Có người đi đến với cuộc đời và ngẫm nghĩ. Nếu đời sống vắng bóng âm nhạc và tiếng hát thì ta sẽ như thế nào đây? Ở đâu có con người, ở đó có tiếng hát. Trên mặt đất trần gian này tiếng hát nhắc nhở ta một điều giản dị: Tôi hát là tôi hiện hữu. Tôi tồn tại cũng có nghĩa là tôi sẽ mất đi. Tôi mất đi, nhưng tiếng hát còn ở lại. Ở lại như một chứng tích vừa buồn bã vừa huy hoàng của một cõi đời.
Tiếng hát thường làm nhớ nhung con người. Nhớ một con người là nhớ cả một trần gian. Cái thân thể mỹ miều của trần gian này nọ đã từng vạch ra những lối đi mờ ảo, hoang đường, trong bể dâu của cuộc sống. Thân thể ấy bỗng tự thân đã biến thành thánh địa cho cuộc chiêm ngưỡng tình yêu. Âm nhạc và tiếng hát ra đời để ca tụng một gót chân, một bàn tay, những môi, mắt, má, và đôi khi một mái tóc trầm hương và sau đó là nụ cười, nước mắt của một đời người.
Tiếng hát là con đẻ của thân xác. Từ thân xác bay lên những giai điệu và lời ca. Ca hát là để nhớ nhau và đôi lúc, để an ủi mình. An ủi một cái gì còn ở lại và than thở một điều gì đã ra đi.
Tất cả mọi điều sẽ qua đi, sẽ biến mất, nhưng tiếng hát, câu ca, một khi đã được khai sinh với ngày thôi nôi huy hoàng của nó thì sẽ ở lại với đời mãi mãi. Đó là một cuộc rong chơi ngậm ngùi của hữu hạn muốn chộp bắt cái vô hạn làm món quà thế chấp cho đời mình.
Thế giới âm Nhạc - Tháng 2/1996
Tin Vào Niềm Tuyệt Vọng
Tiếng nói thầm kín của một người nhiều khi suốt cuộc đời không thể nào bày tỏ. Có khi bày tỏ được thì cũng chỉ là những tiếng nói dở dang. Có người giấu bặt. Tôi chưa hề quên cái hiệu lệnh muôn đời: "Cái ta đáng ghét”. Tuy nhiên trong cuộc sống thường nhật nơi đây, ngoài những ngày hét la to đầy nộ khí, vẫn có những giây phút lui về muốn thở than. Phải chăng thở than cũng là niềm bí ẩn của con người.
Mỗi đời sống ẩn giấu một định mệnh. Có những định mệnh đời đời là cây kiếm sắc. Một đôi lần trong giấc mơ tôi, bừng lên những ánh thép đó. Nhưng tôi biết rõ rằng tôi chỉ là một loài chim nhỏ hót chơi trên đầu những ngọn lau.
Không ai muốn mình là kẻ tuyệt vọng. Nhưng tôi tự nguyện làm tên tuyệt vọng. Bởi nhiều khi sớm mai tôi thức dậy không thấy được hoa quả khai sinh trong trái tim người.
Tôi lại biết thêm rằng, dù là người chiến thắng hay chiến bại, suốt cuộc đời cũng không thể vui chơi. Hạnh phúc đã ngủ yên trong những ngăn kéo của quên lãng.
Tôi không bao giờ nhầm lẫn về sự khổ đau và hạnh phúc. Nhưng tôi thường rơi vào cơn hôn mê trước giấc ngủ. Ở biên giới đó tôi hoảng hốt thấy mình lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Những giây phút như thế vồ chụp lấy tôi mỗi đêm. Khi quanh tôi, mọi người đã ngủ yên. Và tôi đau đớn nhận ra rằng, có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh.
Mỗi ngày sống tới, mỗi ngày tôi thấy đời sống nhỏ nhắn thêm. Đời sống thật sự không tiềm ẩn điều gì mới lạ. Có lẽ vì thế, vì sự quen mặt mỗi lúc một gần gũi, thắm thiết hơn nên tôi càng thấy yêu mến cuộc đời. Như đứa con ngoan không tuyệt tình nổi với rẫy sắn nương khoai, nơi có bà mẹ suốt đời mắt không sáng nổi một ngày trẩy hội.
Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa. Tôi không muốn khuyến khích sự khổ hạnh, nhưng mỗi chúng ta hãy thử sống cùng một lúc vừa kẻ chiến thắng vừa kẻ chiến bại. Nỗi vinh nhục đã mang ta ra khỏi đời sống để đưa đến những đấu trường.
