Một Cõi Trịnh Công Sơn

Nhật Ký Tuổi 30

Đây là một đoạn nhật ký Trịnh Công Sơn viết năm 1969, khi vừa tròn 30 tuổi, lúc anh đã có nhiều sáng tác được công chúng biết đến và yêu mến...

Vào đầu mùa xuân này tôi ba mươi tuổi chẵn. Câu nói đã xưa lặp lại mãi âm thầm trong trí tôi: "Tam thập nhi lập," Riêng tôi, chưa lập được gì cả.

Tôi đang ở trong một thành phố có những vết tích cổ xưa của đền đài thành quách. Bây giờ những thứ đó cũng không nói lên được điều gì. Thỉnh thoảng nhìn lại cũng có gợn lên trong lòng một chút buồn bâng quơ vậy thôi. Người ta chỉ còn chú ý đến những đổ nát quanh thành phố và ngay trên những đền đài đó. Có lần tôi cùng vài người bạn đưa một cô bạn từ xa đến, đi thăm những đền đài này, cô bạn thắc mắc hỏi sao người ta chưa lo sửa sang lại những nơi này. Người bạn tôi cười bảo: lo gì, cứ làm một cuộc cách mạng, lo cho mọi việc khác xong thì một trăm cái đền đài này xây cũng nổi. Đó là câu chuyện nhỏ của năm vừa qua, vào khoảng đầu mùa hạ. Bây giờ là mùa xuân của một năm mới. Mùa xuân mà tôi vừa đến tuổi ba mươi.

Tôi đã dự định sẽ tổ chức sinh nhật của mình thật lớn để mừng tuổi khởi đầu cho sự trưởng thành thật sự. Tôi có nói điều đó với mấy đứa em, cả với mẹ tôi nữa. Những đứa em gái có vẻ mừng, nhắc nhở luôn và chờ đợi. Chúng nó hỏi tôi tổ chức như thế nào, dọn ăn ra sao và mời những ai đến. Tôi cũng vẽ ra một không khí thật rực rỡ và bảo thôi chờ đến đó hẵng hay.

Ngày sinh nhật cuối cùng đã đến cùng với mùa xuân. Hàng cây trước nhà đã thay lá xanh nõn. Và tôi, cũng như những đứa em đã quên hẳn ngày sinh nhật vẽ ra từ năm ngoái. Hai ngày sau ngày sinh nhật, tôi nhận được một điện tín. Đó là điện tín của một người con gái dễ thương nhưng không yêu gửi về một lời chúc mừng sinh nhật.

Tôi đã bỏ một buổi chiều để nghĩ về ngày sinh của mình cách đây ba mươi năm. Làm sao còn nhớ được cái ngày khởi đầu cho một đời người xa heo hút như thế. Tôi thử kiểm điểm lại xem mình đã làm được gì. Tôi nhớ năm mười lăm tuổi có lần tôi đã mơ ước được đến tuổi hai mươi để làm người lớn, để được hút thuốc, được tự do đi chơi nơi này nơi nọ, được làm tất cả những gì mà với tuổi 15 tôi chưa có quyền làm.

Như thế mà đã 15 năm nữa. Tuổi mơ ước làm người lớn cũng đã đi qua. Đi qua với một số kỷ niệm buồn vui có khi không còn nhớ rõ.

Thời gian mơ ước được làm người lớn cũng là thời gian của mối tình đầu tiên. Cũng là thời gian đã được yêu và được nhìn người yêu mình đi lấy chồng. Cuộc tình duyên này không cân xứng về tuổi tác nhưng cân xứng về danh vọng và nhan sắc. Điều này đã trở thành cổ điển và không gây thêm được một chút ngạc nhiên nào trong xã hội nho nhỏ của thành phố. Tuy thế, riêng tôi là một thất vọng lớn không lường được. Sau đó là những mối tình khác nhưng tôi vẫn khó xóa được mặc cảm (tuy càng ngày càng mỏng dần trong tôi) đối với thành phố này.

Bây giờ tôi đã 30 tuổi.

Ba mươi cây nến không cây nào được đốt lên. Buổi chiều trong căn phòng chỉ còn lại mình tôi, những đứa em gái đã đi học. Một thằng em trai làm ăn ở xa. Một dứa khác đang hành quân trên đỉnh một ngọn núi cao mà có lần nó bảo là sương mù quanh năm lạnh lắm. Mẹ tôi thì sang phố từ sau bữa cơm trưa.

Tôi nhớ đến tên những thằng bạn thân, bây giờ mỗi đứa đang ăn, ngủ, nhậu hay hiểm nguy trên những địa thế khác nhau của mặt đất này. Ví dụ lúc này có thằng Tường° ở đây thì nó sẽ uống thật cạn một ly rượu và mang cái ly ra dòng sông bên cạnh nhà để vứt xuống. Không hiểu nó đã vứt được bao nhiêu cái ly xuống biển, xuống sông, xuống đèo cho những sinh nhật bạn bè. Đó cũng là một thói quen làm người khác dễ nhớ đến. Tất cả đều đã phiêu bạt. Như tôi cũng đã phiêu bạt.

Những lần quay về lại với căn nhà này tới luôn luôn mang cảm giác sự trở về của một đứa con đi hoang. Thời gian trở về bao giờ cũng là thời gian để nằm nghỉ và dưỡng sức. Như một con bệnh mệt mỏi, rã rời...

Tuổi trẻ chủ nhật, số 13/2001

(°) Hoàng Phủ Ngọc Tường