- Không ai mượn mày! Đi đêm miết rạc người, chưa ngủ bù, mò ra chi đây?
Tôi cười lảng lảng, lội xuống ruộng. Thấy lúa mê quá mà. Những bông vàng mộc to bằng đuôi trâu ngã rạp đè lên nhau, lớp lớp ngồn ngộn như từng loạt tia vàng nấu chảy phun toé lên qua các lỗ chân lông của đất, đông cứng lại thành chùm hạt hiến cho người. Thà ở đâu xa chứ nằm ngay giữa đống của mà địch lăm le cướp nghiến này, tôi cầm lòng không đậu.
Bảy đêm liền xuống Chu Lai dò Mỹ, mở rộng mạng lưới quân báo, lót ổ để nằm lại dài ngày bên căn cứ, tôi vẫn ra đồng gặt được mỗi ngày một buổi. Tôi thường về đến nhà mẹ Sáu lúc 2, 3 giờ sáng, lăn ra ngủ bên cháu Hoàn, lỗ tai vẫn đầy ngập tiếng quạt thùng quay phành phạch như máy bay phản lực, từng lúc chen những tiếng chân gánh lúa gấp và nặng, lúc bó rơi bịch bịch xuống sân và mẹ Sáu gắt nhỏ: “Nhẹ chút con, thằng tư thức trõm lơ con mẳt rồi.” Tôi thiếp đi một giấc ngắn và rất say, kiểu ngủ của xê mình hành quân đêm ùn lại chờ đò, đến tảng sáng được đánh thức bằng hai cách: hoặc du kích nổ súng chặn quân địch rập rình úp sớm vào xóm, hoặc một khối gì như trái mít mềm rụng giữa rốn tôi, tức đến trợn ngược con mắt, phải chồm dậy ngay. Ấy là trò chơi quái quỷ của thằng cháu Hoàn, nó thích đứng dạng hai chân hai bên sườn “chú Xiêm”, thả đít đánh bịch xuống bụng chú, cười rật rật. Tôi ôm cháu vật một hồi, đếm xương sườn, đến khi nó chịu “xua ồi”, thơm đền thật to cả hai má mới tha tội. Hai chú cháu bén hơi nhau rất nhanh. Cháu thèm có ba lắm, chẳng biết bắt chước trẻ con khác hay nghe ai bầy mà nó gọi tôi là “ba Xiêm” hoài, tôi phải lẫy nhiều lần nó mới thôi. Mẫn đã sợ mang tiếng, chẳng nên để nó gọi “mẹ Mẫn, ba Xiêm” thêm phiền cho nhau.
Ăn vội chén cơm nguội, soát lại chỗ nằm của cháu dưới hầm bên chị Ngưng nó – con gái út lên mười của mẹ Sáu – tôi ra đồng ngay.
Đường làng biến thành thảm rơm dày, rơm vắt kín cả hai bờ rào, tôi đi qua những thung lũng vàng xốp, lún chân. Mới tinh sương mà gió đã đẫm mùi lúa hăng nồng như hơi rượu lạ dễ say. Càng về trưa gió càng bốc mạnh, cuốn bụi lúa xoáy tròn thành những cột gió nhám trông thấy được, đem màu lúa lên phủ lợt cả những lá cau trên cao. Còn chính hột lúa thì khó thấy. Nó hiện trên sân một lát rồi biến ngay, địch càn vào chỉ hốt rơm.
Bà con trách ông trời qua miệng cười hổn hển:
- Ổng giựt mất cả mớ ruộng, báo hại tụi mình phải bươn chải muốn chết, bây giờ ổng cho một trận lúa gặt rã tay không hết, ác ôn thiệt!
Vụ lúa sau lụt này quả là cấy khóc gặt cười.
Trên bãi bồi trắng băng, bà con hì hụi đào cát sỏi đến giáp Tết, đói bụng chảy nước miếng trong, mả ông bà rậm rì phải để đó, chỉ cắm vội mấy cây hương, và xin hoãn đến chiều ba mươi sẽ giẫy. Thêm tụi giặc mới bị đuổi khỏi Tứ Nhơn cứ chạy vè vè xung quanh như chó liếm cháo nóng, nghe nó tum tum cốc cốc mà điên ruột, một trăm bà đi đấu lý có đến chín chục bà túm lính mà chửi nhào đầu, chẳng chịu nói nghĩa nhơn gì nữa. Cày gãi bừa xoa gọi là có, chân lội ruộng thấy cứng như bước trên sân nhà gặp mưa, cây mạ cắm xuống cứ đổ nghiêng đổ ngửa. Nhiều nhà đã sửa đôi bầu chồng rổ đi buôn rổ cá, chạy chợ kiếm bữa. Vậy mà được ăn, lại ăn to chưa hề thấy mới kỳ. Tới hồi địch càn líp lại, lúa càng xoè nơm thì ruột người càng thắt. Bây giờ mới thật tin là địch không giật nổi chén cơm sau lụt: du kích đủ sức chặn tụi biệt kích quân và dân vệ xã, còn cái tiểu đoàn chiếm Tứ Nhơn trước đây đã bị ném lên Việt An lần nữa, quân ra trận mà dặn người nhà “Lấy ngày đi làm ngày giỗ”.
