Tôi được mời viết cuốn Mặc kệ nó, làm tới đi! cho Ngày Đọc sách Thế giới năm 2006. Ý tưởng của cuốn sách là đem tới cho những người mới đọc sách một điều gì đó thú vị và đầy cảm hứng nhằm khuyến khích họ đọc nhiều hơn.
Ấn bản đầu tiên của cuốn sách thành công hơn rất nhiều so với mong đợi của tôi. Nó bán chạy trên toàn thế giới, giành vị trí thứ nhất tại Nam Phi cũng như có tên trong danh sách những tác phẩm ăn khách nhất tại Australia. Tôi vô cùng hài lòng vì cuốn sách đã được đón nhận nhiệt tình. Nhiều người viết thư cho tôi, bày tỏ rằng cuốn sách đã cổ vũ và truyền cảm hứng cho họ rất nhiều. Tôi cũng phát hiện ra rằng nó đã vượt xa khỏi giới hạn đối tượng nó hướng tới là những người mới đọc sách.
Một năm sau, tôi được đề nghị viết một bản sửa lại và bổ sung cho đối tượng độc giả rộng hơn. Trong ấn bản mới này, bạn sẽ tìm thấy tất cả những bài học cuộc sống lúc ban đầu của tôi cũng như những bài học mới hướng tới tương lai.
Dù không bao giờ tuân theo các quy tắc nhưng với mỗi bước đi, tôi học được rất nhiều bài học trên đường. Những bài học bắt đầu từ nhà khi tôi còn nhỏ. Chúng tiếp tục tại trường học và trong kinh doanh, khi tôi phụ trách tạp chí Student thời học sinh. Tôi vẫn đang học hỏi và sẽ không bao giờ ngừng học hỏi. Những bài học này đã giúp tôi rất nhiều trong suốt cuộc đời, và tôi hy vọng rằng bạn sẽ tìm được cảm hứng cho mình từ những trang sách này.
Báo chí gọi tôi và các cộng sự tại Virgin là “Những kẻ vô tổ chức trên thiên đường” – có lẽ là vì tôi sở hữu hai hòn đảo nhiệt đới thôn dã; một ở vùng Caribe và một ở cách xa bờ bắc Australia. Chúng tôi có xu hướng làm mọi thứ theo cách ít nguyên tắc hơn hầu hết các doanh nghiệp khác, và với tôi, như vậy rất hiệu quả. Tôi làm việc chăm chỉ và vui chơi cũng chăm chỉ. Tôi tin vào mục tiêu. Ước mơ chẳng có gì là xấu, nhưng tôi luôn thực tế. Tôi không mơ mộng viển vông về những điều không thể. Tôi đặt ra các mục tiêu và tìm cách đạt được chúng. Tôi muốn làm tốt mọi việc chứ không nửa vời. Ở trường học, tôi gặp khó khăn trong việc đọc và viết. Thời đó người ta không biết về chứng khó đọc , nên các giáo viên cho rằng tôi lười nhác. Vì vậy, tôi tự học thuộc lòng mọi thứ. Giờ đây tôi có trí nhớ rất tốt. Nó trở thành một trong những công cụ hữu hiệu nhất của tôi trong kinh doanh.
Chúng tôi đã trải qua một quãng đường rất dài từ ngày tôi thành lập Virgin vào năm 1967. Chúng tôi khởi đầu khiêm tốn và rồi phát triển mạnh mẽ. Có thời điểm tốc độ mở rộng của chúng tôi tới rất nhiều lĩnh vực và ngành nghề kinh doanh khác đến mức không thể tin nổi, từ cây cola tới rượu, từ áo cưới tới điện thoại di động, sách, truyện tranh, phim hoạt hình, thẻ tín dụng, máy bay, tàu hỏa và thậm chí cả du hành vũ trụ. Không có gì là không thể giải quyết được. Virgin thực sự chứa đựng châm ngôn của tôi “Mặc kệ nó, làm tới đi!”, và tôi thích nhìn thấy lòng nhiệt tình và nguồn năng lượng tỏa ra từ đội ngũ của chúng tôi. Tôi rất thích thú khi chúng tôi bắt đầu một ý tưởng mới và biến nó thành hiện thực.
Nhưng giờ đây chúng ta đã bước vào thiên niên kỷ mới, và những quan niệm cũ rằng công nghiệp là ngành thống trị, hay “khôn sống mống chết”, đang thay đổi. Với những bước tiến mạnh mẽ trong khoa học và hiểu biết của con người về Trái đất và Vũ trụ, chúng ta nhận ra rằng mọi thứ đều liên kết với nhau; không có gì đứng một mình hay hành động một mình. Mỗi hành động đều có một hệ quả. Vì vậy, tôi cần phải biết Virgin sẽ hoạt động như thế nào trong thế kỷ XXI.
