Một Cõi Trịnh Công Sơn

Trường Kỳ

Docsach24.com

Ngòai anh em và người thân trong gia đình, có lẽ Khánh Ly là người gắn bó với Trịnh Công Sơn nhất. Chị đã coi Trịnh Công Sơn như một nửa đời sống của mình sau gần 40 năm gắn liền với những tác phẩm của người nghệ sĩ tài hoa.

Sang Montreal trong dịp gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm lễ cầu siêu cho người nhạc sĩ quá cố vào ngày 8 tháng Tư năm 2001, Khánh Ly đã dành cho người viết một cuộc nói chuyện đặc biệt, trong đó chị đã tỏ bày tâm sự của mình bằng tất cả xúc động sau cái chết của Trịnh Công

Sơn... Cuộc nói chuyện được diễn ra trên lầu nhà hàng La Famille Vietnameienne, góc đường St André và Duluth, do vợ chồng em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - bà Trịnh Vĩnh Tâm và ông Hoàng Tá Thích - khai thác từ nhiều năm qua, vào lúc 7 giờ 30 tối ngày 8 tháng Tư năm 2001. Phòng khách trên lầu nơi gia đình em gái Trịnh Công Sơn cư ngụ đã từng diễn ra những buổi họp mặt thân mật và ấm cúng giữa gia đình và bạn bè của Trịnh Công Sơn trong dịp ông sang Montreal thăm các em và cháu vào năm 1992. Một mình với Khánh Ly - nơi có trưng bày một tác phẩm hội họa của Trịnh Công Sơn - trong một bầu không khí ảm đạm, người viết đã được nghe những tâm sự của chị liên quan đến Trịnh Công Sơn, vốn là người mà chị coi là "gắn bó như một định mệnh". Dưới đây là những đoạn trích nguyên văn từ những câu trả lời của Khánh Ly trong buổi nói chuyện đặc biệt này, xen lẫn với những tiếng sụt sùi, nghẹn ngào trên một khuôn mặt đượm nét u buồn...

Trường Kỳ (TK) : Chị là một trong số những người ở hải ngoại biết được tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời sớm nhất. Cảm giác của chị khi nghe được tin ấy ra sao?

Khánh Ly (KL) : Tôi không biết là trong trường hợp những người khác, cảm giác của họ khi nhận được tin một người thân vừa đi xa như thế nào. Nhưng mà lúc đó thì tôi hoàn toàn như một người bị đông đá! Đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng và tôi ngồi sững người trên ghế cho đến khi tôi nghe tiếng chồng tôi khóc! Lúc đó tôi mới tỉnh lại, tôi nói với nhà tôi là "Anh Sơn đi rồi”.

TK: Sau đó?

KL: Sau đó, tôi được nói chuyện với anh Thích, em rể của anh Sơn... ở thành phố này, tôi muốn xác nhận tin đó là đúng hay chỉ là tin đồn. Tôi được xác nhận là điều đó đúng và chính anh Thích lúc đó cũng gần như là rơi vào một tình trạng như tôi. Có lẽ tôi là người đầu tiên liên lạc với anh Thích.

TK: Tôi được bạn bè bên Califonia cho biết chị đã phải vào bệnh viện cấp cứu sau khi nghe tin này...

KL: Tôi có ngã từ trên ghế xuống... Tôi cảm thấy tôi thở không được nữa. Đó là ngày hôm sau, sau khi tôi liên lạc về Sài Gòn. Nhà tôi có đưa tôi đi cấp cứu và tôi nằm đến chiều thì tôi đòi về. Vì tôi muốn ở nhà để chờ tin Sài Gòn. Thực sự mà nói, cho tới bây giờ là một tuần lễ đã qua tôi vẫn thấy dường như điều đó không phải là sự thật, tôi không nghĩ rằng đó là sự thật.

TK. Nhưng đúng là anh Sơn đã ra đi. ..

KL: Có lẽ là tôi phải mất một thời gian nữa, lâu lắm tôi mới có thể tin rằng, sự ra đi của anh Sơn là chuyện có thật. Những nỗi vui đến với tôi nhanh và tôi mau quên. Nhưng cái mất mát, cái đau buồn đến với tôi, thường thấm nhập vào tôi rất là chậm và càng ngày tôi càng nhận thức được nỗi đau, nỗi khổ của mình là sự thật. Nó không phải là giấc mơ nữa! Còn đến giờ phút này tôi vẫn như là người sống ở trong một cơn mơ, giống như là sự lặp lại của một ngày vào tháng Tư năm 1975. Đó là ngày 29 tháng Tư năm 1975 khi tôi rời Sài Gòn. Phải đến 15 năm sau khi rời xa Việt Nam tôi mới nhận thức được, tôi mới chịu nhìn nhận rằng là tôi đã thực sự ở xa Việt Nam.