Tôi đang bắt đầu những ngày học tập mới. Tôi là đứa bé. Tôi là người bạn. Đôi khi tôi là người tình. Chúng tôi cùng học vẽ lại chân dung của nhân loại. Vẽ lại con tim khối óc. Trên những trang giấy tinh khôi chúng tôi không bao giờ còn thấy bóng dáng của những đường kiếm mưu đồ, những vết dao khắc nghiệt. Chúng tôi vẽ những đất đai, trên đó đời sống không còn bạo lực.
Như thế, với cuộc đời, tôi đã ôm một nỗi cuồng si bất tận. Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Đời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm.
Chúng ta đã đấu tranh. Đang đấu tranh. Và có thể còn đấu tranh lâu dài. Nhưng tranh đấu để giành lại quyền sống, để làm người chứ không phải để trở thành anh hùng hay làm người vĩ đại. Cõi người từ khước tước hiệu đó.
Chúng ta đã đấu tranh như một người trẻ tuổi và đã sống mệt mỏi như một kẻ già nua. Tôi đang muốn quên đi những trang triết lý, những luận điệu phỉnh phờ. Ở đó có hai con đường. Một con đường dẫn ta về ca tụng sự vinh quang của đời sống. Con đường còn lại dẫn về sự băng hoại.
Nhân loại, mỗi ngày, đang cố bày biện những tiệm tạp hóa mới. Đóng thêm nhiều kệ hàng. Người ta bán đủ loại: đói kém, chết chóc, thù hận, nô lệ, vong thân...
Những đấng tối cao, có lẽ đã ngủ quên cùng với chân lý.
Tôi đã mỏi dần với lòng tin. Chỉ còn lại niềm tin sau cùng. Tin vào niềm tuyệt vọng. Có nghĩa là tin vào chính mình. Tin vào cuộc đời vốn không thể khác.
Và như thế, tôi đang yêu thương cuộc đời bằng nỗi lòng của tên tuyệt vọng.
Sài Gòn, tháng 11-1992.
Bản Tình Ca ở Lại Với Ai?
Buổi sáng ở hội âm nhạc. Tôi đến hội như mọi ngày, ngồi ở toà soạn báo Sóng Nhạc, người bạn tôi nói: Trưa nay anh về nhà đi. Tôi hỏi: vì sao ông nói vậy. Có hôm nào mà tôi không về đâu. Có khi về sớm có khi trễ. Trễ vì những ly bia chưa cạn. Nhưng bao giờ cũng có về. Vả lại, có ai mà cứ đi mãi không về đâu. Có đi tất phải có về. Chắc chắn rồi sẽ có một lần về vĩnh viễn để mãi mãi không bao giờ còn ra đi nữa. Sống gửi thác về mà.
Vui thay, một tác phẩm nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, khi đã thực sự có mặt ở đời và đời nhận, là ra đi mãi mãi.
Có một người đàn bà, qua nhiều lá thư, có nhã ý tặng tôi trái tim. Hãy cứ cho đi và đừng đòi hỏi gì cả. Tôi đã nghĩ như thế.
Một tác phẩm âm nhạc đã dâng tặng đời cũng không đòi hỏi phải trả lại một điều gì cả.
Có những bản tình ca một thời tôi đã viết cho một người. Người ấy sẽ đi hết đời mình và biến mất. Tôi cũng sẽ biến mất.
Bản tình ca kia ở lại với ai?
Nhiều lá thư gửi về toà soạn báo Sóng Nhạc nói rằng: Chúng tôi không quan niệm nổi rằng đời sống mà có thể thiếu âm nhạc.
Âm nhạc cũng vậy, âm nhạc không thể tồn tại nếu vắng bóng con người.
Có một lá thư thiếu nữ trẻ trung viết cho tôi: Mỗi ngày nếu chịu khó nhìn lại phía sau trên đường đi đến hội âm nhạc tôi sẽ thấy một chiếc xe PC khác chạy theo. Thiếu nữ chỉ tiếc rằng cuộc vui đùa trẻ trung ấy không kéo dài được lâu nữa vì đã lớn rồi và phải lo toan nhiều chuyện khác?
Một bản tình ca nhiều khi đi theo suốt đường đời một con người cho đến tàn cơn mộng mị. Tiếc lắm thay!
Có một bạn đọc Sóng Nhạc hỏi tôi: Lòng tốt có làm thay đổi cuộc đời được không? Tôi nghĩ là có.
