Mẫn và tôi

Chương 9

Đạn 105 bay soàn soạt như vò lá chuối khô trên đầu chúng tôi từ gà gáy nhỉ, bây giờ thêm lũ 155 rống ò ò như bò mở chuồng. Địch bắn dồn vào Tam Trân.

Bên kia cánh đồng, trong ánh sáng lờn lợt của buổi tinh mơ, những cột khói phì giữa tre nổi màu trắng rất đặc, hoà vào sương sớm, họp thành một lớp bông xốp đè xuống làng. Nhìn từ xa, một trận pháo có vẻ thật dễ sợ: xóm làng co lại nhỏ xíu bẹp gí, mỏng như giấy cắt, còn những cây nấm khói có lõi lửa thì mọc lên phùn phụt, trên ruộng và ngoi cao, phủ lấp tất cả, nuốt trời nuốt đất. Không biết bao nhiêu thằng chỉ huy của địch lỡ dại tin vào cái cảnh lừa mắt ấy, đã nướng cả đơn vị trong lưới lửa của ta, không mất mạng cũng mất lon. Trò đời, chẳng có cái dại nào giống cái dại nào, mà không tin ở chất nổ thì chúng còn biết tin ở thứ gì?

Càn lối cũ thôi. Pháo bầy, rồi máy bay ném bom, rồi hát-u bắn xịt đùng mở đường cho H.34 đổ quân nhét nút, trong khi M.113 và quân bộ kéo lên như đàn mối kiếm ăn, mối chúa đi lẫn với mối con. Sau ba ngày cào bới đất Tam Sa, địch đã càn rộng ra sau lưng chúng tôi. Du kích Tam Trân mới nhận hai trung liên Mỹ, đang hằm hằm lập công, và lối cầm quân của chị Bỉnh cũng bề thế vững vàng như cái vóc người đồ sộ của chị. Lũ trực thăng vừa phành phành bay qua được vài phút, tôi đã nghe súng nhỏ dưới đất nổ từng loạt rất mạnh và đều, sướng cả tai, chỉ huy cừ lắm. Một lần nữa tôi muốn trêu cô ”tư lệnh không quân” ở đây, lại nín được. Cậu Duy Hảo tuyên bố sẽ xây nhà máy thủy điện mạnh nhất thế giới chạy bằng nước mắt đàn bà.

Ba chúng tôi ăn hết một vác sắn luộc, ngủ gần mười tiếng – chỉ hai lần bị cối 81 đánh thức – đã khỏe lại. Khoái nhất là chầu tắm giặt. Tôi còn cạo râu nữa, người cứ mới tinh, mấy ngày bị giặc đuổi lùi tít ra xa. Bây giờ Mẫn vành tay lên tai, cố gạt những tạp âm của tàu bay đại bác sang bên, lọc lấy những tiếng động phía làng Cá. Chín Cang leo lên cây, nhún chân thử từng cành xem có chịu nổi hai phần ba tạ không, báo rằng các cụm quân đóng rải trên vùng gò đã rút. Tôi cũng trèo lên cây xem địch càn Tam Trân, cao hơn Cang, bắt được tiếng xe gì rít rống lộn xộn trong làng Cá, dội nhiều tiếng sắt hơn M.113. Xuống đến đất tôi mới nghĩ ra: xe ủi đất.

Mẫn cắn môi:

- Lôi thôi to. Nó làm đường ô-tô, chở thép gai tới, rào ấp... Hèn gì sáng giờ súng nhỏ nổ lốp đốp hoài!

Tôi không hiểu. Mẫn cho biết đó là dân đấu tranh và địch bắn doạ. Bà con xóm Giữa kéo ra vây lính, chúng mới bắn mấy loạt tiểu liên ban nãy, còn súng trường nổ tiếng kép nhiều lần là địch dồn đông bào ra nhổ chông ở bìa làng chiến đấu.

- Để anh coi, lát nữa nó lại bắn ra gò cả thúng đạn. Chắc có cối nữa.