Anh Tư Luân bị bà con níu kéo dữ quá, phải đặt ra cái lịch cơm khách, mỗi bữa kéo tôi đi một nhà để ăn cơm mới. Có bà mời chưa được đã nhắn ngay: “Nói giùm ông Tư đi rán đi xa xa một chút, qua trước ngõ cho tôi thấy mặt”. Ấy là để nhớ công anh chạy các nhà rủ dọn ruộng lấp. Anh lên Tam Trân xin từng lưỡi cuốc cũ về, nhét vào tay từng người ngán địch và ngán đất, dỗ ngọt, van nài, nạt nộ, túm tay họ lôi đi. Một mình trên bãi, mím cặp môi đen và mỏng, anh bổ lát cuốc mở mùa xuống lớp cát sỏi đang vùi nhiều xác người xác thú, bà con kẻ trước người sau cũng theo ra đồng hết.
Hồi đó, đội du kích cản giặc mệt đừ, cái khăn tang trên đầu Mẫn không ngày nào khỏi vấy bùn. Mẫn đòi anh Luân dồn hết người ra làm làng chiến đấu. Chú cháu cãi nhau tới một giờ sáng mới ngã ngũ, chịu chia đôi số dân để cào bồi và đào hào. Cây lúa vắt vẻo đuôi gà thì chông mìn mương rào cũng tạm đủ chống càn. Về sau Mẫn nghĩ phục chú, nói với tôi dạo bật ra gò:
- Đánh mấy năm ròng mới lấy được Tứ Nhơn, em sợ mất quá mà. Không vỡ ruộng thì bây giờ xong cả địa đạo rồi, có điều bà con phải bỏ làng đi kiếm ăn sạch, du kích hết gạo cũng tẩu luôn, bỏ đất cho địch tới chiếm! Nhà em rán làm được bốn ang giống cũng nhờ chú thúc riết đó anh.
Trong khi ấy, anh Luân vẫn gật gật, thấp giọng khoe với tôi rằng công đầu giải phóng Tam Sa là thuộc về “con nhỏ đó”. Trẻ nít mới lớn mà mặt nào cũng thấy đều hết. Tôi đoán trong vụ này Mẫn kể đúng sự thật hơn ông chú ưa làm mối.
Cánh đồng mới đấy đã trụi đi hai phần ba, nhanh ghê. Còn phải nhanh nữa. Những chiếc M.113, trực thăng, xe tải đều há sẵn cái miệng toang hoác, trực nhả lính ra và nuốt thóc vào. Tôi đưa mấu vằng xốc vội từng bụi lúa rạp. Bông mẩy, nặng cụp đầu cuộng rơm, cọ vào tay tôi nhám như bò liếm chủ, thương lạ. Lưỡi vằng mới cắt lại chân chấu, xoẹt từng lát sướng tai. Mẹ Sáu tới gần, không gắt nữa - mẹ gắt với đàn ông bao giờ cũng gượng gạo - chỉ hỏi vặn:
-Ruộng nhà gần xong rồi, biểu mày gặt giùm chị em con Hai ít buổi, mày cứ lơ lơ là sao?
Tôi bông phèng cho gọn:
-Sợ người ta nói: “Ăn hàng con gái, đái hàng bà già”.
-Đứa nào bắt chước thằng Ba Thấn, mày chỉ tao trị cho tức thời.
Tôi cắm cúi gặt gấp để khỏi phải trả lời mẹ.
Ba Tâm với Út Hoà vẫn như sừng với đuôi, vừa gặt vừa cãi nhau đằng kia. Mẫn đi rảo thôn này qua thôn khác, gần trưa mới về xử kiện, kì cạch bó và xóc lúa cho các em, trông rất tội. Tôi muốn giúp lắm chứ, nhưng Mẫn sợ mang tiếng “lợi dụng bộ đội”. Mẫn không quen nói dối, phải nhìn nơi khác và ấp úng rất thảm hại. Sau những phút ngây ngất dưới trăng ấy, Mẫn vụt đóng sập cửa sổ lại, chúng tôi chỉ còn nhìn thấy nhau qua lớp kính lạnh. Mẫn tránh gặp riêng tôi, tránh cả cặp mắt tôi dò hỏi. Mỗi khi bàn việc với nhau, Mẫn vẫn nói những lời dịu nhẹ nhưng không thân nữa, như bột ngọt gói sẵn trong túi nhựa trong, ai mua cũng được. Có lẽ mọi người xung quanh khó thấy chúng tôi đã xa nhau nhiều, còn xa thêm nữa. Cái khoảng cách bước lùi này giúp tôi tỉnh hơn. Tôi biết Mẫn không giận hờn gì, chỉ cố cưỡng lại những rung động của chính mình, nhưng tại sao? Để cho Mẫn đỡ phải lẩn mặt, chối quanh, tôi không đến nhà Mẫn, không căn vặn. Một con chim quý sảy khỏi bàn tay tôi, đang nhảy hót trên cây kia, có vậy thôi. Tôi chỉ thấy lạ và buồn một mình.
Chị 22 được thư anh Tư Luân, đã chịu xếp hầm cho chị Tám với tôi ở hẳn trong ấp chiến lược từ tối mai. Về dưới ấy hẳn tôi nhớ Mẫn cồn cào và cũng nhẹ nhàng hơn, còn quên được Mẫn thì tôi chưa dám tin.
