Mẫn và tôi

Chương 2

Năm Ri nhào sấp xuống. Tôi nhào theo.

Chuỗi đạn mười hai ly bảy xóc vào sườn đồi bên trái, nổ pục pục, bùn toé trên cổ tôi. Chuỗi sau dài và quét thấp hơn, xẹt qua gáy nóng rát. Tôi quát:

- Lăn xuống! Lăn!

Anh em ôm súng vào ngực, kẹp chân giữa háng, dựng cùi tay đỡ nóng, lăn lông lốc theo sườn đồi trơn nhẫy. Chú Dé rơi lõm xuống nước, hối hả bò lên, chửi một hồi tiếng Co. Khuất rồi. Đạn vẫn réo réo qua đầu chúng tôi. Nhưng lại có nhiều phát súng trường lốp bốp, nòng quay hướng khác, không nghe tiếng đạn vỗ không khí. Chắc là du kích kìm địch, tỉa vài thằng cho chúng câm họng. Trên gò Mù U có một đại đội biệt động quân với bốn thằng Mỹ, suốt mấy ngày này bắn vào bất cứ cái gì còn cựa quậy trên mặt nước.

Năm Ri - cậu du kích Tam Sa dẫn chúng tôi về xã -nằm im trên mặt đường. Chắc bị rồi. Địch ngớt bắn, tôi định vọt lên, vừa lúc Ri nhỏm dậy chạy ào ào xuống dốc, tràng trọng liên đuổi theo không kịp. Ri cười rất rộng, hấp háy con mắt vảy cá:

- Tôi lỡ mắc kẹt trên cao, ón(1) quá mà không biết lăn...

Lao xao nhiều tiếng phụ nữ gọi, cách chừng trăm thước:

- Lại đây núp, mau! Nó kêu pháo chụp bắn bây giờ! Kìa anh Ri! Ngó coi thằng Năm!

Không đùa với thứ pháo úp rơm ấy được. Chúng tôi chạy léo nhép trên bùn về phía người gọi. Một quả 105 bay xẹt xẹt, nổ gần chỗ chúng tôi gặp họng cây trọng liên, phì khói trắng. Chắc pháo nó chĩa sẳn vào đây mới bắn nhanh vậy. Mấy cô du kích đứng nép vào sườn đồi lở, vẩy rối rít: “Lấy đích rồi, bôn lên chớ!“ Chúng tôi đâm bổ vào chỗ núp, vừa lúc tiếng “pình “ của trái đạn bùng lên đầu. Mảnh băm xuống rào rào bịch bịch. Đồng chí chạy vào sau cùng bật kêu khẽ, đưa cánh tay bết bùng lên: Một mảnh thép kịp cứa bắp tay, vết sắc như dao chém, may không sâu. Các cô xúm lại rửa và băng, hỏi lấy được. Địch bắn dồn dập mươi quả rồi im.

Trong đám đông tôi nhận ra em Liềm đã đi với cô hai Mẫn. Liềm ngó tôi, chớp chớp mắt, lảng. Còn tức mà.

Đây là một cái hàm ếch rộng, lõm vào sườn đất đỏ. Nước xoáy kéo đất sụt xuống, để lại cái hang cho người trú, chưa biết khi nào sẽ lở tiếp. Đội công tác Tam Sa đặt “ hậu cứ “ tại đây, bón cháo tiêm thuốc cho đồng bào bị nạn, để xuồng bè của các xã giải phóng xuống chở đi.

Năm Ri còn hổn hển nhưng cái kiêu hãnh bên trong vẫn xì qua giọng nói:

- Bộ đội chủ lực về đánh giặc cứu lụt đây. im bớt coi! Chú Luân, chị Mẫn đâu? Chị Tám đâu?

Một chị bước tới, đập tay Ri:

- Thì để các ảnh thở chút đã chớ. Mới xuống đã lấm lem như trâu lăn, chẳng ai cực như bộ đội. Uống nước đã các anh, ăn sơ chén cháo thịt bò đỡ đói, thiệt tội...

Nghe kiểu than thở của chị, tôi đoán ngay chị có chồng đi bộ đội. Thấy mọi người mừng xôn xao, tôi không nỡ nói ngay rằng chỉ có mười bốn anh em về giúp Tam Sa. Ưu tiên số một rồi đấy. Chúng tôi không ăn, chỉ gửi gói áo quần và bao gạo lại đây. Mỗi người mặc quần đùi áo lót, mang súng đạn và tất cả các thứ ni-lông đi mưa, tấm tăng ba thước, pông-sô lấy của địch, dây mây, dây dù đã vét được khi rời đại đội. Ra trận ngay. Chị Tám cứ túm mười bốn nắm cơm vào tấm choàng bắt Năm Ri xách theo cho chúng tôi ăn trưa.

Vừa đi vừa chạy vòng vèo qua các chân đồi khuất, bơi giữa cau, chè, sắn từng quãng, chúng tôi đến gò Trúc. Bãi sắn rộng, ngập một nửa. Nước, gió và pháo địch đã xô sắn trốc gốc nằm nghiêng ngửa: những củ sắn gãy điểm lác đác những chấm tròn, trắng tinh lạ mắt trên màu bùn tãi khắp nơi. Mấy người đang đóng bè chuối. Một áo đen ngước lên, lật nón lá. Cô Mẫn, chi ủy viên Tam Sa.

Mẫn nói ngay:

- Các anh có việc gì...