Âm nhạc cũng vậy. Nghe một bản nhạc hay, những lời ca đẹp, có thể tâm hồn con người sẽ thánh thiện hơn. Âm nhạc thánh thiện sẽ không bao giờ khơi dậy lòng độc ác.
Có những trái tim chỉ biết nuôi dưỡng lòng thù hận của quỷ dữ. Những trái tim gây hấn chỉ muốn bày ra những bữa tiệc đời bằng gai và đá nhọn. Những bữa ăn như thế đã làm khô héo dần thực phẩm trần gian.
May thay một bản tình ca chỉ có khả năng mang đến một nỗi thương nhớ khôn nguôi đối với Đời, Người.
Để Bắt Đầu Một Hồi ức
Viết hồi ký về đời mình là quyền của mỗi người. Ai cũng muốn ghi lại những kỷ niệm buồn, vui trong đời. Tuy nhiên vẫn có những hồi ký tự thuật và những tường trình về đời mình có tính cách thiếu khiêm tốn và thậm chí đôi khi không gần với sự thật lắm. Điều đó dễ dẫn ta đi vào một thứ trận đồ bát quái tâm linh. Không có thật. Tôi rất ngại nói về mình mặc dù đã có nhiều cơ sở xuất bản trong và ngoài nước đề nghị viết về một quá trình khá dài trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi. Cái Tôi đáng ghét (Le moi est haisable) nhưng cái Tôi cũng có lúc đáng yêu vì cái Tôi đó biết mình và cuộc đời là một. Tôi yêu cuộc đời và cuộc đời cũng đã yêu tôi. Đó là niềm an ủi lớn trong cuộc sống này. Vì thế trong lòng tôi không có giây phút nào nuôi lòng oán hận đối với cuộc đời. Dù có đôi khi nhân gian bạc đãi mình, và con người phụ rẫy mình nhưng cuộc đời rộng lớn quá và mỗi chúng ta chỉ là những hạt bụi nhỏ nhoi trong trần gian mà thôi. Giận hờn, trách móc mà làm gì bởi vì cuộc đời sẽ xóa hết những vết bầm trong tâm hồn chúng ta nếu lòng ta biết độ lượng. Ta biết tha thứ những điều nhỏ thì cuộc đời sẽ tha thứ cho ta những điều lớn hơn.
Ai cũng biết cuộc đời là quý vì vậy ai cũng muốn ôm lấy một cuộc đời. Như đôi tình nhân. Nhưng mà nợ trần không dễ, không dài. Rồi sẽ có phút chia lìa. Phút ấy không biết còn ai nhớ ai nữa không trên mặt đất trần gian này.
Tôi đến với âm nhạc có lẽ cũng vì tình yêu cuộc sống. Một phần cũng do một khúc quanh co nào đó của số phận. Thời trẻ tôi học võ và chơi những môn điền kinh. Sau một cơn bệnh nặng kéo dài hơn hai năm do tập Judo với người em trai và bỗng nhiên muốn bày tỏ một điều gì đó với cuộc đời. Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc những lời ru con của mẹ. Triết học Việt Nam có đó nhưng không được hệ thống hóa vì nó bàng bạc trong đời sống dân gian.
Tôi không bao giờ có tham vọng trở thành một người viết ca khúc nổi tiếng nhưng đời đã tặng cho tôi món quà ấy thì tôi không thể không nhận. Và khi đã nhận rồi thì mình phải có trách nhiệm đối với mọi người. Vì thế tôi đã cố gắng làm thế nào để có thể trong những bài hát của mình chuyên chở được một thông điệp của lòng nhân ái đến với mọi người.
Vì có tình yêu nên có âm nhạc. Vì có khổ đau nên có âm nhạc. Có hạnh phúc nên cũng có âm nhạc. Do đó khi tôi viết lên một bài hát ca tụng tình yêu, hạnh phúc hoặc than thở về một nỗi tuyệt vọng nào đó thì hình như tôi không mắc phải một lỗi lầm nào cả.
Thế giới âm nhạc - Tháng 1/1997
Kiếp Sau Tôi Vẫn Là Người Nghệ Sĩ ... (Trả lời phỏng vấn)
“Về Huế thảng ba. Trời đẹp. Ở Morin, nơi này xưa Charlie đã từng ở. Thấy vui vì Huế như được phục sinh... sẽ nhận của Hải 1000 viên táplô dự định xây nhà mới ở Huế".
