Đời cũng chỉ chừng ấy, quanh đi quẩn lại chẳng có món nào mới lạ: mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, lá rụng rồi chồi non, nước mưa hòa nước suối, tà áo bay bay trước khi mất hút, tình non đến lúc phải già, hạt bụi trở về hạt bụi...
Có ngờ đâu, trên con đường biến hóa, các sự vật thường ngày phải đi qua một trường vi ba cảm xúc của con người để phải chịu chấn động nhiều tầng và chảy chuyền qua những mạch ngầm của tình cảm khiến cho sự vật thoắt đâu trở thành lung linh, diễm ảo như chứa đựng hồn người.
“Từng ngày từng ngày nhớ ơn đời” (Còn thấy mặt người)
Trịnh Công Sơn là người không đành lòng chứng kiến sự vật trôi xuôi về hư vô. Anh cần phải yêu, bồng bột, say đắm.Anh cần vẫy gọi, mời mọc, nắm bắt, vồ vập. Anh cần ăn tham, uống cạn, thức chong. Như muốn đóng đinh sự vật lên từng nỗi đợi chờ, mong ước, mà anh sẵn sàng biến thành lời kinh.
Mỗi lúc là một cuộc hẹn mà anh muốn kéo dài thêm ra.
Anh tự trao cho mình mọi thứ quyền lực để bắt ép hoặc nài ép kéo dài tuổi thọ cho bao thứ "mong manh” giữa đời. “Tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ
Tạ ơn chim chiều hót cho cha" (Có nghe đời nghiêng)
Con người vốn hữu hạn, vô thường. Có cái gì của con người tránh khỏi mong manh, ngoại trừ ý lực lọt ra ngoài vòng sắc tướng?
Cho nên Trịnh Công Sơn thường trực hốt hoảng vội vã, thường trực nơm nớp bồn chồn, phân thân giữa cái "có” và “không", cái "được" và "mất". Mà cái có, cái được thì bọt bèo, mong manh, trong khi cái không, cái mất thì rợn ngợp.
Làm sao yêu được đầy đủ từng chiếc lá nõn nà ngọc bích đang túm tụm rún rẩy cùng nhau khúc khích trong yến sáng thủy tinh của mặt trời hồi sinh?
Nụ hồng đời, trong điều kiện ấy, làm sao yêu?
“Thành phố vẫn có những giấc mơ, vẫn sống thiết tha, vẫn lấp lánh hoa trên đường đi” (Em còn nhớ hay em đã quên).
Ngàn vạn nụ hồng lấp lánh trên đường đi, cũng như ngàn vạn nụ cười lách tách pháo hoa trên da trời, tạo thành đại tiệc đời: đâu là những gì ta ôm vào lòng, đâu là những gì ta cam đành rũ bỏ? Trịnh Công Sơn sẵn câu trả lời: nhất thiết ôm tất cả vào lòng. Hệ quả kéo theo rành rành: không thể nào kham. Trong tình cảnh bất kham vô bờ ấy, hy vọng của con người rất gần với tuyệt vọng.
Hình ảnh của con người đốt nến hai đầu. Chân ở nơi này, lòng ở nơi kia. "Thương một người” mà vẫn “nhớ mọi người”.
Người đẹp nào cũng đẹp một cách lập thể. Trịnh Công Sơn nhặt nhạnh từng phiến đẹp, gom góp từng phiến tài tình. Người yêu nào cũng có một cái gì đó vừa thừa vừa thiếu. Có người thừa yêu mà thiếu hờn. Có nồng mà không đượm. Bên ngoài bẽn lẽn nhưng bên trong không bịn rịn. Cho nên phải yêu vơ vào. Tình sẽ không đậu xuống yên chỗ ở nụ hồng này hay nụ hồng kia, mà dường như là ở giữa hai nụ hồng. Chính vị trí "ở giữa" này đã cứu vớt tình yêu khỏi sa lầy vào cưỡng bức, chiếm đoạt, mặt khác vừa mang tính “vì người khác" vừa làm tăng nỗi khao khát.
...“cần có một tiếng cười" (Để gió cuốn đi)
Anh dọn mình sẵn sàng cho một ngày: tươm tất, mát mẻ. Bỗng điện thoại reo. Vừa vồ lấy điện thoại, anh vừa tự hỏi: “Ai gọi sớm, hè?". Và lập tức: "Alô?". Tiếp đó, chỉ cần nhìn nét mặt anh hoặc chăm chăm bám vào ống nói hoặc cười khặc khẽo và tay rảy tàn thuốc lia lịa, là đoán được già nửa nội dung trao đổi. Tên của người đang ngồi quan sát anh điện thoại cũng được anh đưa vào ống nói để người ở đầu dây bên kia biết mà đi đến góp mặt. Máy tắt rồi, cuộc điện đàm được tiếp diễn bên cốc cà phê mãi cho đến khi người vừa điện thoại xuất hiện. Lại thêm lý do để tiếp tục câu chuyện. Có ai đó cần đứng lên ra đi. Anh chọn ngay: "Đi đâu? Nhớ trở lại ngay. Hay là tất cả chúng ta cùng đi?”