Vừa nhận ra tôi, Mẫn ngừng lại mím môi. Tôi nghĩ nhanh: “Tự ái dai khiếp!“. Tôi bước tới để chặn những hờn dổi mất thì giờ:

- Chúng tôi về giúp cứu lụt. Chỉ có mười bốn anh em tất cả, mang theo võ khí. Đề nghị đồng chí giao việc.

Mẫn mở to mắt vài giây nữa, rồi không hiểu sao lại bật cười nhẹ, ấp úng:

- Chao, may quá...

Chúng tôi ghé vai khiêng luôn cái bè chuối. Đội công tác Tam Sa và mấy thanh niên nữa đang chèo hai chiếc xuồng nan với sáu cái bè chuối, qua lại trên cánh đồng chưa gặt ngập dưới ba thước nước. Tụi biệt động trên gò Mù U không nhìn thấy quãng này, nhưng vẫn gọi pháo chụp bắn lên cầu may.

Trước mặt tôi cách chừng trăm thước là thôn Nhơn-ái, tức làng Cá, tức Một Sa “ấp tân sanh điển hình của quận Lý-tín “, có đủ hai sông ba núi vây quanh. Cái lò giết mòn nay biến thành giết gấp.

Đài Giải phóng và đài Hà Nội tới tấp báo lụt trước mấy ngày. Tụi ác ôn bắt tin đài ta, giữ kín, lén chôn thêm mìn chung quanh các cổng ấp khoá cứng, kéo quân cắm lều trên gò Mù U. Nước lũ đổ dồn về ban đêm cuốn đi chừng ba chục nóc nhà, ngót chục bà con chết mất xác. Mười mấy người nữa trúng mìn khi cố phá cổng ấp hay trèo qua kẽm gai. Nước dâng tiếp. Bà con chạy dồn lên chỗ cao giữa làng, trèo lên giường phản, rồi lên bàn thờ, rồi lên giàn gỗ kê dưới mái nhà, rồi phá mái trên nóc, rồi chuyền qua cành cây. Nước lên nữa. Nước khoả các xóm thấp, xoáy sập các nhà vách đất, lừ lừ đuổi mãi theo người. Cái chết từ dưới lên, đến đây thêm cái chết từ trên đổ xuống. Những người ôm ván bơi hoặc leo cây chỗ trống trải đều bị quân “đầu cọp“ xối đạn giết. Thứ cọp này không bao giờ no thịt người. Cọp Mỹ nuôi, có chủ dắt dây. Lắm người lặn tránh đạn, không ngoi lên nữa. Một tiếng “ục“ nhỏ, ngột hơi, đặc sệt dưới đáy. Một luồng nước đầy bong bóng đùn lên, cuộn tròn. Người trên cây ngó xuống chỉ kịp thấy mớ tóc đen xõa như rong, thấy mảng trắng của gan bàn chân hiện thoáng trong bọt nước, chìm ngay.

Đội công tác lao vào cứu dân trong ấp, mất liền hai đồng chí trong buổi đầu. Ngày thứ hai khá hơn, chỉ bị thương một. Các xã giải phóng chia bớt du kích đến giúp, một số ém địch trên gò Mù U, số khác chống bè, chèo xuồng, ôm ván bơi, đi vớt từng người. Đến lúc này, bên xóm còn ngót một trăm bà con chưa thoát được.

Năm Ri đã kể những chuyện ấy dọc đường. Bây giờ tôi đang đứng trước trận địa chống lụt. Nước, mênh mông nước màu canh hến trải ngút tầm mắt, lều bều các thứ giường chõng bàn ghế trôi lẫn với củi rều, đây đó nhô lên một mái nhà ngói sắp ngập, vài ngọn cây lắc lư chực trốc gốc thụp xuống. Từng chùm người đang bám vào những chỗ sống cuối cùng ấy. Nước xuống tới đây không còn chảy xiết như vùng trên, nhưng lại dồn ứ nhiều hơn, dâng cao và rút chậm hơn. Nó cứ thong thả nhích từng đốt ngón tay như đã nắm chắc mồi ngon, không cần vội.

Mẫn hỏi run run bên tai tôi:

- Làm sao anh? Người ít, xuồng bè thiếu… Hay là nhờ các anh cản địch phía gò...

Tôi không đáp, cũng không để ý tới những lời giục rối chung quanh. Đầu tôi hết nóng. Những xúc động quẫy lên nén xuống mấy hôm nay tan biến. Tôi tỉnh, lì, gần như lạnh lùng. Tôi đã tập cho mình biết tỉnh khô tỉnh rụi trong cuộc giao chiến, khi xóc lê cũng như khi bị đạn xóc.

Làm thêm bè chuối không lợi. Chuối chặt từ xa, cả buổi mới xong bè, mà mỗi cái chỉ chở được một người chèo và một người nằm, rất chậm và dễ lật. Kìm tụi biệt động đã có hơn hai chục du kích các xã bạn, đủ rồi. Từng đồng chí ôm phao bơi đi cứu, cũng quá chậm. Coi chừng pháo bắn, trực thăng chụp…

Một kế hoạch hiện dần trong óc. Có thể được lắm. Tôi quay lại, gặp mười mấy cặp mắt đang chờ, đăm đăm cùng nghĩ với tôi.

- Làm kiểu kéo phà sông Tranh. Sao.?

Anh em reo ồn:

- Biết mà!

- Vớt lẻ sao cho kịp, kéo phà thôi!

- Căng dây ra đo, mau! Nối dài luôn đi!

