Điện thoại reo trong bóng tối- tiếng chuông leng keng nghe lạ lẫm. Ông dò dẫm tìm ngọn đèn cạnh giường và bật lên. Nheo mắt nhìn xung quanh ông nhận thấy đó là một phòng ngủ kiểu Phục Hưng sang trọng với đồ đạc theo phong cách thời Louis XVI với những tranh vẽ thẳng lên tường, và một chiếc giường gỗ gụ đồ sộ bốn cột.
Mình đang ở chỗ quái quỷ nào thế này?
Chiếc áo tắm mắc trên cột giường mang dòng chữ: Hotel Ritz Paris.
Màn sương tan dần.
Langdon nhấc ống nghe: "Hello?".
"Ông Langdon phải không ạ?", một giọng đàn ông vang lên. "Tôi hy vọng là không đánh thức ông chứ ạ?".
Ngạc nhiên, Langdon nhìn đồng hồ cạnh giường. 0 giờ 32" sáng. Ông mới ngủ được một tiếng mà cảm thấy như lâu lắm.
"Tôi là người trực khách sạn, thưa ông. Tôi xin lỗi vì sự đường đột này, nhưng có một vị khách khăng khăng đòi gặp ông, nói là có việc khẩn cấp".
Langdon vẫn cảm thấy lơ mơ. Một vị khách? Tia mắt ông tập trung vào một tờ bướm bị vò nhàu trên bàn cạnh giường.
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ TẠI PARIS
Trân trọng giới thiệu
MỘT TỐI GẶP GỠ VỚI ROBERT LANGDON
GIÁO SƯ KHOA KÝ TƯỢNG TÔN GIÁO, ĐẠI HỌC HARVARD
Langdon hầm hừ. Buổi thuyết giảng tối nay – một bài giảng về hệ ký tượng vô tôn giáo ẩn chứa trong các phiến đá của Nhà thờ lớn Chartres, có minh họa bằng phim đèn chiếu – chắc đã làm xù lông một vài vị bảo thủ trong đám thính giả. Rất có thể là một học giả nghiên cứu tôn giáo nào đó đã bám theo ông về tận khách sạn để đòi tranh luận.
"Tôi xin lỗi", Langdon nói, "nhưng tôi rất mệt và...".
"Mais monsieur" (1) người trực khách sạn nằn nì, hạ thấp giọng xuống thành một tiếng thì thào khẩn thiết, "vị khách này là người rất quan trọng".
Langdon hơi nghi ngờ. Các cuốn sách của ông về tranh tôn giáo và ký tượng thờ cúng đã làm ông nổi danh trong giới nghệ thuật khiến mọi người miễn cưỡng phải công nhận ông và năm ngoái danh tiếng của Langdon đã tăng lên gấp trăm lần sau khi ông tham gia vào một sự kiện được công chúng biết đến rộng rãi ở Vatican. Từ đó, các nhà sử học và chuyên gia nghệ thuật tự cao tự đại nườm nượp kéo đến nhà ông không ngớt.
"Xin ông vui lòng", Langdon nói, cố gắng hết sức để giữ lịch sự "ghi lại tên và số điện thoại của vị khách đó, và nói với ông ta rằng tôi sẽ cố gắng gọi lại cho ông ta trước khi tôi rời Paris vào thứ ba. Cảm ơn ông". Ông gác máy trước khi người trực khách sạn kịp phản đối.
Lúc này Langdon đã ngồi dậy, ông cau mày nhìn cuốn Sổ tay liên hệ với khách có bìa ghi những lới huênh hoang: "Hãy ngủ như một hài nhi ở Kinh đô ánh sáng. Hãy liên hệ với khách sạn Ritz Paris". Ông quay đầu và nhìn một cách mệt mỏi vào tấm gương soi cả người ở đầu kia căn phòng. Người đàn ông đang nhìn ông là một người xa lạ – tóc tai rối bù và mệt mỏi.
Anh bạn cần một kỳ nghỉ đấy, Robert.
Năm làm việc vừa qua đã làm ông tiêu hao sức lực nặng nề, nhưng ông không khoái nhìn thấy bằng chứng của điều đó trong gương. Đôi mắt màu xanh thường ngày sắc sảo đêm nay có vẻ lờ đờ và mệt mỏi. Một lớp râu đen lởm chởm phủ kín quai hàm khỏe và cái cằm chẻ. Quanh thái dương, những sợi hoa râm đang tăng lên, thâm nhập sâu hơn vào mái tóc đen dày. Mặc dù các đồng nghiệp nữ một mực nói rằng tóc bạc chỉ làm tôn thêm sức quyến rũ bác học của ông, nhưng Langdon thừa biết là đâu phải thế.
