Mặc Kệ Nó Làm Tới Đi

Chương 5: Đứng Trên Đôi Chân Của Chính Mình

• Dựa vào bản thân

• Theo đuổi ước mơ nhưng sống trong thế giới thực

• Hợp tác làm việc

“Há miệng chờ sung” có thể đã từng là câu tục ngữ ưa thích của mẹ tôi. Bà sẽ nói thêm, “Làm đi, Ricky. Đừng ngồi một chỗ mà hãy hành động!”

Công thức làm bánh nhân thịt thỏ trước đây là, “Đầu tiên là bắt thỏ.” Bạn hãy để ý rằng nó không phải là, “Đầu tiên là mua thỏ,” hay, “Ngồi chờ cho tới khi có người đưa cho bạn một con thỏ.”

Những bài học được mẹ dạy từ khi tôi mới chập chững tập đi như thế này đã giúp tôi tự đứng trên đôi chân của mình. Tôi được dạy dỗ để biết cách tự lo cho bản thân và làm việc. Đây là điều mà nước Anh từng tin tưởng, nhưng ngày nay có một vài đứa trẻ dường như chỉ muốn ăn sẵn và hưởng thụ. Tôi thật may mắn vì có cha mẹ tốt như vậy.

Tôi học được bài học đầu tiên về tính độc lập là hồi bốn tuổi. Chúng tôi đang trên đường từ đâu đó về, và mẹ tôi dừng xe cách nhà vài cây số rồi bảo tôi tự tìm đường về qua các cánh đồng. Bà biến nó thành một trò chơi, và tôi vui vẻ tham gia. Đó là thử thách đầu tiên mà tôi không bao giờ quên. Tôi càng lớn, những bài học này càng khắc nghiệt hơn. Năm 12 tuổi, tôi được nghỉ giữa kỳ ở nhà, vào một buổi sáng sớm, mẹ gọi tôi dậy và bảo tôi mặc quần áo vào. Tôi lồm cồm bò ra khỏi giường dù trời vẫn tối và lạnh. Sau khi ăn sáng trong bếp – với món cháo nóng và bổ dưỡng có lẽ để trợ sức cho tôi – mẹ đưa cho tôi hộp cơm và một quả táo cho bữa trưa. “Chắc chắn con sẽ tìm được nước uống trên đường,” mẹ nói và vẫy tay tạm biệt khi tôi khởi hành chuyến đi 24 cây số bằng xe đạp tới bờ biển phía nam. Trời vẫn tối khi tôi lên đường với một tấm bản đồ phòng khi bị lạc. Tôi ngủ qua đêm tại nhà một người họ hàng và quay về nhà vào ngày hôm sau. Khi bước vào căn bếp ấm cúng nơi mẹ và Lindi đang ngồi, tôi thấy rất tự hào, và chắc mẩm sẽ được chào đón nồng nhiệt. Nhưng mẹ chỉ nói, “Làm tốt lắm, Ricky. Con thấy vui chứ? Giờ thì đi đi nào, cha xứ muốn nhờ con chặt gỗ.”

Có lẽ một vài người sẽ thấy như vậy là quá nghiêm khắc. Nhưng các thành viên trong gia đình tôi rất yêu thương và quan tâm lẫn nhau. Chúng tôi là một khối bền chặt, không bao giờ tách rời. Những bài học đó ngày càng nhiều hơn khi chúng tôi lớn lên, vì bố mẹ muốn chúng tôi trở nên mạnh mẽ và tự lực cánh sinh, trở thành những con người tự do và độc lập. Hãy nhớ rằng thế hệ của họ đã trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới, vì thế, từ nuông chiều không có trong từ điển của họ. Bố luôn ở bên chúng tôi, và mẹ chính là người đã thúc đẩy chúng tôi cố gắng hết sức mình. Tôi đã học hỏi về kinh doanh và tiền bạc từ bà. Bà luôn nói những câu như “Người chiến thắng sẽ có tất cả” và “Hãy theo đuổi ước mơ”. Mẹ tôi hiểu rằng thua cuộc là không công bằng, nhưng đời là thế. Dạy trẻ con rằng lúc nào chúng cũng có thể chiến thắng không phải là một ý hay. Trong cuộc sống, mọi người đều phải đấu tranh, rồi sẽ có người thắng kẻ bại và có khi là bất công mà chúng ta phải vượt qua.

