• Đặt gia đình và bạn bè lên hàng đầu
• Luôn trung thành
• Thẳng thắn đối mặt với vấn đề
• Tiền chỉ là phương tiện
• Chọn đúng người và trọng thưởng nhân tài
Một buổi tối, trên bờ biển Kingston thuộc đảo Jamaica, tôi ngồi trong một quán bar trên bãi biển, nghe nhạc Bob Marley và uống bia. Trên biển, một đàn bồ nông đang bắt cá. Chúng thay nhau lặn xuống các bãi đá ngầm. Có vẻ như chúng đang cùng làm việc để con nào cũng có phần. Ngắm nhìn chúng, tôi ngẫm thấy rằng gia đình tôi cũng như vậy, luôn gắn bó với nhau. Virgin giống như gia đình lớn của tôi. Giờ đây tôi có khoảng 50.000 nhân viên, và mỗi người đều có giá trị riêng.
Quan niệm về làm việc nhóm này có từ ngày tôi còn bé. Mẹ tôi luôn cố gắng tìm một thứ gì đó cho chúng tôi làm. Khi chúng tôi trốn tránh công việc hay trách nhiệm, mẹ nói rằng chúng tôi thật ích kỷ. Chúng tôi có thời gian để chơi đùa, nhưng trong mắt bà, vui chơi có mục đích sẽ có giá trị hơn. Vì vậy, thay vì chơi đồ chơi, chúng tôi thường cưỡi ngựa, chơi tennis hoặc đạp xe. Một ngày chủ nhật ở nhà thờ, thay vì ngồi cạnh cậu bé đang ở đó cùng chúng tôi, tôi nhảy sang ngồi cạnh Nik, bạn thân của tôi. Mẹ tôi rất tức giận. Khách là khách, bà nói, và khách thì bao giờ cũng phải được đặt lên hàng đầu. Mẹ bảo bố đánh đòn tôi. Nhưng phía sau cánh cửa phòng làm việc của mình, bố vỗ tay thành tiếng giả vờ đánh đòn còn tôi thì gào khóc đủ to cho mẹ nghe thấy. Bố tôi là luật sư nên thường xuyên vắng nhà, vì vậy mẹ tôi là người dạy dỗ con cái; nhưng cả hai người đều có ảnh hưởng rất lớn, và giờ đây tôi vẫn giữ mối quan hệ tốt với cả hai.
Bạn có thể chơi thân với một người nhưng vẫn bất đồng với họ, và nếu hai người rất thân thiết thì sẽ có thể vượt qua bất đồng đó và vẫn là bạn bè. Khi Nik đến xem Jonny và tôi làm gì với tờ Student, anh đã rất sửng sốt trước cách chúng tôi quản lý tiền – cực kỳ hỗn độn. “Ngân hàng” của chúng tôi là một chiếc hộp thiếc cũ đựng bánh bích quy mà ai cũng có thể mó vào. Khi phải trả hóa đơn, chúng tôi đếm tiền trong hộp và chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng tôi thường không đủ tiền. Dường như lúc nào chúng tôi cũng thiếu tiền. Biết Nik rất giỏi quản lý tiền bạc, tôi đã thuyết phục anh bỏ học đại học để cùng gây dựng tờ tạp chí này với chúng tôi. Anh lấy tiền khỏi hộp bánh quy, gửi vào một tài khoản ngân hàng thật sự. Điều đó giúp hóa đơn được chi trả gần như đúng hạn, và mức độ căng thẳng cũng giảm dần. Tờ Student hầu như được các tình nguyện viên ở các trường trung học và đại học chào bán, lúc được lúc không. Quan trọng là, Nik đã thu xếp những phương tiện phân phối hiệu quả hơn.
Sau một thời gian dài kiên nhẫn, bố mẹ Jonny cuối cùng cũng nhẹ cả người khi Nik giúp chúng tôi tìm một ngôi nhà lớn ở trung tâm khu Tây London, và chúng tôi chuyển ra khỏi nhà kho chật chội. Chẳng bao lâu, chúng tôi đã biến thành một đám hippy, với gần 40 người ngủ lăn lóc khắp nơi trên những tấm nệm. Căn nhà mang tên bố mẹ tôi, vì vậy tôi nghĩ rằng họ sẽ rất khó chịu – nhưng ngược lại, thỉnh thoảng họ còn sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi, và Lindi thì thường đến chơi vào các kỳ nghỉ.
