Tôi không nhớ đã gặp được một người Ấn nào mà không phải là một đầy tớ, một phu khuân vác, một Wallah [1] của kẻ này hay kẻ khác, tổ chức này hay tổ chức khác, hồi đó người Ấn chỉ được coi là những vật hữu dụng, và những “Wallah có học thức” chỉ là những kẻ bạo phát, những kẻ khùng khùng đáng nhốt khám. Không một người Ấn nào ở trong một dinh thự: dinh thự để dành cho người Anh hoặc những nhà ngoại giao như chúng tôi.
Ông bà đại sứ Trung Hoa ở Calcutta, và sau này, ông bà đại sứ ở Bombay đều ân cần săn sóc chúng tôi, âu yếm tặng chúng tôi không biết bao nhiêu quà, bao nhiêu nụ cười, lúc nào cũng lễ độ, nhã nhặn, không biết mệt. Các vị ấy dắt chúng tôi đi mua đồ, khoản đãi chúng tôi, tìm cách cho chúng tôi tiêu khiển. Tôi cần nhất những quần áo mùa hè cho Yungmei vì khi tàu qua xích đạo, trời sẽ nóng lắm mà nó chỉ có mấy bộ áo lạnh thôi. Để bớt tốn, tôi bận lại y phục sinh viên (áo sơ mi, quần dài, quần cụt) hy vọng rằng qua Anh cần thứ gì sẽ sắm, vì vậy tôi chỉ mua những thứ cần thiết trong khi vượt biển thôi. Tôi mua một chuỗi san hô nhỏ xíu cho Yungmei và hai viên đá mắt mèo mầu sữa để làm hoa tai, như vậy theo tôi, có đồ trang sức hợp với địa vị mới của tôi rồi. Yungmei hóa rất khó tính, điều đó dễ hiểu: đời sống của nó lộn xộn quá, nó ngỡ ngàng, mệt mỏi, ăn không được, tôi không biết nó thích món gì nên tôi thử đủ các món, tôi thấy nó đăm đăm ngó tôi, trách tôi bắt nó ăn chuối và uống sữa. Rồi tôi thấy rằng nó có sán đủa…
Thứ sán đủa đó, ngay bây giờ cũng vậy, ở Châu Á nhiều người bị lắm. Ở Tứ Xuyên có tới 90% người bị vì nông dân dùng phân người để trồng lúa, và nhất là vì người ta hay ăn dưa muối. Tôi lại tiệm thuốc mua thuốc sán cho nó, kết quả thần hiệu. Nhờ vậy sức khỏe của nó khá lên, nhưng tôi vẫn không để nó chơi một mình được, hễ tôi rời nó một lát, dù là đi tắm nó cũng gào lên không ngớt.
Tôi thử mướn một chị Ayah để giữ nó, khách sạn kiếm cho tôi một người đàn bà đứng tuổi, gầy trơ xương, hai trái tai vì đeo những chiếc khuyên đồng nặng quá nên chảy dài xuống tới nỗi chỉ còn như những sợi dây. Chị vừa ru Yungmei vừa cho nó nhún nhảy trên đùi chị. Yungmei gào lên, gào hoài. Một giờ sau tôi phải trả công cho chị ấy nghỉ. Tôi đành phải đi đâu cũng bồng nó theo, nó chỉ chịu có tôi thôi. Thế là nó thắng tôi và từ đó nó mới chịu ăn.
Buổi chiều tôi thường dắt Yungmei lại Maidan, một khoảng đất rộng trống ở Calcutta để dạo mát và hưởng cảnh êm đềm của mùa đông đẹp năm đó, cũng ấm áp như mùa xuân ở Thành Đô. Tôi thấy những nhóm người Ấn bận áo trắng thơ thẩn kẻ trước người sau thành từng hàng xa xa, không lại gần được. Chung quanh tôi, có rất ít dấu vết của mỹ thuật Ấn, vì sự đô hộ chiếm hữu của “giống người cao quý”, của bọn cầm quyền đã đâm rễ sâu quá rồi. Xe điện chạy qua, ồn ào tiếng chuông leng keng và tiếng bánh xe rít rít, tôi nhìn vẻ bẩn thỉu, bần tiện biếng nhác của đám đông mà không sao hiểu nổi, tôi nhìn bọn người Anh đi trên đại lộ Chandni Chauk, họ như lạc lỏng ở đâu, nhìn những con bò thơ thẩn vừa nhơi, vừa ỉa, nhìn từng bầy hành khất thân thể bị hủy hoại, vừa rên rỉ, vừa kiên nhẫn chìa tay ra, và luôn luôn bị cảnh sát đi “ghết” trắng, cầm dùi cui đen đánh đuổi vào tận các hang cùng ngõ hẻm quanh co, tối tăm và hôi hám. Tôi ngửi những mùi mà hồi đó tới thấy khó chịu, bây giờ tôi đã quen và yêu rồi. Tất cả những cái đó đối với tôi đều lạ cả, duy có cảnh nghèo khổ của họ là còn có liên lạc với Trung Hoa.
Hồi đó tôi biết nhiều về Châu Âu hơn là về Ấn Độ. Do sự hướng dẫn của các chính quyền thực dân và cũng do nền giáo dục theo Âu, một số đông người Á sống cách biệt nhau, không hiểu biết về các nước láng giềng, về đời sống tại các nước đó, mà lại hiểu các cường quốc Âu Tây đè đầu cưỡi cổ mình. Bị giam hãm trong những thành kiến mù quáng đó, tôi không liên lạc với các phong trào vận động làm lay chuyển Châu Á, không thấy sự bất bình vĩ đại nó sôi sùng sục dưới cái bề ngoài thản nhiên, an phận chịu cảnh khốn cùng phi nhân, tàn nhẫn đó, không thấy những cuộc cách mạng đã nẩy mầm ở Châu Á.
Trên các đường phố chính và tại các ga xe lửa người ta viết, dán những chữ V có nghĩa là chiến thắng [2], sơn hay in bằng màu nâu sẫm trên những bức tường quét vôi trắng, y như một lá bùa vậy. Nhưng trong một đường hẻm hẻo lánh ở Calcutta, ngay sau khách sạn, tại nơi mà các người Hồi bán rong món vú bò quay (tôi ăn món đó mà mãi đến năm 1957 mới biết nó là món gì), tôi thấy bôi nghuệch ngoạc trên tường hàng chữ. “Subhas-Chandra-Bose muôn năm”. Mà Chandra-Bose lúc đó cầm đầu một đạo quân Ấn giải phóng quốc gia, được Nhật ủng hộ. Một hàng chữ “Quốc hội muôn năm” đã bị bôi xóa nhưng còn đọc được. Quốc hội đó là một Quốc hội hoạt động bí mật. Gandhi đương bị nhốt khám với Nehru và nhiều “bọn đầu óc khùng khùng” nữa.
Các nhật báo Anh ở Calcutta như tờ The Stateman, tờ Hindoustan Star đăng tin các cuộc giao chiến ở Châu Âu, tin mặt trận Nga, mặt trận Phi châu và Rommel. Ở trang cuối có thuật bài diễn văn của một Babou Ấn viết thành ba đoạn hô hào trung thành với “Mẫu quốc” bảo rằng “chính nghĩa của đồng minh là chính nghĩa của chúng ta”, và Ấn phải gánh vác nhiều hơn nữa trong sự “gắng sức chiến đấu”. Ở cuối cột đó, có một hàng đăng tin dân chúng đói khổ mà chính quyền dự tính cứu tế. Mục “Sổ tay” có thuật một buổi khiêu vũ từ thiện nhân ngày nguyên đán đã “thành công mỹ mãn”, thu được gần 3.000 rubi (tiền Ấn) để chẩn bần…
Các nhà ngoại giao Trung Hoa ở Bombay rất khinh người Ấn. “Tụi Ấn có tinh thần nô lệ”. Họ kể chuyện rằng tụi Anh đàn áp dữ dội các cuộc nổi loạn: khám đường nào cũng chật trích, phải xây cất thêm. Vợ các nhà ngoại giao chê người Ấn là dơ dáy, không có khả năng và có thói ăn cắp. Họ không thấy ở Trung Hoa cũng vậy ư? Dân Trung Hoa cũng gần như nô lệ, họ không thấy ư? Mà cảnh khốn cùng của Ấn Độ phơi ra dưới ánh mặt trời có khác gì cảnh khốn cùng của chúng tôi ở Trùng Khánh?
Mà chúng tôi không thấy… không một người nào trong đám chúng tôi đoán trước được rằng một ngày kia Ấn Độ có thể thay đổi, vì chúng tôi quá tin rằng người Ấn chịu an phận, không nuôi chút hy vọng gì cả. Vậy mà đã có những cuộc nổi loạn, một nạn chết đói lớn lao ghê gớm đã bắt đầu phát ở Bengale, sắp làm cho hai triệu người chết vì bọn cầm quyền Anh đã trưng thu lúa gạo, bất chấp nỗi đau khổ của người Ấn…
Và cái tên Subhas Chandra Bose đã bị bôi xóa, chỉ còn lờ mờ kia đối với Ấn Độ có một ý nghĩa thâm thúy, lâu bền hơn những chữ V có nghĩa là chiến thắng do một bàn tay ngoan ngoãn viết lên lớp vôi trắng tinh mới quét lên trường các ga xe lửa.
Hồi đó tôi không gặp một người nào tin ở Gandhi vì những người tôi gặp không phải là người Ấn mà là những nhà ngoại giao Trung Hoa, và một bà Mỹ ở Bombay, một nhà nữ truyền giáo rất tận tâm nhưng lại cho rằng phải “kích thích” người Ấn để bắt họ phải chiến đấu để tự cứu. Trong mấy tuần ở Ấn Độ, tôi chỉ nói chuyện với mỗi một người Ấn Độ (không phải là hạng tôi tớ). Còn người Anh thì nhìn chúng tôi một cách soi bói như thấu suốt chúng tôi, họ như những vị thần, nam và nữ, tự tín, ung dung lại dự các buổi khiêu vũ đầu mùa ở câu lạc bộ Gymkana, ngay tiếng cười tự tín, và vui vẻ của họ cũng có giọng hách dịch.