Mới cúi khom một lát tôi đã mỏi lưng. Từ giờ thứ hai, cái lưng sẽ dẻo ra, tôi quen vậy rồi. Dù sao cũng dễ hơn suốt lúa. Mới năm nào tôi còn đeo cái teo bằng tre đan như trống cà rùng trước bụng, hai tay chụp tuốt từng bông lúa, rẫy cho hạt rớt rào rào vào miệng teo xoè rộng, bốn ngón tay rộp lên, toé máu rồi chai dần. Vèo một cái, tôi đã gặt lúa ruộng và ăn cá biển, nếu ở xa Chu Lai chút nữa thì đã sớm sớm ra tắm nước mặn và phụ một tay kéo lưới. Cái ông thời gian đi như vậy đấy, còn ở trước mặt tôi ông nhích chậm như rùa, ngang tôi ông đi vừa phải, ra sau lưng tôi thì ba chân bốn cẳng ông chạy, khiến mỗi khi quay nhìn lại quãng đời đã qua tôi lại nổi một cơn sốt ruột, chưa chi đã béng mất xấp xỉ nửa số tuổi rồi, ông ơi là ông ơi!
Mẹ Sáu đến ôm lúa tôi cắt đem sếp trên bờ, hỏi chuyện dài dài:
- Sao nghe mày học tới ông tú mà biết gặt, Thiêm?
- Tú hu là con tu hú...
- Giỡn hoài. Mấy bữa nay mày xuống dưới đó, tự mắt mày thấy tụi Mỹ chưa?
- Dạ chưa, tụi nó đang nằm co ấp trứng, đợi nở hết mới dẫn bầy lên thăm bà con mình. Lần này con đụng toàn thứ Mỹ lẻ, Mỹ theo nguỵ, mỗi trận lượm vài đứa đầu gành cuối bãi.
- Chắc cũng một nòi thôi. Dạo trước tụi Mỹ lái xe lội nước ghé vô ấp luôn. Mỗi xe hai thằng mặc áo quần vẽ bông vẽ huê rằn rện, tao nghe nó nói với nhau trăm trăm cái miệng, xí lô xí là thiệt kỳ, hèn gì kêu lính Huê Kỳ, là chỉ cái áo với giọng nói của nó đó. Tư Luân nói mày chịu mở lớp dạy tiếng Mỹ rồi. Hễ dạy, tao cũng học với, học để chửi tụi nó cho đã nư, để mấy thằng thông ngôn nói lại thì trụi lủi hết. Thiêm nè, mày nhắm tụi Mỹ vô đất mình, nó chịu nổi không?
Tôi chưa kịp đáp, mẹ đã ôm lúa đi. Trở lại, mẹ tự trả lời chậm rãi:
-Để yên thì tụi nó ở ngon chớ. Hồi cụ Hồ chưa về, tụi sứ, cò, thương chánh, kiểm lâm, lục lộ, lê dương, tao thấy đứa nào cũng mập úc na úc núc. Mà mình đánh riết chắc nó bỏ Tư à. Tao để ý tụi Mỹ lái xe, trời nắng đổ lửa, xe nóng rờ đâu phỏng tay đó mà nó cứ ngồi lỳ chỗ lái, uống hết nước đóng chai thì chờ trực thăng chở thêm, tụi nguỵ đưa cơm nước tới nó không dám nếm chút xíu nào. Nó sợ anh em mình cắc bụp, sợ dân bỏ thuốc độc, sợ ngụy làm phản, đủ trăm thứ sợ. Sau mấy thằng say nắng phải khiêng lên hát-u y tá. Hễ bay xúm vây xiết cái Châu Lai, tụi Mỹ rúc hầm ngộp thở, mươi bữa nửa tháng chắc nó nằm ngay cán cuốc hết trơn á.
Tôi cười, rất thích thú cái chiến thuật bao vây bức rút cỡ lớn của mẹ Sáu. Qua tiếng cắt lúa sồn sột, tôi kể một lô mặt mạnh của quân Mỹ để chọc mẹ cãi chơi. Mẹ hăng, phá bùa phép của Mỹ bay hết, còn chê tôi đánh giặc có sạn trong đầu mà nhát hơn con gái:
- Thì con Hai Mẫn bên nhà đó, vú nó to bằng trái dừa xiêm, đánh giặc phải quấn vải bó vú mới chạy được, mà nó coi thằng Mỹ nước non gì đâu...
Pi-pi-pì-pình!
BẦy pháo 105 khạc đạn cùng một lần. Sườn núi chúa phụt khói sáu chỗ. Mẹ Sáu hét các con xuống hầm, mẹ cũng chui vào một hầm nổi trên bờ ruộng. Bà con chung quanh chạy xuống hầm táo tác, người ở xa thì nằm dài, kéo đệm rơm phủ kín thân. Tôi ngồi xổm bên một bậc cao, đợi đạn kêu rắc rắc đúng hướng sẽ nhào ép vào đấy. Loạt pháo thứ hai ầm ầm đánh xuống gò Trúc. Pháo Chu Lai cả. Xe xích kéo tám cây 105 vào Chu Lai sáng hôm qua. Tụi Mỹ rải đạn bậc thang, chuyển làn nhanh, kiểu bắn coi bộ du côn hơn ngụy nhiều. Loạt ba rơi trúng ruộng đã gặt. Loạt tư nổ trong xóm Đình, xóm của mẹ Sáu. Loạt năm lùi xuống gò Xoài bỏ hoang. Từ đó chúng nã nhích dần lên phía bắc, vẫn một nhịp bắn gấp, đạn rớt khá chụm
Tiếng la làng dội choi chói trong xóm Đình. Tôi mổ cái mẩu vằng xóc vào bờ ruộng, chạy về xóm. Không có khói cháy nhà, hú vía, gió to mà làng ngập rơm khô.
- Ối anh ơi, thằng Hoàn….
