Hà Lệ Phương cố rảo bước đuổi kịp tôi.
- Anh Chương này, nghe nói anh sắp li dị Hương Cửu đấy à?
- Làm sao cô biết?
- Làm sao em không biết? – Cô ta phì cười, làm như đó là một việc vui mừng lắm không bằng - Mọi người đều biết cả rồi! Hôm ấy Hương Cửu chạy qua nhà chúng em khóc lóc, nhờ anh Đen nhà em sang khuyên can anh.
- Đen bảo sao?
- Đen cứ mặc kệ cô ta.
- Thế còn cô?
- Em trông chị ấy thương ghê cơ.
Hà Lệ Phương vẫn gửi đứa con độc nhất ở Bắc Kinh, còn bản thân cô ta thì cả ngày cứ nhởn nhơ phất phơ ở đội, có lúc sáng bảnh mắt ra tóc chưa chải, mặt không rửa cứ thế ngồi lê đôi mách.. Cô ta khoái nhất là việc ăn uống với chuyện nam nữ.
- Tại sao anh lại ly hôn với chị ấy?
Cô ta cứ hỏi dần từng nấc một.
- Việc gì mà tôi cứ phải báo cáo với cô nhỉ, cô có phải là lãnh đạo đâu.
Cô ta cười hì hì:
- Anh không nói thì em cũng biết!
- Biết rồi thì còn hỏi làm gì nữa!
- Dào, đàn bà mà lị - Cô liếc nhìn tôi một cái rất tình tứ - Anh Chương ơi, anh chẳng hiểu phụ nữ chúng em một chút nào cả. Dù cho chị ấy có ngủ với biết bao nhiêu đàn ông đi nữa, lòng chị ấy cũng chỉ yêu có một người mà thôi. Anh có tin không nào?
Tôi cứ phớt lờ cô ta cắm đầu bước.
- Cứ như em đây này – Cô hào hứng chuyển ngay câu chuyện sang bản thân mình – Em nói giấu gì anh, em ngủ với mấy người đàn ông rồi đấy chứ, nhưng lòng em thì chỉ yêu có mỗi mình anh Đen thôi. Anh có tin không nào?
- Tôi tin.
- Thế thì xong rồi còn gì!
Cô cho là vấn đề đã được giải quyết.
- Nhưng tôi không thể hiểu được, cô chỉ yêu có mỗi mình Đen, tại sao cô còn đi ngủ với người khác?
Cô không hề thấy ngượng mồm chút nào, cười lên khanh khách.
- Vậy là anh không hiểu đàn bà chúng em rồi!
- Chịu không hiểu được! – Tôi thừa nhận.
Hôm nay nắng đẹp lạ thường, cứ như trời đầu xuân ấy. Trên dãy núi đằng tây không hề có một đám mây, cũng không có lấy một chút sương mù. Tận nơi xa tít mù tắp kia, vẫn nhìn rõ được từng mõm đá trần trụi trên đó. Bằng giờ năm ngoái, tôi còn chăn cừu ở trên đó, vậy mà hôm nay, lại đang nói chuyện ly hôn trên con đường này. Đã quen với cuộc sống khô cứng mười năm như một ngày, nhịp đổi thay này khiến người ta chóng mặt. Tôi lại cảm thấy một năm qua hệt như một giấc chiêm bao. Phàm mọi việc gì chưa tới cũng lại hệt như chiêm bao…
- Cơ mà, đàn bà như chị ấy thì anh không thể chung sống mãi được.
Hà Lệ Phương tự nhiên lại khuyên tôi như vậy.
- Sao thế?
- Thứ nhất chị ấy không biết đẻ; thứ hai anh không nghe người ta nói đó sao: “ Trai bỏ vợ, càng bỏ càng sợ; gái bỏ chồng, càng bỏ càng lỳ ”. Đàn bà đã bỏ mấy đời chồng rồi thì chẳng có gì yên ổn nữa, không như em. Thứ ba là…..
- Thôi, thôi! – Tôi đứng dừng lại, chau mày vung tay – Thôi cô đi đằng cô đi! Cô đừng có ám người ta nữa!
- Ơ kìa! Cái anh này – Cô vẫn toét miệng cười trơ trẽn – Em phải dạy anh chứ, đàn bà ấy mà…
- Cô có đi không thì bảo? – Tôi bỏ chiếc xẻng trên vai xuống, khuyên cô ta – Đàn bà, tôi còn hiểu hơn cô nhiều!