Khi tôi sinh ra, bố tôi mới chỉ bắt đầu làm việc trong ngành luật, nên kinh tế gia đình khá eo hẹp. Mẹ tôi không hề kêu ca. Bà có hai mục tiêu. Một là tìm những công việc có ích cho tôi và các em, vì ăn không ngồi rồi là không chấp nhận được. Hai là tìm cách kiếm tiền chu cấp cho cả gia đình. Ở nhà, bố mẹ tôi không giấu chúng tôi bất cứ điều gì; họ cho chúng tôi biết điều gì đang diễn ra và chúng tôi thường nói chuyện kinh doanh trong các bữa tối. Tôi biết rằng có những ông bố bà mẹ giữ con cái tránh xa chuyện công việc và không chia sẻ với chúng về các vấn đề của mình, như vậy thì con cái của họ sẽ không bao giờ hiểu được giá trị của đồng tiền, hay về thu nhập và hóa đơn. Và đến khi bước chân vào thế giới thực, họ sẽ không biết cách đương đầu với thử thách. Ngược lại, chúng tôi biết thế giới thực sự là như thế nào vì đã thảo luận về nó. Em gái Lindi và tôi đã giúp mẹ trong rất nhiều kế hoạch kiếm tiền. Những lần đó đều rất thú vị và tạo nên tinh thần làm việc nhóm trong gia đình chúng tôi.

Tôi vẫn cố gắng nuôi dạy Holly và Sam theo cách đó, dù tôi may mắn có nhiều tiền hơn bố mẹ tôi ngày trước. Tôi vẫn nghĩ rằng các quy tắc của mẹ tôi rất hay, và tôi tin rằng Holly và Sam đã hiểu được giá trị của đồng tiền.

Với một gia đình cần được trông nom, mẹ tôi không thể ra ngoài làm việc – và cũng không nhiều bà mẹ làm được điều này vào những năm 1950. Thay vào đó, bà tìm một việc có thể làm ở nhà và nghĩ ra việc làm những chiếc hộp gỗ đựng giấy ăn và thùng đựng giấy bỏ đi. Xưởng làm việc của bà là cái kho ở góc vườn, và chúng tôi thường giúp bà. Chúng tôi rất thích tô màu lên hộp và xếp chồng chúng lên nhau cho tới khi đủ số lượng gửi đi. Bố tôi cũng giúp đỡ trong thời gian rảnh rỗi bằng cách làm những chiếc kẹp để giữ cho các phần được dán bằng keo liền vào nhau. Mẹ tôi mang hàng mẫu tới các cửa hàng, và khi Harrods  đặt hàng, công việc kinh doanh và doanh thu tăng vọt. Bà còn cho học sinh Pháp và Đức thuê trọ, vì vậy bà luôn bận rộn việc nhà. Làm việc chăm chỉ và vui vẻ là những đặc trưng của gia đình tôi, và chúng tôi đều phát triển được các kỹ năng kinh doanh, có lẽ là vì phải kiếm tiền trong những năm đói kém sau chiến tranh.

Dì Clare luôn mê mẩn những con cừu đen xứ Wales và đã nảy ra ý định mở một công ty bán cốc uống nước in hình cừu đen. Cừu ngày càng được ưa chuộng, vì vậy dì chuyển sang lĩnh vực khác, thuê phụ nữ trong làng đan đồ len với những ren rời in hình cừu. Công ty làm ăn phát đạt và tiếp tục phát triển. Nhiều năm sau, khi tôi đang điều hành Hãng đĩa Virgin, dì Clare gọi điện thoại và bảo tôi rằng một trong những con cừu của dì đã bắt đầu hát. Tôi không cười. Những ý tưởng của dì luôn thông minh. Thay vào đó, tôi theo chân con cừu với một chiếc máy ghi âm. “Baa Baa Black Sheep” trở thành bài hát rất được yêu thích, xếp thứ tư trên các bảng xếp hạng âm nhạc.