Anh không thích hình ảnh "bỏ đi", một phần sợ nó lây lan sang người khác, một phần sợ nó làm tan không khí tụ hội. Anh muốn gặp nhiều người khác nhau, nghe nhiều câu chuyện khác nhau. Ngồi nói chuyện ở đây mà trông anh như nhấp nhổm, mắt phóng ra xa, và cánh tay chốc chốc đưa lên vẫy chào ai đó thoáng thấy. Rồi buổi sáng mai nối vèo buổi trưa. “Thôi, về nhà mình ăn”, anh lên tiếng. Có ai đó dùng dằng, anh mở lời dụ khị: “Mình có chai rượu ngon". Thì giờ qua nhanh không ai hay. Sáng tiếp trưa, trưa tiếp chiều. Bạn bè có thấy anh đi vào phòng vệ sinh, nhưng sao có vẻ ở hơi lâu trong đó. Có người trông chừng về phía ấy, nhưng anh đã trở ra và lại còn tỉnh táo hơn vừa rồi. Ai đó tò mò thì sẽ thấy trên bao thuốc lá của anh có vạch cong queo một dòng nhạc mà anh vừa ghi xong ở trong phòng kín. Ngoài ra, chẳng ai thấy có gì thay đổi. Ít ai dè rằng bao thuốc ấy đã vầy được một cuộc gặp gỡ nối dài từ nhà ra đến phố, và cũng bao thuốc ấy đã vầy được một dòng nhạc mở đầu hay dòng nhạc chủ đề cho một ca khúc về sau, trong đó có hình ảnh ánh nắng ban mai và những con người ngồi lại với nhau.
“Và riêng tôi xin có một ngày ngồi thong dong trao đến mọi loài chút tình tôi" (Như tiếng thở dài)
Không có ai nhiều bạn bè, nhiều người yêu, nhiều người ái mộ cho bằng Trịnh Công Sơn.
“Một ngày bỗng thấy yêu thương mọi người” (Vẫn nhớ cuộc đời)
(Ngôi nhà của Sơn đã từng là nơi gặp gỡ vui vẻ của anh em, bạn bè, ngày nào cũng vậy, luôn luôn rang rảng cười nói và tiếng lanh canh chạm cốc với âm thanh ghi-ta. Chớ vội nghĩ rằng đó là không khí bù khú trà dư tửu hậu của một đám ham chơi, của bầy da du vô tích sự, hay của một phường phóng đãng. Không, đó là những buổi gặp gỡ có ích lợi thực sự cho những ai đang nặng lòng với sáng tác và quan tâm đến các vấn đề thời đại. Đó là những buổi bạn bè được nghe bài hát mới, được thưởng thức một tấm tranh chưa ráo, được nghe một bài thơ chờ góp ý).
Và không có ai cô đơn bằng Trịnh Công Sơn.
Cô đơn không phải là vì "từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ".
Cô đơn cũng không phải là vì "bạn bè rời xa chăn chiếu”.
Cô đơn vì bạn bè của anh hiểu anh và yêu thương anh vốn thật nhiều nhưng, trớ trêu thay, không thỏa đáng.
Cô đơn vì vẫn có những người vẽ rắn thêm chân vào lời phát biểu của anh, hoặc cố tình tìm ra những ngụ ý tưởng tượng trong thái độ của anh.
Anh trải lòng sống với đời nhưng còn có người hiểu anh thật quanh co. Anh tay bắt mặt mừng với nhiều người ư? Có người cho anh là giả dối. Anh vốn có tính nịnh đầm với phụ nữ, và luôn cả với em gái, thì có mấy chàng trai ngấp nghé không bằng lòng. Anh lên sân khấu có khi đút tay vào túi (để che đậy phần nào cái ống chân gầy gò của mình) thì vẫn có người cho đó là cử chỉ trịch thượng.
Những suy diễn theo chiều hướng ấy là những bóng mây đen phủ chụp xuống một ngày đẹp đẽ của trần gian mà trời đất hoài công trao tặng và hằn thêm vết nhăn lên vầng trán quang đãng của người nghệ sĩ.