Cô vẫn không hề lấy làm phiền, cứ trông tôi mà nhe răng cười, rồi ư ử trong miệng bài “ Tặng anh một đoá hoa hồng ”, cứ thế mà bước đi.
Tôi cứ tường mình đi sau cùng, hóa ra sau tôi lại còn bà Mã nữa kia.
Trong cánh tay khòng khòng của bà vẫn có một bó củi khô như thường lệ. Trong dáng đi, biết là bà đang cố theo cho kịp tôi. Tôi đứng lại bên đường chờ bà ta.
- Rõ khổ….!
Còn cách rất xa, bà đã lên tiếng ca cẩm, giọng dài ra du dương như cô đào Kinh kịch. Nhưng trông nét mặt bà, thì lại chẳng thấy qua một nét nào chứng tỏ bà cảm thấy khổ. Khuôn mặt đầy những vết nhăn chi chít vẫn mỉm một nụ cười: bà đầu ngẩng cao, ngực vươn tới, hai bàn chân giẫm lạch bạch liên hồi cứ như lừa cái đá hất hai vó sau. Tôi nhớ lại câu bà thường nói “ Tục ngữ có câu: đàn ông cúi đầu, đàn bà nghển cổ. Tôi khổ là tại cái dáng đi ấy ”. Kỳ thật, câu tục ngữ ấy là nói về tính cách của đàn bà với đàn ông, chứ có liên quan gì đến số phận với dáng đi đâu. Nhưng bà cứ muốn hiểu như vậy, thì cũng đành tuỳ, bà đã tìm được căn nguyên nỗi khổ của mình, cho nên mới cảm thấy trong khổ có vui.
- Cậu Chương này, tại sao cậu cứ nhất định ly hôn với cô Hoàng thế?
Bà ta đuổi theo kịp, cất tiếng hỏi tôi.
- Chuyện ấy thì bà đừng hỏi nữa, ban nãy đã có mấy người hỏi tôi rồi. Lạ thật! Thời buổi bây giờ, mọi người cứ thích rỗi hơi để ý tới những chuyện không đâu của người khác.
- Mọi người ai cũng quan tâm đến cậu đấy – Bà liếc mắt nhìn sang tôi – Tuy cậu có cái mũ ở trên đầu, nhưng chẳng ai để ý tới nó đâu, cứ coi như không có cái mũ ấy….
- Đúng quả có thế, mọi người đối xử với tôi rất tốt – Tôi trả lời bằng giọng nhạt nhẽo – Nhưng mà hễ có phong trào đấu tố mới là lập tức trở mặt, cánh tay vặn sao nổi bắp đùi. Ai cũng lo giữ cái thân mình mà. Bao nhiêu năm nay rồi bà còn chưa rõ hay sao? Mặt người ta cũng như con thỏ kéo xe ấy mà, bảo quay là quay.
- Lại có phong trào mới rồi phải không?
Bà dẩu môi ra, thầm thầm thì thì hỏi tôi với vẻ kín đáo.
- Bà cũng phải nhạy tin lên một chút chứ! – Tôi cười – Đã có phong trào mới rồi, gọi là “ Phản kích làn gió hữu khuynh, lật lại vấn đề ”. Này thế thư kêu oan của bà ra sao rồi, đã có hồi âm chưa?
- Chưa, cũng may mà chưa có! – Bà lại mừng rơn, y như người trúng xổ số - Hồi ấy, cô Hoàng viết chưa xong, nhờ cậu viết thì cậu lại không viết cho. Tôi định nhờ Chu Thụy Thành, nhưng lão ta cứ ậm à ậm ừ, nay khất mai, mai lại khất tới ngày kia. Tôi bực mình, thôi quách! Số phận thế nào thì phải chịu thế ấy vậy!
- Số bà xem ra vẫn còn khá! – Tôi chúc mừng bà – Không thì phen này cầm chắc bà thành ra một điển hình “ lật lại vấn đề ” trong đội rồi.
- Thế còn cậu?
Bà vươn dài cái cổ ra, hỏi.
- Tôi thì còn phải nói? Tôi không viết thư kêu oan thì cũng cứ gọi là “ lật lại vấn đề ”. Trong xã hội, tôi là cái loại ghi sổ rồi.
- Chao ơi! Vừa mới yên yên được một năm – Bà thở dài bảo.