Tôi đã chuyển từ những ngành nghề thủ công tới việc thành lập Virgin trên toàn thế giới. Những quy tắc cơ bản vẫn như cũ – dòng chảy của tiền mặt, lợi nhuận và thua lỗ – nhưng rủi ro đã trở nên lớn hơn, và tôi đã học cách trở nên táo bạo trong buôn bán cũng như trong các ý tưởng của mình. Dù luôn cẩn thận lắng nghe mọi người, nhưng tôi tự đưa ra quyết định rồi cứ thế làm. Tôi tin tưởng vào bản thân và các mục tiêu của mình, cố gắng mở rộng nhận thức mà không đánh mất lý tưởng sống, hay những bài học về sự chính trực, trung thực và tôn trọng người khác mà tôi được bố mẹ dạy khi còn nhỏ.

Tôi chỉ mất niềm tin vào bản thân đúng một lần, vào năm 1986. Khi đó, Virgin đã là một trong những công ty tư nhân lớn nhất nước Anh, với 4.000 nhân viên. Doanh thu tăng 60% so với năm trước, và giống như nhiều công ty phát triển rất nhanh chóng khác, tôi được khuyên nên cổ phần hóa công ty. Tôi không muốn lắm, và tất nhiên là hai người chung vốn với tôi cũng không thiết tha lắm vì họ rất hiểu tôi. Họ nói rằng tôi sẽ không muốn mất quyền kiểm soát. Nhưng điều thực sự thúc đẩy tôi đưa ra quyết định là vì các chủ ngân hàng đã khiến chúng tôi thất vọng. Giống như nhiều công ty khác trên thế giới, một lượng tiền lớn chuyển rất chậm vào công ty tôi. Vì vậy, dù trên giấy tờ có rất nhiều tài sản lưu động và thu lợi nhuận rất lớn nhưng chúng tôi phải tính toán tiện ích bội chi quay vòng.

Vào thời điểm rắc rối đó xảy ra, chúng tôi có khoản bội chi lên tới ba triệu bảng và đang đợi một tấm séc trị giá sáu triệu sẽ đến từ Mỹ vào bất kỳ ngày nào. Hơn nữa, chúng tôi cũng đang mong chờ 20 triệu bảng lợi nhuận vào cuối năm tài chính. Về tổng thể, chúng tôi đang có tình hình tài chính thuận lợi – nhưng ngân hàng của chúng tôi lại không nghĩ vậy. Lý do duy nhất khiến họ từ chối có lẽ là vì tôi đang bắt đầu gây dựng Virgin Atlantic, mà Skytrain thì mới công khai phá sản chưa lâu. Giám đốc của tôi đến gặp tôi với tin xấu: họ đang khóa tài khoản. Tôi tức giận đến nỗi đã đẩy ông ra khỏi nhà mình, và đó là một trong số ít những lần tôi mất bình tĩnh đến vậy. Sau đó, tôi đã gọi điện thoại khắp thế giới, nhanh chóng thu lại một ít tiền và khoản vay ngắn hạn.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang trong tình thế nguy ngập, và có vẻ như lựa chọn tốt nhất cho tôi là cổ phần hóa. Năm 1986, mọi người đều hướng tới Khu tài chính London . Tất cả những người mua cổ phiếu của British Telecom đều lãi gấp đôi.

Tôi không bao giờ quên được lần đến Khu tài chính London và nhìn thấy những hàng người xếp hàng mua cổ phiếu của Virgin. Chúng tôi vốn đã có hơn 70.000 người đăng ký qua thư muốn mua cổ phiếu của Virgin, nhưng họ chỉ mua vào ngày cuối cùng, 13/11/1986. Tôi đi từ đầu hàng đến cuối hàng, cảm ơn mọi người vì đã tin tưởng, và một số câu trả lời của họ đã ghi sâu vào tâm trí tôi:

“Năm nay chúng tôi không đi du lịch; chúng tôi sẽ đặt tiền tiết kiệm vào Virgin.”

“Nào Richard, hãy chứng minh rằng chúng tôi đã quyết định đúng.”