Mẫn nhìn anh em chạy ùa đi bẻ lá sắn nhồi vào ni lông, lại nhìn tôi, ngẩn ra. Tôi phải nói cặn kẽ hơn. Anh em sẽ nối số dây hiện có cho đủ một trăm ba chục sải, gấp đôi khoảng cách từ đây sang mái đình cao nhất bên kia. Quãng giữa sợi dây ấy buộc vài chục cái phao to bằng ni-lông túm. Một tổ bơi sang xóm, số đông lại ở bên gò, sẽ kéo chùm phao ấy qua lại như kéo phà, mỗi lần vớt được vài chục bà con ôm phao. Nước đủ sâu để chân người không chạm kẽm gai và mìn nằm dưới đáy. Xuồng bè sẽ dành cho những người ôm con nhỏ hay sắp ngất. Mẫn mừng cuống lên:

- Tôi qua bên xóm, nghe anh?

- Đừng, đồng chí ở lại đây đón bà con, đưa vô chỗ chị Tám.

Tôi túm một đầu dây định buộc ngang bụng. Chú Dé giật lại, gắt:

- Lé ik!

- Sao nữa?

- Để tui làm, anh chỉ huy...nhiều nhiều...

Chú khoát rộng bàn tay, ra ý chỉ huy chung, rồi buộc luôn dây vào mình. Các đồng chí khác cũng quyết không cho tôi sang xóm: “Lỡ pháo chụp bắn, anh núp đâu? Đừng để tụi tui bị kiểm thảo!”. Trong câu nói lẫy ấy, trong mắt anh em, tôi đọc thấy một mệnh lệnh và một tình thương thật lớn, buộc tôi phải nghe lời.

Hơn nửa giờ qua. Dây không đứt, phao không chìm, ổn cả. Chuyến phà đầu tiên trút lên gò hai mươi ba người xanh nhợt. Mẫn reo nho nhỏ, dìu từng người bước lên bằng đôi chân tê cứng. Một ông cụ tóc trắng râu đen quấn thuốc rê mời tôi hút, cụ ướt sũng mà sao thuốc vẫn khô. Cụ ngồi bóp chân, cà rà kể một hồi. Tôi chỉ vâng dạ, mắt dán vào anh em cứu lụt bên kia, tìm cách nâng năng suất. Tôi gọi hai đồng chí đến, dặn chuyển đầu dây đến những chỗ bà con bám đông cho đỡ mất công góp người. Họ bám phao qua xóm. Tuy đang bận, tôi cũng nghe loáng thoáng rằng cụ này là ông Mười nổi tiếng chữa đau lưng giỏi, rằng làng Cá chết nhiều vì bị địch cướp hết số xuồng nan, rằng cái lụt này còn to gấp mâý lần trận lụt “bất quá“ năm Dần. Bất quá nước vô vườn là cùng, bất quá tới thềm, dân làng cứ bất quá mãi đến khi nửa làng bị lút mái mới thất kinh, nhưng năm ấy chỉ trôi đồ đạc chứ không ai chết. Tôi bơi ra vớt một phao bị cái tủ trôi húc sổ dây, cách bờ mươi thước, có một bà mẹ bám. Mẫn gọi bà là bác Sáu.

Chuyến thứ hai chỉ mất mười tám phút, rất khá. Chuyến thứ ba chậm vì các nhóm đông đã vợi bớt, anh em phải chèo xuồng đi đón từng người, chở tới bến phà. Đó là ngôi đình làng Cá còn nhô hai nửa mái, bên tán lá xõa rộng của cây đa to. Các đồng chí đã thạo hơn, buộc tay cho hai anh em nhỏ ôm chung một phao, sang được tới hai mươi tám người. Mẫn bồng hai tay hai em, cõng một đứa nữa, chạy hì hụi trên gò, vừa thở vừa cười. Mừng quá mà.

Trong khi chuỗi phao nhẹ rẽ nước róc rách chạy sang xóm. Mẫn buột miệng:

- Chắc tới lượt mẹ tôi.

- Đâu, mẹ đồng chí chỗ nào?

- Trên nóc nhà ngói thằng xã Chinh, chỗ xa nhứt...Mẹ bồng thằng cháu Hoàn đó. Hai em tôi qua được rồi thằng Tâm đang chèo bè kia

Mẫn nói ấp úng, không nhìn tôi, như xấu hổ vì trót tính cái gì đó cho riêng mình. Tôi thoáng hối hận. Mẫn lo chung cho bà con là đúng, cán bộ phải vậy, nhưng tôi lại không nhớ rằng Mẫn cũng có mẹ và con như người khác.

- Đồng chí mấy cháu rồi?

Không hiểu sao Mẫn ngoảnh mặt, lúng túng:

- Một.

- Ảnh đâu?

Mẫn chợt ửng má, lắc đầu. Tôi chỉ hỏi để biết Mẫn còn bao nhiêu người nhà phải cứu, không tò mò. Các cô có chồng đi lính ngụy hay thua kém anh em thường lắc đầu thay câu trả lời. Và Mẫn hấp tấp nói lảng:

- Hồi nãy các anh mới tới, tôi cứ tưởng…Mọi ngày, bộ đội xuống Tam Hải hay lấy đội công tác dẫn đường..

Đến lượt Mẫn phân bua. Thôi được, cô hết tự ái là đủ, tôi không mong gì hơn.

