• Tính toán rủi ro rồi mạo hiểm
• Tin tưởng vào bản thân
• Theo đuổi mục tiêu và mơ ước
• Không hối tiếc
• Giữ lời hứa
Tôi rất thích làm serie truyền hình thực tế của Mỹ mang tên The Rebel Billionaire, vì tôi đã rất vui khi cùng một nhóm những người trẻ dám nghĩ dám làm trải qua một loạt thử thách, mà rất nhiều trong số đó là từ loạt phim James Bond – dù chẳng thử thách nào là không thể vượt qua. Tôi có thể thực hiện tất cả những thử thách và bài kiểm tra, với mục đích loại bỏ dần các thành viên cho đến khi chỉ còn một người với cá tính mạnh nhất và phù hợp nhất để đạt mục tiêu của mình.
Tập cuối có một chi tiết gay cấn. Chúng tôi cùng tụ tập trên hiên nhà tôi ở Necker để trao cho người thắng cuộc là Shawn Nelson một tấm séc trị giá một triệu
đô-la. Tôi đề nghị anh ta có thể nhận tấm séc, hoặc tung đồng xu để có cơ hội nhận được giải thưởng còn lớn hơn. Nhưng nếu thua, anh sẽ mất tất cả. Tôi đưa ra tờ séc. Anh ta cầm lấy nó, nhìn một hàng dài những con số không và bạn gần như có thể đọc thấy trong mắt anh rằng số tiền đó có ý nghĩa với anh ta và khát vọng kinh doanh của anh ta như thế nào. Tôi lấy lại nó và nhét vào túi quần sau rồi đưa ra một đồng xu.
“Anh chọn cái nào?” Tôi hỏi. “Đồng xu hay tấm séc?”
Cuộc sống đầy rẫy những lựa chọn khó khăn. Anh ta sẽ chọn gì?
Shawn có vẻ do dự. Đó là một ván bài lớn, được ăn cả ngã về không. Anh ta hỏi tôi, “Nếu là ông thì ông sẽ làm gì, Richard?”
“Tùy anh thôi,” tôi nói. Tôi muốn nói rằng, “Tôi sẽ mạo hiểm, nhưng là mạo hiểm có tính toán. Tôi cân nhắc rủi ro trong mọi việc mình làm.” Nhưng tôi đã không nói gì. Anh ta phải tự quyết định.
Căng thẳng tăng dần khi Shawn đi đi lại lại trên hiên, bị bao bọc trong một cuộc chiến nội tâm. Thật hấp dẫn khi đánh liều. Nó sẽ khiến anh trông rất tuyệt. Hơn nữa, giải thưởng mới có thể sẽ rất tuyệt vời. Tôi vẫn không nói gì; tôi biết mình sẽ làm gì nếu ở trong trường hợp này – nhưng anh ta sẽ làm gì? Cuối cùng, anh ta nói rằng anh ta không thể mạo hiểm đánh mất số tiền lớn như vậy chỉ với một cú tung đồng xu. Anh ta đang sở hữu một công ty nhỏ và có thể sử dụng số tiền đó một cách thông minh để phát triển nó. Nó sẽ thay đổi cuộc đời anh theo hướng tốt đẹp hơn và giúp đỡ những người làm việc cho anh và tin tưởng vào anh.
“Tôi sẽ lấy tấm séc,” Shawn nói.
Tôi rất hài lòng. Tôi lấy tờ séc ra khỏi túi, đưa cho anh và nói, “Nếu anh chọn tung đồng xu, tôi sẽ không còn tôn trọng anh nữa.”
Shawn đã lựa chọn đúng khi không liều lĩnh với một việc mình không thể kiểm soát. Anh ta đã có được một triệu đô-la và giải thưởng lớn bí mật. Đó là được làm chủ tịch Tập đoàn Virgin trong ba tháng. Virgin có 200 công ty trên toàn thế giới với khoảng 50.000 nhân viên. Shawn sẽ học hỏi được rất nhiều. Đó là một cơ hội vàng, và với việc không mạo hiểm tất cả với cú tung đồng xu, anh ta cho thấy rằng Virgin đã được trao vào một đôi tay đáng tin cậy. Anh đã có được công việc này.