Đó là những dòng chữ cuối cùng anh Sơn viết vào cuốn sổ tay của tôi vào ngày 27/3/1998 trong lần cuối cùng anh trở lại Huế. Giờ đây, Charlie Chaplin đã đi xa 22 năm và anh Sơn cũng vừa bước qua bóng mình và giờ này có lẽ anh đang miên viễn hoà âm nơi nào đó trong xanh như dòng Hương trôi về biển lớn vi vô, như anh từng ước ao rong chơi! Bất giác nhớ lại một vài lời với nhiều dự cảm và ước mơ của anh sơn về cái sống và cái chết trong cuộc phỏng vấn lịch sử- lịch sử bởi theo anh Sơn đây là lần phỏng vấn dài nhất trong đời mà anh đã dành và tôi đã có cách nay vừa tròn 3 năm về trước. Dưới đây chỉ là trích đoạn của cuộc phỏng vấn đó.
VCH: Ca khúc nào của anh đã có những điểm nhìn mới mẻ về thân phận con người, tình yêu cuộc sống, cái chết và sự giải thoát nếu nhìn từ phương diện triết học?
TCS: Một cõi đi về! Đây là một bài hát rất lạ, thực sự không dễ hiểu vì có những câu trong bài hát này bản thân tôi cũng thấy khó giải thích. Viết thì viết vậy nhưng để giải thích rõ ràng thì thật khó. Nhưng khi tôi gặp không ít người dù họ ít học, họ lại thích, hỏi họ có hiểu không thì họ trả lời không hiểu nhưng họ lại cảm nhận được có một cái gì đó ở bên trong nên khi nghe, khi hát lên thì có một điều gì đó chạm đến trái tim của mình. Tôi nghĩ trong nghệ thuật, điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim của mình đến trái tim của người mà không cần cắt nghĩa gì thêm.
VCH: Mở ra một con đường ngắn nhất từ trái tim mình đến trái tim người, nơi đâu là cõi đi cõi về khởi sự cho đoạn đường ngắn nhất ấy?
TCS: Một cõi đi về là ý đồ chính của bài hát, ai cũng có một cõi đi về. Từ hư vô người ta đến với cuộc sống và từ cuộc đời rong chơi một thời gian người ta lại trở về với hư vô. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng có cảm nhận rất lạ là sau khi nghe bài hát này anh không cảm thấy sợ chết nữa. Còn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì bỗng dưng hát Một cõi đi về khi cùng tôi đi trong nghĩa trang Ngự Bình viếng mộ ba tôi. Tôi cho điều ấy là đúng vì ai cũng có cõi đi cõi về giống nhau cả nên việc đến và đi tới cuộc đời rồi trở lại hư vô nó không còn hăm doạ con người, không xa lạ với mọi người.
VCH: Cuộc đời là một kiếp rong chơi như “hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi" giữa "ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì”. Mai sau anh mất rồi, liệu anh còn đủ sức rong chơi bên kia thế giới nữa không?
TCS: Ai cũng mơ ước có điều đó, tôi tin như vậy nếu mình biết được có một sự tiếp nối trong cuộc rong chơi đó. Có một sự tiếp nối ở một cõi, một thế giới khác thì chắc là vui! Và tôi nghĩ thật sự có một cõi nào đó khác với cõi đời này thì tất cả mọi người đều hy vọng được rong chơi mãi mãi.
VCH: Âm nhạc của anh, nếu tách từng trường đoạn thì rất giản dị giống với những khúc dân ca nhưng nếu xâu chuỗi lại thì nó đang âm hưởng của những bản Thiền ca. Để có không khí Thiền ca đó phải chăng là do Huế và Khánh Ly làm nên?