- Sao? Sao?
- Nát hết, bay vụn hết trơn!
Tôi phóng như điên. Thật không? Pháo 105 thôi mà. Tôi đã gánh cát đổ dầy một thước trên nóc hầm…
Cách miệng hầm mẹ Sáu mươi bước, những cây chuối nước(1) bị thổi giạt ra xung quanh như nan hoa bánh xe. Một hố lòng chảo nằm giữa. Ba bốn người đi quanh, cúi dòm kỹ. Một vết máu. Nhiều vết máu nhỏ, đất rơi lấp gần kín. Ai đó đã chặt trải hai tàu lá chuối, trên đó đặt một cánh tay bị xé ngang vai, khúc chân đứt từ gối trở xuống, tất cả đều trắng, bụ bẫm, đều sống nguyên, tươi rói, không thể chết
Hai chị em bày cỗ bên miệng hầm. Cháu Hoàn đút ổi cho chó con, bập bẹ dỗ mãi mà chó không chịu ăn ổi, lắc đầu miết. Cả ba vào hầm ngủ. Hoàn dậy trước, lũn cũn đi ra một mình. Cả ngày cháu không đòi không khóc, chỉ quấy khi mẹ về. Mẫn đến thăm con bao giờ cũng phải nín tiếng, đi rón rén tới sát bên lưng, bởi nghe giọng mẹ từ tít ngoài ngõ cháu đã vừa reo vừa sấp ngửa chạy ra đón. Có hôm ngã rách mặt, đổ máu mũi, cháu lồm cồm bò dậy, cứ chạy tiếp đến với mẹ, lúc ấy chỉ riêng cháu cười to, còn người lớn len lén lau mắt. Cháu hái bông chuối nước, cả một bụi rực rỡ những mảng đỏ vàng chơi với cháu, bây giờ cũng nát vụn theo cháu, mỗi lá cờ con muốn đắp một miếng thịt, không nỡ rời.
Tôi sục khắp vườn tìm xác với bà con, chỉ lượm rất nhiều mảnh hoa chuối nước cầm tay, người tê dại đi. Tôi thèm được khóc hu hu như Út Hoà trong nhà kia. Hình như tôi hỏi đi hỏi lại:"Thằng nhỏ họ gì?", không ai biết cả, và tôi cũng chẳng biết hỏi để chi. Anh Luân chợt nói to đâu đấy:
-Xoá hết dấu máu nghen, Hai Mẫn đi Nhơn Thọ sắp về rồi. Sửa soạn xuất quân!
Tôi tỉnh lại, bắt đầu đau nhức như máu rùng rùng chảy vào xăm mứt gừng trong thịt. Mẫn sẽ chịu cơn đau này sao đây?
Bà con gọi nhau ơi ới. Người từ ngoài đồng túa về đông chật những đường lót rơm. Những bộ mặt quen nhô ra cạnh tôi, đỏ và ướt mồ hôi, bật ra một vài câu rít răng hay quát tháo, lại biến vào cái nền áo trắng nón trắng loa loá.
-Đấu liền tay, mảnh pháo còn nóng nó mới khiếp!
-Hay để hôm sau, góp hai ba vụ ta đi một lần, ngày mùa bận rộn...
-Nam mô A di đà Phật! Thằng nhỏ như cục bột mà ra vầy!
-Xóm Đuồi đủ quân chưa đó hỡi?
-Mẹ cố tổ mày Mỹ ơi, mới bước vô đã ăn thịt thằng cháu!
-Đừng chửi lính nghen bà con, dồn hơi chửi Mỹ thả dàn, bắt chỉ huy ra coi xác.
-Thưa bà con cô bác, giữa trưa nắng nôi, lúa má còn bề bộn, đề nghị ta xuống vây địch dưới Lộc Chánh là vừa, đi An Tân hay Châu Lai xa quá, để lần khác. Bắt nó lập biên bản, ký tờ cam đoan, hễ nó đổ tội cho Mỹ thì vạch tội cướp nước bán nước như hôm kia, vụ bác Ba Nhiệm...
-Tập hợp! Tập hợợợp!
-Ới bà Chín ơi, bồng con theo cho bú cũng được chớ!
-Xóm Giữa, ai mang dầu khuynh diệp bóp đòn đưa tay coi! Bông băng? Bình nước đủ không? Ủa, nó chặn giữa trảng nắng, chịu khát nước khản cổ rồi hô khẩu hiệu như nói thầm à?
-Bỏ mảnh pháo lên xác... không, mảnh mới tinh kia, nó hay đổ cho du kích gài mìn trúng con nít...
-Rán trông giùm heo no con nín nghen ông!
Một tay ôm cái hòm gỗ đóng vội, nắp úp hờ, một tay phẩy cái quạt mo đuổi ruồi, chị Biền dẫn đầu cánh quân chống pháo xuống Lộc Chánh. Chị sẽ nhận cháu Hoàn là con. Ông thầy Mười chống gậy bên Út Hoà xách ấm nước nhôm, là ông nội và chị của đứa bé. Anh Luân đếm được ba trăm bốn mươi mốt người, vậy cũng vừa, gặt xong sẽ mở đợt toàn xã đi vây quận. Chồng chị Biền mới bị vợ gắt vì đóng hòm chậm, thu dọn các mảnh ván thừa, lầm bầm: "Lo hậu sự để dành cho cha già mẹ héo, chứ ai cưa ván quan tài sẵn cho con nít...".
