- Ông Reilly, có phải không?
Người thanh niên Ai-rơ-len, rất ngạc nhiên, quay lại nửa chừng để nhìn xem ai nói với mình. Anh thấy đứng bên cạnh anh, gần quầy hàng của Công ty Hàng hải một người nhỏ bé, có bộ ria mép khoẻ và cái đầu hình quả trứng.
- Có lẽ ông không nhớ tôi chăng? - Người nhỏ bé hỏi.
- Ông khiêm tốn quá, ông Poirot. Ông không phải thuộc hạng người mà người ta dễ quên!
Reilly trả lời cho nhân viên đang chờ ở phía bên kia quầy hàng, rồi trở lại với Poirot. Ông này đặt ra một câu hỏi mới:
- Ông rời nước Anh để đi nghỉ phải không?
- Không phải tôi đi nghỉ. Còn ông, ông Poirot? Ông đi nghỉ phải không?
- Thỉnh thoảng, tôi đi nghỉ ít ngày ở nước tôi, ở Bỉ - Poirot trả lời.
- Tôi đi xa hơn thế - Reilly nói - Tôi đi tới châu Mỹ, và tôi không có ý định trở về.
- Tôi lấy làm ngao ngán khi được biết điều đó, ông Reilly ạ. Ông sẽ bỏ rơi khách hàng ở đường Hoàng hậu Charlotte hAy sao?
- Nói cho đúng hơn là họ bỏ rơi tôi!
- Thực thế sao?.. Nản quá nhỉ!
- Ồ! Điều đó cũng làm cho tôi buồn. Khi tôi nghĩ đến số nợ mà tôi để lại sau lưng thì tôi thấy sung sướng.
Ông ta còn nói thêm, với một nụ cười:
- Không bao giờ tôi tự giết tôi vì những cảnh thiếu tiền. Khi nào chúng trở nên thôi thúc quá, thì anh hãy đánh một dấu chéo vào số nợ của anh, và anh đi lại từ số không! Tôi có những bằng cấp và tôi hơi ngượng khi nói điều này, chúng đều thuộc hạng ưu.
Poirot nói rất nhỏ:
- Ngày hôm kia, tôi thấy cô Morley.
- Điều đó đã đánh lừa ông chăng?... Tôi tin chắc là không! Tôi không bao giờ gặp bộ mặt xanh xao hốc hác như vậy. Nhưng tôi thường tự hỏi mình làm thế nào cô ta sẽ béo đẫy một chút, nhưng đấy là một việc mà người ta sẽ không bao giờ biết.
Poirot tự mỉm cười.
- Ông có tán thành bản tin do toà án đưa ra về cái chết của người cộng tác của ông không? - Ông hỏi.
- Hoàn toàn không! - Reily trả lời, tách rõ các âm tiết.
- Ông có nghĩ rằng ông ta đã phạm một sai lầm không?
- Nếu Morley đã tiêm cho người Hy lạp ấy một khối lượng thuốc tê mà người ta khẳng định, thì một trong hai trường hợp: hoặc là ông ta say mềm, hoặc là ông ta muốn giết ông kia. Thế nhưng, tôi không bao giờ thấy ông ta uống rượu cả.
- Thế thì, ông ta đã biết rất rõ điều mà ông ta làm hay sao?
- Tôi không muốn nói như thế. Đấy là một lời buộc tội rất nặng. Và theo ý tôi, nó sẽ không được chứng minh.
- Nhưng mà nó cần phải có một sự giải thích.
- Đấy đúng là ý kiến của tôi. Nhưng tôi không thấy được sự giải thích.
- Ông đã thấy Morley lần cuối cùng vào lúc nào? Morley còn sống, tất nhiên!
- Này... tất cả điều đó đã khá lâu lâu để trả lời cho một câu hỏi tương tự. Đấy là trước hôm ông ta chết, tôi tin như vậy. Buổi tối, vào bảy giờ kém mười lăm...
