ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em sắp đưa anh em vào một miền đất tốt tươi… miền đất có lúa mì, lúa mạch, cây nho, cây vả, cây lựu, miền đất có cây ôliu để ép dầu và có mật ong, miền đất mà ở đó anh em sẽ ăn bánh mà không bị hạn chế, ở đó anh em sẽ không thiếu thốn gì.
– Đnl 8,7-9
Tháng 5 năm 1985 chính là thời gian đánh dấu chuyến đi đầu tiên của tôi tới miền đất Thánh. Khi tới vùng Ammon, Jordan, tôi đã trở nên rất phấn khích giống như tuyến hoóc môn adrenaline được kích hoạt vậy, mặc dù tôi đã không ngủ trong suốt 48 tiếng. Vài năm sau, tôi cũng đã bay thẳng tới Tel Aviv và trải qua ba đêm trên biển hồ Galilee. Và rồi tôi đã để ý rằng, cứ mỗi năm vào ngày thứ ba của chuyến đi, tôi luôn cảm thấy mình tràn đầy năng lượng, rất tỉnh táo và có một cảm giác đặc biệt. Về sau, tôi phát hiện ra ba điểm rất quan trọng mà tôi tin chắc rằng ba điểm này đã góp phần vào đặc tính hưng phấn này.
Thứ nhất, tôi được biết rằng, biển hồ Galilee nằm ở độ sâu hơn 200 mét so với mực nước biển. Đặc biệt, ở biển hồ Galilee có hàm lượng ôxy trong không khí trên một mét khối nước khá cao. Một số ý kiến cho rằng, hàm lượng ôxy ở đây cao hơn 2% so với các nơi khác trừ Biển Chết – nơi thấp nhất trên trái đất. Hít thở trong bầu không khí giàu ôxy sẽ làm cho tinh thần minh mẫn và có một giấc ngủ ngon. Tôi đã nghe một số câu chuyện rằng những học sinh ở Galilee thường đạt điểm số rất cao trong các bài thi bởi vì không khí có thể sẽ giúp cho hoạt động não của họ. Nguyên nhân của điều này là bởi não của chúng ta phụ thuộc vào ôxy nhiều hơn bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể.
Thứ hai, tất cả thức ăn ở khách sạn đều được chuẩn bị tươi ngon sau khi mua từ các trang trại và chuyển về thành phố. Thức ăn cho một bữa sáng gồm hoa quả tươi, ngũ cốc, ô liu, ớt ngọt, cà chua, một vài loại pho mát, rau sống và cá ngâm giấm. Phần lớn thịt và cá sẽ được đem nướng, chỉ có một số ít là được chiên. Ở một số nhà bếp, họ thường sử dụng dầu ôliu trong quá trình chế biến thức ăn.
Thứ ba, thức ăn chính được chuẩn bị là đồ ăn chay (kosher). Kosher là một thuật ngữ chỉ được biết đến ở người Do Thái, còn hầu hết mọi người thường ít biết, hoặc nghe nói hay hiểu về thuật ngữ này. Tất cả những người Do Thái theo đạo và không theo đạo thường ăn thức ăn theo cách ăn chay Kosher. Từ Kosher hay Kasrut có nghĩa là “vừa” hay “phù hợp”. Kosher không phải là một dạng thức ăn hay một phương pháp nấu ăn mà là những thức ăn đáp ứng yêu cầu về luật ăn chay của người Do Thái. Luật ăn chay của Do Thái bao gồm các điều luật hướng dẫn các loại thức ăn tránh ăn cùng với nhau. Luật ăn chay này được tiết lộ khi Mose ở trên sa mạc hoang và có thể được tìm thấy trong sách Lêvi chương 11 và sách Đệ nhị luật chương 14. Những thức ăn trong luật Kosher bao gồm:
Sữa, thịt và trứng của các loại động vật nhất định được cho phép. Còn lại thì bị cấm.
Các loại động vật phải được giết mổ và chỉ ăn một số phần được cho phép.