Mẫn vừa nói dứt, mấy cây trung liên đã xổ đạn rào rào về hướng chúng tôi, thêm mười trái cối 60. Tôi ngẩn người, chịu Mẫn đoán tài. Thì ra bà con xóm Giữa đã hù địch cả chục lần rồi. Bị ép đi nhổ chông, các bà cách chị thập thò bước ra ven đồng, dòm dòm, rồi đâm đầu chạy và hét: ”Việt cộng bên gò kia!”. Dù tin hay ngờ, địch cũng phải bắn một mớ ra đồi.

Chúng tôi phải về bám làng bắn bia, không cho địch lùa dân ra phá chông mìn.

Mẫn nhất định đi đánh với cặp chân quấn băng và đi tất to sù. Cang ở lại đây phòng có người đến tìm. Cây báng đỏ còn nổ được hai phát. Mẫn tìm ra ba viên đạn còn sót trong một băng thay vội giữa trận, mừng hơn được ba thỏi vàng, cây các-bin liên thanh sống dậy. Chúng tôi len lỏ gần hai tiếng mới đến gò Trúc, chỗ bến phà cứu lụt năm ngoái.

Bên kia cánh đồng, cụm tre cau nhô giữa lúa như vắng ngắt, nhìn lâu mới thấy những bóng mũ dưa hấu thập thò sau rào như sâu xanh nhấm lúa. Mẫn nhảy xuống một hố đất nẻ. Chúng tôi nhìn nhau cười: một kỷ niệm chung, hai đứa cùng bắn chiếc AD.6 ở đây, tôi giật chân cho Mẫn ngã nhào tránh rốc-két. Miệng hố phủ cỏ xanh rì, ngụy trang sẵn cả.

Chúng tôi đợi không lâu. Bia thịt dẫn xác ra kia, một nhóm lính ốp bà con đi phá chông. Nhiều bóng bà ba đen, nón trắng. Tôi chĩa súng vào thằng địch đang chỉ trỏ, chắc hạ sĩ trung sĩ gì đó. Mẫn đập vai tôi:

- Đợi đã anh. Rán hạ được cha con xã Chinh hay thằng Ba Thấn, đáng tiền hơn.

Tôi lại vấp ở chỗ bộ đội chủ lực hay vấp: chỉ chăm chăm diệt lính địch, quên tụi ác ôn địa phương, đôi khi đánh thắng to mà đồng bào khó nổi dậy. Nhắc nhau mãi ”đừng cà nhắc một chân” mà vẫn ít nhớ.

Địch bắt được hơn hai chục bà con đi nhổ chông, sau thêm mười người nữa. Hò dằng co với lính chán mới bước xuống bãi, nhổ một cây lại vặn lưng năm bảy phút, nhưng dần dà cũng phải nhích tới. Ba con mồi cần bắn nhất không chịu ló mặt. Giữa bãi chông có mìn gài rất kín, dây mìn nối vào gốc chông. Phải nổ súng cho đồng bào lấy cớ mà rã đám ngay thôi.

Năm viên đạn tất cả, chi cho trận mở màn phản công này hai viên, chia hai đợt. Tôi nhường Mẫn bắn phát đầu. Mẫn lắc. Cứ như các cụ ngồi vào mâm, mời nhau cầm đũa trước. Chúng tôi đều biết rằng viên thứ nhất rất dễ trúng đích, sau đó người bắn vẫn ung dung, bởi địch chưa nhận ra hướng ta núp nên chỉ nằm bẹp quét bừa. Người thứ hai bắn khó trúng hơn, lại hút hết đạn về phía mình. Những thằng địch rất sợ phát sau, vì nó báo rằng du kích cố bám riết.

Mẫn chặc lưỡi, cười:

- Thì thôi, em nhận. Bộ đội nhường du kích mà.

Phải để dành cái hố lát nữa tránh đạn. Mẫn bò đến một bụi ngũ sắc, lùi vài bước, giương súng. Động tác khá nhuyễn, chọn chỗ nằm cũng tốt, luồng khói phụt ra sẽ được lá rậm che khuất. Cô xã đội này không có chút gì là ”cán bộ làm đẹp phong trào” như con nhà lính chúng tôi hay ghẹo.