- Ông đã không thấy ông ta ngay hôm mà ông ta chết?
- Không.
Poirot nài nỉ:
- Ông có chắc không?
- Tôi không khẳng định gì cả.
- Nhưng theo tôi không phải thế. Ông đã không lên phòng ông ta vào lúc mười một giờ ba nhăm sao?... Có một người bệnh ngồi trong ghế bành...
- Ông nói đúng. Bây giờ tôi nhớ ra rồi. Tôi muốn hỏi ông ta một câu về phương tiện kỹ thuật, về vấn đề các dụng cụ mà tôi đang đặt mua. Nhà hàng đã yêu cầu tôi xác định qua điện thoại. Tôi chỉ ở lại với ông ta trong một phút và vì vậy mà tôi đã quên khuấy mất điều đó. Thực tế là ông ta đang săn sóc một người bệnh...
Poirot lắc đầu:
- Tôi có một câu hỏi khác mà tôi muốn hỏi ông đã từ lâu - ông tiếp tục nói - Một trong những người bệnh của ông, ông Raikes, đã ra đi, không quan tâm đến sự hẹn gặp của ông. Do sự việc đó, ông đã có nửa giờ nhàn rỗi. Ông đã dùng nó như thế nào?
- Như tôi đã luôn luôn làm trong trường hợp tương tự. Tôi tự làm một cốc rượu cốc tay. Tiếp sau đó là cú điện thoại ấy, đã đưa tôi lên chỗ ông Morley trong một phút.
- Tôi cũng tin rằng ông đã không có người bệnh từ mười hai giờ rưỡi trưa đến một giờ chiều sau khi ông Barnes ra về rồi. Thực tế, chính xác là ông ta rời ông vào giờ nào?
- Một chút xíu sau mười hai giờ rưỡi.
- Và lúc đó ông đã làm gì?
- Như trước! Tôi tự làm một cốc rượu cốc tay.
- Và ông trở lên lại gặp ông Morley?
Ông Reilly mỉm cười.
- Có phải ông muốn ám chỉ rằng tôi đã trèo lên trên đó để giết ông ta phải không? - Ông ta hỏi - Tôi đã nói với ông rằng là đã lâu, tôi không làm gì cả. Tôi nhắc lại điều đó, thừa nhận rằng ông buộc phải tin tôi chỉ dựa theo lời hứa.
- Và ông nghĩ gì về Agnès, cô gái hầu buồng?
Câu hỏi đã làm cho nha sĩ ngạc nhiên.
- Tại sao ông lại hỏi như vậy?
- Vì tôi muốn biết điều đó!
- Này. Tôi sẽ trả lời ông. Tôi không bao giờ quan tâm đến cô ta cả. Georgina đã quan tâm đến các người ở của cô ta. Về việc đó, cô ta hoàn toàn đúng!... Và tôi nói thêm rằng cô bé không bao giờ nhìn tôi, điều đó hình như chứng tỏ rằng cô ta thiếu sự quý mến.
- Theo tôi - Poirot nói - cô ta biết điều gì đó.
Poirot nhìn Reilly dò hỏi, ông này lắc đầu, vừa mỉm cười.
- Điều đó không nên hỏi ở tôi. Tôi không biết và tôi không thể giúp ông một tí gì cả.
Ông ta nhặt tiền thối lại ở trước mặt mình, chào Poirot, đi ra, miệng luôn luôn mỉm cười.
Chỉ còn lại cho Poirot là giải thích cho một người làm công. Rằng quyết định ấy đã làm bực mình, rằng sau khi suy nghĩ chín chắn, ông đã từ bỏ chuyến du lịch mà ông dự định tiến hành ở Thủ đô các nước phía Bắc.
