Người đầu tiên gọi điện báo cho tôi cái tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời lại là người đã từ lâu lắm chẳng hề ỏ ê gì đến tôi, một người mà tôi yêu thương và vì vậy cũng gây cho tôi nhiều đau đớn. Lạ lùng nhưng không ngạc nhiên. Bởi vì tôi biết giờ này trên nhiều miền đất nước, những người yêu nhau, đã yêu và nay vẫn đang yêu, đã yêu và nay không còn yêu nữa, những con người đó đang gọi điện cho nhau, viết thư cho nhau, email cho nhau, fax cho nhau, hay ít ra là gửi lên trời những ý nghĩ cho nhau.., nghĩa là đang tìm đến nhau bằng mọi thứ phương tiện và ngôn ngữ, để được chia sẻ cho nhau những tình yêu và nỗi đau to lớn trước sự ra đi của một con người mà từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong tình yêu và kỷ niệm của họ. Cuộc đời vẫn thế: yêu thương và đau đớn vốn là hai nửa của một trái tim. Cũng như tôi đây: chính vì trong hơn một phần tư thế kỷ vừa qua, tức là toàn bộ thời gian hậu chiến khi tôi được trở lại làm con người bình thường như muôn thuở, tôi đã đem lòng si mê âm nhạc Trịnh Công Sơn, thứ âm nhạc chắt ra từ cội nguồn sâu thẳm của hồn người, từ tinh chất của tình yêu như một thứ men say, để giờ đây khi nghe tin anh Sơn không còn nữa, tôi đã đau đớn tận đáy lòng, một nỗi đau giản dị và trần trụi, mang màu sắc hoàn toàn riêng tư đến nỗi tôi không muốn chia sẻ nó cho ai, tôi chỉ muốn đóng chặt lòng mình để mình tôi với hồn anh trong đó, ở đấy tôi có thể khóc anh mà không sợ bị ai quấy rầy...
Sơn ơi! Anh Sơn ơi? Anh hồn của anh Sơn ơi? Cái nửa thứ hai của hồn tôi ơi!... Tôi có một ngàn lời để nói về anh, một ngàn lời và hơn thế nữa, nhưng để làm gì kia chứ, trước âm nhạc của anh mọi ngôn từ khác đều lẽo đẽo chạy theo sau, thảm hại và nực cười. Tất cả về anh, tức cũng là về tôi, về tất cả chúng ta, âm nhạc của anh đã nói hết cả rồi, nói rất sâu và rất rộng, nói rất cao và rất hay, không thể thêm gì vào đấy nữa. Chỉ có cách là làm như anh, hát lên:
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt,
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về...
Cỏi đi về ấy giờ đây chỉ có đi mà không có về. Đã ngừng đập rồi một trái tim đắm đuối. Con chim họa mi kiêu hãnh đã ngừng hót. Người hát rong của thế kỷ hai mươi, người đứng cao hơn mọi thành kiến trên đời, người từ chối hận thù để ca hát yêu thương, người tôn vinh vẻ đẹp của nỗi buồn, người tình của mọi người tình, chàng Romeo cuối cùng. .. đã chết!
Còn nhớ có lần ở đâu đó anh Sơn đã viết: Người ta yêu tôi là yêu cái dòng sông chảy xiết ở tôi... Không thể đúng hơn. Anh là một dòng sông mênh mông, dào dạt và chảy xiết. Người đời lại nói: dòng sông âm nhạc của anh bao gồm ba nguồn mạch - nhạc phản chiến, nhạc về thân phận con người và những tình khúc. Nhưng bởi là dòng sông nên dù góp lại từ bao nhiêu nguồn mạch thì rốt cuộc cũng đều hoà làm một, đều có chung hướng chảy là tuôn về biển cả. Và dĩ nhiên, tất cả mọi nguồn mạch ấy đều bắt nguồn sâu xa từ trong lòng đất, nơi bắt đầu của mọi dòng sông. Lòng đất đó, với âm nhạc Trịnh Công Sơn, chính là Tình yêu.
Định mệnh đã bắt anh phải yêu thương.
Định mệnh lại trao vào tay anh cây đàn và chiếc bút.
Và thế là chúng ta có Trịnh Công Sơn, chúng ta có nhạc Trịnh.