Thằng lính ngồi xổm trên bực đất bỗng chúi sấp xuống bãi chông, giãy vài cái như bươm bướm, duổi cẳng. Tôi vỗ tay nhẹ vào báng súng, rồi vẫy cho Mẫn rút trước. Mẫn lại lắc đầu, bò đến hố trong khi đồng bào bên kia chạy túa vào xóm và địch bắt đầu vãi đạn tơi bời.

Đến lượt tôi.

Trước mắt Mẫn, lỡ tôi ”bắn cảnh cáo” thì ê mặt lắm, chỉ còn nước mang ba-lô đi tìm đầu ban, nghĩa là cuốn xéo... Tôi cười thầm trong khi căng mắt tìm địch. Học trò cưng của xạ thủ Ba Tơ không thèm bắn tụi lính tôm tép đâu nhé. Mãi rồi tôi cũng chọn được con thịt cao giá: Một thằng cao to đềnh đàng, đứng trong quãng hào xa, đang khom lưng chiếu ống dòm qua gò. Ba trăm rưởi thước nằm bắn, chơi được, coi bộ cây báng đỏ này không mắc tật nguyền gì. Tôi bò đến chỗ Mẫn vừa nằm, tháo bao lưng kê súng cho chắc. Bỗng dưng, đố biết vì đâu, tôi thấy ngực mình rất ấm như có hơi người truyền sang, gây một cái gì lẫn lộn cả ngượng, vui, sờ sợ nữa, tựa hồ phát súng lẻ sắp bắn sẽ định đoạt cho tôi một biến đổi lớn trong đời; nó là trái bộc phá mở màn một chiến dịch dài ngày của riêng tôi... Tôi mỉm cười giễu mình lẩn thẩn. Hôm nay tôi thích cười lạ, sao vậy?

Thằng Mỹ cúi dòm mãi đã mỏi mắt mỏi lưng. Con hào của Vi-xi đào chỉ vừa Vi-xi núp, không vừa xác nó. Nó đứng thẳng lên, lộ ngực... nảy ngược một cái, úp mặt vào bờ hào, từ từ trụt xuống với hai bàn tay cào đất. Tôi xách súng xách bao, phi nước đại lập tức, không chơi trò sĩ diện với địch. Mẫn chạy sau lưng tôi, cười to.

Chúng bắn thôi là bắn. Súng cha súng con đánh trống gõ mõ suốt nửa giờ tế hai thằng chết, tôi nghe nổ mà phát thèm. Rút một hơi đến chỗ khuất đạn thẳng, tôi dừng lại đợi Mẫn, cùng chạy việt dã ra khỏi tầm cối 60 lúc này còn bắn trật bậy. Chúng tôi nắm tay nhau vừa chạy vừa cười: hai đứa trẻ vừa trị được con chó dữ xồ ra cản đường đi học. Sau mấy ngày tức ói vì giặc đuổi, hôm nay cười cho thoải mái nhé, cười bù những lúc không sao cười được, tuy chiến công chỉ là con số lẻ mà các bản tin của ta thường hớt cho gọn.

Khi pháo 105 bắt đầu ném những tấm tôn trên sườn đồi, chúng tôi nhảy xuống một chỗ đường trũng, ngồi thở. Mẫn bóp bàn tay tôi, nói không kịp lấy hơi:

- Em tưởng anh bắn hụt... ngó trật lại, thấy thằng Mỹ gục... chao, mừng húm...

Mẫn hít mạnh, mặt đỏ rựng, cười một hồi nữa, mắt lóng lánh cười nhiều hơn miệng. Sao Mẫn xinh vậy ta? Không, phải nói là đẹp. Đúng cô Mẫn em mà tôi gặp dọc đường Tam Kỳ, ríu rít như chim, vui đến sáng cả mặt mũi chân tay... Tôi bắt quả tang tôi đang nghĩ lộn xộn.

- Vậy là bà con trong xóm biết rồi đó. Biết tụi mình bám. Để anh coi, chiều nay nó chặn mấy chũng có người ra gò tìm du kích. Hôm qua... hồi đó em xấu hổ quá mà. Nói đánh giặc giữ làmg miết, giặc tới lại chạy có khói có người, tới khi trở vô nhà bà con chắc phải đưa cái lưng vô trước, lãnh ít cây cán chổi... Bây giờ khỏi lo rồi.

Tôi cười theo, nao nao.