TCS. Có thể là đúng ở chỗ địa lý theo tôi rất quan trọng. Tâm hồn của mình ít nhiều nhờ một vùng đất đặc biệt nào đó nuôi dưỡng, nó phả vào tâm hồn một điều rất lạ và độc đáo. Ấy nên có những giọng nói khác nhau ở mỗi vùng, thực sự trong âm nhạc và nghệ thuật cũng vậy. Có nhiều người than phiền và trách tôi là tại sao tôi ở Huế mà không viết gì về Huế cả. Tôi nói tất cả những bài hát của tôi đều viết về Huế. Thường như bài hát Nhớ mùa thu Hà Nội, mình không phải là người Hà Nội nên phải dùng từ "Hà Nội" để người ta biết mình viết về vùng đất đó như những người không phải là đứa con của Huế thì hay dùng từ "Huế" rất nhiều trong ca khúc của họ. Tôi không nói "Huế" nhưng tất cả các bài hát của mình đều là “Huế"cả. Ví như ở Huế có "đường Âm hồn” mà từ trên thế giới này không nơi nào có được chứ đừng nói ở Việt Nam và mình đã viết (Sơn dừng lại, vừa giải thích vừa hát bằng giọng hát của người bị ốm ): "đêm nghe gió than hoài, đêm nghe đất trở mình vì mưa". Mưa Huế dễ sợ lắm, mưa có thể xáo trộn mọi trật tự đời thường. “đêm nghe gió thở dài, đêm nghe tiếng khóc của bào thai". Chỉ có đường âm hồn mới có những hồn thai với những ngọn đèn leo lét trong am miếu như "nghe trong tiếng thở dài, nghe lăng miếu trùng vây, nghe xa cách cuộc đời, nghe lăng miếu cạnh đây". Chỉ có Huế mới có lăng miếu, chỉ có Huế mới có tiếng thở dài rất buông trùm xa xôi. Tất cả những điều đó đều là Huế vậy cần gì phải nhắc đến từ “Huế” nữa! Thậm chí Một cõi đi về cũng là Huế chứ không thể ở chỗ khác mà viết được.
Còn ca sỹ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly. Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sỹ nào ngoài
Khánh Ly. Tôi đã mời Khánh Ly hát và rõ ràng giọng hát của Khánh Ly rất hợp với những bài hát của mình. Từ lúc đó Khánh Ly chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người khác nữa. Đó cũng là lý do cho phép mình tập trung viết cho giọng hát đó và từ đó Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly.
VCH: Tôi nghĩ, nghệ sỹ bao giờ cũng có một nỗi ám ảnh nào đó rất sâu sắc trong cuộc đời, nó xem như bệ phóng của sự sáng tạo...?
TCS: Nỗi ám ảnh lởn nhất, đeo đẳng tôi từ thuở còn nhỏ cho đến sau này vẫn luôn luôn bị ám ảnh là cái chết. Sự sống và sự chết trở thành một vấn đề lớn trong đời sống tinh thần của tôi. Có lẽ suy cho cùng từ đâu mà ra cái suy nghĩ đó là do tôi quá yêu cuộc sống, sợ mất nó. Mất mát một cái gì đó mà mình từng có trong cuộc đời, đã từng đi qua và đã từng tìm thấy như tình yêu, như cái gì đẹp nhất của cuộc sống sợ ngày nào sẽ mất đi. Sự mất mát và cái chết là nỗi ám ảnh lớn nhất đời tôi.
VCH: Anh Sơn, xem ra Huế là nơi gần gũi với cái chết nhưng anh lại trở về Huế và ước mong được nằm thanh thản với Huế. Có lẽ Huế vừa là nơi gần gũi cái chết và cũng là nơi gần gũi với sự giải thoát?
TCS: Đúng rồi! Chỗ nào sinh ra cái chết thì nó cũng sinh ra cái sống. Mình nghĩ đây là thời kỳ phục sinh, Huế được “sống lại", sống bền bỉ thì tốt biết bao nhiêu? Bởi vì một thành phố “sống lại" tất cả những gì, ai ở trong thành phố đó hoặc những ngành nghề nghệ thuật có cơ hội sống lại.
VCH: Anh cảm nhận cái chết ra sao sau lần bị bạo bệnh này?
TCS: Nói về cái chết thì cũng hơi lạ. Mình vừa thoát khỏi nó. Hôn mê suốt một ngày, thở bằng oxy nhưng đến lúc tỉnh dậy mọi người bảo ghi chép lại cảm tưởng nhưng thật sự trước và tới lúc hôn mê, mình nhìn thấy bạn bè, mình nói rất nhiều về những chuyện cũ cho đến lúc quên hết. Khi bình phục người ta rất hân hoan còn mình thấy đó là một giấc ngủ an nhiên. Có thể sự thản nhiên này làm mọi người thất vọng. Mình không thấy xa lạ sau khi từ cõi chết trở về. Không hiểu đây là trường hợp cá biệt hay không. Đối với mình, biên giới giữa cái chết và cái sống hình như chỉ là một sợi tóc mong manh. Cái chết và cái sống chắc gần gũi lắm, giống như trong lúc sống mà ngủ quên một tý là trở thành cái chết đến khi thức dậy lại trở thành cái sống. Nó là hai mặt của đời sống, mình có thể chết lúc nào cũng được. Cái quan trọng nhất là không thấy buồn trong lúc sống nên khi từ cõi chết trở về mình thấy yêu đời sống hơn trước, dè dặt trong cách đối xử nên tốt với cuộc sống này hơn để khi chết được yên tâm, không thắc mắc gì cả. Một cái chết như vậy cũng giống như cái sống. Nó không khác gì hơn?
