Edit: Phong Ly
Beta: Yến Phi Ly
Rượu say nồng, cảnh yên vui.
Kinh sư phồn hoa, bách tính muôn nơi đều tụ hợp. Rượu là sản phẩm Đan Dương chính tông nổi tiếng, hâm nóng vừa đủ, vàng sánh trong veo hài hòa, rất hợp với câu “Mỹ tửu thập lí hương, ngọc oản hổ phách quang” (rượu ngon hương thơm bay vạn dặm, chén ngọc ánh lên sắc hổ phách) đồ ăn chỉ là những món thường nhật của người dân Nhữ Châu, nhưng vào đến tửu lâu kinh sử lại không hề tầm thường: thịt lợn sữa thơm ngon bóng mềm tinh tế, đậu phụ nhồi thịt om dầu, tôm chiên vàng giòn, để món ăn thêm ngon miệng, không thể thiếu, màu xanh của hành, vàng của kim châm, hồng của tương liêu, năm món bày lên, sắc hình đều toàn vẹn.
Bùi Kiếm Văn ngồi bên cửa sổ, ăn uống sảng khoái, đột nhiên bị tiếng gào khóc dưới đường phân tâm. Y nhấc đũa lên xem xét, rồi gắp tôm chiên đưa lên miệng, chậm rãi tỉ mỉ nhai.
“Quan gia, oan uổng quá! Tiểu nhân thật sự chỉ bán da thú, chưa hề phạm pháp, oan uổng a….”
“Ngươi nói oan uổng thì là oan uổng sao? Oan hay không thẩm vấn là biết, còn không ngậm ngay miệng thối lại cho ông!”
Hóa ra là cẩm y vệ bên đường bắt người, rõ ràng là không cần biết phải trái đúng sai, thấy hơi tiền liền nổi lòng tham.
Bùi Kiếm Văn hiểu rõ, trong kinh cẩm y vệ bắt người không mang về nha môn, mà tìm một ngôi miếu hoang, đem người đánh một trận, nói là “Đóng cọc”. Người bị bắt phải moi hết tiền tài giao ra, thiếu một đồng liền bị đưa vào nha môn dùng mọi cách tra tấn, thậm chí là mất mạng vô tội.
Y lần này vào kinh làm việc quan trọng, không muốn dính vào chuyện không đâu, nhưng tôm chiên trong miệng càng nhai càng giống như nhai rễ cây, không có tư vị gì cả.
Thầm thở dài, Bùi Kiếm Văn vẫy tay gọi tiểu nhị tới thanh toán, uống ngụm rượu cuối cùng rồi đứng dậy xuống lầu, tiếng khóc nho nhỏ rời đi, y cũng nhanh chóng đi theo.
Trên đường nhiều người nhìn y, thầm nghĩ Bùi Kiếm Văn chán sống, còn ở xa xa bên kia, thấy hai kẻ lực lưỡng ép một người vào miếu, y liền vọt đến chân tường, nhìn bốn phía, nhẹ nhàng đề khí, một bóng trắng phi thân qua, còn tưởng rằng ban ngày thấy ma.
“Thật sự là hết rồi, quan gia tha mạng, quan gia tha mạng…”
Thương nhân bán da thú kia từ trong ngực lấy hết chi phiếu cùng bạc dâng lên, còn dập đầu như giã tỏi, bị một tên đạp một cước ngã lăn vài vòng trên đất. Bùi Kiếm Văn không muốn lộ diện, liền xoay người lên nóc nhà, nhẹ nhàng lật một mảnh ngói lên.
Không chút trì hoãn, y thuận tay lấy ra hai đồng tiền, từ lỗ hổng trên mái nhà bắn xuống. Hai tên cẩm y vệ lực lưỡng kia đều bị bắn trúng vai, chúng võ công tầm thường, không nghe được tiếng gió, liền bị bắn trúng huyệt Bách hội, ngay tức khắc ngã xuống đất hôn mê.
Bùi Kiếm Văn không muốn giết người, mới để ý lực đạo, chỉ khiến người ta mê man khoảng một canh giờ, đủ để thương nhân kia chạy thoát.