Không nấu sữa và thịt cùng nhau, phải dùng dụng cụ riêng cho mỗi loại.
Lúa gạo và rau là những thức ăn chay nhưng cũng phải kiểm tra trước khi chuẩn bị.
Mọi con vật có chân chẻ làm hai móng và thuộc loài nhai lại như trâu, bò, hươu và cừu thì được ăn.
Các loại gia cầm như chim, gà tây, vịt, ngỗng là những thức ăn sạch.
Các loại cá có vây và vảy thì được phép ăn như cá hồi, cá ngừ, cá bơn, cá chó và cá trích.
Ở Ai Cập, có sáu loại thức ăn là dưa chuột, tỏi tây, hành, tỏi, cá và dưa hấu (Ds 11,5). Trong sách Đệ Nhị Luật chương 8 câu 8, Thiên Chúa đã cho quốc gia Do Thái bảy loại thức ăn mà sau này họ sẽ dùng sau khi đến Miền Đất Hứa. Bảy loại thức ăn đó là:
Lúa mì
Lúa mạch
Cây nho
Cây vả
Cây lựu
Cây ô liu
Mật ong
Điều quan trọng cần phải lưu ý đó là giá trị sức khỏe và lợi ích sức khỏe thể chất có được khi ăn theo đúng bảy loại thức ăn ở Miền Đất Hứa.
Ngày nay chúng ta đang tạo ra rất nhiều loại lúa mì nhưng lại làm mất đi nhiều giá trị dinh dưỡng – điển hình như ngũ cốc. Các loại lúa mì này đều được sử dụng chất tẩy trắng để tạo ra bốn loại: phở, mì, bánh mì và gạo. Quá trình sản xuất của con người đã làm mất đi 40% các chất dinh dưỡng trong lúa gạo. Trong thời cổ đại, người Israel chỉ tuốt vỏ trấu khỏi lúa mì và nghiền nát chúng thành bột. Vì không chế biến nên lúa mì sẽ còn lại cả cám và những hạt mầm chứa đựng chất xơ và magiê. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hàm lượng chất xơ cao trong thức ăn sẽ tốt cho dạ dày, hệ thống tiêu hóa và giúp chống lại bệnh ung thư.
Trong thời Israel cổ đại, lúa mạch được thu hoạch vào đầu mùa xuân. Lúa mạch được sử dụng phổ biến trong nấu súp và đây chính là loại lúa có giá trị dinh dưỡng cao. Hàm lượng xơ trong lúa mạch giúp tạo ra các vi khuẩn có lợi cho đường ruột trong đó có beta glucan (giúp giảm lượng cholesterol) và cũng làm giảm lượng đường trong máu đối với những bệnh nhân đái tháo đường. Lúa mạch cũng chứa selenium (một tác nhân chống ung thư), tryptophan, đồng và phốt pho. Đây là những chất dinh dưỡng thiết yếu tốt cho sức khỏe con người.
Đất Israel dù là trước đây hay bây giờ đều được bao phủ bằng những vườn nho. Trong nhiều năm, nho luôn được biết đến vì chứa flavonoid – một chất chống lại bệnh tim. Uống nước nho sẽ làm gia tăng nitric oxide giúp làm giảm sự hình thành máu đông. Nước nho cũng có chứa antioxidant (chất chống ôxy hóa) bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây lão hóa. Nho chứa rất nhiều vitamin và chất khoáng như vitamin B6, B1, vitamin C, magiê, kali. Lá nho cũng được nấu hay cuốn vào thịt, đặc biệt là trong các bữa ăn của người Hy Lạp/ Địa Trung Hải.
Ở Israel, cây vả là lương thực chủ yếu trong hàng ngàn năm. Chúng ta biết rằng, cây vả là một trong số các cây chính ở Vườn Địa đàng. Vả khi ăn có vị ngọt nhẹ và chứa hàm lượng kali cao. Kali là một yếu tố quan trong việc tạo ra năng lượng trong cơ thể của chúng ta và hỗ trợ các tế bào màng. Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng vả có tác dụng trong việc giảm áp lực máu. Ở Địa Trung Hải, lá vả được dùng để làm giảm hàm lượng insulin trong bệnh nhân đái tháo đường và hỗ trợ làm giảm lượng mỡ trong máu.