“Chúng tôi trông cậy vào anh, Richard.”

Đột nhiên tôi nhận thấy rằng các phóng viên ảnh đang chụp chân tôi. Tôi chẳng hiểu gì cả. Thế rồi tôi nhìn xuống và rất sốc khi nhận ra rằng lúc vội thay quần áo, tôi đã đi giày lệch đôi.

Virgin đã thu hút nhiều đơn đăng ký từ công chúng hơn bất kỳ sự ra mắt thị trường chứng khoán nào, trừ những lần tư hữu hóa khổng lồ của chính phủ. Hơn 100.000 cá nhân đã đăng ký mua cổ phiếu của chúng tôi, và ngành bưu điện đã phải cử thêm 20 nhân viên để giải quyết đống thư từ.

Tuy nhiên, chẳng mấy chốc tôi cảm thấy ghét lề thói của Khu tài chính London. Chúng không phải dành cho tôi. Thay vì một buổi gặp mặt tự nhiên với những người chung vốn tại ngôi nhà trên thuyền của mình để bàn bạc nên ký hợp đồng với ban nhạc nào, tôi phải hỏi ý kiến một ban giám đốc. Rất nhiều người trong số họ không hiểu gì về ngành kinh doanh âm nhạc. Họ không hiểu một đĩa nhạc được ưa thích có thể hái ra hàng triệu bảng chỉ sau một đêm như thế nào. Thay vì có thể ký hợp đồng với một ban nhạc đang được yêu thích trước các đối thủ, tôi phải đợi bốn tuần tới cuộc họp ban giám đốc – mà khi đó thì đã quá muộn. Hoặc họ sẽ nói những câu như, “Ký hợp đồng với The Rolling Stones ư? Vợ tôi không thích ban nhạc này. Janet Jackson ư? Đó là ai vậy?”

Tôi luôn đưa ra quyết định rất nhanh và hành động theo bản năng, cho nên tôi cảm thấy ngột ngạt vì những lề thói quan liêu, những ủy ban và lối làm việc sách vở. Tôi ghét phải ngồi ở một chiếc bàn dài bóng láng, xung quanh là những bộ comple chỉn chu trong lúc tôi cố gắng giải thích về Virgin – và tôi thậm chí còn không có văn phòng, “bàn làm việc” của tôi chỉ là một chiếc ghế bành thoải mái trong ngôi nhà trên thuyền và một cuốn sổ giấy vàng để ghi chép. Hơn cả, tôi không còn cảm thấy đang đứng trên đôi chân của chính mình nữa. Chúng tôi đã tăng gấp đôi lợi nhuận nhưng cổ phiếu của Virgin bắt đầu tụt giá. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy chán nản.

Sau đó, thị trường chứng khoán sụp đổ khiến cổ phiếu tụt giá nhanh chóng. Mặc dù đó không phải là lỗi của tôi, nhưng tôi thấy rằng mình đang khiến tất cả những người mua cổ phiếu của Virgin thất vọng. Rất nhiều người trong số đó là bạn bè, người thân và nhân viên của chúng tôi. Nhưng rất nhiều người là những cặp vợ chồng đã trao cho chúng tôi số tiền tiết kiệm cả đời của họ. Tôi quyết định sẽ mua lại tất cả cổ phiếu – với giá mọi người đã trả cho chúng. Dù không cần phải làm vậy, nhưng tôi không muốn làm mọi người thất vọng. Cá nhân tôi đã thu gom được 182 triệu bảng cần thiết, và số tiền đó đủ để giữ lại sự tự do, danh tiếng và cá tính của tôi.

Ngày Virgin trở lại thành một công ty tư nhân giống như việc hạ cánh an toàn sau nỗ lực phá kỷ lục bằng tàu máy hay khinh khí cầu vậy. Tôi thấy rất nhẹ nhõm. Một lần nữa, tôi lại là thuyền trưởng trên con thuyền của mình, làm chủ số phận của mình.

Tôi tin tưởng vào bản thân. Tôi tin tưởng vào những đôi tay lao động, vào những bộ óc biết suy nghĩ, và vào những trái tim biết yêu thương.