Một Mùa Hè Vắng Bóng Chim

PHẦN THỨ NHẤT (1938-1942) -1-

Mọi sự bắt đầu xảy ra trên chiếc tàu Jean-Laborde. Bảy người Trung Hoa đi hạng nhất là những Sinh viên lục quân ở các trường Võ bị Đức, Anh hồi hương, trong số đó có Tang Pao Houang[1]. Anh nhận ra tôi trước tiên, ngay từ giờ đầu, trong khi chiếc tàu ra khơi, lục địa Châu Âu chỉ còn là một đám bông xám, và anh Louis[2] đứng trơ trơ trên bờ, như một vết vô tri giác, vô danh. Tang Pao Houang cũng nán lại trên boong, vẫy tay từ biệt các bạn thân, và trong số tất cả các sinh viên Trung Hoa, chỉ duy nhất có anh là tán thành quyết định của tôi.

“Cô về Trung Hoa… một thiếu nữ mà như vậy thì càng đáng khen hơn nữa”. Mấy hôm sau tôi không gặp lại anh, nhưng mấy người khác thì cứ lảng vảng chung quanh tôi, xuống boong hạng nhì, và hỏi tôi tại sao lại về nước. Tôi kể cho họ nghe chuyện của tôi và mặc dầu ngây thơ chứ tôi cũng thấy rằng họ không tin tôi, điều đó làm cho lòng tự ái của tôi bị thương tổn. Sau này tôi mới biết rằng họ chỉ muốn làm quen với tôi cho những ngày vượt biển đỡ buồn thôi (…)”.

Hôm đó Tang Pao Houang, bác sĩ You và tôi đi bách bộ trên boong, cười cười nói nói, bàn tính về những hy vọng trong một tương lai chưa biết ra sao. Pao cũng như bác sĩ You, tràn trề thiện ý, hứa giúp đỡ tôi mọi việc, tôi cảm thấy Pao suy nghĩ nghiêm trang hơn bác sĩ You và tôi tự nhủ thầm rằng đời sống, hoặc Trời Phật hoặc thần hộ mạng của tôi đã nhân từ quá muốn thưởng thiện ý của tôi nên cho tôi gặp được người bạn chân thành mà hoạt động như vậy, không phải chỉ biết gợi ý mà thôi đâu, còn có vẻ nhiệt tâm ái quốc, hoàn toàn Trung Hoa nữa. Ngay trong mấy ngày đầu đó, Pao đã nói đến bổn phận tỏ ra nóng lòng muốn ra mặt trận rồi: “Tôi sẽ về thẳng Vũ Hán để trình diện với Thượng cấp… Tôi sẵn sàng chết vì Tổ quốc… kẻ nào không sẵn sàng hy sinh như vậy thì không phải là thực tâm ái quốc, cũng không phải là một hão hán nữa… còn cái vinh dự nào bằng chết vì chiến đấu với quân xâm lăng…”. Bây giờ đây, tôi còn như nghe thấy những lời đó tung bay trong ngọn gió từ mặt biển sặc sỡ đưa lên, những lời đã làm cho lòng tôi bừng bừng. Lúc đó tôi mong rằng, Pao đừng vội chết quá sớm, ít nhất là đừng chết trước khi tôi cũng đã làm được cái gì đó cho Tổ quốc, chứng tỏ rằng tôi không phải là con người vô dụng, mà cũng là người Trung Hoa đây, cũng sẵn sàng chết cho Trung Hoa… Mặc dầu thỉnh thoảng trong lòng tôi lại nhói lên, xót xa nhớ lại rằng đối với nhiều người Trung Hoa, mình là một thiếu nữ lai Âu, không luôn luôn được họ chấp nhận đâu, nhưng Pao hình như không nghĩ vậy: “Cô có máu Trung Hoa mà, máu là do cha truyền cho, mẹ chỉ tiếp nhận thôi”. Những ý kiến lạc hậu phản khoa học đó làm cho tôi mỉm cười, nhưng tôi cảm ơn anh đã không khinh tôi vì tôi lai Âu…

Tâm hồn nhẹ nhàng như trong giấc mộng, chúng tôi vùn vụt vượt Ấn Độ dương, nói chuyện về Trung Hoa và về Pao, trong khi những bầy cá heo quậy lên ở gần lườn tàu. Và Pao đối với tôi là hiện thân của Trung Hoa.