Tôi luôn tìm kiếm một điều gì đó khác biệt ở những người như Shawn. Tất cả những người làm việc ở Virgin đều đặc biệt. Họ không phải là những con cừu. Họ biết nghĩ cho bản thân. Họ có các ý tưởng hay và tôi luôn lắng nghe. Tuyển dụng những nhân viên thông minh để làm gì nếu không dùng đến tài năng của họ?
Một trong những điều tôi cố gắng làm ở Virgin là khiến mọi người suy nghĩ và nhìn nhận bản thân một cách tích cực. Một số người gọi đó là “tự đổi mới bản thân” – nhưng tôi cho rằng tất cả chúng ta đều có những sức mạnh vốn có cần được khám phá và nâng cao, chứ không phải tự đổi mới mình. Tôi tin tưởng vững chắc rằng mọi chuyện đều có thể. Tôi nói với họ, “Hãy tin tưởng vào bản thân. Bạn sẽ làm được.”
Và tôi cũng nói, “Hãy táo bạo nhưng đừng liều lĩnh.”
Mỗi tuần tôi nhận được hàng nghìn đề xuất – những mục tiêu và mơ ước của người gửi. Trong số đó có nhiều đề xuất đặc biệt, độc đáo và đầy tiềm năng, nhưng chúng nhiều quá đến nỗi tôi không thể đọc hết được. Do đó, nhân viên của tôi đọc trước và lọc ra. Tôi chỉ đọc những gì xuất sắc nhất.
Một kế hoạch được đề xuất đã thất bại thảm hại. Khi đó tôi còn trẻ và sự thôi thúc thử sức với tất cả mọi thứ đã suýt nữa giết chết tôi. Nhưng đáng buồn là nó đã giết chết người phát minh ra nó.
Một người tên là Richard Ellis gửi cho tôi tấm ảnh chụp chiếc “máy bay” của anh, đang bay liệng trên ngọn cây. Là nguyên mẫu của tàu lượn gắn động cơ, nó bao gồm một chiếc xe đạp ba bánh gắn dưới hai cánh lớn và được một động cơ gắn ngoài nhỏ tiếp lực. Trên đầu người lái có cánh quạt dùng để cất cánh. Trông nó giống như sự kết hợp giữa một con thằn lằn ngón cánh và một bức họa của Leonardo da Vinci. Vì rất tò mò nên tôi đã mời anh ta đến chỉ cho tôi xem cách nó hoạt động.
Chúng tôi đến sân bay địa phương cùng Joan và vài người bạn. Anh đặt máy bay xuống điểm bắt đầu của bãi đáp và nói rằng sẽ phải đạp thật lực mới có thể khiến nó tăng tốc. Sau đó, động cơ sẽ thế chân và khởi động cánh quạt. Anh nói rằng tôi là người thứ hai được thử sử dụng nó – anh là người đầu tiên – nhưng anh muốn tôi luyện tập một chút trước khi bay.
“Anh phải quen với nó đã,” Ellis giải thích. “Cứ đạp, tăng tốc rồi dừng lại.”
Việc này có vẻ rất hay ho, và bức ảnh cho thấy rõ ràng là nó hoạt động tốt, nhưng theo lời khuyên của anh, tôi sẽ không vội vàng. Tôi ngồi lên máy bay, anh đưa cho tôi một dây cáp với công tắc bằng nhựa ở đầu dây rồi giải thích rằng tôi phải cắn vào công tắc thì động cơ mới tắt. Anh đảm bảo với tôi rằng ngay khi động cơ dừng, tôi cũng sẽ dừng lại ở cuối đường băng trước khi cất cánh lên không.
Tôi hỏi lại anh, “Tôi cắn vào công tắc thì động cơ sẽ ngừng hoạt động phải không?”
“Đúng, chính xác.” Anh đứng lùi lại khỏi tầm cánh quạt và hô, “Được rồi! Xuất phát!”
Tôi ngậm công tắc nhựa vào miệng và bắt đầu xuất phát trên đường băng, đạp như phát cuồng. Động cơ khởi động và tôi tăng tốc. Khi thấy có vẻ đã đủ nhanh, tôi cắn vào công tắc để dừng lại. Chẳng có gì xảy ra. Tôi lao đi còn nhanh hơn. Tôi cắn mạnh hơn. Chẳng thấy gì cả. Tôi đạt vận tốc 48 km/h và có thể thấy Joan đang lo lắng nhìn tôi ở cuối đường băng khi tôi lao đến gần. Đột nhiên máy bay cất cánh, và tôi đang bám vào nó. Tôi đang bay.