TK. Trường hợp của anh Sơn đối với chị cũng như vậy?

KL: Tôi nghĩ là ông Trịnh Công Sơn đi xa, đi đâu đó một vài giờ đồng hồ, một vài ngày như ông thường đi ra quán nghệ sĩ mỗi buổi sáng để gặp các bạn bè của ông. Dẫu rằng ông chỉ ra đó, ông ngồi uống một ly trà rồi ông đi bộ về. Bây giờ tôi vẫn còn cái cảm giác đó là một lát nữa đây có thể là ông sẽ trở về. Tại vì ở thành phố này là nơi mà năm 1992 tôi được gặp ông. Cũng trong căn phòng này, chúng tôi đã quây quần với các em của ông, các cháu của ông, các bạn của ông. Chúng tôi đã ngồi đây rất hạnh phúc trong một khoảng thời gian mấy tháng trời. Và cũng có lúc ông đi ra ngoài quán cà phê ngồi để nhìn những người khách lạ đi qua đi lại. Bây giờ tôi cũng nghĩ rằng không có mặt ông ở đây chắc là ông đang còn ở một quán cà phê nào đó và ông sẽ trở về kịp bữa cơm tối nay.

TK. Chị đã gặp anh Sơn lần nào sau năm 1975?

KL: Lần đầu tiên tôi gặp ông Trịnh Công Sơn sau năm 1975 là năm 1988 tại Paris. Rồi đến năm 1992 thì tại Canada, tại đây. Đến năm 1997 tôi về với phái đoàn Nhật Bản và năm ngoái, tháng Năm, tôi cũng về với phái đoàn Nhật để hát cho một cuộn phim nói về một người ký giả Nhật đã chết ở Việt Nam. Và khi tìm được xác của anh thì trong túi của anh vẫn còn một cuốn cassette nhạc của ông Trịnh

Công Sơn do tôi hát. Trong suốt thời gian đó, sau những giờ làm việc với phái đoàn của Nhật, của hãng phim Nhật tôi dành hết thì giờ để được nói chuyện với ông Trịnh Công Sơn, được ngồi với ông và một số bạn bè như Lan Ngọc, như Hồng Vân, như anh Nguyễn ánh 9, anh Nguyễn Ngọc Thạch, thoáng gặp Cẩm Vân một lần. Và Hồng Vân, Lan Ngọc là những người bạn, những người em cũ; anh Nguyễn ánh 9 thì lại là người quá thân, một nhạc sĩ mà tôi rất là quý mến. Đồng thời tôi cũng được gặp Bảo Phúc. Bảo Phúc tập nhạc cho tôi tại nhà của anh Sơn. Và anh Sơn đã chỉ cho tôi hát bài “Đồng dao 2000" và bài “Tiến thoái lưỡng nan".

TK. Như vậy vào tháng Năm năm ngoái là lần cuối chị gặp anh Sơn?

KL: Dạ! Đó là lần cuối. Thật ra sau Tết tôi nghe tin anh Sơn nhập viện, tôi có dự định về thăm anh. Nhưng rồi chính tôi cũng lại không được khỏe cho nên tôi hoãn lại. Và đến khi tôi nghe anh Thích và chị Tâm từ Việt Nam về cho biết là tình hình sức khỏe anh Sơn đã khá tôi cũng mừng. Tôi cũng mừng và nghĩ rằng có thể là tôi thu xếp để từ giờ đến cuối năm về thăm anh. Nhưng không ngờ là chỉ có mấy ngày sau thì tôi được tin anh đã nhập viện và bị "coma".

TK: Được biết ở Việt Nam có tin cho là chị sẽ về dự lễ an táng anh Sơn?

