tất nhiên thôi.

- Ba không tin! Thế thì là phản bội rồi còn gì!

- Thì hẳn là thế. - Đông giật được một cái râu, hơi nhổm lên. - Cho nên, theo con, ba nên có một động tác: làm một cái đơn đưa tới uỷ ban khước từ nó, không chịu trách nhiệm về nó…

Mặt ông Bằng tối sầm lại, ông đưa tay bóp thái dương, cảm thấy mặt cứ nằng nặng dần và ưng ửng nóng dần lên. áp huyết tăng hay sao? Đông làm ông khó chịu. Đông gây xung động đột ngột trong huyết mạch ông? Đông hờ hững lãnh đạm. Cái gì cũng mù mờ, cũng không biết, nhưng lại quyết đoán và cứng nhắc. Đông không lăn xả vào cuộc sống như Luận, cũng không gắng gỏi điều chỉnh cuộc sống như ông. Đông thản nhiên quá hoá ra tàn nhẫn vô tình.

- Ba làm sao thế?

Đông hỏi giọng bình thản. Ông Bằng buông tay, mặt nghiêm như kẻ vận khí công, lấy lại thăng bằng trong cơ thể.

- Nói thế, chứ ai mà dám tuyên bố hết trách nhiệm với ai được, hả Đông! Hôm qua, Luận có nói với ba nhiều chuyện. Ba cho nó ít tiền để mua xe. Khổ, hai vợ chồng không có được cái xe đạp.

- Nó mất xe mà, ba!

- Cái đó ai chả biết. - Ông Bằng xẵng. - Nhưng ba cho nó, nó không nhận. Hai vợ chồng nó lương bổng thế, tiền đâu mà mua xe. Giờ lại cáng đáng cả việc sinh hoạt của ba mẹ con vợ Cừ. Chúng gánh vác sao nổi?

Đông thở một hơi dài, nhẹ nhõm:

- Kể cũng gay đấy. Nhưng, con chắc là lo được, Phượng nó đảm đang, cứng cáp chứ không mềm yếu như trước đây con tưởng đâu, ba ạ.

- Lo được! Cụ thể là lương hai đứa eo hẹp, thu nhập thêm không có. Lại còn phải gửi tiền nuôi con, nuôi mẹ.

- À ừ… kể ra thì cũng gay. - Đông lầm nhầm. - Nhưng bây giờ thì ai mà chẳng có khó khăn…

Ông Bằng ngả lưng vào ghế. Ông có cảm giác Đông nói những lời vô nghĩa. Đông rất khác ông. Ông đã già, nhưng ông vẫn muốn lo toan. Lo toan cho tất cả cho đến chết. Lo cho cả Đông.

- Đông này, sao vợ con đi Sài Gòn công tác lâu thế? Anh nên đến…

Câu nói thể hiện sự lo toan của ông Bằng bị tiếng kẹt cửa làm đứt đoạn. Cửa mở một vệt sáng hẹp. Đứng ở chỗ đó, vợ Cừ vừa từ dưới nhà hớt hải chạy lên, hai mắt nao nao lo sợ:

- Thưa ông, ông có thư ạ.

Cầm lá thư, ông Bằng run cả hai tay. Thư từ nước ngoài gửi về. Nét chữ của Cừ… đuôi chữ y hệt hai đứa trẻ đã tô, hơi phình ra, rất đẹp mắt.