Mưa dứt từ ban nãy. Mây bốc dần lên cao, báo hiệu chẳng lành. Bây giờ, thứ tiếng động mà tôi gờm nhất bắt đầu dội từ xa: máy bay. Một cặp L.19 bay rất thấp từ thị xã Tam Kỳ lên phía quận Tiên Phước, chệch hướng chúng tôi. Chúng lên tìm chỗ đánh phá vùng ta. Bên xóm anh em hối hả góp người. Mối nguy mới tăng dần khi nền trời bắt đầu hiện những mảng xanh. Rồi tiếng phành phạch của trực thăng nổi lên. Ba chấm đen đứng yên một chỗ trên chân trời, nở to dần: Chúng bay thẳng hướng Tam Sa. Lôi thôi đây.

Tôi vành tay làm loa, gọi anh em giấu phao. Những cái bóng vẫy kêu trên mặt nước đều ngừng động đậy, núp vào một chòm lá hay nằm ép trên mái nhà. Trên gò chúng tôi tản ra từng tổ, kéo những bụi sắn để che mình, đơm súng đợi.

Ba chiếc trực thăng đã chém nắng ầm ầm trên làng Cá. Hai chiếc óc nóc rẽ bên trái, đảo một vòng, sà sà đáp xuống gò Mù U. Các tổ du kích ém gò vẩn nín thinh, anh em đã gọi loa báo cho lính địch biết ta không bắn máy bay tiếp tế hay chở thương.

Chiếc đờn cò không xuống đất. Nó quần một lần, hai lần. Bóng đen của nó lướt qua loáng loáng. Tôi thoáng nhớ những bóng cá mập lượn qua đáy cát của biển Qui Nhơn, một buổi trưa gió lặng nước trong. Nó bay chậm dần, dừng hẳn. Cánh cửa tò vò bên trong bật ra, cắt ngang chữ MARiNNES(2) nét vuông, sơn trắng trên thân màu lá sẫm. Một thằng cao lớn đứng vịn mép cửa, dòm xuống, nhô cái mũ bay tròn bóng. Đến khi nó đẩy cặp kính to lên khỏi mắt, tôi nhận ra một thằng Mỹ. Mặt nó gầy và đỏ, mũi gồ râu xanh cằm. Tôi nhìn dán vào mặt nó, hồi hộp đợi. Chung quanh tôi, trên các cồn đất biến thành đảo, hàng trăm con mắt dưới lá cũng đang nhìn nó.

Thằng Mỹ xem khá lâu cái “ ấp tân sanh “ có tên trên các bản đồ quân sự Mỹ-ngụy. Mảnh đất này cùng với hơn ngàn dân bị giam trong rào, từ lâu đã được coi là của “quốc gia“, tức của Mỹ, của thằng lái trực thăng đang ngó xuống. Trời rất sáng. Ánh nắng chiếu xiên làm nổi rõ các đường nét bên dưới. Nó thấy tách bạch từng người đàn bà đang ôm con rũ rượi, sắp lăn xuống nước. Nó cũng thấy gió cánh quạt thốc xuống đang xô lắc lư mấy ngọn cây còn người đang bám. Chùm phao ni-lông đã được thu kín dưới tán lá cây đa, sợi dây chìm sâu dưới nước đục, nó không biết có ai đó đang cứu lụt. Đứng trên cái máy có sức giết người và cứu người ấy, ngắm cảnh đau khổ trải tràn lan, nó sẽ làm gì?

Thằng Mỹ sẽ làm gì đây?

Chỉ cần trong thân nó còn một chấm sáng của con người, chỉ cần nó nhớ thoảng một chút lời mẹ nó khuyên nó sống lương thiện. Nếu tên cướp biển đã biến hẳn thành thú dữ, đã nghiện máu, tôi chỉ mong nó ngấy máu no mồi lấy một phút thôi. Nó giở trò gì cũng được. Thả thang dây xuống kéo vài người lên để chụp ảnh, khoe quân đội Hoa-kỳ nhân đạo, được. Bĩu môi, nhổ nước bọt quay đuôi bay về Đà Nẵng mà uống rượu sờ gái, được hết. Miễn là…

Hai chiếc H.34 đã bay xa. Tên Mỹ bước lùi, sập cửa. Chiếc UH.1A rồ máy gắt hơn, bắt đầu lên chênh chếch. Tôi thở nhẹ được vài hơi. Hỏng rồi nó vòng lại. Tôi hét trong tiếng máy:

- Đợi tôi phát hoả!

Nó lừ lừ chúc mũi về mái đình. Tôi nâng cây trường Mát của chú Dé, rê đường ngắm theo cái mõm tròn của nó.

Chưa bắn. Thân thể tôi rung lên đòi bắn, nhưng đầu tôi vẫn kìm được ngón tay ngoắc trên cò: cố tránh một trận đấu súng trong khi ngót ba chục đồng bào bị kẹp giữa hai làn đạn. Đợi chút nữa. Cố đợi.

Chiếc trực thăntg phản lực sà thấp qua xóm, không đánh. Hai cây đỡ dưới bụng nó như trượt trên một tấm kính. Tôi quệt vội mồ hôi chảy thành dòng trên mặt, lại ngắm. Nó muốn chơi trò mèo vờn chuột? Nó chùn tay, nhờm tay khi sắp giết dân? Một lần nữa nó vòng lại, cao hơn trước nhiều. À, nó chỉ sợ đạn bắn trả. Tôi đẩy thước ngắm lên ba trăm. Chắc tụi biệt động đã gọi bộ đàm báo tin có du kích quanh đây. Tôi co ngón tay, bóp cò nấc thứ nhất, vẫn đợi...

