Mộng Đời Bất Tuyệt

Còn đâu áo vải cờ đào

Giữa Địa Trung Hải, nghiêng về phía Đông, có một hòn đảo tên gọi Crete. Đảo Crete nằm ngang vĩ độ của các nước Tunesia, Algeria...thuộc Bắc Phi, quanh năm nắng ấm. Thế nhưng, Crete vẫn thuộc về châu Âu vì Crete là lãnh thổ của Hy Lạp, là hòn đảo cực Nam trong vô số đảo của Hy Lạp, quê hương của triết học và khoa học cổ đại phương Tây.

Nước Hy Lạp vốn đã có nhiều rừng ô-liu thì nắng ấm của Crete càng nuôi dưỡng thêm ô-liu trên các vùng núi non của đảo. Thế nên Crete được phủ bằng một màu xanh bạt ngàn với những cây ô-liu dáng vẻ cổ điển với thân cành khúc khuỷu mang đầy tính mỹ thuật của đất trời. Thiên nhiên thật đầy tính sáng tạo, nó sản sinh ra một thứ cây ô-liu mà khi già vỏ cây của chúng khô khốc nứt nẻ như sắp chết, nhưng cây vẫn mang trên mình những chiếc lá xanh tươi nhọn hoắt và nhất là mang đầy những trái. Hàng tỉ trái ô-liu nhỏ xíu đó cho một thứ dầu chứa đầy tinh lực, rất tốt cho sức khỏe và có khả năng chống bệnh tật, là nguồn thực phẩm bao đời cho các hiền nhân thời xa xưa đến các nông dân vẫn còn ngồi trên lưng lừa của thời đại ngày nay.

Là hòn đảo cực nam, Crete còn là một miền thiên nhiên của thứ cây trái nhiệt đới như chanh, cam, chà-là… Thế nhưng, điều làm dân Crete hãnh diện nhất là họ bắt đầu có rừng dừa, dù đó chỉ là một vùng nhỏ của cực đông hòn đảo, tại một vùng bờ biển mang tên Vaj. Khách đi đường đèo vài chục cây số đến đó sẽ chỉ thấy một bãi biền với cát mịn và rừng dừa. Tại Vaj, khách ngỡ ngàng vì không thấy những thứ quen thuộc như khách sạn, nhà hàng… được xây dựng vì Crete chỉ muốn nơi đây chỉ có cát trắng, nước xanh và rừng dừa. Nước biển màu nhung thẫm vì Crete ở đâu cũng sẵn nhưng cát trắng và mịn thì vắng bóng trên những bờ biển nhiều đá của đảo. Còn dừa thì chỉ một miền cực đông này mới có. Có ai từ phía Đông, từ châu Á từng mang dừa đến đây trồng trên đất nước Hy Lạp, hay gió phương Đông đã thổi đến đây?

Trên hòn đảo cực nam Crete có một thị trấn nằm phía cực Nam: Ierapetra. Do đo, Ierapetra được xem là thành phố cực Nam của châu Âu. Người châu Âu có óc hóm hỉnh và chút tò mò về lãnh thổ, họ lấy làm thú vị khi thấy điểm cực Nam của châu Âu còn "thấp" hơn cả Tehran của Iran hay Bắc Kinh của Trung Quốc. Thực thế, Ierapetra gần như một thành phố nhiệt đới. Giữa tháng 10 mà khách vẫn cảm được hơi nóng hừng hực của mặt trời và chờ đợi gió mát từ biển thổi vào. Thành phố Ierapetra ngày nay chỉ trên mười ngàn dân nhưng đón nhiều du khách vì có kẻ muốn đi ngủ xa để trốn lạnh khỏi những kinh thành đầy sương mù và tuyết giá như London, Berlin, nhưng vẫn còn trong địa phận châu Âu.