VCH: Nghĩa là giữa chết và sống có một sự tiếp nối?
TCS: Chắc là có một sự tiếp nối bằng cách này hay cách nọ. Hoặc là nó miên viễn trôi đi biền biệt giống như sông nước. Cái sống và cái chết hoà lẫn vào nhau và trở thành một thực tại khác. Sống chết đến mức độ nào đó trở thành một thực tại nằm ngoài sự kiểm soát của ý muốn con người.
VCH: Anh có bao giờ hình dung ra thân xác và tâm hồn mình lúc ở bờ bên kia?
TCS: Chưa. Tại do lười biếng mà ra. Mình không bao giờ chuẩn bị trước cho mình cái gì cả cho những ngày sắp tới như thể khi về Huế là cứ bỏ đồ đạc vào là đi thôi.
VCH: Anh Sơn tại sao chúng ta cứ say sưa về cái chết thế nhỉ?
TCS: Quan tâm đến cái chết là vì một trong những lý do là đời sống quá nhiều bất trắc hoặc rơi vào những cạm bẩy của sự thất vọng nên người ta nghĩ đến cái chết nhiều. Nhưng cuối cùng, nghĩ đến cái chết nhiều là vì quá yêu cuộc sống. Mình không có quyền cho phép ai chết cả. Mình chỉ yêu nghệ thuật, cái gì thuộc phạm trù cái đẹp cái thiện thì tồn tại. Nhưng đó là cái riêng của mình chứ xã hội thì có cái xấu cái tốt, cái thiện cái ác, ai gieo gì gặt nấy. Mình không bao giờ lầm lỡ khi quyết định số phận mình. Ngay cả giải quyết số phận một ngọn cỏ cũng phải suy nghĩ, ngắt đi một bông hoa bên vệ đường cũng phải suy tư huống chi số phận con người quá lớn và chúng ta không có quyền quyết định số phận con người.
VCH: Nhưng cũng có người tự quyết định cái chết cho mình khi họ thấy chết là một sự thanh thản trong nhịp hò đưa linh thoát ra ngoài cõi ác thiện!
TCS: Chết là một sự trở về thì quá tốt trong lễ đón đầy hoa đầy quả. Khi đứa con hoang đi lạc trở về, làng xóm người ta cũng vui mừng. Có lẽ cũng có cha mẹ, làng mạc ở quê hương xa xưa đón chào. Như trong Quê nhà và lưu đày của A.Camus, sống là một sự lưu đày và chết là trở về. Với mình thì có một quê nhà khác. Những lúc mình buồn không hiểu vì sao mình buồn, có lẽ là nhớ quê nhà và quê nhà gần gũi nhất của mình là bào thai mẹ. Nằm trong bào thai đến hơn 9 tháng mới ra đời thì đôi lúc buồn nhớ là nhớ đến chỗ nằm trong bào thai đấy!
VCH: Thế nhưng A. Calmus lại có ý tưởng lạ lùng rằng ý nghĩ đầu tiên khi người ta sinh ra là tự tử!
TCS: Đó là thời kỳ của những xung đột lớn nhất trong đời sống hàng ngày. Người ta nói về phản kháng, tự tử. Phản kháng trở thành một model, ai mà không phản kháng thì không phải con người của thế kỷ 20! Có một thứ ngôn ngữ biện bạch cho quan niệm sống của mấy ông triết gia hiện sinh như A.Camus, J.P Sartre.
VCH: Trước ma lực ám ảnh của cái chết, anh có trở thành một người phản kháng theo điệu chơi của A. Camus trong đời sống hiện đại?
TCS: Có lẽ trong sâu xa của tâm hồn thì có một sự phản kháng triền miên, phản kháng theo kiểu âm thầm chứ không phải phản kháng theo kiểu nổi loạn đập phá. Bởi vì không thể đập phá được vì rằng đập phá thì tất cả những gì mình sợ mất mát sẽ chóng mất mát hơn. Có thể ở đây có một sự phản kháng tiềm tàng trong suy nghĩ.