Tôi bật cười thành tiếng bảo bà:
- Ấy, câu ấy bà chớ nói với ai khác nhé, có một câu ngữ lục mới, lại nhắm đúng vào cái câu bà vừa nói đấy. Đâu như là: “ Lấy ba điều chỉ thị làm cương lĩnh, yên ổn đoàn kết không có nghĩ là không còn đấu tranh giai cấp ”. Bà phải cẩn thận một chút.
- Ôi! – Bà lè lưỡi - Thế là thế nào? Vừa phải yên ổn, vừa phải đấu tranh….
- Cái ấy thì bà tự ngẫm nghĩ lấy!
- Trời đất, đã thế thì, cậu Chương ơi tôi bảo này, cậu đừng có mà ly hôn với cô Hoàng nữa! – Bà giơ một ngón tay lên tính toán cho tôi nghe - Nhỡ có điều gì rủi ro, nói đổ xuống sông xuống biển, lại tống cậu vào tù như cái đận năm 70 ấy, thì còn có người đưa liễn cơm, lo manh áo cho cậu chứ!
- Có vợ là để khi ngồi tù có người đưa cơm, cuộc đời này sao mà khó sống vậy!
La Tông Kỳ xui tôi lấy vợ, cốt để viết luận văn; bà Mã khuyên tôi chớ ly hôn để có người thăm tù, đưa cơm. Té ra cái quan niệm gia đình hiện đại là thế này đây! Tôi bất giác mỉm cười cay đắng.
- Ôi! Còn có cách nào được nữa? – Bà Mã cũng cười – Đó chính là cái số! Tôi nói cho cậu biết, cái cô Hoàng ấy số chẳng ra gì đâu….
- Ủa? Sao bà biết?
- Cậu không để ý cô ta sao? - Giọng bà trở nên thần bí – Trên đường nhân trung của cô ta, tức là ở giữa mũi với môi ấy, có một vệt ngang nhỏ mờ mờ….
Ồ! Thế mà tôi không để ý thấy – Tôi cười hì hì – Nào, để tôi xem xem bà có không nhé?
- Cậu lại tếu nữa rồi! – Bà cười gạt đi – Tôi làm gì có. Chỉ lấy có một đời chồng. Phải là đàn bà đã lấy mấy đời chồng thì mới có!
Giọng bà nghe như là ước ao được có một tiêu chuẩn đàn bà cao cấp như vậy.
- Chà chà! – Bà lại than thở - Cậu thật vô lương tâm quá, cô Hoàng với cậu cũng đáng gọi là cặp vợ chồng trong cơn hoạn nạn đó chứ?
- Chúng tôi đâu đáng được coi là vợ chồng trong cơn hoạn nạn? – Tôi cố nặn ra một vẻ mặt tươi cười – Lúc chúng tôi kết hôn, chính là lúc mà bà gọi là tương đối yên ổn đấy chứ. Bà quên rồi sao?
Dẫu sao thì cậu cũng có trái với lương tâm đấy! Cô Hoàng hầu cậu cái ăn, hầu cậu cái mặc, có điều gì không tốt nào? Cậu đã quên mất cái dáng điệu tội nghiệp khốn khổ của cậu ngày trước rồi: tan tầm về muộn một chút, là cắp cái bát xuồng ngồi xổm trước cửa nhà ăn, y hệt thằng ăn mày; còn cái mặc thì phía trước một mảnh, phía sau một mảnh, có khác gì con lạc đà rụng hết lông! Còn bây giờ thì…- Bà nhìn tôi một lượt từ đầu đến chân - Cậu xem, cậu đã gọn gàng tươm tất, nên người nên ngợm rồi!
Chừng như bà lại chạnh nghĩ tới số phận mình, trong ánh mắt toát ra một nét đau buồn chua xót.
Đúng thế, tôi làm sao quên được? – Tôi bâng khuâng như người mất của – Nhưng mà, tôi nói thực với bà: chẳng phải tôi vô lương tâm, cũng chẳng phải tôi làm trái lương tâm, mà là tôi dằn lòng làm như vậy. Vào cái lúc như thế này, tôi không thể dằn lòng như thế!
Cô ngồi một mình ở gian ngoài.