Tôi dùng một ít tiền kiếm được để mở ra một dịch vụ tư vấn cho sinh viên dưới hầm nhà thờ St Martin-in-the-Fields. Chúng tôi được sử dụng miễn phí khoảng không gian này, và ở đó chúng tôi tư vấn cho sinh viên về mọi vấn đề, từ thuê căn hộ tới bệnh hoa liễu, phá thai (gần như là không thể, và rất tốn kém) tới can ngăn tự tử. Công việc này rất ý nghĩa, và tôi tự hào về những gì chúng tôi đạt được. Tôi vẫn nghĩ rằng mọi chuyện đang tiến triển tốt đẹp, vì vậy tôi đã rất sốc khi một ngày nọ ngồi vào bàn làm việc – một bia mộ bằng đá cẩm thạch – trong hầm mộ và thấy một tờ thư báo của Nik gửi nhân viên mà anh đã sơ suất để lại. Trong đó ghi rằng họ nên cách chức chủ báo và chủ bút của tôi, và biến Student trở thành một hợp tác xã.
Tôi cảm thấy bị phản bội, nhưng tôi biết rằng phải xoay chuyển tình thế bằng cách loại bỏ Nik, dù anh là người bạn thân thiết nhất của tôi. Tôi gọi anh ra ngoài và nói, “Vài người bảo tôi rằng họ không thích những gì anh đang dự tính.” Tôi rất đau khổ, nhưng vẫn giữ bình tĩnh và hành động như thể tôi đã biết hết.
Nik rất sốc vì bị phát giác và tôi nhận thấy anh không biết phải nói gì. Tôi nói, “Nghĩ xem, tờ Student là cuộc sống của tôi. Chúng ta vẫn có thể là bạn và gặp nhau, nhưng tôi nghĩ là anh nên thôi việc ở đây.”
Trông Nik rất ngượng ngùng. “Tớ xin lỗi, Ricky,” anh nói. “Tớ đã cho rằng làm vậy là tốt nhất.”
Nik nghỉ việc, tiếp tục học đại học, và chúng tôi vẫn là bạn bè. Đó là mối bất hòa thật sự đầu tiên của tôi với người khác, và tôi vô cùng đau khổ vì lại là người bạn thân nhất. Nhưng bằng cách thẳng thắn đối mặt, tôi đã ngăn nó trở nên tồi tệ hơn. Bài học tôi học được là hãy thẳng thắn. Mối bất hòa với bạn bè hoặc đồng nghiệp có thể được giải quyết một cách thân thiện trước khi nó trở nên nghiêm trọng.
Chúng tôi tiếp tục phát triển tờ Student, nhưng không có Nik kiểm soát tài chính và kênh phân phối, dòng tiền của chúng tôi rất thất thường, và tôi hiểu rằng chúng tôi cần một nguồn thu khác. Tôi bước vào ngành kinh doanh đĩa nhạc gần như tình cờ. Tôi nói là gần như, vì dù nhạc luôn được bật liên tục trong văn phòng, tôi thường bận nghe điện thoại và chỉ coi nó như thứ âm thanh nền. Tuy nhiên, tôi cũng đủ nhạy bén khi nhận thấy rằng các bạn trẻ thường dành hầu hết tiền tiết kiệm để mua đĩa nhạc. Khi chính phủ bãi bỏ Hiệp định Ấn định Giá bán lại – một thỏa thuận nhằm ổn định giá – các cửa hàng bán đĩa vẫn không giảm giá. Ngay lập tức tôi nhìn thấy lỗ hổng và cho đăng một quảng cáo bán đĩa nhạc giảm giá qua thư trên tờ Student. Chúng tôi nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt.