KL: Tôi biết, có nhiều người e-mail cho tôi và ở bên úc cũng liên lạc cho tôi biết về tin đồn này. Nhưng tôi nghĩ là tôi về thì cũng chẳng còn được nhìn thấy anh. Mà nhiều khi sự có mặt của tôi cũng trở thành thừa thãi và cũng. .. chẳng có ích lợi gì cho ai? Cho nên ngày hôm nay tôi có mặt ở đây cùng với những người cháu của ông Trịnh Công Sơn và ông Hoàng Tá Thích là em rể của ông Trịnh Công Sơn để làm lễ cầu siêu cho ông Sơn thì cũng là một sự gặp gỡ, chia xẻ trong gia đình. Tôi nghĩ là về Việt Nam hay qua đây thì cũng giống nhau thôi!

TK. Nhưng thật sự trong thâm tâm chị có muốn về Việt Nam ngay sau khi nghe tin anh Sơn qua đời?

KL: Tôi rất muốn! Tôi rất muốn! Nhưng tôi suy nghĩ kỹ thì tôi thấy là tôi không nên về!

TK: Tại sao chị cho là chị không nên về, nghĩ sao khi nói câu đó?

KL: Bởi vì như tôi đã trình bày là tôi không được thấy mặt ông nữa... và... tôi cũng chẳng muốn cho ai thấy mặt tôi ở Việt Nam trong những giờ phút đó?

TK. Khi nói chuyện với chị sáng nay tại lễ cầu siêu cho anh Sơn, tôi có nghe chị nói giữa chị và anh Sơn có một sự liên hệ lạ lùng. Sự liên hệ chị cho là lạ lùng đó như thế nào?

KL: À cái sự liên hệ giữa ông Trịnh Công Sơn với tôi đã kéo dài một thời gian quá lâu. Một sự gắn bó định mệnh. Ông Trịnh Công Sơn có thể có những giây phút không nhớ đến tôi. Nhưng riêng tôi thì lúc nào tôi cũng nhớ đến ông. Bởi vì như tôi đã nói, ông là một nửa đời sống của tôi. Và ngay bây giờ khi tôi nói những lời này, thực sự tôi muốn thưa cùng tất cả là tôi không biết tôi còn hát nổi nữa hay không. Có thể tôi sẽ từ giã... bây giờ điều tôi mơ ước nhất là nếu tôi có thể tan biến đi ra khỏi cuộc đời này hoặc là tôi sẽ không thức dậy sau một đêm, sau một giấc ngủ thì có lẽ điều đó tốt cho tôi hơn!

TK: Như chị đã nói, Trịnh Công Sơn là nửa đời sống của chị, thì đó là một sự liên hệ về mặt tình cảm hay văn nghệ thuần túy hoặc là một sự liên hệ nào khác?

KL: Ông Trịnh Công Sơn và tôi có một mối liên hệ cao hơn, đẹp đẽ hơn, thánh thiện hơn là những tình cảm đời thường. Và vì tôi được gần ông Trịnh Công Sơn nhiều và tôi được ông cắt nghĩa rõ ràng những tác phẩm, nhạc phẩm của ông. Cho nên cảm nhận của tôi là mối liên hệ tình cảm đó phải vượt lên trên tất cả những tình cảm của đời thường. Bởi vì ông Trịnh Công Sơn, điều vĩ đại nhất, vĩ đại hơn cả những tác phẩm của ông là nhân cách, nhân phẩm của ông. Ông là người nhạc sĩ duy nhất đã sống trong đời sống này có một tấm lòng không có thù hận. Và phải hiểu những tác phẩm của ông thì mới có thể nói và yêu thương ông, nếu không hiểu những tác phẩm của ông thì tất cả những điều nói về ông có thể là sai, là không đúng sự thật! Trong lúc này thì thật ra tôi cũng xin phép là tôi không dám nói nhiều, nhưng tôi hy vọng trong cuốn sách tôi sẽ in trước khi tôi từ giã. Tôi sẽ xin được kể lại rất là thật thà, tất cả mọi chuyện từ khởi đầu cho đến kết thúc, quan hệ tình cảm giữa ông Trịnh Công Sơn và tôi. Còn bây giờ tôi xin phép cho tôi được giữ riêng một số những kỷ niệm rất riêng tư giữa chúng tôi.

TK: Khi nào sách sẽ phát hành và tựa đề là gì?

KL: Tôi dự định in cuốn sách đó trong năm 2000 vừa qua, nhưng tôi cũng chưa đủ phương tiện và tôi cũng cảm thấy có nhiều điều còn thiếu sót cho nên có lẽ là năm tới tôi hy vọng sẽ hoàn tất được cuốn sách đó. Và tôi đã lựa cho cuốn sách đó một cái tựa cách đây trên 10 năm là: "Đằng Sau Những Nụ Cười”.