C.215 của tôi vây đồn bắn bia, khi đổi phiên anh em thường xòe ngón tay báo số địch vừa hạ, cậu nào không xòe được hết bàn tay thì phải trề môi và lắc đầu một cái để tỏ ra mình đen đủi. Đây hai chúng tôi chỉ xòe được hai ngón tay, nhưng đó là hai mũi kim chích vào cái bong bóng Mỹ vẽ hình ông kẹ đang căng phình, là hai tiếng tín hiệu của du kích gọi dân. Mẫn đùa, làm như chỉ đánh vì sợ cán chổi. Ngay trong câu đùa Mẫn cũng chỉ nhắc tới phần việc mình phải làm, không gợi lại buổi chống càn đầu tiên rất ngon, chưa vội tìm lỗi người khác trong vụ Ba Thấn nhảy theo giặc.

- Ngớt pháo rồi, về kiếm ba củ sắn đi anh, đói khiếp. Chiều mới có người ra.

Mẫn đi trước, kiểu đi xổng xểnh không cần làm dáng của một cô gái ít nhớ mình là gái. Tôi ngắm dáng bàn tay Mẫn đánh xa lui tới, rất là thú khi thấy hai ngón trỏ và giữa hơi xòe ra. Hai ngón tay búp măng. Hai cánh bông bạc sống qua cơn lũ bùn vẫn trắng muốt nhô lên vẫy giữa dòng nước, mềm mại dễ thương mà không biết cúi đầu. Thế đấy, có những cái đẹp phô mãi trước mắt mà tôi chẳng thấy, đến một phút nào đó chợt hiện lồ lộ như được luồng nắng rọi vào.

*

°

Mẫn lại đoán đúng.

Trong buổi chiều, mấy bà con làng Cá ra sục gò tìm chúng tôi. Một bà lão còng lưng chống gậy đi lụm cụm, vừa thấy Mẫn bỗng trẻ lại vài chục tuổi, vất gậy thẳng lưng chạy tới. Đó là mẹ Sáu ở bên nhà Mẫn, đang nuôi giúp Mẫn thằng cháu Hoàn hai tuổi. Mẹ khóc sùi sụt, nắn khắp người Mẫn tìm chỗ băng: ”Mày bị thương đâu nói thiệt đi!”. Mẫn đỏ mặt cố gỡ tay mẹ, tôi tạm lánh một phút.

Tiếp chị Biền có chửa đầy một bụng gạo muối. Rồi ông thầy Mười say rượu gật gà hôm nọ cũng đến, cầm một túm lá thuốc nam. Từng người lấy cớ tìm con nít chăn trâu sợ pháo chạy lạc, tìm con bò sẩy mũi, giằng co riết tụi lính mới cho ra khỏi xóm. Thằng Chinh con vừa khịt mũi vừa khoe bắn du kích chết ráo, ”con Hai Mực trương như bò trôi lụt, nằm úp mặt xuống mương nước chỗ hóc Môn, thối quá không chôn được, thôi để quạ tha mối đùn lâu lâu rồi ai lấy xương cứ lấy, tôi cho làm phước”. Bà con bắt Mẫn kếu hết ”sắp nhỏ” ra coi thử ai còn ai mất. Mẫn đáp gọn trơn: ”Du kích lo bám địch chớ ở đâu đây!”. Tình cờ, một lát sau phía Nhơn Thọ bật lên hai tiếng mìn muỗi, rồi súng địch đổ bão, chắc du kích bí mật đánh trong làng. Tới đó bà con mới hết băn khoăn. Tôi cầm súng ngắn đi gác, cô Cang chặn: ”Anh ở lại cho cô bác nhớ mặt nhớ giọng, sau mới dễ vô làng”.

Một trăm thứ chuyện xoắn xuýt kể lấy được qua tiếng nổ rền đằng trước đằng sau, tiếng máy bay và đạn pháo bay qua đầu, chen những tràng cười dài và đôi giọt nước mắt.