Mấy hôm nay cô không đi làm, không nằm ngủ trên giường thì cũng ngồi thẫn thờ trên chiếc ghế dài. Mọi thứ trong cả hai gian buồng, đã phủ lên một lớp bụi. Cả đến chiếc lọ đựng kem trắng muốt cũng đã mất đi vẻ sáng long lanh, cho nên bước vào phòng sẽ phát hiện ra ngay ánh sáng trong phòng đã ảm đạm đi nhiều lắm, mặc dù tiết trời đã ấm dần lên bên ngoài cửa sổ, và ánh nắng đã bắt đầu tán xạ ra sắc thái của mùa xuân.
Thấy tôi vào, cô trừng mắt nhìn một cách buồn bã và oán hờn, cặp môi khẽ mấp máy hồi lâu, nhưng không nói một câu nào. Cô chỉ ngồi như vậy; cô chỉ ngồi đấy…..Những ngày này, cô tiều tụy đi trông thấy, cũng giống như mọi vật trong nhà này u tối ảm đạm. Tôi đưa mắt quan sát cô kỹ càng, nhưng không hề phát hiện ra có một vệt ngang nào ở khoảng giữa mũi và môi cô, mà chỉ thấy trên vầng trán cô đã có thêm một nét nhăn đứt quãng, như một chuỗi dấu chấm lửng tỏ ý kể sao cho hết.
Tôi cố hết sức nén nỗi xúc động nôn nao toan đến vỗ về an ủi cô. Đã rắp tâm sẵn sàng hiến dâng cả tấm thân mình, thì hà tất còn để lại cho cô một quả đắng nhớ nhung. Tôi cởi áo bông ra. Rửa mặt xong, tôi xắn tay áo lên, cố làm ra vẻ bận rộn, cầm lấy chiếc chậu rửa mặt bỏ không trên bàn thớt, mở cái bao đựng mì sợi ra. Lúc này cô mới lên tiếng:
- Anh không phải nấu nướng gì nữa đâu! Cơm em đã nấu cho anh rồi, để bên bệ lò ấy, chắc còn nóng đấy - Ngừng một lát cô nói tiếp – Anh yên tâm. Tâm địa của em có tồi tệ đến mấy, cũng chẳng đến nỗi bỏ thuốc độc vào cơm cho anh đâu.
Trên nồi cơm trắng tinh đầy ắp là một đĩa trứng rán. Mùa đông chẳng có thịt cá gì, trứng vịt trứng gà của nhà đẻ ra là thức ăn ngon nhất của công nhân nông trường rồi. Rán được đĩa trứng thế này thì ít ra cũng mất nửa lạng mỡ đây, tôi nghĩ bụng. Bên cạnh đĩa trứng rán, còn có một đĩa dưa chua đã xào lên, thái rất nhỏ, trên những sợi rau xanh sẫm có rắc mấy lát ớt tươi đỏ mọng. Đỏ, xanh, vàng, ba thứ màu cơ bản ấy hợp thành một sắc thái u uất đau buồn, khiến người ta xót xa. Ngày chúng tôi cưới nhau, bà Mã đã khen cô: “Đàn bà khéo tay, muối dưa ngon đáo để! ”, rồi hôm nay cũng chính bà nói cô “ có số khổ ”, có lẽ đúng là đàn bà khéo tay cũng như người trí thức đều là những người có “ số khổ ” cả chăng?
Tôi ngồi ăn sao mà khó nuốt quá. Đầu đũa cứ chọc từng hạt cơm một. Bỗng nhiên tôi hiểu rõ: mấy ngày nay, bữa nào cô cũng thổi cơm cho tôi, mặc dù chúng tôi chỉ được phát có tí tẹo gạo, có lẽ là cô có ý chiếu cố cái tì vị người miền nam của tôi chăng? Mặc dù tôi đã cải tạo hết cái thói quen của người miền nam từ lâu rồi. Tôi bất giác ngước mắt lên. Cô vẫn ngồi cạnh chiếc bàn ăn, quay lưng lại tôi, cái lưng hơi còng còng, hai bàn tay chồng lên nhau trên đầu gối, trông như một pho tượng của Mi-ken-ăng-gê-lô vậy. Ánh nắng đầu xuân từ ngoài cửa sổ rọi vào, vẽ thành một vòng sáng dìu dịu như cái quầng trăng xung quanh cô. Lúc đó, tôi chợt nghe trong tim mình vẳng lên một giọng nói rành rọt: “ Mày nhớ lấy nhé! Mày nhớ lấy nhé! Sau này rồi mày sẽ nhiều phen nhớ lại khung cảnh này, mày sẽ phải hồi tưởng lại mọi thứ này đây với một nỗi lòng đau khổ và buồn thương. Mày nhớ lấy nhé! Mày hãy ghi kỹ vào lòng tất cả mọi thứ này đi! ”….