Tôi với Ba Tâm đào hố để cháu về sẽ chôn gấp. Nếu Mẫn tới đây, anh Luân sẽ bày tiệc kéo Mẫn đi nơi khác, không cho thấy những khúc chân tay nhầy nhụa máu. Tuy nhớ rõ cái hòm của cháu chỉ nhỏ bằng cái tiểu sành dời mả, tôi cứ xắn mãi những lát mai mở rộng miệng hố, bởi quen tay đào huyệt cho đồng đội mãi rồi, bởi tôi biết mà không thể tin rằng cái hộp đựng búp bê ấy đủ sức chứa một con người hẳn hoi, mới sáng nay còn chơi trò mít rụng trên bụng tôi và cười lanh lảnh
Mé Lộc Chánh, trung liên nổ sáu bảy loạt ngắn, nòng chõ lên làng Cá nghe pình pình choác choác. Ba bốn tiếng nổ đầu nòng cối 60 giống tiếng súng săn ca-líp 12, đạn nổ gần mà chỉ bộp bộp như vập thúng, vẫn cái trò bắn doạ bằng đạn khói hai bên cánh quân áo trắng. Tôi cứ đào mãi, đào mãi. Họng pháo hạm đội 7 to lắm, còn bom thả cao xuyên sâu, còn rốc-két dùi công sự, tôi không muốn cháu tôi bị xé thêm một lần. Tiếng hô dội xa đả đảo nhịp ba chỉ còn “ảo, ảo, ảo”. Anh Luân từ bìa xóm tập tễnh về, báo tin bà con đã vô ấp được hết, ổn rồi. Lát sau, út Liềm mượn xe đạp lên cho biết dân Lộc Chánh cũng ùa ra đình, đem xôi và nước tiếp tế, vừa giằng lại mấy người bị địch bắt đánh.
Xế trưa, quân chính trị kéo về râm ran các ngõ xóm. Giết trẻ con là cái tội ác mà quỷ sứ hiện hình cũng không cãi nổi. Lính ngụy bủn rủn tay chân hết. Tên đại uý chịu ký cam đoan “can thiệp với quân đội đồng minh” chống pháo, tạm thời bồi thường mười ngàn. Thằng Chinh con trốn đâu không thấy, hắn biết bà con nổi xung dám nhào tới đánh chết hắn mà chưa chắc tụi lính đã động ngón tay can giùm.
Tôi nâng cái hộp gỗ đặt xuống lòng hố, kính cẩn và gượng nhẹ, khác với sáng nay vật cháu ra thổi rốn phù phụp. Cháu vừa dẫn đầu quân ta đánh thắng một trận đấy. Bà con và du kích sẽ nhắc tên cháu mỗi khi xáp địch. Có thể nhiều năm nữa vấn còn những lính ngụy nhớ tới cháu mà vác súng sang ta. Thôi, vĩnh biệt người đồng đội hai tuổi...
Tôi thèm được thơm cháu lần cuối trên cặp má còn lành, nhưng nắp hòm đã đóng đinh, tôi cúi hôn mặt ván
Tôi chỉ dịu đau từ khi nhớ cháu như nhớ các bạn chiến đấu nối nhau ngã bên tôi. Mỗi người đều thanh thản nhận lấy sự hi sinh cuối cùng, tôi cũng thế, tôi muốn tin cháu Hoàn cũng thế. Chúng tôi chẳng mấy khi nhắc đến cái chết, không phải vì kiêng kỵ, sợ nó ám ảnh hay ngại bị đánh giá thấp như đôi người tưởng lầm, mà chỉ vì quá quen nhảy qua đầu cái chết để giành và giữ sự sống chung, sự sống ấy cuốn hút tất cả suy nghĩ và cảm xúc của người lính. Tôi đã trải qua rất nhiều cuộc chia tay, khi người sắp chết cố cười giỡn một câu khoá sổ, khi người sống sẵn sàng đổi chỗ cho bạn và lớn vọt lên trong nỗi đau thiêng của cuộc bàn giao nghiệp lớn. Cháu nghỉ yên nhé, cháu Hoàn rất yêu của chú, chúng ta rời nhau như hai đồng chí...
Anh Luân đến bên miệng hố, giục:
-Lẹ lẹ chút, lỡ Hai Mẫn về, tội nó lão à.
Anh nói đúng, Mẫn không nên nghe xẻng đất đầu tiên rơi bộp bộp xuống hòm, nhói vào người như hai nắm tay nhỏ đấm vào nắp gỗ đòi ra. Khoan về đã em, đừng xem anh đứng trên lớp đất mà dẫm, em sẽ không thở được khi nghĩ đến đứa con nằm dưới. Trong cơn bão lớn nhất của trái đất ngày nay, một con chim mới nở bị giằng khỏi xác mẹ, theo gió lốc cuốn mãi tới đây rơi vào tay em, trần trụi, thoi thóp. Em góp chung tình yêu của em và hai người mẹ nữa để thương con gấp ba. Giặc Mỹ đuổi theo giết nốt đứa bé. Mới vào Chu Lai vài hôm, chúng đã xé con em ra nhắm rượu khai vị, mở đầu cho bữa tiệc bắn đâm đốt hiếp cuồng loạn trong nhiều năm tới. Nên khóc một chút cho nhẹ đi em, sau đó hãy tỉnh và nhớ nhiều, nhớ mãi, cho oán thù thấm hẳn vào da thịt, cho đến khi bàn tay em xóc lê vào ngực Mỹ cứ tự nó quen vặn xoáy cây súng thêm một phần tư vòng tròn nữa, bắt cái lưỡi lê các-bin hình dao găm của Mỹ rạch nát tim chủ cũ của nó trước khi chân em đạp cái xác sang bên.
