Tôi bước chân vào đất đai của nghệ thuật tương đối sớm. Từ tuổi mười ba mười bốn tuổi đã làm những lưỡi sóng liếm láp mạn thuyền văn nghệ. Trong huyết quản tôi có thể thời ấy đã luân lưu những lượng máu bất bình thường.
Sau một vài biến cố lớn của gia đình, tôi bắt đầu một cuộc sống riêng tư không phẳng lặng.
Và từ đó tôi rơi vào một cơn mộng mị triền miên.
Có một câu hỏi, với tôi, đã trở thành nỗi ám ảnh: Bài hát đầu tiên của anh là bài gì?
Câu hỏi buộc tôi phải trở về những năm tháng xa xôi.
Nhưng khi về đến nơi ấy, trong thời điểm ấy, thì vô tình tôi lạc mình về một quá khứ khác xa xăm hơn nữa. Và rồi tự hỏi: Cái đầu tiên ở nơi nào mà có và điều gì đã sinh thành ra cái đầu tiên kia?
Bài hát Ướt mi được Nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sài Gòn năm 1959, Thanh Thúy hát quanh những phòng trà và nổi tiếng. Thời ấy hình như Nguyễn ánh 9 đã có lúc đệm đàn piano cho Thanh Thúy hát. Thanh Thúy trở thành giọng hát liêu trai. Anh Nguyễn Văn Trung, giáo sư triết thời ấy ở Văn khoa cũng đã từng có bài viết về một tiếng hát liêu trai Thanh Thúy.
Thế thì, cố nhớ lại và tôi đã nhớ một lần nào đó, trong phòng trà, năm 1958, tôi thấy Thanh Thúy hát Giọt mưa thu và khóc. Bà mẹ Thanh Thúy dạo ấy lao phổi hằng đêm nằm hát Giọt mưa thu chờ Thúy về. Nhưng những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng manh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ...
Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống thành hình. Tôi e cũng đã từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia.
Rất nhiều bài hát đã được viết trước bài Ướt mi nhưng riêng bài Ướt mi thì tồn tại như một số phận của nó và của tôi. Hình như người Nhật rất thích nó vì dàn nhạc giao hưởng Nhật đã thu bài hát này. Riêng tôi không thích lắm.
Dù sao thì trong những năm 1959 - 1960 trong thành phố này nhiều người đã thích và hát.
Người ta có nhiều lý do để thích một bài hát đầu tiên của một tác giả để rồi không quên thắc mắc: Thế thì bài hát cuối cùng của anh là gì? Sẽ như thế nào? v.v...
Sự kết thúc của mọi câu chuyện đời đều không giống nhau. Tôi vẫn thường muốn trầm mình trong cái lẽ vô thủy vô chung nhưng người đời cứ thích níu kéo tôi về trong cái lề thói hữu hạn.
Trên đường băng chạy có cái đích để mình đến. Trong nghệ thuật thì khác. Cái cuối cùng cũng có thể là cái vô hạn và biết đâu, nó đã từng có trước thời hạn mà mình không ngờ.
Sự bất tử không có trước có sau mà thường nó nằm ở điểm mà mọi cơ duyên cùng hội tụ.
Tôi không hề có ý định viết bài hát cuối cùng bởi vì tôi nghĩ rằng thời điểm cuối cùng là điều mà mình không thể nào bắt gặp được. Nếu vì một lý do nào đó tôi buộc mình phải lên đường để viết những ý nghĩ cuối cùng của mình trong một ca khúc thì tôi tin rằng vào lúc đó tôi sẽ cố gắng cởi trói mình thoát khỏi mọi hệ lụy của đời để sống chứ không cần phải nói thêm một điều gì nữa.
Bài hát cuối cùng có lẽ sẽ chỉ mãi mãi là một giấc mơ. Một giấc mơ buồn thảm mà chúng ta cần phải quên đi để mọi thứ biên giới trong cuộc đời trở thành vô nghĩa và nó sẽ không còn tồn tại như một lời thách thức kiêu hãnh nữa.
Bài hát đầu tiên và bài hát cuối cùng, ngẫm ra cũng chỉ là những bọt bèo vô hình vô tướng. Chúng ta vui chơi với nó và chúng ta quên đi. Có kẻ gieo cầu có người nhặt được. Kẻ nhặt được không chắc là vui mãi. Kẻ không được cũng chẳng nên lấy đó làm điều.
Hơn ba mươi năm trước có một bài hát đầu tiên, như một trái cầu gieo, có chắc gì hạnh phúc? Không chắc gì hạnh phúc thì sao lại cần phải có bài hát cuối cùng?
Báo Lao Động, Xuân Tân Mùi, 1991