Trên công trường Maiden, một người Bengali nhẹ nhẹ, thận trọng bước nghiêng nghiêng lại gần Yungmei và tôi, một đám chim bay chung quanh như một vừng hào quang: quạ mập, lông đen nhánh, nhiều vô kể đáp xuống thành phố. Yungmei lăng xăng trong đám quạ đó vừa chìa tay ra vừa nói “vịt, vịt” bằng tiếng Trung Hoa, một con kẹp ngón tay của nó trong mỏ. Ông già Bengali đó rất kính cẩn chào tôi, và chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện một hồi lâu về loài quạ: “Thưa bà, chúng tôi tin rằng những con quạ đó là những linh hồn, rằng sinh mạng nào cũng linh thiêng”. Vòm trời Ấn Độ lúc hoàng hôn đẹp lạ lùng, đỏ thắm và ánh tà dương làm cho bụi trong không khí rực rỡ, ông lão Bengali âm thầm bất mãn vì tôi để Yungmei chạy theo các con quạ. Ông cũng nói với tôi về Ấn Độ “xứ của các thần linh”, “Ấn Độ, bà mẹ của chúng tôi”, câu chuyện của chúng tôi không có chủ đích, lỏng lẻo, thoáng qua, không có “diện mục”, chỉ có giọng đều đều như tụng kinh, và thứ tiếng Anh kiểu sức lễ độ của ông khiến tôi lẳng tai nghe mà nhớ được.
Buổi tối hôm đó khi bà đại sứ Trung Hoa bất bình và thận trọng khuyên tôi không nên nói chuyện với những ngươi Ấn ngẫu nhiên gặp ở công trường Maiden, vì “tụi nó chỉ muốn xin tiền bà thôi hoặc coi chỉ tay cho bà, có thể hành hung bà nữa”, tôi mới lại nhớ ông già Bengali đó và phục lòng nhân từ của ông. Và tôi biết rằng ông ta còn muốn nói nhiều nữa, rán diễn cho hết ý nghĩa những thứ tiếng Anh cứng ngắt của ông chỉ gồm những thành ngữ cầu kỳ do người Anh tạo ra cho xứ ông dùng, và dùng thứ ngôn ngữ của kẻ khác đó, ông không diễn được điều ông muốn nói, tâm hồn ông như mất bản thể đi.
Và cảnh đêm mênh mông của Ẩn Độ, vui vẻ mà ai oán uy nghi bước từng bước một, với mùi cát bụi đóng trên các cành cây chằng chịt với nhau đầy cứt dơi. Đêm Ấn Độ đó không vô được khách sạn kỳ cục với những đèn treo này, với những phòng mênh mông đầy ngươi Anh, nam và nữ đương khiêu vũ theo tiếng nhạc của một dàn nhạc tấu khúc : Tôi là bóng của tôi, và vũ khúc Chim sơn ca.
Ở Bombay, tại khách sạn Taj Mahal (cột đá hoa, bồi bận đồng phục đỏ đậm và trắng) tôi gặp cô S, thiếu nữ đẹp đẽ đã bị người ta nói xấu ở Trùng Khánh.
Người ta bảo cô bị chứng thương hàn, không ra khỏi giường và đợi cùng đi chuyến tàu với tôi. Cô qua Gia Nã Đại. Bà đại sứ lại săn sóc cô, đem trái cây và cháo gà nấu ở nhà lại cho cô. Tôi thấy cô dịu dàng và buồn rầu. Một buổi chiều cô ra khỏi giường cùng với tôi lại các tiệm tạp hóa mua vặt. Cô giỏi lựa món hàng và trả giá… Tôi rất phục đức bình tĩnh của cô: mặc dầu, theo Pao đời cô thế là hỏng rồi, mà tôi thấy có rất ít đau khổ vì vụ đó, không khi nào nhắc tới nỗi ô nhục cô đã phải chịu. Chỉ có mỗi một lần, mấy tuần sau, ở dưới tàu, là cô tỏ ra yếu đuối. Lần đó tôi mới thấy rằng cô không bị thương hàn, mà bị chứng thần kinh suy nhược, cô sáng suốt nằm ở giường để dưỡng bệnh. Trong suốt thời gian vượt biển, cô chỉ ra khỏi giường những khi đi cầu, tắm rửa.
Tôi lại càng tin hơn bao giờ hết rằng chẳng có chuyện gì cả và chỉ vì Tai Lee căm thù Quo Tai-shi mà cô thành nạn nhân. Chắc chắn là cô không có tham vọng, không mưu mô quỷ quyệt, cô lịch thiệp mà tôi thì không, cô bình tĩnh, quân bình, tôi thì nóng nảy hoặc nhút nhát, cô ăn bận lịch sự và thực tế, tôi thì bận những chiếc áo ngắn loè loẹt quá, đi những đôi giày rộng quá hay hẹp quá. Khi tàu tới bến tôi cảm thấy kém cô xa. Chúng tôi cùng xuống tàu, cùng ở chung một phòng hạng nhất trong bảy tuần.
Sau buổi sáng ngày mùng bảy tháng chạp đó, buổi sáng mà 360 phi cơ Nhật cất cánh từ 6 hàng không mẫu hạm để hủy diệt hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng, nhiều biến cố dồn dập xảy ra. Ngày mười sáu tháng chạp, Nhật đổ bộ ở Bornéo. Vài ngày sau họ qua Xiêm và Miến Điện. Ngày mùng bảy tháng giêng, Kuala Lumpur kinh đô Mã Lai thất thủ. Trước ngày hai mươi lăm tháng giêng Nhật đã chiếm xong Mã Lai, Singapour “thành trì không thể chiếm được” lọt vào tay Nhật ngày mười lăm tháng hai.
Tháng ba năm 1942 tất cả quần đảo Nam Dương, sau thành Indonésia, cũng về Nhật. Mac Arthur với 95.000 quân bị bao vây trên bán đảo Butan, nhốt trong những hầm vĩ đại đào dưới đảo Corregidor. Có tin đồn rằng Nhật sẽ bất thần tấn công Ấn Độ, thành thử dân chúng ở các thị trấn Madras và Bombay bắt đầu tản cư. Người ta bảo tiềm thủy đỉnh Nhật đi lùng Ấn Độ dương.
Chiếc tàu Tjiluwah của chúng tôi khởi hành từ Bombay đầu tháng hai đầy nhóc hành khách: nhà truyền giáo và kinh doanh người Mỹ rời Phi Luật Tân, người ở Hương Cảng và Thượng Hải tị nạn chiến tranh, người Hòa Lan ở quần đảo Nam Dương. Huân tước Victor Sassoon trong giòng họ Sassoon [3] ở Thượng Hải, là một người tị nạn chiến tranh có danh vọng, có một tài sản vĩ đại rất được kính nể. Ông ta khập khễnh bước xuống tàu đeo chiếc kính một mắt với vẻ ngạo mạn của bọn thực dân Thượng Hải mà bây giờ chúng ta cho là một trò làm điệu, làm bộ tức cười.
Cửa quày khép kín, tối tắt hẳn đèn, tàu đi ngoằn ngoèo chữ chi, cọt kẹt, cọt kẹt. Trong tàu ngạt thở. Các hành khách Mỹ tranh luận nhau bất tuyệt về vụ Trân Châu Cảng, kẻ đưa bằng cớ, lý do này nọ, kẻ phản đối, họ như trao đổi trái banh với nhau. Người Anh không nói gì về chiến tranh, lặng lẽ đọc tin tức hàng ngày trên báo. Một bà Mỹ thấy vậy, mỉa họ: “Họ làm bộ phớt tỉnh như không có gì xảy ra… họ nói chuyện về mưa nắng, đánh bài bridge, khôi hài rất đúng điệu tạp chí Punch, nhưng thế giới đã thay đổi hẳn, không như trước nữa đâu”[4]. Các phòng đều chật cứng, nước phải hạn chế, có mấy chục trẻ em, vì gia đình truyền giáo nào ít nhất cũng có 3 đứa con, và người ta có cảm tưởng rằng đứa nào cũng dưới bảy tuổi.
Khi tàu vô Đại Tây dương, chúng tôi không sợ tiềm thủy đỉnh Nhật nữa, nhưng lại sợ tiềm thủy đỉnh Đức và tàu còn phải chạy ngoằn ngoèo hơn nữa. Tôi nhìn những góc nhọn nối tiếp nhau trên mặt biển do đường tàu rẽ nước. Nóng quá, Yungmei nổi đầy mụn. Nước lại bị hạn chế nữa, không đủ để tắm rửa…
Chúng tôi mắc phải cái tật đặc biệt khi đi tàu biển, coi tàu là tiểu vũ trụ của mình, không để ý tới gì khác, mà bất cứ việc gì xảy ra trong tàu, chỉ trong tàu thôi, dù tầm thường tới đâu cũng thành một biến cố quan trọng. Người ta tổ chức một đoàn hát tài tử: một giáo sư Mỹ và tôi cùng đóng trò trong một kịch rất tồi không tập kỹ, nhưng cũng được mọi ngươi nhã nhặn vỗ tay khen. Victor Sassoon điệu bộ long trọng như một ông vua, bước vô ngồi vào chiếc ghế bành lớn dành cho ông ta ở giữa hàng đầu, rồi khoảng hai chục phút sau lại long trọng bước ra. Có ba bốn gia đình tan rã, và cũng có bấy nhiêu cuộc tình duyên bất chính, có thực hay do cái thế giới nhỏ giữa biển đó tưởng tượng ra, cái thế giới mà một cuộc gây lộn vì một chiếc ghế dài để nằm cũng biến thành một khúc anh hùng ca.
Tôi gặp một ký giả trẻ tuổi, trò chuyện với ông ta, ông ta diễn thuyết một hồi về sự qua phần Ấn Độ (sau này sẽ thực hiện), ông rất ngưỡng mộ vị thủ lãnh Hồi, Jinnah và ghét Nehru, nhưng ông cũng ghét người Anh nữa, cho rằng nên để cho Anh mất hết đế quốc và Mỹ thay họ đế tỏ cho thế giới biết dưới sự cai trị của Mỹ, Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ phát triển ra sao. Ông ta hoàn toàn tán thành chính sách đặt tất cả những xứ đó dưới sự ủy trị của Mỹ và đề nghị chia cho Trung Hoa một phần Đông Pháp (miền Bắc Việt Nam) và đặt phần đó dưới sự “kiểm soát của các chuyên viên Mỹ”. Tôi tiếc rằng không chú ý nghe ông ta một phần lớn những điều ông nói là chuyện nghiêm trang, lúc đó đương được hăng hái bàn cải ở Washington.
Khi tàu tới mũi Hảo Vọng, chúng tôi ghé lại hai buổi trong một khách sạn, và được niềm nở tiếp đãi mặc dầu chúng tôi là người da vàng. Khách sạn đó là một khách sạn đặc biệt cất trên bờ biển dành riêng cho các nhà ngoại giao không phải là da trắng. Mặt trời và không khí mát mẻ làm cho chúng tôi tỉnh lại và chúng tôi được tắm rửa thỏa thích.
Vô Đại Tây dương, mênh mông bất tận, chỉ có tiếng nói của biển… tôi nói với viên y sĩ dưới tàu rằng tôi sẽ tiếp tục học y khoa, ông ta cười bảo rằng không thể được, tôi sẽ phải học lại từ đầu. Ái tình và thù oán, giai cấp đấu tranh, giữa hành khách hạng nhất và hạng nhì… bản thông tin hàng ngày được trình cho ông Victor Sassoon, ông ta đeo chiếc kính một mắt lên để đọc một cách ngạo mạn, rồi quả quyết rằng: “Sang năm chúng ta sẽ trở lại Thượng Hải”.