Ở cấp độ toàn cầu, hoạt động của con người, các ngành công nghiệp và công ty kinh doanh có tác động trực tiếp và thường là lâu dài tới thế giới của chúng ta. Nếu loài người làm sai điều gì, nó sẽ dẫn tới hậu quả thảm khốc. Ở cấp độ cá nhân, Virgin thuê hơn 50.000 nhân công, và kế sinh nhai của ngần ấy con người sẽ bị ảnh hưởng nếu chúng tôi không thành công trong tất cả những lĩnh vực chúng tôi tham gia. Là một nhà kinh doanh, tất nhiên tôi muốn thành công, và đôi khi lựa chọn phương thức sản xuất ít tốn kém hơn dường như lại hiệu quả hơn. Nhưng một trong những nguyên tắc của tôi là: Không làm gì có hại.
Tôi ý thức được rằng, cùng với trách nhiệm là người đứng đầu một trong những công ty kinh doanh thành công nhất thế giới, tôi còn có trách nhiệm và bổn phận phải bảo đảm hết sức rằng chúng tôi không làm gì có hại. Tôi luôn ghi nhớ rằng mọi điều chúng tôi làm đều liên quan tới một điều gì đó hoặc một người nào đó ở một nơi nào đó.
Trong một thời gian dài, tôi đã rất chú ý tới Học thuyết Gaia, do James Lovelock đưa ra gần 40 năm trước. Theo giả thuyết này, Trái đất là một thực thể sống, giống như một đơn bào, và mọi thứ nó cần để tồn tại đều chứa đựng bên trong chính nó. Hơn nữa, Giáo sư Lovelock tin rằng hành tinh này có thể tự chữa khỏi nếu bị tổn thương. Nhưng ngay cả theo thuyết Gaia, vẫn có một điểm giới hạn mà nếu vượt khỏi đó, tổn thương sẽ không thể phục hồi được. Các nhà khoa học về môi trường cảnh báo rằng tốc độ phát triển công nghiệp cùng với những vùng rừng nhiệt đới rộng lớn bị mất đi đã thải nhiều khí cacbonic vào khí quyển đến nỗi chúng ta đã bước vào một chu trình ấm lên toàn cầu có thể dẫn tới hủy diệt hầu hết các dạng sự sống trên Trái đất. Điều này đang diễn ra. Nếu muốn tồn tại, chúng ta phải đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu.
Là một nhà tư bản, tôi phải đối mặt với câu hỏi thẳng thắn: tôi có đang gây hại không? Các cuộc nghiên cứu và điều tra kỹ lưỡng chỉ ra rằng có một cách để tôi có thể vừa là một nhà tư bản vừa có thể thực hiện triết lý bảo vệ môi trường của mình. Với việc tìm cách khai thác các loại nhiên liệu mới để giảm khí thải cacbon, chúng tôi có thể góp phần đảo ngược hiện tượng ấm lên toàn cầu. Chúng tôi cũng có thể thực hiện các bước để khiến tập đoàn Virgin có trách nhiệm với môi trường hơn. Tôi đã đặt ra cụm từ “Tư bản Gaia” như một chủ nghĩa, một cụm từ gây chú ý, và một cách tiến lên phía trước.
Tôi cũng nhận ra rằng dù công nghiệp và kinh doanh tồn tại trên một mức độ thương mại rộng lớn, nhưng chúng không hẳn là xấu. Tất nhiên, tất cả chúng ta đều muốn có tủ lạnh, lái ô tô, đi máy bay và tàu hỏa, sống cuộc sống bình thường, bận rộn và thỏa mãn của mình. Nhưng đồng thời, chúng ta phải nhận thức rõ hơn những hành động của mình đang tàn phá môi trường như thế nào. Tôi tin rằng những công ty lớn như Virgin nên dẫn đường với một cách tiếp cận tổng thể, vừa tạo ra và duy trì những công ty kinh doanh thành công, vừa góp phần duy trì cân bằng tự nhiên và gây hại ít nhất đến môi trường.