TK: Chị vừa nhắc đến câu "trước khi tôi từ giã". Chị muốn nói lên điều gì qua câu đó?

KL: Thưa anh, thực sự ngay bây giờ khi tôi ngồi đây với anh, tôi không nghĩ là tôi có cất nổi tiếng hát nữa hay không. Và tôi cũng không biết là tôi còn sống tới ngày nào, tôi cũng không biết là tôi sẽ đi lúc nào nữa! Thành ra tất cả những cái gì mà tôi đã viết nếu còn dang dở thì cũng đành chịu thôi. Và nhà tôi sẽ là người cho in ấn cuốn sách đó với những điều còn dang dở. Cứ coi giống như là một câu chuyện nửa đường đứt gánh vậy thôi. Cũng như một đời người vậy! Tôi không thể nói chắc được bất cứ chuyện gì trong giây phút này.

TK. Là người hiểu rõ những tác phẩm của Trịnh Công Sơn, như chị nói, và chị cũng là người đã trình bày rất nhiều nhạc phẩm của anh Sơn. Đối với chị, chị yêu thích những nhạc phẩm nào nhất?

KL: Có nhiều người yêu những bản tình ca của ông Trịnh Công Sơn . Riêng tôi thì tôi thấy. .. tôi lại yêu những Ca Khúc Da Vàng hơn bởi vì nó lớn hơn tình ca. Tình ca ai viết cũng được, mỗi người viết theo cái cảm xúc của trái tim mình. Và trong những bản tình ca của ông Trịnh Công Sơn, ai cũng nhìn thấy mình ở trong đó, nhất là tôi? Luôn luôn tôi nhìn thấy tôi ở trong tất cả những bản tình ca của ông. Riêng Ca Khúc Da Vàng, tôi còn nhìn thấy cả một quê hương, cả những mơ ước, cả những đớn đau, thân phận của một dân tộc, mơ ước của cả một dân tộc về một nền hòa bình, về một sự thống nhất, một đất nước sau một cuộc nội chiến quá đau thương. Và đó là cái điều mà cả tôi, và tôi nghĩ rằng rất nhiều người, đều mơ ước được sống, được ở lại Việt Nam trong sự thống nhất một đất nước Việt Nam với tự do, với hạnh phúc thực sự.

TK. Anh Sơn đã sáng tác những nhạc phẩm nào dành riêng cho chị?

KL: Tôi nghĩ là cũng có... tôi nghĩ là cũng có! Anh Sơn cũng có nói với tôi. .. nói với tôi ở đây cùng với tất cả các anh em ở đây, đặc biệt nhất là bài "Rơi Lệ Ru Người" anh viết sau năm 1975 khi anh nghĩ là tôi đã chết trên biển Đông, và anh đã viết bài đó cho tôi. Rồi mãi đến năm 1990, 1991 anh mới tìm lại được bài hát đó và anh đã tập cho tôi khi anh qua đây năm 1992. Còn những bài khác thì bằng cách này và cách khác, chúng tôi có những cách nói với nhau mà không ai biết được, đó là cái cách nói mà không thành tiếng và chỉ nói bằng mắt mà thôi.

TK. Còn riêng về con người của Trịnh Công Sơn, chị có những nhận xét gì?

KL: Ông Trịnh Công Sơn là người nhạc sĩ duy nhất chỉ sống cho người mà không sống cho mình. Cái ông quan tâm đến là gia đình, là bạn bè, là anh em. Và trên hết là dân tộc, là quê hương. Có nghĩa ông là người Việt Nam và ông yêu quê hương, yêu Tổ quốc. Cho nên tôi đã nói ông ở lại Việt Nam là điều đúng. Và ông đã ở lại Việt Nam, ông đã sống những tháng ngày ở Việt Nam sau năm 1975 bằng cả một tấm lòng, một tấm lòng, một trái tim không nặng nề cho dẫu là có những đau đớn ông phải trải qua, có những nỗi oan ông phải gánh chịu. Và chính những điều đó khiến hình ảnh của ông lại càng trở nên vĩ đại hơn, lớn lao hơn trong trái tim của tôi, trong sự suy nghĩ của tôi.