Lựu được xem là một loại quả thánh vì nhiều lí do. Theo các nhà rao giảng luật Do Thái, người Do Thái có 613 điều răn trong Kinh Torah. Người xưa cho biết có 613 hạt giống trong một cây lựu trưởng thành, vì vậy mà cây lựu trở thành hình ảnh tượng trưng cho các điều răn của Chúa. Trên đỉnh các cột ở tất cả lối vào đền Solomon đều có khắc hình cây lựu. Trên đường viền áo của vị linh mục cũng có lục lạc vàng và cây lựu nhỏ (1 V 7,18; Xh 28,34).
Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, lựu chứa hàm lượng chất chống ôxy hóa rất cao và nước lựu thực sự hữu ích trong việc làm giảm quá trình hình thành các mảng bám trong các động mạch. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, sử dụng 227 gram lựu hàng ngày trong ba tháng liên tục sẽ làm tăng lượng ôxy tới các cơ tim. Một số khác cũng chỉ ra rằng nước lựu cũng giúp ngăn chặn ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú. Như vậy, lựu liệu có phải là một trong những loại quả tốt nhất với nhiều dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe trong chế độ ăn uống ở Miền Đất Hứa?
Ô liu là cây thiết yếu ở Israel từ thuở sơ khai. Cây ô liu, dầu ô liu, lá ô liu thậm chí cả thân cây ô liu cũng được sử dụng làm thức ăn, nấu nướng, chữa bệnh và gỗ ô liu dùng để khắc những bức tượng nhỏ cho hàng triệu khách du lịch. Ô liu và dầu ô liu có tác dụng trong việc làm giảm áp lực máu và tốt cho tim. Những người Ả Rập và những người du cư ở vùng Trung Đông thường uống một lượng nhỏ dầu ô liu vào mỗi buổi sáng. Một người bạn Ả Rập đã nói với tôi: “Ô liu rất tốt trong việc chống lão hóa xương”. Việc sử dụng dầu ô liu trong nấu ăn sẽ tốt cho sức khỏe hơn là nấu bằng mỡ động vật.
Trong sách Cựu Ước chúng ta thấy 46 lần vùng đất của người Israel được gọi là vùng đất của sữa và mật ong. Một số ý kiến cho rằng đây là xác nhận về sự thịnh vượng kinh tế của người Israel sau khi sở hữu Miền Đất Hứa. Nguồn sữa được lấy từ bò và dê, còn mật ong được lấy từ ong. Trong khẩu phần ăn của ông John tẩy giả cũng bao gồm cả mật ong. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng mật ong có tác dụng rất tốt trong việc trị ho. Mật ong chứa antioxidant(3), giúp bảo vệ các tế bào của con người. Mật ong là chất ngọt tự nhiên và cung cấp năng lượng cho cơ thể con người.
Dầu ô liu được coi là món quà từ thiên nhiên mà Thiên Chúa đã ban tặng loài người. Đây là trọng tâm trong khẩu phần ăn của người Địa Trung Hải. Đầu tiên, dầu ô liu chứa chất dung hòa chất béo và chất ôxy hóa, hai muỗng dầu ô liu tinh khiết mỗi buổi sáng có thể làm giảm lượng cholesterol có hại (LDL) và tăng cường cholesterol tốt (HDL). Chiết xuất của dầu ô liu chứa vitamin E, DHA, omega 3 và omega 9 tốt cho toàn bộ cơ thể con người.
Dầu ô liu được chia ra thành 4 loại:
Dầu ô liu siêu nguyên chất: Đây là nước ép đầu tiên từ quả ô liu, được xem là tốt nhất và ít qua xử lý nhất.
Dầu ô liu thô: đây là dầu ô liu được tạo ra ở giai đoạn ép thứ hai.