- Nó đặt máy a-lô trong nhà tao đó Hai. Cũng hay, thằng Chinh con quẹt lửa đốt nhà mày, tao nổi la làng, tụi lính sợ cháy lây đổ ra dập lửa, doạ cho thằng Chinh nếm kẹo đồng. Nó kêu trong máy “đại bàng gọi diều hâu” miết, rồi xì xầm với nhau tụi càn Tam Trân chết quá đi, tàu bay y tá chở không kịp. Sợ mất máu hết!

- Cái thằng Chinh Thiệt quá chó dại. Dạo trước Tết nó còn sợ mình, đi năn nỉ cùng xóm, coi xuống nước hung. Giờ lính về đông nó lại hỉnh mũi lên râu. Tao nói: nhơn chi tương tử kỳ ngôn giả thiện, ông nghe tôi phân một câu thử coi phải trái, sách có chữ chủng qua đắc qua chủng đậu đắc đậu…

- Thôi ông, nói chữ với nó uổng miệng, nó vỗ ngực rồi đó: tửu là một, sắc là hai, tiền xài là số dách!

- Bà Tám Lư nhào vô ôm xác con, bị nó đạp bữa nay còn tím rịm bên hông. Cố tổ nó chớ, thà nó là con bọ hung ở đống cứt rúc ra, đây nó cũng là người mà chẳng biết mẹ thương con là sao. Bà con kéo tới đủ số ngàn, nó mới chịu để chôn.

- Kể đi bác Sáu, bác hăm thằng Thấn cách sao mà nó sợ dữ vậy?

- À, à, chút xíu nữa quên thằng liếm đít. Con Hai nghe thử chỗ nào trật chánh trị thì sửa… Tao đợi trưa tròn bóng tụi nó nghỉ xăm hầm, nắm tay thằng Thấn mời gắt vô nhà, quấn thuốc, pha chè nhỏ, hét con đi cắt cổ vịt nữa. Nó nhịp nhịp cái cẳng  vậy nè, như ông huyện về làng, chắc nó tưởng tao nịnh cho khỏi ở tù. Tao khen nó thiệt là gan to hơn cóc. Nó rung cẳng hỏi: “Gan sao hử?”. Tao nói: “cái xã mình coi vậy chớ khó, xưa nay ai làm việc quốc gia, cố gây thù kết oán thì trước sau cũng đạn một viên, cáo trạng một tờ hết. Giữa hồi chộn rộn này mà ông dám đứng ra gánh vác, tôi chịu ông giỏi đó. Nó đổi nước da, còn cải gượng: “Ấp rào kỹ, quân đóng dày, tụi thằng Luân với con Mẫn gãi ngứa chớ làm gì, xớ rớ nữa thì nghoẻo củ từ”. Nó mới nuốt củ sắn bẻ đôi của du kích đó, bây giờ nói vậy chẳng có mắc nghẹn mới lạ. Tao không ngọt được nữa: con Mẫn ở ngoài ấp mà dân ở trong. Dân đây ông biết rồi, nói tới rào ấp thì mười người ghét đủ chục. Hồi ông đi phá ấp thì dân cho trứng với chuối, giờ ông đi xăm hầm rào ấp chắc họ mời ông ăn bí ăn lựu quá. Tôi đãi ông con vịt cho trọn cái ngãi lâu nay… Nó đổ mồ hôi hột đó Hai. Cẳng nó cứ rung, mà rung kiểu khác!

Chúng tôi cười một trận líp ba-ga(1)

Thằng Ba Thấn bị vây chắc cứng. Bà con gặp nó là con mắt lườm dài, cái nón úp sấp, nước miếng nhổ phẹt. Nó vào nhà ai cũng nghe chửi chó nhảy bàn độc, mèo ăn mâm ỉa bếp. Nó sợ lưng tim lưng mật. Sau nó mò tới nhà ông thầy Mười, nơi trước đây nó quen ăn ngủ - ông già sẵn rượu và đồ nhậu – tuôn một hồi kể lể. Rằng nó bị ủy ban nghi ăn cắp, tức mình bỏ đi, bây giờ như con gái lỡ dại chửa hoang rồi, ông Chinh biểu gì nó phải nghe. Rằng nó không khai bà con trong làng, chỉ khai vài cái hầm của đội du kích đã chạy ra ngoài. Rằng lãnh thưởng vài ngàn nữa mà bị ghim cáo trạng trên ngực thì lỗ vốn to, bây giờ nó về thị xã lo buôn bán thôi. Ông Mười bồi thêm một mớ chữ thánh hiền, thì thào mách cho nó biết “bộ đội ông Thiêm” tới tiếp sức du kích rồi đó, trái nổ thứ một ký đeo dày chung quanh bụng. Rốt cuộc, nó cuốn gói về “trại hồi chánh” của tỉnh sáng hôm qua. Con buôn mà, nó đã tính ra mạng quí hơn tiền.