Khi đó tôi không hề biết rằng đây chính là khởi nguồn cho sự ra đời của Virgin. Chúng tôi phát tờ rơi quảng cáo đặt hàng đĩa nhạc qua đường bưu điện, và chỉ sau một đêm, chúng tôi đã nhận được những bao tải đầy đơn đặt hàng chứa séc và thậm chí cả tiền mặt. Khi số lượng đơn đặt hàng tăng nhanh, tôi thấy không thể làm một mình nên đã cho Nik cơ hội trở lại, đề nghị trả anh 40% doanh thu nếu anh quay lại làm. Anh không oán hận gì tôi và quay trở lại. Dù đã xóa bỏ hệ thống ngân hàng bằng hộp bánh bích quy nhưng tài chính của chúng tôi vẫn luôn eo hẹp. Nik giải quyết vấn đề bằng cách giảm chi tiêu và đối xử tử tế với những người đòi nợ, nhờ vậy mà sau đó họ tìm gặp chúng tôi ít hơn.
Nik nói, “Trả tiền hóa đơn muộn cũng được, miễn là cuối cùng anh vẫn trả.”
Công việc kinh doanh qua thư rất phát đạt. Nhưng tờ Student chiếm rất nhiều thời gian, trong khi dòng tiền luôn là vấn đề vì doanh thu từ những người phân phối đến quá chậm, thành ra chúng tôi luôn thanh toán chậm hóa đơn và chi phí. Tôi cố gắng bán tạp chí cho IPC, một trong những tập đoàn báo chí truyền thông lớn nhất nước Anh thời đó. Họ rất hào hứng muốn mời tôi làm biên tập viên và hỏi về các kế hoạch của tôi. Như thường lệ, tôi có rất nhiều ý tưởng và lao vào thực hiện chúng. Tôi nghĩ ban giám đốc của IPC đã rất ngạc nhiên khi lắng nghe những hoài bão của tôi trong tương lai. Tôi bắt đầu nói về một ngân hàng giá rẻ, câu lạc bộ đêm và khách sạn cho sinh viên. Tôi nói rằng chúng tôi sẽ điều hành một dịch vụ tàu hỏa giá rẻ. Và khi tôi nói đến hãng hàng không giá rẻ thì rõ ràng là họ đã nghĩ rằng tôi là một kẻ mất trí.
“Chúng tôi sẽ báo lại cho cậu,” họ nói khi tiễn tôi ra cửa. “Đừng gọi cho chúng tôi, chúng tôi sẽ gọi cho cậu.” Tôi thường tự hỏi liệu sẽ như thế nào nếu IPC nghe theo ý định của tôi. Có lẽ giờ đây họ sẽ sở hữu những hãng hàng không và tàu hỏa, thay vì Virgin chăng?
Đó là dấu chấm hết cho những dự định lớn lao của tôi đối với tờ Student. Mùa đông năm 1971, những giấc mơ còn lại của tôi gần như tan vỡ khi một cuộc biểu tình của ngành bưu điện diễn ra trên toàn quốc. Việc kinh doanh qua thư của chúng tôi phá sản chỉ sau một đêm. Thay vì từ bỏ khi phá sản như nhiều doanh nghiệp khác, cuộc đình công kéo dài đã thúc đẩy chúng tôi mở cửa hàng bán đĩa nhạc đầu tiên. Tôi có một mục tiêu khác. Chúng tôi ngày càng hăng hái, các ý tưởng liên tiếp nảy sinh trong đầu. Chúng tôi muốn nó là nơi mà sinh viên muốn đến chơi, và chúng tôi đã đạt được điều đó. Cửa hàng của chúng tôi rất đơn giản nhưng có tất cả những đĩa nhạc hay nhất được giảm giá. Chúng tôi nói với họ rằng chúng tôi cũng sẽ bán những đĩa nhạc ít người biết đến, với cùng một mức giá. Quảng cáo truyền miệng là một cách thức tuyệt vời, hiệu quả, và một lần nữa nó lại thành công.
Vận may luôn tìm đến với tôi, như lần Simon Draper bước vào văn phòng của Virgin và tự giới thiệu là anh họ của tôi đến từ Nam Phi. Trong thời gian học đại học ở đó, anh đã làm việc cho tờ Sunday Times của Nam Phi, vì vậy chúng tôi có điểm chung cùng là nghề báo; nhưng tôi giật mình kinh ngạc khi nghe anh nói rằng anh bị nghiện nghe nhạc, hơn nữa còn chứng minh bằng cách bàn luận chi tiết về những ban nhạc như The Doors và những sự tinh tế trong lời bài hát của họ. “Vào làm việc cho công ty em nhé,” tôi đề nghị.