Trong bao nhiêu hành động dồn tiếp, không mệt mỏi của anh, ta nhận ra ở anh những nỗ lực luôn luôn đổi mới để làm vừa lòng người khác
... “...muốn một lần tạ ơn với đời” (Như một lời chia tay)
Nói như thế không có nghĩa anh sẵn sàng thỏa hiệp để vừa lòng xã hội. Nhưng anh là người đầy thiện chí kết bạn rộng rãi. Người khác có nhiều lý do khác nhau để không bằng lòng anh. Gia đình, chẳng hạn, thường xuyên nhắc nhở anh chăm lo sức khỏe. Vài bạn trẻ trách anh quên bẵng một giờ hẹn. Một tổ chức văn nghệ không được anh đáp ứng lời mời tham gia. Anh có khi phải từ chối khéo một cuộc phỏng vấn, hoặc không thể trả lời thư cho một người hâm mộ... Bao nhiêu sự việc "làm mất lòng" ấy không làm anh yên tâm, hoặc xem nhẹ, và hễ có dịp thuận tiện, anh nghĩ đến việc đền bù. Anh không dửng dưng trước những biểu hiện tình cảm của người khác, dù biểu hiện ấy không hợp, không đúng, và xem đó là những món nợ tinh thần canh cánh bên lòng. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng... " (Để gió cuốn đi)
Anh đã được đi khắp nơi bằng xe tàu, "từ Bắc vô Nam" như anh đã ao ước, và còn xa hơn nữa, đi sang đến Liên Xô, Pháp, Canada... Đến đâu, anh chưa kịp chào hỏi, người ta đã biết anh rồi. Hiển nhiên ca khúc của anh đã đi xa bảy dặm, đến nơi trước anh và dọn đường cho anh. Anh thật sự xúc động và hạnh phúc trong những trường hợp như thế này, đặc biệt là những nơi lần đầu anh đặt chân tới (thí dụ như năm 1972 tại trường Bùi Thị Xuân Đà Lạt, năm 1974 tại Đại học Cộng đồng Duyên hải Nha Trang; năm 1989, tại Paris...). Những lần như thế này, rõ ràng anh quên ăn quên ngủ, muốn đứng dậy đi, luôn đặt mình vào tư thế tiếp xúc, trả lời và mỗi lúc phát biểu thoải mái, phóng khoáng. Trông anh thật yêu đời, chỉ còn muốn hát, tay cầm cây đàn, tay cầm cây bút hí hoáy một dòng nhạc vừa chớm nở, mắt tìm quanh một gương mặt quen biết và miệng sẵn chực mở lời gọi đến. Chung quanh anh xôn xao một vùng yêu sống tràn đầy tiếng cười, lời hẹn. ..
Cuộc sống bao la, kho đời vạn hộc...
Vậy mà biết bao nhiêu người dửng dưng với đời sống, nhìn vào đời sống chỉ thấy toàn những đồ vật vô tri, chỉ thấy những con người gây trắc trở cho đời mình.
Hoặc có những người nhìn đời như một cái chợ vĩ đại để cho mình quan hệ bằng mua bán nhưng sao cho bao nhiêu lợi nhuận đều trút về mình.
Lại có hạng người quen sống trong bóng tối, vùng vẫy thỏa thích trong những nguồn nước đục, sống bằng nghệ thuật khai thác, chiếm đoạt, và mọi tha nhân đều là nạn nhân, con mồi của mình, trực tiếp hay gián tiếp, không sớm thì muộn...
Cuộc đời đâu đến nỗi là một bức tranh toàn một màu đen trong đó con người một mực xâu xé nhau? Nó luôn luôn hai mặt, kề cạnh nhau, đi vào nhau, tùy con người mà biến màu, biến dạng.
Trịnh Công Sơn, bằng ca nhạc của mình, suốt đời chỉ muốn xua tan, đẩy lùi bóng tối.
Nhịp thở xã hội, cũng như nhịp thở của con người, không một phút ngừng nghỉ. Thiệt cho ai bỏ cuộc, đứng lọt ra ngoài vòng hoặc gõ nhầm cửa.
Đời sống nói thưa, chào hỏi liền tay. “Tôi chào vẫy mọi người” (Có những con đường)
Không chỉ chào hỏi con người mà thôi. Con mắt ghé nhìn bông hoa chớm nở cũng là một lời chào hỏi âm thầm, con người ngắm nhìn mặt trời ló dạng là một lời chào hỏi ngày lành. Ta ra khỏi giấc ngủ khác nào chết đi sống lại, ta mang một ý thức mới mẻ về đời sống, về sự sống lại của bản thân với nhịp tim thoát ra khỏi mê man và con mắt mở ra là- thoát khỏi con mắt nhắm nghiền.
Lời chào hỏi là khởi đầu của chung sống, một nhịp cầu đi đến với người khác.
Trịnh Công Sơn nhắn nhủ người đời chớ dè xẻn lời chào với nhau để khỏi phải ân hận nay mai giữa cái sống chết vô thường của đời người.