Cô S. và tôi tránh được tất cả những cái đó, vì cô suốt cuộc hành trình nằm ở giường (trừ một buổi tối, cô xuống phòng ăn nhưng mới nuốt được một muỗng súp rồi phải bỏ), còn tôi thì vì mỗi khi ra khỏi phòng là Yungmei nhóm dậy đứng lên chiếc giường nhỏ của nó mà hét. Lần lần tôi đọc hết sách trong tủ sách ở dưới tàu, mỗi ngày một cuốn… Tới bữa tôi dắt Yungmei xuống ăn cùng với các trẻ con, vài bà truyền giáo (họ thay phiên nhau coi cho trẻ ăn) và hai chị Ayah Trung Hoa mà hai gia đình Mỹ dắt theo để giữ con cho họ…
Tàu ghé Kingston ở đảo Jamaique và chúng tôi được hai gia đình Trung Hoa tại đó, gia đình Lim và gia đình Tai mời lên chơi.
Kiều dân Trung Hoa ở đây sống phong lưu, họ đem xe hơi lại rước chúng tôi lên nhà của họ ở trên đồi để chúng tôi được ngắm cảnh đẹp cửa bờ biển, ngắm cây Jacaranda [5] trổ bông trong không khí ấm áp, êm dịu như nhung trong các vườn ban đêm. Như mọi người Trung Hoa hải ngoại khác họ rất ái quốc, hỏi thăm rất nhiều về Trung Hoa. Một vài người lai da đen lại càng thêm vẻ khỏe đẹp. Họ gởi tiền cho con trai, con gái về tổ quốc và mặc dầu một số không nói được tiếng Trung Hoa, nhưng lòng họ đều hướng về quê hương
Tàu ghé Miami rồi sau cùng tới New York trong một ngày lạnh cuối tháng ba. Khách sạn Waldorf Towers đắt quá tôi không trả nổi, cũng may một bà Mỹ tôi quen ở dưới tàu kiếm cho tôi được một chỗ rẻ hơn mười bốn Mỹ kim mỗi ngày bằng nửa tiền khách sạn Waldorf Towers. Tôi mướn được một chị giữ em người Anh, nhanh nhẹn, thạo, sạch sẽ, mỗi ngày lại làm từ chín giờ sáng tới năm giờ chiều, mỗi tuần năm chục Mỹ kim. Nhờ vậy tôi được thảnh thơi một chút, đi thăm viếng, dự tiệc, mua bán, vì các áo dài của tôi rách rồi.
Chị giữ em chỉ cho tôi chỗ mua và cách mua các áo trẻ con. Yungmei thích những chiếc áo đó lắm. Chị giữ em khoe: “Áo Anh đấy”. Thứ gì tốt cũng từ Anh chở qua cả và mọi người đều khuyên tôi mua mọi thứ ở Mỹ đi, ở Anh kiếm không ra nữa đâu. Người Mỹ gởi những gói thức ăn và quần áo qua Anh lúc đó đương bị dội bom và đói.
Những người Trung Hoa tôi gặp ở New York và Washington hầu hết là những nhà ngoại giao, họ tiếp đãi chúng tôi rất niềm nở, tổ chức các buổi tiệc, gây nhiều khó khăn cho tôi vì tôi không thể để Yungmei một mình ở khách sạn được. Tôi còn nhớ một buổi tiếp tân đó.
Tôi phải để Yengmei ở khách sạn một mình và đi một chiếc taxi. Trong một căn nhà rộng tôi thấy bốn chục người đang đánh mạt chược ở các bàn. Bỗng nhiên tôi có cảm tưởng trở về Trung Hoa, và tiếng lắc các nhịp nhàng của những quân bài đó như gõ những giây, những phút của thời Trung Hoa suy đồi này, như tiếng móng tay cào cào trên nắp quan tài chế độ Quốc Dân đảng. Không khí trong căn nhà đó không còn là không khí ở Mỹ nữa mà là không khí Thượng Hải, duyên dáng lấp lánh, vô tình chỉ có lớp mỏng ở ngoài là phong lưu, cố tình quên lỗ lún sập ở dưới, cảnh tượng đó làm cho tôi đau nhói ở ngực. Tôi không thể nào quên cảnh chiến tranh được: những trận lớn ở Nga, ở Thái Bình dương. Từ bếp bay lên những mùi thơm ngon, bà chủ má hồng đương chiên những con tôm lớn. Yungmei trong chiếc giường nhỏ của nó, chắc đã tỉnh giấc, mở cặp mắt tròn long lanh trong bóng tối gọi tôi. Ngồi được mươi phút, tôi cáo từ ra về…
Chúng tôi thăm thành phố Washington và những cây anh đào đương trổ bông ở chung quanh Bạch Ốc, chúng tôi thăm ông bà đại sứ Anh, Huân tước Halifax, cả hai đều cao lớn y như bức tượng, chúng tôi nói chuyện uống trà với một vẻ nghiêm trang quí phái, kiểu cách. Trở về New York, tôi thấy vài bạn Mỹ muốn tổ chức những buổi tiệc tiếp đón tôi, tôi không ngờ rằng họ thích “tiếp đãi” thế. Tôi thì tôi còn nhớ đời sống thiếu thốn ở Thành Đô nên cho những tiệc tùng đó là vô lý. Nhiều bà Mỹ muốn giúp đỡ tôi, một bà đề nghị trông Yungmei cho tôi để tôi dự một vũ khúc Nga từ lâu lắm mới diễn lần này là lần đầu ở Mỹ.
Trước khi kéo màn, Helen Hayes ra bước sân khấu báo tin Corregidor thất thủ, mọi người đứng dậy im lặng một phút để tưởng niệm những người hy sinh ở Thái Bình dương. Đại sứ Nga Litvinov và vợ đứng lên, cả tập vỗ tay hoan hô.
Tháng tư năm 1942 chẳng những biển Java mà gần trọn Ấn Độ dương bị Nhật kiểm soát. Căn cứ Hải quân Anh ở Trincomalle (Tích Lan) và phần còn lại của hạm đội Anh bị phi cơ Nhật dội bom nặng. Người ta tưởng họ sẽ tấn công kinh Suez, để liên lạc với đạo quân Bắc Phi của Hitler. Nhưng việc đó không xảy ra, trái lại họ quay về để củng cố những miền họ đã chiếm được ở Đông Nam Á, và cũng tháng tư đó Mac Arthur sau khi bại trận đã lên phi cơ về Mỹ để cho quân đội ông ta đầu hàng ở Bataan, rồi trở qua Úc chi huy cuộc phòng vệ đảo này và thành lập một chiến lũy rất dài gồm các đảo ở Bắc Tân Guinée. Rồi xảy ra cuộc chiến ở biển San Hô, quân Mỹ thiệt hại nhiều hơn Nhật và trận Midway đánh dấu khúc quẹo của chiến tranh Thái Bình dương, từ trận này Nhật lần lần thua.
Ở Mỹ dân chúng sợ bị tấn công, tinh thần gần như thác loạn, người ta bảo có tiềm thủy đỉnh Nhật ở bờ biển California, tôi nghe thấy người ta hô hào bỏ tù tụi Nhật ở Mỹ hoặc liệng họ xuống biển. Cả một dân tộc lớn lao, thô bạo, mạnh mẽ, hò hét, rất dễ xúc động, nóng nảy một cách vô lý, bỗng nổi giận về vụ Trân Châu Cảng mà họ cho là vụ ghê tởm nhất, không thể tha thứ được. Nghe họ diễn thuyết, tôi làm thinh nghĩ tới Trung Hoa và tới nỗi đau khổ vô cùng lớn lao hơn mà dân tộc Trung Hoa đã phải chịu và còn đương phải chịu.
Trung Hoa lúc đó được đặc biệt chú ý tới: Eleanor Roosevelt chủ tọa một cuộc mít tinh để viện trợ Trung Hoa. Nhưng vài người Mỹ thỉnh thoảng cho tôi hay hành vi của các nhà ngoại giao Trung Hoa sống rất xa hoa ở Mỹ, vì các sứ đoàn ngoại giao cũng bị cái bệnh hối lộ, tham nhũng của Quốc Dân đảng. Tôi nhận được một bức thư của cô Marian Manley cho tôi địa chỉ người đại diện cho cô ở New York, tôi kêu điện thoại rồi lại thăm ông đó vì người ta không cho tôi biết chút gì về việc xuất bản cuốn Destination Tchoungking. Ông ta đưa tôi một bản để đọc. Nhà xuất bản đã sửa đổi nhiều chỗ, tôi không đồng ý vì người ta lại cắt một đoạn ở chương cuối trong đó tôi rụt rè chỉ trích chính quyền. Nhưng họ giao thiệp với cô Marian, không tin rằng tôi có góp công trong cuốn đó nên họ nghi kỵ tôi.
Trong mấy tuần mùa xuân ở New York, mà không khí kích thích như có luồng điện đó, tôi thấy người Mỹ dồi dào sinh lực mà lại tiều tụy, hăng hái, tính tình rộng rãi mà lại chỉ nghĩ tới họ thôi, tự coi là trung tâm, thần kinh căng thẳng, họ luôn luôn gắng sức tự thuyết phục rằng họ hoàn toàn.
Nhưng ở Trùng Khánh qua đây, tôi kinh ngạc sao mà người Mỹ bạo nói thế, muốn nói gì cũng được không bị cấm, và lớn tiếng đưa ra những ý nghĩ mà ở Trùng Khánh như vậy chúng tôi đã bị bắn bỏ rồi, Trùng Khánh chúng tôi đã quên cái ý niệm tự do ngôn luận. Tôi ngạc nhiên nhất rằng người Mỹ sợ nguy hiểm cho bản thân quá, có lẽ vì chúng tôi đã quen bị dội bom rồi nên không sợ nữa. Londres bị dội bom, mà chính dân chúng New York lại kinh hoảng hơn là dân chúng ở Londres như sau này tôi nhận thấy. Người ta rán thuyết phục tôi đừng qua Anh. Họ bảo tôi: “Người Anh qua đây hết, hoặc qua Gia Nã Đại”. Có mấy ngàn người Anh (kể cả trẻ con) trong giới giàu sang tị nạn qua Mỹ mà họ coi như một cuộc di cư lớn lao vậy.
Một bà ở chung khách sạn với tôi, đổi căn phòng ở tầng thứ tám xuống phòng khác ở tầng thứ nhất, sợ bom dội sập những tầng trên của ngôi nhà mười tám tầng đó. Bà hỏi tôi ở Trùng Khánh nhà có bao nhiêu tầng? Tôi đáp rằng nhiều nhất là ba tầng và hầu hết bằng gỗ, bà ta không hiểu nổi như vậy làm sao chúng tôi sống sót được.