Khoảng cách chừng nửa giây. Hai luồng khói của nó vừa phụt, súng của tôi cũng phì khói. Cặp rốc-két rít ra tiếng giũa cọ lưỡi cưa, chìm ngay trong tiếng nổ túi bụi dưới đất. Mẫn bắn cây Các-bin M.2 ngay bên tôi, từng loạt năm viên rất giòn. Cậu Kỷ chưa bình tĩnh mấy, một băng trung liên chỉ sổ một hơi. Ngọn đòn trả thù quá đột ngột và quá dữ. Chiếc “xe tăng bay“ lạng đi, gượng ngóc đầu, lạng nữa. Chúng tôi bắn mãi đến khi nó rơi tõm xuống đồng nước lụt. Một cái phễu trắng vọt lên, rã vụn, tưới xuống rào rào. Sóng cồn to. Những con sóng cuốn chiếu chạy xa chỗ máy bay rơi, đập vào gò bóc bách. Cánh quạt lưng quẫy sùng sục mấy giây nữa mới ngừng. Tôi che mắt tìm hai thằng lái, không thấy, chúng mắc luôn trong cái xác trực thăng còn nhô khúc đuôi. Sướng không thể tả. Nhưng tôi không dám ngó lâu hơn. Mạng bà con đang treo sợi tóc.

Tụi biệt động vừa được tiếp thêm đạn, bắn tơi bời. Khói đạn cối bốc dày ở quãng đồi chúng tôi bị trọng liên quét ban nãy. Xuyên qua lớp mù trắng toả ngang, một luồng khói màu lam từ từ bốc đứng lên. Mẫn chỉ về phía ấy, ngón tay hơi rung:

- Có cây rơm to trôi lấp ló đó. Chắc chị Tám cho đốt nhử pháo, nhử tàu bay. Cha con thằng Chinh biết rõ làng mình lắm anh à, nó kêu pháo bắn trúng y từng liên gia.

Bên xóm chú Dé đã khoát tay ra hiệu kéo phà. Chúng tôi ùa cả xuống mé nước, túm sợi mây. Pháo chụp nã vào chỗ chị Tám rất gấp. Địch sẽ mắc mưu trong bao nhiêu phút? Chuỗi phao vào tới bờ, chỉ được mười bảy người cho sang trước, anh em đang vét nốt mười một người đang bám rãi rác.

Hai cây 105 ngừng bắn. Cối 81 giã gạo thưa dần rồi nghỉ. Cần như im lặng. Cái im lặng nặng trĩu những đe doạ, khi pháo địch đang xoay họng mà ta không đoán được chúng sẽ bắn vào đâu. Cột khói rơm bốc lên to hơn, du kích bắn râm ran, cố chọc tức giặc. Chỉ cần mười lăm phút nữa, mười hai phút cũng đủ. Thôi thì sáu bảy phút để phao và người kịp tách khỏi xóm một quãng..

Tôi sực nhớ, hỏi Mẫn:

- Mẹ Mẫn đâu không thấy?

- Đang ẵm thằng Hoàn. Các ảnh đưa qua mái đình kìa.

Mẫn nói hổn hển trong khi đỡ một chị bụng chửa lên dốc. Bà mẹ Mẫn buộc cái gì như cái thúng vào máy ngói. Tiếng loa binh vận bắt đầu nổi phía gò Mù U. Phải cứu cho được mẹ và con Mẫn. Không được bỏ quên những người biết hy sinh lặng lẽ.

Thôi rồi, pháo bắn!

Hai cục lửa xòe thấp trên xóm ngập, biến thành hai búng muội đen. Tiếng nổ chập đôi dội to trên nước kèm tiếng rung kim loại. Mẫn bóp mạnh bắp tay tôi, kêu rú. Tấm lưới chài rơi xoà xuống nhưng vãi vào chỗ hết người. Nhanh lên bà con ơi, gấp nữa! Cha con thằng Chinh nào đó sắp gọi bộ đàm lái họng pháo… Thêm hai quả, cao hơn. Hai quả hơi nhích sang phải. Một bóng áo trắng rời cành cây rơi ngửa, tiếng hét bị nước bịt nửa chừng. Tôi gào đến rách họng:

- Kiếm ván che mảnh! Lặn xuống nước, lựa chỗ không mìn, níu cây hụp xuống nước!

Những bọt khói đen phình to, kết thành đám mây xám, khi tãi rộng ra nó loãng màu hoá trắng đục. Lửa bầm loe loé trong ruột nó. Khói đùn ra, phòi ra, lộn ngửa cuồn cuộn và cứ lấn qua bên phải. Trúng chỗ rồi. Tôi ngã ngồi xuống, gượng đứng dậy để nhìn. Mảnh xối chủm chủm như mưa đá. Ông già khoác tay nải nằm nghiêng trên nóc nhà, mảnh xăm mứt gừng vào hông. Một chị mặc áo quần đen đang ngồi bỗng gục xuống, chống tay nhỏm lên, vòi máu phì ngang cổ. Em nhỏ níu tay mẹ, cố ghì lại. Cả hai lăn xuống nước. Trên chạc cành đa có một cô gái nằm sấp, tay chân thõng, tóc rủ, cả chục chấm máu loang nhanh trên áo hoa cà. Cạnh đấy một bàn tay nhô lên chới với, khoắng mặt nước, chụp vào không khí vài lần, biến mất.

 

°

 

- Ăn đi mấy anh! Đắng cơm nghẹn nước cũng rán ăn, lấy sức giúp đồng bào chớ, nhịn đói cả ngày rồi. Dé, hết chưa em? Cơm chớ thứ gì mà ngó hoài vậy anh Thiêm? Liềm, múc thêm canh, ớt đâu hết rồi...