VCH: Nghe nhạc anh, nhiều lúc thấy đó là một dòng hiện sinh âm ỉ, nồng nàn...
TCS: Hiện sinh chân chính đâu phải xấu. Mình cho rằng bậc thượng thừa của hiện sinh chính là ông Phật. Tại vì Phật dạy ta phải thức tỉnh trong từng sát na của cuộc sống. Như khi anh và Hải uống ly bia này thì chúng ta hãy tận hưởng một cách trọn vẹn sự sung sướng của ly bia. Hoặc giả khi mình đói, mình ăn cơm mình phải tập trung vào chén cơm và miệng mới ngon. Thực tình, khi con người mà thức tỉnh trong từng sát na một thì chủ nghĩa hiện sinh không là gì cả. Người này sống bình tĩnh trong trong từng sát na chứ không phải sống theo đời thường theo kiểu hiện sinh sống vội sống vàng.
VCH: Có ngày nào từ một cõi đi về , anh được phục sinh lúc ấy anh mơ ước anh là Sơn hay anh là ai, là ai...
TCS: Định mệnh cho phép mình được làm một người liên hệ mật thiết với nghệ thuật. Nếu có kiếp sau kiếp nào đi nữa thì mình cũng là người nghệ sỹ. Nghệ sỹ sống khoẻ, thoải mái trong cuộc đời này. Muốn yêu cỏ thì yêu cỏ, muốn yêu hoa thì yêu hoa. Tự do tự tại là con người của mình!
Văn Cấm Hải thực hiện
Huế 27/3/1998- 4/4/2001
Tôi Đã Tận Hưởng Những Tình Cảm Nhân Loại
(Trả Lời Phỏng Vấn)
°Gần đây, anh có giới thiệu với bạn đọc cô Michiko, người con gái Nhật Bản học đại học khoa tiếng Việt tại Paris đang soạn một luận án về nhạc Trịnh Công Sơn. Anh có thể cho biết kỹ hơn về người bạn trẻ đã nặng lòng với ngôn ngữ Việt Nam ấy?
Michiko là một người bạn gái có lối sống hay hay. Trước giải phóng tôi có quen một cô gái Nhật khác. Cô ấy là một thi sĩ tên là Mitsuko. Chỉ quen nhau qua thư từ và cô ấy yêu nhạc tôi. Sau giải phóng tôi cũng còn nhận được thư cho đến năm 1976. Cô gái viết trong một lá thư: Bây giờ là mùa đông ở Tokyo nhưng anh đừng ngại vì những bài hát của anh đã được em sưởi ấm trong đôi cánh tay, không ngại tuyết trắng làm giá băng đâu.
Michiko nói tiếng Việt được. Điều ấy cũng đủ làm chúng ta thích thú. Lại hát được tiếng Việt và đã hát hai lần tại Câu lạc bộ Bến Nghé do nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu phụ trách. Michiko thích thành phố chúng ta hơn Paris. Điều đó cũng làm chúng ta suy nghĩ.
Mỗi sáng chủ nhật lúc 9 giờ (3 giờ sáng tại Paris) tôi đều có điện thoại của Michiko gọi từ Paris về. Hỏi thăm sự ăn uống, ngủ hàng ngày và nói chuyện về những bài hát chuẩn bị cho luận án ra trường.
Michiko tự đệm đàn và hát trên piano hoặc guitare. Nhưng môn sở trường của Michiko là chơi volley-ball. Vô địch và huấn luyện cho sinh viên Việt Nam ở các trường đại học tại Paris. Đó là chuyện chơi. Việc làm chính của Michiko là thông dịch. Michiko biết và nói được 6 thứ tiếng. Dĩ nhiên tiếng Nhật là giỏi nhất, sau đó là tiếng Ý, Pháp và Việt. Nói thêm tiếng Anh và bút đàm bằng tiếng Trung Quốc.
Michiko viết thư cho tôi bằng tiếng Việt, chỉ có những đoạn diễn đạt hơi khó, cần rõ ràng mới viết bằng tiếng Pháp. Qua điện thoại cũng vậy, chúng tôi nói chuyện với nhau vừa tiếng Việt vừa tiếng Pháp. Nói chung Michiko là một người con gái đáng yêu và điều đáng yêu nhất là xem Việt Nam như quê hương của mình vậy.
°Kể từ cuộc triển lãm chung với các họa sĩ Đinh Cường, Tôn Thất Văn vào đầu năm nay, bạn đọc ít được nghe bản nhạc mới nào của anh, trong khi đó anh vẽ tranh rất nhiều và sắp triển lãm nữa. Vậy có phải anh dành hết thì giờ cho vẽ mà không viết nhạc, hay vì không viết được mà quay qua vẽ?