Con người ấy sinh ra để mà yêu và từ yêu thương lại sinh ra tất cả. Bởi yêu thương con người - từng con người một, bé nhỏ và mong manh - mà dẫn đến yêu thương dân tộc, yêu thương nhân dân, và yêu thương cả nhân loại. Bởi yêu thương con người nên yêu thương cuộc sống, nên yêu thương và nâng giấc tình yêu, giấc mơ đẹp nhất của con người. Bởi yêu thương nên phải nhận vào mình quá nhiều đau đớn, những đớn đau làm cho hình hài tàn tạ nhưng tâm hồn thì trong suốt như pha lê. Còn căm thù thì sao? Chắc có người hỏi vậy. Có đấy, nhưng là thứ căm thù kiểu Trịnh Công Sơn, thứ căm thù vì quá yêu thương, thứ căm thù đầy khả năng thanh lọc, nó đứng cao hơn mọi thứ hận thù tầm thường như nghiệp chướng vốn chỉ gây ra những hận thù triền miên không dứt. Tôi vẫn nghĩ: Lúc yêu thương, Trịnh Công Sơn như đứa con yêu mẹ, đằm thắm, thiết tha và dịu dàng khôn xiết - nhưng khi căm giận, anh lại như người mẹ giận con, giận đấy, nhưng đau đớn nhiều hơn, tê tái vô cùng vì luôn thấy như chính mình có lỗi. Trước những xấu xa, tăm tối của đồng loại, con người này không tự đứng ngoài hay đứng cao hơn tất cả - có phải vì trong bản chất của nghệ thuật chân chính vốn đã mang thiện lương của con người, thứ thiện lương cao quý như phẩm chất của Chúa Trời. Xin hãy nghe:
Chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em
Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh
Chị vỗ tay hoan hô hoà bình
Người vỗ tay cho thêm nhịp nhàng
Người vỗ tay xa dần ăn năn...
Anh đã đi qua chiến tranh với thiện lương như thế. Tôi không biết như vậy là đúng hay sai, chỉ thấy hễ nghe là muốn khóc. Và dù có ai đó nói là đúng hay sai thì tôi cũng chưa thấy một người nào ghét bỏ hay chí ít là lườm nguýt gì anh. Ai có thể ghét bỏ một trái tim đang rỏ máu - nó đang rỏ máu vì chính các người đấy, hỡi con người. Quả thật, tôi gần như không thể viết tiếp được nữa, nước mắt đã nhoà hết cả rồi...
Tôi không phải là người dễ để cho người khác thấy mình khóc đâu. Trên đời này không bao giờ tôi khóc khi gặp những lừa lọc, phản trắc, những hận thù và cả thương đau... Tôi chỉ không thể cầm lòng khi chứng kiến những tình yêu cao thượng, những hy sinh và tha thứ, những đoàn tụ và bao dung... Và đó cũng lại là những điều tôi đọc được trong bản thông điệp mà nhạc Trịnh gửi đến cho tôi, cho tất cả chúng ta. Người gieo trồng trên cánh đồng nhân ái đã đi rồi. Đó là một cái chết đã được báo trước. Đau đớn, nhưng không thể khác. Mãi gần đây tôi còn hỏi một người bạn vừa ở Nam ra:
“Ông Sơn dạo này sức khoẻ thế nào?". Đáp: "Yếu lắm rồi". “Bệnh gì vậy?". Đáp: "Kiệt sức". Bao năm rồi hình ảnh Trịnh Công Sơn đã luôn như thể là một vị La Hán chùa Tây Phương. Trên thân mình anh, ngoài cặp kính là không thể gầy đi, còn tất cả đều như một quả cam đã vắt dần đến giọt nước cuối cùng. Bởi cũng bao năm rồi tấm thân gầy guộc ấy đã còng lưng dưới gánh nặng của một tình yêu quá tải, thứ tình yêu càng trao đi bao nhiêu lại nhận về gấp bội. Có lần tôi đã được nghe một cô gái tâm sự: chuyện tình của cô với anh chàng người yêu rất trắc trở, mười đêm gặp chín đêm liền cãi nhau, có lần cả năm trời họ không nói với nhau lời nào, nhưng cô vẫn không sao quên được anh và rốt cuộc họ lại về bên nhau, mà theo lời cô gái thì chỉ vì "ở anh ấy có một cái gì đó rất Trịnh Công Sơn!” Thế thôi. Người yêu thương lại nhận được thương yêu, lẽ đời công bằng và nhân hậu là thế.
Anh Sơn ơi, anh đã yêu thương đến cùng kiệt cả đời mình như ngọn nến đã cháy đến tận gốc. Bằng cách sống hết mình, anh đã chuẩn bị cho mình một cái chết cũng đúng là mình.
Suốt đời anh đã hát ru người khác ngủ và người khác chết, bây giờ xin một lần cho chúng tôi được làm việc ấy trước anh.
Hà Nội, 4-4-2001