Dầu ô liu tinh khiết: dầu ô liu được cho là tinh khiết vì đã trải qua quá trình lọc và tinh chế.
Dầu ô liu thượng hạng: loại dầu ô liu loại này đã trải qua quá trình sản xuất rất lâu dài và chỉ còn lại một chút hương vị của dầu.
Ở Israel, loại dầu người Do Thái sử dụng khi nấu trong nhà hàng, tại nhà hay khi chuẩn bị bữa ăn chay chính là dầu ô liu. Dầu ô liu bay hơi ở nhiệt độ 410 độ F và không biến chất nhanh như các loại khác khi lặp lại ở cùng nhiệt độ. Đây là loại dầu mà vợ tôi sử dụng để nấu ăn trong nhiều năm. Hầu hết các nhà hàng ăn nhanh ở Mỹ lại sử dụng loại dầu ô liu làm tăng cholesterol xấu và giảm cholesterol tốt. Dầu thực vật đã hydro hóa thường chứa chất chuyển hóa chất béo mà các bác sỹ khuyến cáo là không tốt cho sức khỏe. Các loại dầu không tốt cho sức khỏe thường là kết hợp của dầu thực vật và khí hydro. Vì vậy, sự lựa chọn tốt nhất trong nấu ăn vẫn là dầu ô liu.
Khi sử dụng quá nhiều muối sẽ làm tăng áp lực lên máu và gây ra nhiều biến chứng khác. Tuy nhiên, trong sách Lêvi chương 2 câu 13, Thiên Chúa nói rằng phải bỏ muối vào mọi lễ phẩm dâng tiến. Muối được sản xuất hiện nay chứa một số dạng iốt (iốt natri hoặc iốt kali) nhằm giảm hiện tượng thiếu iốt ở con người. Hiện tượng bướu cổ ở nhiều người Mỹ trước đây chính là kết quả của thiếu iốt.
Hai nguồn gốc chính của muối là muối đá và muối biển. Ở Israel, vùng Biển Chết chứa một lượng muối lớn. Ở phía nam của bờ biển, có rất nhiều đống muối tinh thể lớn nằm dọc theo bãi biển như những ngọn núi muối. Ở bờ Tây của bờ biển phía nam Biển Chết có rất nhiều ngọn núi mà khi ta nhìn gần thì có thể thấy đó là những núi muối. Một số công ty khai thác nhỏ đã xử lý muối từ những ngọn núi muối này và sử dụng làm muối ăn. Những hạt muối ngon và tinh khiết ở Biển Chết được người ta đóng gói và sử dụng cho mục đích trị liệu. Một trang web về các loại muối ở Biển Chết đã chép lại những lời Josephus nói: “Biển Chết không được đánh giá quá cao… các du khách đã lấy muối ở Biển Chết nhiều nhất có thể để mang về nhà họ vì chúng có thể chữa lành vết thương trên cơ thể và vì vậy chúng được sử dụng nhiều trong lĩnh vực y tế”. Muối ở Biển Chết chứa hàm lượng các chất khoáng cao như magiê, kali, brom, canxi và nhiều chất hóa học để làm muối ăn. Muối biển thông thường có 90% là natri trong khi muối ở Biển Chết chỉ chứa 10% natri. Tuy vậy, qua quá trình lọc nước tân tiến, muối biển có thể được tách ra thành nước thông thường và sử dụng cho thực phẩm hàng ngày. Muối biển chứa nhiều khoáng chất tốt cho cơ thể và là loại muối tự nhiên tốt nhất.