Chị Tám Giàu bắt chúng tôi ăn. Thì ăn vậy. Chén ơm ghế sắn non phả mùi thơm nóng vào mặt. Tôi và một miếng thấy mình đang nhai rơm khô. Tức thật. Ăn thịt bò hơn. Một chậu nhôm đầy thịt bò nấu với lá lốt, tôi biết ngon lắm. Tôi cầm mảnh tre dùng làm thìa, xúc thịt vào chén, chợt nhớ những miếng thịt người vung vãi trên mái đình, đỏ, nhầy nhụa. Dạ dầy tôi thốc ngược một cái. Tôi cắn răng, nuốt cơn buồn nôn trở xuống, thấy đau buốt chỗ mỏ ác. Êm rồi, tôi yếu đuối quá, thật không ngờ. Đánh dư sáu chục trận, không kể hàng ngàn xác giặc nằm đủ các kiểu kỳ quặc tôi đã thấy, riêng số đồng chí mà tôi cõng, băng bó, đỡ xuống huyệt cũng khá nhiều. Chưa lần nào tôi bủn rủn như hôm nay. Có lẽ toàn người già, phụ nữ, trẻ em, nhất là trẻ em. Những xác trẻ em bị vằm nát...Nhưng thôi, hãy nghe lời chị Tám. Má tôi hồi xưa cũng vững như chị. Khổ quá thì khóc kể ồn ào một lát, rồi bầy con vẫn ăn no tắm sạch, mạ vẫn xép đầy gánh để mai cấy sớm, trã cá vẫn đậy kỹ tránh mèo. Tôi cố nuốt nắm trấu ngậm trong miệng. Nhai cả thịt bò nữa

Trâu chết ít nhờ bơi bầy quen, con này kê mõm trên mông con kia, kết dần thành những bè trâu trôi mãi vẫn sống, sau này đồng bào sẽ đi tìm chuộc lại. Bò chìm rất nhanh. Khắp các bờ bãi đều lù lù những xác bò trương phình tấp vào. Nhiều gia đình sau khi mất trụi của cải, cố cứu lấy con bò cày đất thổ không kém gì trâu. Kéo trước đẩy sau mãi rồi con bò cũng lên được chỗ ráo. Nó đứng run mãi bốn chân, ngạt giọng kêu nhỏ dần, rồi quị. Chủ nó chỉ còn một quần đùi trên mình, tìm loạng choạng trên bãi bùn không gặp một thứ gì để xẻ thịt hay đốt ra lửa được. Vài hôm sau, cả nhà phải hè hụi đẩy chút vốn cuối cùng xuống nước cho đỡ thối khi đò cứu lụt chưa đến kịp...

Đội võ trang công tác Tam Sa kéo về hang ăn cơm. Chị Tám và Út liềm trải ni-lông giữa đất, bưng dọn, phát những mảnh lá chuối dùng thay chén. Anh em hỏi nhau, kể chuyện mới. họ đón xuồng từ thị trấn An Tân lên, từ các xã giải phóng xuống, biết nhiều tin lắm.

- Chao suốt vùng dưới đồng bào đồn rum: Giải phóng tới đâu dân sống tới đó, cứu bằng xuồng cao-su có máy mà.

- Đồn Dốc Leo tiêu rồi. Núi sụp, chôn cả đại đội bảo an. Chỗ cầu Bầu-bầu mũ sắt trôi dồn đống. Thằng thiếu uý Hinh đứng trên chòi, thì thằng Hinh bót Dương-mít-nài chớ Hinh nào, nó cầm loa điện kêu om: “Giải phóng có xuồng đò gì cứu giùm với, tụi tôi hàng rồi, chết hết!“. Mình mới đón hai tiểu trực thăng tới, lính không ra được nữa.

- Mười bảy lính cộng hoà lên với Tam Trân rồi, mang cả trung liên, đói rệu nước miếng trong...

Tôi nuốt từng câu họ nói, như uống thuốc bổ. Dù sao chúng tôi cũng cứu được ngót trăm bà con, chỉ mất bảy người trong trận mưa mảnh, vậy là khá. Bây giờ pháo cối đã im. Máy bay vắng. Chỉ còn tụi rằn ri trên gò đôi lúc ặc ặc một tràng, lối cười sặc trong họng khi bụng quá no. Cứ cười đi. Tới khi tao bóp cổ sắp chết, chúng mày sẽ kêu những tiếng ặc giống hệt!

Ban nãy, trong khi chiếc UH.1B đến câu cái xác trực thăng chết đuối – câu mãi không lên nổi, sau nó bỏ, hai chiếc AD.6 quần ném bom các cù lao. Chúng tôi hưởng lần nữa cái sướng được bắn trả địch, cho lửa trong bụng phun ra thành luồng qua miệng súng.

Tôi kê cây trung liên Brao-ninh, quì trong một hố đất nẻ sâu đến ngực. Mẫn nhảy xuống sau, lập cập tháo băng rỗng trên các-bin, lắp băng mới, tay giật từng hồi. Chúng tôi đều thấy mẹ Mẫn chết nằm sấp trên cái thúng, đứa nhỏ rớt đâu mất. Tôi ghé tai Mẫn nói qua tiếng bom:

- Bình tĩng nghe Mẫn, bắn cho trúng.

Mẫn quay ngoắt lại.

Đôi mắt!