Mỹ giàu, đẹp và mạnh, chiến tranh làm cho nước đó giàu thêm, chỉ có mỗi một người Mỹ nhắc lại thời kinh tế khủng hoảng (năm 1929) và thú rằng hồi đó ông ta đói, mà người đó là người coi thang máy. Ông ta bắt tay tôi và bảo ông ta thích Nga và Trung Hoa lắm.
Một buổi sáng tháng năm chúng tôi lên phi cơ qua Anh, ghé lần thứ nhất ở quần đảo Bermudes, ở lại đó hai ngày, tôi làm quen với một bác sĩ tên là Wilkinson, một buổi chiều đẹp trời ông ta dắt Yungmei và tôi đi dạo cảnh bằng xe ngựa. Hai chục năm sau, năm 1962, tôi gặp ông ta lần nữa ở Singapour trong một hội nghị quốc tế để bàn về vấn đề kế hoạch hóa gia đình.
Từ quần đảo Bermudes phi cơ vượt Đại Tây dương rồi đáp xuống quần đảo Cap Vert thuộc Bồ Đào Nha, chúng tôi đợi ở dưới nắng, gió biển thổi ào ào, rồi đi dạo quanh một thị trấn trắng, cháy nắng, có tường bao vây chung quanh. Từ đó phi cơ bay tới Lisbonne, giữa cơn mưa lớn, phi cơ bay thấp theo bờ biển Bồ Đào Nha, xốc dữ, nhiều hành khách đau tim, người ta cho hay chúng tôi bay trên không phận của xã sản xuất rượu Porto và tặng chúng tôi những ve rượu nhỏ nổi tiếng trong xứ. Sau cùng chúng tôi tới Anh, một buổi chiều mưa khi mặt trời gần lặn. Pao hơi mập lên, vui vẻ, nói nhiều, lái xe đưa chúng tôi về Londres. Anh đã mướn một phòng vào hạng tốt nhất ở Claridge để đón mừng tôi, phòng tắm rộng mênh mông coi như một phần mộ bằng cẩm thạch đen.
Hôm sau chúng tôi đi Egham nơi đó anh đã tìm được một căn nhà nhỏ. Anh có rất nhiều dự tính về hoạn lộ và tương lai… Anh là tùy viên quân sự trẻ tuổi nhất, ai cũng phục, chúng tôi sắp bắt đầu một đời sống mới sung sướng. Anh sẽ thành công… Tôi phải giúp anh thành công.
Vâng, tôi sẽ giúp anh. Tôi sẽ tận lực.
Ở đường New Oxford tôi thấy dân chúng Londres giữa chiến tranh mà rất bình tĩnh, đứng sát nhau có kỷ luật và kiên nhẫn bên những lỗ bom trên đường phố và những tấm bảng nhắc họ: “Bạn có thực cần thiết phải dời chỗ không?” Tôi bước vào ngưỡng cửa một đời sống mới. Và trước hết tôi hiểu rằng bức tranh ở New York người ta vẽ về Londres sai bét: dân chúng ở đây không sợ sệt, không đói, không khốn khổ. So với Trùng Khánh thì Londres là cảnh sung sướng, trật tự. Ở Claridge, ở Donset tối tối nhiều người giàu bận lễ phục lại ăn uống. Có thực là chiến tranh đây không?
Ở Egham, căn nhà nhỏ chúng tôi mướn luôn cả với đồ đạc, có đủ tiện nghi, lại có một thím làm bếp nữa. Vậy tôi chỉ việc ở nhà, giúp việc nhà, việc bếp núc, săn sóc Yungmei, và hưởng cảnh sung sướng: Có lẽ tôi có thể trồng mấy luống rau, nuôi mấy con gà ở sân phía sau, gọi là tiếp tay trong công việc kháng chiến. Láng giềng chúng tôi là một cặp vợ chồng già về hưu, người chồng trước là quân nhân, bây giờ dạy một nhóm trẻ hàng xóm cưỡi ngựa.
Sáng nào Pao cũng lái xe tới phòng tùy viên quân sự ở Tòa Đại sứ tại Portland Place. Pao bảo tôi: “Em chỉ có mỗi một việc là sống cho sung sướng”. Anh có trách nhiệm lớn: củng cố (tiếng anh hùng) những liên lạc giữa nước Anh đương chiến đấu và nước Trung Hoa đương chiến đấu. Tôi nhìn qua cửa sổ bồn cỏ xanh và mướt, những lá xuân và những hàng rào mà cây sơn trà phủ lên một lớp bọt trắng. Có đủ sữa cho Yungmei. Chúng tôi được tòa Đại sứ phát thêm phần lương thực bổ sung, nên không thiếu thốn gì cả. Pao tin chắc rằng rốt cuộc Đức sẽ thắng, Nga sẽ quị, nhưng trong khi chờ đợi thì chúng tôi sống ở Anh.
Tháng 5 năm 1942, Anh đại bại ở Miến Điện. Con đường Miến Điện bị cắt đứt, chỉ còn đường hàng không nối Trung Hoa với Assam và Ấn Độ, bay qua Hy Mã Lạp Sơn cách mặt đất 7.000 thước.
Cuối tháng năm, trận Miến Điện kết thúc, các đạo quân Anh và Ấn vượt biên giới trở về Ấn.
Pao và các bạn đồng sự của anh ở tòa Đai sứ rất bận việc vì phải lập những kế hoạch – do Mỹ gợi ý – để tái chiếm Miến Điện, mở một mặt trận thứ nhì ở Châu Á. Một tướng Mỹ, Joe Stilwell lúc đó đương ở Trung Hoa để thành lập lại đạo quân Trung Hoa và trong những kế hoạch lớn lao đó, Miến Điện được coi là quan trọng nhất. Người ta chuẩn bị một trận Miến Điện thứ nhì, nhưng ngay từ lúc đầu, kế hoạch đã thất bại rồi vì mỗi “Đồng minh”: Mỹ, Anh, Tưởng Giới Thạch, nhắm một mục tiêu khác nhau.
Lúc này mở đầu một giai đoạn mới là ba năm trong đời sống của Pao với tôi, ba năm đó cũng bất hòa như hồi ở Trùng Khánh, cũng vẫn những lý do cũ, Pao muốn nắn tôi thành một người mà tôi không thể nào thành được.
Tôi không trách anh, đức kiên nhẫn theo cách của anh, thực đáng phục. Nhưng mặc dầu tôi có nhiều thiện chí, dễ nghe lời, rán tự sửa đổi, cũng chỉ thành công ít lâu rồi đâu lại vào đấy, tôi vẫn là tôi.
Giá Pao để cho tôi đều mỗi ngày bỏ ra một buổi làm một việc gì hữu ích, kiến thiết, như tôi đòi hỏi, thì có lẽ mọi sự đã khác. Nếu anh chịu thảo luận với tôi, thì có lẽ chúng tôi đã có thể ảnh hưởng tốt với nhau. Nhưng trước sau anh chỉ muốn tôi là một vật phụ thuộc trong hoạn lộ của anh, một vật hữu ích cho kế hoạch của anh, và tôi chẳng thấy hoạn lộ của anh có một ý nghĩa gì đối với tôi cả, không hiểu kế hoạch của anh nữa. Tôi thản nhiên với danh vọng của anh, tôi cho mục đích anh nhắm, mục đích thành một Hồ Tôn Nam thứ nhì, một người thứ nhì y hệt Tưởng Giới Thạch, là vô lý. Cảm thấy rằng sau chiến tranh, ở Trung Hoa sẽ có nhiều thay đổi lớn lao, tôi muốn cấp bách tìm hiểu ý nghĩa của các biến cố nhưng dốt quá, không nhận định được toàn thể. Tôi chỉ biết mỗi một điều là tôi không tin Tưởng Giới Thạch nữa, nên tôi thấy Pao đã mất thì giờ và phí sức theo hoạn lộ của anh, thấy công việc của anh ở Londres có rất ít liên quan với tình hình chiến tranh. Lúc đó nếu có ai hỏi tôi: Vậy chứ bà muốn cho ông nhà làm cái gì? thì chắc tôi đã đáp: Ra khỏi chính phủ, thành một người thường, rồi làm việc.
Vậy mà các ông tùy viên quân sự không quân, hải quân, các nhà ngoại giao ở tòa Đại sứ đó, bàn tới một mặt trận thứ nhì ở Châu Á, làm ra vẻ lăng xăng, quan trọng, nghiêm trang lắm; các ông ấy đòi viện trợ tiền bạc, khí giới, đâm bổ đầu này đầu kia, hoạt động hỗn độn, như điên! Vì ở trong nước, Tưởng Giới Thạch rú lên rồi phân lệnh cho các tướng lãnh, hoặc bất chấp thứ tự quân giai, ra lệnh thẳng cho các sĩ quan trẻ, khiến họ chống đối lẫn nhau: thì đối với các toà Đại sứ ở Londres, Washington, ông ta cũng đánh hàng xấp điện tín trái ngược nhau, gởi những phái đoàn đi, hết lớp này tới lớp khác lần nào cũng ra những lệnh quyết đoán, bắt phải tuân hành liền. Trong cái mớ lệnh và phản lệnh nhiều kinh khủng đó, chỉ có mỗi một điểm chung là xin tiền.
Về điểm đó, Tưởng hy vọng được Mỹ giúp hơn là Anh giúp, tòa Đại sứ Trung Hoa ở Anh chú tâm nhất tới việc làm sao cho Washington bỏ bớt một số viện trợ ưu tiên cho Londres để dùng vào mặt trận ở Châu Phi.
Vì vụ Trân Châu Cảng, Mỹ phải tuyên chiến với Nhật và Hitler đã dại dột tuyên chiến với Mỹ, làm cho Mỹ và Anh xích gần lại nhau hơn (mặc dầu có một số người Mỹ thân Đức, muốn Mỹ trung lập trong chiến tranh ở Châu Âu). Anh lo nhất về vấn đề làm sao cho Mỹ đừng viện trợ mặt trận Châu Á, mà viện trợ nhiều cho mặt trận Châu Âu đặc biệt là cho Anh lúc đó đương cần được tiếp tế về lương thực, khí giới cho các đạo quân ở Trung Đông.
Vậy đầu năm 1942, vấn đề mà Anh luôn luôn quan tâm tới, là nên tấn công ở Thái Bình dương hay nên chú trọng tới mặt trận Châu Phi. Mỹ sẽ cho mặt trận nào là ưu tiên?
Tháng giêng 1942, một hội nghị ở Washington thành lập một Ủy ban gồm các Tham mưu trưởng Mỹ Anh, và người ta quyết định rằng muốn thắng Hitler phải chiếm Châu Âu, mục tiêu “quan trọng bậc nhất”.
