áng hôm sau, Địch công đã lấy lại tinh thần và thấy mình đã bị muộn, ông vội vã ăn sáng sau đó lập tức đến văn phòng của mình.
Ông thấy văn phòng đã được dọn dẹp sạch sẽ. Ghế bành của ông đã được sửa chữa và bàn được đánh bóng. Trên bàn bày ra văn phòng tứ bửu yêu thích của ông và ông nhận ra sự sắp xếp đó là của lão Hồng.
Địch công tìm thấy lão Hồng trong phòng lưu trữ. Cùng với Tào Can ông đã quét và thông gió căn phòng ẩm thấp, giờ đây nó đã có mùi dễ chịu. Họ đang dùng sáp đánh bóng các hộp tài liệu bằng da thuộc màu đỏ.
Địch công gật đầu hài lòng. Sau khi ngồi xuống bàn làm việc ông ra lệnh cho Tào Can đi gọi Mã Tông và Triệu Thái.
Khi tất cả 4 người đã có mặt ông hỏi về những công việc mà lão Hồng và Tào Can đã làm. Cả hai nói rằng cuộc chiến đêm qua không ảnh hưởng nhiều đến họ. Lão Hồng đã được thay băng đầu mới và Mã Tông có thể di chuyển cánh tay trái của mình mặc dù còn hơi gượng gạo.
Mã Tông báo cáo rằng sáng sớm hôm nay anh đã cùng Triệu Thái kiểm tra kho vũ khí của huyện đường. Họ tìm thấy rất nhiều vũ khí như giáo, câu liêm, kiếm, mũ sắt, áo da còn tốt nhưng đã cũ và bẩn cần phải đánh bóng kỹ lưỡng lại.
Địch công nói chậm rãi:
- Câu chuyện của Phương thợ rèn là một lời giải thích thoả đáng cho các tình huống kỳ lạ đang xảy ra ở đây. Nếu những gì hắn nói là sự thật thì chúng ta cần phải hành động nhanh chóng trước khi tên Chiến hiểu rằng chúng ta đang chống lại hắn và hắn ra tay trước chúng ta. Chúng ta phải tấn công hắn trước khi hắn kịp hiểu ra điều đó. Như câu tục ngữ cổ của chúng ta có nói “ Chó cắn là chó không sủa “
- Nhưng chúng ta sẽ xử lý như thế nào với tên cai ngục - lão Hồng hỏi.
- Có một lúc chúng ta đã bỏ quên hắn nơi hắn bị giam giữ - Địch công đáp - may mắn là ta đã nhốt hắn lại. Tên đó là tay chân của tên Chiến và hắn có thể ngay lập tức chạy đến chủ của mình và báo cáo tất cả mọi việc của chúng ta cho chủ của hắn.
Mã Tông mở miệng định hỏi một điều gì đó nhưng Địch công giơ tay ngăn lại, ông nói tiếp:
- Tào Can, ngay bây giờ ngươi ra ngoài và thu thập các thông tin về tên Chiến và bè lũ của hắn. Cùng lúc ngươi tìm hiểu về một người giàu có tại đây tên là Vũ Kỳ. Hắn là con trai của thống đốc nổi tiếng Vũ Nam Thiên đã mất tại Lan Phương cách đây 8 năm.
Bản thân ta sẽ đi cùng với Mã Tông ra ngoài để có một đánh giá chung về thị trấn này. Bác Hồng giám sát công việc ở huyện đường cùng với Triệu Thái. Các cổng ra vào phải khoá lại và không ai được ra vào trong lúc ta vắng mặt trừ người quản gia của ta được phép ra ngoài mộ mình để mua thức ăn.
Chúng ta sẽ gặp nhau tại đây vào buổi trưa.
Ông đứng dậy và đội một cái nón nhỏ màu đen lên đầu. Trong chiếc áo dài màu xanh đơn giản của mình ông trông như một thầy đồ nhàn nhã.
Ông rời huyện đường với Mã Tông đi bên cạnh.
Đầu tiên họ tản bộ về phía nam và quan sát ngôi chùa nổi tiếng của Lan Phương. Nó nằm trên một hòn đảo nhỏ giữa hồ sen. Các cây liễu dọc theo bờ hồ đung đưa trong làn gió buổi sáng. Sau đó họ đi về phía bắc và hòa lẫn vào đám đông.