Tin sang Nhơn Thọ, Chín Cang để tới chiều mới báo cho Mẫn. Mẫn chỉ thừ ra một lúc và lau đôi mắt khô, đi với Cang về Nhơn Ái. Sau khi thắp hương lên mả con nuôi, Mẫn xé vải trắng ghim gần cổ áo, thu dọn đồ chơi và áo quần của cháu Hoàn gói vào tấm nhựa. Thấy Út Hoa sụt sịt mãi, Mẫn dỗ, bị em gắt: «Em bồng nó miết em thương, chị có ở với nó đâu...»
Mẫn không đáp. Mẫn đi soát các bãi chông mới, rẽ luôn ra đồng bó lúa gánh về, đôi lúc còn cười đùa trông rất tỉnh, chỉ thỉnh thoảng hơi đãng trí.
Tôi chong đèn đọc một số tư liệu về quân Mỹ mới nhận được, có nhiều chi tiết còn chừa trống hoặc kèm dấu hỏi trong ngoặc đơn, dành cho các phái viên tìm thêm. Đến nửa đêm, tôi còn nghe tiếng cọt kẹt đưa võng phía bên kia hàng rào: Mẫn thường ngủ trên chiếc võng gai cũ cho mát, hôm nào về không quá khuya thì Mẫn đón con sang nằm chung, cười rúc rích với nhau rõ lâu. Mẹ Sáu đánh thức mấy đứa nhỏ dậy đi đái, nhắc tôi: Ông Luân tưởng dễ. Tao ở với con Hai từ hồi nó lọt lòng, tao biết, như bom nổ chậm...Tôi liếc xuống tập giấy in rô-nê-ô có vẽ các kiểu bom Mỹ, băn khoăn một phút, lại chúi mũi đọc tiếp. Mẫn không thích tôi đến nhà, hẳn rất khó chịu nếu giờ này tôi vác xác tới thăm.
Sáng hôm sau, tôi nghỉ gặt, ở nhà viết báo cáo hàng tuần để gửi về H.68 trước khi xuống vùng biển ở hầm. Pháo Chu Lai bắn dồn về phía Quảng Ngãi, nổ đi rất to, nổ lại chỉ văng vẳng. Du kích trong ấy đánh hăng lắm, bắt đầu bắn tỉa tụi Mỹ rồi. Sân bay Chu-lia thè cái lưỡi bê-tông dài dần vào vùng đông của huyện Bình Sơn, chắc phản lực sắp đậu xuống đây thôi, không sạt thẳng ra tàu mẹ nữa. Từ mai tôi sẽ xem Mỹ tận mắt, rõ hơn thứ ra-đa mắt thần của tụi nó nhiều.
Anh Điển viết thư cho tôi, vẫn ngắn, cộc và thẳng ruột ngựa.
Các báo cáo của cậu đều có chất, tốt.Cậu đùng đoàng với du kích Cu-ba bấy nhiêu thôi, chuyển qua đối tượng mới được rồi. Sửa soạn trả lời hai câu hỏi trong kỳ họp sắp tới:
1. Chủ lực ta đánh Mỹ, đủ sức một diệt một gọn không?
2. Làng chiến đấu Mỹ bước một đủ sức chống cơ giới Mỹ không? Phải đạt mức thấp nhứt ra sao mới chống nổi?
Mình bận đi phía bắc, chưa về chỗ cậu được, sẽ về. Trên đang nhắm lập các khu vành đai diệt Mỹ, đáp lại kế hoạch vành đai trắng của địch. Chịu khó cụ thể và cụ thể nghe Thiêm. Đừng rời con mắt người lính chiến khi coi Mỹ, để sắp tới nắm bộ đội đánh Mỹ cậu khỏi lớ ngớ, và giúp anh em khác khỏi lớ ngớ. Có đồng chí đi Đà Nẵng hai tháng, gửi về cho mình mười bảy trang nhận định về bản chất đế quốc Mỹ và quân đội Mỹ, mình trả lời: tôi vẫn nghe đài và đọc tin rất đều, nhưng tôi cần biết K50 ở cự ly bao nhiêu thì xuyên thủng áo giáp Mỹ, tháo mìn định hướng Cờ-lê-mo cách nào an toàn nhứt! Số người đi ngắm cảnh đã đủ rồi, xin đồng chí làm đúng vai trò của người đi tìm mỏ, cặm cụi khoan từng lỗ đất...
Càng quen lâu, tôi càng thích và trọng anh Điển. Dạo mới về, học trường cán bộ trung đội, hầu hết đám trẻ chúng tôi đều gớm ông thủ trưởng hay bẻ ngược vặn xuôi này, dần dà mới quý anh hơn hết. Ở đấy còn có anh Dần hiền như ông Phật, hay nói «Thôi để anh em tự giác», chúng tôi mến nhưng biết anh dễ làm chúng tôi hư. Đối với anh Luyến, sau vài tuần chúng tôi đã phê thật tình là quan liêu. Anh chỉ biết chúng tôi qua bản sơ yếu lí lịch, theo dõi chúng tôi trong các cuộc hội báo. Mỗi khi đến làm thân với học viên thì tay anh vỗ vai, miệng anh hỏi: «Khoẻ không?» nhưng mắt đã nhìn đi nơi khác và chân dợm bước đi. Đến cuối khoá, mỗi anh sửa tật cũ đi một phần, nhưng mỗi người rời trường đều biết rằng vốn liếng mang theo là do anh Điển bù trì cho phần lớn. Lần này làm việc với anh, tôi có cái thú của người học trò nắm vững bài gặp ông thầy ham truy. Anh vẫn hà tiện lời khen, nhưng qua những lá thư dặn dò, tôi đọc thấy niềm tự hào mà anh cố giấu.