Hay tin đó Tưởng Giới Thach nổi giận. Tháng hai năm 1942, ông ta qua thăm Ấn Độ (cuộc viếng thăm này đã chuẩn bị từ năm trước) và đọc một diễn văn tuyên bố rằng Trung Hoa và Ấn Độ có “một số phận chung”, như vậy là chửi vào mặt người Anh, vì Anh đương lo những cuộc khởi nghĩa của Ấn và đã bỏ tù Gandhi vì Gandhi hô hào bất hợp tác với Anh trong chiến tranh này.
Trong suốt chiến tranh, Tưởng Giới Thạch và Anh chống nhau rõ rệt vì kế hoạch hai bên khác nhau, một điểm xung đột hiển nhiên là mặt trận Miến Điện. Chưa bao giờ ở một xứ nào một đạo quân, một kế hoạch hành quân mà lại vụng về, do dự thay đổi hoài như cái mặt trận tội nghiệp Miến Điện, mãi tới khi tướng Mountbatten qua chỉ huy tình thế mới thay đổi.
Vì vậy, Pao và các nhà ngoại giao khác chạy đầu này đầu kia, bận rộn lăng xăng, ra vẻ quan trọng lắm. Cái gì cũng làm cho tôi ngán. Bây giờ tôi có thể nói rằng dù hồi đó tôi có làm cho Pao thỏa mãn, là một người vợ hoàn toàn, một người nội trợ giỏi, giúp anh đắc lực trong hoạn lộ của anh thì rốt cuộc kết quả đối với Pao cũng vậy thôi. Dù có được lòng người hay không, dù có tài giỏi hay không, thì một nhà ngoại giao ở dưới quyền Tưởng Giới Thạch cũng không thể làm được gì để thay đổi trào lưu lịch sử vĩ đại đương lay động thế giới trong chiến tranh. Mỹ có giúp tiền, hàng hóa, khí giới bao nhiêu đi nữa thì cũng không ngăn được Tưởng Giới Thạch sụp đổ.
Nhưng hồi đó kiến thức của tôi mơ hồ quá, nên không diễn ra được như vậy ngay cả cho tôi nữa. Trong thâm tâm, tôi có một cảm giác trống rỗng như thể mọi việc chính tôi làm chưa xong thì đã bị sâu đục rỗng hết bên trong rồi. Tôi rán sung sướng, rán tin rằng một nhà ngoại giao có một trách nhiệm, một địa vị quan trọng mà thực ra tôi buồn chán muốn chết.
Thời đó tinh thần tập cấp rất rõ rệt ở Anh. Vì là vợ một tuỳ viên quân sự, tôi giao thiệp với các giới ngoại giao, ngạc nhiên thấy sự phân biệt tập cấp ở Anh có những tế nhị khả ố, khác hẳn những cái hố vĩ đại phân biệt các giai cấp xã hội ở Trung Hoa. Ở Anh, không có sự phân biệt về y phục mà có sự phân biệt về giọng nói, thái độ, cách nói bóng nói gió. Mới đầu tôi không nhận được sự tôn ti rất tế nhị trên thang giai cấp đó, tôi không biết giữ một sự cách biệt hợp pháp, tùy trường hợp, đối với hạng người buôn bán, với người làm vườn mỗi tuần lại làm việc cho tôi hai lần (chú ta nhận thấy ngay rằng tôi sợ chú), với chị giúp việc nhà nữa, mỗi ngày lau quét cho tôi rồi khi về thì đem theo một miếng thịt để trong chạn… Tôi không biết đối với mỗi giai cấp phải nói chuyện ra sao.
Phải giao thiệp với giới ngoại giao, mà tôi lại có thói lớn tiếng đưa những ý kiến hơi ngược đời, thiếu tài nói những chuyện phiếm, không biết dò xét xem một người nào đó vào hạng nào, lại thiếu đức kín đáo, không khéo léo vui vẻ để chẳng nói gì cả, không biết tỏ ra hăng hái thích thú quá đáng. Tất cả những tật đó làm cho người ta có cảm tưởng rằng tôi kỳ cục, không xứng với địa vị. Mặc dầu tôi khỏi phải lo về y phục trang sức cho mỹ miều vì đương lúc chiến tranh, những cái đó được giảm xuống mức tối thiểu, nhưng giao thiệp với giới thượng lưu Anh thì cũng phải học một ngôn ngữ mới, thuộc những tín hiệu mới.
May thay, thời đó Londres đầy những nhà ngoại giao ngoại quốc, Pháp Tự do, Ba Lan, Tiệp Khắc, Nauy rồi sau này Mỹ, cho nên nhiều người cũng lầm lỡ như tôi. Có nhiều thiếu nữ diễm lệ, bà con xa gần với các ông lớn làm thư ký, (họ càng đẹp thì hình như càng dễ khỏi bị các cơ quan khác trưng dụng), cho nên để tổ chức các buổi tiếp tân long trọng, trong đó rượu ngoại giao làm cho người ta coi phẩm hạnh của mỗi người là chuyện thứ yếu. Năm 1943, khi người Mỹ xuất hiện đông đảo, thì các câu lạc bộ tự mọc lên vô số, như nấm mùa mưa, hàng chục, hàng chục, tại những ngôi nhà đẹp đẽ sửa soạn sẵn rồi, hơi cách xa Londres cho được yên ổn, nhưng xe hơi tới được dễ dàng. Các nhà ngoại giao được vô những câu lạc bộ đó, và người ta vui vẻ khiêu vũ để nâng cao tinh thần của các chiến sĩ dũng cảm của chúng ta.
Rốt cuộc, nước Anh đối với tôi không phải là những bữa tiệc ở Dorchester, hoặc ở khách sạn Czardas, cũng không phải là những buổi tiếp tân buộc phải bận lễ phục ở câu lạc bộ Đồng Minh, mà về mọi phương diện là hạng bình dân Anh thực phi thường, đáng phục mà sau cùng tôi cũng tìm hiểu được mặc dầu phải sống cuộc đời lố lăng của bọn sứ thần mà riêng tôi, tôi cho là chán ngán, bực bội đến cùng cực. Tôi đi thăm các xưởng ở Midlands[6], xưởng A.T.S[7], xưởng W.A.A.F.[8], thăm các thiếu nữ trong các sở chế tạo khí cầu. Những cuộc viếng thăm đó nâng đó tôi, bổ ích cho tôi vì những công việc đó có một ý nghĩa. Tôi thấy những làn sóng nữ công nhân Anh tới xưởng từ sáng sớm, trời lạnh lẽo và ẩm thấp làm việc cho tới tối, ngồi điều khiển các máy móc, tóc thu gọn lại dưới những cái nón trùm đầu. Tôi thăm phòng ăn chung của họ, uống trà với họ và tôi mong được đi thăm nhiều nơi nữa vì thật là thú vị, mở mang kiến thức.
Tại những nơi bị dội bom, những ký nhi viện, một hai đại học, đâu đâu tôi cũng thấy người ta trưng dụng rất nhiều đàn bà, hễ chỗ nào có những công việc rất nặng nhọc là người ta cũng dùng tới họ, những kíp phụ nữ làm đêm đều có tinh thần tổ chức, vui vẻ và bình tĩnh, không hề nao núng, muốn đánh giá cho đúng dân tộc Anh thì phải xếp hạng phụ nữ đó, chứ không phải những chầu cocktail trong các sứ quán, hoặc những bà không đoán được tuổi, giọng nhè nhè, tóc nhuộm rất khéo và làm những công việc tôi không sao hiểu nổi. Dĩ nhiên, có những lệ ngoại rất đáng phục, có những bà rất giàu, rất đẹp, lại lau chùi thực sự sàn các bệnh viện, điều khiển máy móc, làm những công việc nguy hiểm và không bao giờ khoe khoang cả… Những bà đó, tôi cũng muốn được biết. Và có vài bà nói tới tình trạng bất công ở xã hội Anh, nhờ chiến tranh mới được biểu lộ ra.
Vì nhờ sự tản cư 750.000 trẻ em trong các xóm nghèo ở Londres và các thành phố lớn, đưa chúng về đồng ruộng, người ta mới thấy tình trạng sa đọa, thiếu ăn, nghèo khổ, nhớp nhúa của các khu đó. Những trẻ em tàn tật, ốm còi trong giới đó, về thể chất và tinh thần cũng không hơn gì mấy bọn cùng dân trong bất kỳ một nước nào ở Châu Á. Hai bà Anh thấy tình cảnh đó đâm hoảng, cho tôi hay đã gắng sức ra sao để diệt tệ trạng đó. “Hết chiến tranh, phải làm sao cho không còn một cái nhà ổ chuột nào nữa”. Trong những công việc do sáng kiến tư nhân đó, tôi để ý tới các phụ nữ cùng hoạt động của họ và rốt cuộc nỗi khó chịu của tôi càng tăng lên, vì thấy mình cứ phải sống cuộc đời vô tích sự này.
Tôi hùng hồn thuyết phục Pao tới nỗi trong một thời gian anh có vẻ bị kích động. Có lần anh thình lình muốn bỏ nhiệm sở mà học… môn Kinh tế.
Lúc đó có người giới thiệu với chúng tôi một ông tên là Owen, nhỏ bé, ít nói, đeo kính, rất nhiều lương tri. Chúng tôi có ý định nghe những buổi giảng ngoài chương trình ở trường Kinh tế Londres, và ông Owen có ý khuyến khích chúng tôi. Nhưng Pao không làm sao học được, không bao giờ anh đọc sách để tiêu khiển hay để mở mang kiến thức, mà chỉ để lòe thiên hạ mà dễ thăng quan tiến chức. Tôi thấy ngay rằng anh không bao giờ thay đổi mục tiêu. Thôi, tôi cũng không tìm cách sửa đổi anh nữa, nhưng cái cao vọng muốn thành bác sĩ y khoa âm ỉ trong lòng tôi lúc đó cháy bừng lên. Tôi bị cái ý này ám ảnh học tiếp cho ước mong của tôi mạnh thêm lên thôi.
Vậy một lần nữa, tôi lại bị giằng co trong thời gian và không gian[9] một bên là việc tôi đang làm, một bên là việc tôi muốn làm, và tôi không làm sao hòa giải được sự mâu thuẫn nội tâm để chỉ có việc nuôi nấng Yungmei là một trách nhiệm rõ rệt, nhất định tôi hiểu được, chấp nhận được. Những bổn phận khác trong địa vị của tôi càng ngày càng hóa ra phù phiếm, tôi tưởng mình nô lệ những cái vô vị không cứu chữa được mà cực kỳ hao tổn tinh lực: tiệc tùng, hội họp, xã giao, uống trà, nói chuyên phiếm. Ăn uống ở Prunier, ở Savoy, ở Kitz, ở Doncheter với các nhà ngoại giao khác, nghe cô X… và cô Y… bảo rằng buổi này, buổi nọ tôi đã tỏ ra rất yêu kiều, khả ải, mà họ khen tôi và với một vẻ kẻ cả nhã nhặn, bằng một giọng mà tôi chịu không nổi… giả dối, giả dối một cách vô lễ không tưởng tượng nổi! Tôi tự cảm thấy rầu rĩ, ngây dại: “Tất cả những trò đó để làm gì vậy?”. Các buổi tiếp tân với những tiếng của ồn ào mà vô nghĩa, làm cho tinh thần tôi thêm chán nản, và nỗi lo ngại áy náy của tôi tăng lên.