Giá Boston Magazine nhìn thấy mình lúc này.
Tháng trước, Langdon rất bối rối khi tờ BostonMagazine xếp ông vào danh sách mười người đàn ông hấp dẫn nhất thành phố – một vinh dự đáng ngờ khiến ông trở thành mục tiêu trêu chọc không dứt của các đồng nghiệp ở trường Harvard. Tối nay, ở cách xa đất nước ba ngàn dặm, sự đề cao đó vẫn trở lại ám ảnh ông ngay trong buổi thuyết giảng ông vừa thực hiện.
"Thưa quý ông quý bà...", người giới thiệu tuyên bố trước thính phòng đầy ắp của Cung Dauphine trường Đại học Mỹ ở Paris. "Khách mời tối nay của chúng ta chắc tôi không cần giới thiệu. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách: Hệ ký hiệu của các giáo phái bí mật, Nghệ thuật của dòng Chúa khai sáng, Ngôn ngữ tượng hình thất truyền, và khi tôi nói ông đã viết cuốn Khoa nghiên cứu thánh tượng và hình ảnh tôn giáo, là nói đúng theo nghĩa đen. Nhiều người trong số các bạn đang dùng những giáo trình của ông trên lớp".
Các sinh viên trong đám đông gật đầu nhiệt liệt tán thưởng.
"Tối nay tôi đã định giới thiệu ông bằng cách chia sẻ với các bạn lý lịch đầy ấn tượng của ông. Tuy nhiên...", cô ta tinh nghịch nhìn Langdon, lúc này ông đã ngồi trên sân khấu, "một khán giả vừa đưa cho tôi một lời gìới thiệu... có thể nói là... hấp dẫn hơn nhiều".
Cô ta giơ lên một số Boston Magazin.
Langdon co rúm người lại. Cô ta kiếm đâu ra cái của nợ này?
Người giới thiệu bắt đầu đọc những đoạn trích chọn lọc từ bài báo sáo rỗng kia và Langdon cảm thấy mình càng lúc càng lún sâu thêm trong ghế. Ba mươi giây sau, đám đông nhăn nhở cười và người phụ nữ kia không hề tỏ dấu hiệu muốn dừng lại:
"Và việc ông Langdon từ chối công bố vai trò đặc biệt của ông trong cuộc họp kín bầu Giáo hoàng ở Vatican năm ngoái chắc chắn sẽ ghi thêm điểm cho ông trên hấp-dẫn-kế của chúng ta".
Người giới thiệu kích động đám đông: "Các bạn có muốn nghe thêm không?".
Đám đông vỗ tay tán thưởng.
Ai đó hãy ngăn cô ta lại, Langdon thầm cầu xin khi cô ta lại đọc tiếp bài báo.
"Dù Giáo sư Langdon có thể không được xem là người đẹp trai tuyệt vời như một vài người được bầu chọn trẻ hơn, nhưng vị giáo sư ngoài bốn mươi tuổi này có cái gì đó ngoài phong độ học giả của ông. Vẻ ngoài quyến rũ của ông được tôn thêm bởi giọng nói trầm và âm nam trung hiếm có, điều mà các sinh viên nữ miêu tả là "ngọt như mía lùi".
Cả phòng cười phá lên.
Langdon cố gượng cười vụng về. Ông biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo – lại một tràng những câu lố bịch kiểu "Harrison Ford trong chiếc áo tuýt hiệu Harris" – và bởi vì tối nay ông mặc áo tuýt hiệu Harris và áo cao cổ hiệu Burberry, nên ông quyết định hành động.
"Cảm ơn, Monique". Langdon nói, vội vã đứng lên và đảy cô ta ra khỏi bục diễn đàn, "Boston Magazine quả có năng khiếu hư cấu". Ông quay về phía cử tọa với một tiếng thở dài bối rối.
"Và nếu tôi tìm ra ai trong số các bạn đã cung cấp bài báo đó, tôi sẽ bảo tổng lãnh sự trục xuất các bạn".
Đám đông cười rộ.
"Vậy thưa các bạn, như các bạn đã biết, tối nay tôi tới đây để nói về quyền năng của biểu tượng...".
Chuông điện thoại trong phòng khách sạn của Langdon một lần nữa lại phá tan im lặng.
Càu nhàu, bán tín bán nghi, ông nhấc máy: "Vâng?".
Quả nhiên, lại là người trực khách sạn: "Ông Langdon, một lần nữa xin lỗi ông. Tôi gọi để thông báo với ông rằng vị khách của ông bây giờ đang trên đường đến phòng ông. Tôi nghĩ là nên báo trước cho ông".