“Tiểu nhân khấu tạ Bồ Tát hiển linh!” Mà thương nhân bán da kia cũng thật thú vị, vừa rồi còn ngã chổng mông, dây dưa cho đến tận lúc y đến, đánh cho hai hán tử tráng kiện như hung thần ác sát kia vô thanh vô tức bất tỉnh, còn tưởng Bồ Tát phù hộ, không vội chạy thoát thân, còn cung kính dập đầu.
“Này… cũng không phải là tiểu nhân tham tài, bạc kia vốn là của tiểu nhân… Bồ Tát đừng trách, Bồ Tát đừng trách…” Bùi Kiếm Văn nhịn cười nhìn gã miệng thì thì thầm thầm, run run lấy lại bạc, rồi xoay người chạy thục mạng, cũng nhảy xuống từ nóc nhà, từ sau miếu đi ra.
Thật ra trong thâm tâm của Bùi Kiếm Văn luôn khắc sâu một điều, phải đem hai tên đại hán kia đánh gãy tay chân, hung hăng giáo huấn, hai ba tháng không xuống được giường mới thống khoái. Chính là lần này trước khi lên kinh trong nhà đã ồn ào một trận, chuyện Bùi phụ nói dường như không có câu nào vào tai y, thế nhưng trong lòng vẫn âm thầm gật đầu.
“Con cũng không còn nhỏ, sao lại không hiểu chuyện như vậy…” Bùi phụ nói rồi thở dài, “Thôi… không hiểu thì thôi đi…”
Ai nói y không hiểu, Bùi Kiếm Văn thầm nghĩ, y cũng hiểu giáo huấn hai kẻ kia thì cũng không thể giáo huấn hết những kẻ trợ Trụ vi ngược (giúp vua Trụ làm điều ác: ý là nối giáo cho giặc, giúp người khác làm điều xấu) trong thiên hạ cứu được một người, cũng không cứu được hết ngàn vạn lê dân bá tánh.
Hai con chó săn này dù có đánh chết cũng thế, chỉ càng làm cho quan phủ thêm cảnh giác, biết có người giang hồ vào kinh. Lúc này để lộ hành tung là một nước cờ sai lầm.
Bùi Kiếm Văn không phải không nghĩ tới điểm này, nhưng sự tình ngay trước mắt, hắn không thể không để ý. Thiên tử ngu ngốc, gian thần họa quốc, giống như người đang trong lúc nguy kịch, ngũ tạng lục phủ đều thối rữa sinh bệnh, cũng không phải một hai thang thuốc là trị hết. Bùi Kiếm Văn cảm thấy, giết Phùng Phượng rồi cũng sẽ có Chu Phượng Lí Phượng, dù có là Đông Lâm đảng luôn tự cho là trong sạch, thanh cao, cũng không phải tất cả đều tốt. Y từ lúc sinh ra chưa từng mang ý niệm một mình một kiếm bảo vệ thiên hạ, thương cho ba tánh, này cũng thật buồn cười, không phải châu chấu đá xe thì là cái gì.
Nhưng vẫn câu nói kia, sự tình đã ngay trước mắt làm y phải ra tay, không thể không quản! Cứu một người là một người, như Hứa Chân kia, tuy chỉ cùng Bùi Kiếm Văn gặp mặt một lần, một chén rượu giao tình, nhưng y vốn kính trọng người có phẩm cách tiêu sái, làm việc trượng nghĩa, liền thành tâm gọi hắn một tiếng “Hứa đại hiệp”, nghĩ ra nghìn cách để giúp hắn.
Ngày đó Bùi Kiếm Văn nói với Lục Diêu “Tiểu đệ còn có chuyện riêng chưa xong”, là cha y cùng tiểu nương gọi y về nhà nhưng dây dưa lâu ngày chưa thấy, liền phái không ít gia đinh xuất môn tìm người. Bùi tiểu gia coi như không có gì, vẫn chạy đông chạy tây, tự mình gây sức ép đủ đường rồi mới hi hi ha ha về nhà xin lỗi.