Hai tháng đầu chúng tôi ở Egham (ngoại ô Konches), mỗi tuần hai lần ông hàng xóm dạy cho tôi thuật cưỡi ngựa, một thuật ít nhất có cái lợi này là không bắt tôi phải nói những chuyện tầm phào trong một phòng khách… Hết hai tháng đó, Pao nói riết để tôi tạm gởi Yungmei vào một nhà ký nhi, như một cặp vợ chồng Trung Hoa khác mới làm, có vậy tôi mới được rảnh mà làm tròn cái nhiệm vụ xã giao. Với lại anh cũng muốn được ở Londres, đỡ mất thì giờ đi đi về về. Chúng tôi kiếm được một chỗ ở tại đường Walbeck, một căn lộng lẫy ở từng thứ bảy ngôi nhà Walbeck House, tiền thuê hơi rẻ, đồ đặc nặng nề, đắt tiền, kiểu gô tích (gothique) bằng gỗ sên – thế thực – chạm trổ; có mấy tấm màn nhung, một chiếc piano lớn, nhiều tấm thảm trên sàn. Và tiền thuê chỉ đắt hơn căn nhà nhỏ ở Egham có hai guinea[10] mỗi tuần. Thế là biết bao nỗi khó khăn kể tiếp nhau xảy ra. Tôi không có người giúp việc nhà, tôi không thể vừa sống cuộc đời làm vợ một nhà ngoại giao, vừa lo việc nhà cửa, bếp nước, đứng nối đuôi để mua thực phẩm, săn sóc Yungmei. Không sao kiếm được người giữ đứa nhỏ. Cặp vợ chồng Trung Hoa đó bảo đứa con trai của họ sống ở nhà ký nhi sung sướng lắm; Londres bị dội bom, không nên cho trẻ ở. Tôi đành nghe lời, gởi Yungmei vào một trường Mẫu giáo cách Londres một chút. Nó vô trường được mười lăm ngày thì tôi lại thăm, vì tưởng tượng nó mở mắt thao láo tìm tôi trong bóng tối, tôi thương nó quá ngủ không được. Tôi thấy nó đương chơi trong cái sân nhỏ nhà sau, gọi là nhà chứ sự thật chỉ là một cái chòi chứa được khoảng mười hai đứa trẻ. Nó đã mập ra và có vẻ khỏe mạnh. Nó đăm đăm ngó tôi, tôi cầm tay nó và bà hiệu trưởng bảo nó: “Con đưa má con vô coi phòng của con đi”. Chúng tôi bước vô phòng nhìn cái giường nhỏ của nó bên cạnh hai cái giường em bé khác, và nó kéo một hộc tủ ra, bảo: “Má coi này, con để đồ của con ở đây…” rồi bỗng nhiên nó òa lên khóc níu chặt lấy tôi, la: “Má đừng đi má”, tôi cũng khóc, rồi đưa nó về. Dù dội bom hay không, muốn xảy ra cái gì thì xảy, thấy nó khóc tôi chịu không nổi. Tôi bảo nó: “Con về ở với má, đừng khóc nữa, má không rời con đâu”. Người ta muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói, hễ tôi còn giữ nó được thì khỏi tới trường Mẫu giáo. Nhưng các bạn Trung Hoa của tôi thấy vậy kỳ cục quá, con của họ thích ở trường, ở Londres rất khó kiếm được người giữ trẻ. Quả thực là rất khó kiếm.
Chẳng bao lâu, thu qua rồi đông tới. Tin tức chiến tranh ở Châu Phi năm đó (1942) lấn áp tất cả các tin tức khác, rồi tới trận El-Alamein [11]. Tôi làm bếp, tôi làm mọi công việc trong nhà, tôi đang nối đuôi để mua thực phẩm, và Pao dắt bạn về, ly tách để bừa bãi mọi chỗ, nửa đêm đòi ăn. Tôi gầy sọm đi, một phần vì mệt quá, một phần vì trong lòng lúc nào cũng bất bình về cuộc sống hoàn toàn vô lý của tôi đó. Tôi không phải là một người nội trợ giỏi, vì tôi không muốn vậy; một lần nữa, bản năng tôi bảo tôi rằng tôi không nên làm những công việc đó mất thì giở mà hủy hoại thân mình thôi. Ngày nay tôi là một người nội trợ rất giỏi vì tôi đã có một nghề chính tôi lựa chọn lấy và tôi làm công việc trong nhà để khuây khoả, do đó thành ra một việc phụ cần thiết có ý nghĩa.
Tôi tiếp tục đăng quảng cáo tìm một người giữ em, một chị bếp, nhưng không tìm được. Họ làm việc cho các cơ quan của quân đội hoặc trong các xưởng. Sau cùng tôi tìm được một bà vú rất già, bà chịu làm với điều kiện là mùa hè để cho bà về Bognor Regis. Bà không làm gì cả ngoài cái việc thay quần áo cho Yungmei, dắt nó đi chơi và cho nó ngủ. Tôi phải nấu thức ăn cho bà, bưng điểm tâm vào trong phòng của bà. Được ba tuần bà bảo tôi cư xử với bà không tử tế. Tôi kiếm được người khác: chị này vừa đi đi, lại lại trên cái phòng, vừa nói nho nhỏ một mình, bỏ cà rốt vào trong sữa rồi nấu. Ban tối, tôi nghe chị lết chân đi ngang cửa phòng tôi, mà nói một mình. Một hôm trời rất lạnh mà chị tính dắt Yungmei đi dạo mát, lại không khoác áo ngoài cho nó, may thay tôi thấy chị vừa ra khỏi cửa với nó thì gọi giật lại. Ít bữa sau, tôi nghe thấy chị sửa soạn nước tắm cho nó, tôi chạy vô vừa kịp để cản chị nếu không chị đã nhúng nó vào cái bồn đầy nước nóng gần như nước sôi rồi; bây giờ tôi mới hiểu chị ta điên, đuổi ra liền, tuần lễ sau tôi thấy chị bận áo ngủ đi lang thang ban đêm trước thương điếm lớn Selfridge…
Sau đó, tôi lại phải săn sóc lấy Yungmei, vì tôi không thể để nó buổi tối ở nhà một mình, nên không thể đi đâu được cả; mà Pao muốn tôi phải cùng đi dự các cuộc tiếp tân với anh. Hồi tôi mới ra Londres ở, chưa ai để ý đến nét mặt của tôi; người Anh rất lễ độ, dù biết chắc rằng Pao nói dối, họ cũng không cải, làm bộ tin. Họ thấy tôi lại thì cũng làm thinh. Vì vậy Pao tưởng rằng họ tin anh, và mặc dù tôi hay nói thẳng, đôi khi họ thấy khó chịu, nhưng vẫn cho tôi là “làm nổi đình đám”, cho nên vợ chồng tôi “được lòng” nhiều người.
Dĩ nhiên, Pao gần như bắt buộc phải đi thăm nhiều quân nhân Anh, chúng tôi gặp được nhiều người danh tiếng, những cuộc hội kiến đó cũng thú nhưng chỉ thoảng qua thôi. Thú nhất có lẽ lần gặp đại úy Liddell Hart. Ông ta cao lớn, lêu nghêu, nói mau mà hay, rất tự nhiên, không có chút gì câu thúc, không thể nào giao thiệp với ông một cách hời hợt được, vì ông như một cơn lốc, xoáy vào tinh thần ta, từ cái vấn đề này nhảy qua vấn đề khác, hoa tay múa chân, để lộ nhiệt tâm và sự hấp tấp của ông, đưa ra những lý lẽ cay độc, và ham nói về chiến tranh, vấn đề ông thích nhất…
Đúng vào lúc tôi luýnh quýnh vì việc nhà lại thêm rắc rối về cái khổ dịch tiệc tùng, xã giao nữa, thì như có phép màu, cô Mabel Marcham – Gillam (từ đây tôi sẽ gọi là Gillie) xuất hiện, do một sĩ quan Anh, bạn học của Pao ở trường võ bị Sandhurst giới thiệu, vì cô ta đã săn sóc mấy đứa con của ông. Cô thay tôi săn sóc Yungmei trong nhiều năm. Chỉ có xã hội Anh nhiễm những đặc quyền giai cấp mới sản xuất được hạng ngươi như cô, hạng “nannie”, tức nữ quản gia, một hạng phụ thuộc không thể thiếu được mà chức vụ được tất cả các luật bất thành văn xác định, những luật đó áp dụng khắp nơi cho tới năm 1945, khi Anh không còn là đế quốc nữa. Cô Gillie hy sinh suốt đời cho con cái người khác, và khi cô tới nhà tôi, tôi tin chắc ngay rằng cô dự một phần thiết yếu trong chế độ giáo dục con cháu của giai cấp chỉ huy ở Anh…
Và thực là phúc đức cho Yungmel, vì hồi đó nó đã thiếu ăn, ăn mất ngon, không có giờ nhất định, hóa ra ương ngạnh, hay nhè. Hai cô “nannie” tai hại trước kia gần như bỏ đói nó, vì tôi đâu ở hoài bên cạnh mà coi chừng được. Khi cô Gillie tới, mọi sự đâu vào đấy hết. Yungmei được săn sóc kỹ lưỡng, ăn bận sạch sẽ; nó sung sướng và bắt đầu nói cái ngôn ngữ thanh nhã, thận trọng của hạng người rất sang. Chưa hết, cô Gillie còn giúp tôi làm bếp, dọn đẹp trong nhà, đi chợ, nhờ có cô trong nhà, tôi kiếm thêm được một chị giúp việc nhà nữa, rất giỏi, mỗi tuần lau chùi nhà ba lần thật kỹ, chị là người lương thiện nhất, siêng năng nhất đời.