Với vị trí đặc biệt của mình, Ierapetra còn ghi dấu chân một nhân vật đặc biệt, một thiên tài quân sự: đại đế Napoleon Bonaparte (1769-1821). Chàng sĩ quan trẻ tuổi Napoleon vốn là dân đảo Corse, xuất thân từ một dòng họ bình thường. Được theo học một trường quân sự, chàng sớm trở thành nhà lãnh đạo tài ba. Mới 24 tuổi Napoleon đã mang hàm cấp tướng. Những năm cuối thế kỷ thứ 18, Napoleon đem quân đánh thắng Hà Lan, Áo trên chiến trường Bắc Ý. Thời đó Pháp muốn xâm chiếm cả nước Anh nhưng cuối cùng họ đánh chiếm Ai Cập để hạn chế ảnh hưởng của đế quốc Anh tại phương Đông, sau đó tiến chiếm Ấn Độ, vốn là thuộc địa của Anh.

Napoleon, lúc đó mới 29 tuổi, được cử làm lãnh đạo cuộc viễn chinh. Ngày 19-5-1798, Napoleon huy động khoảng 30.000 quân và hàng trăm tàu chiến, lên đường vượt Địa Trung Hải. Quân Anh biết lực lượng hải quân Pháp ra trận nhưng không biết họ sẽ đánh vào đâu. Ngày 26-6, Napoleon bí mật đến Ierapetra và ngủ một đêm tại đó. Ngày hôm sau người ta khám phá tiền bạc và một lá thư"xác nhận" nằm dưới gối, lúc đó người khách lạ đã lênh đênh trên biển, hướng về thành phố Alexandria, cực Bắc của Ai Cập. Ngôi nhà mà Napoleon đã tá túc về sau được gọi là "Ngôi nhà Napoleon", ngày nay vẫn còn được giữ gìn cẩn thận.

Thời đại của Napoleon cũng là thời hoàng kim của một thiên tài quân sự khác ở phương Đông. Đó là một người Việt Nam mang tên Nguyễn Huệ.

Như nhiều lãnh tụ kiệt xuất trong lịch sử thế giới, Nguyễn Huệ cũng xuất thân từ một dòng dõi bình thường. Tổ tiên ông bị di dân từ Nghệ An vào Quy Nhơn khai hoang, đến một huyện có tên Tây Sơn. Nguyễn Huệ sinh năm 1753, lớn lên trong không khí sôi động của những tháng ngày khởi nghĩa chống cường quyền. Năm 1771 Tây Sơn vùng dậy, chàng trai 18 tuổi Nguyễn Huệ bắt đầu phát huy tài năng quân sự của mình. Năm 1777, Nguyễn Huệ đem quân vào Nam tiêu diệt quân chúa Nguyễn. Tám năm sau, Nguyễn Huệ lại vào Nam chặn đứng đạo quân Chămpa, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Mùa thu năm 1788, dưới triều vua Càn Long, quân Thanh tiến chiếm kinh thành Thăng Long, đe dọa nền độc lập của đất nước. Ngày 22-12-1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu Quang Trung. Ông tập hợp binh sĩ, làm lễ tế trời đất tại núi Bân ở Phú Xuân và xuất quân đánh quân Thanh. Khoảng 10 ngày sau, Quang Trung Nguyễn Huệ giải phóng Thăng Long, đó là ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu. Đây là một chiến thắng thần tốc nhất và cũng rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam. Đời sau cho rằng Quang Trung là "anh hùng dân tộc vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 18".

Không chỉ xuất sắc trong binh nghiệp, Nguyễn Huệ cũng biết chiêu hiền đãi sĩ, xây dựng đất nước. Công chúa Ngọc Hân có thơ ca ngợi ông:

Mà nay áo vải cờ đào

Giúp dân dựng nước xiết bao công trình.

Di tích để lại đáng chú ý là núi Bân, nơi xuất phát sự nghiệp quân sự lừng lẫy của Nguyễn Huệ. Hơn hai trăm năm sau, một đứa cháu chắt lạc loài của Nguyễn Huệ bỗng nhớ đến núi Bân khi đứng trước ngôi nhà Napoleon tại Ierapetra, vốn cũng là chốn dừng chân cuối cùng của vị danh tướng người Pháp trước khi lên đường đi đánh Ai Cập. Hai thiên tài quân sự cùng sống trong một thời đại, cùng phát huy tài năng của mình trong độ tuổi còn rất trẻ, nhưng cuộc đời của họ hoàn toàn khác nhau.