Một đôi mắt tôi chưa từng thấy, toàn tròng trắng nổi gân máu đỏ. Đốm đen ở giữa co lại nhỏ xíu. Cặp mày rậm đâm vào nhau, nổi rất gắt trên da xanh nhợt màu đọt chuối, môi không còn nét. Mẫn há miệng định nói lại gì, lại ngửng nhìn chiếc AD.6 bắt đầu lao xuống, lần này thẳng hướng chúng tôi. Tôi ngắm giữa mũi thằng giặc, lúc này giống một quả trứng với đũa và tăm xóc vào.

Ba loạt cac-bin nổ hấp tấp trên đầu tôi. Không cần nhìn, tôi cũng biết trượt: Mẫn đứng bắn không bệ tì, loạt đầu nổ khi máy bay còn ngoài tầm, các loạt sau chưa kịp ngắm lại. Tôi nín thở đợi ba giây nữa, biết chắc ăn. Cây trung liên rẹt hai hơi hết băng. Tôi buông nó ngay, chụp đôi chân Mẫn giật mạnh. Mẫn nhào nghiêng xuống hố. Trái rốc-két xẹt qua đầu, rít tiếng xoảng dài như đá lăn xuôi mái tôn, quạt luồng hơi nóng hực, nổ choáng óc. Đất vách hố sập xuống lấp nửa người Mẫn. Tôi ló cổ lên nhìn. Chiếc AD.6 lắc lư, lắc lư, nghiêng cánh bay về Tam Kỳ. Nó bị thương nhưng không rớt, tiếc ghê.

Mẫn ngồi dựa vách hố, đập tay vào các-bin cho đất rơi, thở dốc. Mắt Mẫn đã bớt dữ nhưng còn dại dại. Chiếc máy bay thứ hai ngoi lên rất cao, quần, phóng rốc-két hú hoạ trước khi chuồn. Tôi bắc lại trung liên, nghiêng báng cho cậu Kỷ thay băng, đợi dịp bắn nữa. Bỗng nhiên tôi rất muốn Mẫn là trai, hoặc tôi biến thàn chị Bỉnh to lớn của Tam Trân để quàng tay ôm vai Mẫn mà dỗ như đứa em mất mẹ đang đau khỗ đến quẫn trí.

- Mẫn nè...

Tôi chưa biết an ủi sao cho phải. Mẫn không giống những cô du kích tôi quen.

- À...bây giờ nó bắn lung tung...bà con núp chỗ chị Tám có yên không hè? Rốc-két rung đất mạnh lắm, cái hang coi bộ dễ sụp...

Mẫn buông một tiếng “dạ” lơ lửng, lượm cái lá rụng lên, lật xem hai mặt. Rồi như chợt hiểu, Mẫn lắp bắp: “dễ sụp thiệt anh à“, Mẫn chống súng trèo lên miệng hố, chạy về phía “hậu cứ” của đội. Đồng bào dồn tránh pháo trong chỗ hàm ếch ấy khá đông, chẳng biết xuồng Tam Trân chở đi hết chưa. Tôi nhìn theo thấy hai bắp chân Mẫn đầy những vết gai gạch, máu loang trên bàn chân không dép. Lóng ngóng vậy mà tôi lại nhắc trúng cái điều cần nhắc nhất. Chỉ có trách nhiệm mới kéo Mẫn ra khỏi cơn tê dại. Con trai Mẫn biến đi đằng nào?

Thằng tàu bay cút. Không đợi xuồng tôi bơi ào qua đầu dây bên kia. Các đồng chí cứu lụt sống cả nhờ vớt được hai tấm phản đội đầu, che thêm cho ba em nhỏ, một chị, cùng nép dưới tán cây đa. Mẹ Mẫn nằm sấp, cạn máu. mẹ lượm được cái thúng trôi, dỡ ngói, xé khăn buộc chắc thúng vào cây mè, đặt thằng bé Hoàn nằm gọn trong ấy. Bây giờ mẹ vẫn ôm ghì cái thúng dưới ngực. Tôi gỡ tay mẹ, bồng lên một đứa bé nhuộm đỏ lòm từ đầu đến chân, ngất mà không bị thương.

Đến khi cùng với Năm Ri đào huyệt trên gò, tôi mới biết Mẫn chưa có chồng con. Một chiến sĩ Quân giải phóng ở Tiên Phước đi xa, để thai trong bụng vợ. Chị vợ bị giặc bắt, đẻ và chết trong nhà tù thị xã, gửi con mới lọt lòng cho mẹ. Mẹ ra tù, bồng theo đứa cháu không ruột rà, nuôi giùm cho ba nó. Hôm nay, mẹ truyền sự sống cho cháu lần cuối cùng, mẹ nghỉ. Tôi ngậm dầu lửa, phun mãi mới kéo được hai cánh tay mẹ duỗi thẳng ra trước khi chôn. Chúng con lớn lên bao nhiêu cũng vẫn nằm trong vòng tay mẹ, mẹ ơi, mẹ nghỉ được rồi...

Đội công tác vẫn nói lao xao quanh mâm cơm:

- Đó, đó, trận lụt này dân chửi nát mặt ba thằng Mỹ. Cả mấy phố ngập lút tầng dưới, tụi Mỹ lái ca-nô chạy thẳng tới ba Thiên Hương, hốt riêng mấy con đĩ đem về sở Mỹ, lại còn nhảy tuýt thình thình trên ca-nô cho ấm. Mấy thằng quan ngụy tháo lon ra giơ, vẫy, nó không thèm ghé.