II
Poirot lại tới viếng thăm ở Hampstead, bà Adams ngạc nhiên hỏi khi gặp lại ông. Mặc dầu đã được một ông thanh tra trưởng của Sở cảnh sát giới thiệu, coi như là một sự bảo lãnh đối với bà, bà ta xem Poirot như là "một người nước ngoài nhỏ bé, buồn cười” và ít coi trọng ông. Và bà ta chỉ yêu cầu nói chuyện với ông.
Thông tin ban đầu liên quan đến việc nhận dạng nạn nhân đã được các báo hàng ngày đăng tin như một bản tin giật gân, nhưng các phát hiện trong quá trình điều tra chỉ được công bố ít. Công chúng biết rằng cái xác chết của bà Chapman trước tiên được coi như là xác của cô Sainsbury Seale, nhưng thế là hết. Công chúng không biết rằng không những cô Sainsbury Seale chắc là nguời cuối cùng đã thấy bà Chapman tội nghiệp còn sống, mà cô ta còn rất có thể bị buộc tội giết người vào một ngày nào đó.
Bà Adams rất sung sướng khi được hay rằng cái xác tìm thấy ở trong căn hộ của bà Chapman không phải là xác của người bạn gái của bà và bà ta không tỏ ra nghi ngờ rằng những ngờ vực có thể đè nặng lên Mabelle Sainsbury Seale.
- Ông Poirot à, đối với tôi - bà nói - tôi có một niềm tin: đấy là chứng hay quên!
Poirot thừa nhận là rất đúng. Tiền lệ rất là nhiều. Bà Adams nhớ lại một trường hợp có quan hệ gần gũi với bà ta: một trong những chị em họ của bà đã được chữa khỏi sau những sự chăm sóc lâu dài và tốn kém. Tiếp sau đó, Poirot hỏi bà ta có bao giờ nghe cô Sainsbury Seale nói về bà Albert Chapman không?
Không, bà Adams không nhớ là người bạn gái của bà đã lúc nào nêu cái tên ấy lên trước mặt bà ta. Nhưng tất nhiên, cô Sainsbury Seale đã không nói với bà tất cả những người mà cô ta biết. Bà Chapman đấy là ai? Cảnh sát có biết ai đã giết bà ta không?
Poirot trả lời rằng đấy là một điều bí ẩn rồi hỏi bà Adams, ai đã giới thiệu Morley là nha sĩ cho cô Sainsbury Seale? Bà Adams không biết gì cả về vấn đề đó, riêng cá nhân bà thì do ông French ở phố Harley săn sóc và nếu Mabelle có yêu cầu bà chỉ cho cô địa chỉ một nha sĩ, thì bà đã cung cấp cho cô ta địa chỉ của ông French.
Poirot nói rằng thế thì rất có thể là chính bà Chapman đã giới thiệu ông Morley cho cô Sainsbury Seale. Bà Adams chia sẻ ý kiến đó. Vả chăng theo bà ta, hình như người ta phải nắm được tình hình ngay phòng của nha sĩ.
Poirot trả lời đã đã nghĩ tới điều đó. Cô Nevill, người mà ông đã hỏi, không nhớ được. Cô ta nhớ rất rõ bà Chapman, nhưng theo cô, hình như bà ta chưa bao giờ nói bóng gió trước mặt cô về cô Sainsbury Seale, một cái tên khá đặc biệt mà cô ta chắc chắn nhớ được.
Poirot tiếp tục hỏi. Bà Adams xác nhận rằng đúng là ở Ấn Độ bà ta đã làm quen với cô Sainsbury Seale, điều này đã dẫn đến việc Poirot hỏi bà xem bà có biết ở Ấn Độ cô Sainsbury Seale có gặp ông và bà Aliatair Blunt không?
- Tôi không tin - bà Adams trả lời - Đấy là ông chủ nhà băng lớn mà ông nói tới phải không? Cách đây vài năm, ông ta có đến Ấn Độ với bà vợ, nhưng tôi chắc - hoặc gần như chắc - rằng Mabelle không biết ông ta. Cô ta đã nói với tôi điều đó một cách chắc chắn.
