Trung ương ĐCSTQ vốn định xây dựng xong chủ nghĩa xã hội mới định ra hiến pháp. Stalin cho rằng nếu “Chính phủ liên hiệp” tồn tại lâu dài, Trung Quốc có thể phát triển theo hướng dân tộc chủ nghĩa, nên ông kiên trì đòi Trung Quốc sớm định ra hiến pháp. Liên Xô đã thiết kế cho Trung Quốc mô hình chuyển đổi thể chế theo kinh nghiệm các nước Đông Âu.
Tháng 9-1954, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khoá 1 đã thông qua hiến pháp do Mao Trạch Đông khởi thảo. Tại kỳ họp này, chính phủ liên hợp đổi thành chính phủ một đảng, các nhân sĩ dân chủ cơ bản bị gạt khỏi cơ cấu quyền lực. Hội nghị hiệp thương chính trị vốn có chức năng Quốc hội nay biến thành cơ quan tư vấn; Hội đồng Chính vụ và Hội đồng Chính phủ nhân dân trung ương thành phần chủ yếu là các nhân sĩ dân chủ bị xoá bỏ, thay vào đó là Hội nghị Quốc vụ tối cao; Chính Vụ Viện đổi thành Quốc vụ Viện (Chính phủ), quyền hạn tăng thêm, nhưng trong hàng Phó thủ tướng không có một nhân sĩ dân chủ nào. Tháng 9-1954, tái lập Quân uỷ Trung ương, quyền thống soái và chỉ huy quân đội nằm trong tay một mình Mao Trạch Đông.
Cơ cấu quyền lực mà Mao thiết kế về bản chất giống thể chế độc tài của Tưởng Giới Thạch. Đảng đứng trên Quốc hội, lãnh tụ đứng trên Đảng. Về lý luận nói sự lãnh đạo của Đảng nhất trí với nhân dân làm chủ. Vấn đề là khi nảy sinh tình trạng không nhất trí thì quyền quyết định cuối cùng thuộc về ai? Nói Đảng quyết định cũng không phải Ban chấp hành trung ương thảo luận, biểu quyết, mà do lãnh tụ độc đoán quyết định. Đây là một thể chế dân chủ giả, chuyên chế thật. Nó đã không ngăn cản nổi 50 vạn tri thức bị qui thành phái hữu và bị đàn áp, không ngăn chặn được việc điên cuồng phát động phong trào Công xã hoá và Đại tiến vọt, cũng không có phản ứng nào khi cuộc Đại cách mạng văn hoá kiểu phát xít xoá bỏ hiến pháp, đình chỉ hoạt động của Quốc hội.
Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển kinh tế quốc dân đã được soạn thảo khá nghiêm túc. Tháng 8-1952, dự thảo khung kế hoạch đã được Chu Ân Lai, Trần Vân, mang sang xin ý kiến Stalin và Chính phủ Liên Xô. Tháng 10-1954, Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai đã dành một tháng cùng nhau thảo luận, sửa đổi bản thảo kế hoạch chi tiết, tháng 11 Bộ Chính trị thảo luận trong 11 ngày. Tháng 3-1955, Hội nghị toàn quốc của Đảng thảo luận, tháng 7 Quốc hội chính thức thông qua, tháng 11 và 12, Chính phủ ban bố lệnh thực hiện trong cả nước. Nhưng kế hoạch thực hiện được hơn 2 năm thì Mao Trạch Đông gạt Thủ tướng và Chính phủ sang một bên, với tư cách Chủ tịch đảng cầm quyền, đích thân đứng ra chỉ huy công cuộc xây dựng kinh tế. Thế là vừa ngủ dậy, Mao đã có một chủ ý mới, đang bơi hứng lên liền quyết định tăng sản lượng gang thép lên gấp 2 lần, chỉ tiêu kế hoạch thay đổi từng ngày, làm rối loạn cả nông nghiệp và công nghiệp, cuối cùng làm rối loạn kinh tế cả nước.