Ông thầy Mười trao nắm thuốc dấu, hẹn sẽ để gạo trong miếu Thổ thần sau vườn, ra về trước. Mẹ Sáu cầm nón lại đặt nón, quấn quít không rời được.

- Thằng Hoàn đòi mày miết Hai à. “Mẹ Mẫn âu? Hoòng chỉ chơi mẹ Mẫn”. Bữa nay quen hơi bà rồi, vậy chớ nghe con nít ở đâu kêu mẹ là nó giựt mình, ngó dớn dác.

Tôi thoáng thấy Mẫn đưa ngón tay gẩy khoé mắt. Mẹ Sáu dặn tôi lần nữa:

- Trăm sự nhờ anh bày biểu cho con Hai, đường đi nước bước nó chưa am tường, con nít mới lớn lên, xa cha mất mẹ thiệt tội đó anh.

Các bà mẹ bao giờ cũng vậy. Dù Mẫn vừ giao công tác cho mẹ xong, bắt lặp lại cho nhớ, mẹ vẫn thấy Mẫn là con nhỏ láng giềng thiếu nơi nương tựa mà mẹ phải lá lành đùm lá rách. Đợi mẹ ra về, chị Biền mới kéo Mẫn đi riêng, báo cáo về ban cán sự và du kích bí mật làng Cá. Tôi đã làm việc với cán bộ xã đủ nhiều để không thấy khó chịu khi bị gạt sang bên.

Mặt trời lặn. Chúng tôi trở lại chỗ núp. Cang nấu cơm dưới mương, Mẫn quạt khói. Tôi xách ăng-gô đầy rau má từ sông Rù Rì lên, bỗng nghe nhiều tiếng hú ngắn, hối hả. Cang rón rén bước ra. Vài phút sau, một bóng nhỏ đâm sầm qua bụi cây, nhào tới ôm Mẫn khóc hu hu. Út Liềm! Cô bé gầy đen, liên lạc riêng của chi ủy, rất ít khi hé môi, lúc này vừa nói vừa nấc vừa thở. Chúng tôi đều hoảng, tưởng anh Luân gặp nạn. Không sao cả. Lo nhiều nhớ lắm, vậy thôi. Anh Luân bắt Liềm ở lại ấp Lộc Chánh, khi biết chắc thằng Thấn đã cút mới cho lên tìm Mẫn. Liềm đạp xe về nhà, gặp mâm giỗ cha bày trên bàn thờ. Chẳng đợi mẹ khấn, em trải tấm ni-lông, trút tất cả các món khô vào, thêm hai chai bia, buộc túm, luồn đường hẻm ra gò, vác bao giỗ đi lùng Mẫn từ trưa đến tối, vừa khóc vừa lau nước mắt thật nhanh để thấy đường mà sục, vừa lo tìm lại vừa lo đụng xác các anh chị nằm trong bụi.

Liềm nói dồn, giọng khản đặc:

- Em ở đây với chị. Hay chị nhắn gì ông Tư, em đạp xuống Lộc Chánh lần nữa, mua tăng võng, rồi em bất hợp pháp luôn. (Liềm giẫm chân kiểu con cưng). Ở làng tụi nó bắt. Lỡ mai kia thằng Thấn chỉ mặt em thì sao? Lỡ em chịu đòn không nổi thì sao? Thiếu gì người chạy giấy mà chị cứ cấm em vô du kích?

Ồn ào khá lâu. Cơm khét, lửa tắt, rồi Liềm chịu ấm ức về làng. Coi trẻ con vậy đó mà Liềm đi liên lạc khắp nơi, xuống biển, lên căn cứ, ra Tam Kỳ, Đà Nẵng, đâu cũng lọt.