Đó là một buổi sáng bình thường và các cửa hiệu dọc theo phố chính đã mở cửa để buôn bán. Nhưng rất ít tiếng cười nói và mọi người trao đổi với nhau rất nhỏ tiếng, họ thường nhìn ngó trước sau trước khi mở miệng.
Khi họ đi đến tháp canh phía bắc Địch công và Mã Tông rẽ trái, tản bộ đến khu chợ trước Tháp Trống. Khu chợ là một cảnh quan thú vị, các nhà buôn nước ngoài trong những trang phục cầu kỳ rao hàng với giọng nói khàn khàn và gần đó một nhà sư Ấn độ cầm bình bát đi khuất thực.
Một nhóm những kẻ vô công rỗi nghề tụ tập quanh một hàng cá nơi đang xảy ra cuộc tranh cãi dữ dội của chủ hàng với một thanh niên ăn mặc gọn gàng. Cuộc cãi vả đã đi đến giới hạn. Cuối cùng người thanh niên ném vài đồng tiền vào hàng cá và hét lên giận dữ:
- Nếu đây là một thị trấn được quản lý tử tế, ngươi sẽ không thể lừa đảo mọi người giữa ban ngày ban mặt.
Đột nhiên một người đàn ông vai rộng bước đến nắm cổ chàng thanh niên và tát vào miệng anh ta:
- Cho mày chừa cái tội vu khống Chiến đại nhân - Hắn gầm gừ.
Mã Tông Đinh xông ra can thiệp nhưng quan án chặn anh lại.
Đám đông nhanh chóng tản đi, anh thanh niên không nói một lời. Anh ta lau máu từ miệng của mình và bỏ đi.
Địch công ra dấu cho Mã Tông và họ bám theo người thanh niên.
Khi đi vào một con hẻm nhỏ, quan án vượt qua người thanh niên và nói:
- Xin lỗi vì đã xen vào chuyện của anh, ta thấy tên côn đồ đã đánh anh. Tại sao anh không báo quan?
Chàng trai đứng yên và ném một cái nhìn nghi ngờ vào Địch công và Mã Tông.
- Nếu ông là tay chân của Chiến – Anh lạnh lùng nói – đừng mong tôi nói lời nào bất lợi cho bản thân.
Địch công quan sát con hẻm, chỉ có họ đứng đó.
- Ngươi đã sai lầm, chàng trai trẻ - ông lặng lẽ nói – Ta là Địch Nhân Kiệt, là quan án sát mới của thị trấn này.
Khuôn mặt chàng trai trẻ tái mét như vừa nhìn thấy ma. Sau đó anh đặt tay lên trán và kìm chế được cảm xúc của mình. Anh thở dài và khuôn mặt sáng bừng với một nụ cười rộng mở. Anh cúi đầu và nói trịnh trọng:
- Trước mặt ngài là Đinh Cần, con trai của tướng quân Đinh Hồ từ kinh đô. Tên tuổi của đại nhân rất quen thuộc với gia đình tôi.. Đã từ lâu thị trấn này không có một huyện lệnh thực sự.
Quan án nghiêng đầu để nhận lời khen.
Ông nhớ lại từ nhiều năm trước, có một điều không mong muốn đã xảy ra với Đinh tướng quân. Ông ta đã chiến thắng bọn rợ Hung nô ở biên giới phía bắc. Nhưng khi ông quay trở lại kinh thành bất ngờ bị bắt buộc từ chức. Địch công tự hỏi làm thế nào con trai ông ta lại lưu lạc đến nơi xa xôi này. Ông nói với chàng trai:
- Có điều gì đó không bình thường tại thị trấn này, ta muốn ngươi cho ta biết về tình hình ở đây.
Đinh Cần không trả lời ngay, anh ta suy nghĩ giây lát rồi mới nói:
- Những điều này không nên nói ra công khai. Chúng ta có thể đến một quán trà.
Địch công đồng ý, họ đi đến một quán trà nằm trong con hẻm và chọn một bàn trong góc.