Cách đây một năm, tôi đã thực hiện 16 bài thuyết giảng liên tiếp mà không ăn uống. Khi đó tôi đổ mồ hôi rất nhiều và sau lúc nghỉ ngơi, tôi quan sát và thấy rằng phía sau chiếc áo khoác màu đen của mình có những vết sọc màu trắng. Đó chính là những hạt muối (kali) còn đọng lại sau khi mồ hôi bốc hơi. Trong một dịp khi đang làm việc, tôi cảm thấy mình yếu dần và gần như kiệt sức. Sau đó, tôi biết được các ion trong tế bào, lượng muối và kali trong cơ thể mình rất thấp. Tôi bắt đầu uống vitamin và chất khoáng để cân bằng lượng khoáng trong cơ thể. Các vận động viên hoặc những người thường xuyên hoạt động có thể mất 1 đến 2 gram muối mỗi giờ mà nếu không bù đắp kịp thời có thể dẫn tới thiếu natri trong máu. Mỗi người khi đổ mồ hôi, đều cần phải có một lượng natri tương đương để thay thế. Muối biển chứa kali thực sự rất quan trọng trong việc duy trì năng lượng của cơ thể. Khi sử dụng quá nhiều muối cũng không tốt cho cơ thể, thì Thiên Chúa đã chỉ dẫn phải bỏ muối vào mọi lễ phẩm dâng hiến.
Khi giết một động vật như bò, dê hay cừu trong luật Do Thái thì quy trình quan trọng nhất là phải tuân theo các điều răn của Chúa. Trong sách Sáng thế chương 9 câu 3-4, Noah đã được dạy rằng: “Mọi loài di động và có sự sống sẽ là lương thực cho các ngươi; Ta ban cho các ngươi tất cả những thứ đó, cũng như đã ban cỏ xanh tươi. Tuy nhiên các ngươi không được ăn thịt với mạng sống của nó, tức là máu.” Khi giết mổ, người Do Thái sẽ chuẩn bị dao sắc và giết chết con vật bằng một nhát đâm sâu vào cổ nó. Theo cách nấu ăn của người Do Thái, phải lấy hết máu ra khỏi con vật và ngâm thịt vào nước trong một giờ đồng hồ, sau đó rắc muối và dựng lên trong một giờ nữa. Cuối cùng là rửa lại và chuẩn bị nấu nướng.
Hướng dẫn trong Kinh Thánh thứ hai liên quan đến thịt là tránh ăn mỡ động vật (Lv 7,23). Mỡ động vật chứa hàm lượng cholesterol, chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa. Do cơ thể con người rất khó hấp thụ các chất béo chuyển hóa nên việc sử dụng mỡ động vật sẽ làm gia tăng các vấn đề về tim mạch. Người làm thịt các con vật ở Do Thái cũng sẽ loại bỏ các dây thần kinh và mỡ bám xung quanh gan cũng như ở các bộ phận khác. Các nhà khoa học cũng chỉ ra sự khác nhau về mặt hóa học giữa chất béo này và chất béo được phép sử dụng nằm ở giữa cơ và da. Như vậy, hai phần của động vật mà con người không được phép dùng là máu và mỡ của động vật.
Điều luật tiếp theo là không được phép ăn thịt và sữa cùng nhau (Đnl 14,21). Những người Do Thái thần bí giải thích rằng sữa đại diện cho cuộc sống còn thịt đại diện cho cái chết, vì vậy sự kết hợp giữa chúng sẽ tạo nên những xung đột tâm linh. Thực vật chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người, trong khi đó chúng ta phải mất vài giờ đồng hồ mới có thể tiêu hóa được thịt tươi và có thể nó vẫn còn đọng lại trong dạ dày trong một thời gian. Nhiều người cho rằng người Ai Cập đã từng luộc thịt trong sữa mẹ, vì vậy Thiên Chúa đã tách dân của Người ra khỏi những phong tục của Ai Cập. Một ví dụ khác về điều luật tách biệt của Chúa trong đó Kinh Torah không cho phép mặc vải len và vải lanh cùng nhau. Điều này có thể bởi vì những linh mục ngoại giáo sẽ kết hợp hai loại vải trong trang phục của mình và mặc chúng trong suốt Thánh lễ. Mặc dù, một số quy định và điều luật không còn ý nghĩa cho đến ngày nay, tuy nhiên nó nhằm mục đích duy trì sự khác biệt giữa dân Chúa và những người ngoại đạo.