Bùi phụ trách y tâm tính vui đùa quá ngang bướng, cấm y ra ngoài, lệnh cho ngày ngày phải cùng tiểu nương chép kinh Phật, “Đến chừng nào ta cho phép, con tuyệt đối không được bước chân ra khỏi cửa nhà.”
Mẹ đẻ của Bùi Kiếm Văn là chính thê của Bùi phụ, vốn là quan gia nữ nhi được gả đi vì quan lộ của phụ thân, luôn nhớ về tình nhân trước kia, không hề có chút tình nghĩa gì với Bùi phụ, cả ngày buồn bực không vui, ở trong phòng viết thơ thương xuân bi thu. Mặc cho Bùi Kiếm Văn còn nhỏ, cũng giao cho vú nuôi trông nom.
Tiểu thiếp Bùi phụ nạp lại là người tính tình dịu dàng, tuy xuất thân thanh lâu, nhưng thái độ làm người hay xử sự đều khiến tiểu Kiếm Văn thích, thâm tình phát sinh ngược hẳn với mẹ đẻ. Năm y mười lăm tuổi Bùi mẫu mất, Bùi phụ đem nàng lên làm chính thất, Bùi Lí thị ra sức chối từ không chịu, Bùi Kiếm Văn vài lần năn nỉ cũng không được, liền chỉ thẳng vào Bùi phụ nói, “Lão đầu tử, chưa cần nói đến danh phận gì đó, ông sau này dám có lỗi với tiểu nương, đừng trách đứa con này của ông trở mặt.”
Bùi Lí thị thân thể yếu đuối, lại luôn nhớ rõ mình xuất thân thấp hèn, sợ khi đến Diêm Vương điện phải chịu tội, hằng năm đều chép kinh Phật. Bùi Kiếm Văn mặc dù khinh thường thứ bỏ đi này, nhưng lại rất hiếu thuận, chép kinh để luyện chữ, bỏ đi lối hành thảo(1) rồng bay phượng múa, đổi lại được nét chữ lệ(2) quy củ nhất quán, cùng chữ khải của tiểu nương Trâm Hoa đặt cùng chỗ trông rất đẹp mắt.
Ngày ngày trừ bỏ chép kinh, Bùi tiểu gia còn hay nghịch ngợm hoa cỏ, rượu tự rót tự uống, lại lấy dã sử tạp ký giải sầu, cũng không phải là không thú vị. Chính là không được ra khỏi nhà, cắt đứt tin tức của giang hồ, đến lúc nghe Hứa Chân gặp nạn đã quá muộn. Bùi Kiếm Văn chỉ mong mau mau ra ngoài đi tìm, nhưng lại không biết Hứa Chân hiện tại đang ở đâu, trước cần cân nhắc tính toán hai ngày.
Bùi phụ cũng nói gần đây cẩm y vệ đi khắp nơi tróc nã trọng phạm triều đình, trên giang hồ cũng không yên ổn, nhìn Bùi Kiếm Văn ngày thường hấp tấp, bừa bãi, lại yên ổn như vậy hẳn đã có tính toán, trong nhà vừa hay hầm băng đang bỏ trống, không đợi y chuồn đi đã sai gia đinh chặn lại.
Bùi tiểu gia chẳng thèm đển đám gia đinh kia vào mắt, không cần rút kiếm, chỉ đánh bừa bãi mấy cái liền giải quyết xong. Nhưng thấy Bùi phụ đứng giữa sân, một tay chỉ vào y, một tay ôm ngực, sắc mặt trắng bệch xanh xao, không biết có phải bệnh tim tái phát hay không, liền ngoan ngoãn bị ép vào hầm băng, liền thầm mắng cha y lúc này tại sao lại phát bệnh đúng lúc vậy.
Nhưng bị giam giữ cũng không yên, Bùi Kiếm Văn là loại người ngươi không cho y làm cái gì, y lại càng muốn làm, nhịn bảy tám ngày, đánh giá sức khỏe Bùi phụ chắc đã tốt lên rồi, liền nhờ gia đinh đưa cơm nhắn lại rằng y biết sai rồi, cầu ông thả y ra.