Tôi bay liệng trên vài ngọn cây rồi bay lên cao hơn nữa. Ở độ cao khoảng 100 mét, tôi hiểu rằng bằng cách nào đó mình phải dừng lại. Trong cơn hoảng loạn, tôi giật bừa mấy sợi dây và kéo chúng ra, tay tôi bị bỏng khi chạm vào động cơ nóng giãy. Động cơ ngừng hoạt động, tôi lao xuống mặt đất. Thế là hết – tôi chắc chắn sẽ chết, ngay trước mặt Joan. Vào chính khoảnh khắc cuối cùng, một cơn gió nhẹ lật nghiêng máy bay. Một bên cánh phải chịu va chạm, còn tôi thì ngã nhào xuống cỏ, an toàn nhưng choáng váng.
Một tuần sau, Ellis bay lên cũng chiếc “máy bay”. Nó bổ nhào xuống đất và anh chết ngay lập tức.
Cái chết của anh thật đáng buồn, nhưng những con người có tầm nhìn thường chết. Người leo núi bị ngã, phi công lái thử bị đâm. Khi còn bé, tôi đã biết về anh hùng chiến tranh Douglas Bader, một người bạn của dì Clare. Ông đã mất đôi chân trong một tai nạn máy bay ngay trước chiến tranh, nhưng ông học cách đi lại và tiếp tục lái máy bay dù luật Không lực Hoàng gia Anh hiện hành không cho phép. Ông quyết tâm lái máy bay và không chịu từ bỏ – và cũng không hề than vãn về tai họa mà tạo hóa đã giáng xuống mình. Nhờ ông, tôi đã học được rằng dù cẩn thận đến đâu, bạn không thể lúc nào cũng tự bảo vệ mình được – và tôi chắc chắn rằng may mắn đóng vai trò rất lớn. Không gì ngăn cản chúng ta thử sức. Thật dễ từ bỏ khi mọi việc trở nên khó khăn, nhưng chúng ta phải tiếp tục theo đuổi ước mơ và mục tiêu, như những con người tuyệt vời này đã làm, và một khi đã quyết định làm gì, chúng ta không nên nhìn lại và nuối tiếc.
Một quyết định mà tôi không hề hối tiếc là đề xuất của một luật sư người Mỹ gửi cho tôi vào năm 1984. Anh ta muốn tôi đầu tư vào một hãng hàng không vượt Đại Tây Dương. Trước khi đọc kế hoạch của anh ta, tôi đã muốn thực hiện nó rồi. Freddie Laker, người hùng thời niên thiếu của tôi, đã điều hành Skytrain, một hãng hàng không giá rẻ giữa Anh và Mỹ. Ông là người vĩ đại với những ý tưởng táo bạo, lấn át cả những hãng hàng không lớn. Ông muốn làm cho du lịch hàng không trở nên rẻ hơn, để nhiều người có thể sử dụng, và đáng lẽ nó đã thành công. Dù ông không mắc sai lầm, nhưng Skytrain đã sụp đổ vào năm 1982. Khi đọc đề nghị mới này, tôi nghĩ tới Freddie và chiếc máy bay tôi đã thuê để đi tới Puerto Rico. Sẽ tốn rất nhiều tiền, và tôi tự nhủ, “Đừng để bị hấp dẫn. Đừng nghĩ về chuyện này nữa.”
Nhưng tôi đã bị thu hút. Ý tưởng đó cứ bám lấy tôi mỗi khi nhớ lại cuộc dạo chơi Caribe trong thời kỳ trứng nước của Hãng hàng không Virgin. Tôi rất hào hứng và có thể hình dung ra được nó sẽ thành công đến mức nào.