Tới Sài Gòn, Pao muốn rằng chúng tôi hứa hôn với nhau, tôi từ chối, lấy lẽ rằng tôi đã “gần như” là vợ một thanh niên Bỉ, sau đổi ý để hồi hương. Có lẽ Pao không hiểu tôi muốn ám chỉ rằng tôi không còn là con gái tân nữa. Vì không hiểu (lúc đó tôi có ngờ đâu là anh không thể hiểu được), nên anh chỉ bình tĩnh gật đầu: “Tôi mừng về điều đó lắm… phụ nữ Trung Hoa không nên lấy người ngoại quốc…”.

Tôi đi kiếm bác sĩ You để nhờ ông khuyên bảo. Ông đáp: “Tuyệt vời. – Phải bỏ dĩ văng lại phía sau đi, như tôi này, và chỉ nhìn về phía trước thôi. Tang Pao Houang là một thanh niên rất đáng mến, gia đình nền nếp lắm, rất nền nếp!”.

28 tháng chín, – Giữa biển trên chiếc tàu Jean-Laborde.

Thưa bác[3] Joseph,

Tàu đã rời bến Sài Gòn hôm qua và hiện đương thẳng tiến về Hương Cảng, cháu biết rằng bác giận cháu lắm, vì đã đổi lộ trình. Bác đã khuyên cháu lên Sài Gòn ra Hà Nội rồi qua Côn Minh vì bác đã viết thư cho đức Cha ở dưỡng đường Công giáo nơi đó, nhờ săn sóc cháu giùm bác. Có lẽ cháu sẽ ở lại Hương Cảng hai ngày rồi cháu sẽ đi xe lửa lên Vũ Hán. Cháu biết rằng bác muốn cháu đi Côn Minh vì ở đó cháu được yên ổn hơn, nhưng cháu không muốn lạc vào trong đám người tị nạn ở đó. Các báo Trung Hoa ở Sài Gòn đăng tin rằng đám người tị nạn cuồn cuộn đổ xuống Côn Minh đông nghẹt, cháu muốn ở càng gần mặt trận càng tốt, nghĩa là ở Vũ Hán. Hiện đương có một trận lớn ở đó… Và cháu muốn lại đó…

Hôm nay đọc lại bức thư đó tôi ngạc nhiên nhớ lại rằng tấm bưu thiếp đầu tiên mà cuối cùng tôi gởi cho vị hôn phu của tôi, anh Louis ở Bỉ, là tấm gởi từ Port-Said. Sau đó tôi không viết thêm một chữ nào cho anh hết, cơ hồ như qua khỏi kinh Suez rồi thì không thể nào thư từ với anh được nữa. Còn ông ngoại tôi[4] thì tôi có gởi được vài bức ngắn và vài tấm bưu thiếp cho biết tôi mạnh khoẻ… Tôi không thể ngồi vào bàn viết những bức thư dài nữa được, vì tất cả những gì tượng trưng cho châu Âu, đối với tôi đã hóa ra mơ hồ, hư ảo, mà tôi thì không thể giải được nỗi lòng của tôi cùng những việc xảy ra chung quanh tôi, vì chung quanh tôi toàn là Châu Á, mà tôi không thể cao hứng tả Châu Á đó như một du khách được, vì nó mật thiết với tôi quá. Anh Louis đối với tôi chỉ còn như một cái bóng, giá có gặp ảnh, không chắc tôi đã nhận ra được…

Công của ông ngoại tôi đối với tôi lớn lắm, tôi biết vậy, nhưng khi tôi báo tin cho người hay tôi đã có chồng và sẽ ở lại Trung Hoa, thì người trả lời rằng sẽ từ bỏ tôi từ đó. Rồi chiến tranh xảy ra ở Châu Âu, và ông tôi mất năm 1940…

Chú thích :

[1] Tang Pao Houang và Han Suyin quen nhau hồi nhỏ, ở Bắc Kinh, sau xa cách nhau.

[2] Luật sư trẻ, tình nhân của Han Suyin

[3] Tức Joseph Hers, người đa che chở, xin được học bổng cho Han Suyin và Han Suyin trọng như cha.

[ 4]  Ở Bỉ.