Nằm trong căn gác dìu hiu
Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
Trời mưa trời mưa không dứt
Ô hay mình vẫn cô liêu.
Có một nỗi buồn vừa hiện hữu, vừa mơ hồ ở đây, mưa xanh mang tiếng hát xanh cứ chảy mãi trong từng tiết tấu giai điệu của tâm hồn. Tâm hồn ấy muốn được sẻ chia. Trịnh Công Sơn hình như đã thấy sự an ủi với sức mạnh ghê gớm của ngôn từ với những lớp nghĩa ẩn dụ lớn lao, lắng vào hồn người những tâm huyết tình đời. Giữa tầm tã mưa Huế, tôi chợt nhòa đi giữa lớp nghĩa ngôn từ của Trịnh Công Sơn qua hàng loạt ca khúc của ông.
Trịnh Công Sơn từng cho rằng: "Tôi chỉ là tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên nhưng linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo". Và có những linh cảm được khơi gợi bằng những âm thanh, hình ảnh mưa qua ca khúc của Trịnh Công Sơn gắn liền với tâm trạng, gắn liền với những ký ức sâu thẳm. Và một khi đạt đến đỉnh cao của cảm xúc, tình cảm, mưa đã trở thành ám ảnh khôn nguôi, trở thành biểu trưng cho cái đẹp của thế giới tự nhiên. Từ ký ức ập về, mưa đã hóa thành tiếng nói thầm thì đầy đồng cảm với điệu hồn tác giả.
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa, reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu (Diễm xưa)
Không gian và thời gian quyện cùng nhau ở cùng một giai điệu, khoét thành chiều sâu tâm trạng. Cuốn theo giai điệu ấy, tiếng mưa Trịnh Công Sơn rơi theo từng cung bậc cảm xúc. Nhiều khi, ông day dứt chơi vơi vì một chuỗi hồi ức mưa sườn sượt, lê thê từ quá khứ.
Ngoài hiên mưa rơi rơi
Lòng ai như chơi vơi
Người ơi nước mắt hoen mi rồi.
Có thể bóng dáng một nàng Diễm của lòng ông chăng? Hay một nàng áo trắng cố đô chợt thoáng qua trong tưởng tượng của nhạc sĩ? Ca khúc đầu tiên này của ông mang một vẻ đẹp buồn, lãng mạn cũng vút lên từ giai điệu của những cơn mưa. Suy tư và chiêm nghiệm, mưa trong ca từ của ông được biến tấu qua nhiều hình ảnh sinh động, đồng thời là sự tái hiện ký ức ông thổn thức trước tình yêu lặng lẽ, âm thầm mà ngày mưa, tháng nắng ở đây vừa là chứng nhận vừa là hình thức để biểu đạt sự âm thầm, lặng lẽ đó.
Tôi đã yêu em bao ngày nắng
Tôi đã yêu em bao ngày mưa
Yêu em bên đời lặng lẽ (Trong nổi đau tình cờ)
Bởi vì, ông đã từng tiếc nuối, nhớ nhung một hình bóng xa vời: Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về... (Biển nhớ). Bởi vì, lời hẹn thề là những cơn mưa (Tình xa).
Nên cuối cùng còn lại chăng chỉ là nỗi khát khao vô tận, ước mơ giản dị nhưng suốt hành trình vẫn là mơ ước "xin là mưa bay trong vườn em mùa hạ"; vẫn là đợi chờ, khát vọng "mưa đòi cơn nắng/ nhặt trời lấp lánh trên cao vừa xa vừa gần" (Bốn mùa thay lá).
Mưa đã đi qua rồi trở lại bằng những vệt ưu tư hằn trên khuôn mặt cuộc đời như báo hiệu sự bất an trong tâm cảm. Vượt lên tất cả mọi giới hạn của không gian và thời gian, vượt lên cả mọi hữu hình để tan vào cõi vô biên, giàu tính triết luận về tình yêu, về cuộc đời là đặc trưng của ca từ Trịnh Công Sơn. Ở đây, cái riêng được diễn đạt hòa trong cái chung và ngược lại cái chung biểu đạt được cái riêng như Thái Sơn của sáng tạo mà nghệ sĩ vươn tới. Đã có không ít những cơn mưa tái hiện trong nhiều nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn, mưa như đã là đối tượng, đã là một trong những hình thức biểu đạt cảm xúc tác giả. Mưa và con người - không gian bao la và tâm trạng cụ thể gắn bó mật thiết.
Thực tế cho thấy, trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, mỗi một tác giả đều muốn tạo cho mình một mô-típ về hình ảnh. Với Trịnh Công Sơn, hình tượng mưa, hình tượng nắng cùng xuất hiện một lúc trong nhiều trường hợp. Có thể chứng minh điều này bằng một loại hình ảnh trong các ca khúc Nắng thủy linh, Biển nhớ, Tạ ơn, Phôi pha, Như cánh vạc bay...
Màu nắng hay là màu mắt em
Mùa thu mưa bay cho tay mềm,
Nhìn từng hôm nắng ngời
Nhìn từng khi mưa bay
Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em...
Đó là những hình ảnh chồng chất âm thanh sắc màu; thu hút vào đấy những nhịp điệu hồn cốt của cảm hứng như là nhánh thiên nhiên chảy mãi vào cảm xúc của Trịnh Công Sơn.
Không thể nghe ca khúc của ông một lần mà có thể cảm được nhận được, phần lớn các ca khúc của Trịnh Công Sơn không khép lại trong một kết luận cụ thể mà nó còn để ngỏ, dành cho sự liên tưởng, sự cảm nhận riêng của từng người nghe.
Tôi vẫn nhớ một câu thơ của nhà thơ Trần Dần:
“Mưa không cần phiên dịch". Thôi thì hãy để cho những cơn mưa của Trịnh Công Sơn dịch lấy bức thông điệp của mình...
Khi mà ông có khả năng "đánh thức cả trời mơ mộng tưởng chừng đã quá xa trong đời người"; khi mà "Trịnh Công Sơn trở thành người tình lãng du của nhiều thế hệ".