Anh trở thành người nhập đĩa cho cửa hàng Virgin, quản lý danh sách đặt hàng qua thư và sau này còn phụ trách tìm kiếm tài năng cho Hãng đĩa Virgin, ký một số hợp đồng thành công nhất của chúng tôi. Tôi bảo anh rằng chúng ta chỉ có một nguyên tắc duy nhất. “Là gì?” anh hỏi.
“Nguyên tắc Andy Williams ,” tôi nghiêm giọng nói. “Không bao giờ được nhập đĩa của Andy Williams.”
“Anh nghĩ là mình làm được,” anh nói rồi nhe răng cười.
Bước tiếp theo của chúng tôi là mở một studio ghi âm. Tôi muốn nó là nơi mọi người có thể đến vui chơi. Hồi đó, các studio thu âm tập trung chủ yếu ở London và mở cửa từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều theo giờ hành chính. Các ban nhạc rất khó chịu khi chơi ở những nơi này. Phải chơi rock ‘n’ roll vào chín giờ sáng thì chẳng vui vẻ gì. Hơn nữa, các ban nhạc đều phải tự mang nhạc cụ của mình vào studio, vì vậy lợi thế của chúng tôi là cung cấp mọi thứ họ cần, từ dàn trống đến âm-li. Tôi quyết định tìm một ngôi nhà rộng ở vùng quê, ở đó tất cả chúng tôi có thể là một gia đình lớn và hạnh phúc.
Tôi rất hứng khởi khi thấy thông tin quảng cáo rao bán một lâu đài với giá chỉ 2.000 bảng. Quả là một món hời. Tôi thích được sở hữu cả một lâu đài. Tôi mơ tới cảnh những ban nhạc như The Beatles hay The Rolling Stones lũ lượt kéo đến đó thu âm. Tràn trề hy vọng và những dự định lớn lao, tôi lái xe đến Wales để tham quan nó. Đáng buồn là tòa lâu đài bị kẹt giữa một khu quy hoạch nhà dân. Nơi đó không có những khu đất trống, và tôi biết rằng các ban nhạc sẽ không muốn đến đó thu âm. Những giấc mơ của tôi dần tan biến. Trên đường quay lại London, không muốn trở về trắng tay, tôi lật qua một tạp chí hào nhoáng và thấy quảng cáo bán một trang viên cũ gần Oxford. Nó không phải là lâu đài, nhưng có lẽ sẽ dùng được.
Tôi lái xe trên những con đường hẹp, qua khỏi đường mòn. Một chuyến đi dài quanh co qua những lùm cây với một ngôi nhà ở đâu đó phía cuối con đường. Ngay khi nhìn thấy căn nhà xinh đẹp, rộng rãi, tôi đã thích nó ngay. Rực rỡ trong ánh nắng chiều, nó ngự trong một khuôn viên riêng. Ngôi nhà có rất nhiều phòng. The Rolling Stones và The Beatles sẽ có thể có riêng mỗi ban nhạc một chái nhà! Thật hoàn hảo. Tôi rất hào hứng gọi cho người môi giới nhà đất.
“Giá là 35.000 bảng,” anh ta nói.
“Giảm giá một chút được không?”, tôi để xuất.
“Bán cho nhanh vậy, anh có thể mua với giá 30.000 bảng. Cả một món hời đấy!”
Có lẽ đó đúng là một món hời – nếu bạn có ngần ấy tiền. Tôi nghĩ chỉ khoảng hơn 5.000 bảng. 30.000 bảng vượt quá xa khả năng của tôi, thật chẳng đáng để cố kiếm được số tiền đó. Nhưng tôi phải cố gắng để đạt được ước mơ.