Thế là một lần nữa, tôi lại nhảy vọt lên, đi học tiếng Nga cho trí óc khỏi làm biếng, mỗi tuần hai buổi, mỗi buổi một giờ, tôi lại thầy Berlity, đường Oxford – ngay gần nhà tôi. Tôi ham học vì sự kháng cự vĩ đại, anh dũng của dân Nga trong thành phố Stalingrad đã làm cho óc tưởng tưởng của tôi bừng bừng lên. Tôi thèm thuồng, đọc nghiến đọc ngấu tất cả những sách báo gì tôi có thể đọc được về các trận ở Nga. Trong lớp học tiếng Nga đó có hai người đàn ông và tôi. Theo cái tục ít nói, lạnh nhạt của người Anh, chúng tôi ngồi chung quanh một cái bàn mà không bao giờ hỏi chuyện nhau cả, và tôi cũng không biết tên hai người kia nữa. Một người học trước vài tuần rồi bỏ. Tôi còn nhớ giáo sư của tôi rất giống Lénine, chỉ khác có đeo thêm một cặp kính, lưa thưa chút râu cằm bạc lấp lánh, ông ta yêu ngôi nhà của ông lắm, nổi điên lên mỗi khi chúng tôi ấp úng. Học với ông tôi rất tấn tới. Nhưng khi Pao biết rằng giáo sư của tôi là một người đàn ông thì anh cấm không cho tôi học ở Berlitz nữa.
Tôi phải kiếm một bà giáo, bà Kirilova, nhỏ nhắn, tròn trĩnh, dễ thương, quần áo thật lôi thôi, nhưng cực kỳ vui tính. Chúng tôi bỏ ra nhiều thì giờ đọc thơ, và một hai lần tôi lại căn phòng nhỏ, bụi bặm, đầy đồ đạc của bà. Tôi học được rất ít tiếng Nga với bà, nhưng đều đều đúng kỳ, tôi được bà dạy cho cười. Cứ hai lần một tuần, tôi được một buổi vui cười, xa Pao, khỏi phải thấy những cơn giận của anh lúc này lại tái hiện. Chính ở nhà bà Kirilova mà tôi gặp bà Cluny, một người Tô Cách Lan, làm chủ một lâu đài vĩ đại và nhiều ruộng đất gần Aberdeen, lúc đó lại Londres học vũ với một vũ đoàn, khoảng hai năm sau, khi Pao đã rời Anh rồi, tôi dắt Yungmei và cô Gillie lại chơi hai tuần trong lâu dài của bà Cluny ở Aberdeen.
Bà cao, mãnh khánh, tóc hung hung, thân hình tuyệt đẹp (có lẽ nhờ vũ), tinh thần rất ngông, khác người. Rất tốt đủ giàu để sống theo sở thích, bà rất yêu các loài vật, nuôi cả một bầy trong vườn: ngựa tơ xứ Shetland, vô số chó và mèo, rùa, công, gà tây, cừu và một con vịt chỉ có một chân, bà rất quí, cho nó ngủ trên một cái đệm nhồi bông bằng sa tanh, trong phòng ngủ lộng lẫy của bà. Bà nuôi cả bò mọng nữa, để tranh giải…
Tôi còn giữ được nhiều tấm hình về nửa tháng sung sướng ở Aberdeen, một tấm chụp bà Cluny với con vịt, bà ngồi trong cái giường có màn cao, thứ giường của hạng vua chúa, con vịt đứng thẳng trên chiếc đệm xa tanh màu lơ, bên cạnh bà.
Mặc dầu lương của một tùy viên quân sự Trung Hoa không được là bao, hồi đầu chúng tôi cũng xoay xở được, lại còn đãi những tiệc rượu (cocktail) lớn, nhiều người lại dự, nhưng chúng tôi chỉ mời mỗi năm được hai lần thôi vì mỗi lần tốn từ 150 đến 200 Anh bảng. Đa số các nhà ngoại giao Trung Hoa thích ở Finchley hoặc những khu ít đắt đỏ hơn và họ so đo mỗi khi thết tiệc. Hầu hết rán để dành được càng nhiều ngoại tệ càng tốt, như vậy rất có ích cho họ sau này, khi chế độ Tưởng Giới Thạch sụp đổ, họ phải tự lo lấy thân. Tôi thì muốn làm cái gì cũng đàng hoàng, nên mỗi khi tiếp khách là lo lắng, mệt nhọc lắm.
Một bữa tiệc đãi viên tuớng Quý tộc đại diện cho Nước Pháp Tự Do [12] tốn 70 Anh bảng và thất bại hoàn toàn vì thời tiết. Hôm đó lớp sương mù dày đặc màu nâu, người ta gọi là “đậu nghiền nhừ”, có ánh vàng gợi cho ta cảm giác cô liêu ấm áp trong một khám đường nhầy nhụa [13], hôm đó không hiểu sao lớp sương mù đó lại cao hứng sa xuống thành phố. Có khoảng mười sáu người ngồi chung quanh chiếc ghế dựa kiểu gô tích phủ khăn thêu mũi rất nhỏ; tôi đã mượn một người bếp Trung Hoa nổi tiếng nhất Londres, nấu ăn rất ngon, nhưng dĩa chén, vật dụng để ngổn ngang trong bếp, bừa bãi ghê gớm.
Tối đó, khí thấp đèn – trong thời chiến tranh, luôn luôn bị giảm thiếu – bỗng nhiên không chịu hợp tác với chúng tôi nữa, từ cái rê sô (réchaud) rất lớn, chỉ phát ra ngọn lửa yếu ớt, màu xanh lơ, tôi rán nhóm lửa trong cái lò sưởi vĩ đại bằng đá hoa; không làm sao kiếm được củi, tôi phải dùng những cục than luyện thành hình đá cuội[14] mà người ta cam đoan rằng cháy rất đượm.
Tôi tràn trề hy vọng, chất than và giấy báo vào lò, rồi vẫn tràn trề hy vọng, tôi nhóm lửa. Vài ông khách đã bắt đầu tới; mặc dầu sương mù dày đặc, họ vẫn kiếm được đường: vị Đại sứ Trung Hoa Tiến sĩ Wellington Koo và vị khách danh dự, tức ông tướng Quý tộc Pháp, vài quý khách khác nữa… uống đồ giải khát một lúc rồi qua bàn ăn. Món súp bưng lên, và sương mù quyện với khói than, không bốc lên ống khói mà chậm chậm hạ xuống tuồn vào trong phòng. Khi ăn món đầu, không những mọi người đều kín đáo ho, mà còn thêm nông nổi trong đám sương và khói đó, người nọ gần như không thấy mặt người kia nữa; khi ăn đồ tráng miệng, câu chuyện của vị tướng Quý tộc anh dũng và lão luyện bắt đầu rời rạc, ông đưa tay do dự đâm cục “bôm lát xê” (bombe glacée) Tướng de Gaulle, do người bếp Trung Hoa làm riêng để đãi ông. Tiến sĩ Wellington Koo mắt đã kém, đứng dậy và khi chúng tôi trở qua phòng lớn để uống cà phê thì ông ta lại bắt tay tôi lần nữa, tưởng là một vị khách mới tới. Sau tai nạn thê thảm đó, chúng tôi thử đải khách ở khách sạn, nhưng tốn kém quá tai hại, có lần được coi là thành công đáng ghi nữa. Nhưng tôi có cảm tưởng rằng cái đó hoàn toàn vô ích, tầm phào, rằng tôi không còn suy nghĩ gì được cả, bị xô vào một nhà luôn luôn gồm toàn những người điên (dĩ nhiên họ điên nhưng rất lễ phép, có ồn ào là ở phía sau sân khấu thôi), rằng tất cả những việc tôi làm đều là phí thì giờ vô ích, không liên quan chút gì với những vấn đề thực tại. Sự thất vọng đó mỗi ngày một tăng riết rồi không chịu nổi. Chiến tranh ở sa mạc, Tobrouk, Stalingrad, chém giết nhau, thác loạn, và Trung Hoa, Trung Hoa năm 1942, mà tại đó chỉ có sự lạm phát và sự đói kém là càng ngày cùng thịnh. Những cái đó đối với tôi mới là thực, và làm cho tôi hối hận. Willington Koo hồi trước làm Đại sứ ở Washington, năm 1942 đó, được phái tới làm Đại sứ ở Londres. Bà vợ là ái nữ của ông Vua đường ở Java, đã tới sau ông vài tháng. Khi bà xuất hiện ở Londres với cái mũ ở Đại lộ thứ 5 (New York), chiếc áo bằng da con hắc điêu thử, dắt mấy con chó giống Bắc Kinh (Pékinois) thì mọi người đều chú ý tới bà. Tên bà là Huilan Koo. Tính tình rất khác người, cho nên bà hay tranh luận lắm. Rất can đảm, rất nhiều sinh lực, bà đã viết chung với một người khác một cuốn tự truyện, xuất bản ở Mỹ, và ông chồng bỏ ra không biết bao nhiêu tiền để nhà xuất bản thu sách về, không phát hành nữa.
Bà là bà Đại sứ của chúng tôi và trong một thời gian bà và tôi thường gặp nhau. Tôi rất thích mấy con chó của bà, vì vậy mà chúng tôi thân với nhau. Bà có cả một kho chuyện về thiên hạ ở mọi nơi. Trong khi chúng tôi nói chuyện với nhau, những con chó Bắc Kinh của bà lăng xăng giỡn xung quanh như các em bé, như vậy đủ cho chúng tôi thích rồi. Chúng làm cho tôi nhớ lại thời thơ ấu quá.
Thời đó, chiều chiều các em gái tôi và tôi lại chơi Công viên Trung ương ở Bắc Kinh, và lần nào cũng thấy một ông thái giám to lớn dị thường, đi ngang qua mặt chúng tôi, trên con đường rộng trồng cây phong, tay ôm mấy con chó Bắc Kinh nhỏ nhất, còn khoảng mười con khác thì chạy giỡn chung quanh ông ta.
Mùa xuân đó, ông tới vườn với ba con chó con mới, một con nhỏ xíu, màu đồng đỏ và vàng đỏ, coi y như ngọn lửa, đuôi xòe như vây cá chép, hai con kia trắng và đen. Không có gì thú bằng thấy chúng nhảy nhót lanh lẹn như con ngựa nòi, và sủa rất can đảm khi đưa cái mõm nhỏ xíu ra cắn những chân ghế bằng gỗ! Mấy ông già cầm lồng chim đi dạo, cũng phải ngừng lại ngắm. Giá đắt lắm: mỗi con ba bốn trăm đồng. Thông minh như khỉ, can đảm như sư tử, đuôi như đuôi cá vàng, có chùm lông xòe ra như hoa mẫu đơn, đó, loại chó Bắc Kinh, chó săn của các vua Mãn Thanh như vậy. Chị em tôi thích những con chó đó quá, và hôm sau, nhằm ngày thứ bảy, chúng tôi năn nỉ Ba chúng tôi dắt chúng tôi lại Công viên. Chúng tôi đợi viên thái giám tới, đúng giờ mọi ngày, ông ta tới, bệ vệ, nhã nhặn, bận chiếc áo dài lam, với mấy con chó quí, tuyệt đẹp, nhỏ xíu chạy giỡn chung quanh: ba con nhỏ xíu, chạy lăng xăng bên này, bên kia, bay vun vút như những sợi lông, đuôi dựng lên rực rỡ. Em Tiza và tôi chạy lại, chìa tay ra để vuốt ve chúng. Loài chó Bắc Kinh rất bạo, và mấy con đó để chúng tôi bồng, ôm chặt mà không sợ gì cả. Trong khi đó Ba tôi có nói chuyện với viên thái giám; ông này cho hay sắp bán một con trắng và đen cho một bà Anh. Ba tôi bảo: “Chính là bà Anh chiều nào cũng ngồi xe đi dạo đường Toung Tchang An đấy mà”.