Với một nụ cười tinh tế bà nói thêm:
- Alistair Blunt đã được Phó vương tiếp ở nhà, đấy là một nhân vật đáng kính, một trong những con người mà người ta thích nu đòi học làm sang một chút.
- Cô ta không bao giờ nói với bà về bà Alistair Blunt hay sao?
- Không bao giờ.
- Nếu cô ta là bạn thân của bà Blunt, hẳn là bà đã biết phải không?
- Chắc chắn! Gia đình Blunt thuộc vào giới mà cô ta không đi lại. Nhưng bạn bè của Mabelle là những người bình thường, những người như chúng ta...
Hercule Poirot nói quả quyết một cách lịch sự và bà Adams tiếp tục nói về Mabelle Sainsbury Seale, như nói về một người vừa mới chết. Bà ta nhắc lại việc tốt mà Mabelle đã làm, lòng tử tế và sự tận tâm của cô đối với những việc từ thiện.
Poirot nghe. Nhưng Japp đã nhấn mạnh điều đó. Mabelle Sainsbury Seale là "tất cả cái có xác thực". Cô ta đã sống ở Ấn Độ, đã đi học ở đấy, đã đi lại với người bản xứ. Người ta biết cô, coi cô là một người đáng kính, có hơi "làm phách" và đôi khi thiếu thông minh, nhưng đầy những ý định tốt và có cái gọi thích hợp là một tấm lòng vàng.
- Cô ta tiến hành tất cả những công việc một cách say sưa - bà Adams tiếp tục - cô ta luôn luôn bảo rằng mọi người đều không có lo xa và khó lay động. Cô ta đã phải vất vả nhiều để thuyết phục họ trợ cấp cho công việc từ thiện của cô. Thuế má nặng nề, giá sinh hoạt luôn luôn tăng, tiền quỹ góp mỗi năm mỗi ít đi. Tôi nhớ có một hôm cô ta nói với tôi rằng "khi người ta biết được cái điều mà tiền bạc có thể làm được, điều tốt mà nó có thể đem lại, thỉnh thoảng người ta có cảm giác - ít ra cũng là tôi - rằng người ta đã phạm một tội lỗi để chiếm lĩnh nó!...". Qua đó, ông Poirot, ông thấy cô ta có một sự nhiệt tâm biết mấy, cô ta đã hết lòng với những người mà cô ta muốn giúp đỡ.
Poirot hỏi câu chuyện đó nói vào lúc nào và được biết cách đây chừng ba tháng. Ông còn hỏi thêm vài câu hỏi nhỏ nữa không lý thú lắm, rồi rút lui, hết sức tư lự.
Ông nghĩ tới Mabelle Sainsbury Seale và cố gắng xác định hình thái của nhân vật. Đúng là một người đàn bà trung hậu, tử tế, hoạt bát, gây được sự thiện cảm và sự kính trọng. Một người đàn bà "tốt", thuộc nhóm những người đàn bà, như ông Barnes tin là như thế, rất có thể trở nên những kẻ phạm tội ác...
Cô ta đã trở về trên cùng một chiếc tàu với ông Amberiotis và có thể tin rằng cô ta đã ăn trưa với ông này ở Savoy. Cô ta đã bắt chuyện với Alistair Blunt, cho rằng biết ông này và đã là bạn thân của bà vợ ông. Đã hai lần cô ta đến ở căn hộ ở trạm nghỉ Vua Leopold, nơi đây sau này một cái xác chết đã được tìm thấy, mặc quần áo của cô ta và nằm gần một cái xắc cầm tay của cô, nhận dạng thi thể - ít ra cũng là bề ngoài - một cách rõ ràng.
Một cách hơi quá rõ ràng là khác!