Lần đầu tiên trong đời, tôi khoác lên mình một bộ comple bảnh bao và đánh bóng lại đôi giày cũ thời đi học với hy vọng sẽ gây được ấn tượng để ngân hàng đồng ý cho vay. Sau này, họ nói rằng khi thấy tôi mặc comple và đi giày bóng lộn, họ biết ngay là tôi đang gặp khó khăn. Tôi cho họ xem sổ sách đặt hàng qua thư và cửa hàng. Tôi rất sửng sốt khi họ đề nghị cho tôi vay 20.000 bảng. Vào năm 1971, đó là một số tiền lớn, và chưa từng có ai cho tôi vay nhiều tiền đến thế. Điều này mang lại cho tôi cảm giác phấn chấn và tự hào. Tôi bước ra khỏi ngân hàng và cảm thấy bản thân mình thật tuyệt vời. Tôi có cảm giác như mình đã đi một chặng đường dài từ những ngày (mới năm năm trước thôi) đứng trong buồng điện thoại công cộng ở trường, cố gắng bán quảng cáo trên tờ Student. Về tới nhà, khi vinh quang đã dần tan biến thì thực tại bắt đầu hiện lên. Số tiền 20.000 bảng vẫn chưa đủ.
Tôi hy vọng rằng gia đình có thể giúp đỡ mình. Họ luôn ở bên tôi, khi đó tôi hiểu rất rõ – và bây giờ vẫn vậy – rằng điều đó quan trọng đến mức nào khi bạn khởi nghiệp. Bố mẹ tôi đã lập những tài khoản tiết kiệm cho anh em tôi để đến khi 30 tuổi, mỗi chúng tôi sẽ có 2.500 bảng. Tôi hỏi rằng liệu mình có thể lấy số tiền đó sớm hơn được không. Họ đồng ý ngay. Rồi bố tôi nói, “Con vẫn còn thiếu 7.500 bảng. Con định kiếm ở đâu?”
“Con chưa biết,” tôi nói.
Bố tôi nói, “Tới ăn trưa với cô Joyce đi. Bố sẽ bảo cô ấy là con đến.”
Cô Joyce là người đã cược 10 silinh rằng tôi sẽ không học bơi được. Bố gọi cho cô như đã hứa và kể cho cô về những ước mơ của tôi với trang viên đó. Cô cho tôi vay tiền và sẽ lấy lãi khi tôi đủ tiền trả. Tôi vừa mở miệng cảm ơn thì cô ngắt lời tôi. “Nào Ricky, cô sẽ không cho cháu vay nếu cô không muốn. Rốt cuộc thì tiền để làm gì cơ chứ? Là phương tiện để làm việc.” Cô cười và nói tiếp, “Hơn nữa, cô biết cháu quyết tâm đến thế nào. Cháu rất xứng đáng thắng được 10 silinh đó.”
Những lời cô nói vẫn hiện lên trong đầu tôi khi tôi tới nhận chìa khóa của trang viên. Tiền là phương tiện để làm việc. Ngày ấy tôi tin tưởng vào điều đó, và bây giờ cũng vậy. Tôi cũng biết rằng nếu không nhờ gia đình mình thì tôi đã không cầm được chiếc chìa khóa cũ lớn bằng đồng đó trong tay. Điều tôi không biết là cô Joyce không có 7.500 bảng. Cô tin tưởng tôi đễn nỗi đã vay thế chấp ngôi nhà của chính mình. Cũng phải nói thêm rằng tôi đã trả lại đầy đủ tiền cho cô.
Thêm 13 năm làm việc vất vả, luôn vui vẻ và đôi lúc căng thẳng, chúng tôi mới cho ra đời Virgin Atlantic. Nếu không có sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và nhân viên, hẳn nó đã không bao giờ thành hiện thực. Chúng tôi bay đến New York bằng chiếc máy bay chở cả gia đình và bạn bè tôi, những người đã làm nên cuộc đời tôi. Nhìn vào những khuôn mặt hạnh phúc và tự hào của gia đình mình, tôi hiểu rằng họ đã giúp tôi trở thành tôi như ngày hôm nay.