Bùi phụ ở trong triều hiểu được Hứa Chân đã bị bắt về quy án, hiện đang bị áp giải vào kinh. Tuy định nhốt Bùi Kiếm Văn thêm hai ngày, lại nghe gia đinh do dự nói, “Thiếu gia nói, nếu ngài không để cậu ấy…”
“Làm sao?”
“Thiếu gia nói cậu ấy liền… tuyệt thực…”
“Tiểu tử này!” Bùi phụ đập bàn, cả giận nói, “Ngươi để nó nhịn đi! Mặc kệ nó, ba ngày không ăn cũng không chết được!”
Miệng nói như vậy, nhưng Bùi phụ cũng đau lòng đứa con này, ngày thứ hai liền đem Bùi Kiếm Văn thả ra, lệnh gia đinh canh giữ nghiêm ngặt.
Bùi Kiếm Văn thấy sắc mặt cha hắ hồng nhuận, có khí lực mắng người, liền biết ngày ấy ông lừa mình, thầm mắng “Cáo già”, đến đêm, không chần chừ thu thập hành trang, điểm huyệt gia đinh trực đêm dắt ngựa trốn mất.
Dây dưa một lúc, đến khi Bùi Kiếm Văn theo tin tức thúc ngựa lên kinh thành, Hứa Chân đã sớm bị giam vào ngục, chỉ đợi thẩm vấn rồi chặt đầu thị chúng.
Bùi Kiếm Văn cũng không biết triều đình có thực sự thẩm vấn hay không, ngày đó nhảy qua tường miếu, đi qua mấy con phố liền gặp mấy nha dịch đang dán bố cáo hành hình, vội chen vào nhìn. Y cẩn thận đảo qua một cái, xác thực không thấy tên của Hứa Chân liền nhẹ nhàng thở ra, thoát khỏi đám đông, lại liếc mắt một cái thấy Lục Diêu.
Kì thực không phải Bùi Kiếm Văn nhìn không thấy hắn, phi ngư phục sức trạch minh hoàng (Phong Ly: các bạn trẻ xem Tứ Đại Danh Bổ hay bất kì phim gì thấy mấy anh cẩm y vệ hay Đông Xưởng mặc cái gì thì chính là cái anh Diêu đang mặc đó:3 khỏi giải thích nhiều khó hiểu)dương quang như vậy sao lại không thấy. Ngày đó gặp mặt, Lục Diêu một thân y phục màu xám cũ kĩ, phong trần mệt mỏi, trong ấn tượng của Bùi Kiếm Văn là một người khiêm tốn.
Rồi sau đó từ biệt, đảo mắt đã nửa năm, hiện tại Lục Diêu nghiêm mặt ngay ngắn ngồi trên ngựa, mày kiếm mắt sáng, bất nộ tự uy (không giận cũng sinh uy). Mấy ngày liền bôn ba còn có công vụ phiền lòng, người có chút gầy đi, đường nét khuôn mặt càng thêm sắc nét. Lại nhìn kim xán quan y người nghe đã sợ mất mật kia, trước ngực thêu một loài không phải chim cũng chẳng phải thú mà trong “Sơn Hải kinh”(3) có ghi lại “Phục chi bất lôi, khả dĩ ngự binh” là thượng cổ thần vật, có vòi, đuôi cá, đuôi mắt cổ cánh đều phát ra uy nghiêm. Cơn gió thu làm đai lưng cọ lên áo khoác, vạt áo tung bay để lộ ra Tú Xuân đao, vỏ đao làm bằng loại da màu mực tốt nhất, từng động tác, từng cái nhếch miệng đều thể hiện sát khí tôn quý.
Đó là ngày ấy, lấy trà thay rượu, nói cười râm ran.
Y thích hắn khiêm tốn thân thiết, hắn thầm khen y thiếu niên anh hùng.