Cô ta đã đột ngột biến mất khỏi khách sạn Glengowrite Court, sau cuộc nói chuyện với một sĩ quan cảnh sát.
Tất cả những sự kiện ấy có giải thích được theo lý thuyết do Poirot dàn dựng không?
Bây giờ thì ông tin chắc về điều đó.
III
Vừa ngẫm nghĩ, Poirot vừa đi bộ tới công viên Quan Nhiếp chính mà ông định tạt ngay qua một đoạn trước khi thuê taxi. Theo kinh nghiệm, ông biết chính xác cái lúc mà đôi giầy đẹp cửa ông bắt đầu làm ông đau và ông cho rằng ông còn có thể đi bộ một lúc nữa.
Đấy là một ngày hè đẹp và Poirot nhìn bằng con mắt độ lượng với các cô bảo mẫu và các cô dạy trẻ, mà các anh chàng thanh niên buông lời tán tỉnh, đang giám sát một cách lơ đễnh các cháu nhỏ mà các cô trông nom. Các con chó con sủa ăng ẳng, dự phần vào các trò chơi của thế giới tí hon đang nô đùa trên các lối đi và các bãi cỏ. Các cậu bé ném vào bể nước những chiếc tàu thuỷ nhỏ xíu.
Gần như dưới mỗi một cây cao, đều có một đôi. Poirot động lòng, rì rầm nói: "A! Tuổi trẻ!" và mỉm cười. Những cô gái London không thiếu lịch sự. Các bộ áo dài của họ không phải luôn luôn mốt nhất nhưng họ mặc ra dáng lắm. Ông đánh giá họ bằng mắt và hơi than phiền về họ một chút. Đâu là đường nét đẹp của thời xưa? Những hình dáng cân đối ấy người ta không thể nhìn mà không thán phục đã trở nên thế nào rồi?
Ông nhớ tới những người đàn bà mà ông biết. Và đặc biệt một người, một con người có một sắc đẹp lộng lẫy. Một con chim ở thiên đường, một ngôi sao vệ nữ...
Tất cả những cô bé ấy đều đẹp, nhưng không một ai xứng đáng để cởi dây giày cho bà bá tước Vera Rossakoff: một bà đại quý tộc Nga, quý tộc đến tận móng tay. Và ông cũng không quên một nữ đạo chích có tài năng số một - một kiểu cách thiên tài trong giới của bà ta.
Với một tiếng thở dài, Poirot đã đau lòng, rời khỏi giấc mơ cửa mình và trở về với cảnh tượng xung quanh ông. Các cô bảo mẫu trẻ không phải là những người duy nhất để cho người ta tán tỉnh dưới các bóng cây của công viên Quan Nhiếp chính. Ông thấy ở đằng kia, dưới một cây đoạn, một cái áo dài chỉ có thể từ Schirparelli đến và cô gái mặc cái áo đỏ đang được một anh thanh niên, người bảo hộ cho cô ta một cách nồng nhiệt ôm ghì chặt. Không nên đi về quá nhanh. Cô gái đẹp này ngờ vực điều đó chăng? Ông hy vọng cho cô...
Và trong khi ông nhìn cặp tình nhân, thì theo ông hình như hai cái hình bóng ấy có phần quen thuộc với ông.
Đích thị rồi, kia là Jane Olivera và nhà cách mạng trẻ của cô ta, nhập từ Hợp chủng quốc vào!
Sắc mặt ông thay đổi và sau một sự chần chừ ngắn, với con mắt nghiêm nghị và vẻ mặt dễ sợ, ông xông vào bãi cỏ để tới ngả mũ chào Jane Olivera.
- Chào cô - ông nói bằng tiếng Pháp.
Sự đi đến của ông tỏ ra không gây cho cô sự chán ghét nhưng Howard Raikes cũng không thử che giấu sự phật ý của mình.
- A! - Anh ta càu nhàu - lại là ông?