Mẫn cười với tôi:

- Anh cứ khen nó ít lời ít tiếng, từ chuối trồng tới chuối trổ không mở miệng. Bữa nay nó nói khiếp chưa!

Liềm véo chị Hai một cái, chạy biến. Tôi vẫn phải nghĩ mới nhớ ra ông Tư là anh Luân bí thư. Chao, lần cho ra những mối họ hàng dây mơ rễ má trong làng cũng khó gớm! Chúng tôi hỏng nồi cơm, được bù một bữa giỗ chưa khấn, ông bà thương con cháu chắc cũng xí xoá cho.

°

*

 

Chị Biền đã gọi móc xích các tổ trưởng du kích bí mật ở lại trong làng. Đêm nay chúng tôi họp liên tiếp ba nơi trền vùng gò để họ đỡ lộ vì đi xa và biết nhau quá rộng. Mới có một tổ xóm Đình lựa lúc địch đang bắn ầm ào, giật một trái mìn đạn 81 kiếm được bốn khiêng. Một chị xóm Đuồi ném lựu đạn, bị xịt. Quân chính trị làm ăn khá hơn nhiều.

Anh chị em lâu ngày quên mặt ôi, bây giờ che tay quẹt lửa xem lại, thấy tôi giống một thằng trung úy về đóng trong ấp năm ngoái, trước lụt. Chuyện thường thôi. Đến mỗi nơi tôi lại giống một ai đó: thầy giáo, cán bộ ở hầm dạo bí mật, sĩ quan ngụy, nhà báo Sài Gòn, anh bộ đội hồi chín năm, gay nhất là khi các chị nhầm tôi với ảnh.

Giữa lúc bàn cãi, thỉnh thoảng Mẫn ngoái cổ lại hỏi rất nghiêm:

- Tụi tôi tính vậy đó, anh Thiêm coi được chưa?

Mẫn hỏi đến lần thứ ba tôi mới hiểu ý. Giữ lúc địch túa tràn lan, lòng người dễ rối, anh chủ lực có mặt là rất quý. Dù mình trần thân trụi, tôi vẫn là chút móng chút lông của trái đấm thép, từ đâu đó sẽ nện xuống đĩa làm cán cân nảy ngược, thằng địch văng ra ngoài. Bà con làng Cá còn nhắc mãi trận gò Mù U lính rằn ri chết như xếp củi, cả cái trận cò con diệt hai tiểu đội trong đình, trầm trồ rằng lần này tôi về làng Cá “chắc có chuyện”, kèm con mắt nháy cho thêm phần bí mật. Tôi thấy mình phải đóng kỹ cái vai ly kỳ mà đồng bào gán cho. Lâu lâu tôi cố ý chen vào một câu hỏi về chỗ địch dồn xe, đặt pháo. Nói cho đáo lý, cũng chẳng phải Mẫn và tôi muốn lòe anh chị em: góp lại được trung đội du kích, chúng tôi đủ sức đánh những đòn mạnh hơn cú đình làng Cá nữa kia.

Mẫn gằn giọng nhắc mấy lượt, bàn tay phải chém xuống nòng các-bin:

- Líp lại à? Ai cho nó líp? Đấu lý gắt, không đi rào ấp, không cử ấp trưởng, liên gia trưởng. Tụi xấu ngóc đầu thì cảnh cáo, bắt cải tạo, lì nữa thì cho ăn chì. Trong đánh ra, ngoài đánh vô, ngày đêm đánh tuốt. Kiểm thảo miết cái chuyện bỏ lỡ thời cơ hồi đảo chánh Diệm rồi, bây giờ không được nằm im chờ thời, rút lui chiến thuật, xin lực lượng trên về giải phóng! Dứt khoát!