- Sao nghe đồn tụi ngụy cho xuồng với trực thăng đi cứu?

- Trực thăng của Mỹ hết, bay sụp nhà rớt người chớ cứu ai. Còn tụi sư đoàn Hai lo ăn cướp. Biết nó làm sao chưa? Chở người, không chịu chở đồ đạc. Đem đồng bào về trại nhốt kỹ, rồi thả xuồng ghe đi từng nhà hốt của sạch bong, đem giấu nơi khác. Có bà dại quá, hở cho nó thấy cái xách đầy vàng, nó chở ra chỗ vắng đạp nhào xuống nước, bắn chìm luôn, lấy được cả mấy ký vàng. Thằng nào chó vừa vừa cũng đợi giơ lên một xấp giấy năm trăm mới chịu quay lái..

- Mẹ cố tổ cha thằng nó chớ, người mình với nhau..

- Thì cha con xã Chinh đó, người mình, dân làng Cá chánh chi cố cựu đó..” A-lô, a-lô, nhích tới chút nữa..dạ, biết chớ, dân chỗ tôi mắc lụt thì dồn cục vô xóm Đình chớ chạy đâu...dạ, trúng y rồi đó, xin cho đủ năm chục trái..dạ, bắn nữa đại úy à, cộng sản đỏ lòm hết mà, nữa, nữa...”

Một anh đếm từng tiếng lạnh ngắt:

- Cặp đó bây đừng chửi, cũng đừng bắn, rán bắt sống cho tao. Tao viết giấy ký tên, xin hai tay bóp cổ hai đứa, hễ năm phút không chết thì chịu chặt tay đền... Chín Cang đâu ta?

- Đi với chị Mẫn lên Tam Trân, lo chạy thuốc men cơm cháo cho bà con bị nặng.

- Bồng thằng nhỏ theo chớ?

- Út Hoà ẵm đi trước rồi. Nó chết giấc lâu lắm, giựt mình nổi khóc ré một lát, lại nằm lịm. Chắc sợ quá...

- Sống được là được. Thôi uống nước rồi lo bố trí chống càn. Bà Bỉnh mập mới chở xuống thêm hai xuồng cơm gạo áo quần nữa, cuốc xẻng cũng có. Tam Sa khởi xong rồi, phải lo dựng bia cho Tam Trân là một, bộ đội là hai đó các cha!

Người vừa nói là anh Tư Luân, bí thư cho bộ Tam Sa. Một người gầy nhom, mắt sâu, da đen sắt, râu nhổ trơn bóng và tóc hớt trọc, rất khó đoán tuổi. Anh nắm bộ phận bắn tỉa gò Mù U suốt ngày nay. Chẳng hiểu họ hàng dòng dõi ra sao mà Út Liềm gọi anh bằng ông, xưng cháu, nghe rất lạ tai.

Tôi đón ca nước trên tay em Liềm-hết lẫy rồi-nhắc anh em tháo súng ra lau, nhớ chùi kĩ từng viên đạn. Không biết từ lúc nào, bộ máy trong đầu tôi đã xoay sang hướng mới. Hãy vĩnh biệt bà con đã khuất và đi tới, mang theo mối thù thiêng liêng ngấm vào máu. Hãy lo tiếp cho những người còn sống và sẽ sống những ngàn năm nữa trên đất này. Đợt tấn công mới bắt đầu rồi, nó mở màn đêm bằng chén cơm cố nuốt và bàn tay lau sạch cây súng, bằng những con toán mới đang lũ lượt kéo đến với tôi... Phải đào ngay hầm hố để mai chống càn. Nước rút, phải trục bọn “đầu cọp” kia đi Tam Sa mới nổi dậy được. Chưa đủ sức tiêu diệt thì bao vây bức rút. Một trận cối 60 nện xuống thình lình, sau đó bắn tỉa. Chỉ cần vài chục tay súng giỏi, mỗi ngày gạch tên mươi đứa, quân nó chạy loạn ngay... Ý định mới hiện dần từng nét, từng mảnh, như tấm giấy ảnh ngâm trong thuốc hiện. Cái nghề chụp ảnh năm xưa, ở Đà Nẵng...

Giá còn cái máy ảnh hồi ấy - ừ nhỉ, máy Ca-nông chụp ảnh bắn pháo là hợp- tôi sẽ ghi được bao nhiêu bộ mặt khác nhau của con quỉ Mỹ trong ngày nắng hôm nay. Phim hạt mịn, ống kính thu lại f.8 tha hồ lấy chiều sâu. Không, ánh sáng trời và nước đều gắt, dùng phim nhậy để giảm độ trắng đen, tráng giê-nôn nữa, thu kỳ hết chi tiết. Tôi mỉm cười. Chụp ảnh chưa cần bằng chụp đạn xuống đầu giặc. Tiếng Anh, bắn và chụp đều là sút, cũng phải...

Những ý nhỏ ấy níu tay nhau đến với tôi như trẻ em đến chơi với anh bộ đội. Bỗng dưng tôi bắt gặp một bông hoa vui đang nở ngập ngừng trong tôi, toả hương quen xông đầu tôi dịu dần. Tôi nhận ra rồi. Nó là niềm vui được đánh giặc. Nó hay đến bất chợt khi tôi sửa soạn ra trận, vào lúc chân tay bận rối cả lên nhưng nó cuốn người say người hơn mọi thứ vui khác trên đời. Nó chỉ kém cái vui thắng trận một chút thôi, có lẽ.

 

 

Chú thích:

Lính thủy đánh bộ