Jane Olivera lịch sự đáp lại Poirot:
- Chào ông, ông Poirot, ông luôn luôn xông vào chỗ chúng tôi một cách bất ngờ.
- Như một con rối ra khỏi một cái hộp - Raikes nói thêm, con mắt nổi giận của anh ta không buông con người bé nhỏ ấy.
- Tôi hi vọng rằng tôi không quấy rầy các bạn? - Poirot nói.
- Không một chút xíu nào cả - Jane Olivera tuyên bố, trong lúc bạn cô, vẻ mặt cau có hết sức tránh không nói.
- Các bạn đã tìm được một góc dễ chịu - Poirot lại nói.
- Nó dễ chịu trước đây - Howard Raikes tuôn ra.
Jane Olivera nhắc anh ta:
- Bình tĩnh, Howard. Anh cần phải học những phong cách lịch sự.
Với một nụ cười khẩy khó chịu, anh ta đáp lại:
- Để làm gì?
- Về lâu về dài, người ta thấy rằng chúng là có ích - Jane Olivera trả lời - Về phần em, còn thiếu một tí, nhưng không quantrọng đối với em! Trước hết, bởi vì em giàu có, sau nữa, em không xấu quá, và em có vài người bạn có thế lực, và cuối cùng bởi vì em không bị đau khổ do một trong những sự mất lòng tin tai hại ấy mà các thông báo trên các báo hàng ngày nói với chúng ta với nhiều vẻ thoả mãn. Tất cả những điều đó cho phép em gỡ được việc khó mà không cần phong cách lịch sự.
Raikes đứng dậy.
- Tôi không sẵn sàng để đùa bỡn - anh ta nói với giọng cụt ngủn - Cho phép tôi chào từ biệt.
Anh ta khẽ gật đầu chào Poirot và đi ra xa, cô gái hơi sững sờ, nhìn theo, không nhúc nhích, vẫn ngồi lại ở gốc cây, cằm đặt vào bàn tay.
- Chao ôi - Poirot nói - tục ngữ rất đúng khi nói rằng: “Khi người ta đang tán tỉnh cô, có người thứ ba tới thì đôi bạn sẽ ngừng lại”.
- “Khi người ta tán tỉnh cô”? Ông tin rằng thành ngữ đó là thích hợp hay sao?
- Trời ơi, thích hợp lắm chứ! Khi một người thanh niên hết sức chăm chút và hết sức ân cần đối với một cô gái trước khi hỏi cô làm vợ, không phải đấy là thành ngữ người ta thường dùng hay sao?
- Ông nói nhiều chuyện vui quá - ông Poirot ạ.
Poirot hát rầm rầm êm dịu:
- “Mười ba, mười bốn các cô gái được tán tỉnh... Hãy nhìn họ kìa! Họ không thiếu đâu”.
Cô đáp lại, chạm nọc:
- Chắc là ông muốn nói rằng tôi chỉ là một trong số những cô gái ấy.
Im lặng một lúc, rồi bằng một giọng khác, cô nói:
- Ông Poirot. Tôi muốn xin lỗi ông! Ngày hôm kia tôi đã nhầm. Tôi tưởng rằng ông đã xoay sở để được mời đến Exham nhằm mục đích duy nhất là trinh thám Howard. Sau đó, chú tôi đã nói với tôi rằng chính chú tôi đã mời ông đến ngay vì ông ta muốn yêu cầu ông làm rõ sự bí ẩn trong việc biến mất của cô Sainsbury Seale ấy! Có đúng thế không?
- Rất đúng.
- Cho nên tôi rất hối hận về những câu nói mà tôi đã nói ra tối hôm đó. Lý do xin lỗi duy nhất của tôi, đấy là hình dáng bề ngoài đã chống lại ông và ông đã có vẻ đến để theo dõi Howard và tôi.