Tôi có thể quyết định về con người và ý tưởng trong vòng 60 giây. Tôi dựa vào bản năng hơn là những bản báo cáo dày cộp; vì vậy, chỉ trong một phút tôi đã nhận thấy rằng hãng hàng không này là dành cho mình. Tôi đã từng sử dụng nhiều hãng hàng không, và đó là những trải nghiệm kinh khủng. Tôi có thể làm tốt hơn. Đó là một bước đi rất táo bạo, nhưng đáng làm. Không hề vội vã, tôi tính toán trong đầu những rủi ro và việc này đòi hỏi nghiên cứu thị trường. Tôi vẫn luôn nói rằng bạn không cần quá nhiều nghiên cứu tốn kém, hay chuẩn bị những tập tài liệu và báo cáo dày cộp để xác định liệu đó có phải là một ý tưởng hay và sẽ thành công hay không. Thường là, bạn chỉ cần hiểu lẽ đời và có một tầm nhìn rộng.
Vốn dĩ có một hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng bay qua Đại Tây Dương, với cái tên gây chú ý là People Express. Tôi đã cố gắng gọi điện thoại cho họ. Có vẻ như tất cả mọi người đều muốn bay, vì đường dây của họ luôn bận. Tôi đã gọi cả ngày nhưng không kết nối được. Hoặc là họ rất bận, hoặc làm việc không hiệu quả. Chính nhân tố châm ngòi đó đã khiến tôi quyết định rằng mình có thể điều hành một hãng hàng không tốt hơn. Tôi dành cả ngày cuối tuần suy nghĩ về nó. Đến tối chủ nhật, tôi đã quyết định. Làm tới đi!
Sáng thứ hai, tôi gọi tới tổng đài điện thoại quốc tế và hỏi xin số điện thoại của Boeing, công ty sản xuất máy bay lớn nhất nước Mỹ, đặt trụ sở tại Seattle. Do lệch múi giờ, tôi phải kiên nhẫn chờ đợi đến trưa mới nói chuyện được với một người sẵn sàng nghe và có thể cung cấp thông tin tôi cần. Tôi muốn biết giá của một chiếc máy bay phản lực chở khách cỡ lớn. Dù rất ngạc nhiên, nhưng họ vẫn lắng nghe. Họ có một chiếc máy bay phản lực chở khách cũ. Tôi hỏi rằng nếu nó không hoạt động tốt thì họ có nhận trả lại không. Họ đồng ý nhận, và điều này đã giúp tôi tránh được rủi ro. Cuối cùng, chúng tôi đã thống nhất được một cái giá hợp lý. Tôi đã nghiên cứu xong vấn đề này, và ngày hôm sau, tôi thảo luận với những người chung vốn ở Hãng đĩa Virgin.
Họ bảo tôi thật điên rồ. Tôi nói rằng tôi đã tính toán cẩn thận, cân nhắc cả lợi ích lẫn rủi ro, và chúng tôi có đủ khả năng tài chính. Nếu muốn công ty lớn mạnh, chúng tôi phải có tầm nhìn và khát vọng vươn tới những ngôi sao. Tôi không biết đó có phải là một suy nghĩ đúng đắn không, nhưng đó là suy nghĩ của tôi. “Tôi không muốn chúng ta cứ ngồi trên đống tiền như những kẻ keo kiệt. Tiền là để tiêu,” tôi nói.
Họ có vẻ vẫn chưa hài lòng, vì vậy tôi tiếp tục tranh luận. Tôi nói rằng Hãng đĩa Virgin đang kiếm ra rất nhiều tiền, từ những ban nhạc như Culture Club – và số tiền để gây dựng một hãng hàng không còn chưa bằng một phần ba lợi nhuận mỗi năm. Đúng là cần rất nhiều tiền, nhưng không nhiều hơn số tiền chúng tôi có thể đánh mất nếu không đầu tư. Tổng cộng khoảng hai triệu bảng, và nếu chúng tôi phát triển riêng hai công ty này thì Hãng đĩa Virgin sẽ được bảo vệ. Tôi chỉ ra rằng kể cả nếu mất hai triệu bảng, chúng tôi vẫn tồn tại. “Đó không phải là một rủi ro quá lớn. Và chuyện này sẽ rất vui vẻ.”