Có cái gì vụng đến chối tai trong các nói của Mẫn. Vừa gặp nhau mừng mừng, tủi tủi, Mẫn cũng xúc động như mọi người, sao vội ném đánh đốp những hòn đá tư tưởng ấy ra giữa mâm? Mà lại sao không nói cho dễ nghe: “Ủy ban kêu gọi các đồng chí…”. Mẫn cứ một mình ra lệnh tới tới. Tôi đoán trong những người đến họp, phần đông lớn tuổi hơn Mẫn, sẽ có đồng chí cãi bằng cái giọng giễu cợt của kẻ lớn trước một đứa trẻ ưa lý sự. Hoặc tất cả sẽ im lặng nghe và ra về, nếu thương hại không muốn Mẫn bị bẽ mặt… Tôi lầm. Anh chị em hỏi kỹ, bàn ngược xuôi thật nát nước, hứa sẽ làm kỳ được. Tôi sửng sốt khi một bác có râu ba chòm trịnh trọng lên tiếng:

- Đồng chí xã đội nói phải. Tới năm sáu lăm rồi, đi đâu cũng thấy giành dân giành đất rầm rầm, mình ở đây chịu cho nó nhốt thì thiệt là cha làm thầy con bán sách. Thôi thì vầy, đồng chí Mẫn cứ thưa lại với thượng cấp một lời cho chắc: chết lụt trong ấp một lần cũng đủ ngán rồi, cái làng Cá này không chịu vô lờ vô nơm nữa đâu, trầy vi tróc vẩy tới mấy cũng phá ra cho được!

Chung quanh gật đầu cả. Một chị bỗng chen vào, rất chua:

- Dân quyết, ủy ban cũng phải quyết. Ông chủ tịch đeo con thỏ sau lưng vướng quá, sao cấp trên không để ổng nghỉ luôn trên quán bà Liệp cho khỏe, cứ giữ ổng làm chủ tịch hoài vậy hè?

- Nặng lời chi thím Bảy? Năm ngón tay có ngón ngắn ngón dài…

- Ngón dài thiếu gì mà để ngón ngắn cầm đầu?

- Ờ, ờ, ngang như cua vậy mà cứng vỏ đó bà con!

Giữa những lời xôn xao, chị kia càng nói gắt:

- Ngang à? Hễ ông Luân tê thấp miết không lãnh cái chủ tịch, tôi cứ bầu con Hai đây nè. Nó con nít mới sạch mũi mà đánh giặc được, cầm quân chánh trị được, nói đâu dân tin đó, còn gấp mấy ông Tám Liệp. “Khen ông cán bộ đại tài, hễ nghe giặc tới chạy dài lên non”, khiêng trả huyện cho xong trớt!

- Thôi thím Bảy, để ta lo việc chính.

Mẫn cố can, lảng chuyện, nhưng bà con vẫn xói vào trách ông chủ tịch bỏ dân, tin dùng đứa xấu như Ba Thấn để nó đục khoét phong trào. Sau Mẫn phải cắt rất phũ, cuộc họp mới trở lại bàn việc sắp tới.

Tôi đã hiểu cách nói của Mẫn ban nãy. Dân Tam Sa chán cái lối thậm thụt tránh né của Tám Liệp. Mẫn bị đẩy vào cái thế phải tỏ thái độ trước dân, không thể nước đôi ba phải theo kiểu “các đồng chí đúng, chú Liệp cũng chẳng sai”. Rõ rang Mẫn cực lòng lắm mỗi khi nghe chú Liệp bị đả. Mẫn cố tránh nêu tên chú, nhưng phải đập thẳng tay vào những điều tầm bậy mà chú đã truyền cho một số người khác, phải đứng hẳn về phía những ai làm ngược lại chú. Mẫn cũng không thể mượn lời ủy ban tự quản, khi người đứng đầu ủy ban lại là “cây bàn ra”. Rắc rồi quá mất!

Chúng tôi về sông Rù Rì khi gà bắt đầu gáy sáng, mỗi đứa cõng một bao của ngon trên lưng, nhiều nhất là xôi, dưa bở, đường, cá nục. Những con cá nục to bằng cổ tay, kho ngọt, cuốn với bánh tráng và rau sống, ái chà chà, ngậm mà nghe chứ không muốn nuốt! Bộ ba chúng tôi ngả ra ăn sáng, đùa nở phổi. Tôi buồn cười khi Mẫn xưng em như cũ, thay tiếng tôi rất nghiêm ban nãy. Mẫn trở lại là cô du kích ranh mãnh, vui ồn ào, dám thách tôi khi ăn xôi và chỉ thua tôi một nắm con.

Chú thích:

(1)Tha hồ