Đó cũng là một cảnh lạ ở Bắc Kinh: chiều nào bà Anh đó cũng đội nón, mạng mỏng che mặt, ngồi cứng đơ như một bà chúa, đi dạo trong một chiếc xe song mã, giữa hai người bồi bận chế phục xanh lá cây và trắng với người đánh xe; trong xe có mấy con chó Bắc Kinh mà bà ta rất thích. Khi xe gần tới đường Hataman thì một trong hai người bồi thả chó xuống cho chúng chạy nhảy một chút, tiêu tiểu, rồi lại lên xe về nhà.
Tôi không biết tên bà Anh đó; bà ở một thế giới khác thế giới chúng tôi, nhưng bây giờ ở Londres, cách bao nhiêu năm tôi nhớ lại bà khi tôi ngồi chiếc xe lộng lẫy Rolls Royce của tòa Đại sứ Trung Hoa, bệ vệ qua công viên Hyde Park, với Huilan Ko và mấy con chó Bắc Kinh. Bà Huilan Koo kể chuyện ông nội bà cho tôi nghe; cụ hồi xưa theo Thái Bình Thiên Quốc, chống lại Mãn Thanh, và để khỏi bị lột da, đã trốn xuống một chiếc ghe; vượt biển qua Java, rồi làm giàu tại đó. Con trai cụ, tức thân phụ bà Huilan Koo thành ông Vua đường ở Java. Ông cụ này có nhiều con tới nỗi đếm không xuể, mà tiền cũng đếm không xuể. Cụ tậu một dinh thự ở Bắc Kinh cho Huilan Koo. Bà chép lại tất cả những chuyên đó trong cuốn sách mà chồng bà bỏ tiền ra mua hết để hủy bỏ…
Mùa hè năm đó chúng tôi được yết kiến Anh hoàng George VI và Hoàng hậu Elisabette ở điện Windsor, đồng thời với ông bà Đại sứ Tiệp Khắc, chúng tôi chỉ được hay tin đó sau bữa trưa mà mấy bạn của chúng tôi hầu hạ trong Hoàng tộc đãi chúng tôi; bà Đai sứ Tiệp Khắc hơi lo ngại, hỏi nhỏ tôi: “Tôi không có găng… bà cho tôi mượn được không?”. Tôi cũng thì thầm đáp lại: “Chỉ cho bà mượn một chiếc thôi, không biết như vậy được không?”
Về đồ trang sức, tôi chỉ có đôi bông tai bằng đá mắt mèo mua ở Ấn Độ, chiếc nhẫn cưới. Nhưng khi gặp buổi lễ hoặc buổi dạ hội ở Câu lạc bộ Đồng Minh, khi dự tiệc trong các toà Đai sứ, tôi có thể mượn hột xoàn của cô bạn, Phyllis Tai. Một thiếu nữ Trung Hoa sinh trưởng ở quần đảo Antilles.
Chính cô khuyên tôi đeo hột xoàn: “Chị có vẻ nghiêm quá, y phục đứng đắn quá. Em cho chị mượn hột xoàn để đeo khi cần dự các buổi hội họp, tiệc tùng”. Và cô đưa tôi một cái hộp bằng giấy bồi, chứa hột xoàn đáng giá 12.000 Anh bảng, bảo tôi cứ tùy ý sử dụng. Tôi đeo hột xoàn của cô mười lăm ngày, tự thấy mình thành một “con người khác” không ai bằng. Cô Phyllis bảo: “Chị có rằng chị không muốn giữ thêm nữa không? Khi nào chị muốn mượn thì cho em hay, em sẽ đưa liền”. Tôi đeo những hột xoàn đó hôm vô điện Windsor.
Ở điện Wmdsor, Pao vui mừng khôn xiết, anh bảo rửa một loạt tấm hình gởi về Trung Hoa. Được bắt tay một ông vua lập hiến, anh cho là một thành công trên hoạn lộ, một điều quan trọng đặc biệt, và có lẽ sự yết kiến đó, về địa vị trong xã hội, là một bước tiến lớn đối với anh. Nhưng tôi không chịu nhìn theo khía cạnh đó, vì như vậy làm mờ mất cái buổi chiều có nắng, vui vẻ đó, làm mờ màu tùng-lam (pastel) thanh nhã của chiếc áo và chiếc mũ của Hoàng hậu, nhất là làm mờ nụ cười rất dịu dàng và tự nhiên của vua George VI, đối với tôi thì nụ cười và thái độ rất nhã nhặn của nhà vua khi hỏi tôi: “Bà thấy khí hậu nước chúng tôi ra sao?” mới làm cho tôi sung sướng, chứ không phải ý nghĩ rằng nhà tôi đã thành công trên hoạn lộ.
Một buổi chiều cuối năm 1942, sau khi nhận được thư của Jonathan Cape – sau nay thành một người bạn rất trung thành mà cũng là nhà xuất bản sách của tôi nữa, tôi lại thăm ông lần đầu ở sổ 30 đường Bedford Square. Ông rất to lớn, tóc bạc phơ, cục kỳ đẹp. Trong phòng giấy trần lộng lẫy của ông, tường chất đầy sách, tôi trút hết được trong một lát bao nhiêu nỗi lo lắng lớn lao làm thần kinh tôi căng thẳng.
Ông Janathan muốn nói chuyện với tôi về việc xuất bản cuốn Destination Tchounking. Tôi bảo tôi viết chung cuốn đó với một người nữa, chứ không viết một mình, ông đáp rằng tất cả các tác phẩm đầu tay đều là những công trình hợp tác cách này hay cách khác. Tôi ngắm các ngăn đầy tác phẩm ở sau lưng ông: thực vậy chăng, tôi sắp được đứng chung với các tác giả đó chăng? Tôi bảo: “Nhưng tôi có biết viết lách gì đâu, tôi không phải là nhà văn, tôi chỉ ước ao được thành y sĩ”. Ông Jonathan đáp: “Hễ bà cảm thấy muốn lâu lâu ghi một việc gì đó lên giấy thì bà là một nhà văn rồi”. Sau đó ông đưa tôi lại ăn trưa ở một khách sạn ông thường tới, ở khu Étoile[15], tôi rất rụt rè ăn một mình với một người đàn ông… Anh Pao mà biết được thì sẽ rầy mình ra sao đây? Tôi dấu ảnh việc đó và xin ông Jonathan đừng gởi thư lại nhà tôi, có chuyện gì phải bàn tính tôi sẽ kêu điện thoại. Nhưng không bao giờ tôi dám kêu điện thoại nói chuyện vơi ông cả, và hơn một năm sau tôi mới lại gặp ông.
Tưởng Giới Thạch nhiều khi ra lệnh cho một tướng lãnh tiến quan, rồi hai giờ sau buộc phải rút lui, để rồi ít giờ sau nữa lại ra lệnh phải chuẩn bị tấn công; Pao cũng vậy, giận dữ la hét với tôi: “Em không được nói chuyện với hạng người đó!…” “Anh cấm em cười!…” “Đừng có bộ mặt rầu rĩ đó, vui lên chứ!” “Anh muốn rằng em từ chối khiêu vũ…” “Em phải khiêu vũ…” “Tại sao không nói gì cả cứ làm thinh thế?” vân vân. Như vậy là một lần nữa, anh lại tạo ra một thế giới ảo ảnh, kỳ quái về tôi. Anh cũng sinh ra hồ nghi, tưởng tượng rằng người ta nhục mạ anh và lấy lẽ rằng tôi giỏi tiếng Anh hơn anh, có thể diễn những nỗi “bất bình” của anh thay anh, nên đòi tôi giúp anh để thỏa lòng trả thù của anh.
Trong một cuộc tiếp tân, người ta sắp anh ngồi vào một chỗ thấp hơn chức của anh, và anh bắt tôi viết thay anh một bức thư. Khi viên sĩ quan Anh lại xin lỗi anh vì không biết mà hóa ra sơ suất, anh bảo ông ta: “Nhà tôi bất bình về vụ đó”, anh đã hoàn toàn nói dối, vì tôi có để ý tới chút gì về sự sắp chỗ ngồi đó đâu. Vì vậy tôi phải giữ kín tất cả những chuyên vô hại nhất. Và tôi dấu anh vụ ông Jonathan mời tôi ăn trưa như phải dấu một điều vô hại như vậy, tôi bực mình, hóa ra tinh thần căng thăng, từ chuyện nhỏ này thêm chuyện nhỏ khác, riết rồi những ảo ảnh kỳ quái đã hóa ra lớn lao ghê gớm.
Và tới mùa hè 1943 thần kinh tôi hoàn toàn suy nhược, trầm uất.
Chú thích:
[1] Một tiếng Anh – Ấn trỏ hạng người làm thuê hoặc đi ở (Chú thích trong bản tiếng Pháp).
[2] Churchill, thủ tướng Anh hồi đó khi ra trước công chúng thường đưa ngón trỏ và ngón giữa lên thành hình chữ V, mẫu tự đầu tiên của tiếng Victory có nghĩa là chiến thắng…
[3] Từ đầu thế kỷ trước, giòng họ Sassoon, Do Thái nhập tịch Anh đã là vua buôn thuốc phiện và võ khí ở Trung Hoa.
[4] Ám chỉ rằng Anh đã hết thời.
[5] Một thứ cây thuộc loại tử uy, hoa tím hoặc xanh lơ.
[6] Miền Trung châu.
[7] Auxiliary Territorial Service: Cơ quan địa phương hỗ trợ.
[8] Women’s Auxiliary Air force: Không lực bổ trợ của phụ nữ.
[9] Trong không gian thì tôi có thể hiểu được: Tác giả muốn sống ở Trung Hoa để giúp dân nghèo Trung Hoa, chứ không muốn sống ở Anh, trong đám sứ thần, nhưng còn trong thời gian…?
[10] Tiền Anh bằng 21 shilling, mà mỗi Anh bảng (pound) là 20 shilling.
[11] Ở Bắc Ai Cập Rommel (Đức) bị Montgomery (Anh) đánh cho đại bại, từ đó Đức lùi hoài ở Bắc Phi.
[12] Tức De Gaulle.
[13] Tác giả thường dùng những hình ảnh lạ lùng, như ở đây: prison viscérale (khám đường nội tạng) chúng tôi không sao dịch sát được.
[14] Chắc như thứ than quả bàng của mình.
[15] Chắc chỗ này là một ngả năm ngả sáu gì đó.