Họ chau mày. Họ không thích từ “vui vẻ”. Với họ, kinh doanh là chuyện nghiêm túc. Đúng vậy, nhưng nó không cần thiết phải khổ sở hay buồn tẻ. Với tôi, cảm thấy vui vẻ mới là quan trọng, ngay cả trong kinh doanh. Trên thực tế, đây là tiêu chuẩn hàng đầu của tất cả những dự án mà tôi đảm nhận. Tôi muốn sống hết mình. Tôi muốn hướng đến những mục tiêu mới. Tôi tranh luận với lòng nhiệt huyết, niềm tin và trực giác trong kinh doanh. Họ tranh luận rằng nếu tôi thực sự muốn có một hãng hàng không thì tại sao không đầu tư vào một hãng đã thành lập? Tôi đáp rằng điều đó quá rủi ro. Cách làm của tôi sẽ được bảo đảm với chỉ một chiếc máy bay, một mức tài chính tối đa và một công ty thành lập theo cách chúng tôi muốn để bắt đầu mọi thứ từ nền móng. Các công ty đã thành lập thường rất thủ cựu, không thể thay đổi và thích nghi – và cho tới nay, chúng tôi vẫn luôn gây dựng từ những ý tưởng của chính mình. Đó là điều làm cho Virgin và những đặc trưng của Virgin luôn tươi mới và dễ thích ứng. Khởi đầu một thứ hoàn toàn mới mẻ phản ánh cách sống mà tôi muốn, bằng cách đặt ra cho mình những thách thức to lớn, tưởng như không thể đạt được và cố gắng vượt qua.
Tôi phải đối mặt với thách thức này và thành công dù có bị phản đối gay gắt đến thế nào. Cuối cùng, những người chung vốn với tôi miễn cưỡng đồng ý, nhưng không thật hào hứng. Tôi quyết định sử dụng tên gọi sẵn có và đặt tên cho hãng hàng không là Virgin Atlantic. Bước tiếp theo là mời ngài Freddie Laker ăn trưa trong ngôi nhà kiêm văn phòng trên thuyền của tôi, nơi rất nhiều ý tưởng của tôi xuất hiện, để bàn về dự án. Với rất nhiều năm kinh nghiệm, Freddie sẽ giúp đỡ tôi rất nhiều và đưa ra những lời khuyên đúng đắn. Quan trọng nhất là ông hiểu những vấn đề gặp phải khi gây dựng một hãng hàng không. Ông phá sản không phải vì thiếu kiến thức hay có lối kinh doanh không đúng đắn, mà bởi những thủ đoạn xảo quyệt và gian lận của đối thủ. Hãng hàng không Skytrain của ông vẫn rất thành công cho đến khi các hãng lớn phá giá. Họ có đủ vốn tiếp tục làm ăn trong khi vẫn chịu được lỗ. Vì Freddie kinh doanh với số vốn nhỏ nên ông dần cạn tiền và phá sản. Ông kiện các đối thủ và thắng hàng triệu bảng, nhưng đã quá muộn cho ông và nhân viên. Trong bữa trưa, ông nói cho tôi cách thức hoạt động của một hãng hàng không, và đặc biệt là tôi nên đề phòng những gì.
Freddie nói, “Hãy đề phòng những thủ đoạn bẩn thỉu của British Airways. Những thủ đoạn đó đã khiến tôi phá sản. Đừng để họ làm như vậy với anh. Hãy cứ kịch liệt phản ứng! Sai lầm của tôi là đã không phàn nàn gì cả.”
Tôi không thích phàn nàn và chưa bao giờ tiếc rẻ những gì đã mất. Tôi tiếp tục tiến lên, nhưng luôn ghi nhớ một điều trong đầu. “Đề phòng những thủ đoạn bẩn thỉu. Phản ứng thật kịch liệt.”
Chúng tôi cũng bàn về vé hạng thương gia và hạng du lịch của Freddie. Ông khuyên tôi, “Đừng chỉ đưa ra một dịch vụ giá rẻ. Các hãng lớn có thể phá giá, như họ đã làm với tôi. Thay vào đó, hãy đưa ra những lựa chọn tốt hơn và dịch vụ chất lượng. Mọi người muốn tiện nghi, và họ đánh giá cao việc được chăm sóc chu đáo. Và đừng quên sự vui vẻ. Mọi người thích được vui vẻ.”
Tôi rất vui vì cuộc gặp gỡ này với Freddie – ông rất hiểu lòng tôi. Khi đưa ông lên bờ sau bữa ăn, ông bắt tay tôi và nói, “Chúc may mắn, Richard. Hãy sẵn sàng cho những sức ép lớn.”