Virgin có thể làm được điều này vì chúng tôi là một công ty tư nhân. Tôi không ủng hộ việc lúc nào cũng nhất nhất tuân theo luật. Tôi sẽ thay đổi nếu điều đó mang tới kết quả tốt hơn, và tôi sẽ thực hiện bằng cách đặt ra ví dụ. Về điều này, tôi đã chịu ảnh hưởng của nhiều người thông minh, tài giỏi. Ngoài James Lovelock, tôi còn được truyền cảm hứng từ người họ hàng của mình là Ngài Peter Scott, người đã thành lập Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên trước khi qua đời; Jonathon Porritt, người đồng sáng lập Diễn đàn Hướng tới Tương lai (và là người sáng lập Greenpeace ); nhà khoa học và môi trường học người Australia Tim Flannery, người đã viết trong cuốn sách The Weathermakers: How Man Is Changing the Climate and What It Means for Life on Earth (tạm dịch: Con người đang biến đổi khí hậu như thế nào và ý nghĩa của nó đối với sự sống trên Trái đất) của mình rằng tất cả chúng ta đều có thể tác động tích cực tới khí hậu toàn cầu; và Al Gore, Phó Tổng thống thứ 45 của Mỹ, thông qua bộ phim và cuốn sách cùng tên của ông là An Inconvenient Truth (tạm dịch: Sự thật phiền toái), đã đặt ra sứ mệnh cho chính mình là truyền tải tới mọi người thông điệp rằng thế giới đang đứng trên bờ vực của một thảm họa môi trường.
Mục tiêu mới của tôi là tìm cách giảm khí thải cacbon. Vì vậy, trong những năm tới tại Virgin, chúng tôi sẽ tìm hiểu tất cả các tiến bộ khoa học – và có thể sẽ đưa ra một số tiến bộ của chính chúng tôi – giúp ích cho một cách tiếp cận kinh doanh tổng thể và có hệ thống hơn. Tương lai hứa hẹn sẽ rất thú vị. Chúng ta có thể sẽ bước vào một thời kỳ Phục hưng không chỉ về cách sống mà cả về kinh doanh lẫn phát minh.
Về vấn đề này, tập đoàn Virgin được thành lập như một quỹ từ thiện để giúp đỡ một mạng lưới những tổ chức từ thiện tạo nên khác biệt cả trong nước và trên toàn thế giới. Chúng tôi khuyến khích nhân viên và khách hàng cùng tham gia, và bằng cách này, chúng tôi đang tác động tới nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giúp đỡ những người gặp phải các bệnh nghiêm trọng như sốt rét, lao, và HIV/AIDS.
Giáo dục là một yếu tố then chốt trong vấn đề trên, và Virgin luôn cố gắng làm từ thiện, đồng thời giúp đỡ các thanh niên. Nhưng tôi muốn chúng ta quan tâm hơn tới những ý tưởng đổi mới liên quan đến giáo dục. Tôi đã thành lập một trường kinh doanh thuộc Đại học CIBA ở Nam Phi; và tôi sẽ phát triển một trường đại học quốc tế lưu động với ký túc xá là những căn lều. Tôi cũng tin rằng chúng ta cần ít những buổi nói chuyện chính trị đi mà thêm vào đó là sự hiểu biết, vì vậy, một yếu tố then chốt trong kế hoạch phát triển của tôi là thành lập một Hội đồng Trưởng lão, những người sẽ đưa ra lời khuyên cho các nhà lãnh đạo thế giới khi được đề nghị. Tôi thấy rất vinh dự khi Nelson Mandela đồng ý làm người sáng lập.
Khi tôi bắt đầu cuộc đời, mọi thứ đều chắc chắn hơn. Bạn có một sự nghiệp bày sẵn trước mắt, thường là nghề nghiệp của bố bạn. Hầu hết các bà mẹ ở nhà. Ngày nay, chẳng có gì là chắc chắn; cuộc đời có thể là một cuộc đấu tranh lâu dài. Mọi người phải quyết định những thứ ưu tiên nếu muốn đạt được điều gì đó. Bài học hay nhất mà tôi học được là Làm tới đi. Dù là bất cứ việc gì, khó khăn và khiến bạn nản chí đến thế nào, như nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato đã nói “Khởi đầu là phần quan trọng nhất của bất kỳ công việc nào”, và người Trung Quốc có câu “Một chuyến đi hàng nghìn dặm bắt đầu chỉ với một bước chân”.
Nếu thấy trước kết thúc và tất cả những nẻo đường sẽ đi qua, cùng tất cả những hiểm nguy bạn có thể phải đối mặt, bạn sẽ không bao giờ đặt bước chân đầu tiên đó. Bất kể bạn muốn đạt được điều gì trong đời, nếu không cố gắng, bạn sẽ không đạt được mục tiêu.
Hãy đặt bước chân đầu tiên. Sẽ có rất nhiều thử thách. Có thể bạn sẽ thất bại vài lần – nhưng cuối cùng, bạn sẽ thành công.
Chúc may mắn!
RICHARD BRANSON