Tôi viết và vẽ đến trưa, ngoáy thêm một lá thư gửi xê mình nữa. Ba Tơ vừa viết cho tôi, ấy là sự lạ, quanh năm anh chẳng viết thư. Anh nói bóng rằng xê mình đang ăn tập ở vùng bờ biển Đức-phổ, rất nhớ thầy Thiêm. Đọc những dòng chữ to kềnh càng và đầy lỗi chính tả, tôi bồi hồi mất một lúc, trách mình bạc bẽo với anh em. Hàng trăm lần tôi đã ân hận vì có mới nới cũ như vậy, rốt cuộc tôi vẫn hùng hục lao vào cái mới mà ít có thì giờ nghĩ đến cái cũ.
Ba Tâm đợi mang báo cáo về H.68, đang ngáy đẫy trên tấm võng gai mà Mẫn hay nằm. Căn lều rỗng nay có cái chõng tre mới: một chị ghé vào thăm cháu Hoàn hôm qua đã đùng đùng về vác cái chõng của chồng vừa đóng, đến ép Mẫn phải nhận. «Không gì mày cũng là cán bộ xã, khách tứ xứ đến nhà mày phải rút dép lót đít ngồi, xấu cả mặt bà con!». Tôi lay Ba Tâm. Chú bật dậy, dụi mắt, rút cuốn sổ giao công văn, ghi ngày giờ và bắt tôi ký đàng hoàng, xong xốc bao đi ngay. Chú đoán Mỹ sắp càn, tính đi nhanh về gấp để khỏi hụt một chầu đánh Mỹ.
Cái dáng lòng khòng của Tâm vừa khuất sau rào, Mẫn và Hoà đã bước vào đầu ngõ, mỗi cô gánh hai trái mít già xóc vào khúc cây nhọn hai đầu. Chị em cười với nhau khúc khích. Thấy tôi đứng đợi trên thềm – cái nền nhà cũ rộng gấp đôi căn lều dựng lại - Mẫn tạnh cười ngay. Sao mà mặt lạnh với nhau quá vậy? Tôi khó chịu, bước xuống sân, định về, lại dừng. Anh Luân và mẹ Sáu đều nhờ tôi trông chừng Mẫn. Một tiếng nói nào đó bên trong cũng thầm thỉ nhắc rằng Mẫn tránh tôi nhưng rất cần tôi đến giữa đám tang mới này.
Làng Cá nhiều vườn mít. Giờ nghỉ trưa tránh cái nắng cháy lưng, các bà các chị hay vác sào liêm đi dạo vườn, dỗ con trai hay em trai đi theo. Cái ná cao su của nó bắn bậy bị la hoài, bây giờ lại được việc: bắn thử những trái mít trên cao, «bịch» là chín, «cốc» là già, chỉ cần đưa sào liêm lên ngoặc đứt cuống. Bà con ít để mít chín. Trái vừa già đã lấy về lột lấy múi phơi khô, hột mít luộc chẻ đôi cũng phơi khô, để dành cả bồ ghế cơm suốt năm, ngon hơn khoai sắn. Còn lại sơ mít đem xào hay nấu canh, lớp vỏ ngoài băm nấu cho heo, không bỏ chút gì. Tôi ở Bình Định ưa khoe cây dừa, anh Ba Tơ ca ngợi cây mía Quảng Ngãi, còn anh Luân cả quyết cây mít phải được xếp hàng đầu. «Lão coi đó, gỗ thiệt tốt nè, trái ăn chín được mà trừ cơm cũng được nè, khỏi chăm bón rào giậu gì hết, heo rừng đi bầy cũng đứng dưới ngó lên thôi. Cây là cây chiến lược đó lão!» Tôi thấy anh có lý.
Út Hoà ngả cái nia lót lá chuối, giơ cao con dao chuối rộng bản, chém xuống trái mít. Cắc! Hoà kêu một tiếng, rút vội con dao, lưỡi dao mỏng bị mẻ một miếng to. Hoà lăn trái mít cắt tròn nhè nhẹ, lấy ra một mảnh pháo bằng hai đốt ngón tay nằm lún khá sâu. Thứ đó khắp xóm rờ đâu cũng đụng, găm trên cột kèo, rạch bàn, đục cửa, nhưng cái mảnh này chưa bị gỉ, những cạnh sắc còn nổi vệt khói sạm và vân xanh lấp lánh. Mẫn đang quạt bỗng ngừng tay, đăm đăm nhìn khúc sắt lởm chởm, mặt sầm lại. Tôi nhặt nó, nhét luôn vào lỗ chuột bên chân cột, nói vui:
-Trúng trái mít chín chắc anh mẻ răng Út ơi, ăn tham quá mà. Sao không kiếm ít múi ngọt về mời khách?
Út Hoà chỉ ngón tay qua vai, cười:
-Khách khứa gì anh... Chỗ giáp rào có trái chín, đâu trên cao, em thấy thơm lắm mà dơi bay hoài. Anh Ba bỏ quên cái ná kia, anh bắn thử cho chị Hai hái. Cây đó mít mật ngon nhứt, để chín ăn chơi chứ không xắt khô.