Tôi cũng học được rằng phải luôn trọng thưởng nhân tài. Ngay cả khi một người được thuê làm một việc này, nhưng nếu họ có ý tưởng tốt, hoặc có thể xử lý một việc khác thì cứ để họ làm. Đó là lý do khiến tôi thường xuyên xin lời khuyên của mọi người trên đường, trên máy bay hoặc tàu hỏa. Người ta nói đúng – rằng một người ngồi bên vệ đường thường hiểu lẽ đời hơn nhiều ông chủ lớn. Ken Berry là một ví dụ điển hình. Anh ấy bắt đầu với vị trí thư ký tại một trong những cửa hàng đĩa nhạc của chúng tôi. Công việc đầu tiên của anh là kiểm soát doanh thu, nhưng chẳng bao lâu anh đã làm rất nhiều việc khác. Mỗi khi cần biết bất cứ điều gì, tôi chỉ cần hỏi Ken. Anh dường như biết tất cả mọi thứ. Ngày nay, mọi người thường nhờ đến Google hoặc Yahoo. Chúng tôi chỉ cần Ken.
Hai điều tuyệt vời nhất ở Ken là anh có thể tạo mối quan hệ tốt với mọi người, và lại không có cái tôi của riêng mình. Chúng tôi nhận thấy anh rất giỏi đối phó với tất cả mọi người, từ những ngôi sao hạng nhất cho tới luật sư của họ. Chẳng bao lâu sau, chúng tôi giao cho anh xử lý các hợp đồng. Rõ ràng là tài năng của anh đã bị lãng phí khi làm thư ký, và anh đã gia nhập nhóm điều hành Virgin. Anh trở thành CEO của Hãng đĩa Virgin, và vài năm sau, khi tôi bán lại Virgin cho EMI, anh tiếp tục giữ vị trí đó.
Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng nghe theo lời khuyên của Ken. Một lần, vì mở rộng quá nhanh nên sắp cạn tiền, tôi phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp. Khi đó, đĩa bán chạy nhất của chúng tôi là Tubular Bells của Mike Oldfield. Doanh thu khổng lồ của nó cung cấp tài chính cho mọi việc trong công ty. Nhưng hợp đồng của chúng tôi với Mike đã hết hạn, và anh ta đòi thêm tiền để gia hạn hợp đồng. Tôi đã rất thẳng thắn. Tôi nói với anh rằng số tiền cả Hãng đĩa Virgin kiếm được còn ít hơn so với số tiền trả cho anh.
“Vì sao?” Mike hỏi.
Tôi giải thích rằng chúng tôi có quá nhiều ban nhạc không làm ra được chút lợi nhuận nào.
“Vậy là tôi đang chi trả cho tất cả?” anh hỏi.
Tôi gật đầu. “Đúng, gần như vậy.” Tôi nghĩ rằng anh sẽ cảm thấy hài lòng khi biết rằng mình đang giúp đỡ rất nhiều ban nhạc.
Nhưng trông Mike rất tức giận. “Tôi sẽ không bỏ tiền của mình ra để các anh phung phí vào đám rác rưởi đó đâu,” anh nói. “Các anh có khả năng trả tôi nhiều hơn.”
Tại cuộc họp khẩn cấp, tôi nói rằng công ty đang trong tình thế được ăn cả ngã về không. Chúng tôi cần ký hợp đồng với nhiều ban nhạc và ca sĩ hơn nữa. Chúng tôi cần thêm nhiều bài hát thành công hơn nữa để giảm rủi ro và mở rộng công ty.
Ken Berry vẫn đang tính toán. “Tôi thấy rõ ràng rằng chúng ta cần loại bỏ tất cả các ban nhạc, trừ Mike Oldfield,” anh nói.
Tôi biết là chúng tôi có thể thu lãi đều đều từ Mike Oldfield; nhưng tôi lo rằng chúng tôi sẽ mãi mãi chỉ là một công ty nhỏ, và nếu đĩa của Mike không bán được nữa thì chúng tôi sẽ phá sản. Tôi bảo Ken rằng chúng tôi cần nhanh chóng tìm ra một ban nhạc mới! Tôi nghĩ ra một cụm từ mới: thoát ra khỏi rắc rối.
Để tiết kiệm tiền, chúng tôi phải làm triệt để. Chúng tôi bán xe, đóng cửa bể bơi ở trang viên. Chúng tôi không nhận lương. Đó là những khoản tiết kiệm dễ dàng. Khó khăn là ở chỗ phải sa thải một số ca sĩ và nhân viên. Nhưng chúng tôi phải hạn chế đến mức tối thiểu để tồn tại. Cuối cùng, chúng tôi cũng vượt qua khó khăn khi đánh một ván bài lớn bằng việc ký hợp đồng với Sex Pistols, ban nhạc đã được tất cả các hãng lớn ký hợp đồng – rồi hủy ngay lập tức vì thấy họ quá khó kiểm soát.