Tối đến chúng tôi đi ngủ, không nói với nhau câu nào. Sau khi giật công tắc đèn, cô bỗng buông một tiếng thở dài rồi nói:
- Cái nhà sắp tan rồi, tôi biết mà. Hôm nay, lũ vịt và con mèo nhà mình đều không thấy đâu nữa cả. Anh đừng tưởng, những sinh linh nhỏ bé thường nuôi trong nhà ấy, chúng nó khôn đáo để đấy! Nhà sắp tan, người trong nhà sắp ngộ nạn, chúng nó còn biết trước cả người cơ, chúng nó đều chạy trước cả người rồi đấy!
Không hiểu vì sao, tôi có cảm giác là tiếng nói của cô đã phải xuyên qua bóng tối rất dày đặc mới truyền tới tai tôi. Giọng nói đấy đã bị bóng đêm lọc hết mọi sắc thái tình cảm, trở nên bình tĩnh, khô khan và yếu ớt lạ. Nếu người chết mà nói được thì tiếng nói chắc cũng giống như thế. Tôi lạnh cả người đi. Thì ra trong hai gian nhà này đã có một sức mạnh thần bí siêu nhiên nào luồn vào, bí mật vén bức màn thời gian lên, phơi bày cho chúng tôi nhìn thấy trước viễn cảnh tương lai. Nằm trong ổ chăn, tôi nín hơi nhịn thở chờ đợi cô nói tiếp, nhưng cô không nói gì thêm.
Một lúc rất lâu, tôi cố lấy hết can đảm hỏi:
- Cả mèo và vịt đều không thấy nữa ư?
Cô không trả lời.
- Ngày hôm nay à?.
Cô vẫn không trả lời.
- Lạ nhỉ?
Cô vẫn không lên tiếng.
Tôi thấy sờ sợ. Nhưng tôi vẫn nghe thấy được nhịp thở rất khẽ, mong manh như sợi tơ nhện trước gió của cô, hơi thở ấy đang phập phồng thoi thóp trong cái nhà sắp tan này. Một lát sau nhịp thở lúc mạnh lúc yếu, nhịp nhàng liên tục, mong manh trước gió như tơ nhện ấy, dần dần cuộn tròn như một con rắn khoanh lại thành một vòng sáng xanh lè, tròn vành vạnh, thoạt trông rất giống với nguyệt thực toàn phần, nhưng định thần nhìn kỹ lại thì là một họng súng đen ngòm, một họng súng khủng khiếp, một họng súng khổng lồ trùm lên trời đất. Chính giữa vòng sáng ấy là một khoảng bóng đen sâu hun hút không biết đâu là đáy, trên đầu là một viên đạn, đang nhắm thẳng vào tôi. Tôi vô cùng kinh hoảng, vùng vẫy quẫy cựa toan chạy trốn. Trong cơn quẫy cựa vùng vẫy ấy tôi đã hoá thành con mèo mun – con mèo mun đã mất hút hôm nay ấy - chồm lên nhảy xuống hết bệ lò, bàn thớt lại đến bàn ăn.
Nhưng họng súng kia vẫn chĩa vào tôi. Thế là tôi lại biến thành những con vịt - những con vịt đã biến mất của chúng tôi – co đầu rụt cổ lại trong chuồng vịt, nhưng họng súng lại bịt đúng cửa chuồng, nhắm đúng vào cái xó tôi đang nấp. Hay là hoá thành con chuột vậy! Tôi vừa chợt nghĩ thế thì đã biến luôn thành con chuột. Nhưng vừa toan chui vào hang, thì từ trong hang đã ùa ra vô số những thằng người tí hon to vừa bằng hạt đậu vàng, tay cầm những lá cờ nhỏ xíu, giương những băng khẩu hiệu nhỏ li ti, ra khỏi hang là chạy lung tung bốn phía loạn xạ lên, như vô số những viên đạn bắn ra tua tủa. Chúng lại la hét ấm ĩ, cố hé to hết cỡ những cái miệng tí xíu đến nực cười, dường như vô cùng phẫn nộ. Tôi nghe không hiểu chúng la hét những gì, chỉ thấy lòng tôi thầm nhủ rằng chúng là những con người vừa mới hoá kiếp từ loài chuột sang, chúng vẫn nói bằng ngôn ngữ chuột.