Tôi bắn ná cao su tồi, thử trái này, trúng trái khác, có viên trúng cây bật lại suýt vào đầu. Rồi cũng tìm được trái chín. Đến lúc ấy Mẫn mới lặng lẽ vác xào ra vườn, giật trái mít rơi xuống, nó nẻ đôi và bốc thơm lựng. Tôi bước tới định bưng, thấy Mẫn đứng sững, nhìn xuống.
Tôi ngó theo, lạnh người.
Nằm nghiêng trên búi cỏ là một vật gì như mảng gáo dừa bằng ba ngón tay, có nhiều sợi tơ đen và mịn, trong lòng còn dính cơm dừa nạo không hết, màu trắng lẫn nâu. Mảng sọ của cháu Hoàn. Chúng tôi tìm mãi không thấy, thì ra nó văng lên cây, vừa rơi xuống.
Mẫn cứ đứng mãi thế, cổ rướn tới, mắt mở to dần đến tròn xoe trên da mặt bết máu, ngực hổn hển hơi cúi, tay phải đưa dần ra sau, quờ quờ tìm cái gì đấy không đụng. Mẫn nhếch mép mấy lần như muốn cười, như cố nén cười. Tôi bứt vội cái lá ráy gần nhất, úp che miếng xương. Một tiếng rú bật lên. Không phải tiếng người, họng người không rú được thế. Mẫn chạy vào nhà, vồ cây cạc-bin trên chõng, lên đạn, nhào ra ngõ. Tôi phóng qua vườn đón đầu, tới cổng vừa kịp túm cánh tay Mẫn, giữ lại. Mẫn mất đà lạng người, ngã quỵ một chân chồm lên, co tay thúc báng súng vào ngực tôi. Tôi né lùi được một ít, vẫn tức điếng. Mẫn hộc trong cổ: «Buông!» Lơ mơ là ăn đạn. Phải làm dữ. Tôi xuống tấn, tay trái chụp nòng súng đẩy lên trời, tay phải nắm cổ Mẫn xô rất mạnh ra sau, tay trái đấm móc quai hàm. Mẫn ngã nghiêng xuống đường, mất súng.
Tôi trừng mắt nhìn Mẫn, rít qua kẽ răng:
-Vô nhà lập tức! Mau!
Út Hoà sụt sịt dìu chị vào. May sao không ai qua ngõ trong phút đánh vật. Mẫn bước nặng nhọc, mắt dài dại nhìn quanh, hai tay níu đuôi tóc thả trước ngực như tự nắm tóc giữ mình lại.
Thấy tôi cầm cạc-bin rẽ sang nhà mẹ Sáu, Út Hoà chạy theo mếu máo:
-Em lạy anh, ở với chị Hai một lát, em hết hồn hết vía đây nè. Để đó em chôn, em sợ chị hơn…
Cũng phải. Tôi bảo Út Hoà xin mẹ Sáu cái vịm nhỏ bằng sành, đào đất chôn mảnh sọ cạnh bên mả ngay đi, rồi vào với Mẫn. Mẫn ngồi trên võng, thở dốc. Đôi mắt đờ đẫn ngước lên, vụt sáng, quá sáng nữa, tôi đọc thấy một nỗi mừng lớn pha nhiều sợ hãi. Võng của Mẫn treo thấp tránh pháo đêm. Tôi đặt cái đòn gỗ trên trái mít, ngồi xuống bên Mẫn. Mặt Mẫn dần dần hồng lại.
- Em…
Tiếng gọi dịu dàng bật ra tuy tôi không muốn. Một keo cự tuyệt, một tuần lẩn mặt đã quá đủ rồi. Chao ôi, sao tôi không được chia cơn đau này với Mẫn như người yêu an ủi nhau…Mẫn nhìn xuống chân, lại nhìn tôi, ánh mắt khắc khoải.
-Tối nay anh xuống ở chỗ chị Tâm… xóm chị S.22…lâu lâu anh mới lên trên này một lần. Em hiểu không?
-Dạ.
Mẫn cúi đầu, gật nhanh, tỏ vẻ mình rất tỉnh và biết lỗi.
-Anh lo cho em lắm. Anh… anh thương em lắm. Đừng làm như hồi nãy, anh buồn. Em thôi luôn nghen? Em ừ đi cho anh yên bụng.
-Dạ, dạ…em thôi…
Mẫn úp mặt trên đầu gối, bắt đầu nấc nhẹ, rồi khóc rung người, nức nở. Khối đau sưng tấy đã vỡ. Tôi ra sân đón mẹ Sáu với bà con trong xóm đến thăm, khuyên để Mẫn khóc một lát. Khi tôi quay vào, Mẫn đã nằm ngủ thiếp trên võng, tóc rủ chạm đất, ép một bên má trong lòng bàn tay kê, đôi mày dãn ra cong đều trên mí mắt dày đỏ, nét mặt hiền như em gái nhỏ được mẹ quạt cho ngủ. Tôi xem lại cây cạc-bin, chợt thấy thương quá: Mẫn còn nhớ khoá chốt an toàn trong khi tôi đuổi theo giật súng. Thế nhưng lát nữa thức dậy, Mẫn sẽ ngoảnh mặt nơi khác, kiếm cớ mời tôi về nhà mẹ Sáu. Không đợi Mẫn xua, tôi giao súng cho Út Hoà, ra về ngay, cồn cào yêu và giận đến nghẹn thở.
Chú thích:
(1) Dong riềng