Sau khi tiểu nhị đem trà ra Đinh Cần thì thầm:
- Một người đàn ông tàn ác tên là Chiến Môn nắm giữ tất cả quyền lực trong tay mình ở thị trấn này. Hắn có khoảng 100 tên thuộc hạ trong dinh thự của mình. Tuy chúng không làm gì nhưng băng đảng của chúng khống chế toàn bộ thị trấn này.
Mã Tông hỏi.
- Trên đường phố bọn chúng chỉ cầm gậy và kiếm nhưng tôi không ngạc nhiên nếu trong dinh thự của tên Chiến có cả một kho vũ khí.
Địch công hỏi:
- Ngươi có bao giờ thấy bọn hung nô trong thị trấn này?
Đinh Cần lắc đầu dứt khoát:
- Một tên cũng chẳng thấy - anh trả lời
- Những cuộc tấn công tên Chiến báo cáo cho chính quyền – Địch công nhìn Mã Tông – rõ ràng là âm mưu của hắn nhằm thuyết phục các nhà chức trách là hắn và đồng bọn là cần thiết ở thị trấn này.
Mã Tông hỏi:
- Ngươi có bao giờ vào được bên trong dinh thự của tên Chiến?
-Đó là nơi cấm địa – người thanh niên thốt lên – Tên Chiến đã xây dựng thành luỹ xung quanh dinh thự của mình với các bức tường đôi và tháp canh đặt ở 4 góc.
- Hắn ta nắm quyền cai trị tại đây như thế nào? - Địch công hỏi.
- Hắn ta thừa hưởng gia tài lớn từ cha mình – Đinh Cần trả lời – tuy không có những phẩm chất ưu việt nhưng cha hắn đã làm giàu tại thị trấn này bằng nghề buôn chè. Cho đến vài năm trước đây con đường chính để đi đến Ấn độ và các nước chư hầu khác ở phía tây chạy ngang qua Lan Phương và thị trấn này trở thành một trung tâm thương mại quan trọng. Sau đó 3 ốc đảo dọc theo tuyến đường sa mạc bị khô cạn và tuyến đường di chuyển cách 100 dặm về phía bắc. Tên Chiến tập hợp một đám lâu la quanh hắn và tự xưng là ông trùm của thị trấn này.
Hắn ta là một người thông minh và có năng khiếu về quân sự. Tuy nhiên hắn không thích tuân lệnh ai và thích là người cai trị trong thị trấn này.
- Thật là đáng tiếc - Địch công nhận xét, ông uống hết tách trà và đứng lên.
Đinh Cần cúi người cầu xin quan án nán lại một chút nữa.
Quan án do dự nhưng khi nhìn thấy vẻ thất vọng của chàng thanh niên ông ngồi xuống một lần nữa. Đinh Cần rót thêm trà vào tách và lúng túng không biết phải bắt đầu từ đâu.
- Nếu có bất cứ điều gì ngươi cứ nói ra đừng ngần ngại – Địch công khuyến khích.
- Thật ra, thưa đại nhân – Đinh Cần đáp – có một vấn đề đè nặng tâm trí tôi nhưng nó không liên quan đến tên Chiến. Nó liên quan đến gia đình tôi.
Nói tới đây anh dừng lại, Mã Tông sốt ruột cựa quậy trên ghế ngồi của mình.
Đinh Cần cố gắng nói tiếp:
- Thưa đại nhân, người cha già của tôi sẽ bị giết!
Địch công nhíu mày.
- Nếu ngươi biết trước rằng cha ngươi sẽ bị giết – ông nhận xét – thì đâu khó gì để ngăn chặn tội ác trước khi nó xảy ra.
Người thanh niên lắc đầu.
- Cho phép tôi trình bày toàn bộ câu chuyện thưa đại nhân. Người cha già khốn khổ của tôi bị một lời vu khống xấu xa từ cấp dưới của mình là Đội trưởng Hứa. Hắn ta ghen tị với chiến thắng tuyệt vời của cha tôi ở biên giới phía bắc và mặc dù hắn không chứng minh được lời buộc tội của mình nhưng Hội đồng quản trị Nội vụ quân sự ra lệnh cha tôi phải từ chức.