- Và khi nào thì đấy là thật?... Tôi đã không làm chứng một cách trung thực đối với sự kiện mà ông Raiker đã dũng cảm cứu mạng chú cô khi ông ta nhảy xổ vào kẻ thù để không cho bắn phát thứ hai hay sao?
Cô ta mỉm cười.
- Ông Poirot, ông nói chuyện theo kiểu đó, thì không bao giờ người ta biết được là ông nói nghiêm túc hay không.
- Cô hãy tin rằng bây giờ tôi nói rất nghiêm túc đấy - ông trả lời trịnh trọng.
Bối rối, cô gái nói:
- Tại sao ông nhìn tôi như thế kia?... Người ta sẽ bảo rằng ông ái ngại cho tôi chăng?
- Thực tế, có thế, là tôi ái ngại cho cô. Vì cái việc mà tôi sẽ phải làm lát nữa.
- Thế thì, ông đừng làm.
- Chao ôi! Thưa cô, tôi không có sự lựa chọn.
Đôi mắt to của Jane nhìn một lúc lâu vào ông ta, rồi bằng một giọng ngập ngừng, cô gái hỏi:
- Người đàn bà ấy, ông đã tìm thấy chưa?
- Chúng ta hãy nói đúng hơn, là tôi biết bà ấy ở đâu.
- Chết rồi?
- Tôi không nói như vậy.
- Thế thì còn sống chăng?
- Tôi cũng không nói như vậy.
Cuối cùng cô thét lên, tức tối:
- Nhất thiết phải là trường hợp này hoặc trường hợp kia!
- Thực tế, không đơn giản như thế đâu!
- Tôi có cảm tưởng rằng ông thích phức tạp hóa vấn đề.
- Người ta đã nói điều đó về tôi.
Jane rùng mình.
- Thật lạ nhỉ - cô nói - Trời đẹp, trời nóng, ấy thế mà đùng một phát, tôi bắt đầu thấy lạnh.
- Có lẽ tốt hết là chúng ta đi một chút.
Ông giúp cô gái đứng dậy. Cô đứng yên, do dự rõ ràng về việc mà cô sắp làm.
- Ông Poirot - cô đột ngột nói - Howard muốn cưới tôi đấy. Không thông báo điều đó với ai cả. Anh ta nói một cách khác, rằng tôi sẽ không bao giờ là vợ anh ta cả, rằng tôi không dám, rằng tôi yếu đuối...
Bàn tay phải của cô ta đặt lên cẳng tay của Poirot mà cô nắm hết sức chặt.
- ông Poirot, tôi phải làm gì đây?
- Tại sao cô lại hỏi ý kiến của tôi. Cô còn có bố mẹ.
- Mẹ tôi ư? Nếu tôi chỉ đụng đến một từ về vấn đề đó, bà sẽ tập hợp và khích động cả nhà bằng những tiếng thét của bà. Chú Alistair ư? Chú ấy rất thận trọng và khôn ngoan một cách chán ngắt! Hình như tôi nghe chú nói: "Cháu còn có thì giờ, cháu thân yêu! Cần phải chắc chắn về điều mà người ta muốn. Cậu thanh niên ấy hơi đáng lo ngại đấy. Không nên vội giải quyết sự việc".
- Cô có nhiều bạn trai không?
- Tôi không có bạn. Tôi biết một đống người mà tôi uống và nhảy với họ, trao đổi với nhau những câu đối đáp ngớ ngẩn. Người đàn ông duy nhất thực sự "con người" mà chưa bao giờ tôi gặp đấy là Howard.
- Được! Nhưng tại sao cô hỏi tôi ý kiến?
Cô ta ngập ngừng một lúc và cuối cùng cô nói:
- Ông Poirot, có lẽ là vì tôi đọc được trên nét mặt của ông điều gì đó làm ông buồn, điều gì đó mà ông biết và sắp xảy ra. Tôi phải làm gì, ông Poirot?
Hercule Poirot chậm chạp lắc đầu.