Bất quá thời khắc thay đổi, hạ trùng chết đi rồi đến thu thảo, lúc này y nhìn hắn lạnh lùng thầm nghĩ: “….Hay cho dáng vẻ sát khí tôn quý.”
Lúc Bùi Kiếm Văn trông thấy Lục Diêu, Lục Diêu cũng thấy y.
Đám người lặng im, rồi tản ra, hai người đứng hai đầu đường không người, thẳng nhìn nhau, Lục Diêu có chút hoang đường nghĩ, “…Hóa ra mỗi lần gặp người này, xung quanh đều vô thanh vô tức như vậy.”
“Lục huynh, đã lâu không gặp?”
Đám người xung quanh càng tản ra, để lại khoảng không như sân khấu hát kịch không có người xem, Lục Diêu vẫn ngồi trên ngựa, chắp tay đáp lời y:
“Bùi thiếu hiệp, lâu không gặp.”
Lục Diêu nghĩ Bùi Kiếm Văn hẳn là căm ghét mình như thù địch. Giống như một thân bạch y kia, không nhiễm nửa điểm dơ bẩn.
Bùi Kiếm Văn đúng như Lục Diêu dự đoán, khách sáo một hồi rồi nói còn có công chuyện, liền quay đầu đi.
Lục Diêu ngồi ngay ngắn trên ngựa, thấy y từng bước từng bước càng ngày càng xa, cũng kéo cương thúc ngựa rời đi. Trong lòng thầm nghĩ, quả nhiên một nhân vật ái tựa liệt dương, hận như bão vũ (yêu thì mãnh liệt tựa ánh mặt trời, hận thì như cuồng phong bạo vũ), lại nghe phía sau có động tĩnh, vừa quay đầu liền thấy Bùi Kiếm Văn không để ý ánh mắt người khác, thi triển khinh công ngay giữa đường, vài bước đã đến nơi.
“Lục đại nhân, lần trước tại quán trà không có rượu, Bùi mỗ còn thiếu ngài một chén rượu tạ ơn,” Bùi Kiếm Văn nhấn mạnh ba chữ “rượu tạ ơn”, “Lục đại nhân khi nào rảnh, mời đến khách *** Tập Hiền ở thành đông uống vài chén!”
Lục Diêu nghe Bùi Kiếm Văn gọi hắn “Lục đại nhân”, cũng không tự xưng “tiểu đệ” nữa, liền biết y đã xem lần gặp ở trà quán kia quăng đi sạch sẽ.
Nói là rượu tạ ơn, còn không phải căm hận bất bình tìm cơ hội cùng mình so chiêu sao? Lục Diêu nhìn Bùi Kiếm Văn nói xong liền xoay người đi, trong lòng lắc đầu cười khổ, đem cái câu “ái tựa liệt dương, hận như bão vũ” kia bỏ thêm tám chữ —- Suất tính nhi vi, thiếu niên khinh cuồng. (làm việc theo cảm tính, tuổi trẻ ngông cuồng)
=========
(1) Hành thảo: là hai lối viết thư pháp của Trung Quốc.
– Chữ thảo là lối viết nhanh nhất, mà cũng đơn giản nhất cho nên rất khó đọc, thường được dùng trong tốc ký, thực hành thư pháp, viết thư hoặc viết nháp.
– Chữ hành là chữ khải viết nhanh và tự do nhưng không đến mức phóng túng như chữ thảo, được sử dụng phổ biến trong quá trình viết tay.
(2) Chữ lệ: là dấu mốc quan trọng mở đầu cho thời kì người Trung Quốc cổ đại thoát khỏi hệ thống chữ tượng hình, thường được dùng trong các trường hợp trang trọng, hiệu quả của chữ viết hơi rộng về chiều ngang, khung chữ hình chữ nhật, gần giống với chữ khải ngày nay.
(3) Sơn Hải kinh: thư tịch thời Tiên Tần của Trung Quốc, trong đó chủ yếu mô tả các thần thoại, địa lý, động vật, thực vật, khoáng vật, vu thuật, tông giáo, cổ sử, y dược, tập tục, dân tộc thời kỳ cổ đại.