- Có, ta nhớ vụ thưa kiện ấy – Địch công nói – như vậy cha ngươi cũng sống tại đây?
- Cha tôi – Đinh Cần đáp – đã đến nơi xa xôi này một phần vì bà mẹ quá cố của tôi là dân bản địa của Lan Phương, mặt khác ông muốn rời xa các thành phố lớn nơi ông có thể bị xấu hổ khi gặp các đồng nghiệp cũ. Chúng tôi nghĩ có thể sống yên ổn tại đây.
Một tháng trước đây tôi nhận thấy có một người đàn ông đáng ngờ thường lãng vãng trong khu phố chúng tôi ở. Tuần trước tôi bí mật theo dõi hắn. Hắn ta đi đến một quán rượu nhỏ ở góc tây bắc thành phố có tên là Thường Xuân. Ngài có biết tôi đã ngạc nhiên như thế nào khi thấy hắn chính là Hứa Phong con trai cả của Đội trưởng Hứa hiện hắn đang sống trên gác của quán rượu.
Địch công ném cho anh ta cái nhìn nghi ngờ.
- Tại sao – ông hỏi – Đội trưởng Hứa lại gửi con trai của mình đến đây chọc tức cha ngươi, người đã bị ông ta huỷ hoại sự nghiệp. Tại sao hắn lại chuốc lấy rắc rối làm gì?
- Tôi biết kế hoạch của hắn – Đinh Cần thốt lên hào hứng – Hứa đội trưởng biết rằng bạn bè của cha tôi tại kinh đô đã chứng minh rằng hắn vu khống cha tôi. Hắn liền sai con trai hắn đến đây giết cha tôi để cứu lấy cuộc đời khốn khổ của hắn! Chắc đại nhân không biết Hứa Phong. Hắn là một kẻ say sưa phóng đãng và thích bạo lực. Hắn đã thuê bọn côn đồ theo dõi chúng tôi và tấn công ngay khi có cơ hội.
- Mặc dù vậy – Địch công đáp – Ta không thể can thiệp vào chuyện này. Ta khuyên ngươi nên để mắt tới các hành động của tên Hứa Phong và có các biện pháp phòng ngừa trong nhà của ngươi. Có dấu hiệu nào cho thấy tên Hứa Phong này có tiếp xúc với tên Chiến Môn?
- Không – người thanh niên đáp – tên Hứa Phong dường như không tìm sự giúp đỡ của tên Chiến. Cha tôi đã có sự đề phòng từ lúc nhận được thư đe dọa sau khi ông từ chức. Ông rất ít khi ra ngoài và cửa nhà chúng tôi khoá cả ngày lẫn đêm. Hơn thế nữa, cha tôi lắp chấn song bao quanh các cửa ra vào và cửa sổ thư viện của mình, cửa vào chỉ có duy nhất một chìa khóa mà cha tôi luôn mang theo bên mình. Khi ông vào thư viện ông đẩy thanh chắn ngang cửa khóa lại. Ông dành hầu hết thời gian của mình tại thư viện để biên soạn lịch sử các cuộc chiến tranh biên giới.
Địch công nói với Mã Tông ghi địa chỉ dinh thự của Đinh Cần. Nó không xa nơi này và nằm bên ngoài Tháp Trống.
Trước khi đi quan án nói:
- Hãy báo cáo với huyện nha những vấn đề phát sinh mới đừng giấu diếm điều gì. Ta phải đi bây giờ và phải nói là vị trí huyện lệnh của ta tại thị trấn này rất khó khăn. Ngay sau khi ta xử lý xong tên Chiến ta sẽ xem xét các vấn đề của ngươi.
Đinh Cần cảm tạ quan án và tiển 2 người ra tận cửa quán trà. Tại đó anh cúi người thật sâu để chào lần nữa.
Địch công và Mã Tông đi trở lại phố chính.
- Chàng trai trẻ đó – Mã Tông nhận xét – làm cho tôi có cảm tưởng là anh ta luôn luôn đội một cái mũ sắt suốt ngày đêm vì lúc nào cũng lo sợ trời sập xuống đầu!
Quan án lắc đầu.
- Đó là một câu chuyện kỳ lạ - ông trầm ngâm nói – ta không thích nó.