Điều hài hước là khi chúng tôi kết thúc hợp đồng với Dave Bedford, một nhạc sĩ tài năng, anh viết cho tôi một lá thư rất tử tế nói rằng anh hiểu vì sao tôi phải làm vậy. Lá thư dài hàng trang giấy, rất thân thiện và lịch sự. Đồng thời, anh ta cũng viết cho Mike Oldfield, gọi tôi bằng những cái tên thô tục nhất. Đáng tiếc là anh ta lại nhét thư vào nhầm phong bì!
Mọi người từng hỏi tôi làm thế nào mà có nhiều thời gian để phiêu lưu khắp thế giới như vậy. Câu trả lời của tôi là: ủy quyền. Nếu chọn đúng người, bạn có thể giao mọi việc cho người đó. Bạn biết rằng mọi thứ sẽ hoạt động trôi chảy kể cả khi bạn không có mặt. Năm 1987, tôi phải thật nhanh chóng đấu tranh mua lại EMI. Tôi đã đồng ý bay qua Đại Tây Dương bằng khinh khí cầu cùng Per, và thời tiết thì đang thuận lợi. Nếu trì hoãn, chúng tôi có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội. Tôi lên đường và biết rằng có những người thích hợp giúp tôi tiếp tục thỏa thuận. Tuy nhiên, với rủi ro rất lớn rằng tôi có thể sẽ chết, những buổi thương lượng bị tạm gác lại cho đến khi tôi trở về, nếu có thể.
Cơn bão tháng 10 năm đó đập tan giấc mơ sở hữu EMI của chúng tôi. Thị trường chứng khoán sụp đổ, cổ phiếu của chúng tôi sụt giá. Các ngân hàng không tin rằng cổ phiếu sẽ tăng giá trở lại và không cho chúng tôi vay tiền. Cuối cùng, tôi quên luôn cuộc đấu thầu tiếp quản. Thật trớ trêu là trong “vụ chơi xấu” với British Airways, với nỗ lực giữ cho hãng hàng không tồn tại, tôi lại phải bán Hãng đĩa Virgin cho EMI với giá nửa tỷ bảng. Đó là một trong những ngày buồn nhất trong đời tôi. Tôi vẫn nhớ cảnh đi trên đường Oxford sau khi ký hợp đồng và nhìn thấy một tấm áp phích của tờ Evening Standard bên một sạp báo, và nó cho tôi thấy rõ mình đã làm gì. “BRANSON BÁN HÃNG ĐĨA LẤY 510 TRIỆU BẢNG TIỀN MẶT.” Tôi vô cùng hụt hẫng, mắt nhòa đi vì nước mắt. Nhưng trong kinh doanh, chúng ta phải đưa ra những lựa chọn rất khó khăn. Nếu hãng hàng không phá sản thì hàng trăm người sẽ mất việc. Một tỷ đô-la đó giữ cho chúng tôi an toàn trong một thời gian rất dài và cung cấp tiền giúp tôi gây dựng những doanh nghiệp mới. Và Hãng đĩa Virgin cũng được an toàn. Chúng tôi đều sống sót, đó là điều quan trọng nhất.
Nếu có ai hỏi rằng tôi tin tưởng nhất vào điều gì, tôi sẽ chọn gia đình mình. Tôi tin tưởng tuyệt đối vào gia đình. Tôi biết rằng đôi lúc có những gia đình phải chia xa, chính tôi cũng đã từng trải qua điều đó. Và tôi biết rằng có những người không có gia đình. Nhưng bạn bè thân thiết cũng giống như một gia đình. Mỗi chúng ta đều cần một mạng lưới ủng hộ vững chắc. Dù đã được dạy phải đứng trên đôi chân của mình, nhưng tôi sẽ lạc lối nếu không có gia đình và những người bạn trung thành.
Đọc nhiều sách hay, có ích, tất nhiên là miễn phí tại https://www.docsach24.com