- Tôi có những ham muốn và những thích thú bất chợt. Khi thích vẽ thì vẽ, viết nhạc thì viết và có những lúc chỉ muốn viết văn hoặc làm thơ. Viết văn và làm thơ đối với tôi như thở vậy. Dễ dàng và cũng nhẹ nhàng như khói bốc lên. Vẽ và viết ca khúc thì khác. Viết ca khúc có lúc chỉ vài giờ là xong, có khi cả tuần, cả tháng. Vẽ đối với tôi là một niềm say mê đặc biệt. Vấn đề là phải tạo được một không khí cho riêng mình. Đã đụng màu vào toile là không dứt ra được, mầu này kêu gọi màu khác. Nét vẽ này đòi hỏi một nét tiếp theo như Hamarque có viết câu: Le vin appellelevin.
Thế là mất ngủ. Tôi đã vẽ từ rất lâu. Và cái niềm say mê vẽ thì nó cuốn hút mình như một con nước xoáy. Không thể ngừng, không thể dứt ra được. Đến 5 giờ sáng vẫn mở mắt nhìn vào toile để xem còn thêm bớt gì nữa không. Bố cục trong tranh cũng như bố cục trong âm nhạc vậy - nó chặt chẽ nhưng cũng có những khoảng tưởng như vụng về. Cái vụng về ấy là cố ý như cái răng khểnh hoặc nốt ruồi trên khuôn mặt đẹp.
Tôi và các bạn họa sĩ Đinh Cường, Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Tôn Thất Văn đang chuẩn bị một phòng tranh về chân dung. Riêng tôi đã có khoảng 16 bức cỡ tương đối lớn.
Có những chuyện đời nói bằng thơ văn, có lúc lại phải diễn đạt bằng ca khúc và cũng có lúc phải vẽ mới nói hết những điều mình mang đến cho anh em quanh cuộc sống của mình.
Bài hát năm nay của tôi chỉ cần nghe Lặng lẽ nơi này và Tình khúc Ơ bai là đủ. Viết nhiều, vẽ nhiều đâu có phải là lý do tồn tại của một tác phẩm.
°Sống ở đời lúc nào cũng cần có một tấm lòng, bài viết của Khánh Ly trong Tuần tin Thanh niên và được báo Tiền phong in lại vào số Tết 1989, đã gây ngạc nhiên và xúc động nhiều đối với bạn đọc. Riêng anh, đối tượng mà Khánh Ly nhắc đến trong bài viết, anh nghĩ như thế nào khi đọc bài đó?
- Trước tiên đó là một bài viết hay. Những câu nói âu yếm trong bài là dành cho một người khác đã chết rồi. Tôi và Khánh Ly chỉ là hai người bạn. Thương nhau vô cùng, trên tình bạn. Những gì tôi đã làm được cho Khánh Ly thì cũng là phù phiếm thôi. Có thể trong lòng Khánh Ly ngày trước có nhiều điều chưa nói được. Không nói được thì đành thôi vậy. Đời sống không đơn giản. Nếu cần một phút nói rất thật thì tôi nói rằng: Khánh Ly và tôi là hai người bạn lãng đãng trong cuộc đời mà rất thương yêu nhau.
Tôi có những người em gái cũng vậy. Yêu thương tôi hơn yêu chồng. Bởi lẽ tôi đã cố gắng mang đến trong cuộc sống ngắn ngủi của mình một tình cảm chân thật và nhân hậu. Mỗi người có đời sống riêng. Khánh Ly cũng vậy. Nhưng nhớ thương nhau vì sự đùm bọc lẫn nhau nâng nhau lên với một tình cảm phúc hậu, mà không mưu toan, thì hiếm. Chúng tôi đã có một thời chia xẻ cho nhau từng miếng ăn thức uống. Từ đó nảy sinh một thứ tình yêu không giống những tình yêu khác. Chúng tôi như hai đứa bạn trai. Nếu có điều gì chưa nói hết thì điều đó thuộc đời riêng của Khánh Ly. Có ai đủ can đảm phủ nhận một thời hạnh phúc mà trong đó Khánh Ly và tôi đã tận hưởng từ những tình cảm nhân loại nhất của mọi người.
Lữ Quỳnh thực hiện (Cửa sổ Văn hóa - Tháng 5/1989)