Có một vài động vật không tốt cho hệ tiêu hóa của con người, nhưng vẫn được sử dụng và phổ biến rộng rãi, đặc biệt là ở các vùng phía nam. Một trong các loại động vật đó là con lợn – nguồn gốc của các sản phẩm thịt lợn. Không có loại thức ăn nào làm từ thịt lợn được coi là thức ăn sạch và tất cả các sản phẩm từ thịt lợn đều bị liệt vào danh sách cấm kỵ trong Luật Torah. Một vài năm trước, những người miền núi đã nấu ăn với mỡ lợn, loại mỡ thực sự nằm ở dưới lớp da của lợn, thường dày từ 5-15 cm. Và cũng chẳng có gì bất ngờ khi rất nhiều người thường gặp phải các vấn đề về tắc động mạch và các vấn đề về tim ở tuổi 55. Đây là hiện tượng bình thường và không ai ngạc nhiên về điều đó. Dù những người Ai Cập cổ đại và các vị thần Ai Cập đều ăn thịt lợn, tuy nhiên thịt lợn không nằm trong danh sách sáu loại thực phẩm mà người Do Thái ăn khi sống ở Ai Cập. Như vậy, một lần nữa Thiên Chúa đã tách dân của Người ra khỏi những việc làm của người Ai Cập.
Người cổ đại đã truyền lại một số phương pháp chữa bệnh tại gia – những phương pháp chữa bệnh trên núi đặc biệt này dường như có đủ mọi thứ kỳ quặc khi thực hiện. Các bậc cha mẹ đều biết sự nguy hiểm của sán dây và các loại thực vật ký sinh khi cho con cái mình uống nước tại các ao hồ hay nước giếng, nhưng họ tin tưởng vào niềm tin tôn giáo trong việc sử dụng thầu dầu, dầu gan cá và muối epsom để chữa những căn bệnh đó.
Những gia đình làm nông nghiệp thường chuẩn bị bữa ăn cho gia đình với những sản phẩm tươi sạch được trồng ngay trong vườn. Một bữa tối thường có thức ăn đã được ngâm giấm, có thể là củ cải ngâm, trứng ngâm giấm hoặc thậm chí là cả đậu hoặc ngô ngâm giấm. Các gia đình hoàn toàn tin tưởng vào việc sử dụng giấm trong nấu ăn. Một nghiên cứu được thực hiện bởi công ty Heinz đã cho thấy 5% dung dịch giấm có thể giết chết 99% vi khuẩn, 82% nấm mốc, và 80% các mầm mống gây bệnh và virus. Những người dân sống trên núi có thể chưa biết nhiều và ăn các loại thịt tuy vậy họ cũng đã sử dụng nhiều loại rau và hiểu được lợi ích từ việc sử dụng thức ăn ngâm giấm.
Có nhiều cuốn sách và tạp chí đã công nhận lợi ích về mặt y tế cũng như sức khỏe khi ăn uống theo chế độ mà Thiên Chúa đã đưa ra. Kể từ khi đất nước của những người Do Thái đầu tiên là một cộng đồng những gia đình lớn sống gần vùng đất hoang dã nóng nực trong suốt 40 năm, Thiên Chúa đã hướng dẫn họ các cách để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và virus lây qua các trại. Nhưng cho đến tận vài thế kỷ, người ta mới nhận ra được ý nghĩa đầy đủ và sâu sắc của cụm từ vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân.
Một điều đáng chú ý là Thiên Chúa tin vào việc tẩy rửa chân tay. Chúa dạy các linh mục phải tẩy rửa chân tay trước khi dâng lễ (Xh 30,18-21). Các linh mục cũng phải lấy nước để rửa lòng và chân của con vật được dâng tế (Lv 1,9-13). Bất cứ ai khi động vào xác chết động vật thì phải tắm rửa và giặt quần áo thật sạch (Lv 11,24-28). Nếu người nào tiếp xúc hay chạm vào người bị ghẻ, người bị hủi hay bất cứ người nào có phần da bị nhiễm bệnh thì người đó phải giũ bỏ quần áo và tắm rửa sạch sẽ trong dòng nước (Lv 15,13).