TK. Có thể đây là một chi tiết nhiều người đã biết, tuy nhiên trong dịp này xin chị nhắc lại về trường hợp chị gặp anh Sơn?

KL: Cũng là tình cờ thôi! Tôi là người may mắn được gặp ông Trịnh Công Sơn năm 1964 và đến năm 1967 thì tôi bắt đầu được hát cùng với ông. Ông là hình, tôi là bóng. Và tôi đã được sống cùng với tên tuổi của ông từ năm 1967, nếu phải kể thì phải từ năm 1964 cho tới bây giờ.

TK: Và từ đó, nhờ anh Sơn chị mới có được thành công, mới tạo được tên tuổi?

KL: Từ ông Sơn cũng như tôi đã thưa nhiều lần là nhờ ông, mọi người mới biết đến tôi và tôi mới được sự thương yêu của mọi người, tôi mới thành nhân và mới thành danh. Do đó chẳng bao giờ tôi quên được lời ông dặn tôi là phải ráng sống với một tấm lòng, sống với mọi người bằng sự tử tế và hãy làm những điều gì tốt đẹp nhất cho Việt Nam, có nghĩa là cho quê hương của chúng tôi.

TK: Và chị đã luôn thực hành lời dặn này?

KL: Dĩ nhiên là tôi làm, tôi cố gắng trong khả năng. Dĩ nhiên là trong đời sống của một người tôi khó có thể nói rằng mình là một người hoàn hảo, không bao giờ làm một điều gì lầm lỗi. Nhưng kể từ ngày ra đời cho đến bây giờ, rồi từ lúc được biết ông Trịnh Công Sơn chưa bao giờ tôi phạm phải một cái lầm lỗi nào. Tôi chưa bao giờ làm cho ai phải đau đớn mà tôi cũng chưa bao giờ phụ lòng tin của ông

Trịnh Công Sơn là sống với mọi người bằng sự tử tế, bằng một tấm lòng mà ông Sơn đã dạy tôi. Từ những ngày tôi còn trẻ cho tới bây giờ, tôi nghĩ là tôi không làm cho ông Trịnh Công Sơn thất vọng, cũng như là ông Trịnh Công Sơn không hề phụ lại lòng yêu thương của những người đã thương yêu ông Sơn trong suốt mấy chục năm qua.

TK: Mọi người cho là nếu không có Trịnh Công Sơn sẽ không có Khánh Ly. Chị có cho nhận xét này là đúng?

KL: Tôi luôn luôn nói rằng nếu không có ông Trịnh Công Sơn thì sẽ không có tôi. Có thể tôi vẫn chỉ là một cái bóng mờ nào đó hoặc là tôi sẽ có một cái đường đi nó chật hẹp hơn. Do đó.., tôi luôn luôn nghĩ rằng tôi may mắn đã có được sự giúp đỡ, sự an ủi, dạy bảo, nâng đỡ của ông Trịnh Công Sơn. Và tôi không bao giờ quên cái ơn nghĩa này.

TK. Qua sự thành công của chị, có thể nói chị là một người may mắn?

KL: Tôi một người có rất nhiều may mắn, nhưng đồng thời cũng là một người có rất nhiều bất hạnh. Được may mắn nhiều và cũng đón nhận được nhiều bất hạnh. Tôi chịu nhiều cái tang trong đời sống, nhiều cái tang mà không bao giờ tôi quên. Và mỗi người đi thì để lại trong tim tôi một vết thương. Bây giờ trong trái tim của tôi chỉ còn một chỗ rất là nhỏ nhoi là còn nguyên vẹn. Và cái mảnh tim nguyên vẹn đó còn lại, tôi muốn xin để ghi nhớ ân tình của tất cả mọi khán thính giả ở khắp nơi đã yêu thương tôi, của các con tôi và của chồng tôi. Bởi vì một người giống như tôi khó có thể nào mà chịu đựng được quá nhiều bất hạnh như vậy trong cuộc sống. Những bất hạnh mà những may mắn khó đền bù nổi. Tôi tin là sẽ có người khi nghe tâm sự này của tôi sẽ hiểu những điều mà tôi nói là thật.

Những điều tôi nói đúng theo lời ông Trịnh Công Sơn dạy là sự tử tế tôi muốn gửi đến mọi người. Nếu tôi có đi xa thì cũng xin như một lời chia tay. Tôi cũng xin một giọt nước mắt của những người đã vì ông Trịnh Công Sơn mà yêu thương tôi.