Tất cả những lời khuyên của ông đều rất hữu ích khi tôi nói chuyện với chính quyền. An toàn là mối quan tâm rất lớn của họ, cũng như đảm bảo rằng hãng hàng không của chúng tôi có đủ vốn. Một hãng hàng không có đủ vốn không làm ăn cẩu thả mà đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn và quy định về an toàn, được bảo hiểm hẳn hoi và số tiền hành khách bỏ ra khi mua vé được an toàn. Một số hãng hàng không đã phá sản vì nợ hành khách số tiền khổng lồ. Mối quan tâm của chính quyền và những quy định về an toàn rất quan trọng, và tôi đảm bảo với họ rằng chúng sẽ được đáp ứng. Sự kiên quyết là yếu tố quan trọng khi tôi giải quyết các hợp đồng và đàm phán. Boeing khắt khe về các điều khoản trong hợp đồng đến nỗi, cuối cùng khi đạt được thỏa thuận, họ còn nói, “Bán một phi đội máy bay cho một hãng hàng không Mỹ còn dễ hơn là bán chỉ một chiếc cho Virgin.”
Khi đã có máy bay, tôi lập kế hoạch tài chính để tồn tại dựa trên khả năng chi trả. Sau đó, tôi thuê những người thích hợp và xây dựng một nhóm làm việc hiệu quả. Công việc dù khó khăn nhưng tôi rất kiên trì, luôn tìm cách mới để giải quyết vấn đề. Và thực sự, vấn đề là vô tận. Đúng như những gì mà ngài Freddie dự đoán, British Airways đã dùng đến những thủ đoạn bẩn thỉu chống lại chúng tôi. Họ thậm chí còn cố tiêu diệt chúng tôi bằng cách bôi nhọ tên tuổi tôi. Ngài Freddie nói, “Hãy kiện tên khốn đó!“ Tôi đưa British Airways ra tòa vì đã phỉ báng mình – và thắng kiện.
Khi Virgin Atlantic đi vào hoạt động năm 1984, không ai nghĩ rằng nó sẽ tồn tại quá một năm. Dù được báo chí ca ngợi nhưng chúng tôi cũng phải chịu nhiều lời gièm pha. Nhiều người cho rằng một ông chủ hãng đĩa không thể điều hành một hãng hàng không, nhưng họ không đánh giá đúng những nỗ lực để đạt thành công của chúng tôi. Chúng tôi đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để đi vào hoạt động từ đầu kỳ nghỉ hè, nhờ đó sẽ bù đắp cho mùa đông ít khách. Nhờ tính toán kỹ càng, chúng tôi đã thành công chống lại mọi khó khăn. Các ông chủ của nhiều công ty lớn ở Mỹ nói rằng tôi sẽ thất bại. Giờ đây họ đều đã phá sản, còn tôi vẫn đứng vững với nhiều hãng hàng không hơn bao giờ hết, và vẫn tiếp tục lớn mạnh. Khi nói rằng tôi muốn vươn tới các vì sao − tôi thậm chí còn không dám mơ rằng một ngày tôi sẽ hướng tới vũ trụ theo đúng nghĩa đen của nó – với Virgin Galactic.
Tôi rất táo bạo, đúng – nhưng không ngu ngốc. Tôi đã mạo hiểm khi gây dựng một hãng hàng không. Nhưng khả năng thành công là khá cao. Đó không phải là ván bài được ăn cả ngã về không, như trong trường hợp của người thắng cuộc chương trình The Rebel Billionaire, và tôi đã suy nghĩ thấu đáo cách kiểm soát rủi ro. Shawn Nelson hẳn đã được hết hoặc mất hết nếu mạo hiểm với đồng xu. Phải rất dũng cảm mới có thể từ chối được.
Dự án mạo hiểm tiếp theo của tôi là Tàu đường sắt Virgin vào năm 1991. Tôi nảy ra ý tưởng khi ở Tokyo nhận bằng tiến sĩ danh dự tại một trường đại học. Nhân lúc ở Nhật Bản, tôi tìm kiếm một địa điểm ở Kyoto để xây dựng một đại lý đĩa nhạc mới. Khi chúng tôi lên chiếc “Shinkansen” từ Tokyo đến Kyoto – còn được gọi là “Tàu lửa hình viên đạn” – tôi thấy rất tuyệt; nó là một kiểu mẫu của tương lai, chạy êm, nhanh và sạch sẽ, như trên máy bay vậy.