Trước con chuột khổng lồ là tôi, chúng vẫn coi như không nhìn thấy, chúng giận dữ kéo nhau từng bầy chạy qua trước mặt tôi, loáng cái đã chạy biến đi hết, cuối cùng chỉ còn lại một thằng người tí hon ngã lăn đùng ra đất, ngửa mặt lên trời, bốn chân quẫy đạp lung tung.
Tôi ghé mắt nhìn sát tận nơi thì mới phát hiện ra chẳng phải thằng người tí hon nào, hoá ra là đứa hài nhi bị vứt bỏ mà tôi bắt gặp, đã nhìn thấy trên đường đi Tân Cương năm 1960. Đứa hài nhi bị vứt bỏ ấy, da mặt nhăn nheo, như một ông già, nhưng lại không có râu, nó vừa khóc vừa gào lên: “ Tôi là mụ goá! Tôi là mụ goá!…. ”
Chẳng hiểu vì sao, đứa hài nhi ấy lại bị dòng nước mắt của chính nó chảy ra ăn mòn. Bị ăn mòn trước hết lẽ tất nhiên là đôi mắt nó, rồi đến cả khuôn mặt nó, thế là cái mặt của nó biến thành vô cùng gớm ghiếc rùng rợn. Cuối cùng cả người nó biến thành một vũng nước. Tôi cảm thấy dâm dấp ướt, tôi cảm thấy lạnh lẽo, cảm thấy có một bãi nước gì nhầy nhụa dính bết lấy chân tôi. Tôi cúi đầu nhìn xuống: nào phải thứ nước gì đâu, chính là một vũng máu tươi tràn trề lênh láng. Vũng máu ấy chẳng khác nào đầm ao mà bờ đất bị vỡ nát, đang bốc lên một mùi tanh thối lợm mửa. Tôi định vùng chạy ra khỏi vũng máu đã thành ao ấy, nhưng vừa ngẩng đầu lên, lại đã thấy cái họng súng xanh lè kia.
Nó vẫn chĩa vào tôi, nó từ đầu đến cuối luôn luôn chĩa vào tôi….Tôi đành liều lĩnh bước về phía nó, lòng mang nặng nỗi bi ai, chứa đầy tình cảm dữ dội. Tôi đi tới nó mỗi lúc một gần, nó thì lại mỗi lúc một nhỏ đi. Họng súng thép xanh lè ấy bỗng nhiên mềm nhũn đi, buông thõng xuống, dần dần thành ra một cái thòng lọng treo cổ có hình thù một giọt nước mắt, một sợi dây treo cổ trơn bóng đáng yêu. Cùng lúc đó, một tiếng nói rất to rất vang, bảo tôi:
- Đây là chốn yên nghĩ của nhà ngươi! Đây là chốn nhà ngươi yên nghỉ!
Tôi giật mình bừng tỉnh, tiếng thét kia dường như hãy còn dư âm chưa dứt: “Đây là chốn yên nghỉ của nhà ngươi! Đây là chốn nhà ngươi yên nghỉ!…. ”. Trước mắt cái thòng lọng kia vẫn treo y nguyên trong bóng đêm. Cái miệng vỏ chăn tì đúng vào cổ tôi, cho tôi cái cảm giác đang thắt cổ. Tôi kéo đầu chăn xuống phía dưới, vẫn nằm yên không nhúc nhích, để cho cơn ác mộng khủng khiếp ấy tự tiêu tan dần.
Lúc này, tôi lại nghe nhịp thở khe khẽ, mong manh như tơ nhện trước gió của cô, nhịp thở ấy lan toả mãi vào trong đêm. Tôi bỗng cảm thấy hơi thở cô sao mà thân thiết, sao mà êm tai, sao mà quặn lòng da diết. Ôi! Anh muốn hít lên làn hơi em thở ra đó vào thật sâu trong hai lá phổi của anh, để anh mang nó đến chân trời góc biển, để nó lắng vào hồn anh, cho mãi tới khi anh lao xuống nơi an nghỉ mà số mệnh đã dành cho anh, cho mãi tới khi anh sẽ hoá thành tro bụi….