Sau đêm nọ tại Ierapetra, Napoleon theo đường biển đi Ai Cập và chuốc lấy đại bại đầu tiên trong cuộc đời phi thường của mình. Đó là trận thủy chiến nổi tiếng Abukir, nơi mà Napoleon mất khoảng 5.000 binh sĩ. Tháng 8-1799, ông lên tàu về Pháp và chỉ ba tháng sau ông đảo chính, thiết lập một chế độ quân phiệt, giành quyền lực về tay mình. Năm 1804, Napoleon trở thành đại đế của nước Pháp, bành trướng quyền lực khắp châu Âu, kể cả vùng Đông Âu. Lên tới cực điểm, ngôi sao của Napoleon bắt đầu lu mờ với chiến bại khi đánh vào nước Nga năm 1812. Năm 1814, Napoleon bị buộc phải từ bỏ quyền lực nhưng tham vọng đế vương của ông vẫn còn bùng lên lần cuối. Cuối cùng, năm 1815, với trận chiến nổi tiếng Waterloo, Napoleon bị bắt lưu đày trên một hòn đảo và mất vào năm 1821. Thế nhưng, dân tộc Pháp vẫn kính trọng người con ưu tú của mình và năm 1840 thi hài của ông được đưa về đền thờ trang trọng nhất tại Pháp, Les Invalides.

Đời sau thừa nhận Napoleon là một nhân vật lịch sử xuất chúng mà tài năng và sự nghiệp của ông hậu thế không mấy người sánh nổi. Do đó, ngôi nhà nhỏ bé trên đảo Iarepetra mà Napoleon chỉ tá túc một đêm vẫn được nhiều người thăm viếng. Nhiều nhà khảo cứu lịch sử vẫn lấy làm tiếc vì không tìm thấy chiếc giường của đêm hôm đó, một đêm mà hẳn Napoleon không thể ngủ được trước khi ra trận.

Còn ở phương Đông, lăng mộ của Nguyễn Huệ ở đâu, núi Bân bây giờ ra sao? Năm 1792, chỉ bốn năm sau khi đại thắng quân Thanh và thiết lập vương triều, Nguyễn Huệ bất ngờ chết sớm ở tuổi 39. Sau cái chết của Nguyễn Huệ thì triều đại của ba anh em họ Nguyễn bắt đầu suy tàn.Và một nhân vật họ Nguyễn khác bắt đầu xây dựng cơ đồ, đó là Nguyễn Ánh. Năm 1802, Nguyễn Ánh đạt thành công lớn, chiếm lĩnh toàn bộ giang sơn, thành lập nhà Nguyễn. Sau khi "thống nhất sơn hà" từ Nam chí Bắc, hẳn Nguyễn Ánh đã quên sự nghiệp giải phóng Thăng Long của nhà Tây Sơn mà vẫn còn nhớ tổ tiên mình bị Nguyễn Huệ giết hại nên nghiền nát lăng mộ và đem đầu lâu Nguyễn Huệ đi… cầm tù. Đó là tâm lượng và cách hành xử của một nhà vua Việt Nam đối với kẻ tử thù, một người lớn hơn mình chín tuổi và đã chết từ mười năm trước.

Ngày nay người ta biết rõ, nếu Quang Trung Nguyễn Huệ không giải phóng Thăng Long năm 1789 thì bản đồ Việt Nam sẽ khác hẳn. Thế nhưng núi Bân, một thời là nơi xuất phát một chiến tích hiển hách và vô cùng hệ trọng cho số mệnh của cả dân tộc, của cả 13 đời vua triều Nguyễn và của các thế hệ ngày nay, bây giờ cũng đã rơi vào quên lãng. Núi Bân chỉ cách trung tâm thành phố Huế vỏn vẹn ba cây số nhưng người dân sống tại Huế lẫn du khách đến Huế không mấy ai biết đến ngọn núi này. Núi Bân bây giờ được gọi là "cồn mồ", chỉ chơ vơ một tấm bia. Trong vài năm gần đây người ta có đến đó, nhưng không phải để tìm hiểu một thời đại huy hoàng của dân tộc mà để giành đất xây mồ mả.

Khách đi xa về, từ miền Địa Trung Hải, đến đọc tấm bia ghi vài hàng chữ nói về chiến công hiển hách của người xưa, rồi nhìn quanh, bỗng thấy lòng tê tái.

11.2004