“Tại sao tàu hỏa ở Anh lại không được như thế này?” tôi nghĩ, và viết vài dòng ghi nhớ vào sổ. Đó là định mệnh. Tuần sau đó, chính phủ Anh tuyên bố phá bỏ hệ thống tàu cũ, đường sắt Anh, và cho phép các doanh nghiệp mới cạnh tranh trong việc quản lý và vận hành tàu. Tôi nhảy vào và nói rằng mình có hứng thú với vấn đề này. Tôi không ngờ tin tức lên mặt báo nhanh đến thế. Các báo giật tít: “VIRGIN THAM GIA VÀO NGÀNH ĐƯỜNG SẮT”. Họ nói đó là một bước đi táo bạo, dù cũng như với hãng hàng không, vẫn có những người cho rằng tôi sẽ thất bại. Phải mất tới năm năm, nhưng chúng tôi đã làm được. Chúng tôi đã sản xuất ra Pendolino, chiếc tàu nghiêng tiên tiến nhất thế giới. Tôi rất tự hào khi Joan, vợ tôi, gọi nó là Virgin Lady. Một lần nữa, chúng tôi lại đi trước tất cả mọi người, và tôi rất tự hào khi tin tức trên tivi nói rằng chúng tôi đã thực hiện được lời hứa của mình.
Từ thuở bé, tôi đã luôn được bố mẹ dạy rằng lời hứa là rất quan trọng và phải luôn được thực hiện. Họ nói, nếu không thể làm được thì đừng hứa. Từ nền tảng đó, tôi luôn cố gắng giữ lời hứa. Tôi đặt ra các mục tiêu và kiên trì theo đuổi chúng. Tôi cũng vững tin rằng thành công không chỉ cần may mắn. Bạn phải tin tưởng vào bản thân và biến nó thành hiện thực – khi đó, mọi người cũng sẽ tin tưởng bạn.
Tôi từng từ chối một số lời đề nghị làm ăn; và dù biết rằng tiếc nuối cũng chẳng để làm gì, nhưng phải thừa nhận là tôi đã để tuột mất một vài cơ hội tốt. Tôi đã có thể đầu tư vào Ryanair, một hãng hàng không có uy tín, nhưng lại từ chối. Ryanair vẫn đang lớn mạnh. Tôi cũng bỏ qua cơ hội đầu tư vào Trivial Pursuit và một hãng sản xuất radio quay tay. Đó đều là những ý tưởng hay. Nhưng cũng giống như mặt còn lại của đồng xu, tôi cũng đã từ chối đề nghị gia nhập Lloyd’s. Lloyd’s là công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới và bảo hiểm cho những thiệt hại lớn như bão và động đất. Trong những năm hầu như không có thảm họa thiên nhiên hay vụ việc nghiêm trọng nào như vụ bê bối về amiăng thì Lloyd’s làm ăn rất có lãi. Nhưng những năm gần đây, có nhiều vụ kiện lớn đòi họ bồi thường cho các nạn nhân của thuốc lá và amiăng. Vì vậy, từ chối Lloyd’s là một quyết định đúng đắn. Tôi suýt nữa đã mất cả một gia sản.
Trong cuộc đời, luôn có cái được và cái mất. Hãy vui mừng khi bạn chiến thắng. Nhưng cũng đừng tiếc nuối khi thất bại. Đừng bao giờ hối tiếc. Tôi biết mình không thể thay đổi quá khứ, nhưng tôi luôn cố gắng học hỏi từ nó. Không phải tất cả chúng ta đều có thể điều hành những hãng hàng không và xe lửa lớn. Nhiều người có những mục tiêu khiêm tốn hơn. Nhưng dù ước mơ của bạn là gì, hãy theo đuổi nó. Bạn hãy tỉnh táo nếu những rủi ro quá ngẫu nhiên và không thể lường trước được – như mạo hiểm với những yếu tố chưa biết, hay đánh liều tất cả khi tung đồng xu. Và hãy nhớ rằng, nếu bạn chỉ hướng tới một cuộc sống an toàn thì bạn sẽ không bao giờ biết được hương vị của chiến thắng.