Thời y học cổ đại, con người không biết đến khả năng lây truyền bệnh, vi khuẩn nhiễm bệnh và mầm mống bệnh qua sự giao tiếp giữa người với người nên Thiên Chúa đã khuyên răn con người sử dụng nước để khiến con người trở nên sạch sẽ và tinh khiết. Sự quan trọng của việc tẩy rửa được con người nhận thức rõ ràng hơn trong đầu thế kỷ XX tại Trung tâm y tế Vienna. Khi đó, các bác sĩ đã phát hiện một trong sáu người phụ nữ đã chết do bị nhiễm trùng khi sinh con. Trước đó, các bác sĩ đã rửa tay trong một chậu nước và họ nhận ra rằng đây chính là nguồn gốc lây lan tác nhân gây bệnh cho các phụ nữ khác. Ngày nay, các bác sĩ rửa tay trong dung dịch cồn, xà phòng hoặc nước ấm để ngăn chặn sự lây lan mầm bệnh sang các bệnh nhân khác. Quy tắc cơ bản này đã được ông Moses hé lộ cho biết từ cách đây 3500 năm.
Hay trong thời gian sơ khai, con người cũng không biết vi khuẩn có thể được truyền qua một xác chết. Nhưng thông qua Torah, Thiên Chúa đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tẩy rửa khi tiếp xúc với người hay vật không sạch sẽ như khi chạm vào xác của động vật hoặc người chết. Bất cứ ai chạm vào thì phải tắm giặt quần áo và bị xem là ô uế cho đến chiều. Trong sách Lêvi chương 15 đã liệt kê ra những điều làm cho con người trở nên ô uế và phải tắm rửa bằng nước tinh khiết.
Người mắc bệnh lậu (Lv 15,2-3).
Giường, ghế, quần áo của người mắc bệnh lậu (Lv 15,4-6).
Nếu người bị lậu nhổ vào, người này sẽ phải giặt áo, lấy nước mà tắm rửa (Lv 15,8).
Bình sành người bị lậu đụng vào sẽ phải đập vỡ, mọi bình gỗ sẽ được rửa bằng nước (Lv 15,12).
Những điều luật về tẩy rửa đã ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong suốt thời kỳ người Israel sống gần sa mạc. Và trong thời đại của chúng ta ngày này, việc tẩy rửa cũng làm ngăn chặn sự lây lan mầm bệnh và vi khuẩn.
Thiên Chúa biết cơ thể con người và Người biết loại thức ăn nào sẽ tốt hoặc không tốt cho cuộc sống con người. Người nhận thức được sự lây lan của dịch bệnh và mầm mống bệnh qua các khu dân cư và Người đã thiết lập những điều răn dạy về chế độ ăn uống và cuộc sống trong cộng đồng. Những điều luật đáng ngạc nhiên này đã xuất hiện từ cách đây 3500 năm, khi những người cổ đại thông minh và khôn ngoan nhất vẫn chưa nhận biết được bí mật của Thiên Chúa.
Ăn uống theo cách của Thiên Chúa giúp cơ thể tăng cường khả năng miễn dịch, các cơ quan và các tế bào khỏe mạnh, giúp ta có thể sống lâu hơn. Tuân thủ theo những quy tắc về sức khỏe của Thiên Chúa cũng giúp ta ngăn ngừa sự lây lan bệnh tật từ người này sang người khác.
Theo Thánh Paul, những người ngoại đạo có thể ăn những thứ trước mặt mình, nhưng chúng ta phải tránh ăn thịt của những động vật không được giết mổ đúng cách hoặc khi máu vẫn chưa được lấy ra hết. Tất cả thức ăn phải được chúc lành trước khi ăn. Trong khi trong sách Tân Ước không có một quy định riêng biệt nào về chế độ ăn uống hay đồ ăn của người ngoại đạo thì các nghiên cứu về mặt y tế đã chỉ ra rằng, ăn uống theo chỉ dẫn của Thiên Chúa sẽ làm cho sức khoẻ tốt hơn.