Langdon lúc này đã tỉnh hắn: "Ông cho phép ai đó đến phòng của tôi?".
"Tôi xin lỗi, thưa ông, nhưng một người như vậy...tôi không dám mạo quyền ngăn lại!".
"Chính xác thì ông ta là ai?".
Nhưng người trực khách sạn đã gác máy.
Gần như ngay lập tức, một nắm tay nặng nề đập cửa phòng Langdon thình thình.
Phân vân, Langdon tụt khỏi giường, cảm thấy những ngón chân nhấn sâu trên tấm thảm. Ông mặc áo choàng của khách sạn và đi tới cửa: "Ai?".
"Ông Langdon? Tôi cần nói chuyện với ông". Tiếng Anh của người này trọ trẹ – một giọng sủa gắt, hách dịch. "Tôi là trung uý Jérôme Collet. Direction (2) DCP.
Langdon dừng lại. Cục cảnh sát Pháp. Đại loại như FBI của Mỹ.
Vẫn để nguyên dây xích an toàn, Langdon hé cửa ra vài phân. Gương mặt đối diện ông mỏng và nhợt nhạt. Người đàn ông gầy khác thường này mặc một bộ đồng phục màu xanh chính quy.
"Tôi có thể vào được không?", viên cảnh sát hỏi.
Langdon do dự, cảm thấy không thoải mái khi đôi mắt xám của người lạ mặt nhìn ông chăm chú: "Chuyện này là thế nào?".
"Capitaine (3) của tôi cần đến sự giám định của ông trong một vấn đề riêng tư".
"Ngay bây giờ?". Langdon hỏi. "Đã quá nửa đêm rồi".
"Ông có một buổi hẹn gặp mặt với ông phụ trách bảo tàng Louvre tối nay, đúng không?".
Langdon chợt cảm thấy bồn chồn. Ông và ông phụ trách bảo tàng đáng kính Jacques Saunière đã sắp xếp chương trình gặp nhau uống chút gì sau buổi thuyết giảng tối nay của ông, nhưng Saunière đã không đến. "Vâng. Làm thế nào mà ông biết chuyện đó?".
"Chúng tôi thấy tên ông trong sổ ghi công việc hàng ngày của ông ấy".
"Chắc không có gì bất ổn chứ?".
Viên cảnh sát buông một tiếng thở dài dễ sợ và luồn một tấm ảnh chụp lấy ngay Polaroid qua khe cửa hé mở.
Khi Langdon thấy tấm ảnh, toàn thân ông cứng sững.
"Tấm ảnh này được chụp cách đây chưa đầy một tiếng. Trong bảo tàng Louvre".
Khi Langdon nhìn kỹ hình ảnh kì quái đó, sự ghê tởm và choáng váng ban đầu nhường chỗ cho một cơn giận trào lên đột ngột: "Ai có thể làm chuyện này?".
"Chúng tôi hy vọng ông có thể giúp chúng tôi trả lời chính câu hỏi đó, bằng kiến thức của ông về khoa ký tượng học và việc ông định gặp ông ấy".
Langdon trân trân nhìn tấm ảnh, sự kinh tởm giờ đây hoà cùng nỗi sợ hãi. Hình ảnh khủng khiếp và quái lạ đó kèm theo một cảm giác bất an về một điều đã thấy ở đâu đó. Hơn một năm trước, Langdon nhận được tấm ảnh một xác chết và một lời đề nghị giúp đỡ tương tự. Hai mươi tư giờ sau, ông suýt mất mạng trong thành phố Vatican. Bức ảnh này hoàn toàn khác, tuy nhiên có một cái gì quen thuộc trong kịch bản khiến ông lo lo.
Viên cảnh sát nhìn đồng hồ: "Capitane của tôi đang chờ, thưa ông".
Langdon chỉ nghe thấy loáng thoáng. Mắt ông vẫn dán vào bức ảnh. "Cái biểu tượng này và cách đặt thi thể ông ấy thật kỳ lạ...".
"Vị trí?" Viên cảnh sát hỏi.
Langdon gật đầu, cảm thấy ớn lạnh khi ông ngẩng lên:
"Tôi không thể tưởng tượng là ai có thể làm việc này đối với người khác".
Viên cảnh sát có vẻ nghiêm nghị: "Ông không hiểu sao, ông Langdon. Những gì ông nhìn thấy trong bức ảnh này...", anh ta dừng lại, "Ông Saunière đã tự làm điều đó với chính mình".
Chú thích:
(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Nhưng thưa ông
(2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Cục Cảnh sát tư pháp trung ương.
(3) Tiếng Pháp trong nguyên bản: đại úy